Biên dịch: 1309
Vệ Lai dậy rất sớm, một nửa là do hôm nay sẽ gặp hải tặc – những kẻ đã vô số lần chiếm trọn trang nhất của giới truyền thông toàn cầu, nhưng rất khó chạm mặt.
Phần lớn phóng viên phương Tây hiếu kỳ nghe danh tìm tới, đều bởi vì thế cục ở Somalia quá mức nguy hiểm, chỉ có thể tiếc nuối dừng chân bên nước láng giềng Kenya mà quan sát tạm, sau đó ra giá thật cao để mua tin tức về hải tặc.
Việc này thậm chí còn thúc đẩy một nghề mới phát sinh: Rất nhiều kẻ lừa đảo ở Kenya mặc quần áo rách nát, hóa trang thành hải tặc, rồi tìm những phóng viên kia nhận thù lao, tỉnh bơ nổ tung trời về cuộc đời sóng gió bão bùng trên biển, về thế nào là mưa máu gió tanh, tàn nhẫn vô tình — Trong khi thực tế, không ít người trong số đó còn chưa từng nhìn thấy biển.
Một nửa khác là do…
Tranh thủ trước khi dân làng rời giường, phải mau thả dê ra, nếu không thì chẳng thể giải thích rõ được — Ai mà tin nổi anh cột dê lại không phải vì muốn thịt nó chứ?
Dê kia nửa treo nửa tựa, thế mà còn ngủ được, lúc cởi dây thì tỉnh dậy ngay, hai mắt he hé mơ mơ màng màng.
Trời sinh nó đã có nét mặt già dặn tang thương, Vệ Lai càng nhìn càng tức, bèn đẩy lệch đầu nó ra: “Biến, đừng để bố thấy mày nữa! Tốt nhất là quên sạch chuyện tối qua đi, không thì chớ trách bố luộc mày.”
Chắc vì bị trói cả đêm, chân trước tê cứng chẳng đứng nổi, nó nằm rạp dưới đất một lúc lâu mới loạng choạng chống dậy, chân trước chân sau bước nhịp nhàng, hai mông run lẩy bẩy, cụp đuôi rời đi.
Làm sao quên được chứ. Các chuyên gia nghiên cứu đã phát hiện ra, trí nhớ của động vật có vú là cực tốt, bao gồm cả loài dê. Chúng chẳng những phân biệt được mặt người, một vài ký ức còn có thể duy trì trong thời gian dài, thậm chí, đôi khi sẽ lưu giữ suốt nhiều năm đằng đẵng.
Nó sẽ thường thường nhớ lại cái đêm cảm xúc mãnh liệt say đắm cùng gió xuân ấy.
Đậu mè, bị trói xuyên màn đêm.
***
Sầm Kim cũng không ngủ nhiều hơn bao nhiêu.
Tuy rằng trước kia nói rất thờ ơ như “Có phải chuyện gì to tát”, hay “Chẳng qua chỉ là một con tàu”, nhưng khi chuyện đã đến trước mắt, thật sự khó mà bình chân như vại được — Dù sao đấy cũng là tàu chở dầu lớn nhất thế giới, mức tiền chuộc đặt ra tính đến nay là cao nhất, còn được giới truyền thông của các quốc gia khuếch đại lên thành nhóm hải tặc “nguy hiểm nhất”.
Rửa mặt xong, ăn chút đồ khô, cô vào lều thay đồ.
Vệ Lai dùng một chiếc tô titan cán gập để nấu nước [1], xé sẵn mép gói cà phê hòa tan, chờ nước gần sôi thì xé hết ra trút vào, cầm thìa quấy quấy, rồi đặt qua một bên chờ nguội.
Một ngôi làng gần như nguyên sơ, một nơi vĩnh viễn không xua tan được mùi biển tanh mặn và mùi dê ngai ngái, bỗng nhiên thoang thoảng hương cà phê thơm ngát, khiến anh cảm thấy vừa kích thích vừa lãng mạn.
Sầm Kim bước ra, quần jean sáng màu dài đến mắt cá chân, áo thun trắng tay lỡ, so với mấy ngày trước thì trông hơi bảo thủ. Xem ra cũng biết giảm bớt ấn tượng về giới tính trước mặt hải tặc — Nhưng quái lạ là, mới đầu còn mang theo tận 5 bộ lễ phục với đầy đủ phụ kiện, cô tính mặc vào lúc nào chứ.
Cô chỉ chỉ túi hành lý đang mở sẵn cạnh Vệ Lai: “Trên thuyền sẽ có hết các vật dụng thiết yếu, đồ của chúng ta không cần đem nhiều, anh chuẩn bị quần áo thay trong năm ba ngày là được. Hành lý cứ bỏ cả vào ba lô của tôi, khỏi cần dùng túi của anh, còn lại cứ cất trong xe đi.”
Trước đó Santos đã nói qua, trong làng không có trộm vặt nên chẳng cần cửa, cũng chẳng cần khóa. Đôi ba lần hiếm hoi xảy ra mất đồ thì đều là tác phẩm của bọn dê.
Sầm Kim ngồi xuống đất, lấy ra thỏi son vuông vàng kim, xoay mở.
Thân thỏi son sáng bóng có thể tạm dùng làm gương. Mẩu sáp mềm oặt không ra hình thù gì, cô quệt ít màu bằng đầu ngón tay, thoa nhẹ lên môi.
Vệ Lai nhìn mà xuất thần.
Khi mới gặp đã cảm thấy, cô giống hệt một bức tranh đen trắng tương phản cực độ, môi đỏ và nốt son nơi xương quai xanh là có người quệt tay điểm xuyết, để hình ảnh thêm sắc thắm.
Nốt son à?
Anh để ý nhìn kỹ, đúng là cô vẫn đeo sợi dây chuyền mặt ngọc hồng lựu vắt ngang xương quai xanh kia. Đã lâu vậy rồi, hành trình biến chuyển bao lần, trang phục đổi thay bao lượt, quan hệ giữa họ triệt để xoay vần — Duy chỉ có sợi dây chuyền này, đến tận bây giờ vẫn chưa từng gỡ ra.
Nhất định là có ý nghĩa đặc biệt, ai đã tặng cô?
Sầm Kim cảm nhận được, hơi nghiêng thỏi son đang dùng làm gương, mặt gương ánh kim phản chiếu đôi mắt anh: “Nhìn gì thế?”
Vệ Lai không lảng tránh, thẳng thắn đáp lời: “Màu son rất đẹp.”
Cực kỳ hợp với cô, là màu rượu đỏ, không quá đậm, tôn lên nước da sứ trắng của cô.
Vệ Lai nghĩ bản thân sắc độ này cũng đã rất gợi cảm, có sắc đỏ nhiệt tình và độ trầm kìm nén, tự do phóng khoáng mà lại bảo thủ khắc chế.
Sầm Kim nói: “Tôi có mấy thỏi khác màu còn đẹp hơn nhiều, tự nhiên bị ai đó quăng hết khỏi vali.”
Vệ Lai sửa lời cô: “Đấy gọi là lịch sự cầm lên, cẩn thận đặt xuống một bên, không phải quăng.”
Cà phê đã nguội bớt. Chẳng có dư ly chén, anh bèn rút một tờ giấy chống thấm dầu mỡ trắng tinh ra, xếp thành chiếc ly hình nón, phần chóp nhọn được gấp ngang để tránh rỉ nước, tiếp đó rót cà phê vào, đưa cho Sầm Kim.
Phần còn lại trong tô thì tự mình uống trực tiếp, không mấy câu nệ.
Cô nhận lấy, uống nhanh rồi trả lại cho anh.
Vốn định tiện tay quăng đi — Đây là chỗ hay của loại giấy chống thấm này, có thể tự phân hủy, trong thời gian ngắn còn chịu được nhiệt độ cao, độ ẩm cao, gấp được thành ly, bát, đĩa, vừa tiện lợi vừa chẳng chiếm nhiều chỗ.
Nhưng lòng chợt xao động.
Anh hơi xoay chiếc ly gấp qua — Ngay mép ly có dấu son nhạt màu rượu đỏ, rõ nét đến từng đường vân môi.
Sầm Kim không nhìn anh, cô còn lo trang điểm lại.
Vệ Lai đặt nhẹ ly giấy lên quai xách đang rũ xuống của túi hành lý, ly đứng không vững, khẽ lay như sắp đổ. Có lẽ đến khi gió thổi, trong chớp mắt nào đó, nó sẽ lập tức ngã vào túi hành lý mở rộng.
Tự mình ngã xuống, chẳng trách ai.
Anh nhìn Sầm Kim: “Có thể hỏi một vấn đề chứ?”
“Có lúc nào anh không hỏi vấn đề sao?”
“Việc này đâu trách tôi được, tại em muốn mỗi ngày tôi phải viết nhận xét về em — Hỏi cho rõ thì viết mới đúng chứ.”
“Vậy anh có viết à?”
Vẫn đang chuẩn bị.
“…Tới khi giao ra không bớt xén câu nào là được rồi.”
“Anh định hỏi gì?”
“Thứ kia,” Vệ Lai chỉ trên cổ cô, “Sau sợi dây chuyền đấy có ẩn tình nhỉ?”
Sầm Kim dừng tay.
Thái dương đã lên cao, vài tia sáng chiếu vào thỏi son ánh kim trong tay cô, hắt ngược ra quầng sáng lóa mắt — Đến mức anh chẳng thấy rõ được nét mặt cô.
“Ừ, nhưng tôi sẽ không kể cho anh.”
Chẳng sao cả, Vệ Lai nghĩ mình có đủ kiên nhẫn. Mỗi một vấn đề, nhất định sẽ tương ứng với một đáp án, đến thời điểm thích hợp sẽ tự động hiện ra; thời cơ chưa đến, có thả bao nhiêu mồi ngon thì cũng khó lòng câu được cá.
“Vậy đổi một vấn đề khác, là đàn ông tặng sao?”
“Không, tôi tự mua đấy.”
Anh đáp: “À…”
Giọng hơi kéo dài, lòng bỗng nhẹ nhõm.
Anh đứng lên đi đến cạnh xe, lục ra gói thuốc, rút một điếu, châm lửa — Cây Cacao chuẩn bị cho, chắc là loại rẻ tiền nhất Sudan, bao bì đơn giản, mùi khói đặc biệt nặng.
Nhưng anh chẳng để ý, rít sâu một hơi, chậm rãi phun ra, trước mắt phủ một màn khói mờ.
Không phải do đàn ông tặng thì tốt rồi.
Mặc dù đến tột cùng có chỗ nào tốt, chính anh cũng khó nói rõ được — Đàm phán vừa kết thúc, chẳng phải anh sẽ phải cuốn gói đi ngay sao?
Chưa qua bao lâu, khi màn khói trước mắt tản ra, lan đến cuối con đường đất, nơi đấy hiện lên hai bóng người đang đi lại.
Vệ Lai hơi nheo mắt.
***
Hai tên, người da đen, đều dong dỏng cao, mặc sơmi chim cò phanh ngực, quần soóc rộng màu đen, bịt mặt bằng áo thun trắng, trong đó có một tên đeo kính râm, tên còn lại…
Vác súng.
Dòng AK, assault rifle (súng trường tấn công) [2], thân súng đen bóng, họng súng hơi đung đưa lên xuống theo bước chân hắn. Lưng Vệ Lai vô thức căng cứng, hầu kết khẽ động rất khó phát hiện.
Bầu không khí trong làng chài nhỏ cũng biến đổi.
Vốn nên là một buổi sáng nhộn nhịp tất bật, tựa như hôm qua, khói bếp bay lãng đãng, bọn trẻ dẫn dê con đi tắm, ngư dân giúp nhau vá lưới cá thủng…
Song chẳng biết từ lúc nào, trên đường làng chỉ còn lại đám dê lơ ngơ dạo quanh.
Trong mỗi căn nhà đều có người, nhưng họ không dám đi ra, từng cặp mắt sợ hãi lóe sáng sau khe hở trên bức vách. Thi thoảng, ánh mắt của vài người đối diện lại băng qua khoảng đất trống chạm vào nhau, bị mặt trời đổ lửa hun đốt mà run rẩy.
Hôm qua, anh và Santos có chuyện phiếm về hải tặc.
Santos nói: “Hải tặc hả, chúng tôi biết chứ, làng duyên hải nào mà chẳng biết.
“Hải tặc Somalia thì khét tiếng quá rồi, có điều là cách chúng tôi rất xa nên sẽ không tới đây. Vả lại, làng chài nhỏ thì có gì mà cướp chứ.
“Lúc ra biển cũng gặp vài lần, phải bọn hung hăng thì bắt thuyền, không hung hăng thì chỉ cướp hàng đi…
“Sợ nhất là chúng vác súng xộc vào làng, may mà lâu lắm rồi chưa xảy ra…”
Hai kẻ kia tiến lại gần, ý đồ rõ ràng, mục tiêu rõ rệt — Chỉ mỗi một nhà tranh này có xe van đậu bên ngoài, là nơi ở tạm thời của mấy người từ bên ngoài đến.
Đúng là chúng đang muốn tìm mấy người từ bên ngoài đến đấy.
Vệ Lai nhỏ giọng gọi cô: “Sầm Kim?”
Chưa cần anh nhắc nhở, cô đã đứng ra phía sau, nói: “Chúng… tới rồi.”
…
Hai kẻ kia dừng lại ở khoảng cách chừng hơn vài mét.
Vệ Lai có thể cảm nhận được mình bị xem nhẹ — Chúng chỉ nhìn chòng chọc vào Sầm Kim, thái độ kỳ dị, dò xét đánh giá từ trên xuống dưới, rất thiếu thiện ý. Sau đó mở miệng: “Cô đến đàm phán à?”
Phát âm trọ trẹ.
Vệ Lai đáp thay: “Đúng thế.”
“Vậy đi thôi.”
Thật là không một lời thừa, Vệ Lai bật cười: “Chúng tôi chưa xếp hành lý xong.”
“Vậy xếp mau lên.”
Hải tặc đều lời ít ý nhiều thế này sao? Có phải vì không thạo tiếng Anh, nên cố gắng càng ít nói càng tốt?
Vệ Lai sửa sang lại lần cuối, lật túi thiết bị ra, bên trong có món vũ khí do Cây Cacao chuẩn bị cho anh — Súng ngắn Desert Eagle (đại bàng sa mạc) [3], đem so với AK nhà người ta thì rõ là đồ chơi trẻ con…
Vừa cầm lấy chuẩn bị nhét vào sau lưng, bên tai bất chợt vang lên tiếng mở chốt, tên vác súng kia đang đặt súng ngang tầm, họng súng gần như dí sát tai anh, quát: “CẤM MANG SÚNG!”
Vệ Lai nói: “Hey, hey, bình tĩnh nào.”
Ngón trỏ anh móc lấy súng ngắn, chậm rãi giơ hai tay lên làm tư thế đầu hàng, xong mới đứng thẳng dậy, xoay lại. Trước tiên ra hiệu cho Sầm Kim: “Em tới sát sau lưng tôi.”
Sầm Kim bước qua. Hình như tên vác súng kia rất khẩn trương, ánh mắt hung hãn, họng súng đè chặt lên ngực anh.
Vệ Lai nhìn hắn, thái độ ôn hòa: “Tôi là vệ sĩ, đâu có lý nào vệ sĩ không được mang súng.”
Tên đeo kính râm đi lại gần, cầm thân súng kéo ra sau, dời mũi súng khỏi người Vệ Lai. Gã nói: “Không được đem súng lên thuyền bọn tôi. Các anh đến đàm phán, người đàm phán cần hòa bình, không được mang súng.”
Khỉ mốc, bọn mi cũng đến đàm phán đấy, sao vẫn mang súng, còn dám chĩa vào ông?
Vệ Lai dằn ngọn lửa trong lòng xuống, chờ giây lát, lại mỉm cười, đáp: “Được thôi.”
Cổ tay anh hẩy nhẹ, vứt Desert Eagle lên bãi cát cách đó vài mét: “Vậy thì khỏi mang.”
Tên ôm súng vẫn chẳng mất cảnh giác, thò chân qua, cấp tốc đạp lên khẩu súng, di lại gần, đoạn vội vàng nhặt lên, cắm vào sau lưng.
Vệ Lai chậm rãi thả hai tay xuống: “Tôi xếp hành lý tiếp được không?”
“Xếp đi, làm mau chút.”
Vệ Lai thầm chửi bậy một câu, đi đến cạnh Sầm Kim cầm túi lên, thì thào: “Ít nhất Cá Mập Hổ cũng phải nói một tiếng với đàn em chứ! Em đã cứu mạng gã, mấy tên này gặp em thì phải biết lịch sự… Xem ra, Cá Mập Hổ đâu phải kiểu người có ơn tất báo.”
Sầm Kim chẳng đáp lại, qua một lúc, sẽ giọng hỏi: “Không có súng, ổn chứ?”
Vệ Lai nhăn nhó: “Tôi chẳng muốn dọa em đâu, nhưng đây là tình huống bết bát nhất, rất nguy hiểm…”
Hai tay buông thõng của Sầm Kim bất giác siết chặt.
Vệ Lai thu hết vào mắt, giữ nguyên vẻ mặt.
Anh kéo khóa túi, đóng sầm cửa xe, bỗng nhiên bật cười, nói: “Không sao đâu, trêu em thôi. Cấm tôi mang súng à… Súng của chúng đều là của tôi, tôi muốn dùng thì dùng — Đỡ phải tự cầm vướng chân vướng tay.
“Sau khi lên thuyền, lỡ mà phải đánh nhau thì em nhớ mở to mắt vào, đừng bỏ sót bất kỳ động tác chất lừ nào của tôi… Em sẽ biết thế nào là vệ sĩ chủ lực.”
~♥~♥~♥~
Ghi chú:
[1] Tô titan cán gập:
[2] Assault rifle: Dòng súng trường thông dụng có lực bắn trung bình. Một khẩu AK-47:
[3] Desert Eagle: Dòng súng ngắn bán tự động nòng lớn, có lực sát thương cao nhưng độ giật rất mạnh và số lượng đạn trên 1 băng khá ít, vì trông rất ngầu nên dùng làm màu là chính. Một khẩu Desert Eagle Mark XIX: