Chuyện Lạ Mẫu Sơn Full


CHƯƠNG CUỐI


Tác giả: Nam Hàn


Đoan Công hỏi ông lão “Ông biết gì mà nói. Không phải do yêu quái thì do cái gì gây ra ?”.


Ông lão nói “Đó là do một vị thần cổ xưa mà nhiều người đã quên gây ra”.


Đoan Công hỏi “Thần nào ? Ông nói rõ xem”.


Ông lão bắt đầu kể một câu chuyện dài. Xưa rất là xưa rồi, người Việt vốn thờ phụng nhiên thần. Nhiên thần tức là các vị thần thiên nhiên được người Việt nhân cách hóa ra mà thờ phụng. Ví dụ thờ nước, thờ trời, thờ rừng,… Để mong được sự che chở của thiên nhiên, người Việt tự nhận mình là con và gọi các vị nhiên thần là Mẹ. Từ đó mới có các vị thượng thần được lưu truyền đến ngày nay như Mẹ trời hay còn gọi là Mẫu Thượng Thiên, mẹ nước hay còn gọi là Mẫu Thủy,… Mỗi vị được tin rằng ngự trị một cõi riêng, cai quản hết thảy sự việc cõi đó, các cõi còn được gọi là phủ. Mẫu Thượng Thiên thì ở Thiên Phủ, Mẫu Thủy thì ở Thủy Phủ,…


Thời xưa thiên nhiên khắc nghiệt, người Việt thờ rất nhiều nhiên thần. Về sau con người có nhà cửa để ở nên chỉ gói gọn nhân sinh quan trong 4 phủ. Là Trời, Đất, Nước và Rừng. Lâu dần, người Việt chỉ còn nhớ có nhiêu đó.



Họ quên rằng thời cổ xưa, trước cả thời Hùng Vương, người Việt có thờ Mẹ Tuyết. Mẹ Tuyết ngự trên Tuyết Phủ, phủ của ngài được cho là nằm trên các đỉnh núi cao tuyết phủ, ngài tượng trưng cho mùa Đông tuyết lạnh của nước Việt. Càng về sau, lãnh thổ nước Việt càng về phía nam, tuyết cũng ít còn thấy. Tuyết Phủ của ngài được gộp chung với núi cao. Mà cứ hễ là núi là rừng thì người ta lại nghĩ tới Mẫu Thượng Ngàn. Lâu dần, người Việt quên luôn có cả vị nhiên thần cai quản mùa Đông.


Mẫu Sơn ở châu này chính là nơi hiếm hoi ở đất Việt còn có tuyết, cũng là nơi mà Mẹ Tuyết cai trị. Đã quên thì không nói nhưng người dân lại cả gan dám lập miếu thờ một vị thần tưởng tượng khác ở Mẫu Sơn. Điều đó đã làm Mẹ Tuyết tức giận mà gây ra trận tuyết lịch sử này.


Ông lão kể xong hết ngọn nguồn rồi kêu người dân nên dẹp miếu.


Đoan Công không tin, cho rằng ông lão nói nhăng nói cuội. Ông lão nói điện thờ Mẹ Tuyết trên đỉnh Mẫu Sơn, có cách đây hơn 6000 năm rồi. Ai không tin thì lên đó thỉnh tội.


Hiếu kỳ, Đoan Công nhóm 7 người đàn ông cùng theo ông lão lên đỉnh Mẫu Sơn xem thực hư. Vừa hay ngoài trời cũng bớt tuyết rồi, có thể khởi hành ngay.


Mất nửa ngày, đoàn người đã lên được đỉnh Mẫu Sơn. Theo lời ông lão, họ đến được một bãi đá. Ông lão nói đó là điện thờ của Mẹ Tuyết. Nói là điện thờ nhưng trước mắt chỉ còn mấy miếng đá vụn ngổn ngang không thành hình thù gì. Ông lão nói do đã mấy ngàn năm không có người đến thờ cúng nên điện thờ đã tan nát từ lâu, đây chỉ còn tàn tích. Ngàn năm trôi qua, không được bảo dưỡng thì còn thứ gì chịu nổi. Đóng đá này nói từng là điện thờ cũng khó mà tin được. Nhưng nếu nhìn kỹ thì những mảnh đá vụn này có bàn tay con người tạo tác, trước đó nó phải từng là một công trình gì đó bị sụp đổ.

Đoan Công hỏi “Bãi đá này không thành hình gì, làm sao chúng tôi biết nó từng phải là điện thờ hay không ?”.


Ông lão nói “Điện thờ gốc đã sụp từ lâu rồi nhưng không phải ai cũng quên đi nơi này. Vua Hùng thứ 2 từng đến nơi này dâng Ngọc Chương để kính bái Mẹ Tuyết”.


Mọi người ngơ ngác hỏi “Ngọc Chương là gì ?”.


Ông lão đáp “Ngọc Chương là một đồ tạo tác bằng ngọc, dùng cho vua chúa tế bái thần linh. Vua nếu tế ở núi thì sau khi tế bái sẽ chôn luôn Ngọc Chương xuống đất, tế ở sông thì ném luôn xuống sông. Hùng Vương từng tế bái ở đây nên chắc chắn sẽ chôn Ngọc Chương ở nơi này”.


Mọi người nghe thấy có báu vật được chôn nơi này liền đào sới. Đào rất sâu, tốn mấy canh giờ, đã có một người đàn ông trong đoàn đào thấy Ngọc Chương. Ai nấy đều kinh ngạc.


Đoan Công ngơ ngác một lúc liền chạy lại giật Ngọc Chương rồi hô lớn “Đừng nghe ông lão này nói xằng. Chúng ta đã đến đúng điện thờ nhưng không phải điện thờ thần mà là thờ quỷ”.


Đoan Công chỉ vào Ngọc Chương rồi nói “Mọi người nhìn đi, nước Việt ta làm gì có tạo vật nào kỳ quái như vậy. Cây kiếm không ra cây kiếm, thẻ bài không ra thẻ bài. Đây rõ ràng là đồ vật của quỷ. Điện thờ này chính là điện thờ của ác quỷ gây ra bão tuyết suốt thời gian qua. Hãy nghe tôi đập hết cái điện thờ này đi để lũ quỷ không còn phá phách”.



Dứt lời Đoan Công vứt mảnh Ngọc Chương xuống đất làm nó vỡ tan tành. Mọi người thấy vậy cũng hưởng ứng đập phá điện thờ đá.


Ông lão hét lớn “Tất cả dừng lại. Các người đang xúc phạm thần linh”.


Bỗng gió nổi lên, kéo theo tuyết bay rợp trời. Đoàn người giật mình, có người sợ hãi hét “Qủy xuất hiện” rồi bỏ chạy.


Tuyết trơn, lại còn chạy loạn, có người vấp phải đá té luôn xuống vực chết. Có người chết càng làm mọi người hoảng sợ, chạy càng loạn.


Chỉ có duy nhất 1 người đàn ông là em trai của người bị chết ở lại khóc. Anh ta một phần vì đau buồn, một phần vì quá sợ rồi nên chạy không được.


Anh ta khóc lớn “Đúng là ác quỷ, bọn ta đã làm gì ngươi mà ngươi hại hết người này đến người khác”.


Ông lão chạy lại cố chặn miệng người đàn ông, nói nhỏ “Là thần, không phải quỷ, là thần”.


Anh chàng hét lớn hơn “Thần gì mà giết người !!”.


Ông lão nói “Mấy người xúc phạm thần linh nên thần linh trách tội. Nếu mấy người biết hiếu kính thì đâu ra nông nổi này”.



Anh chàng đáp “Thần thánh phải bao dung chứ. Thần thánh các người xuất hiện cả ngàn năm trước, chúng tôi sinh sau đẻ muộn, làm sao mà biết được. Các người là thần linh của tổ tiên chúng tôi, nếu có linh thiêng thì phải phù hộ con dân chứ. Tại sao lại giết con dân của mình chỉ vì chúng không biết. Mấy người giết dân như vậy thì nghĩ họ có còn tiếp tục thờ cúng mấy người không ?”.


Ông lão lặng người nhìn anh chàng một lúc rồi nói nhỏ “Cậu nói đúng. Không thể ép ai khác kính ngưỡng tôn thờ một ai khác mà họ không biết được. Càng ép càng đem lại ác cảm”.


Ông lão nói xong với anh chàng kia liền quay qua hô lớn vào khoảng không “Xin ngài đừng trách những người không biết chuyện này nữa. Qúa khứ của ngài là tuyệt đẹp. Xin hãy giữ ký ức đó mãi đẹp. Ngài trong lòng tôi luôn là một vị thần đáng kính. Tôi sẽ mãi giữ ký ức này”.


Nói xong ông lão lấy mảnh vỡ của Ngọc Chương cắt cổ chết tại chỗ. Chàng trai nhìn thấy, kích động quá liền ngất đi. Cơn gió tuyết cũng vừa lúc tan đi.


Từ sau chuyện này, tuyết cũng không còn rơi. Khắp nơi trở lại bình thường. Không chỉ thế, từ đó về sau trên đất Đại Việt không còn mùa Đông tuyết rơi nữa. Tuyết chỉ còn được thấy ở những đỉnh núi cao một cách tự nhiên. Mùa Đông cũng bớt lạnh hơn trước.


Một năm sau, mọi chuyện đã qua, mọi người cũng quên đi.


Năm thứ 2 Chiêu Thống, vua lại tiếp tục cho xã Chòi 1 đạo sắc phong nhưng lần này là phong nhân thần cho 6 người nhà họ Vĩ vì có công dẹp giặc vùng biên giới. Và chẳng có chuyện gì xảy ra nữa. Nhiều năm sau, thời Quang Trung cũng cho xã này 3 đạo. Nhiều năm nữa Gia Long cho 3 đạo, Khải Định cho 1 đạo. Khi nhắc đến Thành Hoàng nơi đây người ta chỉ nhớ tới 6 người nhà họ Vĩ chứ không còn nhớ chuyện Mẫu Sơn.



Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận