Chương 9
Đột nhập
Sự có mặt rất sớm của Păng Ting và Suku tại lâu đài K’Rahlan ngay sau giờ ăn trưa khiến bọn Kăply có cảm giác hôm nay là một ngày đặc biệt.
Êmê đưa mắt nhìn hai đứa bạn, nhăn nhó hỏi:
- Đọc tờ Tin nhanh N, S & D số ra hôm nay chưa?
- Rồi. – Păng Ting vừa đáp vừa sờ tay lên mái tóc bữa nay chẳng biết nó uốn theo cái kiểu gì mà đâm tua tủa lên trời như lông nhím. – Có lẽ giờ này cả xứ Lang Biang đều đã có tờ báo này trong tay. Dọc đường đến đây, em còn thấy tụi nhóc ra bán ì xèo.
- Hổng biết tổng biên tập Ama Đliê là tay nào? – Êmê cáu kỉnh. – Xem ra hắn chỉ muốn thầy N’Trang Long biến mất khỏi trường Đămri.
- Ama Đliê là một trong ba sinh viên xuất sắc nhất khoa báo chí trường Đămri cách đây năm mươi năm, cùng khóa với Y Nail, Cục trưởng Cục báo chí Lang Biang, và Kan Blao, tổng biên tập hiện nay của tờ Lang Biang hằng ngày. – Suku ung dung đáp, có vẻ nó biết rõ tổng biên tập tờ Tin Nhanh N, S & D như lòng bàn tay. – Và Ama Đliê cũng là sinh viên duy nhất của lớp Hướng nghiệp bị đuổi ra khỏi trường ngay trước kỳ thi tốt nghiệp.
- Ủa sao vậy? – Cả đống cái miệng cùng hỏi.
- Khi làm chủ bút tờ báo lớp của khoa báo chí, không hiểu khùng khùng thế nào hắn cao hứng viết bài ca ngợi tác phẩm của Macketa, xem tay này như là nhà lý luận xuất sắc nhất thời đại…
K’Tub thở dài:
- Như vậy bị đuổi là phải rồi. Ủa, nhưng hồi đó hiệu trưởng trường Đămri đâu phải là thầy N’Trang Long.
- Hiệu trưởng lúc đó là người khác.
- Vậy sao Ama Đliê lại ác cảm với thầy N’Trang Long dữ vậy?
Păng Ting vừa hỏi vừa nghiêng đầu về phía Suku khiến thằng này phải né người để tránh cái mũi nhọn lởm chởm trên đầu nhỏ bạn. Nó thản nhiên đáp, trong khi vẫn thận trọng liếc chừng mái tóc của Păng Ting:
- Chẳng qua do hắn không được thầy N’Trang Long nhận làm giáo sư thỉnh giảng môn báo chí thôi. Hắn đã nộp đơn năm lần bảy lượt, thậm chí có cả giấy giới thiệu của Cục trưởng Y Nali nhưng thầy N’Trang Long vẫn gạt thẳng tay. Thực ra, thầy không ghét gì Ama Đliê nhưng thầy không muốn đưa lên bục giảng một giáo sư từng sùng bái Macketa. Nhưng đau nhất với Ama Đliê là sau khi từ chối hắn, thầy đã mời Kan Blao là người mà hắn căm ghét ngay từ thời còn đi học…
- Hổng lẽ những chuyện này em cũng đọc được trong thư viện của ông em sao, Suku.
- À, à, không… – Nó đột nhiên ú ớ.
Kăply cười híc híc:
- Lại nghe trộm ông em và bà của Păng Ting trò chuyện chứ gì?
Mặt Suku trông như vừa vớt ra từ nồi nước sôi:
- Em có cố ý nghe trộm đâu. Chẳng qua…
Nguyên ngạc nhiên:
- Tiên ông Pi Năng Súp và Đại phù thủy Păng Sur xa lánh thị phi, không ngờ cũng khoái bàn chuyện thời sự…
- Cũng giống như mấy tay phù thủy già về hưu thôi. – K’Tub “xì” một tiếng, không bỏ lỡ cơ hội để công kích Tam tiên. – Rảnh quá không bàn chuyện thiên hạ thì biết làm gì cho hết ngày.
- Suku nè. – Nguyên lật đật lái câu chuyện tránh xa cái ngòi nổ K’Tub vừa châm. – Nói gì thì nói, anh phải công nhận Ama Đliê là tay cừ. Tin tức của hắn rất nhạy và nói cho công bằng thì hắn cũng đâu có hoàn toàn bịa chuyện, đúng không?
- Hắn không bịa. – Êmê hừ mũi. – Nhưng cách đưa tin của hắn rõ ràng là có ý đồ rất xấu. Hắn dựa vào đâu mà kết luận thầy N’Trang Long không kiểm soát được tình hình cơ chứ? Hổng lẽ anh không thấy hắn muốn đầu độc dư luận sao, anh K’Brăk?
Nhận định của Êmê được chứng minh ngay sáng hôm sau.
Trên đường đến trường, bọn Kăply nhận ra một bầu không khí khác thường bao trùm đại lộ Brabun. Các cửa hiệu dọc phố vắng khách hẳn đi. Chỉ có tiệm Cái Cốc Vàng của lão Bebet là hốt bạc. Từng nhóm, từng nhóm người lũ lượt kéo nhau vào quán, nách người nào cũng kẹp tờ Tin nhanh N, S & D số ra ngày hôm qua (sau này Nguyên và Kăply mới biết ở xứ Lang Biang báo chí phát hành vào buổi trưa – thời khắc được xem là tốt nhất trong ngày) và qua cánh cửa liên tục mở ra đóng khề khà bên cốc bia, vừa bàn tán về vụ Bolobala vừa phun khói thuốc lá mù mịt.
Ở trường, tình cảnh cũng không khá hơn. Ở tất cả các lớp đều có học sinh bị ba mẹ bắt ở nhà, chuyện chưa từng xảy ra với trường Đămri kể từ ngày thành lập. Các thầy cô đeo bộ mặt nghiêm nghị đi đi lại lại trước hành lang thay vì ngồi lỳ trong văn phòng chờ tiếng chuông vào lớp như xưa nay. Sự hiện diện đông đủ một cách bất thường của đội ngũ giáo viên không những không trấn an được học trò, ngược lại càng khiến tụi nó thêm hoang mang, lo lắng.
Nếu có một người duy nhất không hề cảm thấy chút xíu căng thẳng nào trong lúc này thì đó là thằng Steng. Ngược lại, mặt nó cứ phồng lên vì sung sướng và nó ngước cái bộ mặt hơn hớn đó vào Nguyên và Kăply khi nó kịp chặn hai đứa này ngay giữa sân trường:
- Chào buổi sáng tốt lành.
- Chỉ có một mình mày cảm thấy tốt lành thôi, Steng.
Kăply quạu quọ nói, cố đi vòng qua thằng này để vô lớp. Nhưng Steng đã lạng người cản nó lại, cười nhăn nhở:
- Chúc mừng tao đi chứ. Bộ mày không hiểu nếu như những gì tờ Tin nhanh N, S & D phỏng đoán thì phen này tao giàu to rồi sao?
Bộ dạng của Steng có vẻ như trường Đămri sắp sửa chết sạch không còn một mống.
Kăply đang phân vân không biết có nên đấm vào mặt Steng hay không thì Kan Tô và Mua đã chạy tới.
- Cút đi, đồ rắn độc!
- K’Brêt!
Trong khi Kan Tô quát vào mặt Steng thì Mua đã kịp kêu lên vui mừng và xán lại bên Kăply.
Kăply nhìn hai cái bím tóc của Mua, thấy lòng dịu xuống. Nó nói với vẻ biết lỗi:
- Mấy hôm nay tôi bận quá bên chưa mời Mua đi công viên Các Thứ Kẹo được.
- Ồ không, K’Brêt. Tôi đã quên mất chuyện đó rồi.
Mua nhanh nhẩu đáp, nghĩ rằng nếu nói như vậy nó sẽ chùi sạch sự áy náy khỏi bộ mặt của Kăply. Hổng ngờ nói xong, nó giật mình thấy mặt Kăply chảy dài hơn và nghe thằng này đáp trả một cách giận dỗi:
- Thế à? Nhưng tôi thì tôi không bao giờ quên, Mua à.
- Thực ra thì không phải là tôi quên. – Mua bối rối phân bua. – Nhưng trong trường xảy ra đủ thứ chuyện khiến đầu óc tôi rối bời. Thiệt tình thì hổm rày rất lo cho bạn và K’Brăk.
Mua nói tiếp bằng giọng nặng nề, không ngừng nhìn sâu vào mắt Kăply khiến thằng này có vẻ như hoàn toàn hóa đá dưới cái nhìn của nó:
- Tôi cứ băn khoăn không hiểu những chuyện đang ầm ĩ trong trường có liên quan gì đến cái chết của Baltalon hay không.
- Tôi cũng không rõ lắm.
Kăply nói dối và quay đầu đi chỗ khác để che giấu màu đỏ đang lan ra trên mặt. Nó không thể không nhận thấy sự quan tâm của Mua khiến lòng nó vô cùng bồi hồi cảm động. Nhưng mặt khác, nó lại không quyết định được có nên tiết lộ với Mua tất cả những gì nó biết quanh vụ Bolobala hay không. Hôm Nguyên và nó đụng độ Baltalon, chính Mua đã dẫn Tam, Bolobala và Kan Tô đi tìm tụi nó và sẵn sàng kề vai sát cánh trong hiểm nghèo. Chỉ riêng chuyện đó thôi, Mua xứng đáng để nó chia sẻ những bí mật. Nhưng có lúc nó lại ngạc nhiên nhận ra nó không muốn Mua tham dự vào những kế hoạch nguy hiểm của tụi nó. Một cách không ý thức, nó muốn Mua mãi mãi bình an, mãi mãi vô tư với nụ cười răng sún trên môi để nó có dịp nuôi dưỡng những giấc mơ…
Đang chìm lỉm dưới đáy hố suy tư, Kăply bỗng bừng tỉnh khi Kan Tô kêu lên:
- Nhìn kìa!
Kăply ngoảnh nhìn theo tay chỉa của Kan Tô, thấy từ cổng đang xăm xăm đi vào hai người đàn ông một ột thấp, cùng mặc thứ áo khoác màu ô-liu rất nhiều túi, trước ngực áo thêu huy hiệu hình tia chớp. Họ nhìn dáo dác, chân vẫn đi rất nhanh.
- Ai vậy, Kan Tô? – Kăply hỏi, mắt vẫn không rời hai người lạ mặt.
- Pôlôna và Chor, hai phóng viên của tờ Tin nhanh N, S & D. – Mua nhún vai. – Sáng hôm qua họ có đảo vô trường một vòng.
- Chắc hôm nay họ lại tiếp tục sục sạo và tương thêm một bài phỏng vấn để bán báo chứ gì! – Kăply lằm bằm, giọng ác cảm không giấu giếm. – Hừm, đúng là…
Tiếng chuông vô lớp vang lên đúng một tích tắc trước khi Kăply sắp sửa phun ra một câu chửi bậy trước mặt Mua.
Đang ở trong tâm trạng cực kỳ không thoải mái, sáng đó Kăply không tài nào thực hành trót lọt được câu Thần chú chiến đấu số 13 có cái tên thơ mộng là Khăn quàng cổ, bất chấp cái chuyện thầy Haifai đã dạy lần này là lần thứ hai.
Mặc dù thằng Lung chỉ dùng cây thước gỗ làm vũ khí, cổ Kăply vẫn bị mấy cú đâm đau nhói và thầy Haifai được dịp phô trương tài chửi mắng và biểu diễn nghệ thuật phun nước bọt văng xa hơn năm mét.
Kăply cũng để ý thấy là sau khi bước ra ngoài cửa trả lời mấy câu hỏi nhăng nhít của hai tay phóng viên Pôlôna và Chor, thầy Haifai quay vào với bộ mặt cáu kỉnh gấp mười lần lúc đi ra và dĩ nhiên khi thằng Y Đê hoảng hốt đến nỗi gần như mất trí khi phải chống đỡ sự tấn công không lấy gì làm nguy hiểm của Hailibato và để cho ngòi viết của thằng này cào xước một đường đỏ rằn trên cổ, thầy lại có cơ hội phá kỷ lục phun nước bọt bằng những cú phun xa ít nhất là bảy mét.
Bữa đó, cho đến lúc ra về, thầy Haifai không hề kêu thằng Tam lên bảng nhưng không vì vậy mà sự căm ghét trên mặt thầy giảm đi mỗi khi thầy quét tia nhìn về phía nó. Còn Tam thì suốt buổi học cố nhét người sâu trong ghế, đồng thời dựng đứng cuốn sách thần chú lên trước mặt vờ chăm chú đọc, thiệt ra là nhằm nấp đằng sau lô cốt để né tia nhìn nguy hiểm của thầy Haifai, vừa để tránh ánh mắt dò xét của Nguyên và Kăply chốc chốc lại rà xéo lên mặt nó từ bên cạnh.
Kăply ngồi nhìn Tam, bụng nghĩ lan man: Nếu Tam không phải là thủ phạm (từ khi phát hiện Tam không phải là một quái nhân, nó đã bắt đầu tin thằng này chẳng liên quan gì đến mối hiểm họa mà thầy N’Trang Long lẫn thầy Hailixiro cảnh báo), vậy ai là người đã hãm hại Bolobala?
Kăply liếc trộm thầy Haifai, lo âu và ngờ vực: Hổng lẽ là ổng? Nó nhớ là mỗi khi nó thốt ra sự nghi ngờ này, lần nào thầy N’Trang Long cũng bênh thầy Haifai chằm chặp và chửi nó tưng bừng. Nhưng cũng đâu có gì làm chắc là thầy N’Trang Long không bị thầy Haifai che mắt. Và giả như thầy Haifai đúng là tay chân của trùm Bastu thì sự tin tưởng mà thầy N’Trang Long đang dành cho vợ chồng ổng hiện nay phải nói là cực kỳ tai hại.
Kăply lẩn thẩn nghĩ, càng nghĩ càng run và đến khi sực nhớ cái ngày Bolobala bị nạn chính là cái ngày do thầy Haifai chỉ định thì ruột gan nó gần như hoàn toàn bị đảo lộn.
oOo
- Ổng chỉ định thì sao chớ? – Nguyên hừ giọng, vung vẩy cái cặp thay cho cái phẩy tay, lúc này cả bọn vừa qua khỏi tiệm Cái Cốc Vàng đầy nghẹt người chỗ ngã tư và Kăply đã thấp thỏm thổ lộ cho tụi bạn nghe nỗi lo lắng của mình. – Ổng chỉ phạt thằng Tam thôi. Làm sao mà ổng biết được ngày hôm đó Bolobala sẽ ở lại giúp thằng này làm vệ sinh lớp học?
- Có thể ổng không biết trước. – Kăply khụt khịt mũi. – Nhưng khi Bolobala xuất hiện, ổng liền nảy ra ý định hãm hại con nhỏ.
- Vì lý do gì mà thầy Haifai hãm hại Bolobala chứ, anh K’Brêt? – Êmê không bỏ lỡ cơ hội đứng về phía Nguyên. – Tụi anh nói xưa nay ổng chỉ ghét Tam thôi mà.
- Chị Êmê, em thấy anh K’Brêt không nói vu vơ đâu. – Păng Ting tặc lưỡi. – Trước đây thầy Haifai ghét Tam vì nghĩ nó là quái nhân. Bây giờ có thể ổng đã biết Bolobala mới chính là đứa xưa nay vẫn chọc phá ổng.
- Không đúng. – Nguyên nhún vai. – Cho đến sáng nay, anh thấy thầy Haifai chẳng có vẻ gì đã bớt ác cảm với thằng Tam hết. Ổng nhìn nó như thể nếu nhai xương nó được thì ổng nhai ngay lập tức liền.
Kăply lại bật ra một tiếng khịt mũi không cần thiết, nhưng lần này nó không nói gì.
Trong lúc đó, ánh mắt K’Tub không ngừng đi qua đi lại giữa Nguyên và Kăply, không biết nên ngả theo phe nào. Đầu óc nó lúc này như mớ bòng bong, và nó nhận ra mình đang bị mắc kẹt giữa những ý nghĩ rối rắm đến mức không làm sao thoát ra được để có thể bày tỏ được điều gì sáng sủa.
Cho đến bữa ăn trưa thì có vẻ như tờ Tin nhanh N, S & D của Ama Đliê đã phân tích mọi chuyện giùm K’Tub. Ông K’Tul lại lầm lì ném tờ báo từ đầu này sang đầu kia, kèm theo câu nói cụt lủn:
- Đọc đi!
Vẫn ở trang nhất, một dòng tít màu đỏ nằm vắt ngang gần hết trang báo:
TIẾT LỘ MỚI NHẤT CỦA GIÁO SƯ HALIXIRO
Cho đến sáng nay, vẫn chưa có gì sáng tỏ hơn quanh vụ biến mất của nữ sinh Bolobala. Hiệu trưởng N’Trang Long vẫn không đưa ra được bằng chứng gì mới cho thấy Bolobala đang đi công tác cho nhà trường.
Trong khi nhiều học sinh sợ hãi không dám đến trường thì tinh thần của các giáo viên theo ghi nhận của chúng tôi là khá hoang mang. Giáo sư Đi Pri của lớp Trung cấp 2 và cô Cafeli Chil của lớp Sơ cấp 2 đã có những phản ứng khá gay gắt về cách giải thích mập mờ của vị hiệu trưởng. Nhưng đáng chú ý nhất là phát biểu của giáo sư Hailixiro lớp Cao cấp 1, nhân vật được xem là biểu tượng cho sự vui vẻ, thân thiện và hòa nhã của trường Đămri.
Ngược lại với những lời lẽ mơ hồ của hiệu trưởng N’Trang Long vốn được Kan Blao, tổng biên tập tờ Lang Biang hằng ngày, phụ họa theo một cách ngu ngốc, giáo sư Hailixiro thẳng thắn cho rằng trên thực tế có một âm mưu to lớn đang tiềm ẩn ngay trong trường Đămri, điều mà pháp sư N’Trang Long đang tìm mọi cách che giấu hòng bưng bít dư luận, dối gạt cấp trên, tất cả rất có thể chỉ vì mục đích bảo vệ chiếc ghế hiệu trưởng của mình.
Giáo sư Hailixiro cũng khẳng định là ông đang có những chứng cứ đáng tin cậy có thể giúp ông khám phá ra thủ phạm giấu mặt trong vụ này và tin rằng kết quả điều tra sẽ được công bố trong một ngày rất gần.
Tiếp theo phần tin ký tên Pôlôna là bài phỏng vấn nhanh của Chor. Như để minh họa cho những nhận xét của Pôlôna, tinh thần mà bài phỏng vấn toát lên là sự hoang mang và bất bình:
- Giáo sư Đi Pri: Tôi vẫn chưa biết thêm thông tin nào về nữ sinh Bolobala, ngoài sự tái xác nhận của ngài N’Trang Long về việc cô ta đi công tác. Thẳng thắn mà nói, tôi không có cảm giác tin cậy lắm.
- Giáo sư Cafeli Chil: Tôi không chắc là việc Bolobala đi công tác cho nhà trường có phải là chuyện quan trọng đến mức chúng tôi không được biết hay không. Dù sao thì Bolobala cũng không phải là học sinh lớp tôi.
- Giáo sư Kemli Trinh: Tôi không biết gì hết về vụ này và xin không có ý kiến.
- Giáo sư Haifai: Đi chỗ khác cho tôi dạy. Tôi không trả lời phỏng vấn phỏng viếc gì hết.
- Giáo sư Halixiro: Tôi rất buồn khi thấy có khá nhiều học sinh vắng mặt trong ngày hôm nay. Hình như đang có một nguy cơ nào đó trong trường, nhưng tôi sẽ làm hết sức mình cho sự chiến thắng của cái Thiện.
Kỳ này, tờ Tin nhanh N, S & D không phỏng vấn các học sinh, có thể Chor thấy không cần thiết hoặc những đứa được phỏng vấn đang bị sự sợ hãi dâng lên chẹn ngang cổ họng, đến mức không thể hoặc không dám hé miệng.
Mặc dù rất tin tưởng thầy N’Trang Long, bọn trẻ lâu đài K’Rahlan không thể không thấy rằng tờ Tin nhanh N, S & D đang đi đúng hướng. Chúng ngước lên khỏi tờ báo, chìa vẻ ủ dột vào mặt nhau trước sự hả hê của ông K’Tul và nỗi lo lắng của bà Êmô.
- Các con phải hết sức cẩn thận trong những ngày này. – Bà Êmô hỉ mũi vào chiếc váy, điều mà một phụ nữ đỏm dáng như bà không bao giờ làm nếu không thẫn thờ đến mức lẫn lộn giữa chiếc váy và chiếc khăn tay. – Hay là các con… tạm thời nghỉ học cho đến chừng nào vụ con Bolobala sáng tỏ?
- Không đến mức như thế đâu, mẹ à. – Êmê phản đối. – Tụi bạn con vẫn đến trường mỗi ngày đó thôi.
- Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể đến trường, kể cả con. – Bà Êmô trừng mắt. – Nhưng K’Brăk và K’Brêt thì phải ở nhà. Trong vụ này, các con phải nghe lời ta.
Chưa bao giờ bọn trẻ thấy bà Êmô quyết liệt đến vậy. K’Tub nhăn nhó:
- Dì ơi, hổng lẽ vì những bài báo lăng nhăng của tờ Tin nhanh N, S & D mà dì bắt anh K’Brăk và anh K’Brêt vô cớ nghỉ học?
- Im đi, K’Tub! – Ông K’Tul quát lên từ sau tô canh. – Tin nhanh N, S & D không hề là tờ báo lăng nhăng. Dù sao ta thấy nó vẫn đáng tin hơn là tờ Lang Biang hằng ngày.
- Thế tờ Lang Biang hằng ngày hôm nay bình luận gì về chuyện này hở cậu? – Êmê tò mò hỏi.
- Bình luận cái quái gì đâu! – Ông K’Tul gầm gừ, hàng râu giựt giựt một cách kích động, thậm chí ông có vẻ nhóng người lên cho tiếng nói vang to vào tai người nghe hơn nữa. – Kan Blao chỉ là con vẹt của N’Trang Long, tụi con hiểu không? Hắn cứ ra rả cái điệp khúc: Không có gì mà ầm ĩ. Chúng ta hãy kiên nhẫn, kiên nhẫn. Hãy tin vào lời hứa đầy uy tín của ngài hiệu trưởng. Chỉ còn năm hôm nữa, Bolobala sẽ hoàn thành công tác và trở về. Hừm, một lũ bịp bợm. – Ông K’Tul nóng nảy kéo soạt cái khăn ra khỏi cổ, như thể làm vậy thì tờ Lang Biang hằng ngày sẽ đóng cửa ngay lập tức. – Kan Blao biết thừa là nếu N’Trang Long bay chức hiệu trưởng thì hắn cũng văng luôn khỏi bục giảng của lớp Hướng nghiệp mà.
- Bố K’Tul ơi! – Kăply kêu lên đầy bức xúc. – Cả trường đều nghe thầy N’Trang Long hứa với ông Bolorađam như vậy mà. Tờ Lang Biang hằng ngày đâu có dựng đứng chuyện đó lên.
- Nhưng đó là lời hứa nhăng hứa cuội, – Ông K’Tul như bị sốc trước phản ứng của Kăply, ông rít qua hàm răng nghiến chặt, – một người làm báo tỉnh táo và có lương tâm không được quyền bám víu vào đó để lừa gạt độc giả.
- Con không biết có sự lừa gạt nào trong chuyện này không, – Kăply đột nhiên bướng bỉnh – nhưng con vẫn sẽ đến trường ít ra là trong năm ngày nữa.
Ông K’Tul đứng phắt lên khỏi ghế tính làm chuyện động trời gì đó nhưng bị ánh mắt của bà Êmô chặn lại.
- Thôi, được rồi. – Bà quay sang bọn trẻ nói với giọng trầm buồn. – Thiệt tình thì ta cũng không có lý do cụ thể gì để bắt tụi con nghỉ học. Nhưng tụi con phải hứa với ta, – mắt bà lóe lên và tụi nhóc đọc thấy sự kiên quyết rực lên trong đó – nếu trong năm ngày nữa, con bé Bolobala vẫn biệt tăm thì tụi con phải tuyệt đối nghe theo sự sắp xếp của ta.