Cổ Đại Khó Kiếm Cơm

Lý lão tiên sinh khuyên Thẩm Hi: “Thẩm nương tử, nếu ngươi tin ta thì mau nghe lời, sớm rời khỏi đây đi. Bây giờ bệnh dịch bùng phát, xung quanh rất nguy hiểm. Ngươi nghe lời ta, đi thật xa, đừng trở lại.” Thẩm Hi thương tâm: “Tiên sinh, ngài xem thiên hạ này còn có chỗ cho tiểu nữ tử dung thân sao? Người muốn sống mà sao khó đến vậy?”

Lý lão tiên sinh cười khổ: “Ngươi nghe cho rõ, đi ra khỏi thôn trấn này, ngươi hãy đi về phía đông đi, đừng dừng lại, đi cho đến bờ biển mới thôi. Người sống cạnh biển có lề thói đóng thuyền, nếu trên bờ xảy ra dịch bệnh, họ sẽ dong thuyền chuyển ra đảo, ở bờ biển ngươi sẽ được an toàn.”

Thẩm Hi nghe ông nói đầy bi ai, tựa hồ ông không muốn ròi khỏi, vì vậy hỏi: “Tiên sinh, ngài có đi không? Ta chỉ là một phụ nhân yếu đuối, đơn độc đi đường rất nguy hiểm, thân mình lại không tiện, nên muốn đi theo mọi người để dễ bề chăm sóc nhau.” Lý lão tiên sinh im lặng một lát, mói nói: “Cả gia tài nhà ta đều mang ra mua lương thực hết rồi, bây giờ không còn đồng nào, làm sao đi được đây. Đành ở lại đây thôi, chờ triều đình phát lương thực tiền bạc xuống rồi tính tiếp vậy.”

Thẩm Hi cũng không khuyên ông nữa, nàng nói: “Tiên sinh, đêm nay ngài lại tới đây đi, ta để lương thực dư lại cho ngài, sáng sớm mai ta sẽ rời khỏi đây.” Lý lão tiên sinh thở dài: “Sáng mai ta tới tiễn ngươi ra khỏi thành, ngươi ngàn vạn đừng đi một mình, bây giờ nạn dân trôi dạt khắp nơi, chỉ sợ sẽ có người xấu.” Thẩm Hi gật đầu.

Lý lão tiên sinh đi rồi, nàng nhặt hết đống quần áo ném lung tung dưới chân tường ra, cái nào không mặc được thì cắt ra, khâu lại thành hai cái bao đựng đồ. Vừa khâu Thẩm Hi lại không dừng được nước mắt. Cái áo này là của Người mù. Chính tay nàng kiếm được tiền, vào tiệm quần áo mua cho hắn, ngày ngày giúp hắn cởi ra giúp hắn giặt, ngay cả chỗ ống tay áo bị rách cũng là nàng lấy kim may lại, đường chỉ xộc xệch, mặt vải nhăn nhúm nhưng hắn vẫn mặc như thường. Bây giờ áo còn ở, người đã không ở đây.

Giờ Thẩm Hi đã biết vì sao Lý Thanh Chiếu viết được câu “Vật thị nhân phi sự sự hưu/ Dục ngữ lệ tiên lưu” (Vật đổi sao dời mọi việc thôi/ Chưa nói lệ tuôn rồi) tồn lại cho hậu thế, bởi vì trượng phu của hai người đều đã mất, hai người đều mất đi người quan trọng nhất của đời mình.

Nàng cố nén nước mắt, chăm chú từng mũi kim làm xong bao đựng đồ, sau đó nhặt lấy hai bộ quần áo tươm tất nhất của mình với Người mù gói lại, nghĩ đến đồ nhu yếu phẩm, Thẩm Hi lại gói thêm vào một túi muối. Đến buổi chiều, nàng đã đi đi lại lại vòng hết mấy lần quanh sân, muốn ghi khắc hết hình ảnh ngôi nhà từng cho nàng ấm áp vào tâm khảm, một ít chi tiết nhỏ cũng không bỏ sót, ở chỗ này nàng yêu một người, lại mất đi hắn...

Đến nửa đêm Lý lão tiên sinh quả nhiên đã tới. Thẩm Hi bảo ông vào nhà, đào hết mấy chỗ lương thực dầu muối còn lại để ông man đi, sau đó hẹn nhau tảng sáng ông sẽ đến đón nàng. Tiễn xong Lý lão tiên sinh Thẩm Hi mới trở vào nhà, nhào bột, ấn hơn hai mươi cái bánh bột rồi mang đi hấp. Để bánh giữ được lâu không bị hỏng, nàng không thêm chút dầu nào, chỉ thêm đủ muối. Đợi đến bánh nguội, nàng mới lấy cái áo bông dày gói lại, bảo đảm người ngoài nhìn vào không biết có bánh ở trong đó.

Làm xong, Thẩm Hi đi đến cạnh giếng, cạy bỏ mấy viên gạch, lấy hai mươi nén bạc ra, mới tìm ít bông với vải vụn gói bạc lại, cho vào một miếng vải rách rồi khâu lại, cải trang thành một cái đệm nhỏ. Nàng nhìn nhìn, từ bên ngoài cái đệm này trông có vẻ cũ nát không bắt mắt, không thấy được có gì ở trong, mới yên tâm nhét cái đệm này vào hành lý.

Còn thừa mười nén bạc, Thẩm Hi cầm một cái nhét vào trong ngực, còn chín nén kia thì lấy miếng vải gói lại. Nàng đeo thử túi đựng bánh lên lưng, còn túi quần áo thì buộc lại làm tay nải, khoác vào tay. Nàng nhìn nhìn, thấy hình tượng của mình bây giờ không kém gì một dân chạy nạn nghèo khổ.

Nàng án chừng tay nải trên tay khá nhẹ, bèn gói thêm chút bột mì nhét vào, trên đường đi có thêm lương thực càng thêm khả năng sống sót. Nghĩ đến thức ăn, nàng mới nhớ đi đường cũng phải uống nước, lại nhét thêm một cái bình nhỏ.

Hôm sau trời còn chưa sáng Lý lão tiên sinh đã tới gọi Thẩm Hi. Nhìn dáng đi khập khiễng vì đói cơm của ông, nàng áy náy: “Tiên sinh, cũng trách ta không sớm mang lược thực tới cho ngài, thật là do ta bị cướp đến sợ, nếu không phải lần trước bị lộ, tướng công nhà ta cũng...” Nhớ đến vũng máu trên kháng cùng Người mù bị chết mất xác, Thẩm Hi rơm rớm nước mắt. Lý lão tiên sinh lại rộng rãi hơn, ông khuyên Thẩm Hi: “Ngươi đã để lại nhiều lương thực như vậy cho ta, ta làm sao còn trách ngươi đây, cảm tạ còn không kịp. Về sau ngươi cố sống cho tốt, nuôi dạy đứa bé thành người, lưu lại một tia huyết mạch cho trượng phu ngươi, khiếm hắn không phải làm quỷ vô hậu cũng như không phụ hắn.”

Thẩm Hi lau nước mắt, gật đầu.

Ông giục Thẩm Hi: “Trời mau sáng rồi, chúng ta mau đi thôi, nếu không đợi đến lúc nạn dân đến đây người ta sẽ đóng lại cổng thành, muốn ra cũng không kịp rồi.” Thẩm Hi ngoái đầu nhìn lại tổ ấm ngày xưa, sau đó đi theo Lý lão tiên sinh rời khỏi nơi này. Trời còn sớm nên trên đường còn vắng người, chỉ có các nạn dân xanh xao vàng vọt co ro nằm ngủ ở dưới hiên những ngôi nhà ven đường. Lý lão tiên sinh quen thuộc địa hình, chuyên chọn những hẻm ít người qua lại mà đi nên cũng không khiến ai chú ý.

Hai người đi hơn một chén trà, mới đi ra khỏi cửa thành. Lý lão tiên tiễn Thẩm Hi ra đến gần hai dặm đường, không thấy nạn dân nào mới dừng lại, dặn nàng: “Ngươi đi theo con đường này, hướng về phía đông mà đi. Nhớ kĩ, thấy có thành trấn cũng đừng vào, tránh xa chút, bây giờ các thành trấn lớn đều đã phong tỏa cổng thành, không cho nạn dân đi vào, còn mấy trấn nhỏ đều giống nơi đây, chật ních nạn dân. Ngươi đi theo mấy con đường nhỏ vắng người, chỉ cần đi đúng hướng mặt trời mọc cuối cùng sẽ đến bờ biển.”

Thẩm Hi nhìn con đường mờ mịt trước mặt, trong lòng không khỏi sợ hãi. Lý lão tiên sinh tựa hồ nhìn ra nỗi sợ của nàng, lại dặn thêm: “Dọc theo đường đi ngươi phải cẩn thận chút, nếu thấy có người đáng nghi thì tránh cho xa vào, nếu tránh không khỏi thì mềm giọng cầu xin người ta, dù sao người ta ác cũng là do thời thế này bức bách cả, có lẽ sẽ bỏ qua phụ nhân cơ khổ như ngươi. Hơn nữa ngươi đừng rửa mặt, cả quần áo hành lí cũng lấm càng bẩn càng tốt, như vậy người ta mới không để ý. Đừng sợ, đi đi, đừng bao giờ trở lại, nếu thật có bệnh dịch bùng phát, e rằng trấn này sẽ bị san thành đất bằng!”

Nàng chăm chú nghe lời dặn tha thiết của Lý lão tiên sinh, giọng ông bình thản nhưng kiên quyết, có lẽ ông không thể rời khỏi nơi này. Thẩm Hi cúi đầu, lấy từ trong hành lý ra một gói vải không biết đựng gì, đưa cho ông: “Lão tiên sinh, từ biệt nơi đây chỉ sợ sau này không có ngày gặp lại, cảm tạ đại ân đức của ngài, tiểu nữ không có gì báo đáp ơn ngài cứu mạng hai mẹ con, chỉ đành đưa ít vật nhỏ làm kỉ niệm. Trước tiên ngài cứ giữ lấy, đợi ta đi khuất hẵng mở ra.” Lý lão tiên sinh nhận lấy cái gói, gật đầu: “Mau đi đi, sớm đi sớm đến. Nhớ kĩ, ngươi đừng vào mấy thành trấn, hiện giờ người trong thành trấn đông đúc, trời lại nóng, dịch bệnh lan rất nhanh.”

Thẩm Hi vâng dạ, lúc này mới từ biệt ông, dạm bước hướng phía đông mà đi.

Thấy Thẩm Hi đã đi xa, không còn trông thấy bóng lưng gầy yếu của nàng, ông mới duỗi bàn tay khô gầy mở các bọc ra. Ánh sáng lóe lên, trong bọc là chín nén bạc. Lý lão tiên sinh run rẩy, mắt nhòe lệ: “Thẩm nương tử, ngươi là ân nhân của cả nhà ta! Lý Trinh ta thề, tộc Lý thị chúng ta tất sẽ báo đáp đại ân của Thẩm nương tử, nếu có nuốt lời, trời đất không tha!” Ông vội trở về nhà, hối thúc mọi người thu dọn đồ đạc chuẩn bị trốn đi. Đến tối, ông dẫn con trai với lão hữu đến nhà Thẩm Hi, đào lấy lương thực dầu muối mà nàng để lại mang về, để lại cho nhà mình một phần rồi đem chia cho tộc nhân cùng nhà lão hữu. Đến lúc trời sáng, ông cùng người nhà mang theo lương thực cùng chín mươi lượng bạc Thẩm Hi đưa rời đi trấn nhỏ.

Bốn ngày sau khi nhà Lý lão tiên sinh rời đi, dịch bệnh bùng phát trong trấn, lan sang các thành trấn bên cạnh, người trong thành đa phần đều nhiễm bệnh, những người còn khỏe vội thu thập đồ đạc trốn khỏi, sau đó đổ bệnh trên đường, lây lan cơn bệnh cho càng nhiều người, dịch bệnh càng ngày càng mở rộng. Ngày thứ bảy, quân đội triều đình phái xuống đi đến nơi này, xác định tình hình dịch bệnh không thể khống chế, cuối cùng đành đóng cổng, tàn sát hàng loạt dân trong thành, đốt hết thi thể. Đúng như Lý lão tiên sinh đã nói, trấn nhỏ bị san thành đất bằng.

Cùng lúc đó, Thẩm Hi đã cách trấn nhỏ vài trăm dặm.

Nàng đi ra khỏi trấn, một đường hướng về phía đông, đói thì ăn bánh, khát thì uống nước mang trong bình hoặc múc nước trong giếng ven đường, trời tối không dám vào nhà người ta nghỉ nhờ, sợ thời buổi loạn lạc sinh giặc cướp, chỉ dám tìm một chỗ đồng không mông quạnh có đống củi hay đống rơm mà ngủ tạm một đêm. May là tiết trời chưa vào thu, buổi tối chưa có sương, Thẩm Hi trải hết mấy bộ quần áo ra quấn vào người nên không bị cảm lạnh hay trúng gió gì.

Hiện giờ mới là đầu tháng tám, đáng ra trong ruộng vườn phải đầy cây lương thực hoa màu mới phải, nhưng người đã đói đến sắp chết, không đợi đến ngày mùa mà hoa màu trong đất đều bị nhổ lên ăn sạch, cả mặt đất cũng sạch bóng cỏ dại, ruộng ngô chỉ còn những gốc trơ trọi, thân cây cũng bị bẻ đi ăn tuốt. Mấy cái cây ven đường cũng trụi lủi cành, lá cây nào ăn được là vặt hết, ngay cả vỏ cây cũng bị bóc đi từng mảng, chỉ thừa lại những thân cây khẳng khiu đứng trơ giữa nắng. Thảm trạng nạn đói tàn khốc hiện ra trước mắt Thẩm Hi.

Nàng nhớ đinh ninh lời dặn của Lý lão tiên sinh, sợ bệnh dịch bùng phát nên thấy thành trấn là đi đường vòng để tránh, chỉ dám đi đường đất ở nông thôn, không dám dừng lại quá lâu, đi đường cả ngày, cho đến khi chân mỏi không bước nổi mới dừng lại nghỉ chốc lát.Ngày đầu tiên lên đường, chân nàng đã sưng phù lên, nhưng Thẩm Hi không dám dừng lại, chịu đau đi tiếp.

Cuộc sống khổ cực như vậy, nàng chưa từng tưởng tượng đến, có nhiều lần Thẩm Hi tưởng như mệt đến không dậy nổi, bước chân nặng như chì, nhưng đến khi nằm bệt xuống, đặt tay lên bụng, nàng lại tràn đầy sức mạnh, không vì mình, chỉ vì đứa bé, nàng cũng phải cố gắng sống sót. Đây là đứa con nàng đã mong chờ hai kiếp.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui