CHƯƠNG 1
Tác giả: Nam Hàn
Người xưa có câu “đất có thổ công, sông có hà bá”. Những mảnh đất tốt đều có thần linh bảo hộ. Ngược lại, những mảnh đất không có thần linh ngự trị thì bị cho là không được tốt. Trong lòng người dân khi xưa luôn muốn nơi họ ở có thần linh bảo hộ. Nhưng chỉ có nhà vua mới được quyền ban sắc phong thần cho địa phương mà thôi. Phải có sắc phong vua ban thì địa phương mới được coi là có Thành Hoàng bảo hộ. Không dừng ở đó, Thành Hoàng cũng chia làm 3 phẩm, lần lượt là hạ đẳng thần, trung đẳng thần và thượng đẳng thần. Những nơi có Thành Hoàng rồi thì vẫn mong vua tiếp tục ban thêm sắc phong thăng phẩm thần cho Thành Hoàng của họ.
Vào những năm cuối Cảnh Hưng nhà Lê, xã Chòi châu Văn Uyên (sau này thuộc tỉnh Lạng Sơn), có một vị Âm Dương Đoan Công rất xông xáo muốn xã mình được vua ban sắc phong. Âm Dương Đoan Công không phải chức sắc gì trong xã, mà là một pháp sư chuyên lo việc thờ tự cho xã. Đặc biệt xã này có một vị rất cao tay ấn, được người dân tin tưởng. Vị thầy này cũng biết người dân trong xã rất tin tưởng mình nên tự cao gọi mình bằng cách gọi khác. Thầy nói rằng làm việc với quỷ thần thì cái quan trọng nhất là phải có cái uy, bản thân phải có chức sắc gì đó thì mới có uy mà sai khiến quỷ thần, từ đó thầy tự phong mình là Âm Dương Đoan Công, tức là quận công chuyên lo chuyện âm dương. Người dân trong xã thường gọi thầy là Đoan Công. Chuyện lớn nhỏ về thờ tự đều giao cho Đoan Công phụ trách. Việc kiến nghị lên triều đình, xin cho vua ban sắc phong Thành Hoàng cho xã cũng giao cho Đoan Công.
Không riêng gì xã Chòi mà cả tổng Cao Lâu đều chưa có Thành Hoàng cho vùng này. Cái danh tiếng của Âm Dương Đoan Công xã Chòi vang khắp cả tổng. Người dân xã khác cũng nhờ Đoan Công xin sắc phong giùm. Chỉ 1 xã nhỏ thì không ảnh hưởng được gì nhưng nhiều địa phương cùng kiến nghị thì có cơ hội được chấp thuận cao hơn.
Phải đến năm Chiêu Thống thứ nhất, vua mới phê duyệt ban cho 2 xã thuộc tổng Cao Lâu 1 đạo sắc phong. Vua thấy vùng này gần Mẫu Sơn nên ban luôn cho cả vùng một sắc phong trung đẳng thần, cai quản vùng đất xung quanh Mẫu Sơn trăm dặm với danh Khâm Thiên Ngự Đỉnh Mẫu Sơn Đại Vương.
Người dân vui mừng vì được sắc phong. Dân chúng bắt tay vào xây miếu Thành Hoàng để chuẩn bị nhận sắc phong từ triều đình đưa xuống. Đoan Công chọn chân núi Mẫu Sơn là nơi lập miếu.
Tưởng rằng ngày khởi công xây miếu là ngày vui nhưng không. Ngay đêm hôm đó, sau khi đóng cọc, bước đầu làm móng thì đêm đó xuất hiện bão tuyết. Tuyết rơi từ đêm đến sáng vẫn không dứt. Sáng hôm sau, do tuyết mà thợ không thể làm tiếp.
Nhóm thợ thấy lạ liền hỏi Đoan Công. Đoan Công đáp là do yêu ma tác quái. Yêu ma trong vùng cũng biết địa phương này sắp đón thần linh về ngự nên chúng gây ra trời tuyết làm dân không thể xây miếu. Bây giờ chỉ có gấp rút xây xong miếu, đón thần linh về thì mới trị được yêu ma.
Nhóm thợ nghe lời Đoan Công, làm việc luôn trong trời tuyết, mau chóng xây miếu.
Đúng như lời Đoan Công nói, tuyết này rơi bất thường. Miếu xây 5 tuần mới xong. Trong suốt thời gian đó đều có tuyết rơi. Nhiều thợ xây đổ bệnh. Mùa màn hư hại do tuyết, gia súc chết nhiều vì lạnh, sông hồ bị đóng băng. Nhiều thiệt hại xảy ra bất thường nên dân càng tin Đoan Công hơn và cố gắng chịu đựng đợi ngày thỉnh được thần linh về.
Rồi ngày ấn định cũng đến, Lễ Bộ cho người mang sắc phong xuống xã. Đoan Công phụ trách tiếp sắc phong, làm lễ đưa vào miếu. Dân chúng vui mừng vì xã đã có Thành Hoàng Bổn Cảnh.
Không vui được lâu, từ ngày xã Chòi có sắc phong, tuyết không ngừng mà cứ rơi. Liên tiếp 3 tuần kế tiếp tuyết rơi ngày càng lớn. Tuyết rơi ra khỏi phạm vi tổng Cao Lâu, vào cả thành Thăng Long. Đóng băng cả hồ Hoàn Kiếm, chết cả người. Người dân không ứng phó kịp với cái lạnh bất thường này nên chết rất nhiều. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có trận tuyết lớn đến như thế.
Ở xã Chòi, người dân khốn khổ vì tuyết cả tháng hơn. Người dân hỏi Đoan Công. Đoan Công cũng lắc đầu nói rằng đã đụng phải một đại yêu quái pháp lực hơn cả trung đẳng thần. Thành Hoàng của xã cũng không ngăn được yêu quái này. Chắc phải cầu triều đình ban cho sắc phong Thượng Ngàn Lê Mại Đại Vương về đây trấn giữ mới phong trấn được yêu quái nơi đây.
Bỗng có một ông cụ râu tóc bạc phơ đến cản Đoan Công nói “Đó không phải yêu quái. Đừng mất công xin. Người gây ra bão tuyết này thân phận không thua gì mẫu thượng ngàn đâu. Các người đang làm sai đó”.