Chuyện Tháng Tư

Biên dịch: 1309

Trước khi ngủ, Vệ Lai đi thăm Sầm Kim.

Nơi này, ngoài cửa có người thay phiên canh gác, trong phòng được bài trí rất phổ thông, không có gì đặc biệt. Thoạt nhìn, Vệ Lai cảm thấy khá giống chỗ trọ của mình ở Helsinki — Chỉ để ít đồ dùng sinh hoạt cơ bản.

Khác biệt duy nhất, thậm chí khác biệt này còn khiến người ta ngột ngạt hơn, là một mặt tường với chi chít chữ.

Kích cỡ và kiểu chữ đều bất đồng, phần nhiều là tiếng Anh, xen lẫn với ngôn ngữ khác, tựa như lời sám hối trước phút lâm chung, có cầu nguyện, có tô vẽ, cũng có mấy đoạn nhắn gởi dài thượt. Áp lực trong Vệ Lai đột ngột tăng vọt. Sầm Kim dường như biết anh đang nghĩ gì: “Phòng này chắc là dành riêng cho những người sắp bị xét xử. Tới một, đi một, hiện tại là đến lượt em.” 

Bên tường có kê bàn, trên bàn bày đủ loại bút. Vệ Lai cười nhạt: Đúng là suy xét rất chu đáo, còn chuẩn bị cả những thứ này. 

Anh dắt tay Sầm Kim, đi đến sát tường xem thử. 

Có người viết liên tiếp mười mấy chữ “sorry”, nét bút nguệch ngoạc, cuối câu là: Nguyện xin Chúa thứ tha. 

Có người viết “sorry” cho thân nhân, hối hận vì lỗi lầm mình đã phạm, lại để người nhà gánh chịu nỗi đau. Rồi dặn vợ đừng để con cái biết được sự thật, xin vĩnh viễn đừng nhắc đến. 

Có người cuồng loạn: Đâu phải tôi giết người! Lúc ấy tôi bị quỷ ám, chứ bản thân tôi chân thật chưa từng giết ai! 

Có người chửi như tát nước: Không có chiến tranh thì sao tao lại giết người? Mấy thằng đầu sỏ mới phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Dựa vào đâu mà bắt tao gánh tội! 

Cũng có người cực phẫn nộ: Tôi chỉ giết vài người thôi, XX đáng chết hơn nhiều đấy, sao chưa bắt nó đi! 

Vệ Lai lẩm bẩm: “Thái độ gì thế này.” 

Sầm Kim tiếp lời: “Là kiểu ‘Mình không sợ nghèo, chỉ sợ chúng nó không nghèo như mình’ đấy.” 

Hai người cùng bật cười, cười đến trầm lặng. 

Một mặt tường, một mặt chữ, đằng sau lại là cả thế giới lập thể rộng lớn phức tạp. Trút bỏ thân phận kẻ thủ ác và bên bị hại, thực ra họ đều là con người. Đã là người thì sẽ có tình cảm, nhớ thương, bạn bè, gia đình, ràng buộc… Mỗi một mối dây nối qua, đều đủ để lòng người thổn thức. 

Vệ Lai hỏi Sầm Kim: “Nếu là em, em sẽ viết gì?” 

Sầm Kim nhặt lấy cây bút bên tay, tìm tới tìm lui trên tường, cuối cùng thấy được một chỗ trống nhỏ, bèn nhón chân hí hoáy. 

Cô viết là: Nguyện Vệ Lai cả đời bình an. 

Ký tên: Sầm Kim. 

Vệ Lai cười: “Cái cô này, viết chữ Trung tệ thế, chữ ‘Kim’ ngừng bút lâu…” 

Khóe mắt chợt cay, chẳng nói được nữa. Dừng trong chốc lát, lại cười: “Em thế này là thiếu đạo đức lắm đấy, biết không?” 

Sầm Kim đáp: “Em biết chứ, loại thời điểm này, em phải tránh mấy cử chỉ gây cảm động, hay làm anh vướng bận sâu hơn. Có lẽ em phải tỏ ra lạnh lùng, đuổi anh đi, nói trước giờ em chưa từng yêu anh, tất cả đều là vui đùa qua đường, nhưng mà…” 

Giọng cô nhẹ bẫng: “Em sợ mình chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa. Em nghĩ điều cuối cùng để lại cho anh, phải là tình cảm chân thật của mình. 

“Nếu như không có anh, hiện tại sẽ là thời điểm giải thoát nhất trong đời em. Cái chết chẳng đáng sợ, em đã chuẩn bị sẵn sàng từ rất lâu rồi.” 

Cô ôm Vệ Lai, khẽ tựa đầu vào ngực anh. 

“Lo lắng duy nhất hiện giờ chỉ có anh thôi, chỉ hi vọng anh sẽ sống thật tốt. Bất kể kết quả thế nào, anh đều phải khỏe mạnh, chúng ta đã giao hẹn rồi. Phải sống cho tốt, ăn ngon ngủ kỹ, ngày kỷ niệm mua hoa cho em. Còn nữa, bất kể sau này anh yêu ai, cũng cấm đem em ra so sánh. Cái gì mà xinh đẹp dịu dàng hơn em ấy, dẹp hết đi, cấm tiệt đấy nhé.” 

Vệ Lai phì cười, một tay anh ôm cô, tay kia cầm lấy bút của cô, nhìn hàng chữ trên tường. Sau đó khoanh vòng hai chữ “Vệ Lai”, vẽ mũi tên đưa đến cạnh chữ ký “Sầm Kim”, rồi bổ sung hai chữ. 

Đổi thành: Nguyện hai ta cả đời bình an. 

Ký tên: Sầm Kim & Vệ Lai. 

Hai người đã kề sát bên nhau thế, ước nguyện này không nên ước ra cô độc. 

Anh cúi đầu hôn tóc cô, nói: “Sẽ có cách thôi.”

***

Về lại phòng, Vệ Lai vừa ngả lưng đã kéo thẳng chăn trùm kín đầu. 

Cây Cacao ngồi trên giường xem báo, chưa qua bao lâu, tờ báo từ từ dịch xuống, lộ ra đôi mắt. 

Cậu ta khuyên: “Vệ, anh đừng trẻ con vậy chứ, từ lúc gặp mặt đã chẳng thèm nói tiếng nào với tôi.” 

Vệ Lai kệ xác cậu ta. 

“Giờ đáng lẽ tôi đang ở Uda ôm vợ đấy! Vì anh mới phải lết xác qua cái chỗ chán ốm này, cả ngày toàn phải đọc báo, đọc tới mức phát bệnh rồi. Ở đây còn thua xa Nam Sudan. Bên Nam Sudan ấy, ít ra còn có bia…” 

Vệ Lai kéo mép chăn xuống, cười lạnh: “Tới vì tiền chứ gì! Đối chọi với tôi thì hay lắm nhỉ.” 

Cây Cacao phản bác: “Sao lại nói thế. Trang sức vàng ròng của bà xã tôi mà gom lại, chí ít còn nặng hơn cả ký, tôi có giống hạng người hám tiền đó không? Từ trước 8 tuổi tôi còn chả có quần lót mặc, tôi có giống hạng người chẳng chịu nổi nghèo khó không?” 

Cuộc sống này đúng là đầy những nghi vấn: Loại chuyện trước 8 tuổi không được mặc quần lót đó, đến tột cùng là có gì đáng tự hào? 

“Tôi và Nai đã bàn bạc, biết người bình thường không chế ngự nổi anh, cho nên tự tôi phải đi một chuyến tới xem chừng, để tránh việc anh bị cô kia mê hoặc mà lầm đường lạc lối, về sau hối hận cũng đã muộn. Cái cô Sầm kia, tôi có nghe qua rồi, anh đừng để lời ngon tiếng ngọt lừa gạt đấy Vệ! Người ta là nhà văn, tiện tay là bịa ra được cả đống thứ.” 

Vệ Lai chỉnh lại: “Nhà xã luận.” 

Cây Cacao thấy chẳng khác gì sất, cứ viết chữ thì đều là nhà văn. 

Cậu ta càng nói càng hăng: “Phụ nữ hay xạo lắm ấy. Bà xã tôi mua quần áo nhé, chả bao giờ chịu báo giá thật, tôi đây biết tỏng mà không nói toạc ra thôi. Vệ, đàn ông có thể vờ ngu, nhưng đâu thể ngu thật!” 

Vệ Lai đáp: “Lời Sầm Kim là sự thật.” 

“Bằng chứng đâu?” 

“Tạm thời chưa tìm ra, nhưng sẽ có.” 

“Phải tìm bao lâu, 100 năm hả?” Cây Cacao hết sức hùng hồn, “Vệ, lời này của anh mà truyền ra, người ta sẽ cười cho thúi mũi. Từ nay đám tội phạm sẽ cãi, ‘Chúng tôi bị oan, có điều tạm thời chưa thấy bằng chứng’, xong cứ treo án đó tới già. Vậy chẳng phải cả thế giới sẽ loạn hết à? 

“Tóm lại, anh không làm bậy thì không sao, tôi chỉ đến để phòng ngừa anh nổi máu liều thôi.” 

Nói đến mức hứng chí, Cây Cacao quẳng luôn tờ báo, chạy lại ngồi xổm bên giường Vệ Lai: “Hay là… đá cô ta đi? Cứ chia tay là êm ngay.” 

Vệ Lai cười nhạt: “Nếu bà xã cậu phiền phức quá, cậu cũng bỏ luôn chắc?” 

“Bỏ chứ, xong rồi cưới người khác thôi.” 

Vệ Lai tức đến mức vết thương nhoi nhói, phải tạm dừng, lại đột nhiên lật người xuống đất, chỉ vài bước đã vọt ngay tới giường đối diện, nhấc bộ hàm cá mập kia lên, ném vèo ra ngoài. 

Một giây lặng ngắt trôi qua, Cây Cacao cáu tiết: “Ơ đậu có việc thì nói năng tử tế nhé, ném hàm cá mập của tôi làm gì!” 

Tối đó, Cây Cacao thề, trước khi trời sáng sẽ không thèm đếm xỉa tới Vệ Lai!

***

Ngày hôm sau, Cây Cacao dậy rất sớm, đang tính chào Vệ Lai, lại sực nhớ khúc mắc chưa giải quyết, mặt lập tức sầm sì, động tác đánh răng rửa mặt cực mạnh, còn đá văng cửa, ra ngoài tản bộ. 

Vệ Lai chẳng bị ảnh hưởng, tiếp tục kéo chăn, cứ ngủ như thể đang ở giữa bốn bề tĩnh lặng. 

Nửa tiếng sau, Cây Cacao hấp tấp xộc vào, hét to: “Vệ! Vệ! Anh đoán xem tôi thấy ai?” 

Cậu ta nhào đến mép giường, lật tờ báo soàn soạt. Vệ Lai chống người dậy, đầu óc hơi lơ mơ: “Ai cơ?” 

Cây Cacao quên béng luôn vụ chiến tranh lạnh với Vệ Lai, rút roẹt ra một trang: “Tìm được rồi.” 

Cậu ta đưa báo tới trước mặt Vệ Lai. 

Một bức hình lớn, chiếm non nửa trang báo, trong đó có 7-8 người đứng vỗ tay, tiêu đề là — Bảo tàng Tưởng niệm Quốc gia được phê duyệt, chuẩn bị khởi công. 

Vệ Lai lười nhác nhìn mặt báo lớn kia: “Gì đấy?” 

“Vết Thương Tháng Tư tròn 6 năm nên có hoạt động tưởng niệm, dự án xây dựng Bảo tàng Tưởng niệm Quốc gia được thông qua. Mấy người này đều là quan chức chính phủ, ở giữa chính là tổng thống.” 

Vệ Lai vẫn còn u mê: “Cậu gặp… tổng thống?” 

Cây Cacao lắc đầu, chỉ vào bên cạnh: “Ông này này, chí ít hiện đang là nhân vật thứ tư, thứ năm ở Kallon, bài viết phía dưới có nhắc riêng tới đấy, tự anh đọc đi. Nói ông ta lên nhanh như diều gặp gió, nhất là chủ trương lùng bắt tội phạm chiến tranh của ông ta rất được dân tâm. Mấy năm trước ông ta còn tổ chức diễu hành thị uy, chỉ trích chính phủ thất trách trong việc truy bắt. Sau thì nhận được phiếu ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử, cộng thêm chính quyền đương thời rất tán thưởng, bởi vậy mà từng bước lên cao.” 

Vệ Lai đã hiểu ra: “Cậu gặp ông ta ngoài cổng à?” 

“Ừ, thấy xuống từ một con xe chống đạn, có mấy người vây quanh. Cái khí thế ấy nhé, tôi bảo vệ nhiều người rồi, vừa nhìn đã biết nhân vật tai to mặt lớn, xung quanh toàn vệ sĩ. Tôi mới bảo sao trông quen quen…” 

Lời còn chưa dứt, Vệ Lai bỗng chộp lấy tờ báo, đứng dậy đi ra. 

Cây Cacao ló đầu nhìn, thấy Vệ Lai chặn mặt sẹo trong sân.

***

Vệ Lai giơ tờ báo ra trước mặt mặt sẹo, chỉ vào người trên hình vừa nãy Cây Cacao nhắc tới: “Ông này, sẽ đến dự phiên tòa ngày mai à?” 

Mặt sẹo cân nhắc giây lát, chắc là nhận thấy có giấu giếm cũng chẳng mấy khác biệt, bèn gật đầu: “Ừ.” 

“Anh nói vụ án của Sầm Kim rất đặc thù, là bởi vì quan lớn chính phủ Kallon chú ý sao?” 

Mặt sẹo không phủ nhận: “Thứ nhất là tính chất quá mức tàn bạo, thứ hai, được quan lớn chú ý cũng có thể xem là nguyên nhân — Điều này có gì lạ đâu? Vụ việc do cấp trên đặc biệt quan tâm, đằng nào thì người chấp hành cũng phải thận trọng hơn chứ?” 

Vệ Lai cười lạnh: “Phải rồi, các người có mắt xích nối đến cả giới chính trị đấy.” 

Mặt sẹo nhún vai: “Cho anh biết cũng chẳng sao, đây là ông Ennu, người sáng lập Bàn Tay Thượng Đế. Vào thời hậu chiến, chính phủ không mấy tích cực với việc truy nã tội phạm chiến tranh, ông ấy đại diện cho một nhóm quan điểm chính trị, từng tổ chức biểu tình. Hình ảnh ông ấy và những người ủng hộ bị ném bom cay giải tán, đến nay vẫn còn được phát lại trong các chương trình liên quan. 

“Quy mô ban đầu của Bàn Tay Thượng Đế rất nhỏ, không hơn tổ chức vệ sĩ sau lưng anh là bao — Nhưng nhờ vào việc ông Ennu có khởi sắc trong sự nghiệp chính trị mà nó mới lớn mạnh. Đồng thời, Liên Hiệp Quốc đã thành lập tòa án chuyên trách sự kiện diệt chủng tại Kallon; trong 6 năm, khởi tố chưa đến 20 tên, tốn kém hơn 300 triệu USD, nhìn vào tốc độ tiến triển này thì chính phủ cũng chẳng ngồi yên được. Nghe đâu Nội các vừa biết chuyện đã liên tục bí mật thảo luận, chuẩn bị đưa Bàn Tay Thượng Đế vào biên chế, trở thành đơn vị hỗ trợ tòa án, sớm hay muộn chỉ là vấn đề thời gian thôi.” 

Mất thật lâu Vệ Lai mới thốt lên: “Vậy chúc mừng các anh.” 

Đây là chuyện tốt, nhưng không phải tin tốt. Bàn Tay Thượng Đế sắp được đưa vào biên chế, mai này lực lượng quốc gia có thể danh chính ngôn thuận can thiệp và giúp đỡ. Cho dù Sầm Kim trốn thoát được, thì cũng khó lòng sống thoải mái, an nhàn. 

Có lẽ đúng như mặt sẹo nói, hi vọng duy nhất chính là tìm ra chứng cứ. 

Nhưng chứng cứ ở đâu?

***

Buổi xét xử được ấn định vào 6 giờ tối, trước lúc đó, Vệ Lai gọi một cuộc điện thoại cho Nai. 

Nai khuyên bảo hết nước hết cái: “Vệ à, đâu phải mọi người muốn đối nghịch với cậu. Tôi đã trao đổi rất lâu với đối phương, đối phương chỉ có một yêu cầu: Chứng cứ đập chứng cứ. Đến chừng đó, cậu phải tôn trọng kết quả phán xử.” 

Vệ Lai hỏi: “Anh có tin lời Sầm Kim không? Nói thật đi.” 

Nai im lặng giây lát: “Cậu biết đấy, ngay từ đầu tôi đã thấy cô ấy cứ lạ lùng kiểu gì. Cô ấy khôn khéo vậy, muốn bịa chuyện kín kẽ không sơ hở là quá dễ dàng.” 

Vệ Lai cười khổ, tạm dừng rồi dặn: “Như vầy đi, trước khi có kết quả, anh cố gắng giúp tôi một việc. Xem thử mấy bài xã luận của Sầm Kim, nghe bảo cô ấy có chuyển biến lớn trong phong cách, tôi muốn biết thời gian cụ thể. Còn nữa, vụ Jeremie bị mưu sát, tôi muốn biết thêm nhiều chi tiết hơn.” 

Gác điện thoại xuống, Cây Cacao liếc nhìn anh: “Có ích gì chứ?” 

Vệ Lai đáp: “Việc này giống đào giếng ấy, mới đào 2 mét đã bỏ cuộc thì vĩnh viễn sẽ chẳng có nước.” 

Nếu cứ đào mãi thì sao, có lẽ vẫn chẳng có nước, nhưng chỉ cần chưa buông xẻng xuống, tiếp sau đó sẽ có hi vọng. 

Mà chỉ cần hi vọng chưa hao mòn hết, anh sẽ không định dừng tay.

***

6 giờ. 

Phiên tòa diễn ra tại một căn phòng bình thường trong góc khuất của viện an dưỡng, cơ cấu tổ chức được phỏng theo mô hình tòa án thông thường. Bồi thẩm đoàn gồm chừng hơn chục người, có đôi ba người đội mũ đeo khẩu trang, không muốn lộ mặt, còn lại hình như đã quen thuộc với trường hợp này, nên chẳng tỏ ra sợ hãi hay hiếu kỳ. 

Trong góc có chừa một khoảng làm chỗ dự thính đặc biệt. Vệ Lai kín đáo liếc qua, quanh đó đã dựng vách kính một chiều, bên ngoài không thấy được bên trong, nhưng bên trong vẫn thấy rõ bên ngoài. 

Vệ Lai ra hiệu cho Cây Cacao: “Nhân vật lớn nọ chắc đang ngồi bên kia.” 

Cây Cacao rất cảnh giác: “Vệ, tôi nói trước nhé, anh đừng có mà ý tưởng đột xuất gì như bắt cóc con tin đấy.” 

Vệ Lai còn chưa kịp trả lời, chợt thấy Sầm Kim bước vào. 

Tinh thần cô vẫn tốt, không có biểu hiện khác lạ nào, ánh mắt nhẹ lướt qua anh, rồi nhanh chóng ngồi xuống vị trí của mình. 

Mở đầu là trọn bộ tuyên bố khai mạc phiên tòa đúng thủ tục. Vệ Lai nghe tai phải ra tai trái, phiền não vì sao cứ quy định trước khi xét xử đều phải trình bày lắm thế. 

Đại diện cho Bàn Tay Thượng Đế trong vai trò công tố là một người đàn bà trung niên, lịch sự nhã nhặn. Bà ta đọc đơn khởi tố chẳng khác nào phơi bày mặt tối trong quá khứ của khu bảo hộ, mà chưa cần đọc xong, phía dưới đã rì rầm bàn tán. 

Sầm Kim ngồi bất động, tựa như không nghe thấy những lời xì xào kia. 

Đến lượt Sầm Kim trần thuật, ngữ điệu của cô cũng chẳng quyết liệt, chỉ đưa ra một phiên bản khác, phủ nhận từng phần trái sự thật trong những điều cáo buộc. 

Khi bên công tố chất vấn cô, Cây Cacao đã ngáp vài lần, huých huých Vệ Lai, thì thầm: “Chán ngắt nhỉ, cứ đập một trận là xong ngay.” 

Vệ Lai nghĩ bụng: Đó là bởi vì cậu chẳng quan tâm. 

Anh không bỏ sót bất cứ lời đối đáp nào, đầu óc liên tục căng thẳng. 

Người đàn bà trung niên kia từ tốn hỏi, 10 câu đã có 9 câu theo mẫu “có phải… không”. 

–”Có phải cô là người thành lập khu bảo hộ không?” 

–”Sau khi đồng sự của cô mất tích, có phải cô là người chủ động tiến hành hợp tác cùng Jeremie và Serge không?” 

–”Có phải cô đã tập hợp một phần nhỏ nạn dân, thông báo cho họ về việc lên thuyền lánh nạn không?” 

–”Tiếp đó, có phải cô biết rõ, con đường đấy dẫn thẳng đến tử vong không?”



Từ đầu đến cuối Sầm Kim luôn trả lời “Phải”, giọng càng lúc càng nhỏ, thời gian dừng lại cũng càng lúc càng dài. Vệ Lai nhấp nhỏm không yên, nhưng chẳng biết phải làm sao. 

Có nhân chứng nữ trình diện, là người may mắn sống sót trong số 175 nạn dân. Chánh án hỏi cô ta: “Cô cảm thấy ai là người thật sự đứng đầu ở khu bảo hộ?” 

Nhân chứng nữ nhìn Sầm Kim: “Là Sầm, chúng tôi đều biết cô ấy làm việc cho tổ chức quốc tế, khi đội xe của Liên Hiệp Quốc chở nhân viên đi thì cô ấy được phép lên xe… Jeremie và Serge chỉ gia nhập sau này, chúng tôi đâu biết họ là ai. Sầm bảo họ cũng là tình nguyện viên, chúng tôi tin tưởng Sầm, cho nên mới tin họ.” 

Thân thể Sầm Kim hơi co lại. 

Mà đúng như dự liệu, điều thực sự làm người ta suy sụp, là khâu chứng cứ. 

Đầu tiên, người đàn bà trung niên kia lấy ra một phần danh sách: “Đây là danh sách liệt kê tên của 292 thành viên trong khu bảo hộ. 6 năm trước ông Jeremie giao ra bản gốc, gồm 175 tên, hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Tư liệu Quốc gia. Chúng tôi đem so sánh, xác nhận trong 292 tên, có 175 khớp với bản gốc đó, còn lại 117 tên nằm trong danh sách mất tích.” 

Song bà ta không đề cập đến nguồn gốc của danh sách kia, chỉ bảo là nhận được từ một nhân vật quan trọng trong Bàn Tay Thượng Đế: “Chính nhờ vị ấy gởi thư tố cáo vạch trần bí mật của khu bảo hộ này, còn cung cấp danh sách, chúng tôi mới bắt đầu hoài nghi một nhân vật đầy hào quang như Jeremie. Bằng không thì chẳng biết chân tướng sẽ bị vùi lấp đến bao giờ.” 

Ánh mắt Vệ Lai rơi vào chỗ ghế dự thính đặc biệt kia. Là Ennu sao? Lúc ấy ông ta đâu có mặt trong khu bảo hộ, vì nếu có thì truyền thông đã đào bới ra đoạn trải nghiệm này ngay rồi. Hay bạn bè thân thích của ông ta gặp nạn ở đó, cho nên rất chú ý vụ án của Sầm Kim? 

Chứng cứ thứ hai được trình lên, là thư từ và nhật ký do dân tị nạn viết khi sống trong khu bảo hộ. 

Nội dung bà ta đọc ra đều rất mấu chốt. 

–”Tính luôn cả mình, trong phòng của Sầm chỉ có 8 người. Sầm nói, ngoài sông lớn có một chiếc thuyền, vé rất đắt. Nhưng bọn mình chẳng ai nghĩ thế, đem so với tính mạng, chừng đấy đã là gì…”

–”Tôi để ý thấy vài lần, Sầm tiễn mấy người kia ra ngoài vào đúng nửa đêm, trời chưa sáng lại bắt đầu ngóng chờ, họ tụ tập lại trò chuyện, trông rất vui vẻ. Tôi mới tò mò, tìm cơ hội hỏi Sầm, Sầm bảo, chỉ là chuyển vài người đến khu bảo hộ gần đây…”

Tư liệu ảnh chụp và tài khoản ngân hàng do Serge cung cấp, đủ để chứng minh Sầm Kim có lui tới với thủ lĩnh Huka, đồng thời, theo con số trên tài khoản, lúc đấy cô là người nhận được nhiều tiền hơn cả. 

Mà điều khiến Vệ Lai khó tưởng tượng nhất, là đoạn ghi âm trước khi Serge chết. 

Cả phòng xét xử tĩnh lặng đáng sợ, máy ghi âm được nâng lên, xuyên thấu qua vỏ kính trong suốt, có thể nhìn thấy cuộn băng đang chậm rãi chuyển động, thanh âm đầy kinh hoảng của Serge vang vọng khắp không gian. 

“Toàn bộ là do cô ta bày ra, tôi và Jeremie chỉ nghe lời cô ta thôi — Chúng tôi là dân đào vàng, chúng tôi đâu hiểu biết nhiều vậy. Cô ta là sinh viên tài năng, cô ta nắm rõ rất nhiều tình huống, cô ta hướng dẫn chúng tôi, chúng tôi chỉ làm theo… 

“Jeremie vẫn luôn lo sẽ bị cô ta diệt khẩu, nói sớm muộn gì cô ta cũng thanh toán chúng tôi. Chúng tôi phải tìm cách ứng phó, tôi liên tục ẩn nấp để tránh bị cô ta phát hiện — Sau khi Jeremie chết, tôi mới đi tìm cô ta. Cô ta biện minh là chuyện đấy do nhóm Người Kallon Báo Thù ra tay, còn bảo tôi mau trốn…” 

Cuộn băng dừng lại. 

Chánh án hỏi Sầm Kim: “Cô và Serge từng có cuộc đối thoại như trên, chỉ ra Jeremie là chết bởi Bàn Tay Thượng Đế, sau đó xui ông ta chạy trốn, đúng không?” 

Sầm Kim im lặng hồi lâu, đáp: “Đúng vậy.” 

Lòng Vệ Lai bỗng dưng nặng trĩu. 

Người đàn bà trung niên kia đột ngột bật dậy, ngữ điệu dần chuyển thành phẫn nộ: “Tôi đề nghị quý tòa bác bỏ nội dung tự bào chữa của bị cáo, bởi vì những điều đó hoàn toàn không đáng tin. Bị cáo đang nói dối, chúng tôi có đầy đủ chứng cứ chứng minh, cái chết của Jeremie chẳng hề liên quan tới Bàn Tay Thượng Đế. Trước khi chúng tôi tìm được Jeremie, ông ta đã chết rồi.”



Bên dưới hơi hỗn loạn, tiếng nghị luận càng lúc càng tăng lên. Cây Cacao nhích lại gần, hỏi anh: “Giờ anh còn tin cô ta không?”

Lời tác giả: Liên quan tới cuộc diệt chủng Rwanda, nguyên mẫu của Kallon, đằng trước tôi đã từng đề cập, phát sinh vào năm 1994, thực tế còn bi thảm hơn Kallon nhiều lắm. Cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận quá trình thảm sát diễn ra hơn 3 tháng, tổng số người chết trong khoảng từ 800 ngàn đến 1 triệu.

Sau khi sự việc lắng xuống, đúng là Liên Hiệp Quốc đã cho thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế Rwanda, nhưng hoạt động chẳng mấy hiệu quả. Căn cứ vào tư liệu tôi đọc được trước kia (có khả năng không phải là mới nhất, chỉ nên dùng làm tham khảo), trong gần 20 năm, khởi tố 93 người, tiêu phí 1,7 tỉ USD, đây chỉ là một phần cực nhỏ bị xử lý, vì rất nhiều người đã trốn khỏi châu Phi.

Chính phủ Rwanda dự tính, với tốc độ này, muốn đòi lại đầy đủ công lý cho người dân tử nạn thì ước chừng phải tốn 200 năm.

Thế là chính phủ Rwanda đưa ra “Chương trình Tòa án Gacaca”. Quy trình cụ thể là cư dân địa phương sẽ tuyển chọn chánh án tòa cho làng mình, khuyến khích tội phạm tự thú để được thân nhân người bị hại tha thứ (thật chẳng hiểu nổi sao lại nghĩ được cách đấy…). Nhưng chương trình này bị chỉ trích là quá sức bát nháo, thiếu khách quan, sau khi nhận sự phản đối từ nhiều phía, vào năm 2012 đã bị bãi bỏ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui