Dù rất mê "em" Trần Nguyên nhưng phải một tuần sau Mai Mai mới gặp cậu lại lần nữa. Lần này là mẹ cậu dắt cậu tới nhà Mai Mai chào hỏi hàng xóm mới. Giữa cơn mưa phùn lất phất, người phụ nữ mặc một bộ váy trắng sọc xanh nhuyễn, khoác áo len màu khói, da trắng môi đỏ. Một tay bà cầm dù trong suốt in hình như bông hoa cúc nhỏ lác đác, đẹp như mấy chiếc dù Mai Mai thường thấy trong phim Hàn Quốc. Tay còn lại xách theo mấy gói bánh làm quà. Bên cạnh bà là Nguyên, hôm nay cậu đã mặc áo phao dày vừa với mình, mang đôi giày vải mềm, nhìn lại càng tròn trịa hơn. Mềm mềm, xốp xốp từ mặt tới chân, làm cho mắt của Mai Mai và Meo không kìm được mà sáng quắc. Một người muốn lao đến sờ sờ, một chó thì muốn xông qua dụi dụi. Chủ nào tớ nấy.
Lúc Trà Giang mẹ của Trần Nguyên tới chỉ có mẹ và bà nội Mai Mai ở nhà. Bà ngồi trên ghế sofa trò chuyện câu được câu chăng với hai người phụ nữ ngồi đối diện, giọng lành lạnh khiến Mai Mai cũng không dám lại gần. Chỉ một lát sau bà đã xin phép ra về, trước khi về bà nói với mẹ của Mai Mai
"Chiều em phải lên thị trấn mua ít đồ dùng trong nhà, ông xã cũng đi cùng, trời vậy chở trẻ con đi theo không tiện lắm nên sau buổi trưa em tính gửi Nguyên qua chơi với bé Mai nhà chị một buổi."
Mẹ của Mai Mai khoát tay nói không hề gì, cứ mang sang rồi bận rộn ngồi xuống bàn bóc tiếp mớ đậu phộng khô.
Nhìn bóng hai mẹ con hàng xóm mới khuất sau cổng bà nội bĩu bĩu môi, Mai Mai biết bà nội không ưa những người phụ nữ điệu đà quá, bà nói tốn tiền mà không giúp ích được gì cho chồng con. Bà bắt đầu lầm bầm với mẹ của Mai Mai về mấy chuyện bà tám vừa hóng được từ bà Lý, chủ cũ của căn nhà sàn.
Ba mẹ Nguyên vốn không phải người trên này mà từ Sài Gòn chuyển tới, họ hàng xa nào đó của ông Lý. Ông Ba Bình vốn là một tay buôn hàng cũng có tiếng ở Quận 8, Sài Gòn, trước đó gia đình giàu có nên lông bông, khi gần ba mươi tuổi thì theo bạn bè làm ăn, sau tự mình làm riêng trúng được nhiều chuyến hàng lớn, chỉ sau mấy năm mà phất lên, tiền nhiều không đếm hết. Giữa lúc đang lên như diều gặp gió thì gặp bà Trà Giang, nghe nói là ca sĩ phòng trà nổi tiếng hết mấy con đường ăn chơi. Gặp có một lần thì phải lòng rồi dùng số tiền nhiều không kể xiết của mình theo đuổi một năm mới rước được người đẹp về dinh, hai năm sau sinh ra Trần Nguyên. Cuộc sống đang viên mãn thì biến cố ập đến đem một nhà từ trên mây xanh quăng thẳng xuống đất, liên tiếp hai chuyến hàng lớn của ông Ba Bình gặp sự cố, không chỉ tất cả vốn liếng mất sạch còn phải đền thêm tiền cho đối tác. Sau khi giải quyết hết các khoản nợ lớn, số tiền còn lại chỉ đủ mua một căn nhà ở nơi hẻo lánh này, cả nhà phải tháo chạy trong đêm để tránh các chủ nợ nhỏ hơn. Còn nghe nói, trong quá trình trốn nợ, một lần ông Ba Bình đang chở Nguyên đi trên đường thì bị tai nạn, chân phải của cậu bị đè gãy, lại do trốn nợ nên không thể ở yên trong bệnh viện chữa trị đàng hoàng, nên chân câu bé giờ đi hơi khập khiễng.
"Chân khập khiểng." Mai Mai lẩm bẩm trong miệng, có lẽ hai lần gặp Nguyên đều lo nhìn vào khuôn mặt bầu bĩnh của cậu nên không để ý, lại thở dài trong lòng, sau phải chăm sóc cậu "em" này cẩn thận hơn rồi, không biết cậu có chạy nhanh được không, thật lo quá đi.
Nhưng sự thật đã chứng minh rằng, Mai Mai đã lo xa quá rồi, cậu em lớn tuổi hơn này chẳng cần cô bé phải chăm sóc hay lo lắng gì sất. Buổi chiều nắng ráo, Mai Mai "nhận hàng" từ tay ông Ba Bình, dắt tay cậu đi thẳng ra cái chòi nhỏ dưới gốc cây bơ trong vườn, định bụng cùng bạn mới quẩy một bữa ra trò. Kết cục cậu bạn này chỉ ừ hử mấy câu, sau đó hết ngồi im lại ngồi im trên chiếc ghế gỗ nhỏ, mặc cho Mai Mai và con Meo loi choi xung quanh.
Là một cô bé vui vẻ yêu đời, Mai Mai không thất vọng lâu, một lát sau, cô kéo chiếc ghế nhỏ khác ngồi xuống, thò khuôn mặt đỏ bừng cùng đầu tóc ướt nhẹp mồ hôi lại gần cậu bé.
"Mình biết rồi, bạn không muốn chạy nhảy là vì chân đau phải không, không sao mình sẽ ngồi nói chuyện cho bạn đỡ buồn, quên đi cái chân đau."
Nguyên hơi cau cau mày, cậu không thích người khác nhắc đến cái chân bị tật của mình, lúc đi đường cậu cũng sẽ cố đi sao cho ít khập khiễng nhất. Hơn nữa, chân cậu cũng không còn đau nhiều nữa.
Cậu biết cô bạn này không xấu tính, không giống như mấy thằng nhóc hàng xóm cũ chê bai chân cậu què chậm chạm không cho cầu chơi đá banh cùng, cô bạn này thật sự muốn kết bạn với cậu. Nhưng sao cái miệng nhỏ kia nói nhiều quá, thật đau cả đầu. Cậu quyết định lại im lặng.
Lải nhải một lúc không thấy cậu bạn trả lời, Mai Mai lại thay đổi chủ ý.
"Hay bạn đau quá thì để mình xoa xoa chân cho nhé, lúc mình đau bụng mẹ mình cũng xoa xoa cho, một lát là đỡ đau, thật đó."
Là một đứa trẻ thuộc phái hành động, tay nhanh hơn não, vừa dứt lời thì Mai Mai đã ngồi thụp xuống kéo ống quần lên và tháo luôn giày vớ của con người ta ra chỉ trong vòng mấy giây. Tiếng "không được" của Nguyên thốt ra còn chậm hơn tay cô một chút.
Dưới ánh nắng chiều xiên xiên, bàn chân múp míp lộ ra một vết sẹo đỏ dài, giống như con sâu cuốn chiếu Mai Mai hay thấy trong vườn, kéo dài từ gót chân vắt qua mắt cá chân lên tới cổ chân, nhìn hơi đáng sợ. Lúc này thì cái miệng lanh lẹ của cô bé không lép chép được nữa mà hơi há hốc ra lắp bắp "Sao, sao.." một lát lại bẹp bẹp miệng có vẻ sắp khóc đến nơi rồi. Mặc dù khá đầu gấu, thường đánh nhau với bạn nhưng thật ra Mai Mai chưa bao giờ nhìn thấy một vết thương dữ dằn như vậy cả, mấy đứa trẻ gây nhau thì cũng lắm chỉ u đầu sứt da tí chút thôi.
Dù biết vết sẹo ở chân mình không đẹp đẽ gì nhưng phản ứng của Mai Mai vẫn làm cậu khó chịu. Vừa định rút chân lại mang giày vào thì một bàn tay béo lem nhem mực đột ngột sờ lên vết sẹo. Xoa. Rồi lại xoa. Vừa xoa vừa mếu mếu
"Ui cha, chắc đau dữ lắm phới hơm, xoa chút là hết đau ngay thôi, ngoan chị thương."
Đây không phải lời thoại học trong phim chiếu lúc 8h tối.
Đây là Mai Mai bê y nguyên câu mẹ hay dỗ cô bé khi bị đau bụng. Mẹ cô bé là dây miền Tây gốc.
Trong lúc hoảng quá Mai Mai cũng tạm thời quên mất cậu bạn này lớn tuổi hơn mình.
Còn Nguyên á, cậu cũng đứng hình vì sự "táo bạo" của Mai Mai luôn rồi.