Thật ra Mai Mai không thích tên của mình lắm, nghe giống như đang nói lắp. Nghe kể rằng vốn ba mẹ định đặt tên cô bé là Lê Mai, ghép họ ba và họ mẹ lại thành tên, đơn giản, ngắn gọn, nhiều ý nghĩa. Vì vốn cả ba mẹ cô bé đều học không cao, trong đầu cũng không có nhiều ý tưởng bay bổng.
Lúc Mai Mai đầy tháng, bà nội với ba đi ra xã làm giấy khai sinh cho cô, người làm thủ tục không rõ đang rảnh hay nhiệt tình quá mới góp ý:
"Tên con gái gì chỉ có hai chữ, nghe khô khan quá, hay thêm một chữ lót đi."
Bà nội đang vội làm nhanh để còn đi mua phân về bón cây trước khi trời mưa xuống bèn nói:
"Vậy Mai Mai đi, có tên có lót, đầy đủ."
Cứ như vậy, cái tên Lê Mai Mai ra đời, sau khi bà Giao mẹ của Mai Mai nhìn thấy cái tên "không ra giống ôn gì" của con gái thì cãi nhau với ông Dần hết bốn năm bận, tới khi bà nội gào lên "chừng nào sanh được con trai sẽ cho cô đặt tên" mới im hẳn.
Im vì bà đuối lý, sau khi sinh Mai Mai bác sĩ đã nói, tử cung bà có vấn đề, sẽ không thể nào sinh con được nữa. Ông Dần là đích tôn, không sinh được con trai thì bà làm gì cũng sai trái.
Vậy nên từ nhỏ đến lớn khi đi học, Mai Mai luôn phải giải thích với thầy cô bạn bè rằng, tên mình chính xác có hai chữ Mai, không phải viết thừa hay nói lắp. Thật là mệt mỏi.
Năm học lớp năm này cũng vậy, một lần nữa Mai Mai đang đứng giải thích cho thầy chủ nhiệm mới tên mình có hai chữ Mai. Bên cạnh cô là cậu bạn hàng xóm mới. Đúng vậy, dù lớn hơn Mai Mai 1 tuổi nhưng Nguyên vẫn học chung một lớp với Mai Mai, lý do năm trước vừa bị tai nạn lại theo ba mẹ trốn nợ nên cậu bị lỡ một năm học. Sáng nay, Mai Mai đã nhận nhiệm vụ mang Nguyên tới lớp, trước đó ba mẹ cậu đã làm xong thủ tục nhập học rồi.
Bà nội nói, mẹ Nguyên không muốn con trai phải học ở ngôi trường làng tầm thường nay, muốn đưa cậu lên thị trấn để học. Nhưng ông Ba Bình làm buôn bán, giờ giấc làm việc không cố định, còn thường phải chạy đi chạy lại giữa các huyện, có khi đi sang tỉnh khác, bà Giang lại không chịu chạy con xe máy cà tàng để đưa đón cậu nên ruốt cuộc cậu vẫn trở thành bạn học của Mai Mai.
Trẻ con trong xóm của Mai Mai và mấy xóm nhỏ xung quanh đều tập trung học này ngôi trường nhỏ này, vốn là một phân hiệu của một trường học trên thị trấn. Trẻ con không nhiều, chỉ vừa đủ làm năm lớp, một lớp một, một lớp hai, một lớp ba, một lớp bốn và một lớp năm, mỗi lớp hơn chục đứa trẻ, thỉnh thoảng nếu thầy cô có việc thì lớp 4 và 5 còn có thể gộp lại học chung. Cũng không chia ra giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn. Ở đây giáo viên chủ nhiệm sẽ dạy tất cả, từ toán, tiếng việt cho đến nhạc, họa, riêng giờ thể dục thì chỉ cần thả đám học sinh ra cho chạy chơi xung quanh trường là được.
Mai Mai thích nhất là giờ thể dục, không phải tập đọc, không phải làm phép tính, tự do chạy nhảy suốt 45 phút liền. Thỉnh thoảng nếu phía trên phân cho phân hiệu dưới này một ít dụng cụ thể dục như dây nhảy, vợt cầu lông, trái cầu.. thì cô bé sẽ lại càng vui hơn nữa. Chỉ tiếc là mỗi năm không có được mấy lần có đồ chơi mới, chưa kể sức phá hoại của đám học sinh phân hiệu lại còn quá mạnh, khiến cho chưa đầy một tháng đám dụng cụ thể dục đã tơi tả, nhận không ra hình dáng.
Năm trước, trường vừa được mạnh thường quân tài trợ nên được xây rộng rãi, tường được sơn xanh, bàn ghế được thay mới, sàn xi măng cũng được thay thế bằng gạch bông sạch sẽ sáng bóng. Sân trường cũng được lắp đặt thêm một số trò chơi như cầu tuột, xanh đu, bập bênh.. còn có cả sân cát nhỏ nhưng qua một trận mưa lớn đã trở thành sân cát trộn đất đỏ lầy lội, thầy cô đành phải biến nó thành bồn trồng hoa để đám trẻ không sẩy một chút lại chạy ra đó nghịch bùn. Mai Mai dắt Nguyên về ngồi chung bàn với mình, sau đó vênh mặt với đám trẻ xung quanh:
"Chú em này do chị đây bảo kê, mấy đứa đừng có giở thói ăn hiếp đó."
Lời thoại sặc mùi phim xã hội đen nhưng chắc chắn có tác dụng. Mai Mai là ai chứ, chính là chị đại "khét tiếng" của phân hiệu tiểu học này, sau thời gian đầu đi học thường bị trêu chọc vừa béo vừa lùn, cô bé đã dùng nắm đấm để trấn áp đối thủ, dù lúc thắng lúc thua nhưng ít nhiều cũng định nên danh tiếng. Cái gì? Đánh nhau không sợ bị thầy cô ba mẹ la sao. Ở đây chẳng ai quan tâm đến một đám trẻ con đánh nhau cả, đánh nhau rồi lại chơi với nhau, trẻ con nông thôn đều vậy, lăn lóc trong bùn đất để lớn lên.