Chuyện Tháng Tư

Biên dịch: 1309

Bên trong hỗn loạn tiếng thùng lật, tiếng nước đổ, tiếng dê kêu.

Sau đó cửa lều hất lên, Vệ Lai lao ra, toàn thân đẫm nước, chắc chưa kịp lau sạch, chỉ xỏ vội quần soóc, trong tay là…

Không sai, một tay anh túm hai chân trước của dê, sầm sì lôi xềnh xệch ra ngoài. Dê kia bị xâm phạm mà hoảng cả hồn, hai chân sau ghì chặt xuống mặt cát nghe lạo xạo, cố công cố sức kéo mông về sau.

–Làm gì, làm gì vậy, mới nhìn có một tẹo, tính làm gì đây hả!

Sầm Kim phẩy phẩy mép khăn choàng lụa, thong thả tự quạt mát. 

“Vệ Lai này, anh là dân ngoại quốc, vừa tới làng người ta. Đấy là tài sản của dân làng, anh dám chém dám giết nó, dân làng sẽ kéo bè kéo cánh tới đập vỡ alô anh –- Rồi sẽ thành sự kiện ngoại giao mất.” 

Vệ Lai nghiến răng, đúng là trong nháy mắt, anh cực kỳ muốn thịt nó ngay. 

Nhưng cứ thả nó đi dễ dàng vậy, thật chẳng cam lòng. 

Anh tiếp tục lôi nó ra ngoài. 

Ánh mắt Sầm Kim vẫn theo sát. Vệ Lai dừng lại trước sân, chọn một cọc hàng rào to chắc, hùng hổ nhấc nó đứng lên, hai chân trước bắt chéo qua cọc, vòng dây thừng hai ba vòng rồi cột chắc lại. 

Chân móc trên cao chân chạm đất, nó kêu “Beee” một tiếng, ánh mắt tràn ngập tuyệt vọng: Theo thuyết tiến hóa của Darwin, nó vốn không nên đứng thẳng sớm thế này. 

Đứng đấy cho ông! 

Vệ Lai quệt nước trên mặt. 

May mà đã tắm xong rồi, thùng bị xô ngã cũng không phí bao nhiêu nước — Anh vào nhà, cầm lấy khăn mặt treo trên khung lều, hậm hực vừa lau nước trên người, vừa ngồi xuống cạnh Sầm Kim. 

Cô vẫn đang quạt quạt. 

Vệ Lai nhịn hết nổi: “Em không thấy con dê kia à?” 

“Không thấy.” Sầm Kim rất thành khẩn, “Lúc đó tôi còn mải nghĩ xem phải trả lời anh thế nào, cho nên… hoàn toàn chẳng để ý.” 

Được rồi, biết rõ là cô khó thoát khỏi liên quan, nhưng có thể làm gì được? 

Vệ Lai thở hắt ra: “Vậy em nói ở Somalia, tình hình hải tặc ra sao?” 

Sầm Kim nhìn anh: “Phát sinh chuyện như vậy, cứ thế… bỏ qua?” 

Chí ít nên phàn nàn vài tiếng, mắng mỏ đôi câu… Đây lại tỏ ra không hề gì, tiếp tục bàn về hải tặc, lòng dạ bao la biển rộng đủ để lái thuyền băng băng luôn rồi. 

Vệ Lai hỏi: “Sao nào, chẳng phải bị dê nhìn thôi à?” 

Sầm Kim cười cười: “Ai biết được, chuyện trong lều, dù sao cũng chỉ có anh và dê biết.” 

Vệ Lai nghiến răng ken két: “Nó vừa đi vào đã bị đá ra, mới mấy giây thì có chuyện gì được?” 

Sầm Kim ngoảnh đầu đi không nhìn anh, từ tốn phẩy mép áo, rầm rì: “Ai biết chứ, chớp mắt đã vạn năm, nháy mắt thành vĩnh hằng, vụ nổ Big Bang chỉ mất 1-2 giây, sau đó vạn vật sinh sôi.” 

Vệ Lai giận quá hóa cười, từ kẽ răng bật ra mấy tiếng: “Sầm Kim.” 

Sầm Kim quay đầu. 

Anh nâng tay chỉ vào cô, chưa chọc thẳng đến, xem như vẫn rất kiềm chế. 

Anh nói: “Em nên thấy may mắn vì đang là khách hàng đấy.” 

Quan hệ thuê mướn, một tờ hợp đồng, với anh, những điều này xác thực cũng có tác dụng ràng buộc. 

Đổi lại là Nai, khiêu khích anh kiểu này, đã bị lột da cho vô nồi hầm từ lâu. 

Đổi lại là Cây Cacao, đã bị chém thành củi hầm Nai luôn rồi. 

Em đây may lắm mới còn yên ổn ngồi đấy, chứ mà là bạn gái tôi thật thì chẳng cần phí lời như này, cứ lôi ngay lên… 

Sầm Kim lườm anh: “Khách hàng thì sao nào?” 

Cô hơi nghiêng đầu, hếch cằm lên, dọc bên cổ thoáng hiện nét xiên mảnh mai xinh đẹp, hút ánh mắt anh lướt một đường đến hõm xoáy nông nơi xương quai xanh và bờ vai mượt mà. 

Cổ họng anh khô rang, khi cất lời thì giọng đã trầm khàn, cần gấp ngay một xô nước lạnh để xối trong giội ngoài. 

Anh phải lảng qua: “Giờ em cứ cho tôi ít thông tin về hải tặc đi.”

***

Đúng là nên bàn tới hải tặc rồi. 

Que phát sáng lại nhanh chóng mờ dần, toàn bộ làng chài chìm trong bóng tối. Từng cơn gió biển thổi lại, mang theo tiếng sóng và vị tanh mặn nhàn nhạt. 

Sầm Kim đáp: “Hải tặc chính là ngư dân, những ngư dân rất nghèo. 

“Từ khi Somalia xảy ra nội chiến đến nay, hệ thống giáo dục và xã hội đã sụp đổ hoàn toàn, tỉ lệ mù chữ tăng cao, lên đến gần 80% dân số. Tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thức, nên đôi khi trong mấy nhóm hải tặc nhỏ, có tìm mỏi mắt cũng chẳng ra ai nói được. Chúng cần đàm phán với chủ tàu thì còn phải bỏ tiền thuê người biết tiếng Anh, phải thanh toán phí điện thoại đường dài.” 

Vệ Lai rất muốn cười: Tay hải tặc gọi điện cho anh kia có thể tính là thông thạo tiếng Anh, xem ra bảo Cá Mập Hổ là thủ lĩnh hải tặc to nhất xứ cũng chẳng sai – Trong tay đúng là có đủ các loại “nhân tài”. 

“Lòng thù hận của họ liên tục trương phồng: Đầu tiên là vùng biển mấy đời cha ông mình đánh cá, nay mình lại bị cấm vào, hễ vào là bị thuyền cá ngoại quốc xua đuổi; hai là chính sách đánh bắt vô tội vạ theo lối tận diệt, làm lượng cá sụt giảm đáng kể, cắt đứt nguồn sống của họ; ba là các phe phái quân sự hỗn chiến, vốn đã khiến nơi nơi đầy người chết đói, lương thực cứu trợ do Liên Hiệp Quốc đưa tới lại bị những kẻ có súng cướp đoạt…” 

Vệ Lai trầm mặc. 

Anh nhớ rõ lời cậu áo thụng nói với mình, ban đầu, Cá Mập Hổ chẳng qua chỉ là một nạn dân chờ nhận lương thực. 

“Mấy năm trước ở Ấn Độ Dương xảy ra sóng thần, bất ngờ làm lộ ra sự việc liên quan đến thảm họa sinh thái: Một vài quốc gia châu Âu lợi dụng chính phủ nơi này vô năng, mới chuyển rác thải phóng xạ hạt nhân và phế liệu chứa hóa chất độc hại của nước mình qua đây đổ. Nhưng sóng thần đã đẩy các loại rác độc này dạt vào bờ — Vô số người nhặt ve chai sống ven biển bị nhiễm phóng xạ, trong vòng một năm đã có hơn 300 người tử vong.” 

Vệ Lai thấy khó hiểu: “Châu Âu cách đây rất xa, sao lại chạy cả ngàn dặm để đổ rác?” 

“Châu Âu có tiêu chuẩn xử lý rác thải phóng xạ hạt nhân, chi phí xử lý 1 tấn rác là xấp xỉ 1.000 USD. Nhưng nếu gián tiếp ký hợp đồng với chính phủ nơi này, đổ 1 tấn chỉ mất 8 USD, đem ra so thử thì phí vận chuyển đâu đáng kể nữa.” 

Vệ Lai thở dài. 

Anh nhớ tới ông lão ở phố người Hoa gật gà gật gù giảng cổ văn: “Mọi người trên đời, ví như chùm hoa trên cây.” [1] 

Kết thai trong bụng mẹ, là nở cùng một cây; một chùm hoa trên cây, theo cơn gió thổi, nào biết sẽ rơi xuống đâu: Hố bùn, đệm êm, dưới chân, trước thềm. 

Bên kia quý giá, có rác độc thì sẽ niêm phong, cách ly, xử lý bằng công nghệ cao. Chẳng lẽ bên này lại thấp hèn? 8 USD, trút hết xuống, kế tiếp sẽ là nhiễm xạ, đột biến, tử vong. 

“Bởi vậy, rất dễ hiểu tại sao ngư dân bản địa thù hận hết thảy, thù hận người ngoại quốc, thù hận cả chính phủ. Thoạt đầu, khi thấy tàu thuyền ngoại quốc chạy qua, bọn họ lao ra cướp bóc, đập phá, bắt giam thuyền viên, thuần túy chỉ để hả giận. 

“Bỗng đâu có một hôm, họ phát hiện, thế mà chủ thuyền còn tìm người trung gian nhắn với mình, bày tỏ đồng ý trả tiền chuộc về — Hóa ra, không cần đánh cá vẫn có thể kiếm tiền. 

“Từ đó, một nghề mới ra đời.” 

Que phát sáng đã tắt ngúm, chiếc bóng lệch của con dê đứng thẳng đổ dài trên cát, kèm theo vài tiếng be be như đang nghẹn ngào. 

“Trừ phi trong tương lai quốc gia này có thể thật sự lớn mạnh, bằng không rất khó giải quyết vấn đề hải tặc, càng áp chế càng ngông cuồng — Hiện tại ngày càng có nhiều hạm đội hộ tống tàu thuyền qua vịnh Aden, nhưng các vụ hải tặc tấn công chẳng những không giảm, trái lại còn tăng lên. 

“Hơn nữa, đã có người tiến hành khảo sát, đến quá nửa dân chúng Somalia tán đồng loại hành vi này, họ cảm thấy hải tặc là anh hùng, giúp mình trút giận. Mặt khác, sau khi cầm được tiền chuộc, hải tặc sẽ ăn chơi đàng điếm – Thế là xuất hiện vài khu vực sống nhờ vào tiền của hải tặc, tạo thành một chuỗi dịch vụ đặc thù: Thực phẩm, rượu bia, thuốc lá, phụ nữ… Nói cách khác, hải tặc lại nuôi sống một nhóm đông dân cư.” 

Sầm Kim nói một hơi rất nhiều, phân tích cặn kẽ tình hình. Do ảnh hưởng của nghề nghiệp, đây là thói quen của cô, đã đề cập đến việc gì thì đều phải trình bày rõ ràng nguyên nhân bên trong, nhân tố bên ngoài ảnh hưởng và tiền căn hậu quả. 

Cô quay qua phía Vệ Lai, tự hỏi liệu anh có cảm thấy chán ngấy. 

Trong nhà quá tối, cô không nhận rõ vẻ mặt anh, chỉ có thể nhìn ra dáng người, cùng đôi mắt. 

Sầm Kim sực nhớ ra, dặn trước: “Ngày mai gặp hải tặc thì đừng săm soi bằng ánh mắt hiếu kỳ. Ngoại trừ những tay đầu sỏ, phần lớn bọn họ đều là một kiểu người nghèo, đi chân trần, không biết chữ, lòng đầy phẫn uất, lúc mắc bệnh chẳng có tiền chạy chữa, được chia tiền thì lập tức tìm chỗ ăn nhậu tiêu pha. Đừng tranh luận về đạo lý, logic, hay đâu là phạm pháp, bọn họ không hiểu được.” 

Vệ Lai im lặng hồi lâu, bật cười: “Luôn miệng nói với tôi chiếc tàu này chẳng quan trọng, thế mà vẫn lén làm không ít bài tập đấy nhỉ.” 

“Bài tập thì chưa làm — Lúc đến Thổ Nhĩ Kỳ, có người dúi cho tôi một cuốn tạp chí phân tích về hải tặc, rảnh rỗi mới lật xem thử.” 

Lòng Vệ Lai nao nao: “Em xem thật à?” 

“Không xem chẳng lẽ cứ cầm quạt thôi?” 

“Trên tạp chí còn nói gì vậy?” 

“Nói vài chuyên gia lên án chủ tàu trả tiền đầu tiên, cho rằng ông ta đã mở một tiền lệ cực xấu — Nếu hải tặc chưa biết còn có chuyện chuộc tàu này, có lẽ hiện nay đã chẳng diễn ra hàng loạt vụ cướp như vậy. Tính đến trước mắt, trong số tàu thuyền bị cướp ở vịnh Aden, khoản tiền chuộc phải trả cao nhất là 1,5 triệu USD.” 

Bảo sao toàn thế giới dõi mắt tập trung vào Sirius Star. Lần này hải tặc hét giá tới tận 20 triệu USD, chắc nhóm chủ tàu đều sợ người Saudi lại mở thêm một tiền lệ xấu. 

Vệ Lai nhỏ giọng, gần như đang thì thào: “Có thể hỏi… một vấn đề chứ?” 

Điều anh sắp hỏi, hẳn là thuộc loại bí mật thương mại, cho nên vô thức nhỏ giọng xuống, sợ tai vách mạch rừng — Mặc dù ngoài vách thực ra chỉ có dê. 

Sầm Kim hơi nghiêng người qua, cũng cố ý ép giọng thật nhỏ, giống đang ghé tai hội ý: “Anh nói đi.” 

Thật là… diễn sâu quá rồi đấy. 

“Người Saudi tính trả xuống bao nhiêu?” 

Sầm Kim vươn tay, đầu ngón tay chạm vào lưng bàn tay anh, viết nhẹ một số “5”. 

“5 triệu?” 

“Tối đa 5 triệu, thù lao cho tôi là 300 ngàn.” 

20 triệu và 5 triệu, đây không phải chặt mất một nửa, đây là muốn giật lại 15 triệu từ kẽ răng hải tặc rồi. 

Vệ Lai chau mày, cứ cảm thấy khó mà làm được. 

“Có nắm chắc không?” 

Sầm Kim cười: “Ban đầu tôi đồng ý, nhưng sau lại lên giá, tôi muốn 500 ngàn.” 

Vệ Lai cười theo: “Thật khéo quá, lần đấy hình như tôi cũng thấy tận mắt.” 

Anh vẫn nhớ như in cảnh anh chàng áo thụng Yanus bị cô nâng giá mà tức xì khói giậm chân. Chẳng những thế, cô còn không chấp nhận đặt cọc trước một nửa, yêu cầu chuyển khoản tất cả một lần duy nhất, lấy được tiền mới chịu xuất phát. 

Vệ Lai nghĩ chưa thông: “Sao anh ta lại đáp ứng?” 

“Bởi vì tôi nói với anh ta, cho tôi 500 ngàn, tôi sẽ giảm tiền chuộc xuống còn 3 triệu.” 

Vệ Lai hít sâu một hơi. 

3 triệu. 

Hải tặc chịu bỏ sao? Thế này không còn là nhả xương, rõ ràng là phải nôn cả miếng thịt ra rồi. 

“Vậy quý cô đây định đàm phán kiểu gì?” 

Sầm Kim đáp: “Sau khi lên thuyền, anh đừng bỏ sót bất cứ câu nào tôi nói với Cá Mập Hổ, sẽ biết ngay tôi đàm phán kiểu gì… Anh không tin tôi làm được nhỉ?” 

Vệ Lai nói: “Tin chứ.” 

Anh nằm xuống, gối đầu lên hai tay bắt chéo. Mấy thanh gỗ trên giường chỉ được gọt sơ nên xù xì lồi lõm, còn sót ít nhánh cây, cấn vào lưng anh nhưng nhức. 

Anh lặp lại lần nữa, đổi qua vẻ trêu đùa, thế nào cũng được: “Tôi tin lắm chứ.” 

Sầm Kim cười lạnh một tiếng đứng lên, bọc kín khăn choàng lụa, nói: “Vậy cứ chờ xem.” 

Cô đi thẳng vào lều, Vệ Lai nằm trên giường, nhìn hình bóng cô mỉm cười. 

Chính anh cũng không thể nói rõ — Khi cô thốt ra câu “Tôi sẽ giảm tiền chuộc xuống còn 3 triệu”, anh lại có một loại phấn khích và kiêu ngạo lạ thường. 

Bóng lưng cô rời đi, chẳng khác gì đấu sĩ xông pha chiến trường. 

Đi thôi, bước vào thế giới hải tặc mà hoán vũ hô phong, khuấy đảo cho lệch đất nghiêng trời, người rơi thuyền lật. 

Nguyện ý vì em dốc lòng hộ giá. 

Anh nhắm mắt lại, khi mơ màng chìm vào giấc ngủ, khóe môi không kìm được cong lên, thì thầm: “3 triệu.”



Trên cao ánh trăng sáng tỏ. 

Bên ngoài nhà tranh, bạn dê bị cột hai chân trước kia đã cam chịu số phận, ngoẹo đầu qua một bên, chán ngán âu sầu. 

Chẳng phải chỉ ngó chút xíu thôi à… Chẳng phải mới liếm một tẹo thôi sao… 

Cái đồ chảnh cún!

~♥~♥~♥~

Ghi chú:

[1] Mọi người trên đời, ví như chùm hoa trên cây: Câu nói của Phạm Chẩn với vị vương gia cuồng tín đạo Phật, trích từ Truyện Phạm Chẩn trong «Lương Thư», giải thích con người ta giàu sang hay nghèo hèn là do ngẫu nhiên, không phải vì nhân quả báo ứng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui