Cô Gái Có Hình Xăm Rồng

Thứ Ba, 1 tháng Bảy

Thứ Tư, 2 tháng Bảy

Sáng hôm sau quay về Hedestad, việc đầu tiên Blomkvist làm là đến nhà Frode hỏi thăm tình hình Vanger. Anh mừng hay tin ông già đã khá lên chút ít trong tuần qua. Ông vẫn còn yếu, mong manh nhưng nay đã có thể ngồi được ở trên giường. Sức khỏe của ông không còn bị coi là đáng ngại nữa.

- Nhờ Chúa, - anh nói, - tôi nhận ra tôi mến ông già thật.

Frode nói:

- Tôi biết thế. Henrik cũng mến anh. Norrland sao?

- Có kết quả những không thỏa mãn. Khoan chút rồi tôi sẽ nói rõ sau. Ngay bây giờ tôi có một câu hỏi.

- Hỏi đi.

- Nếu Henrik chết thì thật sự cái gì sẽ xảy ra với lợi ích của ông ở Millennium?

- Chả có gì cả. Martin sẽ thế chân ở ban lãnh đạo báo.

- Giả định ngộ như tôi không ngừng cuộc điều tra vụ Harriet mất tích thì liệu có cơ là Martin sẽ gây chuyện gì cho Millennium không?

Frode nhìn anh soi mói.

- Có gì đấy?

- Không, thật mà. – Mikael kể với ông câu chuyện giữa anh và Martin đêm Giữa hè. – Khi tôi ở Nosjo, Erika bảo tôi là Martin có gọi cho cô ấy bảo rằng rất cần tôi trở về tòa soạn.

- Tôi hiểu. Tôi đoán là Cecilia ở đằng sau anh ta. Nhưng tôi không nghĩ là Martin sẽ gây áp lực lên anh giống như lên với chính anh ta. Anh ta rất có lương tri. Và nhớ cho là tôi cũng ở trong ban lãnh đạo của một công ty con mà chúng tôi đã lập ra khi mua vào Millennium đấy nhá.

- Nhưng nếu xảy ra chuyện cứ lẵng nhẵng gây khó khăn, thì ông sẽ làm sao lúc ấy?

- Phải trọng sự tồn tại của các cái nghịch. Tôi làm việc cho Henrik. Henrik và tôi đã thành bạn bè trong bốn mươi lăm năm và chúng tôi nhất trí với nhau hoàn toàn trong các vấn đề như thế. Nếu Henrik chết thì có một điểm thực tế là tôi – chứ không phải Martin – sẽ kế thừa cổ phẩn của Henrik ở trong công ty nhỏ. Chúng ta đã có một hợp đồng trong đó chúng tôi cam kết ủng hộ Millennium trong ba năm. Nếu Martin bắt đầu làm cái gì sai – tôi không tin anh ta sẽ làm thế - thì về lý thuyết anh ta có thể nhấn phanh hãm vào một số lượng nhỏ những khác hàng mới đặt thuê quảng cáo.

- Và là máu huyết sinh tồn của Millennium.

- Vâng, nhưng hãy nhìn chuyện đó ở phía này – lo với các trò tầm phào ấy chỉ là phí thì giờ. Hiện Martin đang phấn đấu cho sự sống của ngành công nghiệp mà anh ta đeo đuổi, mỗi ngày làm tới mười bốn giờ đồng hồ. Anh ta không có thời gian cho các thứ khác đâu.

- Tôi hỏi có được không – tôi biết đây không phải là việc của tôi – tình hình chung của tập đoàn như thế nào nhỉ?

Frode nom vẻ nghiêm trọng.

- Chúng tôi có những vấn đề.

- Vâng, ngay một phóng viên tài chính thường thường như tôi mà còn có thể thấy cái đó. Tôi ý nói là nghiêm trọng đến đâu?

- Không được ghi nhớ.

- Giữa chúng ta mà.

- Mấy tuần qua chúng tôi mất hai đơn đặt hàng lớn trong công nghiệp điện tử và sắp bị hất ra khỏi thị trường Nga. Tháng Chín chúng tôi sẽ phải thải 1.600 công nhân viên ở Orebro và Trollhattan. Không phải là một phần thưởng lớn cho những người đã làm việc cho công ty trong nhiều năm. Mỗi lần chúng ta đóng cửa một nhà máy, lòng tin vào công ty lại bị mất đi nhiều hơn.

- Martin đang bị sức ép.

- Anh ta đang như một con bò kéo một cỗ xe đi trên vỏ trứng.

Blomkvist về đến nhà thì gọi Berger. Cô không ở tòa soạn, Malm bảo anh như vậy.

- Chuyện là khi tôi ở Norsjo, Erika có gọi tôi, Martin tìm cô ấy và như tôi nghe nói, thì anh ấy đã động viên Erika đề nghị tôi bắt đầu phụ trách lại công việc biên tập.

- Tôi nghĩ anh nên thế. – Malm nói.

- Tôi biết thế nhưng vấn đề là tôi đã có một hợp đồng với Henrik Vanger mà tôi không thể vi phạm còn Martin thì với tư cách một người ở đây muốn tôi ngừng việc đang làm và rời thị trấn. Vậy đề nghị của anh ấy coi như là có ý định bỏ tôi.

- Tôi biết.

- Chào Erika hộ. Bảo cô ấy là tôi sẽ trở về Stockholm khi tôi xong việc ở trên này.

- Tôi hiểu. Anh say việc như điên, ai chả thấy nhưng tôi sẽ báo chị ấy ý kiến của anh.

- Christer, một cái gì đó đang diễn ra ở trên này, tôi không có ý lùi.

Blomkvist gõ cửa nhà Martin Vanger. Eva mở cửa và chào anh niềm nở.

- Chào, có phải nhà Martin không?

Như để trả lời anh, Martin đi ra với một cái cặp hồ sơ trong tay. Anh hôn má Eva rồi chào Blomkvist.

- Tôi đi làm. Anh muốn nói chuyện với tôi ư?

- Ta có thể nói sau nếu anh gấp.

- Cứ nói đi.

- Tôi chưa làm xong công việc Henrik giao thì tôi chưa trở về tòa soạn. Bây giờ tôi báo với anh việc đó để anh đừng tính đến tôi ở trong ban lãnh đạo trước năm mới.

Martin đu đưa người trước sau một lúc.

- Tôi hiểu. Anh nghĩ là tôi muốn thải anh. – Anh ngừng lại – Mikael, sau đây chúng tay sẽ phải nói chuyện này. Tôi thật sự không có thì giờ hiến mình cho cái thú riêng của tôi ở Millennium, và tôi mong tôi sẽ không bao giờ đồng ý với đề nghị của Henrik. Nhưng tin tôi đi – tôi đang làm hết sức cho Millennium sống sót.

- Tôi không bao giờ nghi ngờ điều ấy.

- Nếu tôi hẹn được một lúc nào đó trong tuần sau chúng ta có thể bàn đến chuyện tài chính và tôi có thể cho anh biết ý kiến của tôi về vấn đề này. Nhưng thái độ cơ bản của tôi là Millennium thật sự không thể cho phép một trong những người chủ chốt của nó lại ngồi chờ đợi ở tít tận trên đảo Hedeby. Tôi thích tờ tạp chí và tôi nghĩ chúng ta có thể cùng nhau làm cho nó mạnh hơn lên nhưng anh phải là then chốt. Chúng ta đã đi đến một xung đột về lòng trung thành ở đây. Hoặc là tôi đi ngược lại mong muốn của Henrik hoặc là việc tôi làm ở ban lãnh đạo Millennium.

Blomkvist mặc bộ quần áo thể thao vào và đi ra ngoài để chạy đến Pháo đài rồi xuống căn nhà gỗ nhỏ của Gottfield trước khi quay về nhà dọc theo bờ nước, chậm bước hơn. Frode đang ngồi ở cái bàn trong vườn. Ông kiên nhẫn chờ Mikael uống hết chai nước và lau mồ hôi trên mặt.

- Nóng thế này nom không được khỏe lắm nhỉ.

- Ồ, không sao. – Blomkvist nói.

- Tôi lầm. Cecilia không phải là người đằng sau Martin. Là Isabella. Bà ta đang bận rộn huy động dòng họ Vanger phang anh và có thể cho anh lên cả giàn hỏa thiêu nữa. Bà ấy được Birger ủng hộ.

- Isabella?

- Bà ta là một người tai quái và nói chung không thích người khác. Ngay bây giờ khi bà ấy ghét anh đặc biệt. Bà ấy đang loan truyền anh là một tay xúc xiểm đang lừa để cho Henrik mướn anh và anh đã bắt ông ấy lao lực quá sức nên mới bị đau tim.

- Tôi hy vọng không ai tin điều đó.

- Vẫn luôn có một ai đó thích tin các lời đồn độc địa.

- Tôi đang cố tìm cái gì xảy ra với con gái bà ấy – thế mà bà ấy lại căm ghét tôi. Nếu Harriet là con gái tôi, tôi sẽ có phản ứng khác đấy.

2 giờ chiều, di động của anh kêu.

- Chào, tôi là Conny Torsson làm việc ở Hedestad Courier. Ông có thì giờ trả lời một vài câu hỏi không? Chúng tôi nghe hóng được là ông đang ở Hedeby.

- Ông Horsson, cái máy của ông bắt tin hơi chậm một tí. Tôi đã ở đây từ mồng một đầu năm.

- Tôi không biết điều ấy. Ông đang làm gì ở Hedestad?

- Viết. Và nghỉ ngày Sabbath theo người Do thái.

- Ông đang làm về việc gì?

- Khi đăng báo ông sẽ biết.

- Ông vừa mới được tha tù…?

- Vâng?

- Ông nghĩ như thế nào về những nhà báo man trá tài liệu?

- Những nhà báo man trá tài liệu là những đứa ngu.

- Vậy theo quan niệm của ông thì ông là đứa ngu à?

- Nhưng sao tôi lại nghĩ thế? Tôi không man trá tài liệu.

- Nhưng ông bị tù vì vu cáo đó.

- Thế ư?

Torsson ngập ngừng đủ lâu để Blomkvist phải cho anh ta một cú.

- Tôi không bị tù vì vu cáo, không vì man trá tài liệu.

- Nhưng ông đăng tài liệu ấy lên.

- Nếu ông gọi tôi để thảo luận về phán xét chống lại tôi thì tôi không có bình luận.

- Tôi thích đi phỏng vấn ông.

- Tôi không có gì để nói với ông về vấn đề này.

- Vậy ông không muốn thảo luận về phiên tòa ư?

- Đúng đấy. – Anh nói và tắt máy. Anh ngồi nghĩ hồi lâu rồi đến với máy tính.

Theo lời chỉ dẫn đã nhận được, Salander lái chiếc Kawasaki qua cầu đến đảo Hedeby. Cô dừng lại ở căn nhà nhỏ đầu tiên bên trái. Cô thật sự đã hết ngô nghê nhưng chừng nào người mướn cô còn đang trả tiền thì nếu có đi lên Bắc cực cô cũng chả mùi. Ngoài ra, cho chiếc Kawasaki phòng một chuyến dài trên đường số E4 thì là nhất quá rồi. Cô gạt chân chống rồi cởi cái dây buộc giữ cái túi đựng đồ lề du lịch của cô.

Blomkvist mở cửa vẫy cô. Anh đi ra quan sát chiếc xe của cô, ngạc nhiên ra mặt.

Anh huýt sáo.

- Cô đi xe máy!

Salander không nói năng. Nhưng cô có ý theo dõi anh khi anh sờ vào ghi đông và thử bộ phận tăng tốc. Cô không thích bất cứ ai mó máy vào đồ lề của mình. Rồi cô trông thấy anh với nụ cười hồn nhiên thật thà, cái mà cô coi là một nét cứu vãn. Phần lớn người thích xe máy thường là cười cỗ xe nhẹ cân của cô.

- Mười chín tuổi tôi đã có một cái xe máy. – Anh nói, quay đi. – Vào đi, để cho cô còn nghỉ ngơi chứ.

Anh đã mượn một cái giường cắm trại của nhà Nilsson. Salander làm một vòng quanh căn nhà nhỏ, nom vẻ ngờ vực nhưng xem ra cô đã thấy thoái mái khi không tìm thấy những dấu hiệu lộ liễu nào về một cạm bẫy gian tà. Anh chỉ cho cô buồng tắm ở đâu.

- Để phòng khi cô cần tắm hay rửa ráy cho mát mẻ.

- Tôi phải thay quần áo. Tôi không ra ngoài loăng quăng với bộ đồ toàn là da này được.

- Ok. Cô tắm còn tôi làm bữa tối nhỉ.

Anh áp chảo sườn cừu với sốt vang đỏ rồi kê bàn ra ngoài nắng chiều trong khi Salander tắm. Cô chân đất đi ra, mặc cái áo yếm đen và váy ngắn bằng vải demin đã cũ. Thức ăn ngửi thơm ngon và cô lấy luôn hai suất lớn. Mê hoặc, Blomkvist liếc trộm một cái vào hình xăm trên lưng cô.

- Năm cộng ba. – Salander nói – Năm vụ trong danh sách của Harriet và ba vụ mà tôi nghĩ là nên có trong danh sách này.

- Nói tôi xem.

- Tôi mới làm cái này mười một hôm nay và tôi không có may mắn để được đào tung lên tất cả các báo cáo. Trong một số vụ, các báo cáo của cảnh sát đã được để vào sở văn khố của quốc gia còn ngoài ra thì vẫn được cất giữ ở cảnh sát quận. Tôi đã đi ba ngày đến cảnh sát của nhiều quận nhưng tôi không có thì giờ xem hết của họ. Năm vụ này đã được nhận diện.

Salander để một chồng giấy bề thế, khoảng 500 trang, lên bàn bếp. Cô nhanh chóng xếp tài liệu ra làm năm đống.

– Ta sắp xếp chúng theo thứ tự thời gian – Cô đưa danh sách cho Blomkvist.

1949 – REBECKA JACOBSSON, Hedestad (30112)

1954 – MARI HOLMBERG, Kalmar (32018)

1957 – RAKEL LUNDE, Lanskrona (32027)

1960 – (MAGDA) LOVISA SJOBERG, Karlstad (32016)

1960 – LIV GUSTAVSSON, Stockholm (32016)

1962 – LEA PERSSON, Liddevalla (31208)

1964 – SARA WITT, Ronneby (32109)

1966 – LENA ANDERSSON, Uppsala (30112)

Vụ đầu tiên trong loạt án này là Rebecka Jacobsson, 1949, chi tiết anh đã biết rồi. Vụ tiếp theo tôi tìm thấy là Mari Holmberg, một gái điếm ba mươi hai tuổi ở Kalmar bị giết ở nhà cô ta tháng Mười 1954. Không biết rõ chính xác bị giết vào lúc nào vì không tìm thấy được ngay thi thể, chắc là chín mười ngày sau.

- Sao cô lại gắn nó vào danh sách Harriet?

- Cô ấy bị trói và bị lạm dụng tệ hại nhưng chết là do bị thắt cổ bằng một cái khăn vệ sinh.

Blomkvist ngồi im một lúc rồi nhìn lên khổ thơ Leviticus 20:18.

“Nếu một người đàn ông nằm với một người đàn bà đang đau ốm và phơi trần truồng người đàn bà ra, làm lộ cái giếng của người đàn bà và người đàn bà cũng để lộ ra máu tháng của mình thì cả hai sẽ bị đồng loại ruồng bỏ”.

Salander gật đầu.

- Harriet cũng gắn thế này. OK. Vụ sau?

- Tháng Năm 1957, Rakel Lunde, bốn mươi lăm tuổi. Chị này làm việc vệ sinh dọn dẹp nhà cửa và là một người vui vẻ có đôi chút kỳ cục ở trong làng. Chị ta xem bói và có thú riêng là xem bói bài, bói tay v.v… Chị sống ở ngoài Landskrona trong một ngôi nhà cách xa tất cả mọi nơi và bị giết một lúc nào đó vào sáng sớm. Người ta tìm thấy chị ấy bị trói trần truồng vào cái khung giá phơi quần áo giặt ở trong vườn sau nhà, mồm bị dán băng kín. Chết vì bị ném đá liên tục. Người đầy vết bầm tím và gãy xương.

- Lạy Chúa. Lisbeth, thật ghê gớm!

- Chuyện còn tồi tệ nữa. Các chữ tắt R.L. là đúng – anh tìm thấy thơ dẫn ở Kinh thánh chưa?

- Quá ư là rõ. “Một người đàn ông hay một người đàn bà làm đĩ hay phù thủy thì sẽ bị xử chết, chúng sẽ bị ném đá, máu sẽ phải nhuộm người chúng”.

- Rồi đến Sjoberg ở Ranmo ngoài Karlstad. Chị này được Harriet gọi là Magda trong danh sách. Tên họ đầy đủ là Magda Lovisa, nhưng người ta gọi chị là Lovisa.

Blomkvist nghe trong khi Salander kể lại những chi tiết kỳ lạ của vụ án mạng ở Karlstad. Khi cô châm thuốc lá, anh chỉ tay vào bao thuốc và cô đẩy nó lại đằng anh.

- Vậy là tên giết người cũng tấn công vào giống vật nữa?

- Trong thơ Leviticus nói nếu một người phụ nữ có chuyện tình dục với một con vật thì cả hai đều phải bị giết.

- Chuyện người phụ nữ này có chuyện tình dục với một con bò xem vẻ là không có.

- Có thể đọc rồi hiểu máy móc câu thơ. Người phụ nữ “lại gần” con vật là cũng đã đủ bị rồi, mà vợ một người chủ trại thì tránh sao được ngày nào mà chả “lại gần”.

- Hiểu.

- Vụ tiếp theo ở danh sách Harriet là Sara. Tôi đã dò ra được là Sara Witt, ba mươi bảy tuổi, sống ở Ronneby. Chị này bị giết hồi tháng Giêng năm 1960, người ta tìm thấy bị trói vào giường, bị hiếp thô bạo nhưng chết là do ngạt thở, bị bóp cổ. Kẻ giết người đã châm lửa, chắc có ý thiêu cháy cho ngôi nhà sụp xuống nhưng lửa đã tự tắt đi phần nào, còn lại thì sau đó rất nhanh lính cứu hỏa đã đến dập tắt được.

- Thế mối liên quan?

- Hãy nghe cái này. Sara Witt là con gái một mục sư vừa là vợ một mục sư. Chồng chị ta cuối tuần ấy đi vắng.

- “Và nếu con gái của bất cứ thầy tế nào, tự làm ô uế nó bằng hành nghề đĩ thì cũng làm ô uế cả chính bố nó; đứa con gái sẽ bị lửa thiêu”. OK. Cái này phù hợp với bản danh sách. Cô bảo cô tìm ra thêm mấy vụ.

- Tôi đã tìm ra ba người phụ nữ khác cũng bị giết trong những trường hợp kỳ lạ tương tự và họ có thể là đã ở trong danh sách của Harriet. Người đầu tiên là một thiếu phụ tên là Liv Gustavsson. Cô này hai mươi tuổi và sống ở Farsta. Là một cô gái thích ngựa – cô chơi đua ngựa và là một tài năng khá hứa hẹn. Cô cũng có một cửa hiệu nhỏ bán các thú cưng cùng với bà chị. Cô được tìm thấy ở trong cửa hiệu. Cô ở lại một mình để vào sổ sách. Cô đã bị hiếp và bị bóp cổ chết.

- Vụ này nghe không giống hẳn như danh sách của Harriet đúng không?

- Giống chứ, bởi vì có một điều này. Tên giết người kết thúc trò man rợ của hắn bằng đem cắm một con vẹt đuôi dài vào âm hộ của cô gái rồi thả xổng hết các con vật ở cửa hiệu ra. Mèo, rùa, chuột bạch, thỏ, chim. Kể cả cá trong bình thủy tinh. Để sáng sau bà chị gặp phải một cảnh kinh hoàng như thế nào.

Blomkvist lưu ý:

- Cô ấy bị giết tháng Tám 1960, bốn tháng sau vụ giết Magda Lovisa, vợ người chủ trại ở Karlstad. Trong hai trường hợp này, hai người phụ nữ đều làm việc với giống vật và cả trong hai trường hợp đều có con vật bị hiến tế. Con bò ở Karlstad có thể đã sống sót – nhưng tôi khó hình dung ra chuyện có thể giết một con bò bằng một con dao. Một con vẹt đuôi dài thì ý tứ có lộ ra trắng trợn hơn. Ngoài ra đã có thêm vật hiến tế nữa.

- Vật nào?

Salander bằng kể chuyện “vụ án mạng bồ câu” của Lea Persson. Blomkvist ngồi lặng im quá lâu đến nỗi Salander phát sốt ruột.

- Tôi chịu cái ý này của cô, - cuối cùng anh nói. – Còn lại một vụ.

- Một vụ mà tôi phát hiện nhờ may. Tôi không biết đã để tuột lỡ mất bao nhiêu rồi.

- Nói tôi nghe về vụ này đi.

- Tháng Hai 1966 ở Uppsala. Nạn nhân là một vận động viên thể dục mười bảy tuổi tên là Lena Andersson. Cô mất tích sau buổi liên hoan lớp học rồi ba ngày sau thì tìm thấy cô ở trong một cái rạch trên bình nguyên Uppsala, xa hẳn ra ngoài thị trấn. Cô đã bị giết đâu đó rồi thi thể bị dìm xuống ở đây. Vụ án mạng này đã khuấy truyền thông đại chúng lên nhưng các trường hợp xác thực xung quanh cái chết của cô không bao giờ được báo cáo. Cô gái đã bị hành hạ kỳ dị. Tôi có đọc báo cáo của nhà bệnh lý học. Cô gái đã bị tra tấn bằng lửa. Hai tay và ngực cô bị đốt tàn nhẫn và khắp người cô đã bị đốt ở nhiều nơi. Người ta tìm thấy vết paraphin trên người cô, tức là cô đã bị đốt bằng nến, nhưng hai tay cô bị cháy thành than thì tức là chúng đã bị giữ lâu ở trên một ngọn lửa lớn hơn. Cuối cùng tên giết người cửa đứt đầu cô ta, ném vào cạnh cái xác.

Blomkvist trắng nhợt mặt lại.

- Chúa ơi. – Anh nói.

- Tôi không tìm ra câu thơ nào trong Kinh thánh hợp với cái đó nhưng có nhiều đoạn bàn đến cúng tế bằng lửa và cúng tế tội lỗi, ở một số nơi người ta còn yêu cầu hiến tế bằng con vật – phần lớn trường hợp là một con bò đực – phải được cắt ra sao cho cái thủ phải rời khỏi thân. Chuyện lửa này lại làm cho tôi nhớ lại vụ án mạng đầu tiên, về Rebecka ở Hedestad đây.

Tối đến, khi muỗi đã bâu lại hàng đàn, họ dọn dẹp cái bàn ngoài vườn, chuyển vào bếp để nói chuyện nốt.

- Việc anh không tìm được trích dẫn chính xác ở Kinh thánh không hề gì. Không phải là chuyện trích dẫn, mà là đem nhái lố bịch những cái viết trong Kinh thánh thôi – đúng ra là nó lấy các trích dẫn đã bị rút ra khỏi bối cảnh văn bản rồi gắn vào vụ án.

- Tôi đồng ý. Nó cũng không logic nữa cơ. Chẳng hạn lấy câu trích cả hai đều bị cắt rời ra với đồng loại của chúng nếu một ai đó có chuyện tình dục với một cô gái đang thấy tháng. Nếu câu này được hiểu theo kiểu máy móc thì kẻ giết người cũng sẽ phải tự sát.

- Thế thì cái này dẫn đến đâu? – Blomkvist băn khoăn nói.

- Harriet của anh hoặc có một thú vui riêng kỳ lạ hoặc là đã biết rằng có một mối dây giữa các vụ án mạng.

- Giữa 1949 và 1966, có thể cả trước hay sau nữa.Với tôi, không thể nào tin được rằng ít nhất trong mười bảy năm có một hung thủ bạo dâm bệnh hoạn giết người hàng loạt đang tàn sát phụ nữ, thế mà chả có ai nhìn ra mối liên quan nào giữa chúng.

Salander đẩy ghế lùi lại, rót thêm cà phê trong bình trên lò ra. Cô châm một điếu thuốc. Mikael tự rủa thầm và cũng thấu trộm của cô một điếu.

- Không, không thể tin được chuyện ấy. – Cô giơ một ngón tay lên nói. – Trong thế kỷ XX ở Thụy Điển chúng ta có vài chục vụ phụ nữ bị giết mà không tìm ra thủ phạm. Ông Persson, giáo sư tội phạm học, có nói trên tivi một lần rằng các sát nhân hàng loạt theo dây chuyền là hiếm có ở Thụy Điển, nhưng chắc chúng ta cũng có một số đứa chưa bị tóm.

Cô giơ một ngón tay lên nữa.

- Các án mạng gây ra trong một thời gian rất dài và ở khắp đất nước. Năm 1960, hai vụ xảy ra gần nhau những hoàn cảnh lại hoàn toàn khác nhau – vợ một chủ trại ở Karltad và một cô gái hai mươi tuổi ở Stockholm.

Ba ngón tay dựng lên.

- Không có hình mẫu dễ dàng để cho nhận thấy được ngay. Những kẻ sát nhân tiến hành những chỗ khác nhau và không có chữ ký thực sự nhưng có một số điều đã được lặp lại. Những con vật này. Lửa này. Hiếp thô bạo này. Và như anh đã chỉ ra, việc nhái các thơ trích ở Kinh thánh. Nhưng hình như không một thám tử điều tra nào đã giải một vụ án nào theo các trích dẫn ở Kinh thánh.

Blomkvist đang quan sát cô gái. Với thân hình thanh mảnh, chiếc áo yếm đen, những hình xăm và những cái nhẫn xuyên trên mặt, Salander nom lạc chỗ, ít ra thì cũng lạc với một căn nhà khách bằng gỗ ở Hedeby. Trong bữa tối, khi anh tỏ ra chan hòa, thì cô lầm lỳ đến mức thô cứng. Nhưng khi vào việc thì cô, từ cái ngón tay trở đi, cứ như là một nhà chuyên nghiệp. Căn nhà của cô ở Stockholm nom ngỡ cứ như có một quả bom vừa nổ xong, nhưng về đầu óc thì cô cực kỳ giỏi tổ chức.

- Khó nhìn ra mối liên hệ giữa một cô điếm ở Uddevalla bị giết ở trong một khu công nghiệp và vợ một mục sư bị thắt cổ chết, nhà thì bị đốt ở Ronneby. Nếu anh không có cái chìa khóa nà Harriet cho thì cái này là chìa khóa đó.

- Điều này dẫn đến câu hỏi tiếp theo. – Blomkvist nói.

- Harriet dính líu vào tất cả các câu chuyện này như thế nào đây? Một cô gái mười bảy tuổi giữa chốn thâm nghiêm kín cổng cao tường như thế này.

- Chỉ có một câu trả lời, - Salander nói. – Chắc là phải có một liên hệ với gia đình Vanger.

Vào 11 giờ đêm ấy, họ duyệt hết xê ri án mạng và thảo luận các mối liên hệ cũng như các chi tiết dù nhỏ về chỗ giống nhau và khác nhau, bàn nhiều quá đến nỗi đầu Blomkvist quay cuồng. Anh dụi dụi mắt, rồi hỏi Salander có thích đi bộ một lúc không. Vẻ mặt cô cho thấy cô nghĩ kiểu này là một trò phí thì giờ nhưng cô đồng ý. Blomkvist khuyên cô nên mặc quần dài vì muỗi.

Họ đi qua bến tàu nhỏ rồi đi qua dưới gầm cầu và ra ngoài tới mũi đất nhà Martin Vanger. Blomkvist chỉ các ngôi nhà khác nhau và nói về những người sống ở trong đó. Anh hơi khó nói khi tới nhà Cecillia Vanger. Salander tò mò nhìn anh. Họ đi qua chiếc du thuyền máy của Martin và tới mũi đất, họ ngồi xuống một tảng đá và hút thuốc.

- Có thêm một mối liên hệ. – Blomkvist thình lình nói.

- Là gì?

- Tên của họ.

Salander nghĩ một lúc rồi lắc.

- Những tên ấy là ở trong Kinh thánh.

- Không đúng, - cô nói. – Liv với Lena thì ở chỗ nào trong Kinh thánh?

- Có trong ấy đấy. Trong những ngôn ngữ khác là Eva, Liv có nghĩa là sống. và tiếp tục nào – Lena là tắt của cái gì?

Salander ngán ngẩm nhăn mặt. Anh đã nhanh hơn cô. Cô không thích điều đó.

- Magdalena. – Cô nói.

- Cô điếm, người phụ nữ đầu tiên, mary trinh trắng… họ đều ở đây, trong cái nhóm này. Trò này kỳ quái đến mức đầu một nhà tâm lý học khéo cũng phải nháo nhào lên mất. Nhưng có một cái khác nữa liên quan đến những cái tên.

Salander kiên nhẫn chờ.

- Đây rõ ràng là những tên Do thái truyền thống. Gia đình Vanger có một phần khá lớn các lý luận gia về âm mưu và các phần tử Quốc xã cuồng tín bài Do thái. Tôi gặp Harald Vanger chỉ một lần, hắn đứng ở giữa đường chửi con gái hắn là con điếm. Lão chắc chắn có vấn đề với phụ nữ.

Trở lại căn nhà gỗ, họ ăn qua loa bữa nửa đêm và hâm nóng cà phê. Mikael nhìn vào tập giấy gần 500 trang mà điều tra viên cưng của Dragan Armansky đã làm cho anh.

- Đào tung cái này lên chỉ trong một thời gian ngắn như thế, cô thật là tuyệt vời.- Anh nói – Cảm ơn. Cảm ơn cả việc quá bộ lên đến tận đây để báo cáo về chuyện kia.

- Tiếp là chuyện gì bây giờ? – Salander muốn biết.

- Ngày mai tôi sẽ nói với Dirch Frode để thu xếp thanh toán tiền công cho cô.

- Tôi không có ý nói cái đó.

Blomkvist nhìn cô.

- Được, tôi nhận là việc tôi nhờ cô đã được làm xong.

- Tôi làm không phải vì cái đó.

Blomkvist ngả lưng vào tường bếp và bắt gặp cái nhìn của cô gái. Anh không thể đọc được gì trong mắt cô. Trong nửa năm nay anh một mình làm về vụ Harriet mất tích thì đây có một người nữa – một người điều tra có kinh nghiệm – nắm giữ mọi sự. Anh đã bồng bột có quyết định.

- Tôi biết. Chuyện này tôi cũng đã nghĩ đến lắm. Tôi sẽ nói chuyện với Frode. Chúng tôi sẽ mướn cô trong một hay hai tuần làm… trợ lý điều tra viên. Tôi không hiểu ông ấy có trả công như trả cho Armansky hay không nhưng chúng tôi có thể sẽ thu xếp một đồng lương cơ bản khả dĩ sống được cho cô.

Thình lình Salander mỉm cười. Cô không muốn bị gạt ra và cô có thể sẵn sàng làm không lương cho việc này.

- Tôi buồn ngủ. – Cô nói và lập tức đi vào phòng mình, đóng cửa lại.

Hai phút sau, cô lại mở cửa thò đầu ra.

- Tôi nghĩ anh sai. Không phải một tên sát nhân hàng loạt điên loạn đọc sai Kinh thánh. Chính là một dân bình thường hoặc một cha bố láo ghét phụ nữ nào đấy thôi.

21

Thứ Năm, 3 tháng Bảy

Thứ Năm, 10 tháng Bảy

Salander dậy trước Blomkvist, quãng 6 giờ. Cô đặt ít nước pha cà phê rồi đi tắm. 7 rưỡi, khi Blomkvist dậy, cô đang ngồi đọc tóm tắt vụ Harriet ở trên iBook của anh. Anh vào bếp, khăn tắm quấn quanh mình, day day mắt cho hết vẻ ngái ngủ.

- Có cà phê trên bếp lò đấy. – Cô nói.

Anh nhìn qua vai cô.

- Này, tư liệu này là mật mã được bảo vệ đấy. – Anh nói.

Cô quay lại nhìn anh.

- Chỉ mất có nửa phút tải từ Net xuống một chương trình là phá được bảo vệ mã khóa của Word thôi.

- Chúng ta cần nói chuyện về vấn đề cái gì là của cô, cái gì là của tôi. – Anh nói và đi tắm.

Khi anh trở lại, Salander đã tắt máy tính của anh và đặt nó về chỗ của nó ở trong phòng làm việc. Cô đã cho chạy chiếc PowerBook của cô. Blomkvist cầm chắc nội dung trong máy tính của anh đã bị chuyển sang máy tính của cô.

Salander là một kẻ nghiền thông tin với một cái vốn về luân lý và đạo đức của một đứa trẻ hư.

Anh vừa ngồi xuống ăn sáng thì có tiếng gõ ở cửa chính. Martin Vanger nom quá trịnh trọng khiến trong một thoáng Blomkvist đã ngỡ anh ta đến báo tin chú anh ta đã chết.

- Không, sức khỏe của Henrik vẫn như hôm qua. Tôi đến vì một lý do khác hẳn. Tôi có thể vào một lúc không?

Blomkvist để anh ta vào, giới thiệu với “người trợ lý nghiên cứu của tôi”. Cô chỉ liếc một cái vào ông trùm công nghiệp và khẽ gật đầu rồi lại quay về chiếc máy tính. Martin theo thói quen chào mừng cô nhưng nom anh ta quá thoải mái đến nỗi có vẻ như anh ta không mấy để ý đến cô. Blomkvist rót cho Martin một tách cà phê và mời ngồi.

- Chuyện gì thế ạ?

- Anh không đặt mua Hedestad Courier ư?

- Không. Nhưng đôi khi tôi đọc nó ở quán Cà phê & bánh đầu cầu Sussane.

- Vậy anh không đọc báo sáng nay.

- Anh nói nghe như tôi cần phải đọc vậy.

Martin Vanger để tờ báo hôm nay xuống bàn trước mặt anh. Anh được dành cho hai cột báo ở trang nhất, tiếp theo ở trang tư. “Nhà báo vu khống bị tù nấp ở đây”. Một bức ảnh chụp từ đồi nhà thờ bên kia cầu bằng ống kính télé cho thấy anh đi ở trong căn nhà gỗ ra.

Phóng viên, Torsson đã ghép các mẩu lại thành một ảnh thô bỉ. Anh ta nhắc lại vụ Wennerstrom và giải thích rằng Blomkvist đã bị mất uy tín mà phải rời khỏi Millennimum và vừa mới thụ án xong. Bài báo kết thúc với một dòng quen thuộc mà Blomkvist từ chối bình luận với Hedestad Courier. Tất cả cư dân tự trọng ở Hedestad đều được nhắc nhở rằng đồ rác rưởi từ Stockholm đang lẩn tránh ở khu vực này. Không tuyên bố nào ở trong bài báo có tính vu cáo nhưng được trình bày vẹo vọ để cho thấy Blomkvist không hay ho gì; cách trình bày và kiểu in là loại các tờ báo như thế này thường dùng khi nói về các phần tử khủng bố chính trị. Millennium được miêu tả là một tạp chí kém được tin cậy “thiên về khuấy đảo” và quyển sách của Blomkvist về báo chí tài chính thì được trình bày như là một tập hợp các “phát ngôn gây tranh cãi” về các nhà báo khác vốn được kính trọng.

- Mikael…, tôi không biết nói thế nào để bày tỏ cảm tưởng của tôi khi đọc bài báo này. Thật là bỉ ổi.

- Đây là một việc đã được bố trí. – Blomkvist nói với vẻ bình tĩnh.

- Tôi hy vọng anh hiểu là tôi không có dính dáng một chút nào đến trò này. Khi uống cà phê sáng nay, đọc nó tôi đã bị choáng.

- Vậy ai làm?

- Tôi có gọi vài nơi. Tay Torsson này đến học việc vào dịp hè. Cậu ta viết theo lệnh của Birger.

- Tôi nghĩ Birger không nói ở các tòa báo. Dẫu sao, ông ta cũng là một ủy viên hội đồng và một bộ mặt chính trị.

- Ông ta không có ảnh hưởng về mặt kỹ thuật. Nhưng Tổng biên tập của Courier là Gunnar Karlman, con trai của Ingrid, người thuộc về chi Johan Vanger. Birger và Gunnar trong nhiều năm đã thân với nhau.

- Tôi biết.

- Torsson sẽ bị sa thải tắp lự.

- Cậu ta bao nhiêu tuổi?

- Nói thật là tôi không biết. Khi cậu ta gọi, tôi nghe cậu ấy có vẻ là một phóng viên rất trẻ và không có kinh nghiệm.

- Chuyện này không thể để cho qua mà vô sự được.

- Nếu anh cần ý kiến của tôi thì tình hình xem ra có chút nào đó phi lý. Chả lẽ Tổng biên tập của một tờ báo do gia đình Vanger sở hữu lại đi công kích một tờ báo khác có Henrik Vanger là chủ đồng sở hữu ở đó và cả anh nữa cũng có ghế trong ban lãnh đạo của nó. Karlman, biên tập viên của anh đang công kích anh và Henrik.

- Tôi hiểu ý anh và tôi phải khiển trách ai chịu trách nhiệm chuyện này… Karlman là một chủ đồng sở hữu trong tập đoàn và ông ấy hay gây sự nhăng nhít với tôi. Nhưng chuyện này xem vẻ là Birger muốn trả thù việc anh cãi nhau với ông ta ở bệnh viện hôm nào. Anh là cái gai ở bên sườn ông ấy.

- Tôi tin như vậy. Vì thế mà tôi nói không nên khiển trách Torsson. Một anh thực tập thì sao dám nói không khi ông chủ chỉ thị anh ta viết một cái gì theo một kiểu nào đó.

- Tôi có thể yêu cầu ngày mai họ xin lỗi anh.

- Tốt hơn là không. Nó sẽ có thể quay ra thành một trận cãi vã dẳng dai làm cho tình hình càng xấu thêm.

- Vậy anh nghĩ là tôi nên im.

- Không được tích sự gì đâu mà. Karlman sẽ khuấy cho rối lên và xấu nhất là có khả năng anh sẽ bị vẽ ra thành một kẻ độc địa đang cố giẫm đạp lên tự do ngôn luận, vì ông ta vẫn có quyền là chủ sở hữu cơ mà.

- Xin lỗi, Mikael, nhưng tôi không đồng ý với anh. Sự thật là tôi cũng có quyền trình bày ý kiến của tôi chứ. Theo tôi thì bài bào này thối um – và tôi có ý định nói rõ quan điểm của tôi. Tuy miễn cưỡng thay Henrik ở ban lãnh đạo Millennium, nhưng tôi sẽ không để cho một bài báo công kích như thế này ra đòn mà không nếm đòn trả lại.

- Cũng đủ công bằng rồi.

- Vậy nên tôi sẽ yêu cầu quyền đáp lại. Và nếu tôi làm cho Karlman nom ra một đứa ngố thì ông ta chỉ có thể tự trách ông ta mà thôi.

- Anh cần làm cái mà anh tin là đúng.

- Với tôi thì việc quan trọng là anh tuyệt đối hiểu cho rằng tôi không có mảy may dính vào chuyện đả kích độc ác này.

- Tôi tin anh. – Blomkvist nói.

- Ngoài ra tôi, - Martin nói, - tôi thật lòng không muốn nêu chuyện này ra vào lúc này nhưng chính nó lại làm rõ ra được việc chúng ta đã bàn. Để anh trở lại vào ban biên tập của Millennium là quan trọng, làm như thế chúng ta có thể cho thế giới thấy một mặt trận thống nhất. Chừng nào anh còn đi xa, chừng ấy đồn bậy còn tiếp tục. Tôi tin ở Millennium và tôi chắc chắn chúng ta sẽ cùng nhau thắng trận đánh này.

- Tôi hiểu ý anh nhưng bây giờ đến lượt tôi không đồng ý với anh. Tôi không thể phá bản hợp đồng của tôi với Henrik và tôi cũng thật tình không muốn phá. Anh xem đấy, tôi thật lòng mến ông ấy. Rồi cái việc với Harriet kia…

- Vâng, thế thì sao?

- Tôi biết nó là nỗi đau buồn âm ỉ với anh nhưng tôi nhận thấy là Henrik đã bị ám ảnh với nó trong nhiều năm.

- Chỉ là giữa hai chúng ta thôi – tôi rất yêu Henrik và chú là người chỉ bảo tôi – nhưng khi đến chuyện Harriet thì đầu óc ông cụ gần như mất tỉnh táo.

- Khi bắt đầu việc này, tôi không thể không nghĩ rằng đây là chuyện phí thì giờ nhưng nay tôi lại thấy chúng ta sắp đến một đột phá, có thể là chúng ta có cơ biết được chuyện gì đã thật sự xảy ra.

Blomkvist đọc thấy hồ nghi trong mắt Martin. Cuối cùng anh quyết định.

- OK, trong trường hợp này điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giải càng sớm càng tốt cái bí mật về Harriet. Tôi sẽ hết sức ủng hộ anh để anh hài lòng mà hoàn thành công việc của anh – và dĩ nhiên của cả Henrik – rồi tôi sẽ về Millennium.

- Tốt. Vậy tôi cũng sẽ không phải đấu với anh.

- Đúng. Anh có thể yêu cầu tôi giúp bất cứ lúc nào anh gặp phải vấn đề gì. Tôi dám đảm bảo là Birger sẽ không ngáng cản gì trên con đường của anh đâu. Và tôi sẽ cố nói chuyện với Cecilia để chị ấy bình tĩnh lại.

- Cảm ơn anh. Tôi cần hỏi chị ấy vài điều; tôi muốn nói chuyện với chị ấy nhưng cả tháng nay chị ấy cứ cưỡng lại.

Martin Vanger cười ầm.

- Có lẽ còn có những vấn đề khác mà anh cần san cho phẳng. Nhưng tôi sẽ không dính vào chuyện đó đâu.

Họ bắt tay nhau.

Salander đã nghe câu chuyện. khi Martin đi rồi, cô cầm lấy tờ Hedestad Courier rà bài báo. Cô đặt tờ báo xuống không bình luận.

Blomkvist ngồi im lặng nghĩ. Gunnar Karlman sinh năm 1948, năm 1966 thì mười tám tuổi. Anh ta là một trong những người ở trên đảo khi Harriet mất tích.

Sau bữa trưa lót dạ, anh bảo cô trợ lý điều tra đọc các báo cáo của cảnh sát. Anh đưa cho cô tất cả các ảnh về vụ tai nạn cũng như bản tóm tắt dài về cuộc điều tra của bản thân Henrik Vanger.

Rồi anh lái xe đến nhà Frode, nhã nhặn đề nghị ông thảo cho một bản thỏa thuận cho Salander làm trợ lý điều tra trong một tháng. Lúc anh về căn nhà gỗ, Salander đã chuồn ra vườn và ngập lút vào trong báo cáo của cảnh sát. Blomkvist đi vào pha cà phê. Anh quan sát cô qua cửa sổ bếp. Cô hình như đang đọc lướt, mỗi trang bỏ ra không quá mươi mười lăm giây. Cô lật các trang như máy và anh ngạc nhiên thấy cô thiếu tập trung; cái đó không sao, bởi báo cáo của cô lại quá ư là chi li tỉ mỉ. Anh lấy hai tách cà phê mang ra bàn ngoài vườn.

- Các nhận xét của anh là đã có trước khi anh biết chúng ta đang tìm một kẻ giết người hàng loạt.

- Đúng. Tôi chỉ viết ra các vấn đề mà tôi muốn hỏi Henrik và một vài điều khác nữa. Nó chả ra hình thù mạch lạc gì. Cho đến nay, tôi đang thật sự là vật nhau trong bóng tối, đang cố viết một chuyện – một chương trong tiểu sử của Henrik Vanger.

- Còn bây giờ?

- Trước kia mọi điều tra đều tập trung vào đảo Hedeby. Nay tôi chắc chắn rằng rằng câu chuyện, chuỗi các sự kiện dẫn đến vụ mất tích là bắt đầu ở Hedestad. Cái đó làm thay đổi hướng nhìn.

- Những cái anh phát hiện ra trong các bức ảnh là lý thú đấy.

Blomkvist ngạc nhiên. Salander không có vẻ là kiểu nguời quăng đi tơi tới những lời khen và anh thấy khoái. Mặt khác – xét từ một quan điểm thuần túy báo chí – thì đây cũng gần như đã là một thành thích.

- Đến lượt anh điền các chi tiết vào. Chuyện ra sao rồi với bức ảnh anh đang lùng tìm ở Nosjo?

- Cô muốn nói là cô không kiểm tra các ảnh trong máy tính của tôi?

- Không có thì giờ. Tôi cần đọc các tóm tắt, việc của anh chỉ liên quan với anh thôi.

Blomkvist mở iBook, vào hồ sơ ảnh.

- Thật hấp dẫn. Chuyến đi lên Nosjo là một tiến bộ nhưng cũng là một thất vọng. Tôi tìm ra bức ảnh nhưng nó chẳng nói được gì nhiều.

- Người phụ nữ này, Mildred Berggren đã lưu giữ tất cả ảnh vào trong album. Bức ảnh tôi tìm là ở trong đó. Nó được chụp bằng loại phim màu rẻ tiền, sau ba mươi bảy năm nước ảnh đã mờ đi đến mức không thể ngờ - thành ra một màu vàng nhạt. Nhưng, cô có tin được không, bà ấy vẫn còn âm bản để trong một cái hộp đựng giầy. Bà ấy cho tôi mượn tất cả các âm bản chụp ở Hedestad và tôi đã quét hình chúng. Đây là cái điều mà Harriet đã nhìn thấy.

Anh bấm vào một hình ảnh mà bây giờ có tên hồ sơ là HARRIET/bd-19.eps. Salander lập tức hiểu nỗi thất vọng của anh. Cô thấy một bức ảnh chụp toàn cảnh cho thấy các anh hề ở hàng đầu của cuộc diễu hành Ngày Trẻ con. Ở đằng sau có thể thấy góc nhà cửa hàng đồ mộc Sundstrom. Khoảng mười người đứng trên con đường lát đá trước nhà Sundstrom.

- Tôi nghĩ cô ta nhìn người này đây. Một phần vì tôi tạo lấy đường tam giác cho cái điểm mà cô ấy đang nhìn, xét theo cái góc mà mặt cô ấy quay vào – tôi vẽ ra một ngã tư ở đây – và một phần vì đây là người duy nhất hình như đang nhìn thẳng vào máy ảnh. Có nghĩa là đang nhìn Harriet.

Salander nhìn thấy một bộ mặt nhòa nhạt đứng lui lại sau các khán giả một ít, gần như ở phố bên cạnh. Anh ta mặc jacket độn vai, thẫm màu có một vạch đỏ trên vai và quần có thể là jean thẫm màu. Blomkvist đã phóng to nên hình người từ eo trở lên choán mất hết màn hình. Lập tức bức ảnh hóa ra nhòa hơn.

- Đó là một người đàn ông. Khoảng trên mét bảy, tầm thước. Tóc vàng thẫm, tóc dài vừa phải và râu cạo nhẵn nhụi. Nhưng không thể làm rõ được nét mặt hay thậm chí ước lượng được tuổi. Quãng giữa tuổi mười mấy và trung niên.

- Anh có thể chỉnh bức ảnh…

- Tôi đã chỉnh, mẹ kiếp. Tôi còn gửi bức ảnh sao đến bộ phận chỉnh ảnh bằng máy tính ở Millennium nữa. – Blomkvist bấm vào một bức ảnh mới chụp. - Ảnh này là bức tốt nhất mà tôi lấy ra từ bức ảnh kia. Chỉ là vì máy ảnh kia quá xoàng và cự ly thì quá xa.

- Anh đã đưa cho ai xem chưa? Một ai đó có thể nhận ra dáng vẻ của người đàn ông hay là…

- Tôi đưa nó cho Frode. Ông ta không biết người đàn ông này là ai.

- Ông Frode chắc không phải là người có óc quan sát nhất ở Hedestad.

- Đúng, nhưng tôi đang làm việc với ông ta và Henrik Vanger. Tôi muốn đưa bức ảnh cho Henrik xem trước khi tôi cho nó lên mạng rộng hơn.

- Có thể người này chỉ là một người đứng xem.

- Có thể. Thế nhưng hắn đã làm bật ra được ở Harriet một phản ứng lạ lùng như vậy đấy.

Trong mấy ngày sau đó, Blomkvist và Salander gần như làm không nghỉ lúc nào về vụ Harriet. Salander đọc tiếp báo cáo của cảnh sát, lia hết câu hỏi này sang câu hỏi khác. Chỉ có thể có một sự thật là mỗi câu trả lời mơ hồ hay lưỡng lự đều lại dẫn đến một câu hỏi khác lớn hơn.

Hai người bỏ cả một ngày xem xét thời gian biểu xuất hiện các nhân vật tại hiện trường của vụ tai nạn xe trên cầu. Sanlander ngày càng thành một bí ẩn với anh. Mặc dù cô chỉ đọc lướt nhanh các tài liệu trong báo cáo, cô hình như vẫn luôn luôn đậu được vào các chi tiết tối tăm nhất, mâu thuẫn nhất.

Buổi chiều họ nghỉ, khi không thể nào chịu nổi được cái nóng ở trong vườn. Họ sẽ bơi ở eo biển hay đi bộ lên sân trời của quán Cà phê & bánh đầu cầu Sussane. Nay Sussane đối xử lạnh ra mặt với Blomkvist. Anh nhận thấy Salander coi bộ ít hợp pháp và cô rõ là đang sống trong căn nhà gỗ cùng anh vậy thì điều đó – trong mắt Sussane – đã khiến cho anh trở thành một gã trung niên nhơ bẩn. Không hay.

Tối nào Blomkvist cũng ra ngoài chạy. Khi anh trở về căn nhà gỗ thở hồng hộc, Salander không bình luận. Rõ ràng chạy không phải là món của cô.

- Tôi hơn bốn chục rồi, - anh nói. – Tôi phải tập để giữ cho khúc giữa không quá béo.

- Tôi thấy rồi.

- Cô không tập tành gì à?

- Tôi có đánh bốc một dạo.

- Đánh bốc?

- À, anh biết đấy, với găng đấm.

- Cô bốc ở hạng cân nào? – Anh hỏi khi ở vòi tắm sen ra.

- Chả hạng nào. Thỉnh thoảng tôi chọi chút ít lại đám con trai trong câu lạc bộ ở Soder.

Sao mà không ngạc nhiên được chứ? Nhưng ít nhất cô đã nói với anh một cái gì đó về cô. Sao cô lại đến làm việc với Armansky? Cô đã được giáo dục học hành như thế nào? Bố mẹ cô làm gì? Hễ Blomkvist vừa thử hỏi về đời sống của cô, cô liền im như hến, chỉ trả lời nhát gừng hay lờ anh đi.

Một chiều, Salander thình lình đặt một cặp hồ sơ xuống, nhăn mặt.

- Anh biết gì về Otto Falk không? Ông mục sư ấy.

- Không nhiều. Tôi gặp vị mục sư đương nhiệm một ít lần trong năm và được nghe nói là Falk sống trong một nhà dưỡng lão ở Hedestad. Bệnh Alzheimer, già lú.

- Ông ta người đâu?

- Ở Hedestad. Đã học ở Uppsala.

- Ông ta không có vợ. Và Harriet lẵng nhẵng bên ông ta.

- Tại sao cô hỏi?

- Tôi chỉ nói là Morell đã khá là dễ dãi với ông ta khi phỏng vấn.

- Trong những năm 60 các mục sư được hưởng một quy chế trong xã hội khác xa bây giờ. Với ông ta thì sống ở đây trên đảo, gần với những manh mối quyền lực là điều tự nhiên thôi, tạm nói như vậy.

- Tôi nghĩ liệu cảnh sát đã có kiểm tra kỹ lưỡng nhà mục sư hay không. Trong các bức ảnh thì xem vẻ đó là một tòa nhà gỗ to, có nhiều chỗ giấu được một cái xác trong một thời gian.

- Đúng thế, nhưng trong tài liệu không có gì chỉ ra rằng ông ta đã có quan hệ gì đó với những tên sát nhân hàng loạt hay với việc Harriet mất tích.

- Thật vậy, có thể, - Salander nói và cười châm biếm. – Trước hết, ông ta là một mục sư, và hơn ai hết các mục sư là có quan hệ đặc biệt đến Kinh thánh. Thứ hai, người ta biết ông ta là người cuối cùng trông thấy và nói chuyện với Harriet.

- Nhưng ông ta xuống chỗ xảy ra tai nạn và ở lại đó hàng giờ. Ông ta có ở trong nhiều bức ảnh, đặc biệt vào lúc Harriet chắc là đã biến mất.

- Được, tôi không bẻ được bằng chứng ngoại phạm của ông ta. Nhưng tôi quả là có nghĩ đến một cái gì đó khác đấy. Câu chuyện này là về một tên bạo dâm giết phụ nữ hàng loạt.

- Vậy thì?

- Tôi là… Mùa xuân này tôi có ít thì giờ cho bản thân, tôi đã đọc một ít về những kẻ bạo dâm ở trong các bối cảnh khác thể. Một trong những cái tôi đã đọc là sách huấn luyện của FBI. Có kết luận rằng một số lượng đáng ngạc nhiên từ những tên sát nhân hàng loạt bị tù là xuất thân từ các gia đình xộc xệch chức năng và lúc còn bé thì từng hành hạ giống vật. Một số những tên sát nhân hàng loạt, người Mỹ, cũng đã bị bắt vì có ý định phóng hỏa thiêu cháy nhà cửa. Giống vật bị hành hạ và bị phóng hỏa đã xuất hiện ở trong vài vụ án mà Harriet đã viết lại, nhưng điều mà tôi thật sự nghĩ đến là việc nhà mục sư bị phóng hỏa cháy hồi cuối những năm 70.

- Đó là một cú làm thử mà không chắc ăn.

Lisbeth gật đầu.

- Đồng ý. Nhưng ở trong báo cáo của cảnh sát tôi không tìm thấy nguyên nhân của vụ cháy này và sẽ rất thú vị nếu biết trong những năm 60 đã có những vụ cháy khác không giải thích được lý do. Cũng đáng kiểm tra xem dạo ấy, trong vùng này liệu đã có những vụ giống vật bị lạm dụng hay bị làm cho què quặt hay không.

Đêm thứ bảy ở Hedeby, khi Salander lên giường, cô hơi cáu Blomkvist. Trong gần một tuần cô thực tế đã bỏ tất cả những lúc không ngủ ra cho anh. Thường thì cứ bảy phút chung đụng với một người khác cô đã nhức đầu, cho nên cô bố trí công việc để sống như một ẩn tu. Thiên hạ để cho cô yên chừng nào là cô khoái vô cùng chừng nấy. Không may là xã hội lại không thông minh hay không thông cảm; cô đã phải tự vệ chống lại các quyền uy xã hội, các quyền uy phúc lợi trẻ con, cả quyền uy của chế độ giám hộ, quyền uy thuế má, cảnh sát, các nhà quản lý, các nhà tâm lý học, các nhà phân tâm học, các thầy cô giáo và các đầu gấu giữ trật tự, những kẻ (không phải những tay trông coi cửa ở Kvarnen lúc ấy đã biết cô là ai) không bao giờ để cô vào quán bar cho dù cô đã hai mươi lăm tuổi. Có cả một đạo quân những dân hình như không còn việc gì làm hay hơn là chọc phá vào cuộc đời cô, và nếu như có được cơ hội thì chúng liền uốn nắn luôn cái cách sống mà cô đã chọn.

Khóc chả có hay ho gì, điều này cô học được từ sớm. Cô cũng học biết được là mỗi lúc cô cố để cho ai đó hiểu được một điều gì về cô thì tình hình lại tồi tệ hơn. Kết quả là chính cô phải tự giải quyết lấy các chuyện cho cô, dùng bất cứ biện pháp nào mà cô thấy là cần thiết. Một cái gì thuộc kiểu chơi rắn mà Luật sư Bjurman đã nếm. Blomkvist cũng có cái thói quen chán phè như mọi ai khác, tọc mạch dò la vào đời cô rồi đặt câu hỏi. Nhưng mặt khác anh không phản ứng giống như phần lớn những người đàn ông khác mà cô đã gặp.

Khi cô lờ các câu anh hỏi thì anh chỉ đơn giản nhún vai rồi để cô yên. Đáng ngạc nhiên.

Cái sáng đầu tiên khi cô vớ được iBook của anh, chiêu tiếp theo tức thì của cô lúc ấy là chuyển hết thông tin sang ngay máy tính của cô. Nếu anh rũ cô ra khỏi vụ này thì cứ việc; cô vẫn sẽ vào được tài liệu.

Khi anh ra ăn sáng, cô đã nghĩ anh sẽ phát điên lên. Nhưng nom anh lại gần như là nhẫn chịu, lầm bầm câu gì đó châm biếm rồi bỏ đi tắm. Rồi anh bắt đầu thảo luận lại cái mà cô đã đọc. Một gã lạ đây. Thậm chí cô còn có thể nghĩ lầm ra là anh đã tin cô.

Blomkvist đã biết Salander là hacker, đây không phải chuyện đùa đối với cô, Salander hiểu rằng là một hacker, cả chuyên nghiệp lẫn vì thú vui riêng, đã được pháp luật miêu tả là “xâm phạm dữ liệu một cách bất hợp pháp”, và cô có thể phải chịu hai năm tù ngồi. Cô không muốn bị nhốt. Trong trường hợp của cô, một án tù có nghĩa là cô sẽ bị tách ra khỏi máy tính và cùng với nó là cái nghề ngỗng duy nhất mà cô thật sự giỏi giang. Cô chưa bao giờ bảo Armansky cách cô thu thập những thông tin mà ông trả công cho cô để tìm. Trừ ngoại lệ Dịch Bệnh và một ít dân trên Net, những người giống như cô dâng hiến mình cho việc đột nhập máy tính ở trình độ chuyên nghiệp – phần lớn họ chỉ biết cô là “Ong Vò Vẽ” chứ không biết cô là ai và sống ở đâu – Kalle Blomkvist là người duy nhất đã loạng quạng vào bí mật của cô. Anh đến với cô vì cô đã phạm một sai lầm mà một đứa mười hai tuổi cũng không mắc phải, sai lầm ấm ớ ấy chỉ chứng tỏ rằng đầu óc cô đã bị sâu bọ ăn mất tiêu và cô thì chỉ có đáng là bị quất cho một trận đòn. Nhưng thay vì điên tiết lên, anh lại mướn cô. Kết quả là cô chỉ cáu anh vừa vừa thôi.

Khi họ ăn qua loa trước khi cô đi ngủ, anh thình lình hỏi cô có phải là một tay hacker giỏi không. Cô ngạc nhiên thấy mình đáp:

- Chắc tôi là tay giỏi nhất ở Thụy Điển. Có thể có độ hai hay ba người nữa ở trình độ tôi.

Trả lời thế là chính xác, cô không nghi ngờ. Có thời Dịch Bệnh giỏi hơn cô nhưng cô đã vượt anh ta từ lâu rồi.

Mặt khác, nói ra như thế cũng thấy hay hay. Trước kia cô chưa từng có kiểu trò chuyện này với người ngoài cuộc bao giờ và cô thấy thích là hình như tài năng của cô đã làm cho anh choáng. Rồi anh phá mất cảm giác ấy khi hỏi câu nữa: cô tự học lấy đột nhập máy tính như thế nào.

Cô có thể nói như thế nào đây? Tôi luôn có khả năng làm được trò đó. Nhưng thay vì nói vậy, cô lẳng lặng đi ngủ, chả chúc cả ngủ ngon.

Khi cô quá đột ngột bỏ đi, anh không cáu, việc này lại làm cho cô cáu hơn. Cô nằm nghe anh đi đi lại lại trong bếp, dọn dẹp bàn và rửa đĩa tách. Anh luôn thức khuya hơn cô nhưng nay rõ ràng là anh cũng sắp lên giường nốt. Cô nghe thấy anh ở trong buồng tắm rồi đi vào phòng ngủ của anh, đóng cửa lại. Một lúc sau cô nghe thấy tiếng giường kêu khi anh leo lên nó, cách cô không tới một mét nhưng ở bên kia bức tường. Cô đã ở chung nhà với anh một tuần và anh chưa hề tán tỉnh cô. Anh đã làm việc với cô, hỏi ý kiến cô, đập khẽ vào các đốt ngón tay cô, ấy là nói cho có hình tượng, khi cô dò lầm đường rồi lại nhận là cô đúng sau khi cô uốn nắn anh. Mẹ kiếp, anh đối xử với cô như với một con người.

Cô ra khỏi giường đến đứng bên cửa sổ, bồn chồn nhìn vào bóng đêm. Điều gay go nhất với cô là để cho một người khác lần đầu tiên trông thấy cô trần truồng. Cô đinh ninh mình mẩy xương xẩu của cô nom ghê. Ngực cô không ra sao. Cô chả có cả mông để mà nói nữa. Chả có gì nhiều để hiến cho. Ngoài việc cô là một phụ nữ hoàn toàn bình thường với cũng các thèm muốn tương tự, cũng với các cơn giục giã của tính dục như mọi phụ nữ khác. Cô đứng ở đấy thêm hai chục phút nữa rồi quyết định.

Blomkvist đang đọc một cuốn tiểu thuyết của Sara Paretsky thì nghe thấy tay nắm cửa quay, anh nhìn lên và thấy Salander. Quấn một mảnh khăn trải giường quanh người, cô đứng ở cửa một lúc.

- Cô ổn chứ?

Cô lắc đầu.

- Sao vậy?

Cô đi đến bên giường anh, cầm quyển sách đặt nó lên bàn đầu giường. Rồi cô cúi xuống hôn vào miệng anh. Cô leo tót lên giường rồi ngồi nhìn anh, tìm anh. Cô để bàn tay lên mảnh chăn ở trên bụng anh. Khi anh không phản đối, cô cúi xuống cắn nụ hoa anh.

Blomkvist bàng hoàng. Anh cầm hai vai cô đẩy cô ra xa một ít để có thể nhìn được mặt cô.

- Lisbeth… tôi không biết thế này có phải là một ý hay không đây. Chúng ta phải làm việc với nhau.

- Em muốn làm tình với anh. Và em sẽ chẳng có chuyện gì để làm việc với anh hết nhưng nếu anh đá em đi thì em sẽ có một chuyện khốn kiếp với anh.

- Nhưng chúng ta mới biết nhau.

Cô cười to, một tiếng cười bất chợt nghe như một tiếng ho.

- Trước kia bất kỳ thứ gì giống như thế này là anh không để cho yên được ở trên giường của anh đâu. Thật ra trong báo cáo về lai lịch của anh, em đã không nói anh là một trong những dân không thể nào buông được tay ra khỏi phụ nữ. Vậy thì sai chỗ nào? Với anh, em không đủ kích dâm sao?

Blomkvist lắc đầu và cố tìm ra cái gì thông minh một tí để nói. Khi anh nghĩ không ra; cô bèn kéo tuột chăn ở trên người anh ra rồi leo lên anh.

- Anh không có bao cao su đâu. – Anh nói.

- Hê xừ nó đi.

Anh tỉnh dậy thấy tiếng cô ở trong bếp. Chưa đến 7 giờ. Anh có lẽ chỉ ngủ được hai giờ đồng hồ còn thì lơ ma lơ mơ trên giường.

Người phụ nữ này đã đánh bại anh. Tuyệt đối cô không có một điểm nào, thậm chí một cái liếc mắt cho thấy cô ít nhất cũng có chút nào thích thú anh.

- Chào. – Cô nói ở lối ra vào cửa. Cô thậm chí còn có thoáng một nụ cười.

- Chào.

- Chúng ta hết sữa rồi. Em sẽ ra trạm xăng dầu. Bảy giờ họ mở cửa. – Và cô đi.

Anh nghe thấy cô đi ra cổng chính. Anh nhắm lại. Rồi anh nghe thấy cửa chính lại mở chỉ vài giây sau, cô đã trở lại ở lối vào. Lần này cô không mỉm cười.

- Anh ra xem cái này thì hay hơn đấy. – Giọng cô nói nghe là lạ.

Lập tức Blomkvist đứng lên, lùa chân vào quần jean.

Trong đêm ai đó đã đến căn nhà gỗ với một món quà không mong đợi. Ở cổng có mái, xác một con mèo cháy đã gần thành than nằm đó. Chân và đầu con mèo đã bị cắt rời, mình con mèo bị mổ phanh và ruột gan nó đã bị moi ra lắt lẻo ở bên xác nó, cái xác như đã bị quay nướng trên lửa. Ở trên yên xe máy của Salander, đầu con mèo còn nguyên vẹn. Anh nhận ra bộ lông màu nâu đỏ.

22

Thứ Năm, 10 tháng Bảy

Họ im lặng ăn lót dạ ở ngoài vườn và cà phê không có sữa. Salander đã lấy máy ảnh số Cannon chụp cái cảnh ma quái trước khi Blomkvist lấy túi rác dọn sạch đi. Anh để con mèo vào cốp xe Volvo. Anh phải làm một cái đơn gửi cảnh sát về sự đối xử độc ác với loài vật, có thể là nhằm đe dọa nhưng anh nghĩ không muốn sẽ lại phải giải thích tại sao có chuyện đe dọa.

8 rưỡi, Isabella Vanger đi qua để tới cầu. Bà không trông thấy hai người, hay ít nhất vờ ra thế.

- Em thế nào? – Blomkvist hỏi.

- Ồ, em được, - Salander nhìn anh băn khoăn. Ok, được rồi. Anh ta nghĩ mình rụng rời. – Khi nào em tìm ra được cái thằng bỏ mẹ nào hành hạ đến chết một con mèo vô tội chỉ để cảnh cáo chúng ta thì em sẽ quật cho nó bằng cái gậy đánh bóng chày.

- Em nghĩ đó là một cảnh cáo à?

- Anh tìm ra được giải thích nào hay hơn không? Dứt khoát là nó muốn nói một cái gì.

- Trong chuyện này, dù sự thật là gì đi nữa thì chúng ta cũng đã làm phiền một ai đó đủ để cho hắn làm một việc đáng nôn ọe. Nhưng cũng có một vấn đề khác nữa.

- Em biết. Đây là một con vật hiến tế theo kiểu năm 1954 và 1960, nhưng xem ra thì khó có thể tin nổi rằng một ai đó hoạt động từ những năm 50 mà bây giờ lại vẫn đem xác một con vật bị hành hạ đến đặt ở lối vào cửa nhà anh.

Blomkvist đồng ý.

- Trong vụ này những người duy nhất có thể nghĩ được là Harald Vanger và Isabella Vanger. Ở phía Johan Vanger có một số họ hàng nhiều tuổi hơn nhưng không ai sống ở khu vực này.

Blomkvist thở dài.

- Isabella là một con chó cái thô bỉ chắc chắn là có thể giết con mèo nhưng anh không tin bà ta trong những năm 50 đã chạy quanh khắp nơi để giết phụ nữ. Harald Vanger… anh không biết, ông ta nom kiệt sức lắm khó mà đi bộ được, anh không thể hình dung nổi đêm hôm qua ông ta lại lén đến tận nhà anh bắt con mèo rồi làm tất cả các chuyện kia.

- Trừ phi hai người, một già, một trẻ hơn.

Nghe tiếng xe hơi đi qua gần, Blomkvist ngước lên nhìn thấy Cecilia lái xe qua cầu. Harald và Cecilia, anh ta nghĩ nhưng hai người này hiếm nói với nhau. Mặc dù Martin Vanger hứa nói chuyện với chị ta nhưng Cecilia vẫn không trả lời bất cứ tin nhắn nào trên điện thoại của anh.

- Phải là người biết chúng ta đang làm công việc này và đang có tiến triển, - Salander nói, đứng lên để đi vào trong nhà. Khi quay lại, cô đã mặc bộ quần áo da vào người.

- Em đi Stockholm. Đêm về.

- Em đi làm gì?

- Kiếm một ít máy móc hiện đại. Nếu ai đó đủ rồ dại để giết mọt con mèo ghê tởm đến thế thì lần sau có thể hắn hay ả ta sẽ tấn công đến chúng ta. Hay phóng hỏa đốt căn nhà gỗ khi chúng ta đang ngủ. Em muốn hôm nay anh vào Hedestad để mua hai bình cứu hỏa và hai máy báo động khói. Một bình cứu hỏa phải có chất halon.

Không nói thêm nửa lời, cô đội mũ bảo hiểm, đạp nổ chiếc xe máy rồi rú qua cầu.

Blomkvist giấu xác con mèo cùng cái đầu và ruột gan mèo vào một thùng rác ở bên trạm xăng dầu trước khi lái xe vào Hedestad la cà tìm kiếm. Anh đến bệnh viện. Anh đã hẹn gặp Frode ở trong một quán cà phê, kể với ông chuyện xảy ra hồi sáng ngay lập tức. Mặt Frode trở nên trắng nhợt.

- Mikael, tôi không bao giờ ngờ chuyện lại có thể quay ra thành thế này.

- Sao lại không? Muốn gì thì chúng ta cũng đang tìm một tên giết người cơ mà.

- Nhưng thế này thì kinh tởm, vô nhân đạo. Nếu có nguy hiểm gì đến tính mạng anh hay cô Salander thì chúng ta phải bảo thôi đi. Để tôi nói chuyện với Henrik.

- Không, tuyệt đối không. Tôi không muốn ông ấy lại có thể lên một cơn nữa.

- Ông ấy hỏi mãi tôi về công việc của anh ra sao rồi.

- Nói giúp tôi lời chào ông ấy, làm ơn và bảo là tôi đang tiến lên.

- Rồi sau đây thì thế nào?

- Tôi có một ít câu hỏi. Việc đầu tiên xảy ra ngay khi Henrik lên cơn đau tim và tôi thì hôm ấy đang xuống Stockholm, một ai đó đã vào lục buồng làm việc của tôi. Tôi đã in ra các câu thơ trong Kinh thánh và các ảnh chụp ở Jarnvagsgatan ở trên bàn làm việc của tôi. Ông biết và Henrik biết, Martin có biết một phần vì anh ấy tổ chức cho tôi đến tòa soạn báo Courier. Còn bao nhiêu người khác nữa biết đây?

- Được, tôi không biết Martin đã nói với ai. Nhưng cả Birger lẫn Cecilia cũng biết hết. Họ bàn chuyện anh lùng sục hồ sơ ảnh. Alexander cũng biết. Và nhân thể cả Gunnar và Helena Nilsson cũng biết. Họ đến chào Henrik và bị kéo vào câu chuyện. Rồi Anita Vanger nữa.

- Anita? Người ở London ấy ư?

- Em của Cecilia. Khi Henrik lên cơn đau tim, cô ấy quay về đây với Cecilia nhưng trọ ở khách sạn, và không ra đảo như tôi biết. Giống Cecilia, cô ấy không thích gặp ông bố. Nhưng khi Henrik thôi nằm chế độ hồi sức cấp cứu thì cô ấy liền bay đi.

- Hiện giờ, Cecilia đang ở đâu? Sáng nay tôi thấy chị ấy đi xe qua cầu nhưng nhà lúc nào cũng tối om.

- Cô ấy không có gan làm cái trò ấy đâu, đúng không?

- Đúng, tôi chỉ là nghĩ chị ấy đang ở đâu.

- Cô ấy đang ở chỗ ông anh, Birger. Ở đấy đi bộ là đến thăm được Henrik.

- Ông có biết ngay hiện nay chị ấy đang ở đâu không?

- Không. Dầu gì thì cũng không thấy cô ấy đến thăm Henrik.

- Cảm ơn. – Blomkvist nói rồi đứng lên.

Nhà Vanger xúm lại quanh bệnh viện Hedestad. Trong sảnh, Birger đang đi đến thang máy. Chờ ông ta đi khuất rồi Blomkvist mới vào phòng tiếp tân. Thay vì lại đâm phải Martin Vanger ở cửa, đúng vào cái chỗ anh đã đâm phải Cecilia lần thăm trước. Họ chào rồi bắt tay nhau.

- Anh đã lên gặp Henrik chưa?

- Không, tôi chỉ gặp có Derich Frode.

Martin nom mệt, hai mắt hõm xuống. Mikael nghĩ trong sáu tháng nay anh ta già rõ đi từ khi anh gặp anh ta.

- Với anh thì tình hình ra sao, Mikael? – Martin hỏi.

- Mỗi ngày qua là một ngày lý thú hơn. Khi Henrik khỏi, tôi hy vọng có thể thỏa mãn được sự tò mò của ông ấy.

Nhà của Birger Vanger là một nhà mái bằng cách bệnh viện chừng năm phút đi bộ nhìn ra biển và ra vùng đậu tàu thuyền của Hedestad. Không ai trả lời khi Blomkvist bấm chuông. Anh gọi di động của Cecilia nhưng cũng không có trả lời.

Anh ngồi trong xe một lúc, gõ ngón tay lên vô lăng. Birger là cha hung hăng trong câu chuyện này: sinh năm 1939, vậy là lên mười khi Rebecka Jacobsson bị giết; hai mươi bảy tuổi khi Harriet mất tích. Theo Henrik, Birger và Harriet hiếm khi gặp nhau. Ông ta lớn lên với gia đình ở Uppsala và chỉ chuyển đến Hedestad để làm việc cho công ty. Sau hai ba năm, ông ta đổi tàu và dành hết cho chính trị. Nhưng ông ta ở Uppsala khi Lena Andersson bị giết.

Vụ con mèo làm cho anh cảm thấy như có điềm báo gở, tựa như anh đang hóa ra thành bất lực.

Otta Falk ba mươi sáu khi Harriet mất tích. Ông nay bảy mươi hai, trẻ hơn Henrik Vanger nhưng tình trạng trí não thì tồi tệ hơn nhiều. Blomkvist tìm thấy ông ở nhà điều dưỡng Svalan, một tòa nhà gạch màu vàng gần sông Hede ở cuối thị trấn. Blomkvist tự giới thiệu với người tiếp tân rồi đề nghị cho được nói chuyện với mục sư Falk. Anh giải thích là anh biết mục sư bị bệnh già lú rồi hỏi thăm mục sư nay sáng suốt thế nào. Một nữ y tá trả lời là ba năm trước lần đầu tiên mục sư Falk được chuẩn đoán nhưng thương thay bệnh tình cứ nặng ra. Mục sư có thể nói chuyện nhưng trí nhớ rất kém, chỉ nhớ những cái mới đây và không nhận ra được hết họ hàng thân thuộc. Ông ta cũng sẵn sàng lên những cơn sợ nếu như nghe phải những câu hỏi ông không thể trả lời.

Falk đang ngồi trên một cái ghế dài ở trong vườn với ba người bệnh khác và một y tá nam. Blomkvist bỏ ra một giờ đồng hồ để cố làm cho ông ta bập được vào chuyện.

Ông nhớ Harriet Vanger hoàn toàn tốt. Mặt ông sáng lên và ông tả cô là một cô gái hấp dẫn. Nhưng Blomkvist sớm nhận ra ông mục sư đã quên việc Harriet mất tích ba mươi bảy năm trước đây. Ông nói về cô ta như vừa mới gặp, còn nhờ Blomkvist chuyển lời chào cũng như giục cô đến thăm ông. Blomkvist hứa làm việc này.

Rõ ràng ông không nhớ vụ tai nạn trên cầu. Mãi đến cuối buổi nói chuyện ông mới nói một câu gì đó khiến Blomkvist dỏng tai lên.

Đó là lúc Blomkvist lái câu chuyện sang việc Harriet quan tâm đến tôn giáo và Falk chợt có vẻ ngập ngừng. Tựa như có một bóng mây lướt qua mặt ông. Falk ngồi đu đưa trước sau một lúc rồi ngước nhìn Blomkvist hỏi anh là ai. Blomkvist lại tự giới thiệu mình lần nữa.

Mãi rồi ông nói:

- Cô ấy còn là một người tìm tòi. Cô ấy cẩn thận cho bản thân và anh phải cảnh báo cho cô ấy như thế.

- Tôi nên cảnh báo về cái gì?

Falk thình lình nhớn nhác. Ông nhăn mặt lại và lắc đầu.

- Cô ấy cần đọc sola scriptura để hiểu sufficientia scripturae. Có như thế cô ấy mới duy trì được sola fide. Josef chắc chắn sẽ trục đuổi chúng. Chúng không bao giờ được chấp nhận vào kinh bổn.

Blomkvist không hiểu một tí gì về chuyện này nhưng vẫn ghi chép đủ hết vào giấy. Rồi mục sư Falk ngả người về phía anh thở dài:

- Tôi nghĩ cô ấy là một tín đồ Thiên chúa giáo. Cô ấy yêu phù phép và chưa tìm ra được Chúa của mình. Cô ấy cần có người hướng dẫn.

Chữ thiên chúa giáo rõ ràng mang một ngụ ý tiêu cực với mục sư Falk.

- Con nghĩ cô ấy quan tâm đến phong trào Pentecost. Cô ấy đi tìm chân lý bị cấm đoán. Cô ấy không phải là một tín đồ cơ đốc.

- Không, không, không, không phải đám Pentecost. Cô ấy đi tìm chân lý bị cấm đoán. Cô ấy không phải là một tín đồ Cơ đốc.

Rồi mục sư Falk hình như quên mất mọi sự về Blomkvist, bắt đầu quay sang chuyện với ba người bệnh khác.

Đúng sau 2 giờ chiều anh lại về tới đảo Hedeby. Anh đi thẳng đến nhà Cecilia và gõ cửa nhưng không kết quả. Anh lại thử di động của chị nhưng không trả lời.

Anh gắn một báo động khói lên tường ở trong bếp và một cái ở gần cửa chính. Anh đặt một bình cứu hỏa ở gần bếp lò bên cạnh cửa buồng ngủ và một cái nữa ở cạnh cửa buồng tắm. Rồi anh làm bữa trưa, cà phê với sandwich rồi ngồi ở vườn đánh máy lại những điều trong cuộc chuyện trò với mục sư Falk. Làm xong, anh ngước nhìn nhà thờ. Tòa nhà mục sư mới của Hedeby là một tòa nhà ở hiện đại bình thường cách nhà thờ một quãng đi bộ. 4 giờ chiều Blomkvist gõ cửa và giải thích với sơ Margareta Strandh rằng anh đến xin lời khuyên về một vấn đề thần học. Xơ là một phụ nữ có mái tóc sẫm màu trạc tuổi anh, mặc quần jean và áo sơmi flanen. Bà đi chân trần, móng chân sơn. Anh đã vài lần tình cờ gặp bà trước đây ở quán Cà phê và bánh đầu cầu Susanne và nói chuyện với bà về mục sư Falk. Bà tiếp anh thân mật, mời vào ngồi ở trong sân nhà bà.

Blomkvist bảo bà là anh đã phỏng vấn mục sư Otto Falk và kể lại những điều mục sư đã nói. Xơ Strandh nghe rồi yêu cầu anh nhắc lại từng lời.

- Tôi được phái đến đây phục vụ mới ba năm và chưa thực sự gặp mục sư Falk. Ông đã về hưu trước đó vài năm nhưng tôi tin rằng ông khá là coi trọng giáo lễ cùng uy quyền giám mục. Điều mục sư nói với anh có nghĩa một điều gì đó đi theo đường lối “chỉ có giữ Thánh thư không thôi” - sola scriptura – và đó là sufficientia scripturae. Câu sau là nói xây dựng cho các tín đồ phàm tục nắm đầy đủ thánh thư. Sola fide có nghĩa là chỉ lòng tin không thôi hay là lòng tin chân thực.

- Con hiểu.

- Các điều này là những giáo điều cơ bản, tạm nói như vậy. Nói chung đó là nền móng của nhà thờ và không hề lạ lẫm chút nào. Ông ấy chỉ đơn giản nói: Hãy đọc Kinh thánh – nó sẽ cho kiến thức đầy đủ và bảo đảm cho có lòng tin chân thực.

Blomkvist cảm thấy hơi lúng túng một chút.

- Nay ta phải hỏi anh là câu chuyện này xảy ra trong quan hệ như thế nào?

- Con đang hỏi xơ về một người mà xơ đã gặp nhiều năm trước, một người mà con đang viết đến.

- Một người đang tìm hiểu đạo?

- Đại khái như vậy.

- Được. Ta nghĩ ta đã hiểu được bối cảnh. Anh bảo ta là mục sư Falk còn nói hai điều nữa – rằng “Josef sẽ trục đuổi chúng đi” và “chúng sẽ không bao giờ được chấp nhận vào kinh bổn”. Có lẽ anh đã hiểu lầm Josefus mà ông ấy nói ra thành Josef? Thật ra cũng cùng là một tên thôi.

- Có thể là thế. – Blomkvist nói. – Con ghi âm câu chuyện lại nếu xơ muốn nghe nó.

- Không, ta thấy không cần thiết. Hai câu này nêu khá là thẳng băng ra cái điều mà ông ấy ám chỉ tới. Josefus là một sử gia người Do thái và câu “chúng sẽ không bao giờ được chấp nhận vào kinh bổn” có thể có nghĩa là chúng không bao giờ được vào trong kinh bổn Do thái.

- Và có nghĩa?

Bà cười to lên.

- Mục sư Falk nói rằng con người này đang bị mắc phải các nguồn bí truyền, đặc biệt là kinh tà Apocrypha. Chữ Hy lạp Apokryphos có nghĩa là “che dấu” do đó chữ Apocrypha là những sách phải che giấu mà một số người coi là rất trái nghịch nhưng một số khác lại cho là nên nạp vào Kinh cựu ước. Các sách này là Tobias, Judidth, Esther, Baruch, Sirach, các sách về Maccabees và một vài cuốn khác nữa.

- Xin tha cho tội ngu dốt của con. Con đã nghe nói đến các sách bí truyền nhưng chưa được đọc chúng bao giờ. Chúng có gì đặc biệt ạ?

- Thật ra chẳng có chút nào là đặc biệt ở các sách này trừ cái điều là chúng ra mắt từ một cái gì đó muộn hơn phần còn lại của Kinh Cựu ước. Apocrypha đã bị loại khỏi Kinh thánh Do thái – không phải vì các học giả Do thái không tin nội dung của chúng mà đơn giản chỉ là vì chúng được viết ra sau khi Chúa đã kết thúc công trình vạch lộ của Chúa. Mặt khác, trong bản dịch cũ của Hy Lạp về Kinh thánh có dung nạp cả Apocrypha. Chúng không bị coi, thí dụ trong nhà thờ Cơ đốc Roma, là trái nghịch.

- Con hiểu.

- Nhưng ở trong nhà thờ Tin lành thì chúng là trái nghịch. Trong cuộc Đổi mới đạo, các nhà thần học hướng vào Kinh thánh cổ Do thái. Martin Luther loại Apocrypha ra khỏi Kinh thánh của Đổi mới rồi sau đó Calvin tuyên bố rằng tuyệt đối không được dùng Apocrypha làm cơ sở xây dựng xác tín trong các vấn đề của đức tin. Vậy là nội dung của chúng trái nghịch lại hay ở một mặt nào đó xung đột với claritas scripturae – sự trong sáng của Thánh thư.

- Nói cách khác là những sách bị kiểm duyệt.

- Hoàn toàn đúng. Thí dụ, Apocrypha tuyên bố có thể dùng ma thuật và ở trong một số trường hợp có thể được phép làm điều này; dĩ nhiên thì các lời nói này đã làm choáng váng các nhà diễn giải Thánh thư theo kiểu giáo điều chủ nghĩa.

- Vậy nên, với một ai đó ham mê tôn giáo thì không thể nào nghĩ được trong danh sách đọc sách của họ lại có nổi lên Apocrypha, một người như mục sư Falk sẽ bị choáng váng lên vì chuyện này.

- Nếu đang nghiên cứu Kinh thánh của đức tin Cơ đốc mà gặp phải Apocrypha thì chuyện đó cũng gần như là khó tránh; cũng có thể là những ai bận tâm đến sách bí truyền thì nói chung đều có thể đọc chúng.

- Xơ tình cờ có một bản Apocrypha đấy không ạ?

Bà lại cười to lên lần nữa. Một tiếng cười sáng sủa, thân mật.

- Dĩ nhiên có chứ. Trong những năm 80, Ủy ban Kinh thánh đã phát hành Apocrypha thật sự như là báo cáo của nhà nước.

Armansky nghĩ chắc lại sắp có chuyện gì đây khi Salander đề nghị gặp riêng ông. Ông đóng cửa lại ở đằng sau cô và chỉ cho cô chiếc ghế dành cho khách. Cô bảo ông rằng việc cô làm với Mikael đã xong – luật sư nên trả công cho cô trước cuối tháng – nhưng cô đã quyết định làm tiếp với cuộc điều tra đặc biệt này. Blomkvist đã cho cô một khoản lương cao hơn đáng kể trong một tháng.

- Tôi đã tự mướn tôi. – Salander nói. – Cho tới nay, theo đúng thỏa thuận của ông và tôi, tôi chỉ làm công việc gì mà ông giao, nay tôi muốn hỏi là nếu tôi một mình tự ý làm việc cho tôi thì quan hệ giữa chúng ta có bị làm sao không?

Armansky nhún vai.

- Cô là một người làm tự do, cô có thể nhận bất cứ việc gì mà cô muốn và nó đáng bao nhiêu thì cô đòi công bấy nhiêu. Tôi chỉ vui thấy cô tự kiếm ra được tiền. Nhưng nếu cô bắt khách qua công việc của chúng ta thì có thể sẽ là không trung thực.

- Tôi không định làm chuyện đó. Tôi đã theo đúng hợp đồng làm xong cái việc với Blomkvist. Có điều là tôi muốn ở lại trong vụ này. Thậm chí tôi làm không vì gì cả.

- Chớ có làm một cái gì mà không vì gì sất.

- Ông hiểu ý tôi đấy. Tôi muốn biết câu chuyện này sẽ đi đến đâu. Tôi đã thuyết phục Blomkvist đề nghị ông luật sư giữ tôi lại làm trợ lý điều tra.

Cô đưa bản thỏa thuận cho Armansky, ông đọc nhanh nó:

- Với lương thế này thì cũng như là cô làm không lương. Lisbeth, cô có tài. Cô không phải làm việc lấy đồng tiền còm nữa. Cô biết cô sẽ còn làm nhiều ghê gớm hơn nữa nếu cô đến đây làm chính thức với tôi.

- Tôi không muốn làm chính thức toàn bộ thời gian. Nhưng Dragan, lòng trung thành của tôi là dành cho ông. Ông là nhất với tôi từ ngày tôi bắt đầu làm việc ở đây. Tôi muốn biết một bản hợp đồng giống như thế này thì liệu có OK với ông không, rằng sẽ không có bất cứ va chạm gì giữa chúng ta hết chứ.

- Tôi biết. – Ông nghĩ một lúc. – Được, trăm phần trăm. Cám ơn cô đã hỏi. Trong tương lai lại có thêm tình hình như thế này mà cô hỏi tôi để cho không xảy ra hiểu lầm thì tôi sẽ tán thành chứ.

Salander nghĩ xem có còn gì cần nói thêm không. Cô đăm đăm nhìn Armansky, im lặng. Thay vì cô chỉ gật đầu rồi đứng lên đi, không chào tạm biệt như thường lệ. Cô đã có được câu trả lời mà cô mong muốn và lập tức không bận tâm đến Armansky. Ông mỉm cười với chính mình. Rằng cô đã không xin ông lời khuyên và điều này đánh dấu một thành tích cao trong quá trình xã hội hóa của cô.

Ông mở một hồ sơ với một báo cáo về an ninh ở một nhà bảo tàng, nơi sắp sửa một cuộc triển lãm lớn các danh họa trường phái Ấn tượng Pháp. Rồi ông đặt hồ sơ xuống và nhìn ra cửa mà Salander vừa mới bước qua. Ông nghĩ đến việc cô đã cười to như thế nào với Blomkvist ở trong văn phòng làm việc của cô, thầm hỏi đó là rút cục cô đã trưởng thành hay Blomkvist có sức hấp dẫn. Ông cũng cảm thấy một cảm đôi chút không dễ chịu là lạ. Ông không bao giờ có thể rũ bỏ được cái cảm giác rằng Lisbeth Salander là một nạn nhân hoàn hảo. Thì bây giờ kia, cô đang săn lùng cho kỳ được một thằng điên ở tại một nơi đèo heo hút gió.

Trên đường lại ngược lên bắc, Salander bốc đồng vòng đến nhà dưỡng lão Appelviken để thăm mẹ. Từ Noel, trừ lần thăm dịp tết. Giữa hè, cô chưa gặp mẹ và cô cảm thấy mình thật tệ vì đã ít tranh thủ thời gian. Trong vòng một ít tuần thăm hai lần là việc hoàn toàn không bình thường.

Mẹ cô đang ở trong phòng sinh hoạt chung, Salander ở một giờ đẫy với mẹ và đưa mẹ đi dạo xuống phía ao thả vịt thuộc vùng đất của bệnh viện. Mẹ vẫn lẫn cô với chị cô. Như mọi lần, mẹ vẫn xa vắng nhưng đã có vẻ xúc động vì con đến thăm.

Khi Salander chào tạm biệt, mẹ không muốn buông tay cô. Salander hứa sẽ lại đến thăm mẹ nhưng mẹ buồn và lo lắng nhìn cô đăm đăm. Tựa như bà cảm thấy điềm báo về một thảm họa đang đến gần.

Blomkvist bỏ hai giờ ra ở trong vườn đằng sau căn nhà gỗ đọc Apocrypha mà chẳng hiểu tí nào những cái nói ở trong đó. Nhưng một ý nghĩ đã đến với anh, Harriet Vanger đã thực sự mộ đạo đến mức nào? Cô quan tâm đến các nghiên cứu Kinh thánh bắt đầu vào cái năm trước năm cô mất tích. Cô đã gắn một số khổ thơ với một xê ri các vụ án mạng và rồi không chỉ đọc kỹ càng Kinh thánh mà còn đọc cả Apocrypha và một mối bận tâm đến đạo Cơ đốc đã phát triển ở trong cô. Cô đã thật sự làm một cuộc điều tra cũng giống như cuộc điều tra mà Blomkvist và Salander đang làm ba mươi bảy năm sau không đây? Cô quan tâm đến các thứ này có phải chủ yếu để săn lùng một hung thủ chứ không phải vì tinh thần tôn giáo? Mục sư Falk đã nói là ở trong mắt cô người ta thấy một kẻ kiếm tìm hơn là một tín đồ Cơ đốc ngoại đạo.

Anh đã phải ngừng lại vì Erika gọi di động cho anh.

- Em chỉ muốn báo anh là em và Greger đi nghỉ phép tuần sau. Em sẽ đi bốn tuần.

- Hai người đi đâu?

- New York. Greger triển lãm tranh rồi bọn này nghỉ đi Caribbean. Bọn này may là mượn được của một người bạn của Greger một căn nhà ở Antigua và sẽ ở đấy hai tuần.

- Nghe tuyệt đấy. Chúc vui vẻ nhé. Và chào Greger.

- Số mới đã xong và bọn này gần như đã đóng gói cả số tiếp nữa rồi. Em hy vọng anh sẽ tiếp quản cái chức chủ bút nhưng Christer nói anh ấy sẽ làm.

- Anh ấy có thể gọi anh nếu cần giúp đỡ. Janne Dahlman thì thế nào rồi?

Cô có vẻ ngập ngừng.

- Anh ấy cũng nghỉ phép. Em đã đùn Henry vào làm quyền Trưởng ban biên tập. Anh ấy và Christer lo lắng cho việc phát hành.

- OK.

- Mồng bảy tháng Tám em về.

Xẩm tối, Blomkvist cố gọi điện thoại cho Cecilia Vanger năm lần. Anh gửi lời nhắn cô gọi lại cho anh. Nhưng anh không nhận được trả lời.

Anh buông quyển Apocrypha, mặc bộ đồ chạy vào, khóa cửa lại rồi đi ra. Anh đi theo con đường mòn hẹp dọc bờ biển rồi quay vào rừng. Anh cố hết sức đi nhanh qua các bụi cây và quanh các gốc cây trốc rễ, nhoi ra Pháo đài thì thở như đứt hơi và nhịp tim đập gấp. Anh đứng lại ở bên một trong những cỗ pháo cổ và nằm thẳng cẳng ra một lúc.

Thình lình anh nghe thấy một tiếng “crắc” gọn đanh và bức tường xi măng xám gần đầu anh vỡ. Rồi anh cảm thấy đau khi mảnh xi măng và đạn ghém xé một miếng rách sâu ở da đầu anh.

Blomkvist đứng ngay đơ ra ngỡ như cả thế kỷ. Anh đang ở giữa pháo đài. Rồi anh nhào vào đường hào pháo binh, lấy vai đỡ người khi rơi mạnh xuống, thở như cháy cả phổi. Loạt bắn thứ hai đến cùng với lúc anh bổ nhào xuống. Đạn găm vào móng xi măng bức tường.

Anh đứng lên nhìn quanh. Anh đang ở giữa pháo đài. Ở bên trái và bên phải, những đoạn đi hẹp, sâu một mét cây cỏ um tùm đưa tới các cỗ pháo bày dàn ra dọc theo một tuyến gần 250 mét. Co gập người lại anh chạy vội trong đám mê cung xuống phía nam.

Anh thình lình nhớ lại tiếng vọng của cái giọng không thể bắt chước nổi của đại úy Adolfsson trong các buổi tập trận mùa động tại trường bộ binh ở Kiruna. Blomkvist, cúi cái đầu chết rấp của cậu thấp xuống nếu cậu không muốn cái mông khốn kiếp của cậu bị bắn văng đi. Hàng năm sau anh vẫn nhớ các bài huấn luyện thực hành ngoại khóa của đại úy Adolfsson.

Anh dừng lại để thở, tim đập thình thịch. Anh không nghe thấy gì khác ngoài tiếng thở của mình. Mắt người bắt lấy vận động nhanh hơn hình thú và mặt mũi nhiều. Khi đi trinh sát hãy chậm hơn nữa. Blomkvist thong thả nhô lên khỏi đầu một cỗ pháo chừng một đốt ngón tay. Mặt trời ngay ở giữa đỉnh đầu nên không nhận ra được chi tiết nhưng anh không nhìn thấy cử động nào.

Anh thụt đầu xuống rồi chạy tới cỗ pháo sau. Vũ khí của kẻ thù tốt đến đâu cũng không quan trọng. Nếu nó không nhìn thấy cậu thì nó không thể bắn trúng cậu. Che kín, che kín, che kín. Cầm chắc là cậu không bao giờ đem bày cậu ra. Anh còn cách khu trại Ostergarden chừng 250 mét. Cách chỗ anh đang quỳ khoảng 35 mét có một bụi cây thấp, rậm gần như khó mà chui vào lọt. Nhưng để tới được bụi rậm đó anh phải từ cỗ pháo chạy nhanh xuống một sườn dốc đầy cỏ và thế là người anh sẽ lộ hết cả ra. Chỉ còn có lối ấy. Sau lưng anh là biển.

Anh thình lình nhận ra đau ở thái dương, rồi phát hiện mình đang chảy máu, chiếc áo phông của anh đẫm máu. Vết thương trên đầu không bao giờ ngừng chảy máu, anh nghĩ trong khi vẫn tập trung chú ý ở tại chỗ của mình. Một phát bắn có thể chỉ là một sự cố, hai phát bắn thì tức là có người nào đó đang định giết anh. Anh không sao mà biết được cái người bắn lén đó có còn đang chờ anh lại hiện ra nữa không.

Anh cố bình tĩnh, suy nghĩ tỉnh táo. Chỉ còn hai ngả chọn là hoặc chờ hoặc ra khỏi cái chỗ khốn nạn này. Nếu người bắn lén còn rình đó thì ngả chọn thứ hai chắc chắn không phải là một ý hay. Nếu anh cứ chờ ở đây, người bắn lén có thể bình tĩnh đi lên Pháo đài tìm anh và bắn anh sát sạt.

Hắn (hay ả) không thể biết ta đi sang trái hay phải. Khẩu súng có thể là súng bắn nai sừng tấm. Chắc nó có kính ngắm xa. Nghĩa là tầm nhìn của người bắn lén sẽ bị hạn chế nếu hắn tìm Blomkvist qua kính ngắm.

Nếu anh ở một chỗ kín – hãy chủ động. Tốt nhất là chờ. Anh quan sát và nghe các tiếng động trong vòng hai ba phút rồi vọt lao ra khỏi cỗ pháo, cố gắng hết sức chạy thật nhanh xuống dốc.

Khi anh đến lưng chừng dốc thì phát đạn thứ ba nổ nhưng anh chỉ nghe thấy một tiếng va đập mơ hồ ở sau anh. Anh quăng mình bẹp dí qua các bụi cây rồi lăn mình qua một biển những cây tầm ma. Rồi anh lại đứng lên đi xa khỏi hướng súng bắn, cúi rạp xuống, chạy, mấy chục mét lại ngừng để nghe ngóng. Anh nghe thấy một cành cây gẫy ở đâu đó giữa Pháo đài và anh. Anh nằm bẹp dí xuống.

Bò trườn bằng khủyu tay là một câu ưa thích khác nữa của đại úy Adolfsson. Blomkvist đi hết quãng 100 mét sau bằng đầu gối và ngón chân qua các cây cối rậm rịt. Anh gạt sang bên các cành cây to nhỏ. Hai lần anh nghe thấy tiếng cành cây gẫy thình lình ở trong bụi cây đằng sau anh. Tiếng “rắc” đầu tiên nghe như rất gần, cỡ chừng hai chục bước ở bên phải. Anh lạnh toát người, nằm im hoàn toàn. Một lúc sau anh thận trọng ngẩng đầu lên nhìn quanh nhưng không thấy một ai. Anh nằm im một lúc, đầu óc hết sức cảnh giác, sẵn sàng chuồn hay có thể phải làm một trận đánh trả tuyệt vọng nếu như kẻ thù hiện ra. Tiếng “rắc” thứ hai ở xa hơn. Rồi im lặng.

Hắn biết mình đang ở đây. Hắn đến một chỗ nào đó chờ mình hay hắn đã rút đi?

Blomkvist cố bò qua các chỗ cây cỏ thưa cho đến khi đến hàng rào ở Ostergarden.

Bây giờ là lúc gay go tiếp theo. Một đường mòn chui qua hàng rào. Anh nằm thẳng trên mặt đất quan sát. Khu trại ở xa gần 400 mét bên dưới một con dốc thoai thoải. Anh trông thấy mấy con bò gặm cỏ ở bên ngoài ngôi nhà. Tại sao không có ai nghe thấy tiếng súng mà ra xem chứ nhỉ? Mùa hè. Có thể không có ai ở nhà lúc này.

Không có chuyện đi qua bãi cỏ rồi, anh không có gì che chắn ở đó. Đường mòn thẳng bên dưới hàng rào là chỗ sẽ khiến anh trở thành điểm ngắm bắn dễ dàng. Anh lùi lại vào trong bụi cây cho đến khi anh ra tới đầu đằng kia gần một khu rừng thông thưa thớt.

Anh làm một đường vòng dài quanh các cánh đồng ở Ostergarden và Soderberget để về nhà. Khi đi qua Ostergarden anh có thể nhìn thấy các xe của họ đã đi. Đến đỉnh Ostergarden anh dừng lại, nhìn xuống Hedeby. Trong những căn nhà đánh cá gần vùng đậu tàu thuyền có các vị khách: phụ nữ mặc quần áo ắm ngồi trò chuyện trên cầu tàu. Anh ngửi thấy mùi nướng rán gì đó trên một cái lò ở ngoài nhà. Trẻ con nhảy thi thòm xuống nước gần các cầu tàu của bến tàu thuyền.

Vừa mới sau 8 giờ. Từ những phát súng bắn đến nay đã năm chục phút. Nilsson mặc quần soóc và không sơmi đang tưới các thảm cỏ. Anh ở đây bao lâu rồi? Nhà Vanger trống không trừ Anna. Nhà Harald vắng lặng như mọi khi. Rồi anh trông thấy Isabella Vanger ở trong vườn đằng sau nhà bà ta. Bà ta ngồi đó, rõ là đang nói chuyện với một ai. Mất một thoáng Blomkvist mới nhận ra người ấy là Gerda Vanger ốm đau, sinh năm 1922 và sống với con trai Alexander trong một ngôi nhà ở bên kia ngôi nhà của Henrik. Anh chưa bao giờ gặp bà ta nhưng đã nom thấy bà ta dăm ba lần. Nhà của Cecilia Vanger nom trống không nhưng rồi Mikael trông thấy một cử động ở trong bếp. Chị ấy ở nhà. Người bắn lén có là một phụ nữ không đây? Anh biết Cecilia biết sử dụng súng. Anh có thể trông thấy xe của Martin Vanger ở khúc đường cho xe ra vào ở trước mặt nhà anh ấy. Anh ấy đã ở nhà được bao lâu rồi?

Hay đấy là một ai khác mà anh chưa nghĩ tới? Frode? Alexander? Quá nhiều khả năng.

Anh tụt từ trên Ostergarden xuống rồi theo đường vào làng về nhà anh không gặp ai. Điều đầu tiên anh nhìn thấy là cánh cửa nhà gỗ hé mở. Gần như bản năng anh cúi rạp người xuống đi vào. Rồi anh ngửi thấy mùi cà phê và qua cửa sổ nhà bếp anh thấy Salander.

Nghe thấy anh vào lối cửa chính, cô quay lại. Cô cứng sững người lên. Mặt anh nom đang sợ, nhem nhuốc máu đã bắt đầu khô. Bên trái chiếc áo phông của anh đỏ lòm. Anh đang dịt một chiếc khăn tay đẫm máu ở trên đầu.

- Chảy máu cứ như bị chọc tiết nhưng không nguy hiểm. – Blomkvist nói trước khi cô kịp hỏi.

Cô quay đi lấy đồ cứu thương sơ bộ ở trong tủ; có hai gói băng chun, một que hương chống muỗi và một cuộn băng phẫu thuật nhỏ. Anh cởi quần áo ra, ném chúng xuống sàn rồi vào buồng tắm.

Vết thương ở thái dương là một vết rách khá sâu. Nó vẫn chảy máu và cần phải khâu nhưng anh nghĩ nó chắc chắn sẽ lành nếu anh băng chặt lại. Anh dấp khăn tay dưới vòi nước lạnh rồi lau mặt. Rồi anh ấn chặt chiếc khăn tay vào thái dương trong khi đứng dưới vòi hoa sen, nhắm mắt lại. Anh đấm mạnh vào gạch men đến nỗi mu bàn tay trầy ra. Mẹ mày, muốn cho mày là ai đi, tao sắp tìm ra mày đây, tao sẽ chộp được mày. Khi Salander sờ vào anh, anh giật nảy lên tựa như bị điện giật, mặt anh tức giận khiến cho Salander phải lùi lại. Cô đưa xà phòng cho anh rồi lẳng lặng ra bếp.

Anh băng chỗ đau bằng ba lớp băng phẫu thuật. Anh vào buồng ngủ, lấy quần jean sạch và áo phông mới, đem hồ sơ anh đã in thêm rồi đi. Anh cáu quá đến nỗi người như vẫn run lên

- Ở nguyên đấy, Lisbeth. – Anh quát.

Anh đi bộ đến nhà Cecilia Vanger và bấm chuông. Nửa phút sau chị mới ra mở cửa.

- Tôi không muốn gặp anh. – Chị nói. Rồi chị nhìn thấy máu vẫn rỉ ra từ lớp băng.

- Hãy để tôi vào. Chúng ta cần nói chuyện.

Chị do dự.

- Chúng ta chẳng có gì để nói sất cả.

- Bây giờ thì có và chị có thể cãi ở trên bậc tam cấp đây hay ở trong nhà bếp.

Giọng Blomkvist quá cương quyết khiến Cecilia lùi lại để anh vào. Anh ngồi bên bàn bếp nhà chị.

- Anh đã làm gì? – Chị hỏi.

- Chị nói tôi đào bới sự thật về vụ Harriet mất tích là một kiểu điều trị vô tích sự cho Henrik Vanger. Có thể là thế đi, nhưng trước đây một giờ một ai đó khát máu đã suýt nữa bắn bay mất đầu tôi và đêm nọ thì một ai đó – có thể vẫn là anh chàng khôi hài nọ - đã để xác một con mèo kinh khủng ngay ở cổng nhà tôi.

Cecilia mở miệng nhưng Blomkvist cắt nghiến luôn.

- Cecilia, tôi không bận tâm đến các day dứt của chị hay cái sự nó đang làm chị lo phiền hay việc chị thình lình trông thấy tôi là ghét. Tôi sẽ không bao giờ đến gần chị nữa và chị không phải lo tôi sẽ lại quấy chị hay đeo đuổi chị. Ngay từ phút này, tôi mong không bao giờ phải nghe thấy chị hay một cái gì ác của gia đình Vanger. Nhưng tôi yêu cầu phải trả lời những điều tôi hỏi. Càng trả lời sớm chị càng chóng hết nợ với tôi.

- Anh muốn biết cái gì?

- Thứ nhất: một giờ trước đây chị ở đâu?

Mặt Cecilia tối lại.

- Một giờ trước đây tôi ở Hedestad.

- Có ai xác nhận được chỗ chị ở lúc đó không?

- Không phải vì tôi không nghĩ được ra mà là vì tôi không có việc gì lại phải đi kể với anh sất.

- Câu hỏi hai: hôm Harriet mất tích tại sao chị lại mở cửa sổ phòng ngủ chị ấy ra?

- Cái gì?

- Chị đã nghe rõ rồi. Suốt những năm qua Henrik đã cố tìm ra trong những giờ phút gay cấn nhất, ai đã mở cửa sổ buồng Harriet ra. Ai cũng chối. Có một người đang nói dối.

- Thế cái quỉ gì nó khiến anh nghĩ là tôi?

- Bức ảnh này. – Blomkvist nói, liệng tấm ảnh lòa nhòa lên bàn bếp.

Cecilia đi đến bên bàn xem kỹ bức ảnh. Blomkvist nghĩ sẽ thấy chị choáng ra mặt. Chị ngước lên nhìn anh. Anh cảm thấy một dòng máu lăn và rơi xuống áo sơmi.

- Hôm ấy có sáu chục người ở trên đảo. – Anh nói. – Trong đó có hai mươi tám người là phụ nữ. Năm hay sáu người trong đó để tóc dài ngang vai. Chỉ có một người mặc váy sáng màu.

Chị chăm chú nhìn vào bức ảnh,

- Và anh cho đây là tôi.

- Nếu không phải chị thì tôi muốn là chị bảo tôi theo chị người đó là ai. Chưa ai trước đây biết về bức ảnh này. Tôi có nó đã nhiều tuần nay và đã cố nói chuyện với chị về nó. Có thể tôi là một thằng ngu nhưng tôi không đưa nó cho Henrik hay ai đó khác vì tôi sợ ghê gớm rằng nó sẽ làm cho chị bị nghi ngờ hay để cho người ta làm điều gì đó không phải với chị. Nhưng tôi cần có một câu trả lời.

- Anh sẽ có câu trả lời. – Chị đưa lại bức ảnh cho anh. – Tôi không vào buồng Harriet hôm ấy. Trong ảnh không phải là tôi. Tôi không có mảy may liên quan gì đến việc cô ấy mất tích.

Chị đi ra cửa chính.

- Anh đã được trả lời. Bây giờ xin đi cho. Nhưng tôi nghĩ anh nên có bác sĩ chăm sóc cho vết thương này.

Salander lái xe đưa anh đi bệnh viện Hedestad. Chỉ mất một hai mũi khâu và băng bó tử tế để khép kín vết thương lại. Anh được cho thuốc mỡ cortisone để bôi các chỗ ở cổ và tay bị gai tầm ma cào cứa.

Sau khi họ rời bệnh viện, Blomkvist ngồi nghĩ một lúc lâu xem anh có nên đi báo cảnh sát hay không. Anh đã có thể đọc thấy các đầu đề “Nhà báo vu cáo trong tấn bi kịch bị bắn lén”. Anh lắc đầu.

- Về nhà thôi. – Anh nói.

Trời đã tối khi họ trở về đảo Hedeby, việc này rất hợp ý Salander. Cô nhấc một cái túi thể thao đặt lên bàn.

- Em mượn các trò này của An ninh Milton, đã đến lúc chúng ta cần dùng chúng rồi đấy.

Cô cắm ở quanh nhà bốn máy chạy pin phát hiện cử động, giải thích nếu có ai đến gần hơn sáu mét thì một tín hiệu vô tuyến sẽ làm cho chuông báo động réo lên vui như có hội có hè, chuông này cô để ở buồng ngủ của Blomkvist. Đồng thời các cây tại trước và sau căn nhà gỗ cô để hai camera chụp hình loại nhỏ cực nhạy, chúng sẽ gửi tín hiệu đến màn hình một máy tính xách tay cô để ở trên tủ li gần cửa chính. Cô giấu camera bằng những miếng vải tối màu.

Cô để một camera thứ ba ở gần chuồng chim trên cửa ra vào. Cô khoan một lỗ qua tường để luồn dây cáp. Ống kính được chĩa ra đường và ra con đường nhỏ đi vào cửa chính. Mỗi giây nó lại chụp một hình ảnh độ nét thấp và lưu lại trong đĩa cứng của một máy xách tay khác để ở trong tủ quần áo.

Rồi cô để ở trước lối vào nhà một tấm thảm bắt được mọi lực giẫm lên nó, nếu ai đó muốn tránh các máy phát hiện bằng tia hồng ngoại để vào nhà thì một còi báo động 115 đêxiben sẽ rú lên. Salander bảo anh cách tắt các máy phát hiện bằng một chìa khóa gắn vào một cái hộp để ở trong tủ quần áo. Cô cũng mượn một kính nhìn đêm.

- Em chả để cho cơ may có được nhiều cơ hội gì cả. – Blomkvist nói và rót cà phê cho cô.

- Một việc nữa. Không đi rảo bước để tập nữa cho tới khi chúng ta phá được chuyện này,

- Hãy tin anh, anh đã mất hết hứng thú với chuyện tập tành.

- Em không đùa. Chuyện này có thể bắt đầu như một bí mật lịch sử, nhưng qua việc con mèo chết và người ta định bắn tung đầu anh đi thì chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta đang ở đúng phải lõng của một ai đó rồi.

Họ ăn tối muộn. Blomkvist thình lình mệt phờ và đầu đau như muốn nứt ra. Anh khó nói chuyện thêm nên đi nằm.

Salander thức đọc báo cáo cho đến 2 giờ sáng.

23

Thứ sáu, 11 tháng Bảy

Anh thức dậy lúc 6 giờ với ánh nắng rọi vào ngay mặt qua một khe trên rèm cửa. Anh còn thoáng đau đầu và đau hơn khi anh sờ vào chỗ quấn băng. Sanlander nằm sấp ngủ, một cánh tay vắt qua người anh. Anh nhìn xuống con rồng xăm trên bả vai cô. Anh đếm các hình xăm của cô. Cũng như một con vò vẽ ở cổ, cô có một sợi dây thòng lọng khác ở bắp tay bên trái, một biểu tượng Tàu ở hông và một bông hồng ở bắp chân.

Anh bước xuống giường kéo kín rèm lại. Anh vào buồng tắm rồi bước nhẹ trở lại giường, cố đi vào mà không làm cô tỉnh giấc.

Hai giờ sau, đang ăn điểm tâm, Blomkvist nói:

- Chúng ta sẽ giải bài đố này như thế nào?

- Chúng ta gom các sự việc chúng ta đã có lại. Chúng ta cố tìm ra nhiều nữa.

- Với anh, câu hỏi duy nhất là: tại sao? Vì chúng ta cố giải cái bí mật về Harriet hay là vì chúng ta đã phát hiện ra một sát thủ hàng loạt cho đến nay vẫn chưa lộ ra?

- Chắc có liên quan. – Salander nói. – Nếu Harriet nhận ra có một tên giết người hàng loạt thì đó chỉ có thể là một người nào đó mà chị ấy biết. Nếu ta nhìn vào bảng phân vai các nhân vật trong những năm 60 thì sẽ có ít nhất hai tá ứng cử viên khả dĩ. Ngày nay khó còn một ai sót lại, trừ Harald Vanger nhưng ông ta gần chín mươi ba tuổi không thể vác súng chạy quanh các khu rừng ở Froskhônggen được. Ai cũng hoặc đã quá già để thành ra một mối nguy hiểm nào đó hiện nay hoặc là quá trẻ để từng đã sống từ những năm 50. Vậy chúng ta hãy quay về với một người phù hợp.

- Hay chúng là hai đứa cộng tác với nhau. Một già hơn, một trẻ hơn.

- Harald và Cecilia ư ? Em không nghĩ thế. Em nghĩ chị ấy nói thật khi bảo rằng chị ấy không phải là người đứng ở cửa sổ.

- Vậy thì người ấy là ai?

Họ quay lại với máy tính iBook của Blomkvist, bỏ cả một tiếng nghiên cứu lại một lần nữa tất cả những ai hiện ra rõ ở trong các bức ảnh về vụ tai nạn trên cầu.

- Anh chỉ có thể cho là ai ở trong làng cũng đều đến đó xem cảnh náo động. Đang là tháng Chín. Phần lớn đều mặc áo jacket hay áo len. Chỉ có một người có tóc vàng và váy sáng màu.

- Cecilia có mặt ở trong nhiều ảnh. Hình như ở đâu cũng thấy chị ấy. Ở giữa các tòa nhà và những người đang nhìn vào hai cái xe đâm nhau. Đây là chị ấy đang nói với Isabella. Đây thì đứng gần bên mục sư Falk. Đây thì với Greger Vanger, ông anh ở giữa.

- Khoan khoan, - Blomkvist nói. – Greger cầm cái gì ở trong tay thế kia?

- Một cái gì hình vuông. Trông như một cái hộp gì đó.

- Một chiếc Hasselblad. Vậy là ông ta cũng có máy ảnh.

Họ cho diễu lại một lần nữa các bức ảnh. Greger có ở trong phần lớn ảnh, tuy thường là bị mờ nhòa. Trong một bức, có thể nhìn rõ thấy ông ta cầm một cái hộp hình vuông.

- Em nghĩ anh nói đúng đấy. Dứt khoát là một máy ảnh.

- Có nghĩa là chúng ta lại phải đi săn một lần nữa.

- OK. Nhưng bây giờ ta hãy lờ chuyện ấy đi một lúc – Salander nói. – Để em đề nghị một lập luận.

- Cứ nói đi.

- Nếu một ai đó trong thế hệ trẻ biết một ai đó trong thế hệ già là một tên giết người hàng loạt nhưng họ không muốn lộ chuyện đó ra thì sao đây? Danh dự gia đình và các thứ ba lấp kia. Như thế có nghĩa là có hai người dính líu đến nhưng không phải là cùng dính líu chung với nhau. Tên giết người có thể đã chết cách đây vài năm rồi trong khi nữ thần báo oán của chúng ta thì lại cứ muốn chúng ta quăng hết cả đi mới phải.

- Nhưng nếu thế thì tại sao lại đem đặt con mèo bị chặt đầu moi ruột vào cổng nhà chúng ta?

- Thế là rõ ràng cố ý gợi đến các vụ án mạng – Blomkvist đập đập tay vào cuốn Kinh thánh của Harriet, - Lại một lần nữa đem nhái các luật liên quan đến dâng cúng vật bị thiêu cháy.

Salander ngả người ra sau, nhìn lên nhà thờ trong khi trích dẫn Kinh thánh. Tựa hồ cô đang nói với cô.

“Rồi hắn sẽ giết con bò đực ở trước Chúa và các con trai của Aaron, các thày tế sẽ dâng máu và chúng sẽ vẩy máu khắp xung quanh về phía ban thờ vốn là cửa lều trại của cuộc hội họp. Rồi chúng sẽ lột da vật dâng cúng đã bị thiêu cháy rồi cắt nó ra thàng từng miếng”.

Cô cảm thấy im ắng, biết Blomkvist đang nhìn cô với vẻ mặt căng thẳng. Anh mở Kinh thánh đến chương đầu của Leviticus.

- Em biết cả khổ thơ thứ mười hai chứ?

Salander không đáp.

- Và hắn sẽ … - anh gật đầu với cô và bắt đầu.

- “Và nó sẽ bị tùng xẻo cùng với đầu và mỡ của chính nó rồi thầy tế sẽ đặt chúng lên trên củi của ngọn lửa trên ban thờ”. – Giọng cô lạnh băng- Còn khổ sau?

Cô thình lình đứng phắt dậy

- Lisbeth, em có trí nhớ của máy ảnh. – Blomkvist ngạc nhiên kêu lên. – Thảo nào em có thể đọc được một trang điều tra chỉ trong vòng mười giây.

Phản ứng của cô gần như bùng nổ. Đôi mắt giận dữ của cô nhìn trừng trừng vào anh khiến anh sửng sốt rồi mặt cô đổi sang chán ngán và cô quay gót chạy ra ngoài cổng.

- Lisbeth, - Anh gọi to theo.

Cô biến mất ở trên đường.

Mikael mang máy tính vào trong nhà, đặt máy báo động rồi khóa cửa chính lại để đi ra ngoài tìm cô. Hai mươi phút sau anh tìm thấy cô ở trên một con đê chắn sóng và anh thấy vai cô cứng lại. Anh đứng lại ở cách cô hai ba bước.

- Anh không biết đã nói gì nhưng anh không có ý làm phật lòng em.

Anh ngồi xuống cạnh cô, dụng ý đặt một tay lên vai cô.

- Xin nào, Lisbeth. Nói với anh đi.

Cô quay lại nhìn anh.

- Chả có gì để nói cả. – Cô nói. – Em chỉ là cơn cớ lên thế thôi.

- Anh sẽ vui vô cùng nếu như trí nhớ của anh cũng bằng được trí nhớ của em.

Cô vất đầu mẩu thuốc lá xuống nước.

Blomkvist ngồi im một lúc lâu. Mình nên nói gì nhỉ? Em là một cô gái hoàn toàn bình thường. Nếu em có khác đi chút ít thì quan trọng gì cái đó chứ? Hình ảnh tự thân mà em có về em là gì đây?

- Anh nghĩ có một cái gì khác ở em cái bữa đầu anh thấy em. – Anh nói – Em biết là gì không? Thật sự là lâu lắm anh mới có ấn tượng tốt đẹp với một người ngay từ lúc vừa mới thấy người ấy.

Vài đứa trẻ ở trong các căn nhà nhỏ bên kia cảng tàu đi ra nhảy xuống nước. Họa sỹ Eugen Norman, người mà Blomkvist chưa trao đổi qua một lời, đang ngồi trong một cái ghế ở bên ngoài nhà ông, ngậm một cái tẩu trong khi nhìn Blomkvist và Slander.

- Anh thật tình muốn là bạn của em, nếu em cho anh được như thế. – Anh nói. – Nhưng đó là tùy em. Anh về lại nhà làm ít cà phê. Em hãy về khi nào em thích.

Anh đứng lên để cô được yên tĩnh một mình. Anh lên được lưng quả đồi thì nghe thấy tiếng chân cô ở đằng sau. Hai người cùng về nhà không nói một lời.

Vừa tới nhà thì cô giữ lại.

- Em đang trong quá trình hình thành một lý lẽ .. Chúng ta đã nói đến việc các khổ thơ kia là nhái lại Kinh thánh. Đúng là hắn tóm giữ một con mèo thì dễ, nhưng tóm giữ được một con bò thì mới khó. Nhưng hắn vẫn làm theo câu chuyện gốc. Em nghĩ … - Cô lại nhìn lên nhà thờ. Và chúng sẽ vấy máu khắp xung quanh về phía ban thờ vốn là cửa lều trại của cuộc hội họp...

Họ đi qua cầu lên nhà thờ. Blomkvist lay lay cửa nhưng nó bị khóa. Họ loăng quăng quãng một lúc, nhìn các bia mộ cho tới khi đến nhà nguyện xây ở dưới nước, gần đó một chút. Thình lình Blomkvist mở to mắt. Không phải là nhà nguyện mà là một hầm mộ. Bên trên cửa anh có thể đọc được tên Vanger chạm khắc vào trong đá cùng một khổ thơ bằng chữ Latinh nhưng anh không thể dò ra được.

- Yên nghỉ cho đến tận cùng của thời gian, - Salander nói sau lưng anh.

Blomkvist quay lại nhìn cô. Cô nhún vai.

- Em tình cờ đọc thấy câu thơ này ở đâu đó.

Blomkvist cười phá lên. Cô cứng người lại và nom cô thoạt đầu giận dữ nhưng rồi cô thư thái lại khi hiểu ra là anh cười về sự khôi hài của tình huống.

Blomkvist thử mở cửa. Cửa khóa. Anh nghĩ một lúc và bảo Salander ngồi xuống chờ anh. Anh đi đến gặp Anna Nygren và gõ cửa.

Anh giải thích anh muốn xem gần hơn hầm mộ của gia đình, và không hiểu Henrik để chìa khóa ở đâu. Anna nom có vẻ nghi ngại nhưng cũng lấy chìa khóa ở bàn làm việc của Henrik ra.

Vừa mở được cửa hầm mộ ra họ biết ngay là họ đã đúng. Không khí nồng nặc mùi xác cháy và các lục phủ ngũ tạng đã thành than. Nhưng người hành hạ con mèo không phải nổi lửa. Ở một góc hầm là một cây đuốc, loại người trượt tuyết vẫn dùng để hơ chảy xi ở các ván trượt tuyết. Salander lấy máy ảnh ở trong túi váy jean ra chụp vài pô. Rồi cô rón rén nhấc cây đuốc lên.

- Cái này có thể làm bằng chứng. Hắn có thể để lại vân tay. – Cô nói.

- Ô chắc hẳn chúng ta có thể yêu cầu nhà Vanger xếp hàng ra cho chúng ta xem vân tay họ - Blomkvist cười. – Anh muốn xem em lấy vân tay của Isabella.

- Có cách đấy. – Salander nói.

Có nhiều máu ở trên sàn, không phải đều đã khô hết, cũng như một con dao mà họ cho là đã dùng để cắt đứt đầu con mèo.

Blomkvist nhìn quanh. Một quan tài bằng đá nổi lên thuộc về Alexander Vangersad và bốn nấm mồ để hài cốt của các thành viên gia đình chết sớm nhất. Gần đây hơn xem vẻ nhà Vanger giải quyết bằng hỏa táng. Khoảng ba chục khoang trên tường đề tên tổ tiên gia tộc. Blomkvist lần theo thời gian của gia đình, nghĩ không biết họ chôn ở đâu những thành viên gia đình không được dành chỗ cho ở trong hầm mộ - những người không được đánh giá là đủ quan trọng.

- Bây giờ thì chúng ta biết rồi, - Blomkvist nói khi họ qua lại cầu trở về. – Chúng ta đang săn lùng một gã điên đặc.

- Ý anh là sao?

Blomkvist dừng lại ở giữa cầu tì vào thành cầu.

- Nếu đây là một cha lập dị ú ớ đang thử dọa chúng ta hắn sẽ đem con mèo xuống dưới gara hay thậm chí mang ra rừng. Nhưng hắn lại đưa đến hầm mộ. Có một điều gì đó bắt buộc ở chỗ này. Cứ nghĩ đó là một sự rủi ro đi. Đang là mùa hè người ta ra ngoài nhà, đi dạo loanh quanh. Con đường qua nghĩa trang là một con đường chính bắc nam của đảo Hedeby. Cho dù hắn có đóng cửa lại ở đằng sau thì con mèo chắc cũng đã làm ầm ĩ cả lên và chắc phải có mùi cháy.

- Hắn?

- Anh nghĩ Cecilia không bò đến đây ban đêm với một cây đuốc trên tay được.

Salander nhún vai.

- Em không tin bất cứ một ai trong đám họ, kể cả Frode hay ông bạn Henrik của anh, Họ đều là một bộ phận của cái gia đình sẵn sàng lừa đảo anh nếu như có cơ hội. Vậy bây giờ thì chúng ta làm gì đây?

Blomkvist nói:

- Anh phát hiện ra một lô lốc về em. Thí dụ bao nhiêu người biết em là hacker?

- Không ai.

- Không ai, trừ anh, em nói thế chứ gì.

- Anh nói thế để đi đến đâu đây?

= Anh muốn biết em có đồng ý với anh không. Em có tin anh không.

Cô nhìn anh một lúc lâu. Cuối cùng chỉ nhún vai, thay cho trả lời.

- Chuyện đó thì em chịu, không làm được gì cả.

- Em có tin anh không? – Blomkvist nài hỏi.

- Tốt. Nào, chúng ta đi gặp Frode.

Đây là lần đầu tiên bà vợ luật sư Dirch Frode gặp Salander. Vừa cười lịch sự bà vừa mở to mắt nhìn cô. Mặt Frode sáng lên khi thấy Salander. Ông đứng lên đón tiếp họ.

- Gặp các vị hay quá. – Ông nói. – Tôi vẫn cảm thấy có lỗi là chưa bày tỏ đúng đắn lòng biết ơn với cái công việc khác thường mà cô đã làm cho chúng tôi. Cả mùa đông vừa rồi lẫn mùa hè hiện nay.

Salander nghi ngờ liếc ông.

- Tôi được trả công. – Cô nói.

- Không phải chuyện ấy. Tôi đã cói vài sự đánh giá khi vừa nhìn thấy cô. Cô hãy tốt bụng mà tha lỗi cho tôi.

Blomkvist ngạc nhiên. Frode lại có thể đề nghị một cô gái hai mươi lăm tuổi xăm khắp mình và đeo khoen đầy người thứ lỗi vì một cái gì đó mà ông chả cần phải xin lỗi. Ông luật sư đã leo lên được vài nấc nữa trong mắt Blomkvist, Salander nhìn chằm chằm ra đằng trước không buồn để ý đến ông.

Frode nhìn Blomkvist.

- Anh đã làm gì cái đầu của anh thế?

Họ ngồi xuống. Blomkvist tóm tắt sự diễn biến trong hai mươi tư giờ qua. Khi anh tả chuyện có người bắn anh ở gần Pháo đài, Frode nhảy dựng lên.

- Thế này thì điên thật rồi! – Ông ngừng lại nhìn đăm đăm Blomkvist. – Tôi xin lỗi nhưng chuyện đến thế này thì phải ngừng lại thôi. Tôi không thể đừng được. Tôi sẽ nói với Henrick và huỷ hợp đồng.

- Ngồi xuống đi, - Blomkvist nói.

- Anh không hiểu...

- Điều tôi không hiểu là Lisbeth và tôi đã đến quá gần khiến một ai đó ở đằng sau tất cả chuyện này bị rối trí mà phản ứng hoảng loạn như thế. Chúng tôi có một vài câu hỏi. Trước hết : có bao nhiêu chìa khoá của hầm mộ nhà Vanger và ai được có một chiếc?

- Không phải việc của tôi, tôi không biết. – Frode nói. – tôi cho là nhiều người trong gia đình có thể ra vào hầm mộ. Tôi biết Henrick có một chìa và Isabella đôi khi cũng đến đó, nhưng tôi không thể bảo với anh là bà ấy có chìa khoá hay bà ấy mượn của Henrik.

- OK, ông vẫn ở bên chính phái. Có hồ sơ nào về tập đoàn không? Một thư viện hay cái gì đó đại loại thế. Chỗ mà họ lưu các cắt dán báo chí và thông tin về hãng xưa nay.

- Vâng, có. Ở văn phòng chính tại Hedestad.

- Chúng tôi cần vào đó. Có nhà báo nào lâu năm của ban lãnh đạo hay một cái gì na ná thế không?

- Tôi lại phải nói rằng tôi không biết. Ba chục năm nay tôi không làm việc với hồ sơ rồi. Anh phải nói với một người phụ nữ tên là Bodil Lindgren.

- Ông có thể gọi bà ta và thu xếp sao cho Salander đọc được hồ sơ chiều nay không? Cô ấy cần tất cả các cắt dán báo chí cũ về Tập đoàn Vanger.

- Không thành vấn đề. Còn gì nữa không?

- Còn. Greger cầm một chiếc máy ảnh Hasselblad hôm xảy ra tai nạn xe ở trên cầu. Có nghĩa là ông ta cũng đã có chụp một số ảnh.

- Theo lôgích thì bà vợ goá và con trai ông ấy giữ. Để tôi gọi Alexander và hỏi anh ta.

- Em tìm cái gì nào? – Salander nói khi hai người đang trên đường về đảo.

- Cắt dán báo chí và ý kiến bạn đọc. Anh muốn em đọc kỹ mọi cái về ngày tháng của các vụ án mạng gây ra trong năm 50 và 60. Bất cứ cái gì làm em ngạc nhiên thì em cứ giữ lại. Hình như trí nhớ của em...

Cô thụi một cái vào sườn anh.

Năm phút sau chiếc Kawasaki của cô đã phành phạch qua cầu.

Blomkvist bắt tay Alexander Vanger. Trong phần lớn thời gian Blomkvist ở Hedeby, ông đã ở đâu đó. Ông hai mươi tuổi khi Harriet mất tích.

- Dirch nói ông muốn xem các bức ảnh cũ.

- Bố ông có một chiếc Hasselblad, tôi tin như vậy.

- Đúng. Nó vẫn còn đây nhưng không ai dùng cả.

- Tôi mong ông biết rằng Henrik đã nhờ tôi nghiên cứu xem chuyện gì đã xảy ra với Harriet.

- Tôi hiểu. Và có nhiều người không thích chuyện ấy.

- Có vẻ là thế và dĩ nhiên ông không phải đưa tôi xem cái gì cả.

- Xin ... ông thích xem cái gì?

- Nếu bố ông chụp đựoc ảnh nào vào hôm xảy ra tại nạn xe, hôm mà Hariet mất tích thì xin ông cho xem.

Họ đi lên gác xép. Phải mất mấy phút Alexander Vanger mới có thể nhận ra được cái hộp đựng những hình ảnh chưa xếp loại.

- Mang cả hộp về nhà. – ông nói. – Nếu như còn thì chúng ở cả trong này đây.

Như những minh hoạ cho biên niên gia đình Vanger, cái hộp của Greger Vanger đã chứa đựng những viên đá quý đích thực, bao gồm cả một số hình ảnh của Greger chụp với Olof Lindholm, thủ lĩnh chóp bu của Quốc xã Thụy Điển trong những năm bốn mươi. Những bức ảnh anh đã để ra bên. Anh tìm thấy những phong bì đựng những ảnh mà Greger đã chụp các cuộc tụ họp gia đình cũng như nhiều bức ảnh về các ngày nghỉ lễ điển hình – câu cá trên núi và một chuyến du lịch sang Ý.

Anh tìm thấy bốn bức về tai nạn trên cầu. Tuy máy của ông tốt, Greger vẫn là một tay chụp tồi. Hai bức cận cảnh chiếc xe téc, hai bức về những người đứng xem, chụp từ đằng sau. Anh chỉ tìm thấy một bức trong đó Cecilia hiện ra rõ trong tư thế quay nửa chiều nghiêng mặt.

Anh quét hình các bức ảnh này vào máy tính tuy anh biết chúng chả nói được điều gì mới với anh. Anh để các thứ trở lại và cái hộp và nghĩ thế là xong việc, rồi ăn trưa với một cái sandwich. Sau đó anh đi gặp Anna.

- Bà có nghĩ Henrik còn có album nào ngoài những bức ảnh ông đã tập hợp lại cho cuộc điều tra về Hariet không?

- Có. Henrik luôn thích ảnh – ngay từ khi còn trẻ, tôi được nghe nói thế. Ông ấy có nhiều ảnh ở trong phòng làm việc của ông ấy.

- Bà có thể cho tôi xem được không?

Trông thấy rõ ngay là bà ngập ngừng. Cho Blomkvist mượn chìa khoá hầm mộ gia đình đã là một chuyện – dầu gì thì đã có Chúa gánh trách nhiệm ở đấy – nhưg để cho vào phòng của Henrik lại là một chuyện khác. Lệnh của Chúa không mở rộng ra đến đó. Blomkvist gợi ý là bà nên gọi Frode. Cuối cùng bà cho anh vào. Gần như các Album choán mất hết cả một mét dưới cùng của giá sách. Anh ngồi vào bàn làm việc và mở quyển Album đầu tiên.

Vanger đã lưu hết các bức ảnh gia đình còn lại. Những bức rõ ràng là có từ lâu trước thời ông. Các bức lâu nhất có từ năm 1870, cho thấy những người đàn ông cục cằn và những người phụ nữ nghiêm nghị. Có ảnh bố mẹ của Vanger. Một bức cho thấy bố ông nghỉ lễ giữa mùa hè với một đám đông nồng nhiệt ở Sandhamn năm 1906. Một bức nữa ở Sandhamn cho thấy các công nhân trên sàn một nhà máy và trong các văn phòng. Anh tìm thấy đại uý Oskar Granath, người đã đưa Vanger và cô Edith Lobach yêu dấu của anh đến Kariskrona an toàn.

Anna lên gác với một tách cà phê. Anh cảm ơn bà. Lúc ấy anh đã đi đến thời hiện đại và đang giở các trang ảnh của Vanger thời trẻ, mở nhà máy, bắt tay với Tage Erlander, một ảnh của Vanger với Marcus Wallenberg – hai nhà tư bản gườm gườm nhìn nhau.

Trong album này anh cũng tìm thấy hai trang ảnh liền trên đó Vanger viết bằng bút chì "Hội đồng gia đình 1966". Hai bức ảnh màu cho thấy những người đàn ông trò chuyện và hút xì gà. Anh nhận ra Henrik, Harald, Greger và một số con rể trong chi Johan Vanger của gia đình. Hai bức cho thấy bữa ăn tối chính thức, bốn chục đàn ông và phụ nữ ngồi ở bàn, tất cả đều nhìn chằm chằm vào máy ảnh. Các bức ảnh được chụp sau khi tấm bi kịch trên cầu kết thúc nhưng trước khi mọi người nhận ra Harriet đã mất tích. Anh xem kỹ mặt họ. Bữa tiệc lẽ ra cô gái đã dự. Có ai trong đám đàn ông ở đây biết là cô gái đã đi biệt? Các bức ảnh không cho ra câu trả lời.

Rồi thình lình anh sặc cà phê. Anh ho và ngồi thẳng người lên ghế.

Ở đầu bàn góc xa, Cecilia Vanger trong bộ váy sáng màu cười với máy ảnh. Ngồi cạnh chị là một phụ nữ tóc vàng khác cũng với món tóc dài và chiếc váy sáng màu tương tự. Hai người giống nhau đến mức ngỡ là chị em sinh đôi. Thế là thình lình mảnh ghép của bài đồ ghép hình đã rơi vào chỗ của nó, Cecilia không phải là người ở cửa buồng Harriet – đó là Anita, em của chị, kém chị hai tuổi và hiện đang sống ở London. Salander đã nói thế nào? Có Cecilia ở trong nhiều ảnh lắm. Không phải. Có hai cô gái và như cơ may muốn thế - cho đến nay – họ chưa từng được nhìn thấy ở chung trong một ảnh bao giờ. Ở một khoảng cách, hai cô nom giống nhau trong các ảnh trắng đen. Henrik Vanger được cho là có thể nhận ra riêng biệt từng người nhưng với Blomkvist và Salander thì các cô gái nom giống nhau ngỡ như là một. Không ai chỉ cho họ thấy sai vì họ chưa bao giờ có ý hỏi chuyện này.

Blomkvist lật bức ảnh lại tóc gáy anh liền dựng đứng. Ngỡ đâu có một luồng gió lạnh thổi vào gian phòng. Có những bức ảnh chụp hôm sau, khi cuộc tìm kiếm Harriet bắt đầu. Sĩ quan cảnh sát trẻ Morell đang chỉ thị cho toán người đi tìm gồm hai sỹ quan cảnh sát mặc đồng phục và mươi người đi bốt đang sắp sửa lên đường. Vanger mặc áo mưa dài đến đầu gối và đội mũ Anh hẹp vành.

Ở bên trái bức ảnh có một thanh niên hơi vạm vỡ với mái tóc dài sáng màu. Anh ta mặc chiếc Jacket độn vai màu thẫm với một dải vải đỏ ở vai. Bức ảnh rất rõ. Blomkvist lập tức nhận ra anh ta – và chiếc Jacket – nhưng để cho chắc chắn, anh lấy bức ảnh đi xuống hỏi bà Anna xem bà có biết người đó không.

- Ô thì, Martin Vanger chứ còn ai.

Salander lục kỹ hết năm này sang năm khác các cắt dán báo chí, lần lên theo trật tự thời gian. Cô bắt đầu từ năm 1949 và cứ thế đi miết. Đống hồ sơ đồ sộ. Công ty được thông tin đại chúng nhắc đến gần như hàng ngày trong một thời kỳ tương ứng – không chỉ ở báo địa phương mà ở cả thông tin đại chúng toàn quốc. Có những phân tích tài chính, nhưng thương lượng công đoàn, đe doạ bãi công, nhà máy khai trương và nhà máy đóng cửa, những thay đổi trong các giám đốc điều hành, các sản phẩm mới tung ra. Tin tức lũ lượt. Click, click, click, đầu óc cô hoạt động với tốc độ cao trong khi cô tập trung vào thông tin và hấp thụ nó từ những trang giấy ố vàng.

Sau vài tiếng đồng hồ cô nảy ra một ý. Cô hỏi người quản lý hồ sơ liệu có các biểu đồ cho thấy tập đoàn Vanger đã có những nhà máy hay công ty ở đâu trong những năm 50 và 60.

Boldy Lindgern chả giấu vẻ lạnh nhạt khi nhìn Salander. Bà không vui chút nào cái việc cho phép người là hoắc thâm nhập nội bộ thánh cung hồ sơ của công ty, buộc phải cho cô ta được xem kỹ hết tất cả những gì cô ta muốn. Ngoài ra cô ả này nom lại y như một phần tử vô chính phủ ẩm ương mười lăm tuổi. Nhưng ông Frode đã cho những chỉ thị mà bà không được hiểu sai. Cái đồ con gái kiểu này lại được tự do xem bất cứ thứ gì ả thích. Và lại là khẩn nữa chứ. Bà mang ta các báo cáo thường niên có in ấn trong những năm mà Salander muốn xem; mỗi báo cáo lại có một biểu đồ về các phân nhánh của công ty ở khắp Thuỵ Điển.

Salander xem các biểu đồ và thấy công ty có rất nhiều nhà máy, văn phòng và mạng lưới bán hàng. Ở mỗi chỗ từng xảy ra án mạng lại có một chấm dỏ, đôi khi vài ba chấm, chỉ ra Tập đoàn Vanger.

Cô tìm ra tương quan đầu tiên vào năm 1957. Rakel Lunde, Lanskrona, bị phát hiện chết hôm trước ngày Công ty Xây dựng V&C thanh toán một lệnh đáng giá vài triệu để xây dựng một gallery ở thị trấn. V&C là chữ tắt của Công ty Vanger và Carlen. Báo sở tại đã phỏng vấn Gottfried Varger, ông vừa đến thị trấn để ký vào hợp đồng.

Salander nhớ lại một cái gì đó cô đã đọc ở trong báo cáo của cảnh sát ở sở lưu trữ tỉnh tại Landskrona. Rakel Lunde, người xem bói lúc rỗi rãi là một nhân viên quét dọn văn phòng. Bà đã làm việc cho Công ty Xây dựng V&C.

7 giờ tối, Blomkvist gọi Salander có đến chục lần nhưng di động của cô đều tắt. Cô không muốn bị quấy rầy.

Anh bồn chồn đi đi lại lại trong nhà. Anh đã lấy ra các ghi nhận của Vanger về các hoạt động của Martin vào thời gian Harriet mất tích.

Năm 1966, Martin đang học lớp cuối cùng ở trường dự bị tại Uppsala. Uppsala, Lena Andersson, học sinh trường dự bị mười bảy tuổi. Đầu bị cắt rời khỏi thân.

Henrik Vanger đã ghi nhận điều này ở một chỗ nhưng Blomkvist cần phải xem các ghi chép của ông để tìm ra đoạn nào. Martin là một cậu con trai hướng nội. Cả nhà đã lo lắng cho anh. Sau khi bố anh bị chết đuối, Isabella đã quyết định đưa anh đi Uppsala – thay đổi quang cảnh, nơi anh đã có buồng và ở chung với Harald Vanger. Harald và Martin? Khó mà thấy là đúng được.

Martin không đi xe cùng xe với Harald đến cuộc họp gia đình ở Hedestad rồi lại lỡ một chuyến tàu. Anh đến muộn vào buổi chiều cho nên đã ở trong số những người bị kẹt lại ở bên kia cầu. Anh chỉ đến được đảo sau 6 giờ, một lúc bằng tàu. Anh đã được chính Vanger đón, cùng với những người khác. Vanger đã đặt Martin xuống tận dưới cùng danh sách những người có thể có liên quan tới việc Harriet mất tích. Martin nói hôm ấy anh ta không gặp Harriet. Anh ta nói dối. Ngày hôm đó, anh ta đến Hedestad sớm hơn và anh ta đã ở Jarnvagsgatan đối mặt với em gái anh ta. Blomkvist có thể chứng minh sự dối trá bằng những bức ảnh từng bị chôn vùi trong gần bốn chục năm trời.

Gặp anh cô, Harriet đã choáng váng phản ứng. Cô đi khỏi đảo Hedeby cố nói chuyện với Henrik nhưng chưa gặp được Henrik thì cô đã biến mất. Cô tính nói ông chú chuyện gì? Uppsala? Nhưng Lena, Andersson, Uppsala, không có trong danh sách? Cô có thể chưa biết.

Câu chuyện vẫn chưa cho Blomkvist rõ được điều gì. Harriet biến mất vào quãng 3 giờ chiều. Không nghi ngờ gì nữa. lúc ấy Martin ở bên kia cầu. Có thể nhìn thấy anh ta ở trong bức ảnh chụp từ trên đồi nhà thờ. Anh ta không thể có khả năng đã làm hại Harriet ở trên đảo. Vẫn thiếu một miếng ở trong bài đố ghép hình. Một tòng phạm? Anita Vanger ư?

Qua hồ sơ Salander có thể thấy vị trí của Gottfried ở công ty bị thay đổi dần hàng năm. Ở tuổi hai chục vào những năm 1947, ông gặp Isabella và lập tức làm bà có thai; Martin Vanger sinh năm 1948 và không có vấn đề gì với chuyện này nhưng những người trẻ tuổi sẽ lấy vợ lấy chồng.

Khi Gottfried hai mươi hai tuổi, Henrik Vanger đã đưa ông ta vào sở chính của Tập đoàn Vanger. Ông rõ ràng là có tài và họ đã nhắm để cho ông tiếp quản. Năm hai mươi lăm tuổi, ông được đề bạt vào ban lãnh đạo, làm phó giám đốc của vụ phát triển của công ty. Một ngôi sao đang lên.

Vào giữa những năm 50, ngôi sao của ông bắt đầu chìm. Ông ta uống rượu. Hôn nhân của ông với Isabella va vào đá ngầm, các con, Harriet và Martin không được tốt, Henrik đình lại.

Sự nghiệp của Gottfried đã lên đến đỉnh cao. Năm 1956, lại một đề bạt mới, một phó giám đốc phát triển khác nữa. Hai phó giám đốc : một làm công việc trong khi Gottfried tuý luý và vắng mặt trong nhiều thời gian dài. Nhưng Gottfried vẫn là một Vanger, cũng như vẫn hấp dẫn và hùng biện. Từ 1957 trở đi, công việc của ông hình như là đi khắp đất nước để mở các nhà máy, giải quyết các mắc mớ ở địa phương, để phổ biến một hình ảnh mà lãnh đạo công ty thật sự quan tâm. Chúng tôi đang cử một đứa con của chúng tôi đến đây nghe các vấn đề của các ông, Chúng tôi nghiêm túc với các ông.

Đúng mười lăm phút sau, Salander phát hiện ra tương quan thứ ba. Uddevalla, 1962. Cùng ngày mà Lea Persson mất tích, tờ báo địa phương đã phỏng vấn Gottfried về một khả năng mở rộng bến cảng.

Khi bà Lindgren muốn đóng cửa hàng về nhà vào lúc 5 giờ rưỡi thì Salander đã cảu nhảu bảo với bà rằng cô còn lâu mới xong việc được. Bà cứ việc về và để chìa khoá lại. Salander sẽ quản cho. Lúc này, bà quản lý hồ sơ đã cáu điên lên vì một đứa con gái như thế này mà dám sai phái bà này nọ nên bà đã gọi ông Frode. Frode bảo bà nếu cô ấy có muốn ở cả đêm tại đấy cũng được. Xin bà Lindgren có thể báo an ninh ở sở để họ cho Salander đi khi nào cô ấy muốn được không?

Ba giờ sau, quãng 8 giờ rưỡi, Salander kết luận rằng Gottfried đã ở gần cái địa điểm mà ít nhất năm trong tám vụ án mạng đã được gây ra, trong những ngày hoặc trước hoặc sau các vụ này. Cô vẫn thiếu thông tin về các vụ án mạng năm 1949 và 1954. Cô xem kỹ một bức ảnh của ông đăng lên báo. Một người đàn ông thanh mảnh, đẹp trai, tóc vàng sẫm, hơi giống Clack Gable trong Cuốn theo chiều gió.

Năm 1949, Gottfried hai mươi hai tuổi. Vụ án mạng đầu tiên xảy ra trên đất đai của nhà ông, Hedestad, Rebecka Jacobson, người làm việc ở Tập đoàn Vanger. Hai người gặp nhau ở đâu đây? Ông ta đã hứa với cô ấy những gì? Salander cắn môi. Vấn đề là năm 1965 Gottfried đã chết đuối khi ông ta bị say trong khi vụ án mạng cuối cùng lại xảy ra ở Uppsala, tháng Hai năm 1966. Cô nghĩ hay là cô đã lầm khi cho tên Lena Andersson, cô nữ sinh mười bảy tuổi vào trong danh sách. Không, có thể không cùng là một chữ ký nhưng vẫn là cùng kiểu nhái thơ Kinh thánh. Chúng chắc là có liên quan đến nhau.

9 giờ trời đã tối. Khí trờ lạnh và mưa phùn. Mikael ngồi trong bếp, gõ tay xuống bàn thì chiếc Volvo của Martin Vanger qua cầu và rẽ ra ngoài đi tới mũi đất. Không hiểu sao cái điều này lại làm cho đầu anh sinh chuyện.

Anh không biết mình nên làm gì. Toàn thân anh nóng ran lên vì thèm muốn được đặt câu hỏi – để khêu ra một cuộc đương đầu đối chọi. Chắc chắn đây không phải là một thái độ biết điều cần phải có nếu anh nghĩ Martin Vanger làm một tên sát nhân điên loạn từng giết em gái và cũng từng đã suýt thành công trong việc cho toi cái mạng anh đi. Nhưng MartinVanger cũng là một cục nam châm. Và anh ta không biết rằng Blomkvist biết, anh co thể đến gặp anh ta với lý do rằng….. ừ được thôi, anh trả lại chiếc chìa của căn nhà nhỏ của Gottfried. Blomkvist khoá cửa nhà lại và đi ra mũi đất.

Nhà của Harald Vanger giống thường lệ tối như mực. Trong nhà Henrik, đèn đã tắt, trừ trong một gian buồng đối diện với sân. Nhà Isabella cũng tối. Cecilia không có nhà. Đèn sáng ở trên gác nhà Alexander nhưng tắt ở trong hai ngôi nhà mà chủ là những người không thuộc về gia tộc Vanger. Anh chẳng thấy một bóng ma nào. Anh lưỡng lự dừng lại ở bên nhà Martin Vanger, lấy di động ra bấm số Salander. Vẫn không trả lời. Anh tắt di động để cho nó sẽ không kêu nữa.

Có ánh đèn ở dưới nhà. Blomkvist đi qua thảm cỏ và dừng lại ở cánh cửa sổ bếp vài mét nhưng anh không trông thấy một ai. Anh tiếp tục đi quanh ngôi nhà, ngừng lại ở từng cửa sổ, nhưng không thấy dấu hiệu gì của Martin. Nhưng anh lại phát hiện thấy cánh cửa bên vào nhà xe hơi hé mở. Đừng có mà làm thằng ngốc. Nhưng anh không kìm được ý muốn nhòm xem một cái.

Vật đầu tiên anh trông thấy ở trên chiếc ghế dài của thợ mộc là một hộp đạn bắn nai sừng tấm mở nắp. Rồi anh thấy hai can xăng ở trên sàn, dưới ghế dài. Martin chuẩn bị cho một cuộc đi thăm ban đêm nữa ư?

- Vào đi, Mikael. Tôi thấy anh ở trên đường.

Tim Blomkvist bỏ hụt một nhịp. Anh từ từ quay đầu lại, thấy Martin đứng trong bóng tối ở gần cửa ra vào nhà.

- Đơn giản là anh không thể ở ngoài được, đúng không? – Tiếng của anh ta bình tĩnh, gần như thân mật.

- Chào anh Martin – Blomkvist nói.

- Vào đi. – Martin nhắc lại – Lối này.

Anh ta đi một bước lên trước và dẹp sang bên, tay trái đưa ra mời. Anh ta giơ tay phải lên và Blomkvist trông thấy một ánh kim loại xỉn đục.

- Tôi đang cầm một khẩu Glock. Đừng làm cái gì ngu xuẩn. Gần thế này tôi không bắn trượt đâu.

Blomkvist từ từ đi đến gần, Khi tới bên Martin, anh dừng lại nhìn vào mắt anh ta.

- Tôi cần đến đây. Có quá nhiều vấn đề.

- Tôi hiểu. Đi qua cửa.

Blomkvist vào nhà. Con đường dẫn tới gian sảnh ở gần bếp nhưng anh chưa kịp đi xa đến đó, Martin đã giữ anh lại, đặt nhẹ tay lên vai anh.

- Không, không lối ấy. Sang phải. Mở cửa ra.

Tầng hầm. Khi Blomkvist bước xuống được lưng chừng cầu thang, Martin tắt đèn và tất cả tối om. Ở bên phải anh là phòng đun nước nóng. Anh có thể ngửi thấy mùi xà phòng và nước nôi giặt giũ. Martin lái anh sang trái, vào gian nhà kho với các đồ nội thất cũ cùng các thùng với hộp, ở cuối gian nhà kho là một cánh cửa bảo hiểm bằng thép có một chiếc khoá chết.

- Đây, - Martin nói, ném chùm chìa khoá cho Blomkvist. – Mở nó ra.

Anh mở cái cửa.

- Tắt bật điện ở bên trái ấy.

Blomkvist mở cánh cửa tới địa ngục.

Khoảng 9 giờ, Salander đi kiếm chút cà phê và một miếng sandwich mua của người bán hàng ở hành lang bên ngoài kho hồ sơ. Cô tiếp tục lật giở các trang tài liệu cũ, tìm bất cứ một dấu vết nào của Gotfried ở Kalmar năm 1954. Cô không tìm thấy gì cả.

Cô nghĩ gọi Blomkvist nhưng nghĩ hãy đọc kỹ hết phần thư bạn đọc để có thể trọn vẹn là một ngày làm việc.

Không gian khoảng ba mét trên ba mét sáu. Blomkvist cho là nó nằm ở dọc mạn bắc của ngôi nhà. Martin Vanger đã thiết kế rất chu đáo gian phòng tra tấn riêng của anh ta. Bên trái là những dây xích, những móc sắt ở trên trần và dưới sàn, một cái bàn với những dải đai da để trói giữ nạn nhân. Rồi thiết bị video. Một phòng quay băng ghi hình. Đằng cuối gian phòng là một cũi thép cho các vị khách. Bên phải cửa là một cái ghế dài, một giường, và một cái tivi với các đĩa video ở trên một cái giá.

Vừa vào phòng, Martin đã chĩa súng vào ngực Blomkvist bảo anh nằm xuống sàn. Blomkvist từ chối.

- Tốt lắm. – Martin nói. – Thế thì tao sẽ bắn vỡ đầu gối mày.

Hắn nhắm. Blomkvist đầu hàng. Không có cách nào. Anh hy vọng Martin chỉ xểnh cảnh giác đúng một phần mười giây- anh biết anh sẽ thắng trong bất cứ kiểu đánh nhau nào với Martin. Anh đã có một nửa cơ hội khi xuống được lưng chừng cầu thang gian hầm lúc Martin khẽ đặt tay lên bả vai anh nhưng anh lưỡng lự. Sau đó Martin không đến gần. Với một viên đạn ở đầu gối anh sẽ mất cơ hội. Anh nằm xuống sàn, Martin đến từ phía sau và bảo anh quặt tay lại sau lưng. Hắng còng tay anh, rồi hắn đá vào bụng dưới của anh và đấm anh ác liệt liên hồi.

Những gì diễn ra sau đó giống như một cơn ác mộng. Martin chờn vờn giữa sự sáng suốt và điên thuần tuý. Có thể khá yên ổn một lúc nhưng rồi hắn lại sẽ xông ngay lên như một con thú trong chuồng. Hắn đá Blomkvist nhiều lần. Blomkvist chỉ còn có cách che đầu và giơ những phần mềm của cơ thể ra để hứng đòn.

Trong nửa giờ đầu tiên Martin không nói một lời và xem vẻ hắn cũng đã mất khả năng giao tiếp. Sau đó hắn hình như đã tự kiềm chế. Hắn quấn một sợi dây xích vào quanh cổ Blomkvist, buộc chặt dây xích vào một cái mỏ sắt ở trên sàn bằng một cái khóa móc. Hắn để Blomkvist một mình trong chừng mười lăm phút. Khi quay lại hắn mang một chai nước. Hắng ngồi lên một cái ghế vừa uống vừa nhìn Blomkvist.

- Cho một ít nước được không ? – Blomkvist.

Martin cúi xuống để cho anh uống một ngụm dài ở cái chai. Blomkvist nuốt thèm thuồng.

- Cảm ơn.

- Vẫn xã giao thế, Kalle Blomkvist.

- Tại sao lại đấm đá như vậy? – Blomkvist

- Vì mày quả thật đã làm cho tao rất giận. Mày đáng bị trừng trị. Tại sao mày không về nhà mày đi? Mày được Millennium cần đến, tao nói nghiêm chỉnh đấy – ta có thể làm cho nó thành một tờ tạp chí lớn. Ta có thể làm cùng với nhau trong nhiều năm.

Blomkvist nhăn mặt và cố xoay người cho nó có được tư thế dễ chịu hơn, anh hết phương tự vệ. Anh chỉ còn lại có tiếng nói.

- Tôi cho là anh muốn nói thời cơ đã hết – Blomkvist nói.

Martin cười to.

- Tao xin lỗi, Mikael. Nhưng dĩ nhiên tao biết là mày sẽ chết thẳng cẳng ở ngay tại chỗ này.

Blomkvist gật.

- Cái quỷ gì mà mày lại tìm ra tao, mày với cái con khỉ chê cơm mà mày tha đến đây?

- Anh đã nói dối về cái việc anh làm hôm mà Harriet mất tích. Anh đã ở Hedestad, tại cuộc diễu hành Ngày trẻ con. Anh chụp ảnh ở đó, nhìn Harriet.

- Vì thế mà mày đã đi Norsjo phải không?

- Để có bức ảnh, đúng. Nó đã được một cặp tình cờ đi trăng mật ở Hedestad chụp.

Hắn lắc đầu.

- Mày nói dối bẩn thỉu. – Martin nói.

Blomkvist nghĩ lung tung: làm sao mà tránh hay hoãn được việc hành quyết anh.

- Bức ảnh đâu rồi?

- Âm bản đấy ư? Nó đang được để ở trong một két an toàn tại Handelsbanken ở ngay Hedestad đây... Anh không biết là tôi có một két gửi đồ an toàn ở đó ư? – Blomkvist nói dối trơn tru. – Có các bản sao ở khắp nơi, Trong máy tính của tôi và của cô gái, trong máy chủ của Millennium và trong máy chủ của An ninh Milton, nơi cô gái làm việc.

Martin chờ, cố tìm xem Blomkvist nói thật hay bịp.

- Đứa con gái biết đến đâu?

Blomkvist ngập ngừng. Hiện Salander là hy vọng cứu sống duy nhất của anh. Cô sẽ nghĩ thế nào khi về nhà mà không thấy anh. Anh đã để bức ảnh Martin Vanger mặc áo jacket độn ở trên bàn bếp. Liệu cô có làm một liên hệ không? Liệu cô có báo động không? Cô sẽ không báo cho cảnh sát. Ác mộng là cô có thể đến nhà Martin Vanger bấm chuông hỏi để biết Blomkvist ở đâu.

- Trả lời tao. – Martin Vanger nói, giọng lạnh băng.

- Tôi đang nghĩ. Cô ấy gần như biết ngang tôi, có thể còn hơn một chút cũng nên. Cô ấy giỏi lắm, Cô ấy là người duy nhất tìm được ra mối liên hệ tới Lena Andersson.

- Lena Andersson ? – Martin Vanger nói nghe có vẻ thấp thỏm.

- Cô gái anh tra tấn rồi giết ở Uppsala năm 1966 . chớ bảo tôi là anh quên.

- Tao không biết mày đang nói cái gì cả. – Nhưng lần đầu tiên giọng hắn nghe run run. Đây là lần đầu tiên có người lần ra mối liên quan giữa vụ án này với hắn. – Lena Andersson không có tên ở trong quyển sổ đề ngày tháng của Harriet.

- Martin, - Blomkvist nói, cố hết sức làm cho giọng của mình rắn rỏi. – Hết rồi. Mày có thể giết tao nhưng thế là kết thúc. Quá nhiều người biết rồi.

Martin Vanger lại đi đi lại lại.

Mình phải nhớ là hắn không có lý tính. Con mèo. Hắn có thể mang con mèo xuống giết ở đây nhưng hắn lại mang đến hầm mộ gia đình. Martin dừng lại.

- Tao nghĩ là mày đang nói dối. Mày và Salander là những đứa có thể biết được một cái gì ư. Rõ ràng là mày chưa nói với ai chứ không thì cảnh sát đã ở đây rồi. Một ngọn lửa tươi đẹp nho nhỏ ở căn nhà khách bằng gỗ thế là bằng chứng đi đời nhà ma.

- Thế nhưng nếu mày sai?

- Nếu tao sai thì đúng là kết thúc thật. Nhưng tao nghĩ không phải như thế. Tao đánh cá rằng mày bịp. Với lại tao còn có lựa chọn gì khác nữa đây? Tao sẽ nghĩ một ít về chuyện này. Con rồ chê cơm ấy là cái khâu yếu phải không?

- Cô ấy đi Stockholm từ giờ ăn trưa rồi.

Martin Vanger cười phá.

- Cứ bịp tới nữa đi, Mikael. Suốt tối nó ngồi ở giữa đống hồ sơn tại văn phòng của Tập đoàn Vanger.

Tim Blomkvist bỏ mất một nhịp đập. Hắn biết. Hắn đã biết hết.

- Đúng thế. Kế hoạch là xem hồ sơ rồi đi Stockholm, - Blomkvist nói – Tao không biết cô ấy lại ngồi ở đó lâu thế.

- Dẹp ngay các trò ba láp ấy đi, Mikael. Bà coi hồ sơ gọi bảo tao là Dirch đã cho con bé ở lại đấy muộn tuỳ theo ý nó. Có nghĩa là nó chắc chắn sẽ có ở nhà. Người gác đêm sẽ gọi cho tao khi nào nó về.

PHẦN 4

GIÁP LA CÀ

11 THÁNG BẢY - 30 THÁNG MƯỜI HAI

Chín mươi hai phần trăm phụ nữ ở Thụy Điển bị xâm hại tình dục đã không trình báo vụ việc bạo hành mới nhất cho cảnh sát.

24

Thứ Sáu, 11 tháng Bảy

Thứ Bảy, 12 tháng Bảy

Martin Vanger cúi xuống lục túi Blomkvist. Hắn lấy chiếc chìa khóa.

- Biết đem đổi khóa, láu cá nhỉ.- Hắn nói – Tao sẽ săn sóc con bạn gái của mày khi nó về.

Blomkvist nhớ ra Martin là một tay thương lượng có kinh nghiệm sau nhiều vụ thương lượng về công nghiệp. Hắn đã nhìn thông một lần anh bịp.

- Tại sao ?

- Tại sao cái gì ?

- Tại sao lại có tất cả các trò này ? – Blomkvist quay đầu chỉ lơ vơ vào cái phòng giam của mình.

Martin cúi xuống để một tay vào dưới cằm Blomkvist, nhấc đầu anh lên cho mắt hai bên nhìn vào nhau.

- Vì làm các trò ấy dễ quá mà. – Hắn nói – Phụ nữ luôn biến mất tăm. Chả ai nhớ bọn họ cả. Đám di dân này, bọn điếm Nga này. Mỗi năm hàng nghìn người đi qua Thụy Điển cơ mà.

Hắn buông đầu anh xuống rồi đứng lên.

Lời Martin nói như một quả đấm thoi vào mặt anh.

Lạy Chúa. Đây không là bí mật lịch sử. Martin Vanger đúng là kẻ giết hại phụ nữ hiện thời. Và mình loáng quáng đâm vào.

- Tình cờ bây giờ ta lại chả có khách khứa nào. Nhưng mày có thể sẽ thấy ngồ ngộ nếu biết rằng trong khi mày với Henrik ngồi ba hoa chích chòe về những đông với xuân thì ở dưới này có một đứa con gái, Irina, người Belarus. Khi mày ngồi ăn tối với tao thì nó bị nhốt trong cái cũi đằng kia kìa, tao nhớ là cái tối ấy vui, đúng không?

Martin ngồi vắt vẻo trên bàn, đung đưa chân. Blomkist nhắm mắt lại. Bỗng cảm thấy vị chua chua xộc lên ở cổ họng, anh cố nuốt xuống. Chỗ đau ở sườn và bụng anh hình như đang sưng to lên.

- Những cái xác thì mày làm thế nào?

- Ngay bên dưới cầu tàu kia tao có một con tàu. Tao cho nó ra khơi xa. Không giống bố tao, tao không để lại dấu vết. Nhưng ông ấy cũng thông minh. Ông ấy rải các nạn nhân của ông ấy lên khắp Thụy Điển.

Các miếng ghép của bài đố ghép hình đã đâu vào đấy hết.

Gottfried Vanger. Từ 1949 đến 1965. Rồi Martin Vanger, bắt đầu năm 1966 ở Uppsala.

- Mày phục bố mày.

- Ông ấy là người dạy dỗ tao. Khi tao 14 tuổi, ông ấy đã vỡ lòng cho.

- Uddevalla, Lea Persson.

- Mày không thông minh hả? Đúng, tao ở đó. Tao chỉ xem nhưng tao ở đó.

- 1964, Sara Witt ở Ronneby.

- Tao 16. Lần đầu tiên tao có một con đàn bà. Bố tao dạy tao. Tao là người bóp cổ nó chết.

Hắn nói phét. Lạy Chúa. Một gia đình bệnh hoạn đáng phải trời tru đất diệt.

- Mày không hiểu được điên là thế nào.

- Mày là một kẻ nhỏ nhoi tầm thường Mikael. Mày không thể hiểu được cái cảm giác giống với Chúa là được kiểm soát cái sống cái chết của bất kỳ một đứa nào.

- Martin, mày sướng vì được tra tấn và giết hại phụ nữ.

- Tao nghĩ đúng ra không phải là thế. Nếu phân tích khoa học hoàn cảnh tao thì tao là một tên hiếp dâm hàng loạt đúng hơn là một kẻ giết người hàng loạt. Thật ra, tao là một đứa bắt cóc hàng loạt. Giết là hậu quả tự nhiên thôi, hãy nói như vậy, vì tao phải giấu tội đi chứ. Dĩ nhiên xã hội không chấp nhận các hành động của tao nhưng trước hết và trên hết các tội ác của tao là một tội ác chống lại các công ước của xã hội. Cái chết chỉ diễn ra khi các khách của tao kết thúc việc thăm viếng ở đây, sau khi tao đã phát ớn, phát ngấy với họ. Nhìn vẻ tuyệt vọng của họ mới mê làm sao chứ.

- Tuyệt vọng?

- Chính nó. Tuyệt vọng. Chúng tưởng làm cho tao hài lòng thì chúng sẽ sống, chúng chịu theo các luật lệ của tao. Chúng bắt đầu tin tao, có một ít tình bạn bè nào đó với tao, cho đến cuối cùng chúng vẫn hy vọng chút tình bạn bè ấy. Tuyệt vọng cho đến khi bắt đầu hửng sáng cũng chính là lúc thật sự toi đời.

Martin đi quanh bàn rồi tựa vào cái cũi sắt.

- Mày và các công ước tư sản của chúng mày sẽ không bao giờ nắm hiểu được cái chuyện tao vừa nói nhưng từ khi lên kế hoạch bắt cóc phấn khích đã có ngay rồi. Việc này không được làm tùy hứng - các trò bắt cóc luôn bị tóm không thoát được. Đây là một khoa học có hàng nghìn chi tiết tao phải cân nhắc. Tao phải nhận diện con mồi, ả là ai, ả người đâu, tao làm sao tiếp xúc được với ả, tao phải làm gì để có thể ở một mình với ả mà không để lộ tên tuổi hay là nay mai lại dính đến chuyện cảnh sát điều tra.

Câm đi. Nhân danh Chúa…

- Mày thật sự bận tâm đến những chuyện này hả, Mikael?

Hắn cúi xuống thụi vào má Blomkvist. Cái đánh gần như là một đụng chạm âu yếm.

- Chuyện này chỉ được kết thúc một chiều đơn phương, mày thấy thế chứ? Tao hút thuốc thì có phiền mày không?

- Cho tao một điếu được không? – anh nói

Martin châm 2 điếu thuốc, đặt cẩn thận một điếu vào giữa hai môi Blomkvist, để cho anh rít một hơi dài.

- Cảm ơn – Blomkvist bất giác nói.

Martin lại bật cười to.

- Mày xem đây. Mày đã sắp chấp nhận nguyên tắc hàng phục của tao rồi. Mikael, tao nắm cái mạng mày ở trong tay. Mày biết tao có thể cho mày tiêu bất cứ lúc nào. Mày quỵ lụy tao để cải thiện tình trạng của mày, mày sử dụng lý trí và một ít cử chỉ lịch thiệp để làm cái trò ấy. Thì mày được thưởng liền ngay đó.

Blomkvist gật. Tim anh đập dữ tới mức gần như không thể chịu nổi.

Lúc 11 giờ 15, Lisbeth Salander uống hết nước trong cái chai PET của cô trong khi lật trang hồ sơ. Không giống Blomkvist bị sặc cà phê sớm nay, cô không để cho nước đi lầm đường. Hơn nữa, cô mở mắt to ra khi cô tìm được mối tương quan.

Click!

Trong hai giờ cô ngụp lội trong đống thư bạn đọc về mọi thứ bà dằn trên đời. Thư bạn đọc chủ yếu là từ Thông tin công ty. Nó mang logo Vanger - một cờ đuôi nheo Thụy Điển lật phật trong gió, với đầu cờ là một mũi tên nhọn. Các thứ này được cho là để chung với bộ phận quảng cáo của hãng, nó chứa đầy các thứ tuyên truyền vốn được giả định sẽ làm cho các công nhân viên cảm thấy mình là thành viên của một gia đình lớn.

Cùng với ngày lễ thể thao mùa đông vào tháng 2, 1969 Henrik Vanger tỏ ra hào hiệp đã mời 50 công nhân viên ở văn phòng chính cùng với gia đình họ đến tuần lễ trượt tuyết ở Harjedalen. Công ty đã có lợi nhuận kỷ lục trong năm ngoái. Vụ quan hệ công chúng cũng đến và làm một bản cáo bằng ảnh.

Nhiều ảnh với nội dung lý thú được chụp lúc đổ dốc. Một vài bức cho thấy những nhóm người ở quán bar, các công nhân viên đang cười và nâng bia lên chúc nhau. Hai bức chụp một việc làm nho nhỏ buổi sáng khi Henrik Vanger tuyên bố Ulta-Britt Mogren là Nhân viên Văn phòng Tốt nhất của Năm. Cô được tặng một món tiền thưởng 500 curon và một chiếc bát pha lê.

Lễ tặng này diễn ra ở sân thượng khách sạn, trước khi mọi người rõ ràng là đang nghĩ quay về lại với các sườn dốc. Khoảng 20 người ở trên bức ảnh.

Ở xa bên phải, ngay sau Henrik Vanger là một người đàn ông tóc dài. Anh ta mặc Jacket độn thẫm màu với một dải vải nhìn thấy rõ ở trên vai. Do là ảnh trắng đen nên không thể nhìn ra được màu nhưng Salander dám đánh cược đời mình rằng cái dải đó là màu đỏ.

Ghi chú giải thích mối tương quan….xa bên phải Martin Vanger (19) đang học ở Uppsala. Anh đang được bàn tán đến như một người có tương lai hứa hẹn trong công việc quản lý công ty

- Cha cha – Salander trầm trầm nói.

Cô tắt bàn đèn làm việc, để thư bạn đọc cả đống ở trên khắp mặt bàn làm việc- thôi để cho sáng mai mụ Lindgren nhếch nhác có việc bận đến.

Cô đi cửa ngách ra bãi đậu xe. Khi cửa đóng lại cô nhớ đã hứa khi nào về sẽ báo với ông gác đêm. Cô dưng lại đưa mắt nhìn khắp bãi xe. Chỗ người gác đêm ở phía bên kia toà nhà. Nghĩa là cô phải đi bộ một vòng quanh hết sang phía bên kia. Hãy để cho chó đang ngủ được yên, cô quyết định.

Trước khi đội mũ bảo hiểm, cô gọi số di động của Blomkvist. Cô được nhắn là có thể không gọi được chủ số thuê bao. Nhưng cô cũng thấy anh gọi cô ít nhất không dưới ba chục lần vào quãng giữa 3 giờ rưỡi đến 9 giờ. Cô thử máy của căn nhà gỗ nhỏ nhưng không có trả lời. Cô nhăn mặt, đóng di động lại, đội mũ bảo hiểm rồi đạp cần kích cho xe nổ máy. Cuốc đi từ văn phòng chính ở lối vào khu công nghiẹp Hedestad đến đảo Hedeby mất mười phút. Một ngọn đèn sáng ở trong bếp.

Salander nhìn quanh. Thoạt đầu cô nghĩ Blomkvist đi gặp Frode nhưng trên cầu cô đã để ý thấy đèn nhà Frode tắt ở bên phía bờ nước. Cô nhìn đồng hồ đeo tay: 11 giờ 40.

Cô đi vào căn nhà gỗ nhỏ, mở tủ quần áo, lấy ra hai cái máy tính xách tay cô đang dùng để lưu những hình ảnh kiểm soát bằng hai camera cô đã đặt. Cô để một lúc cho diễn lại các sự việc.

15giờ 32 Blomkvist vào nhà.

16giờ 03 anh mang tách cà phê ra vườn. Anh mang theo cặp hồ sơ và nghiên cứu nó. Anh gọi ba lần điện thoại ngắn lúc đang ở trong vườn. Ba cuộc ứng đúng vào ba cuộc cô không trả lời.

17 giờ 21 Blomkvist dời căn nhà gỗ. Quay trở lại không đến 15 phút sau.

18 giờ 20 anh ra cổng nhìn về phía cầu.

21 giờ 03 anh đi ra. Anh không trở lại.

Salender quay nhanh các hình ảnh ở chiếc máy tính thứ 2 lên. Nó chụp cổng nhà và con đường ở bên ngoài cửa ra vào chính. Cô có thể thấy ai đã qua đây trong ngày.

19giờ 12 Nilsson đến nhà.

19giờ 42 chiếc Saab thuộc Ostergarden đi đến Hedestad.

20 giờ 02 chiếc Saab trên đường quay về.

21 giờ xe của Martin đi qua. Ba phút sau Blomkvist rời nhà. 21 giờ 50 Martin Vanger hiện ra ở kính ngắm của camera. Anh ta đứng ở cổng hơn một phút nhìn căn nhà, rồi nhòm qua cửa sổ bếp. Anh ta đến cổng có mái và cố mở, lấy ra một chiếc chìa khóa. Chắc anh ta phát hiện ra Blomkvist đã thay khóa. Anh ta đứng im một lúc rồi quay đi rời căn nhà.

Salander cảm thấy sợ lạnh toát cả gan ruột.

Martin một lần nữa để Blomkvist một mình. Anh vẫn cứ ở trong cái tư thế khó chịu bị còng 2 tay ở sau lưng còn cổ thì bị một dây xích mỏng buộc chặt vào một khuy sắt trên sàn. Anh cựa giằng cái còng nhưng biết là không thể nào gỡ nó ra. Cái còng quá chặt, tay anh tê bì.

Anh hết đường thoát. Anh nhắm mắt lại.

Anh không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua thì lại nghe thấy tiếng chân Martin. Hắn hiện ra trong tầm mắt Blomkvist. Xem vẻ bực bội.

- Khó chịu hử? – hắn nói.

- Rất. – Blomkvist nói.

- Mày hãy tự trách mày. Lẽ ra mày về Stockholm rồi.

- Tại sao mày giết người, Martin?

- Tao chọn như thế. Tao có thể tranh luận các mặt luân lý, trí tuệ của việc tao giết; tao với mày có thể nói chuyện hết đêm nhưng cái đó cũng chả thay đổi được gì. Mày thử nhìn theo cách này xem: một mạng người là một con sò làm bằng da giữ cho các tế bào, máu cùng các thành phần hóa chất được đâu ở nguyên vẹn đấy. Rất ít kẻ kết thúc trong các sách sử. Phần lớn là quỵ gối và biến đi không để lại dấu vết.

- Mày giết cả phụ nữ.

- Trong chúng ta có những người giết cho vui - tao không phải là đứa duy nhất có cái thú chơi riêng này - chúng tao sống một cuộc đời trọn vẹn.

- Nhưng sao cả Harriet? Chính em gái mày?

Rất nhanh Martin túm lấy tóc anh.

- Thằng đốn mặt ranh con, xảy ra chuyện gì với em tao rồi, bảo tao ngay.

- Mày nói sao? - Blomkvist thở ngắc. Anh cố quay đầu để cho tóc bị túm giật lỏng ra. Dây xích thít lại ở quanh cổ anh.

- Mày với Salander. Mày đã làm gì với em tao?

- Bỏ ra, nhân danh Chúa. Chúng ta đang nói chuyện mà.

Martin buông tóc anh ra, ngồi vắt chéo chân trước Blomkvist. Hắn lấy một con dao ở trong túi jacket ra, mở lưỡi. Hắn gí mũi dao vào da ở ngay bên dưới mắt Blomkvist. Blomkvist buộc phải nhìn mắt hắn

- Em tao bị làm sao rồi, thằng đốn mạt?

- Tao không biết. Tao nghĩ là mày giết.

Martin nhìn trừng trừng Blomkvist một lúc lâu. Rồi hắn chùng người lại. Hắn đứng lên đi loanh quanh trong buồng, suy nghĩ. Hắn ném con dao xuống sàn rồi cười phá trước khi đi đến nhìn vào Blomkvist

- Harriet, Harriet, cứ là Harriet. Chúng tao đã cố… nói chuyện với nó. Gottfried cố dạy nó. Chúng tao đã nghĩ nó là một người cùng bọn với chúng tao và như thế thì nó phải nhận lấy nghĩa vụ của nó nhưng nó lại chỉ là một cái…l. tầm thường. Tao đã kiểm soát được nó, hay là tao tưởng ra như thế nhưng nó cứ luôn cố mà nói với Henrik và rồi tao hiểu ra là không thể tin nó được. Sớm muộn nó sẽ đi nói với một ai đó về tao.

- Mày đã giết cô ấy?

- Tao đã muốn giết nó. Tao đã nghĩ đến chuyện đó nhưng tao đến muộn quá. Tao đã không sang được đảo.- Đầu óc Blomkvist đã phải chật vật để cố thu nhận thông tin nhưng anh cảm thấy như có một lời nhắn mang dòng chữ THÔNG TIN QUÁ TẢI vừa bật ra. Martin Vanger không biết chuyện gì đã xảy ra với em gái hắn.

Thình lình Martin rút di động ra khỏi túi liếc vào màn hình rồi đặt nó lên ghế cạnh khẩu súng ngắn.

- Đến lúc ngừng tất cả các thứ lại đã. Tao phải xử lý con đĩ chê cơm của mày đêm nay.

Hắn lấy một cái dây da hẹp ở trong tủ ly ra, lùa nó vào quanh cổ Blomkvist, như một thòng lọng. Hắn nới lỏng dây xích ghìm anh gí sát xuống sàn, xốc anh đứng lên rồi ném anh về phía tường. Hắn lùa cái dây da qua một cái mắt ở trên đầu Blomkvist rồi buộc chặt nó vào dây khiến anh cứ phải đứng kiễng trên các đầu ngón chân.

- Có chặt quá không? Mày thở được chứ?- hắn nới một nấc và khóa đầu kia của dải dây da vào dưới chân tường- Tao không muốn mày bị chết ngạt ngay.

Cái thòng lọng cứa quá mạnh vào cổ họng Blomkvist, anh không thốt ra được một tiếng nào. Martin chăm chú nhìn anh.

Đột ngột hắn cởi khóa quần Blomkvist, tụt nó hẳn ra cùng chiếc quần đùi đấm bốc. Trong khi hắn kéo quần anh ra, Blomkvist bị hẫng chân, lủng lẳng trên dây thòng lọng mất một lúc rồi ngón chân anh mới bám được lại sàn. Martin đi đến tủ li lấy một chiếc kéo. Hắn cắt tung áo phông của anh ra, ném các mảnh áo xuống sàn. Rồi hắn đứng vào một chỗ ở cách Blomkvist một ít ngắm nhìn nạn nhân của hắn.

- Tao chưa có một thằng con trai nào ở đây.- Martin nói, giọng nghiêm chỉnh.- Tao chưa mó vào một thằng đàn ông nào, sự thật là vậy…trừ bố tao. Đó là nghĩa vụ của tao.

Thái dương Blomkvist đập bình bịch. Anh muốn đỡ nhẹ đi trọng lượng của anh thì lại bị thít chặt lấy cổ. Anh cố đưa tay bấu vào bức tường xi măng ở sau lưng để có điểm tựa nhưng không có gì anh có thể níu lấy.

- Đến lúc rồi nào.-Martin nói.

Hắn đưa tay lên dải dây da kéo xuống, Blomkvist lập tức cảm thấy nút thòng lọng nghiến chặt lấy cổ anh.

- Từ lâu ta đã muốn xem đàn ông nếm trò này ra sao.

Hắn siết thòng lọng rồi cúi xuống hôn lên môi Blomkvist. Thì đồng thời một cái giọng lạnh ngắt xuyên suốt hết gian phòng.

- Đồ bò rạp chết rấp kia, ở cái hố cứt này, tao hưởng độc quyền thằng kia rồi đấy nha.

Blomkvist nghe thấy tiếng Salander ở trong một màn sương mù đỏ lừ. Anh đã quay được mắt để đủ tập trung nhìn thấy Sanlander đứng ở lối vào cửa. Mặt như hề không có chuyện gì, cô đang nhìn Mawrrtin.

- Không…chạy đi.- Blomkvist nói, khàn đặc.

Anh không thể nhìn thấy vẻ mặt Martin nhưng anh gần như cảm thấy được bằng da thịt cái cơn chấn động khi hắn quay lại. Chững lại một thoáng, thời gian ngừng sững. Rồi Martin với lấy khẩu súng ngắn hắn để ở trên ghế.

Salander vọt ba bước rất nhanh đến, tay vung lên một chiếc gậy đánh golf mà cô giấu ở bên sườn. Cây gậy sắt bay lên thành một đường vòng cung rộng rồi nện trúng vào xương đòn gánh gần bả vai hắn. Cú đánh mạnh khủng khiếp, Blomkvist nghe như có một cái gì nứt rạn. Martin rú hộc lên.

- Đồ bò sát, mày có thích bị đau không?-Salander nói.

Giọng cô vừa sắt, vừa sạn như giấy ráp. Chừng nào Blomkvist còn sống thì chừng ấy anh không quên nét mặt cô lúc cô tiến đánh. Răng cô nhe ra như ác thú vồ mồi, mắt cô lấp lánh, đen như than đá. Cô di chuyển nhanh với tốc độ tia chớp của giống nhện ăn thịt, rồi cô lại hoàn toàn tập trung vào con mồi khi cô vung chiếc gậy sắt lên lần nữa, phang vào đúng sườn Martin.

Hắn loạng choạng trên ghế rồi ngã. Khẩu súng rơi thịch xuống sàn dưới chân Salander, cô đá nó ra xa.

Rồi cô đánh cú thứ 3, đúng lúc Martin đang cố đứng lên. Cô phang đánh hự một cái nặng vào hông hắn. Cổ họng Martin buột ra một tiếng kêu kinh hoàng. Cú đánh thứ 4 trúng đằng sau hắn, giữa hai bả vai.

- Lis..ú ú us…- Blomkvist thở ngắt.

Anh gần như sắp rồi đời, hai thái dương đau buốt tưởng như không chịu nổi. Cô quay lại và thấy anh mặt đỏ màu cà chua chín, mắt anh mở ra trắng dã, lưỡi thè lè khỏi miệng. Cô nhìn quanh thấy con dao trên sàn. Rồi cô liếc nhanh một cái đến Martin lúc này đang cố trườn ra xa cô, một tay thõng thẹo. Trong giây phút này, hắn không thể làm được gì rắc rối. Cô buông cây gậy, nhặt con dao lên. Mũi nó nhọn nhưng lưỡi nó cùn. Cô kiễng chân lên cứa mạnh vào dải dây da để cho nó đứt ra. Như thế phải mất vài giây nhưng Blomkvist đã đổ kềnh ra sàn. Cái thòng lọng lại thít chặt hơn vào cổ anh.

Salander lại nhìn sang Martin Vanger. Hắn đã đứng lên nhưng người co gập lại. Cô cố móc ngón tay vào dưới cái nút. Mới đầu cô không dám cắt nó nhưng cuối cùng cô lùa mũi dao xuống dưới, làm cho da cổ Blomkvist xước ra khi cô cố mở rộng cái nút thòng lọng. Cuối cùng nó lỏng ra và Blolmkvist thở mấy cái khò khè, run rẩy.

Trong một lúc Blomkvist thấy cơ thể và linh hồn anh nhập vào nhau làm một. Anh đã nhìn tinh tường lại, có thể nhìn ra từng hạt bụi ở trong gian buồng. Tai anh đã thính hẳn, có thể ghi nhận được từng hơi thở, từng tiếng áo quần cọ nhau, anh nhận ra mùi mồ hôi của Salander cùng mùi da áo jacket cô. Rồi ảo giác tan biến khi máu bắt đầu chảy trong đầu anh.

Salander quay đầu lại đúng lúc Martin Vanger biến đi ở ngoài cửa. Cô đứng lên, nắm lấy khẩu súng, xem lại ổ đạn và mở chốt an toàn. Cô nhìn lên và tập trung vào các ổ khóa còng tay, chúng nằm thù lù ở trên mặt bàn.

- Em đi bắt hắn.-Cô chạy ra cửa nói. Cô chộp lấy chùm chìa khóa rồi ngoái tay lại ném xuống sàn, gần Blomkvist.

Anh cố hét to bảo cô chờ nhưng chỉ buột ra được có một tiếng khàn khàn còn cô thì đã biến mất.

Salander không quên rằng Martin có một khẩu súng dài ở đâu đó nên cô dừng lại, khẩu súng lăm lăm ở đằng trước sẵn sàng bắn trong khi leo các bậc thang lên hành lang ở giữa nhà xe và nhà bếp. Cô nghe ngóng nhưng không thấy có một tiếng nói nào mách cô con mồi đang ở đâu. Cô lén đi tới nhà bếp, và sắp tới đó thì nghe tiếng xe hơi khởi động ở ngoài sân.

Ở đường cho xe ra vào nhà, cô nhìn thấy một đôi đèn hậu đi ngang qua nhà Henrik Vanger rồi quay xuống phía cầu. Cô bèn ra sức chạy. Cô nhét khẩu súng vào túi jacket và chẳng màng gì đến chuyện mũ bảo hiểm và cứ cho xe nổ máy. Vài giây sau cô đã qua cầu.

Cỗ xe có lẽ đã làm một khởi động với tốc độ 100 mét trong 90 giây khi đến khúc quẹo ra quốc lộ E4. Có thể cô không trông thấy được xe hắn. Cô phanh xe, tắt máy để nghe.

Trời đầy mây đen ngòm. Ở chân trời cô thấy hửng rạng đông. Rồi cô nghe thấy tiếng máy và bắt được ánh đèn hậu lên trên đường E4 đi xuống phía nam. Salander đạp cần kích nổ máy, cài số và phóng qua dưới cầu vượt. Cô đang đi 40 dặm một giờ thì rẽ quanh vào lối lên đường bên dẫn tới xa lộ. Không thấy xe qua lại, cô tăng hết tốc độ, bay vút lên phía trước. Khi đường bắt đầu lượn dọc một dòng nước, cô đang đi 90 dặm một giờ, ở cái tốc độ nhanh nhất của chiếc xe máy của cô đạt được khi nó đổ dốc. Hai phút sau, cô trông thấy ánh đèn ở đằng trước cách chừng năm sáu trăm mét.

Phân tích hậu quả đi. Nào ta làm gì bây giờ đây?

Cô giảm xuống một tốc độ phải chăng hơn là 75 dặm và bám lấy chiếc xe hơi. Cô đã mất tăm nó khoảng vài giây sau mấy lần vào cua. Rồi cả hai cùng ra đường thẳng dài. Cô chỉ còn cách nó chừng trăm rưỡi mét.

Hắn chắc đã trông thấy đèn của xe máy cô nên phóng nhanh lên khi họ vào cung đường vòng. Cô lại tăng tốc nhưng lại để mất dấu sau mấy khúc lượn.

Cô nhìn thấy đèn một chiếc xe tải lại gần. Martin cũng thấy. Hắn tăng tốc độ lên nữa và lái thẳng vào làn đường trước mặt. Salander thấy chiếc xe tải trành nghiêng ra và lóe đèn xi nhan nhưng đâm vào nhau là điều không tránh khỏi. Martin Vanger húc thẳng vào chiếc xe tải, tiếng xe đâm vào nhau nghe ghê rợn.

Salander hãm xe lại. Cô trông thấy chiếc moóc bắt đầu gẫy gập lại chắn ngang đường của cô. Với tốc độ đang đi thì chỉ mất hai giây là cô lao đến chỗ xảy ra tai nạn. Cô tăng tốc và quặt mạnh tay lái sang hẳn một bên, xe cô bay vọt qua cách cái đuôi xe tải đang rít lên ầm ầm chừng gần 2m, tránh gọn. Liếc về phía đuôi mắt, cô trông thấy lửa bừng lên ở đầu chiếc xe tải.

Cô đi tiếp hơn một trăm mét nữa thì phanh lại và nghĩ, rồi cho xe quay đầu. Cô trông thấy người lái xe tải đang từ trong cabin bò ra ở bên phía hành khách. Rồi cô lại phóng nhanh lên. Ở Akerby, khoảng 1 dặm về phía nam, cô rẽ sang trái, tấp vào một con đường nhỏ cũ lui ngược về phía bắc, song song với quốc lộ E4. Cô leo lên một quả đồi đi qua hiện trường đâm xe. Hai chiếc xe hơi đã đỗ lại. Những ngọn lửa to tướng đang sôi lên cuồn cuộn ra ngoài khung chiếc xe của Martin đã bị chiếc xe tải đè bẹp xuống. Một người đàn ông đang dùng một máy cứu hỏa nhỏ phun vào đám cháy.

Cô đã mau chóng lăn bánh thong thả qua cầu. Cô đỗ chiếc xe ở bên ngoài căn nhà gỗ nhỏ, đi bộ trở về nhà của Martin Vanger.

Mikael vẫn đang vật lộn với cái còng tay. Tay anh tê bại không thể nắm lấy được chiếc chìa khóa còng. Salader mở còng cho anh và ôm chặt lấy anh trong khi máu bắt đầu chảy trở lại hai bàn tay anh.

- Martin?- Anh hỏi, giọng khàn khàn.

- Chết rồi, hắn lái xe tông thẳng vào đầu một chiếc xe tải ở 2 dặm về phía nam đường E4.

Blomkvist trừng trừng nhìn cô. Cô mới chỉ đi có khoảng một ít phút.

- Chúng ta phải…gọi cảnh sát. – Anh nói lào phào, anh bắt đầu ho dữ.

- Tại sao? – Salander nói.

Đến mười phút Blomkvist vẫn không thể đứng được. Anh vẫn nằm trên sàn, trần truồng, tựa vào tường. Anh xoa xoa cổ và lóng ngóng nhấc chai nước lên, Salader nóng ruột chờ đến khi anh lấy được xúc giác. Cô để thì giờ này suy nghĩ.

- Anh mặc quần vào.

Cô lấy chiếc áo phông bị cắt nát của anh ra lau sạch các vân tay ở còng tay, dao, cây gậy đánh golf. Cô nhặt chai nước PET của cô lên.

- Em làm gì thế?

- Mặc quần áo vào nhanh lên. Trời đang sáng lên rồi. – Blomkvist đứng trên 2 chân run rẩy. Cố xỏ quần đùi và chiếc quần jean vào. Anh trượt chân ở trên đôi giầy tập thể thao. Salander nhét bít tất của anh vào túi jacket của cô rồi ngăn anh lại. – Anh đã sờ mó chính xác vào những cái gì dưới này?

Blomkvist nhìn quanh. Anh cố nhớ. Cuối cùng anh nói anh không sờ vào cái gì trừ cửa buồng và mấy chiếc chìa khóa. Salander tìm ở trong jacket của Martin những chìa khóa mà hắn treo trên ghế. Cô lau sạch tay nắm cửa và nút bấm đèn. Cô đỡ Blomkvist lên cầu thang của gian hầm và bảo anh chờ ở cầu thang trong khi cô cất cây đánh golf vào nguyên chỗ của nó. Khi quay lại, cô cầm một áo phông thẫm màu của Martin.

- Mặc vào. Em không muốn ai thấy anh đêm đi là cà mà lại phanh trần cả ra thế này.

Blomkvist nhận thấy mình đang ở một trạng thái sốc hoàn toàn. Salader đang chịu trách nhiệm mọi cái và anh bị động tuân theo các chỉ dẫn của cô. Cô đỡ anh đưa ra khỏi nhà Martin. Hai người vừa vào trong căn nhà gỗ nhỏ, cô liền giữ anh lại.

- Nếu ai nhìn thấy chúng ta mà ai hỏi ban đêm đi làm gì ở ngoài như thế thì nói chúng ta đi mũi đất chơi đêm và rồi tình tang ở ngoài ấy.

- Lisbeth, anh không thể…

- Đi tắm. Ngay.

Cô giúp anh cởi quần áo và đẩy anh vào buồng tắm. Rồi cô đặt nước pha cà phê và làm một nửa tá bánh sandwich bằng lúa mạch đen với phó mát, xúc xích gan, thìa là dầm dầu dấm. Cô ngồi nghĩ lung ở bàn bếp khi anh tập tễnh đi vào buồng. Cô xem các vết bầm tím, đứt rách trên người anh. Nút thòng lọng quá chặt, cổ anh vẫn còn một vòng tròng đỏ sẫm, con dao thì làm cho da anh bị rớm máu ở bên trái cổ.

- Lên giường đi ngủ, - Cô nói.

Cô ứng biến ra các vải băng bó và đắp các vết thương bằng một miếng gạc tạm thời. Rồi cô rót cà phê và đưa một chiếc bánh sandwich cho anh.

- Anh thật sự không đói. – Anh nói

- Anh đói hay không em bất cần cần, cứ biết là ăn đi thôi.

Blomkvist nhắm mắt lại một lúc rồi ngồi dậy cắn một miếng. Cổ họng anh đau đến nỗi không nuốt được xuống.

Salader cởi jacket da ra và mang ở trong buồng tắm ra một lọ cao Con hổ cô vẫn để ở trong túi bọt biển của cô.

- Để cho cà phê nguội bớt. Nằm úp mặt xuống.

Cô bỏ 5 phút ra xoa bóp lưng cho anh bằng cao. Rồi cô lật anh lên và cũng xoa bóp như thế ở đằng trước.

- Anh sẽ bị bầm tím nặng như thế một thời gian.

- Lisbeth, chúng ta phải gọi cảnh sát.

- Không. – Cô nhanh nhảu đáp khiến anh trợn mắt lên ngạc nhiên.-Nếu anh gọi cảnh sát thì em bỏ đi. Em không thích dính dáng gì đến họ cả, Martin đã chết. Chết trong một tai nạn xe hơi. Hắn chỉ có một mình trong xe. Không có nhân chứng. Để cho cảnh sát hay một ai đó phát hiện ra cái phòng tra tấn chết rấp kia. Anh và em đều không hay biết gì hết đến cái hầm đó, y như mọi người khác ở cái làng này thôi.

- Tại sao chứ?

Cô lờ anh đi, bắt đầu xoa đùi cho anh

- Lisbeth, chúng ta không thể cứ…

- Anh mà còn lải nhải là em lôi anh về cái hang của Martin rồi xích anh lại ở đó đấy.

Khi cô nói như vậy thì anh ngủ thiếp, thình lình y như bị ngất xỉu vậy.

25

Thứ 7, ngày 12, tháng Bảy

Thứ 2, ngày 14 tháng Bảy

5 giờ sáng, Blomkvist giật mình tỉnh dậy, quờ quờ lên cổ để dứt cái thong lọng đi. Salander nắm lấy tay anh rồi giữ cho yên. Anh mở mắt ra lờ đờ nhìn cô.

Anh không biết là em chơi golf.– Anh nói, lại nhắm mắt lại. Cô ngồi với anh cho đến hai ba phút cho đến khi chắc chắn là anh đã ngủ. Trong khi anh ngủ, Salander đã quay về tầng hầm của nhà Martin Vanger, chụp ảnh hiện trường tội ác. Cộng vào với các dụng cụ tra tấn, cô đã tìm thấy một sưu tập tạp chí khiêu dâm hung bạo và một số lớn các ảnh Polaroid chụp lấy liền dán vào các album.

Không có nhật ký. Ngoài ra cô còn tìm thấy hai cặp bìa cứng khổ A4 đựng các ảnh hộ chiếu và các ghi chép tay về phụ nữ. Cô để cái cặp này vào các túi nilong cùng với chiếc máy tính xách tay Dell của Martin mà cô tìm thấy trên cái bàn tại gian sảnh trên gác. Khi Blomkvist ngủ, cô xem xét tiếp máy tính và các cặp bìa cứng của Martin. Sau 6 giờ cô tắt máy tính. Cô châm một điếu thuốc lá.

Cùng với Mikael Blomkvist cô đã bắt tay vào cuộc săn lùng cái điều mà họ ngỡ là một tên sát nhân hang loạt ở thời kỳ trước. Họ đã tìm ra một chuyện khác hẳn đến lạ lùng. Cô khó mà hình dung ra nổi những chuyện kinh hoàng chắc đã phải cho được diễn ra ở bên dưới tầng hầm nhà Martin, tại chính giữa cái chốn thần tiên, tổ chức ngăn nắp này.

Cô cố hiểu.

Martin Vanger đã bắt đầu giết phụ nữ từ những năm 60, mỗi năm một hai người trong suốt mười lăm năm qua. Việc giết người đã được làm bí mật và có kế hoạch chu đáo khiến cho không ai ngờ nổi rằng hiện thời một tên sát nhân hàng loạt đang hành động. Làm sao lại có thể như thế được?

Mấy cái cặp bìa cứng trả lời được một phần.

Các cô gái của hắn thường là người mới đến, các cô gái di cư không bè bạn hay quan hệ xã hội ở Thuỵ Điển. Cũng có cả gái điếm và những cô thất cơ lỡ vận, nghiện ngập ma túy hay vướng các vấn đề khác trong quá khứ của họ.

Nghiên cứu tâm lý học về bạo dâm tính dục, Salander biết rằng kiểu những tên giết người này thường sưu tập những kỷ vật lấy từ nạn nhân. Những kỷ vật này có tác dụng làm thứ gợi nhớ cho tên giết người có thể sử dụng để tái tạo lại cái khoái lạc hắn đã hưởng thụ. Martin Vanger đã phát triển cái nét quái gở này đến nước hắn giữ hẳn một “quyển sách về cái chết”. Hắn đã vào sổ và xếp hạng các nạn nhân. Hắn đã tả lại những nỗi đau đớn của họ. hắn đã quay phim và chụp ảnh việc giết người của hắn để làm tài liệu.

Bạo lực và giết là mục tiêu nhưng Salader kết luận việc săn lùng mới là thích thú đầu sổ của Martin Vanger. Hắn đã tạo ở trong máy tính xách tay một cơ sở dữ liệu với một danh sách của hơn một trăm phụ nữ. Có những nhân viên làm thuê ở tập đoàn Vanger, các nữ phục vụ viên ở các nhà hàng hắn quen đến ăn đều đặn, các nhân viên tiếp tân ở các khách sạn, các thư ký ở các cơ sở bảo hiểm xã hội cũng như các nơi hợp tác kinh doanh và nhiều phụ nữ khác. Tực hồ mọi phụ nữ mà Martin có dịp tiếp xúc đều được hắn đem phân loại xếp hạng và cất giữ trong ngay trongđầu.

Hắn chỉ giết một vài người trong đám phụ nữ này, nhưng bất cứ một phụ nữ nào ở đâu đó ở gần hắn thì đều là nạn nhân tiềm năng của hắn. Việc vào sổ các nạn nhân là một thú vui riêng và thời gian mà hắn dành cho nó chắc phải là không thể đếm xuể.

Ả có chồng hay độc thân? Ả có gia đình hay con cái không? Ả làm ở đâu? Ả sống ở đâu? Ả lái loại xe gì? Học vấn của ả ra sao? Màu tóc? Màu da? Mặt mũi?

Việc thu thập thông tin về cá nhân các nạn nhân tiềm năng hẳn phải là một bộ phận quan trọng ở trong các cuồng ảo tính dục của Martin Vanger. Hắn trước hết là một tên lén lút dõi theo, thứ đến mới là một tên giết người.

Khi đọc xong, cô đã phát hiện ra một chiếc phong bì nhỏ ở một trong hai cái cặp bìa cứng. Cô rút ra hai tấm ảnh Polaroid đã bị cầm lên nhiều lần và phai màu. Trong bức thứ nhất, một cô gái tóc đen đang ngồi ở một chiếc bàn. Cô gái mặc jean nhưng mình trần với hai cái vú nhỏ nhu nhú. Cô quay mặt khỏi máy ảnh, một tay giơ lên như đang trong tư thế tự vệ, tựa như bị chụp bất ngờ. Trong ảnh thứ hai cô hoàn toàn trần truồng. Cô nằm xấp trên một mảnh khăn trải giường màu xanh lơ. Mặt vẫn quay đi khỏi máy ảnh.

Salander nhét chiếc phong bì với hai tấm ảnh vào túi jacket. Sau đó cô mang các cặp bìa cứng ra bếp lò, đánh một que diêm. Khi lửa đã cháy lụi, cô gạt tàn than. Trời trút mưa xuống khi cô ra ngoài đi bộ gần nhà và quỳ xuống như thể buộc lại dây giầy, cô đã kín đáo thả chiếc máy tính xách tay của Martin xuống nước ở dưới cầu.

7 giờ rưỡi sáng hôm ấy khi Frode bước qua cửa để ngỏ đi vào, Salander đang ngồi uống cà phê và hút thuốc lá ở bàn bếp. Mặt Frode xám ngoét, nom vẻ như ông đã qua một đêm hãi hùng.

- Mikael đâu? – ông nói

- Anh ấy còn ngủ.

Frode quăng phịch người xuống chiếc ghế dựa. Salander rót cà phê và đẩy cái tách lại đằng ông.

- Martin… tôi vừa được tin là Martin bị tai nạn xe chết đêm hôm qua.

- Thế thì buồn. – Salander nói, làm một ngụm cà phê.

Frode ngước lên. Thoạt đầu ông đăm đăm nhìn cô, không hiểu. Rồi mắt ông mở to ra.

- Cái gì chứ?

- Ông ấy bị đâm xe. Đáng rầu.

- Cô biết gì về chuyện này?

- Ông ấy cho xe tông thẳng vào mũi một chiếc xe tải. Ông ấy tự sát. Báo chí này, căng thẳng stress này, một đế chế tài chính nghiêng ngả này, chấm, chấm, chấm, quá nhiều thứ cho ông ta. Tôi cho rằng những cái ấy ít nhất cũng sẽ lên các bảng tin.

Frode nom như vừa bị một cơn xuất huyết não. Ông đứng vội lên và đi lảo đảo vào phòng ngủ.

- Để anh ấy ngủ. – Salander quạc.

Frode nhìn vào khuôn mặt đang ngủ. Ông thấy các quầng đen và xanh ở trên mặt Blomkvist và những chỗ bầm sưng ở trên ngực anh. Rồi ông trông thấy một đường đỏ như lửa, nơi thòng lọng đã thắt ở đó. Salander đụng vào tay ông rồi đóng cửa lại. Frode trở ra, sụp xuống chiếc ghế dài trong bếp.

Salander kể vắn tắt lại những chuyện xảy ra đêm qua. Cô tả cho ông gian phòng kinh hoàng của Martin Vanger nom ra sao, cô đã tìm thấy Mikael nằm ở đó, thòng lọng siết ở cổ còn ông cầm đầu tập đoàn Vanger thì đứng ở trước cái thân hình trần truồng như thế nào. Cô bảo ông hôm trước đó cô đã tìm được những gì ở trong tài liệu của công ty và cô đã dựng ra được như thế nào một mối liên hệ có thể có giữa bố Martin với các tên sát nhân của ít nhất bảy phụ nữ.

Frode chỉ cắt ngang có một lần bài đọc thuộc lòng của cô. Khi cô ngừng kể, ông ngồi lặng một lúc rồi mới hít một hơi thở dài và nói:

- Chúng ta sẽ làm gì bây giờ?

- Không phải chuyện tôi phải lên tiếng. – Salander nói.

- Nhưng…

- Như tôi biết thì tôi chưa có đặt chân lên Hedestad bao giờ.

- Tôi không hiểu.

- Muốn thế nào tôi cũng không thích có tên tôi ở trong báo cáo của cảnh sát. Tôi sống là không có dính líu vào bất kỳ một báo cáo nào loại này. Nếu nhắc đến tên tôi vì nó có liên qaun với câu chuyện này thì tôi sẽ chối phăng là tôi không hề ở đấy và tôi sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào.

Frode thắc mắc nhìn cô.

- Tôi không hiểu.

- Ông không cần hiểu.

- Vậy tôi nên làm gì?

- Ông sẽ tự giải quyết lấy. Miễn là để cho tôi và Blomkvist ở ngoài.

Frode mặt nhợt nhạt như đã chết.

-Ông hãy nhìn chuyện này theo kiểu: ông chỉ biết một điều là Martin Vanger chết vì tai nạn xe cộ. Ông không biết anh ta cũng là một kẻ sát nhân hàng loạt điên loạn, và ông cũng chưa hề nghe nói đến gian hầm tra tấn của anh ta.

Cô để chiếc chìa khóa ở giữa hai người.

- Ông có thì giờ đấy – lúc chưa có ai đến dọn dẹp nhà Martin rồi phát hiện ra cái tầng hầm.

- Chúng ta phải đi báo cảnh sát về chuyện này.

- Không phải chúng ta. Ông thích thì có thể đến cảnh sát.

- Không thể cho chuyện này xuống dưới tấm thảm mà xóa nó đi được.

- Tôi không mách ông nên xóa nó ở đâu, tôi chỉ bảo ông để tôi và Blomkvist ở ngoài câu chuệyn này. Khi tìm ra cái buồng, ông sẽ rút lấy kết luận và tự quyết định nên nói chuyện cái hầm ấy với ai.

- Nếu cô nói đúng sự thật thì có nghĩa Martin đã bắt cóc và giết phụ nữ… chắc có những gia đình thất vọng vì họ không biết là con cái họ ở đâu. Chúng ta không thể…

- Đúng thế. Nhưng khổ là những cái xác đều không còn. Ông có thể tìm các hộ chiếu hay thẻ căn cước ở trong mấy cái ngăn kéo, có thể nhận diện ra vài nạn nhân qua video. Nhưng ông không cần quyết định hôm nay đâu. Hãy nghĩ đến nó đã.

Frode nom hoảng loạn.

- Ôi lạy Chúa. Thế này họa là bằng công ty sập tiệm mất. Hãy nghĩ đến bao nhiêu gia đình sẽ mất kế sinh sống nếu chuyện Martin lộ ra…

Frode đung đưa người, cân nhắc ở trong cái thế lưỡng nan về luân lý.

- Có một vấn đề này. Ông có thấy là sẽ không thích hợp nếu Isabella kế thừa mà lại là người đầu tiên rọi ánh sáng vào trò vui thú riêng của con trai bà không.

- Tôi phải đi xem…

- Tôi nghĩ hôm nay ông nên xa cái gian phòng ấy. – Salander nói như dao chém đá. – Ông có nhiều điều phải chăm lo đến. Ông cần phải đi nói với Henrik và ông cần phải triệu tập một cuộc họp ban giám đốc công ty rồi làm mọi thứ việc mà các cộng sự của ông vẫn làm khi các CEO của họ chết.

Frode nghĩ về điều cô gái nói. Tim ông đập thình thịch. Ông là một luật sư gạo cội của công ty và là người giải quyết vấn đề vốn được chờ đợi và luôn có sẵn một kế hoạch đối phó với mọi tình huống bất trắc nhưng ông lại cảm thấy mình bất lực không thể hành động. Ông đang ở đây nhận lệnh của một đứa trẻ ranh. Như thế nào đó cô gái lại đang kiểm soát tình hình và cho ông những hướng dẫn mà bản thân ông không thể diễn đạt.

- Còn Harriet…?

- Mikael và tôi còn chưa kết thúc. Nhưng ông có thể bảo với Henrik rằng chúng tôi đang sắp giải quyết được chuyện đó.

Việc Martin Vanger bất ngờ chết là tin hàng đầu bảng của buổi tin 9 giờ trên đài phát thanh khi Blomkvist thức dậy. Về các sự kiện hồi đêm, không có thông báo nào khác ngoài việc nói rằng vì lý do gì không rõ nhà công nghiệp lái xe xuống phía nam đã phóng nhanh sang phần đi ngược chiều của quốc lộ E4. Ông chỉ có một mình trong xe hơi.

Đài phát thanh địa phương chạy một tin nói đến nỗi lo âu về tương lai của Tập đoàn Vanger. Và những hậu quả mà cái chết này chắc chắn sẽ đem lại cho công ty.

Hãng tin TT đưa tin về một bữa ăn trưa bố trí vội vã với đầu đề MỘT THỊ TRẤN CHẤN ĐỘNG cũng đã tóm tắt các vấn đề của Tập đoàn Vanger. Nó tránh nêu ra rằng chỉ riêng ở Hedestad thôi, hơn 3.000 người trong số 21.000 cư dân của thị trấn đã là nhân viên của Tập đoàn Vanger, hay nói cách khác, lệ thuộc vào sự thịnh vượng của công ty. CEO của công ty đã chết, vị nguyên CEO thì ốm nặng vì đột quỵ. Không có người thừa kế tự nhiên. Tất cả những điều này xảy ra vào một lúc được coi là gay gắt nhất trong lịch sử công ty.

Blomkvist vẫn có ý định đi đến cảnh sát Hedestad để báo họ những chuyện xảy ra đêm qua nhưng Salander đã làm theo một quá trình của cô. Do anh không lập tức gọi cảnh sát nên nay mỗi giờ qua đi lại càng khó báo với họ hơn. Anh ủ rũ ngồi trên ghế dài trong bếp suốt sáng, im lặng nhìn mưa bên ngoài. Khoảng 10 giờ, mây lại kéo đến nhưng lúc ăn trưa mưa tạnh và gió lặng. Anh đi ra, lau các đồ đạc trong vườn rồi ngồi xuống với một cốc cà phê.

Martin chết, việc ấy cố nhiên phủ bóng lên cuộc sống thường ngày ở Hedeby. Các xe hơi bắt đầu đỗ ở bên ngoài nhà Isabella Vanger khi gia tộc tụ tập lại để chia buồn. Salander dửng dưng quan sát cuộc lễ.

- Anh thấy sao? - cuối cùng cô hỏi.

- Anh vẫn còn bị sốc, - anh nói. – Anh bất lực. Mấy giờ qua anh cầm chắc anh chết. Anh thấy sợ chết và anh thì chả làm được việc gì.

Anh đặt tay lên đầu gối cô.

- Cảm ơn em, - anh nói. - nhưng anh lẽ ra là chết vì em chứ nhỉ.

Salander mỉm cười lấy lệ.

- Dẫu sao… Anh không hiểu sao em lại ngu đến nước tự em một mình đối phó với hắn. anh bị xích bẹp dí xuống sàn, cứ cầu sao em trông thấy cái cảnh này để mà vắt chân lên cổ chạy đi gọi cảnh sát.

- Nếu em đi gọi cảnh sát thì anh chả còn sống đến bây giờ. Em không để cho thằng cha ấy nó giết anh được.

- Tại sao em không muốn nói chuyện với cảnh sát?

- Em không nói chuyện với các nhà chức trách bao giờ.

- Sao lại không?

- Đó là việc của em. Nhưng trong trường hợp anh, em nghĩ để cho rùm beng lên chuyện nhà báo bị Martin Vanger, tên giết người hàng loạt nổi tiếng lột trần lột truồng ra thì cũng sẽ chả nổi đình đám gì được cho sự nghiệp. Nếu anh không thích cái tên “Kalle Blomkvist” thì anh nên phòng hờ đến một biệt hiệu hoàn toàn mới khác. Chỉ là chớ có mà nhận lấy nó để bù vào cho chương này ở trong cái đời anh dũng của anh thôi.

Con mắt anh dò hỏi nhìn cô rồi anh buông vấn đề.

- Chúng ta vẫn còn một chuyện. – Cô nói.

Blomkvist gật:

- Chuyện Harriet.

Salander để hai tấm ảnh Polaroid lên bàn ở trước mặt anh. Cô nói rõ đã tìm thấy chúng ở đâu. Anh xem kỹ chúng một lúc rồi ngửng lên.

- Có thể là chị ấy. - Cuối cùng anh nói. – Anh không dám cam đoan nhưng hình dáng và màu tóc này làm anh nhớ đến một bức ảnh anh đã xem.

Họ ngồi trong vườn khoảng một giờ, ghép các chi tiết lại. Họ phát hiện thấy mỗi chi tiết, đứng riêng rẽ và xem từ ở nhiều phía, đều đã chỉ ra Martin Vanger là cái mắt xích bị mất.

Salander không tìm bức ảnh mà Blomkvist để ở trên bàn bếp. Cô đã đi tới kết luận rằng Blomkvist đã làm một việc thật ngu ngốc sau khi nghiên cứu các bức ảnh của các camera kiểm soát. Cô đã đến nhà Martin Vanger bằng lối bờ biển, đã nhìn vào tất cả các cửa sổ và không thấy một ai. Cô đã thử mở các cửa và cửa sổ ở tầng trệt. Cuối cùng cô leo qua một cửa ban công để ngỏ ở trên gác. Cô đã phải mất một lúc lâu đi lại hết sức thận trọng để tìm kiếm ngôi nhà, từng phòng một. Cuối cùng cô tìm thấy cầu thang xuống tầng hầm. Martin đã cẩu thả. Hắn khép hờ cửa vào gian buồng kinh hoàng của hắn nên cô đã có thể dựng lên được một ấn tượng rõ ràng về tình hình.

Blomkvist hỏi cô có nghe được nhiều những điều Martin nói không.

- Không nhiều. Em vào đó khi hắn đang hỏi anh về chuyện gì đã xảy ra với Harriet, ngay trước lúc hắn treo anh lên bằng cái thòng lọng. Em bỏ đi vài phút rồi quay lại kiếm một vũ khí.

- Martin không biết Harriet đã bị làm sao. – Blomkvist nói.

- Anh có tin không?

- Có. – Blomkvist nói ngay không chút ngập ngừng. – Martin còn nhẹ dạ hơn một thằng bị kim la xắng téng hôi thối – anh lấy được cái ví von này ở đâu đây? – nhưng hắn đã thú thật hết những tội ác của hắn. Anh nghĩ hắn muốn làm cho anh nể phục. Nhưng khi đến Harriet thì như Henrik Vanger, hắn cũng nóng lòng muốn tìm ra chuyện.

- Vậy… cái này đưa chúng ta đến đâu?

- Chúng ta biết Gottgried chịu trách nhiệm về loạt án mạng đầu tiên giữa năm 1949 và 1965.

- OK. Và hắn truyền cho Martin nhỏ.

- Một gia đình bát nháo về chức năng là như thế đấy. – Blomkvist nói. - Thật tình Martin chả có cơ may nào tránh thoát.

Vẻ lạ lẫm, Salander nhìn anh.

- Martin bảo anh là - mặc dù hắn nói lang ba lang bang - bố hắn đã cho hắn học nghề ngay từ khi hắn dậy thì. Hắn có mặt ở đấy, tại vụ giết Lea ở Uddevalla năm 1962. Hắn mười bốn, lạy Chúa. Hắn có mặt ở đấy, tại vụ giết Sara năm 1964 và lần này thì hắn có tích cực góp phần. Khi ấy hắn mười sáu.

- Rồi?

- Hắn nói hắn chưa có đụng vào một người đàn ông nào - trừ bố hắn. Làm cho anh nghĩ rằng… đúng, duy nhất kết luận được là bố hắn đã hiếp hắn. Martin gọi đó là “nghĩa vụ” của hắn. Các xâm hại tính dục chắc đã tiếp diễn một thời gian dài. Hắn được bố hắn giáo dưỡng, có thể nói như thế.

- Cục cứt. – Salander nói, giọng sắc như một lưỡi dao.

Blomkvist ngạc nhiên nhìn cô. Một ánh ương bướng trong mắt cô. Không một chút thiện cảm ở đó.

- Cũng giống như tất cả ai khác, Martin có cơ hội đánh trả lại mà. Hắn giết và hiếp là vì hắn thích thế.

- Anh cũng đâu có nói khác. Nhưng Martin là một thằng con trai bị đàn áp và chịu ảnh hưởng của bố, y như Gottfried cú bố lão ta, một tên Quốc xã vậy.

- Vậy anh cho là Martin không có ý chí của riêng hắn và con người ta được dạy dỗ thế nào thì sẽ thành ra y như vậy à?

Blomkvist cười thận trọng.

- Vấn đề này nhạy cảm ư?

Mắt Salander giận dữ lóe rực lên. Blomkvist vội nói tiếp.

- Anh chỉ nói là anh nghĩ việc giáo dục của một người là có vai trò của nó. Bố của Gottfried đã đánh ông ta hằng năm ròng không thương xót. Cái đó để lại dấu vết.

- Cục cứt. – Salander lại nói. – Gottfried không phải là đứa bé duy nhất bị ngược đãi. Việc đó không cho lão ta cái quyền được giết phụ nữ. Lão ta chọn cho lão cái đó. Với Martin thì cũng như vậy.

Blomkvist giơ tay lên.

- Chúng ta không cãi nhau được không nhỉ?

- Em không cãi. Em chỉ nghĩ lâm li thay là cái bọn sâu bọ này luôn phải có một ai đó khác để mà trách móc.

- Chúng chịu trách nhiệm về cá nhân chúng chứ. Sau này chúng ta sẽ làm rõ ra chuyện này. Điều đáng nói là khi Gottfried chết, Martin mới mười bảy tuổi, hắn chẳng có ai hướng dẫn. Hắn cố đi theo bước chân của bố. Tháng Hai, 1966 ở Uppsala.

Blomkvist với lấy một điếu thuốc của Salander.

- Anh không suy luận về việc Gottfried đã cố thỏa mãn dục lực nào trong lão hay lão đã diễn giải như thế nào những cái lão đang làm. Một nhà phân tâm học có thể hình dung ra đây là một kiểu tập tọng giải nghĩa Kinh thánh nào đó, một cái gì đó liên quan đến trừng phạt và thanh lọc hiểu theo nghĩa bóng. Nó là cái gì thì không quan trọng. Chỉ biết lão là một tên giết người hàng loạt không có gì độc đáo.

- Gottfried muốn giết phụ nữ nhưng bọc hành động của lão vào một trò ba láp giả mạo tôn giáo. Martin lại không thèm có một lý do nào nữa kia. Hắn đã tổ chức và thực hiện có hệ thống việc giết chóc. Hắn cũng lại có tiền để ném vào thú vui riêng này. Và hắn nhát gan hơn bố hắn, Gottfried mỗi phen để lại một cái xác ở đằng sau và đều dẫn đến một cuộc điều tra của cảnh sát cùng với nguy cơ có người mò ra được chính lão, hay ít nhất liên hệ tới những tên giết người khác.

- Martin xây nhà của hắn hồi những năm 70. – Salander nói tư lự.

- Henrik nói là vào năm 1978. Nghe nói hắn sai xây một phòng an toàn để cất các hồ sơ quan trọng hay một vài mục đích gì đó. Hắn đã có một buồng với thiết bị cách âm, không cửa sổ và một cửa ra vào bằng thép.

- Hắn đã có cái buồng này trong hai mươi lăm năm.

Hai người im lặng một lúc trong khi Blomkvist nghĩ biết bao nhiêu điều tàn khốc đã xảy ra ở đây trong một phần tư thế kỷ. Salander chả cần bận tâm đến cái chuyện này; cô đã xem các video. Cô để ý thấy Blomkvist hay bất giác sờ sờ lên cổ.

- Gottfried ghét phụ nữ và cùng với lúc đang dạy con trai ghét phụ nữ thì lão hiếp con trai lão. Nhưng cũng có một thứ ẩn ý nào đó ở đây… Anh nghĩ Gottfried hoang đường mơ tưởng rằng các con lão sẽ chia sẻ với lão cái thế giới quan sa đọa của lão, hãy tạm nói là thế. Khi anh hỏi Martin về Harriet, cô em gái duy nhất của hắn thì hắn nói: Chúng tôi đã cố nói chuyện với nó. Nhưng nó chỉ là một đứa tầm thường. Nó định hót với Henrik.

- Em đã nghe hắn nói. Lúc em sắp xuống dưới tầng hầm. Và như thế có nghĩa là chúng ta biết được cái điều mà trong câu chuyện mà Harriet muốn nói với Henrik nhưng không thành.

Blomkvist nhăn mặt.

- Không đúng. Em hãy nghĩ đến thứ tự thời gian. Ta không biết Gottfried hiếp con trai lần đầu tiên vào lúc nào nhưng lão đưa Martin đi khi lão giết Lea Persson ở Uddevalla năm 1962. Lão chết đuối năm 1965. Trước đó lão và Martin đã định nói với Harriet. Cái đó dẫn chúng ta tới đâu đây?

- Martin không phải là người duy nhất mà lão xâm hại. Lão cũng đã xâm hại cả Harriet.

- Gottfried là ông thầy, Martin là học trò. Vậy Harriet là cái gì? Đồ chơi của hai tay kia à?

- Gottfried dạy Martin làm bậy em gái. – Salander chỉ ngón tay vào tấm ảnh Polaroid.

- Khó mà xác định được thái độ chị ấy từ hai bức ảnh này vì chúng ta không nhìn thấy mặt chị ấy, nhưng chị ấy cố giấu mặt đi khỏi máy ảnh.

- Hãy cứ cho là chuyện này bắt đầu khi chị ấy mười bốn, năm 1964. Chị tự chống đỡ - không thể chấp nhận chuyện ấy, như Martin nói. Chị ấy doạ nói với Henrik chuyện ấy. Trong tương quan này rõ rệt là Martin chả có cái gì để mà nói sất; hắn chỉ làm cái mà bố hắn bảo làm. Nhưng hắn và Gottfried đã hình thành nên một kiểu…hiệp ước nào đó và chúng cố làm Harriet nhập môn luôn.

Salander nói:

-Trong các ghi chép của anh, anh viết rằng Henrik để cho Harriet dọn đến ở nhà của ông vào mùa đông năm 1964.

-Có thể Henrik đã thấy có một chuyện gì không phải ở trong gia đình ông, Ông nghĩ là chuyện cãi vã và xích mích giữa Gottfried với Isabella là nguyên nhân, ông đưa Harriet đến nhà để cho chị ấy được phần nào yên ổn và tĩnh lặng cũng như tập trung học hành.

Một vật cản không ngờ tới trước cho Gottfried và Martin. Chúng không thể dễ dàng đặt tay lên chị ấy hay kiểm soát cuộc đời của chị ấy nữa. Nhưng cuối cùng… các lần xâm hại diễn ra ở đâu nhỉ?

-Chắc là ở căn nhà nhỏ của Gottfried. Em gần như khẳng định rằng hai bức ảnh này là chụp ở đấy - cũng có thể kiểm tra ra thôi. Căn nhà này ở một vị trí hoàn hảo, cách biệt và xa làng. Rồi Gottfried bị say một lần cuối cùng và chết bằng một các vô duyên nhất.

- Vậy là bố Herriet đã toan làm tình với chị ấy nhưng em đoán là lão ấy không vỡ lòng cho chị ấy chuyện giết người.

Blomkvist nhận thấy đây là một điểm yếu. Harriet đã ghi lại tên các nạn nhân của Gottfried, cho chúng đi kèm các câu thơ dẫn của Kinh thánh, nhưng đến những năm cuối cùng chị ấy mới bắt đầu quan tâm đến kinh thánh và lúc ấy thì Gottfried đã chết. Anh ngừng lại, cố đi đến một kết luận lô gích.

-Dần dần Harriet cũng phát hiện ra Gottfried không chỉ là một tên loạn luân mà còn là một kẻ giết người hàng loạt.

-Chúng ta không biết khi nào thì chị ấy phát hiện ra các vụ giết người. Có thể là ngay trước khi Gottfried chết đuối. Cũng có thể là sau nếu như lão ấy có nhật ký hay lưu cắt dán báo về các vụ đó. Một cái gì đó đưa chị ấy vào được lõng của lão ấy.

- Nhưng đó không phải là điều chị ấy doạ nói với Henrik - Blomvist nói.

- Là Martin - Salander nói - bố chị ấy đã chết nhưng Martin vẫn tiếp tục lạm dụng chị ấy.

- Đúng thế.

- Nhưng đó là năm trước khi chị ấy quyết định hành động.

- Em sẽ làm gì nếu em phát hiện bố em là tên giết người và hiếp anh trai em?

- Em giết luôn thằng khốn nạn - Salander nói, cái giọng lạnh lùng khiến cho anh tin.

Anh nhớ lại mặt cô khi đánh Martin Vanger.Anh cười chả vui chút nào.

- OK, nhưng Harriet không giống em.Gottfried chết nhưng chị ấy làm được một cái gì. Như thế cũng có ý nghĩa đấy. Khi Gottfried chết, Isabella cử Martin đi Uppsala. Hắn có thể về nhà dự lễ Noel hay một nghi lễ nào đó nhưng cả một năm sau đó hắn rất ít hay gặp Harriet, chị ấy cũng có thể ở xa hắn phần nào.

- Và bắt đầu nghiên cứu Kinh thánh.

- Và nay trong ánh sáng đó chúng ta biết chị ấy làm việc đó không hề vì một lý do tôn giáo nào cả. Có thể chị ấy chỉ muốn biết bố chị ấy đã đi đến thành ra cái thứ gì. Chị ấy nghiền ngẫm chuyện này cho đến lễ Ngày Trẻ con năm 1966. Rồi thình lình chị ấy thấy anh trai ở Jarnvagsgatan và hiểu ra là hắn đã trở lại.Chúng ta không biết hai anh em có nói chuyện với nhau không hay anh ta đã nói cái gì. Nhưng bất kể xảy ra chuyện gì thì Harriet cũng cảm thấy cần khẩn cấp về nhà nói với Henrik.

- Và rồi chị ấy mất tích.

Sau khi hai người rà lại chuỗi sự kiện thì hiểu ra phần còn lại của bài đố ghép hình chắc phải là như thế nào sẽ không còn khó nữa. Blomkvist và Salander đóng gói vali, ba lô lại trước khi rời đó, Blomkvist gọi Frode bảo ông rằng anh và Salander có việc phải đi một thời gian nhưng anh cần phải gặp Henrik trước khi đi.

Blomvist cần biết Frode đã nói những gì với Henrik. Ông ta có vẻ căng thẳng trong điện thoại quá đến nỗi Blomkvist thấy lo ngại cho ông ta. Frode nói ông mới chỉ báo Henrik là Martin chết vì tai nạn xe hơi.

Sấm lại dậy khi Blomkvist đỗ xe ở bên ngoài bệnh viện Hedestad, và mây đen báo mưa lại một lần nữa đùn đến đầy trời. Anh vội rảo bước qua sân thì trời bắt đầu mưa xuống.

Henrik Vanger khoác một cái áo tắm, ngồi ở một cái bàn bên cửa sổ phòng ông. Bệnh hoạn đã để lại dấu vết nhưng mặt Henrik đã lấy lại đôi chút màu sắc, ông nom như đang ở trên đường hồi phục. Họ bắt tay nhau, Blomkvist đề nghị cô y tá để cho hai người nói chuyện riêng ít phút.

- Anh tránh tôi đấy nha. – Henrik nói.

Mikael gật đầu.

- Theo yêu cầu. Gia đình ông không muốn tôi đến, nhưng hôm nay ai cũng ở nhà Isabella.

- Tội nghiệp Martin.- Henrik nói.

- Henrik, ông trao cho tôi nhiệm vụ đào bới sự thật về chuyện gì đã xảy đến với Harriet. Ông có mong đợi sự thật không đau đớn không?

Ông già nhìn anh.Rồi mắt ông mở to ra.

- Martin?

- Anh ấy là một phần của câu chuyện.

Henrik nhắm mắt lại.

- Nay tôi có một câu muốn hỏi ông. - Blomkvist nói.

- Nói đi.

- Ông vẫn muốn biết điều gì đã xảy ra chứ? Cho dù chuyện đó quay ra lại là đau đớn, thậm chí sự thật lại còn tệ hại hơn cả ông tưởng tượng nữa chứ?

Henrik nhìn Blomkvist hồi lâu, rồi ông nói:

- Tôi muốn biết. Đây là ý của tôi khi trao việc này cho anh.

- OK, tôi nghĩ tôi biết chuyện gì đã xảy ra với Harriet. Nhưng vẫn còn thiếu một miếng cuối cùng của bài đố ghép hình cho nên tôi chưa dám chắc.

- Anh nói tôi xem.

- Không, hôm nay thì chưa được.Cái điều ngay bây giờ tôi muốn ông làm là nghỉ ngơi. Các bác sĩ nói cơn nguy kịch đã qua rồi và tình hình của ông đang khá lên.

- Anh bạn trẻ, chớ cư xử với tôi như một đứa trẻ nha.

- Tôi chưa tìm xong được tất cả câu chuyện. Tôi mới có về lý lẽ thôi. Tôi đang đi tìm miếng hình cuối cùng để ghép vào. Lần sau ông gặp tôi, tôi sẽ bảo ông toàn bộ câu chuyện. Có thể mất một thời gian nhưng xin ông biết cho là tôi sẽ quay lại và ông sẽ biết sự thật.

Salander kéo tấm vải cao su lên che cái xe máy để ở bên phía râm của căn nhà gỗ nhỏ. Rồi cô lên chiếc xe hơi Blomkvist mượn. Cơn dông đã lại bắt đầu dữ dội thêm và ngay ở phía nam của Gavle đã có một trận mưa lớn khiến Blomkvist không nhận được ra đường. Để an toàn, anh cho xe vào một trạm xăng. Chờ mưa tạnh cho nên mãi 7 giờ tối hôm ấy họ mới đến được Stockhom. Blomkvist cho Salander mã khóa bảo hiểm của tòa nhà của anh rồi thả cô xuống giữa đường xe điện ngầm trung tâm. Căn nhà của anh trông không ra chốn quen thuộc.

Anh chạy máy hút bụi rồi lau chùi bàn ghế trong khi Salander đi gặp Dịch bệnh. Cô đến nhà Blomkvist vào quãng nửa đêm và bỏ mười phút ra xem xét các xó xỉnh, khe nứt, vết rạn của căn nhà. Rồi cô đứng một lúc lâu ở cửa sổ, nhìn khung cảnh đối diện với các cửa cổng ở Slussen.

Họ cởi quần rồi đi ngủ.

Trưa hôm sau, họ đổ bộ xuống sân bay Gatwick London. Họ lại gặp mưa. Blomkvist thuê một phòng ở khách sạn James gần quảng trường Hyde Park, một khách sạn khá so với tất cả các chỗ một sao ở Bayswater, nơi trong các chuyến đến London trước đây anh thường đến trọ.

5 giờ chiều họ đứng ở quầy bar thì có một anh chàng đi đến. Gần như hói, bộ râu cằm màu vàng, anh ta mặc quần jean và chiếc jacket to quá cỡ.

- Vò vẽ?

- Chúa Ba Ngôi?- cô nói. Hai người gật đầu với nhau. Anh ta không hỏi tên Blomkvist.

Người đối tác của Chúa Ba Ngôi được giới thiệu là Bob Chó. Anh ta ngồi trong một chiếc xe tải VW đỗ ở gần góc đường. Họ lên xe qua cửa lùa rồi ngồi xuống những chiếc ghế gập chốt chặt vào sườn xe. Trong khi Bob lái thì Vò Vẽ và Chúa Ba Ngôi nói chuyện.

- Dịch bệnh nói cái này là dính đến trò dỏng tai liếc mắt nào đó.

- Nghe lỏm điện thoại và kiểm tra thư điện tử của một máy tính. Có thể làm nhanh hay là mất một hai ngày, tùy theo sức anh ta ép đến đâu.- Lisbeth chỉ trỏ ngón tay cái về Blomkvist- Cậu có làm được không?

- Chó có rận có bọ không?- Chúa Ba Ngôi nói.

Anita Vanger sống trong một ngôi nhà mái bằng ở ngoại ô hấp dẫn của khu Thánh Albans, mạn bắc cách một giờ xe. Trong xe tải, họ thấy chị đi đến nhà mở khóa cửa, quãng sau 7 giờ rưỡi tối hôm ấy. Họ chờ cho chị yên vị, ăn bữa tối nhẹ xong ngồi vào trước tivi rồi Blomkvist mới bấm chuông.

Một bản sao giống gần như đúc với Cecilia Vanger mở cửa, vẻ mặt lịch sự dò hỏi.

- Chào Anita, tôi là Mikael Blomkvist. Henrik Vanger bảo tôi đến gặp chị. Tôi cho là chị đã biết tin về Martin.

Từ ngạc nhiên mặt chị chuyển sang thành cảnh giác. Chị biết đích xác Blomkvist là ai nhưng cái tên Henrik có nghĩa là chị buộc phải mở cửa. Chị đưa anh vào phòng khách. Anh để ý thấy một bức tranh in đá của Anders Zorn ở trên lò sưởi. Gian phòng này có thể nói là đáng yêu.

- Xin lỗi là tôi đã đường đột quấy rầy chị nhưng tôi tình cờ qua khu Thánh Albans và tôi đã cố gọi chị trong ngày.

- Tôi hiểu. Xin cho biết là chuyện gì ạ.

- Chị có định đến dự tang lễ không?

- Không , quả thật là không. Tôi và Martin không thân nhau và muốn sao tôi cũng không thể đi xa vào lúc này được.

Anita Vanger đã ở xa Hedestad ba chục năm. Sau khi bố chị quay về đảo Hedeby, chị hiếm khi đặt chân lên đó.

- Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra với Harriet Vanger, Anita. Đến lúc nói sự thật rồi.

- Harriet? Tôi không hiểu anh định nói gì.

Blomkvist mỉm cười với vẻ ngạc nhiên giả bộ của chị.

- Chị là người bạn thân nhất của Harriet ở trong gia đình. Chị là người duy nhất chị ấy kể cho nghe câu chuyện hãi hùng của chị ấy.

- Cái điều anh vừa nói ấy, tôi không nghĩ ra nổi đâu. - Anita nói.

- Anita, chị ở trong buồng của Harriet hôm ấy. Tôi có bằng chứng về việc này ở trong ảnh, dù chị đã nói với cảnh sát điều tra Morell như thế nào đi nữa. Ít ngày nữa, tôi sẽ báo cáo với Henrik và ông ấy sẽ nghe ở đây. Tốt hơn là chị bảo tôi chuyện gì đã xảy ra.

Anita Vanger đứng lên.

- Ra ngay khỏi nhà tôi từ phút này.

Blomkvist đứng lên.

- Sớm muộn rồi chị cũng phải nói với tôi thôi mà.

- Bây giờ hay cả sau này nữa, tôi không có gì, không có cái gì hết để nói với anh cả.

- Martin chết rồi. - Blomkvist nói. - Chị không ưa Martin bao giờ. Tôi nghĩ chị chuyển đến London sống không phải chỉ để tránh gặp bố mà còn cả là để cho chị không phải gặp Martin. Như thế có nghĩa là chị cũng biết về Martin và người duy nhất có thể kể với chị là Harriet. Vấn đề là: chị làm gì với cái điều mà chị biết này cơ chứ?

Anita Vanger đóng sầm cửa vào mặt anh.

Salander thỏa mãn mỉm cười bỏ chiếc micro cài ở bên dưới sơ mi của cô ra.

- Cánh cửa vừa duỗi thẳng bản lề ra được mới hai chục giây là chị ta cầm ngay điện thoại lên. - Cô nói.

- Mã Australia, - Chúa Ba Ngôi nói, gỡ chiếc mũ nghe để xuống cái bàn nho nhỏ ở trong xe tải. - Tôi phải dò mã khu vực. - Anh mở máy tính xách tay. - OK. Chị ta gọi con số sau, nó là một điện thoại ở một thị trấn tên là Vũng Tennant, bắc suối Alice ở Lãnh thổ Bắc. Các cậu có muốn nghe câu chuyện không?

Blomkvist gật.

- Bây giờ ở Australia là mấy giờ?

- Khoảng 3 giờ sáng. - Chúa Ba Ngôi cho máy quay đĩa chạy và gắn loa vào đó. Mikael nghe chuông réo tám lần rồi một người cầm máy lên. Câu chuyện nói bằng tiếng Anh.

- Chào, tớ đây.

- Hem, tớ biết tớ là người dậy sớm thế nhưng…

- Tớ đã định gọi từ hôm qua cơ…Martin chết rồi. Hình như anh ta lái xe đâm vào một xe tải ngày hôm kia.

Im lặng. Rồi nghe như có ai dặng hắng nhưng cũng có thể là “Tốt”

- Nhưng chúng ta có một vấn đề. Một tay nhà báo kinh tởm mà Henrik móc được ở cái lỗ nào ra đã gõ vào cửa nhà tớ, ở tại Thánh Albans đây này. Hắn hỏi về những chuyện xảy ra từ 1966. Hắn biết một số.

Lại im lặng.Rồi một cái giọng chỉ huy.

- Anita. Bỏ ngay điện thoại xuống. Chúng mình không liên hệ với nhau một thời gian.

- Nhưng…

- Viết thư.Bảo tớ chuyện gì.

Và câu chuyện hết.

- Con mẹ này ghê gớm phết.- Salander nói.

Họ quay về khách sạn đúng trước 11 giờ. Nhân viên lễ tân giúp họ đặt vé máy bay cho chuyến bay đi Australia sắp tới. Rồi họ mua được vé trên một máy bay rời đây tối mai,

Đây là lần đầu tiên Salander thăm London. Buổi sáng họ đi dạo từ Vonvent Garden đến Soho. Họ dừng lại uống café ở phố cổ Compton. Quãng 3 giờ họ về khách sạn để thu dọn hành lý. Trong khi Blomkvist thanh toán tiền khách sạn, Salander mở di động. Cô có một tin nhắn.

- Armansky bảo gọi ngay.

Cô dùng điện thoại ở gian sảnh. Đứng xa cô một chút, Blomkvist để ý thấy cô quay lại phía anh với một bộ mặt lạnh băng. Anh lập tức đến cạnh cô.

- Gì thế?

- Mẹ em chết. Em phải về nhà.

Salander nom đau khổ khiến anh quàng tay ôm quanh người cô. Cô đẩy anh ra.

Họ ngồi ở quầy bar khách sạn. Khi Blomkvist nói có thể hủy vé đi Australia và trở về Stockhom với cô thì cô lắc đầu.

- Không. - Cô nói - Chúng ta không thể bỏ dở công việc bây giờ. Anh cần phải tự đi riêng một mình.

Họ chia tay ở trước khách sạn, người nào đi đến sây bay của người nấy.

26

Thứ Ba, 15 tháng Bảy

Thứ Năm, 17 tháng Bảy

Blomkvist bay từ Melbourne đi suối Alice. Sau đó anh phải chọn hoặc thuê một máy bay hoặc một xe hơi cho chuyến đi còn lại lên miền bắc dài 250 dặm. Anh chọn xe hơi.

Một người không quen biết với một tên ký rất Kinh thánh là Joshua, người này thuộc bộ phận của mạng lưới quốc tế bí mật của Dịch Bệnh, đã để lại cho anh một phong bì ở phòng thông tin sân bay Melbourne.

Số điện thoại mà Anita gọi thuộc về một nơi gọi là trang trại Cochran. Đấy là một trại nuôi cừu. Một bài báo rút ra ở Internet cho biết những nét khái quát.

Australia: dân số 18 triệu; người chăn cừu, 53.000; xấp xỉ 120 triệu đầu cừu. Len xuất khẩu hàng năm xấp xỉ 3 tỉ rưỡi đôla. Australia xuất khẩu 700 triệu tấn cừu lớn, cừu non, cộng với da để làm quần áo. Chế biến thịt và len là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của đất nước…

Trang trại Cochran được Jeremy Cochran thành lập năm 1891, xí nghiệp nông nghiệp lớn nhất thứ năm của Australia, xấp xỉ 60.000 con cừu Merinos (len được coi là đặc biệt đẹp). Trang trại cũng nuôi gia súc, lợn và gà. Cochran có lượng xuất khẩu hàng năm đáng nể sang Mỹ, Nhật, Trung Quốc và châu Âu.

Tiểu sử cá nhân cũng hấp dẫn.

Năm 1972 trang trại Cochran truyền từ Raymond Cochran sang Spencer Cochran học Oxford. Spencer chết năm 1994, trang trại do bà vợ góa cai quản. Blomkvist tìm được ra bà ở trong một bức ảnh không rõ nét, mờ nhòa tải từ địa chỉ mạng trang tại Cochran xuống. Nó cho thấy một phụ nữ tóc vàng, mặt hơi bị che khuất, bà đang xén lông một con cừu.

Theo lời ghi của Joshua, hai người này lấy nhau ở Ý vào năm 1971. Tên bà là Anita Cochran.

Blomkvist dừng chân qua đêm ở một cái lỗ hẻo lánh khô cong khô queo của thị trấn mang cái tên đầy hy vọng Wannado. Anh ăn cừu rán và uống ba vại bia tại một quán hàng cùng với mấy người địa phương gọi anh là “bồ”.

Việc cuối cùng anh làm trước khi đi ngủ là gọi Berger ở New York.

- Anh xin lỗi, Erika, bận quá không có thì giờ gọi.

- Công việc ra cái quái gì rồi? – cô nổ - Christer gọi bảo em là Martin Vanger đã bị chết vì tai nạn xe cộ.

- Chuyện này dài.

- Tại sao không trả lời điện thoại? Em gọi như điên hai hôm nay.

- Không bắt sóng được ở đây.

- Đây là đâu?

- Ngay lúc này anh đang ở trên phía bắc suối Alice một trăm hai mươi lăm dặm. Đây là Australia.

Mikael ít khi làm được cho Berger ngạc nhiene. Lần này cô im lặng trong khoảng mười tích tắc.

- Thế nhưng anh làm gì ở Australia? Nếu em hỏi mà không làm sao.

- Anh đang làm nốt việc kia. Ít ngày anh sẽ về. Anh gọi em chỉ để nói anh gần như đã làm xong công việc của Henrik Vanger.

Quãng trưa hôm sau anh đến trang trại Cochran, sau khi biết Anita Cochran ở một trạm cừu gần một chỗ gọi là Makawaka cách bảy mươi lăm dặm nữa về phía tây.

4 giờ chiều thì Blomkvist tìm ra được lối đi đến đó, trên những con đường bụi bặm ở sâu vào bên trong. Anh dừng lại ở một cái cổng, mấy chủ trại đang tập trung uống cà phê bên nắp mũi một chiếc xe jeep đỗ ở đó. Blomkvist xuống xe nói muốn tìm Anita Cochran. Họ đều quay vào một người đàn ông trẻ tuổi lực lưỡng chắc là người có quyết định ở trong đám. Anh ta phanh trần ngực và da rất đỏ, trừ những nơi chiếc áo phông của anh ta thường che đi. Anh ta đội một chiếc mũ rộng vành.

- Bà chủ ở cách đây mười tám dặm về phía này. – Anh ta nói, chỉ bằng ngón tay cái.

Anh ta nghi ngờ nhìn chiếc xe của Blomkvist rồi nói đi đến đó với cái xe Nhật trả con chơi này có lẽ không phải là một ý hay. Cuối cùng chàng lực sĩ da thịt đỏ au kia nói cũng đi về phía đằng đó anh ta sẵn sàng chở Blomkvist trên chiếc xe jeep của anh ta. Blomkvist cảm ơn rồi mang chiếc máy tính theo cùng.

Người đàn ông tự giới thiệu là Jeff và nói anh làm “giám đốc ngựa” ở trại. Blomkvist nhờ anh giải thích chữ này. Jeff nhìn anh một hồi rồi kết luận Blomkvist không phải dân ở đây. Anh giải thích giám đốc ngựa cũng tương tự như giám đốc tài chính ở ngân hàng, tuy anh trông coi cừu vào chữ “trại” ở Australia có nghĩa là trại chăn nuôi.

Họ tiếp tục chuyện trò nhiệt tình lái chiếc xe Jeep đi với một tốc độ mười cây số một giờ xuống một rãnh núi dốc dựng 20 độ. Blomkvist thầm cảm tạ các ngôi sao chiếu mệnh đã khiến cho anh không có ý lái chiếc xe thuê kia đi. Anh hỏi bên dưới rãnh núi là gì thì Jeff nói là đồng cỏ cho 700 đầu cừu.

- Như chỗ tôi biết thì trang trại Cochran là một trong những trang trại lớn.

- Trại chúng tôi là một trong những cái lớn nhất Australia. – Jeff nói, giọng có chút tự hào. - Ở quận Makawaka đây chúng tôi nuôi 9.000 cừu, nhưng chúng tôi có cả trại ở New South Wales lẫn ở Tây Australia. Chúng tôi có hơn 60.000 đầu cừu.

Họ ra khỏi rãnh núi vào một vùng đồi nhưng thoai thoải hơn. Blomkvist thình lình nghe thấy tiếng súng. Anh nhìn thấy xác cừu, những đống lửa trại lớn và chừng mười tay chăn cừu. Một vài người hình như mang súng. Xem vẻ họ đang giết cừu. Bất giác anh nghĩ đến những con cừu non dâng cúng trong Kinh thánh.

Rồi anh thấy một phụ nữ tóc vàng để ngắn, mặc jean và sơ mi ô cờ trắng đỏ. Jeff dừng lại cách chị ta một ít.

- Chào bà chủ. Chúng ta có một khách du lịch. – Anh ta nói.

- Chào Harrier. Lâu lắm rồi. – Anh nói bằng tiếng Thụy Điển.

Không ai trong đám nhân viên ở đây hiểu anh nói gì nhưng họ đều trông thấy phản ứng của chủ. Chị lùi lại một bước, nom vẻ chấn động. Thấy phản ứng này đám đàn ông bèn thôi đùa cợt, đứng thẳng cả lên, sẵn sàng can thiệp chống lại người ngoại quốc kỳ lạ này. Sự thân thiện của Jeff thình lình tan biến, anh đi đến trước Blomkvist.

Blomkvist biết rõ cái mạng mình mong manh như thế nào. Anita Cochran nói một câu thôi là anh rồi đời.

Rồi giây phút ấy qua đi. Harriet hẩy tay ra ý bình thường và mọi người lùi lại. Chị đi lên và nhìn vào mắt Blomkvist. Mặt chị đầy mồ hôi và bụi bặm. Chân tóc chị sẫm màu hơn. Mặt chị già hơn, gầy hơn nhưng so với bức ảnh xác nhận, chị đẹp ra.

- Chúng ta có gặp nhau trước kia chưa? – chị hỏi.

- Có, đã. Tôi là Mikael Blomkvist. Chị đã là cô trông trẻ coi tôi một mùa hè lúc tôi lên ba. Lúc ấy chị mười hai hay mười ba.

Phải một lúc vẻ bối rối của chị mới hết và rồi anh thấy chị đã nhớ ra. Chị nom ngạc nhiên.

- Anh muốn gì?

- Harriet, tôi không phải là kẻ thù của chị. Tôi đến đây không để gây rối cho chị. Nhưng tôi cần nói chuyện với chị.

Chị quay lại Jeff bảo anh trôgn nom thay rồi ra hiệu cho Blomkvist theo chị. Họ đi vài trăm mét đến một nhóm lều màu trắng ở dưới một lùm cây. Chị chỉ cho anh một chiếc ghế đẩu ở bên một chiếc bàn thô sơ rồi đổ nước vào một cái thau. Chị rửa mặt, lau khô mặt rồi vào trong lều thay sơ mi. Chị lấy hai chai bia ở trong một cái tủ lạnh nhỏ ra.

- Nào, nói chuyện.

- Sao chị lại bắn cừu?

- Đang có dịch bệnh. Cừu phần lớn khỏe mạnh nhưng tôi không thể để cho nguy cơ lan rộng. Chúng tôi sắp phải giết hơn sáu trăm con trong tuần tới. Cho nên người tôi không được bình tĩnh lắm.

Blomkvist nói:

- Anh của chị tông xe vào một chiếc xe tải mấy ngày trước đây. Anh ấy chắc là chết tức khắc.

- Tôi có nghe thấy.

- Anita bảo, chị ấy đã gọi cho chị.

Chị dò xét anh hồi lâu. Rồi chị gật đầu. Thấy chối chả được cái gì.

- Sao anh tìm được ra tôi?

- Chúng tôi nghe lén điện thoại của Anita. – Blomkvist thấy chả có lý do gì để nói dối. – Tôi nhìn thấy anh cảu chị ít phút trước khi anh ấy chết.

Harriet nhăn mặt, anh nhìn thấy mắt chị. Anh bèn cởi chiếc khăn nhố nhăng anh quàng quanh cổ, giơ cho chị xem vết dây thòng lọng còn để lại. Nó vẫn còn viền đỏ và anh cahức sẽ có một vết sẹo khiến anh mãi nhớ đến Martin Vanger.

- Ông anh chị đã treo tôi lên một cái mấu nhưng nhờ ơn Chúa, người cộng tác với tôi đã đến kịp nên anh ấy không giết được tôi.

Mắt Harriet chợt lóe sáng lên.

- Tôi nghĩ anh kể cho tôi nghe từ đầu thì hay hơn.

Chuyện phải mất hơn một giờ. Anh bảo chị anh là ai, anh đang làm công việc gì. Anh kể lại anh được Henrik Vanger trao việc ra sao. Anh nói rõ cảnh sát điều tra đã đi đến tắc tị, anh kể chuyện Henrik từng đã tự điều tra mãi và cuối cùng bảo chị bức ảnh của chị với các bạn Jarnvagsgatan tại Hedestad đã dẫn như thế nào đến việc phát hiện ra những nỗi buồn phiền ở đằng sau sự bí mật mất tích của chị cùng đoạn tiếp theo lạ lùng của nó, cái đoạn đưa tới việc Martin Vanger chết.

Trong khi anh nói, hoàng hôn xuống dần. Đám đàn ông ngưng việc, đèn thắp sáng, các xoong nồi thức ăn bắt đầu sôi. Blomkvist để ý thấy Jeff ở sát bên bà chủ và canh chừng nhìn anh. Đầu bếp dọn bữa tối cho họ. Mỗi người được một chai bia nữa. Ăn uống xong, Harrier ngồi hồi lâu im lặng.

Mãi rồi chị nói:

- Tôi mừng là bố tôi đã chết và hết bạo hành. Tôi không bao giờ nghĩ Martin…tôi mừng là anh ấy đã chết.

- Tôi có thể hiểu được.

- Anh không nói rõ chuyện tại sao anh biết tôi còn sống?

- Đã hiểu những gì xảy ra thì hiểu được chỗ còn lại cũng không khó lắm. Để biến đi chị cần có người giúp. Anita là người mà chị tâm sự và thậm chí là người duy nhất chị coi trọng. Hai chị là bạn của nhau, chị ấy đã nghỉ hè với chị. Hai người không ở trong căn nhà nhỏ của bố chị. Nếu có ai mà chị tâm sự với được thì đó phải là Anita – và chị ấy cũng vừa mới nhận được bằng lái xe.

Vẻ mặt khó đoán nhận, Harriet nhìn anh.

- Vậy nay biết tôi còn sống thì anh sẽ làm gì?

- Tôi cần nói với Henrik. Ông ấy đáng được biết.

- Và rồi nữa? Anh là nhà báo cơ mà.

- Tôi không có ý đem chị phô ra. Trong tất cả câu chuyện rắc rối này, tôi đã phạm vào quá nhiều quy tắc về hạnh kiểm nghề nghiệp đến nước chắc chắn Hội nhà báo sẽ tống cổ tôi ra nếu họ biết chuyện này. – Anh cố làm sáng tỏ chỗ này. – Thêm một vi phạm nữa cũng chả làm cho hơn kém gì, còn tôi thì không muốn cô coi trẻ của tôi giận.

Chị không thấy câu đùa thú vị.

- Bao nhiêu người biết sự thật?

- Là chị còn sống ư? Ngay lúc này thì có chị, tôi, Anita và người cộng tác với tôi. Ông luật sư của Henrik biết được hai phần ba câu chuyện. Nhưng vẫn nghĩ là chị đã chết từ những năm 60.

Harriet Vanger hình như đang nghĩ đến gì đó. Chị nhìn đăm đăm vào đêm tối. Một lần nữa Blomkvist có cảm giác khó chịu rằng anh đang ở trong một tình thế hiểm nghèo. Anh nhớ rằng Harriet có một khẩu súng trường ở trên chiếc giường cắm trại cách đó ba bước. Anh lắc lắc người và ngừng tưởng tượng linh tinh. Anh bắt sang chuyện khác.

- Nhưng rồi sao mà chị lại thành ra một chủ trại cừu ở Australia thế chứ? Tôi biết là Anita đưa chị trốn đi khỏi Hedeby, chắc là ở trong cốp xe chị ấy sau hôm có tai nạn cầu lại mở.

- Đúng là tôi nằm trên sàn ghế sau xe, phủ một cái chăn lên. Nhưng không ai nhòm. Khi Anita đến đảo tôi đã gặp chị ấy và bảo là tôi cần trốn đi. Tôi tin chị ấy, anh đoán đúng đấy. Chị ấy đã giúp tôi, suốt từng ấy năm chị ấy luôn là một người bạn trung thành.

- Sao lại là Australia?

- Tôi ở nhà Anita tại Stockholm ít tuần. Anita có tiền riêng, chị ấy hào hiệp cho tôi vay. Cũng cho tôi cả hộ chiếu của chị ấy. Chúng tôi gần như giống hệt nhau mà, tôi chỉ cần nhuộm tóc đi thôi. Tôi sống bốn năm trong một nhà tu ở Italy – không làm nữ tu. Có những nhà tu mà anh có thể thuê phòng rẻ tiền ở đó để được bằng an và tĩnh tâm mà suy nghĩ. Rồi tôi gặp Spencer Cochran. Anh ấy nhiều hơn vài tuổi, vừa tốt nghiệp ở Anh xong, lúc ấy đang đi khắp châu Âu bằng ghé xe độ đường. Tôi yêu. Anh ấy cũng yêu. Chuyện là như thế, "Anita" Vanger lấy anh ấy năm 1971. Tôi không có gì phải ân hận. Anh ấy là một người tuyệt vời. Rất buồn là tám năm trước đây anh áy đã chết và tôi thành ra người sở hữu trạm này.

- Nhưng hộ chiếu của chị - chắc chắn sẽ có người phát hiện ra là có hai Anita Vanger?

- Không chứ, tại sao lại phát hiện? Một cô gái Thụy Điển tên là Anita Vanger lấy Spencer Cochran. Chị ta sống ở London hay Australia thì cũng chả có làm cho khác đi cái gì cả. Người ở London là vợ đã xa lìa của Spencer Cochran. Người ở Australia là người vợ hiện tại của ông ta, họ không xứng khớp với hồ sơ máy của của London và Canberra. Ngoài ra tôi đã có một hộ chiếu Australia với họ của chồng. Chúng tôi đã xếp đặt rất hoàn hảo. Điều duy nhất có thể làm cho câu chuyện đổ nhào là nếu Anita muốn lấy chồng. Hôn nhân của tôi đã phải đăng ký ở hồ sơ đăng ký quốc gia Thụy Điển.

- Nhưng chị ấy không lấy chồng.

- Chị ấy bảo chả kiếm ra tấm nào. Nhưng tôi biết chị ấy làm thế vì an toàn của tôi. Chị ấy thực sự là bạn.

- Chị ấy đã làm gì ở trong buồng của chị?

- Hôm ấy đầu óc tôi linh tinh lắm. Tôi sợ Martin, nhưng chừng nào anh ấy còn ở Uppsala thì tôi còn gạt được ra khỏi tâm trí. Thế rồi anh ấy về Hedestad và tôi nhận ra là tôi không thể an toàn cho đến hết đời. Tôi lẩn quẩn giữa muốn nói với chú Henrik và muốn trốn. Khi chú Henrik không có thời giờ thì tôi bồn chồn đi loanh quanh trong làng. Dĩ nhiên tôi biết với mọi người thì vụ tai nạn trên cầu đã choán mất hết tất cả mọi chuyện khác đi rồi nhưng với tôi thì không thế. Tôi có vấn đề của tôi. Và tôi thậm chí còn biết rất ít đến cả vụ tai nạn nữa, mọi sự đều như là không có thật. Thế rồi tôi tình cờ nhào phải Anita lúc ấy đang ở trong một căn nhà khách nhỏ trong một khu chung cư với Gerda và Alexander. Chính lúc ấy tôi định đoạt số phận mình. Tôi ở suốt thời gian ấy với Anita và không dám ra ngoài. Nhưng có một thứ tôi cần mang theo – tôi đã viết vào trong một nhật ký những chuyện xảy ra và tôi cần một ít áo quần. Anita đã lấy các thứ đó cho tôi.

- Tôi lại cho là chị ấy không cưỡng lại được ý muốn xem hiện trường vụ tai nạn. – Blomkvisk nghĩ một lúc. – Tôi không hiểu một điều là tại sao chị lại không đi tìm Henrik như chị đã có ý thế.

- Tại sao anh nghĩ thế?

- Tôi không hiểu thật tình. Henrik chắc chắn sẽ giúp chị. Martin sẽ bị đưa đi ngay – chắc là sang Australia để điều trị hay chữa chạy gì đó.

- Anh không biết chuyện gì đã xảy ra ư?

Đến lúc này Blomkvist mới chỉ nhắc tới chuyện Gottfried xâm hại tính dục Martin, để vai trò của Harriet ở ngoài.

- Gottfried gạ gẫm Martin. – Anh nói thận trọng. – Tôi ngờ ông ấy gạ gẫm cả chị.

Harriet Vanger không mảy may biến sắc. Chị hít vào một hơi rồi úpmặt lên hai bàn tay. Năm giây sau Jeff đã ở bên chị, hỏi có chuyện gì không. Harriet nhìn anh, cười gượng gạo. Rồi chị đứng lên và làm cho Blomkvist ngạc nhiên, chị ôm lấy anh quản lý ngựa, hôn lên má anh ta. Tay quàng qua vai Jeff, chị quay lại Blomkvist.

- Jeff, đây là Mikael, một bạn…cũ từ xưa. Ông ấy mang đến những chuyện và các tin không hay nhưng chúng ta sẽ không bắn người đưa tin. Mikael, đây là Jeff Cochran, con trai của tôi. Tôi có một con trai nữa và một con gái.

Blomkvist đứng lên bắt tay Jeff, nói anh ân hận đã mang đến những tin không hay làm cho mẹ Jeff phải rầu long. Harriet nói với Jeff vài lời rồi bảo Jeff đi. Chị lại ngồi xuống và xem vẻ đã có quyết định.

- Không nói dối nữa. Tôi chấp nhận mọi sự đã kết thúc. Từ 1966, ở một ý nghĩa nào đó tôi đã chờ đến cái ngày hôm nay. Trong nhiều năm tôi khiếp sợ có ai đó đến đây nói tên tôi ra. Nhưng anh biết sao không? Thình lình tôi không bận tâm đến chuyện đó nữa. Quy chế về thời hiệu đã không còn hiệu lực với tội ác của tôi. Còn người ta nghĩ thế nào về tôi thì tôi coi như rác rưởi thôi mà.

- Tội ác?

Chị khẩn thiết nhìn anh nhưng anh vẫn không hiểu chị đang nói đến chuyện gì.

- Tôi mười sáu tuổi. Tôi sợ. Tôi xấu hổ. Tôi thất vọng. Tôi cô đơn. Những người duy nhất biết là Anita và Martin. Tôi đã bảo với Anita về các xâm hại tính dục nhưng tôi không có can đảm bảo chị ấy rằng bố tôi cũng là một kẻ bệnh hoạn giết phụ nữ. Anita không bao giờ biết chuyện đó. Nhưng tôi đã bảo chị ấy cái tội ác của chính tôi gây nên. Chuyện ấy tôi kinh hãi quá đến mức không dám bảo với Henrik. Tôi cầu xin Chúa tha thứ cho tôi. Và tôi đã ẩn náu trong một nhà tu trong mấy năm.

- Harriet, bố chị là một kẻ hiếp và giết phụ nữ. Không phải lỗi của chị.

- Tôi biết thế. Bố tôi gạ gẫm tôi trong một năm. Tôi làm mọi thứ để tránh…nhưng ông ấy là bố tôi và tôi không thể từ chối ông ấy bất cứ điều gì mà không cho ông ấy một lời giải thích. Cho nên tôi đã nói dối và đóng một vai trò cố cho rằng mọi sự đều ổn. Và tôi tìm cách sao cho khi gặp bố tôi thì luôn có người khác nữa. Mẹ tôi biết ông bố đang làm gì, dĩ nhiên nhưng bà ấy không màng.

- Isabella có biết?

- Dĩ nhiên biết. Trong gia đình này chả chuyện gì xảy ra mà Isabella lại không biết. Nhưng mọi sự nào mà không vui cho bà ấy hay đặt bà ấy vào trong một góc nhìn không đẹp là bà ấy lờ đi. Bố tôi có thể hiếp tôi ở giữa phòng khách và ở ngay trước mặt bà ấy mà bà ấy vẫn như không. Bà ấy không thể nhận ra điều gì trục trặc trong đời bà ấy hay trong đời tôi.

- Tôi đã gặp Isabella. Trong gia đình Vanger, tôi không ưa bà ấy.

- Suốt đời bà ấy cứ là như thế thôi. Tôi thường nghĩ về mối quan hệ của bố mẹ tôi. Tôi nhận thấy họ hiếm khi hay có thể là không bao giờ ăn nằm với nhau sau khi đẻ tôi. Bố tôi có những người phụ nữ khác nhưng vì một lý do lạ lùng nào đó, ông ấy sợ Isabella. Ông lánh xa Isabella nhưng không thể li hôn.

- Trong gia đình Vanger không ai li hôn cả.

Lần đầu tiên Harriet cười.

- Đúng, họ không li hôn. Nhưng vấn đề là tôi không thể nói gì được. Cả thế giới tìm ra được cách đấy. Các bạn học, bà con họ hàng của…

- Harriet, tôi rất xin lỗi.

- Tôi mười bốn tuổi thì bị ông ấy hiếp lần đầu tiên. Năm tiếp theo ông ấy đưa tôi đến căn nhà nhỏ của ông ấy. Nhiều lần Martin cùng dự. Ông ấy bắt Martin và tôi làm trò ấy với ông ấy. Ông ấy giữ tay tôi cho Martin…ấy tôi. Khi bố tôi chết, Martin liền sẵn sàng tiếp quản vai trò của ông bố. Anh ấy mong tôi thành người yêu của anh ấy và anh ấy nghĩ tôi thần phục anh ấy là chuyện rất tự nhiên. Đến lúc ấy, tôi hết lựa chọn. Tôi buộc phải làm những gì Martin bảo. Tôi thoát được kẻ hành hạ này lại rơi vào nanh vuốt của một kẻ hành hạ khác. Điều duy nhất tôi có thể làm là bảo đảm sao cho khi tôi ở một mnhf với anh ấy thì không bao giờ có cơ hội…

- Henrik đã…

- Anh vẫn chưa hiểu đâu.

Chị cao giọng lên. Blomkvist thấy mấy người ở căn lều gần đấy đang nhìn anh. Chị lại hạ giọng xuống và cúi về phía anh.

- Tất cả các quân bài đã ở trên bàn. Anh phải tự tìm lấy đoạn kết.

Chị đứng lên lấy hai chai bia. Khi chị trở lại, Mikael nói mỗi một câu:

- Gottfried.

Chị gật đầu.

- Mồng 7 tháng Tám năm 1965, bố tôi bắt tôi ra ở căn nhà nhỏ của ông ấy. Henrik đi xa. Bố tôi uống rượu và ông ấy cố sức làm chuyện đó với tôi. Nhưng ông ta không lên được, thế là ông ta nổi ngay một cơn điên của người say xỉn. Ông ấy luôn thô bạo và dữ tợn với tôi khi chỉ có hai bố con, nhưng lần này ông ấy vượt ranh giới. Ông ấy đái lên người tôi. Rồi nói sắp sửa làm gì với tôi. Ông ấy nói về những người phụ nữ ông ấy đã giết. Ông ấy khoác lác khoe tài về chuyện ấy. Ông ấy trích dẫn Kinh thánh. Tiếp tục cả giờ như vậy. Tôi chả hiểu được một nửa những gì ông ấy nói nhưng tôi nhận thấy ông ấy hoàn toàn bệnh hoạn.

Chị uống một hơi bia.

- Một lúc nào đó khoảng nửa đêm ông ấy lên cơn. Ông ấy hoàn toàn loạn trí. Chúng tôi ở trên gác xép phòng ngủ. Ông ấy quấn một chiếc áo phông quanh cổ tôi rồi gia sức thắt chặt nó. Mắt tôi đã tối sầm lại rồi. Tôi tin chắc là ông ấy sẽ giết tôi thật và đêm ấy, lần đầu tiên ông ấy hiếp được hẳn hoi tôi.

Harriet nhìn Blomkvist, cái nhìn mong anh thấu hiểu.

- Nhưng ông ấy say quá nên không thể hiểu thế nào tôi đã thoát đi được. Tôi nhảy từ trên gác xép xuống và chạy. Trần truồng, tôi cứ thế chạy chả suy nghĩ cuối cùng thì đến con đê chắn sóng cạnh biển. Ông ấy loạng choạng đi tìm tôi.

Blomkvist bỗng mong chị đừng có nói gì thêm nữa.

- Tôi đủ khỏe để đẩy được một người say rượu xuống nước. Tôi lấy mái chèo dìm ông ấy xuống nước cho đến khi ông ấy không giãy giụa nữa.

Khi chị ngừng nói, bầu im lặng đặc quánh lại.

- Rồi khi tôi nhìn lên thì Martin đã đứng ở đấy. Nom anh ấy kinh sợ nhưng đồng thời lại nhe răng cười. Tôi không biết anh ấy ra khỏi căn nhà bám theo chúng tôi đã bao lâu. Từ giờ phút này tôi là do anh ấy định đoạt. Anh ấy đi đến túm lấy tóc tôi, đưa tôi về lại căn nhà nhỏ - đến giường của ông bố. Anh ấy trói tôi lại rồi hiếp tôi trong khi ông bố vẫn nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Và tôi chả có thể chống cự được tí nào.

Blomkvist nhắm mắt lại. Anh xấu hổ ghê gớm, anh mong anh đem lại bình yên cho Harriet. Nhưng chị đã lại cất tiếng, rắn rỏi.

- Từ hôm ấy tôi bị anh ấy sai khiến. Anh ấy bảo gì tôi làm thế. Tôi cảm thấy tê liệt, điều duy nhất cứu tôi khỏi điên là Isabella – hay có thể là chú Henrik – đã quyết định Martin sau khi bố chết cần phải thay đổi khung cảnh sống cho nên bà ấy cử Martin đến Uppsala. Dĩ nhiên do bà ấy biết anh ấy đã làm gì với tôi và cách giải quyết vấn đề của bà ấy là như vậy. Anh có thể cầm chắc là Martin thất vọng. Trogn năm sau anh ấy chỉ về nhà dịp lễ Noel. Tôi đã giữ đựơc cho tôi ở xa anh ấy. Giữa Noel với Năm mới, tôi theo Henrik đi một chuyến sang Copenhagen. Còn nghỉ hè thì Anita ở đấy. Tôi tâm sự với chị ấy và suốt thời gian hè chị ấy đều ở bên tôi, đảm bảo anh ấy không đến gần tôi được.

- Cho đến khi chị trông thấy anh ấy ở Jarnvagsgatan.

- Tôi nghe nói anh ấy vẫn ở Uppasala, không về họp gia đình. Nhưng rõ là anh ấy đổi ý, thình lình đứng ngay bên kia đường phố, nhìm chằm chằm vào tôi. Anh ấy cười với tôi. Tôi cảm thấy giống như một cơn mơ ghê tởm. Tôi đã giết bố và biết rằng tôi không thể nào thoát khỏi được anh tôi. Cho đến lúc ấy tôi đã nghĩ đến tự sát. Nhưng tôi chọn chạy trốn. – Chị nhìn Blomkvist, con mắt gần như nguôi dịu đi. – Nói hết sự thật ra mà lại cảm thấy thật hay. Đấy, thế là nay anh đã biết.

27

Thứ Bảy, 26 tháng Bảy

Thứ Hai, 28 tháng Bảy

Blomkvist đón Salander ở cửa nhà cô tại Lundagatan vào lúc 10 giờ rồi lái xe đưa cô đến nhà hỏa táng. Anh đứng bên cô suốt buổi lễ. Hồi lâu họ là những người đưa ma duy nhất cùng với mục sư nhưng khi tang lễ bắt đầu thì Armansky lẻn nhanh vào. Ông gật đầu cộc lốc với Blomkvist rồi đứng ở sau Salander, nhẹ nhàng đặt một tay lên vai cô. Không nhìn ông, cô gật đầu chào, tựa như đã biết ai ở đây rồi. Rồi ông cô chẳng màng đến cả hai.

Salander không nói gì với anh về mẹ mình nhưng có vẻ mục sư đã nói chuyện với ai đó ở nhà dưỡng lão nơi mẹ Salander qua đời, nên Blomkvist biết bà chết vì xuất huyết não. Suốt lễ tang Salander không nói một lời. Mục sư đã hai lần làm cô nghĩ bị cắt quãng khi mục sư nói trực tiếp với cô. Salander nhìn thẳng vào mắt mục sư, mặt không thể hiện một tình cảm gì. Lễ tang xong, cô quay gót đi, không cảm ơn cũng chẳng chào chia tay. Blomkvist và Armansky thở phào nhìn nhau.

- Cố ấy rất buồn. – Armansky nói.

- Tôi biết. – Blomkvist nói. – Ông đến là tốt quá.

Armansky nhìn chằm chằm vào Blomkvist.

- Nếu anh quay lên phía bắc, hãy chú ý đến cô ấy.

Anh đã hứa. Hai người chào nhau và chào mục sư ở cửa nhà thờ. Salander đã ngồi chờ ở trong xe.

Cô phải về Hedestad với anh để lấy xe máy của cô và các thiết bị cô mượn của An ninh Milton. Chỉ khi đã qua Uppsala cô mới cất tiếng hỏi chuyến đi Australia ra sao. Blomkvist đã đáp xuống sân bay Arlanda muộn đêm qua và ngủ có vài giờ. Vừa lái xe anh vừa kể cho cô chuyện của Harriet. Salander lặng thinh trong nửa giờ rồi mới mở miệng.

- Con đĩ. – Cô nói

- Ai?

- Harriet Mẹ kiếp Vanger. Nếu chị ta làm cái gì đó từ 1996 thì Martin không thể hiếp và giết trong ba mươi bảy năm.

- Harriet biết bố giết nhiều phụ nữ nhưng không biết Martin lại dính dáng đến các chuyện đó. Chị ấy trốn chạy một ông anh hiếp chị ấy rồi lại đe tố cáo chị ấy dìm chết bố nếu không làm những trò ông anh bảo.

- Cứt.

Sau đó họ ngồi im lặng miết cho tới Hedestad. Blomkvist đã lỡ giờ hẹn nên thả cô xuống chỗ rẽ đi đảo Hedeby; anh hỏi cô có thích ở đây khi anh quay lại không.

- Anh nghĩ ở lại qua đêm sao?

- Anh nghĩ thế.

- Anh có muốn em ở đây không?

Anh ra xe đi vòng sang quàng tay ôm cô. Cô đẩy anh ra, gần như thô bạo. Blomkvist lùi lại.

- Lisbeth, em là bạn anh mà.

- Anh có muốn em ở lại đây để đêm nay anh sẽ có một đứa cho anh…?

Blomkvist nhìn cô hồi lâu. Rồi anh quay lên xe, nổ máy. Anh hạ cửa kính xuống. Sờ không khí cũng thấy sự thù địch ở cô.

- Anh muốn là bạn của em. – Anh nói. – Nếu em muốn khác thế thì em không cần ở đây khi anh trở về nhà.

Henrik đang ngồi, mặc quần áo khi Dirch Frode đưa Blomkvist vào phòng bệnh viện.

- Họ nghĩ để tôi đứng ngoài lễ tang Martin ngày mai đây.

- Frode bảo ông những gì rồi?

Henrik nhìn xuống sàn.

- Ông ấy bảo tôi những điều Martin và Gottfried đã làm. Xấu, xấu xa hơn nhiều so với những cái tôi có thể tưởng tượng ra.

- Tôi biết chuyện chị Harriet.

- Kể tôi xem nó chết như thế nào.

- Chị ấy không chết. Chị ấy còn sống. Và nếu ông thích thì chị ấy rất muốn gặp ông.

Henrik và Frode, cả hai cùng nhìn anh trừng trừng, tựa như quả đất này đang bị lộn ngược đầu đuôi.

- Phải mất thì giờ mới thuyết phục chị ấy đến, nhưng chị ấy đang sống, đang làm ăn tốt và chị ấy đang ở đây, tại Hedestad này. Chị ấy đến sáng nay và trong một giờ nữa có thể ở đây. Nếu ông muốn gặp chị ấy thì đấy.

Blomkvist phải kể từ đầu đến đuôi câu chuyện. Đôi ba lần Henrik ngăn lại hỏi hay bảo anh nhắc lại một điều gì đó. Frode không nói năng gì.

Chuyện kể xong, Henrik ngồi im lặng. Blomkvist sợ ông già chịu không nổi nhưng Henrik không lộ ra một vẻ xúc động gì trừ khi ông bắt đầu lên tiếng thì giọng nói của ông nghe thấy có sức hơn.

- Tội nghiệp, tội nghiệp Harriet. Cốt sao nó đến được với tôi thôi.

Blomkvist nhìn đồng hồ. Bốn giờ kém năm.

- Ông muốn gặp chị ấy chứ? – Chị ấy sợ ông sẽ không muốn gặp sau khi biết những chuyện chị ấy đã làm.

- Về các bông hoa kia thì sao?

- Tôi đã hỏi chị ấy trên máy bay về nhà. Trong gia đình, chỉ có một người mà chị ấy yêu, không kể Anita, là ông. Vậy dĩ nhiên chị ấy là người gửi các bông hoa. Chị ấy nói chị ấy hy vọng ông sẽ hiểu là chị ấy còn sống và làm ăn tốt tuy không ra mắt. Nhưng vì kênh thông tin duy nhất của chị ấy là Anita, người ra nước ngoài ngay sau khi học hành xong và không về Hedestad bao giờ nên Harriet biết rất ít về tình hình ở nhà. Chị ấy không biết ông đã đau khổ ghê gớm như thế nào hay ông nghĩ hoa đó là kẻ giết chị ấy đang trêu chọc ông.

- Tôi cho là Anita đã gửi các hoa kia.

- Chị ấy làm cho một hãng hàng không bay khắp thế giới. Chị ấy tình cờ ở đâu thì gửi qua bưu điện ở đấy.

- Nhưng sao anh biết Anita là người giúp Harriet?

- Chị ấy là người ở trước cửa sổ buồng Harriet mà.

- Nhưng có thể là nó cũng dính vào…nó có thể chính là kẻ giết Harriet. Sao anh tìm ra được là Harriet còn sống?

Blomkvist nhìn Henrik hồi lâu. Rồi anh mỉm cười, cái cười đầu tiên từ khi về đến Hedestad.

- Anita dính vào việc Harriet mất tích nhưng Anita không thể giết Harriet được.

- Sao anh lại dám cả quyết như vậy?

- Vì đây không phải là truyện thám tử, vụ án, phòng khóa trái. Nếu Anita giết Harriet thì ông đã tìm thấy xác nhiều năm trước rồi. Vậy điều lô gích duy nhất là chị ấy đã giúp Harriet mất tích đi thôi. Ông có muốn gặp Harriet không?

- Dĩ nhiên là ta muốn gặp rồi chứ.

Blomkvist tìm thấy Harriet bên thang máy trong sảnh khách sạn. Thoạt đầu anh không nhận ra chị. Từ lúc chia tay ở sân bay Arianda đêm hôm trước, chị đã lại nhuộm nâu tóc đi. Chị mặc quần đen, áo sơ mi trắng bên trong chiếc jacket xám sang trọng. Chị nom rạng rỡ và Blomkvist cúi xuống ôm chị một cái, dấu hiệu cổ vũ khích lệ.

Henrik đứng lên khỏi ghế khi Blomkvist mở cửa. Harriet thở sâu một hơi dài.

- Chào chú Henrik. – Chị nói.

Ông già xem xét chị từ đầu đến ngón chân. Rồi Harriet đi đến hôn ông. Blomkvist gật đầu với Frode và đóng cửa lại.

Salander không ở căn nhà nhỏ khi Blomkvist trở về đảo Hedeby. Thiết bị video và xe máy của cô không còn cũng như cái túi chứa số quần áo vượt mức cần của cô và cái túi xách nhỏ. Căn nhà nhỏ trống rỗng. Nom nó thình lình như đã biến hóa và không thật. Blomkvist nhìn vào các chồng giấy trong buồng làm việc mà anh phải chất vào các thùng các hộp rồi mang đến nhà Henrik. Nhưng anh không thể quay lại bắt đầu công việc. Anh lái xe ra Konsum mua bánh mì, sữa, phó mát và một vài thứ gì đó ăn tối nhè nhẹ. Về nhà anh đặt nước pha cà phê, ngồi trong vườn đọc báo chiều, không nghĩ tới cái gì khác nữa.

5 rưỡi, một chiếc taxi qua cầu. Ba phút sau nó quay lại con đường nó đi đến. Blomkvist chộp được cái liếc của Isabella ngồi ở ghế sau xe.

Khoảng 7 giờ anh đang lơ mơ ngủ ở vườn thì Frode đánh thức anh.

- Henrik và Harriet sao rồi?

- Đám mây không vui này lại có ánh bạc viền quanh. – Frode nói, miệng cố giữ cho không cười hẳn. – Nếu như anh tin tôi, này, Isabella bổ nhào vào buồng bệnh của Henrik. Bà ấy chắc thấy anh đã về và thế là đùng đùng nổi cơn nổi cớ. Bà ấy hét lên với ông ấy là phải chấm dứt ngay cái trò loạn xà ngầu này về Harriet của bà, nói thêm rằng chính anh là đứa đã chõ mũi vào khiến cho con trai bà ấy chết.

- Được, ở mặt nào đó bà ấy đúng đấy.

- Bà ấy ra lệnh Henrik thải việc anh ngay và tống cổ anh ra khỏi đất đai cơ ngơi nhà Vanger mãi mãi. Và Henrik thì phải ngừng ngay cái trò tìm ma dò quỷ này đi.

- Ư hứ!

- Bà ấy chẳng thèm đoái gì đến người phụ nữ đang ngồi bên giường Henrik trò chuyện. Bà ấy chắc nghĩ đó là thư ký gì đó của ông ấy. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái lúc Harriet đứng lên nói: “Chào mẹ”.

- Rồi thì sao?

- Chúng tôi phải gọi bác sĩ đến khám ngay sức khỏe cho Isabella. Ngay bây giờ bà ấy vẫn không chịu tin rằng đó là Harriet. Anh bị bà ấy kết tội là đưa một con lừa đảo đến.

Frode đang trên đường đi gặp Cecilia và Alexander để cho họ tin về Harriet đã từ cõi chết đứng lên. Ông bỏ đi, để mặc Blomkvist ở lại với những trầm ngâm đơn lẻ của mình.

Salander dừng lại đổ đầy bình xăng ở một trạm xăng mạn bắc Uppsala. Cô lái đi lùi lũi, nhìn thẳng trước mặt. Cô trả tiền nhanh và trở lại với cỗ xe. Lại nổ máy và đến lối ra trạm thì dừng lại phân vân.

Tính khí cô vẫn đang trong cơn hung tợn. Cô giận điên lên khi rời Hedeby nhưng trên đường đi cơi giận đã tiêu tan dần. Cô không thể hiểu vì cớ gì mà lại giận Blomkvist đến thế hay tựa hồ anh là người duy nhất mà cô giận.

Cô nghĩ Martin Vanger và Harriet Mẹ kiếp Vanger hay Dirch. Mẹ kiếp Frode, tất cả cái gia tộc Vanger đang ngồi ở Hedestad trị vì cái đế chế nho nhỏ và mưu mô hại lẫn nhau. Họ phải cần cô giúp. Thường tình họ chả có thèm chào cô ở ngoài đường, chỉ giao cho cô những cái bí mật ghê tởm của họ mà thôi.

Cái hạng ba láp mẹ kiếp.

Cô thở một hơi sâu và nghĩ đến mẹ, người mà cô đã đem ký thác vào tro tàn chính ngay sáng nay. Cô sẽ không bao giờ có khả năng hàn gắn các chuyện. Mẹ cô chết có nghĩa là vết thương sẽ không bao giờ lành, do chỗ cô sẽ không bao giờ nhận được lời đáp cho các câu hỏi cô đã muốn đặt ra.

Cô nghĩ đến Armansky đứng ở sau cô trong nhà hỏa táng. Lẽ ra cô đã nên nói một lời gì đó với ông. Ít nhất cho ông vài dấu hiệu cho thấy cô biết ông ở đó. Nhưng nếu cô làm thế, ông lại có thể coi đó là một cớ để thử làm lại cuộc đời cô. Nếu cô đưa cho ông một ngón tay, ông sẽ túm luôn lấy cả cánh tay. Và ông không bao giờ có thể hiểu.

Cô nghĩ đến ông luật sư Bjurman, người vẫn đang giám hộ cô và ít nhất trong lúc này vẫn bị trung lập hóa và đang làm những gì cô đã bảo ông ta.

Cô cảm thấy ghét ghê ghét gớm và nghiến răng lại.

Cô nghĩ đến Mikael Blomkvist và hình dung xem anh sẽ nói gì khi anh phát hiện ra cô là một kẻ được tòa án bảo trợ và toàn bộ đời cô là một thứ rộc rệ như ổ chuột.

Chuyện cho đến nay với cô thì đúng là cô không giận anh. Anh chính là cái người mà cô trút cơn giận dữ vào khi bụng cô mong mỏi nhất là giết béng đi một đứa nào đó hay vài người nào đó. Giận dữ với anh chả có lợi lộc gì.

Cô cảm thấy với anh cô đã mập mờ lấp lửng lạ lùng.

Anh chõ mũi vào công việc của người khác và chọc chọc dò dẫm vào đời cô và…nhưng…cô cũng lại thích làm việc cùng với anh. Cho dù đó là một cảm giác là lạ - làm việc cùng với một ai đó. Cô không quen chuyện đó, nhưng không ngờ nó lại chẳng đau đớn gì. Anh không gây rắc rối cho cô. Anh không cố bảo cô nên sống cái đời cô như thế nào.

Cô là người đã quyến rũ anh chứ không phải là ngược lại.

Ngoài ra, chuyện ấy đã được thỏa mãn.

Vậy tại sao cô lại thấy muốn đá cho anh một cái vào mặt?

Cô thở dài và không may ngước mắt lên để thấy chiếc máy bay liên lục địa gầm rú trên quốc lộ E4.

8 giờ Blomkvist vẫn ở trong vườn thì bị tiếng xe máy phành phành qua cầu làm tỉnh dậy, anh trông thấy Salander đi về phía căn nhà nhỏ. Cô chống càng xe, cởi mũ bảo hiểm. Cô đi đến cái bàn trong vườn, sờ bình cà phê cạn trơ và lạnh. Blomkvist đứng lên ngạc nhiên nhìn cô trừng trừng. Cô cầm bình cà phê đi vào bếp. Khi trở ra cô đã cởi bộ quần áo da và ngồi xuống trong chiếc quần jean và cái áo phông với dòng chữ TÔI CÓ THỂ LÀ MỘT CON ĐIẾM ĐỨNG ĐẮN, CỨ THỬ COI.

- Anh tưởng bây giờ em ở Stockholm rồi. – Anh nói.

- Đến Uppsala em quay lại.

- Bao đường đất.

- Em bực bõ trong người.

- Tại sao em quay lại?

Không trả lời. Anh chờ cô nói trong khi cả hai uống cà phê. Mười phút sau cô nói, ngập ngừng.

- Em thích có anh ở bên.

Những câu này trước đây chưa từng buột ra khỏi môi cô.

- Làm vụ này cùng với anh… thú vị đấy.

- Anh cũng khoái làm việc với em. – Anh nói.

- Hừm…

- Sự thật là anh chưa làm việc với một điều tra viên nào xuất sắc như em. OK, anh biết em là một hacker và hay la cà với các đám khả nghi mà từ đó em có thể nghe trộm bất hợp pháp điện thoại liền trong hai mươi tư giờ và thu được kết quả.

Từ lúc ngồi vào bàn, đến giờ Salander mới nhìn anh. Anh biết quá nhiều bí mật của cô.

- Đúng là như thế đấy. Em biết máy tính. Đọc trộm văn bản và hấp thu hết những gì nó nói, chuyện ấy với em chả có khó khăn gì.

- Trí nhớ em như máy ảnh. – Anh nói nhè nhẹ.

- Em nhất trí. Em chả hiểu nó hoạt động ra sao hết. Không chỉ máy tính, mạng lưới điện thoại mà cả máy móc trong xe máy rồi cả tivi, máy hút bụi, các quá trình hóa chất và công thức trong vật lý thiên văn. Em là một đứa ương bướng, em chấp nhận nó: một đứa say mê.

Blomkvist nhăn mặt. Anh ngồi im một lúc.

Hội chứng Asperger 1, anh nghĩ. Hay một cái gì giống thế. Một tài năng nhìn nhận các mẫu hình và hiểu những luận lý trừu tượng ở những chỗ mà người khác chỉ thấy âm thanh trắng.

Salander ngồi nhìn xuống bàn.

- Phần đông người ta sẵn sàng cho đi cả răng lẫn mắt để có được thiên bẩm ấy.

- Em không muốn nói chuyện ấy.

- Chúng ta thôi nói vậy. Quay lại em có vui không?

- Em không biết. Có thể là một sai lầm.

- Lisbeth, em có thể định nghĩa cho anh về tình bạn không?

- Đó là lúc anh thích một người nào.

- Chắc thế rồi, nhưng cái gì nó làm cho em thích một ai đó?

Cô nhún vai.

- Tình bạn, theo anh, là xây dựng trên hai thứ, - anh nói, - tôn trọng và tin cậy. Cả hai cái ấy đều phải có ở đấy. Và là qua lại. Em có thể tôn trọng một người nhưng nếu em không tin, thì tình bạn sập.

Cô vẫn lặng thinh.

- Anh biết em không thích thảo luận chuyện em với anh nhưng một ngày nào đó em sẽ phải quyết định là em có tin anh hay không. Anh muốn chúng ta là bạn nhưng anh không thể một mình anh làm được chuyện đó.

- Em thích làm tình với anh.

- Tình dục chẳng dính dáng gì đến tình bạn. Chắc chắn là bạn bè có thể có tình dục nhưng khi liên quan đến em mà anh phải chọn giữa tình dục hay tình bạn thì chắc chắn là anh sẽ chọn cái gì.

- Em không hiểu gì cả. Anh có muốn làm tình với em không đây nào?

- Em không nên có chuyện tình dục với những người em đang cùng làm việc, - anh lẩm bẩm. – Nó sẽ dẫn đến rắc rối.

- Em có quên cái gì ở chỗ này không đây hay đúng là mỗi khi có cơ hội anh và Erika đều không hề làm tình với nhau? Mà chị ấy có chồng.

- Erika và anh…có chuyện bắt đầu từ lâu trước khi bọn này làm việc với nhau. Chuyện chị ấy có chồng không phải là việc của em.

- Ồ, em hiểu, thình lình anh là người không muốn nói đến chuyện của bản thân anh. Và em ở đây học biết được rằng tình bạn là vấn đề tin cậy.

- Anh muốn nói một điều là không nên nói sau lưng về một người bạn. Anh cũng không bàn với Erika về em sau lưng em.

Salenda nghĩ về chuyện này. Nó đang hóa ra một câu chuyện khó nói. Cô không thích những chuyện khó nói.

- Em thích làm tình với anh. – Cô nói.

- Anh cũng thích… nhưng anh đáng tuổi bố em đấy.

- Chuyện tuổi tác của anh em coi ngang…

- Không, em không thể lờ được chuyện tuổi tác đâu. Nó không phải là cơ sở cho một quan hệ lâu bền mà.

- Ai nói cái gì về lâu bền đây? – Salender hỏi. – Chúng ta vừa làm xong một vụ trong đó đóng vai trò nổi bật là những người với chuyện tình dục loạn xà ngầu. Nếu em cần quyết định, thì những người như thế cần phải bị tiêu diệt, cho đến tên cuối cùng.

- Thôi được, ít nhất thì em cũng không thỏa hiệp.

- Không, - cô nói, nhếch mép nửa vời cười với anh. – Nhưng ít nhất anh cũng không giống họ, - Cô đứng lên. – Bây giờ em đi tắm rồi em nghĩ sẽ lên giường với anh. Nếu anh nghĩ anh đã quá già thì anh cứ ra cái giường xếp ngoài kia mà ngủ nha.

Bất kể Salader đang có những bứt rứt gì thì chuyện khiêm tốn chắc chắn không nằm ở trong số đó. Anh đã quên mất mọi cuộc tranh cãi với cô. Một lúc sau anh rửa đồ uống cà phê rồi vào buồng ngủ.

Họ dậy lúc 10 giờ, cùng tắm chung và ăn lót dạ ở ngoài vườn. 11 giờ Dirch Frode gọi báo tang lễ sẽ bắt đầu lúc 2 giờ chiều, hỏi họ có ý định dự không.

- Tôi nghĩ là không nên. – Blomkvist nói.

Frode hỏi anh khoảng 6 giờ có thể đến nói chuyện được không, Blomkvist nói thế thì hay.

Anh bỏ một ít giờ đồng hồ ra chọn lọc giấy tờ cho vào những sọt để mang đến văn phòng Henrik. Cuối cùng anh chỉ còn lại duy nhất một cuốn sổ tay của anh và hai cặp tài liệu về vụ Hans-Erik Wennerstrom mà sáu tháng nay anh chưa mở ra. Anh thở dài, nhét chúng vào ba lô.

Frode gọi báo ông bận việc, phải 8 giờ ông mới đến được căn nhà nhỏ. Ông vẫn mặc bộ quần áo dự tang lễ và nom vẻ như phiền toái khi ngồi xuống chiếc ghế dài trong bếp rồi cảm ơn nhận tách cà phê Salander mời ông. Cô ngồi ở bàn bên với chiếc máy tính trong khi Blomkvist hỏi cả nhà đón nhận việc Harriet xuất hiện trở lại như thế nào.

- Có thể nói việc đó đã làm lu mờ đi việc Martin chết. Nay thông tin đại chúng cũng đã tìm ra được cô ấy.

- Thế ông giải thích chuyện này như thế nào?

- Harriet nói với một phóng viên của tờ Courier rằng chẳng qua là cô ấy không hợp với gia đình nên bỏ đi nhưng rõ ràng là cô ấy đã thành công, cô ấy lãnh đạo cả một doanh nghiệp rất có thực chất kia.

Blomkvist huýt sáo.

- Tôi phát hiện ra là có thể kiếm tiền ở đàn cừu bên Australia nhưng tôi không biết tình hình làm ăn lại tốt đến thế.

- Trại cừu của cô ấy làm ăn thì tuyệt rồi nhưng không phải cô ấy chỉ có thu nhập đó. Tập đoàn Cochran có cả ở trong ngành mỏ, bạch ngọc, chế tạo, vận tải, điện tử và nhiều món khác nữa.

- Ồ! Vậy bây giờ thì thế nào?

- Quả thật là tôi không biết. Người kéo đến suốt ngày và trong nhiều năm rồi gia đình mới tụ họp với nhau như thế này. Từ nhánh Fredrik đến nhánh Johan Vanger đều có mặt, cả một ít thế hệ trẻ - đám hai chục tuổi và hơn nữa. Có đến bốn chục Vanger ở Hedestad tối ấy. Một nửa đám họ ở bệnh viện vần cho Henrik mệt phờ; nửa kia thì ở Grand Hotel chuyện trò với Harriet.

- Harriet phải là chuyện giật gân lớn rồi. Bao nhiêu người trong bọn họ biết về Martin?

- Cho đến nay là tôi, Henrik và Harriet. Chúng tôi đã nói chuyện lâu với nhau. Với chúng tôi, Martin và… cuộc đời không nói ra được của anh ta mà anh đã phát hiện ra hiện đang làm lu mờ đi mọi chuyện. Nó đã gây nên một khủng hoảng lớn cho công ty, ở tận chóp bu.

- Tôi hiểu được điều này.

- Không có người kế thừa tự nhiên nhưng Harriet còn đang ở Hedestad một thời gian. Gia đình sẽ bàn ai sẽ sở hữu cái gì, của thừa kế cần được chia ra sao, vân vân. Thật sự chị ấy đã có một phần ở trong đó và nếu chị ấy ở hẳn đây thì phần ấy sẽ khá là to. Một cơn ác mộng.

Blomkvist cười to. Frode vẫn nghiêm trang.

- Đang làm lễ tang thì Isabella ngã quỵ. Hiện đang nằm bệnh viện. Henrik nói ông sẽ không đi thăm.

-Henrik thế là phải.

- Nhưng Anita lại ở London đến. Tôi phải vời gia đình gặp nhau tuần tới đây. Hai mươi lăm năm, đây là lần đầu tiên chị ấy dự họp gia đình.

- Ai sẽ là CEO của công ty?

- Birger đang nhắm việc này nhưng anh ta bong rồi. Chuyện sắp tới sẽ là Henrik đứng ra làm CEO lâm thời ở trên giường bệnh cho tới khi ông ấy mướn được ai đó ở bên ngoài hay ở trong gia đình…

Blomkvist nhướng lông mày lên.

- Harriet? Ông nghiêm chỉnh đấy chứ?

- Tại sao không? Chúng tôi đang nói đến một nữ doanh nhân đặc biệt có năng lực và được kính trọng.

- Chị ấy có một công ty phải trông coi đến ở Australia rồi.

- Đúng, nhưng con trai chị ấy, Jeff Cochran, đang lo liệu lúc mẹ vắng mặt. – Cậu ấy phụ trách tài chính của một trại cừu. Nếu tôi hiểu đúng vấn đề thì cậu ấy đang phải trông cho cừu đúng chuẩn phôi với cừu đúng chuẩn.

- Cậu ấy cũng có bằng kinh tế của Oxford và một bằng luật của Melbourne đấy.

Blomkvist nghĩ đến người đàn ông mồ hôi mồ kê gân guốc phanh trần sơ mi và lái đưa anh xuống hết một rãnh núi; anh cố tưởng tượng ra anh ta mặc một bộ com lê sọc nhỏ. Sao lại không được cơ chứ?

- Tất cả các cái này phải có thì giờ để định hình. – Frode nói. – Nhưng Harriet cũng có thể là một CEO hoàn hảo. Được một ê kíp đỡ đần chị ấy có thể tiêu biểu cho một chuyện làm ăn hoàn toàn mới cho công ty.

- Chị ấy không có kinh nghiệm…

- Đúng thế. Chị ấy không thể nổ đánh bụp một cái mà ra từ một chỗ ít nhiều vô thiên vô địa và bắt đầu quản lý vi mô cho công ty được. Nhưng Tập đoàn Vanger là một tập đoàn quốc tế và chắc chắn là chúng ta có thể có một giám đốc người Mỹ không nói được một câu Thụy Điển nào… kể ra nói đi nói lại thì vẫn chỉ là chuyện kinh doanh thôi mà.

- Sớm muộn các ông sẽ phải đương đầu với các vấn đề tầng hầm của Martin.

- Tôi biết. Nhưng làm sao nói ra mà không hại Harriet chứ. Tôi mừng là tôi không phải kẻ quyết định chuyện này.

- Frode, ông không thể chôn vùi được sự thật rằng Martin là một tên giết người hàng loạt.

- Blomkvist, tôi ở một vị trí rất không thoải mái.

- Bảo với tôi đi.

- Tôi có một lời nhắn của Henrik. Ông ấy cám ơn anh đã làm được một công việc xuất sắc và nói rằng hợp đồng thế là đã được hoàn thành. Như thế có nghĩa là ông ấy buông bỏ mọi nghĩa vụ hệ lụy cho anh và anh không còn cần phải sống và làm việc ở Hedestad nữa v.v… Vậy nên, coi như có hiệu lực tức thì là anh có thể về Stockholm ngay và từ nay dành công sức cho các đeo đuổi mới của anh.

- Ông ấy muốn tôi tan biến khỏi hiện trường, thâm ý là như thế chứ gì?

- Hoàn toàn không phải. Ông ấy muốn anh đến thăm ông ấy để chuyện với nhau về tương lai, ông ấy bảo ông ấy hy vọng việc ông dính vào Millennium có thể tiến hành mà không có sự hạn chế. Nhưng…

Frode nom càng không thoải mái, nếu như có thể nói là thế.

- Thôi Frode, khỏi nói… ông ấy không muốn tôi viết lịch sử gia đình Vanger nữa.

Frode gật. Ông mở sổ tay ra rồi đẩy lại phía anh.

- Ông ấy viết cho anh cái thư này đây.

Mikael thân mến.

Tôi chả có nghĩ gì ngoài việc tôn trọng lòng trung thực của anh, tôi không có ý thóa mạ anh bằng việc thử bảo anh viết cái gì. Anh có thể viết và in bất cứ cái gì anh thích và tôi không gây sức ép nào với anh cả.

Hợp đồng của chúng ta vẫn có giá trị nếu anh muốn tiếp tục. Anh có đủ tư liệu để hoàn thành biên niên gia đình Vanger.

Mikael, tôi chưa xin ai một thứ gì trong đời tôi. Tôi luôn nghĩ rằng một con người thì nên đi theo đạo đức luân lý và những niềm tin của hắn. Lần này tôi không được chọn. Với lá thư này tôi đang xin anh, vừa là bạn vừa là chủ đồng sở hữu của Millennium, hãy cố không in ra sự thật về Gottfried và Martin. Tôi biết thế là sai nhưng tôi không trông thấy cách nào ra khỏi bóng tối này. Tôi phải chọn giữa hai điều xấu xa và đã là như vậy thì không có người chiến thắng.

Tôi xin anh không viết bất cứ cái gì có thể làm tổn thương Harriet. Hơn ai hết, anh biết là đối tượng của một chiến dịch thông tin đại chúng thì nó ra thế nào. Chiến dịch chống anh còn ở trong những mức độ khá khiêm tốn. Anh chắc chắn có thể tưởng tượng được nếu sự thật bung ra thì sẽ như thế nào với Harriet. Nó đã bị đày đọa bốn chục năm và sẽ không thể chịu đựng hơn nữa vì những việc mà anh trai và bố nó đã làm. Tôi xin anh nghĩ kỹ đến các hậu quả mà câu chuyện này có thể có đối với hàng nghìn công nhân viên trong công ty. Nó có thể đè bẹp Harriet và hủy diệt chúng tôi.

Henrik

- Henrik cũng nói nếu anh yêu cầu bồi thường tài chính về việc anh phải kìm lại không in câu chuyện thì ông ấy hoàn toàn sẵn sàng thảo luận. Anh có thể đặt ra bất cứ yêu cầu nào mà anh thấy là thích hợp.

- Henrik Vanger đang cố để cho tôi im đi. Bảo ông ấy là tôi ước giá ông ấy đừng đưa ra với tôi cái món biếu xén này.

- Tình hình đúng là rắc rối cả cho Henrik lẫn cho anh. Ông ấy rất mến anh và coi anh như bạn.

- Henrik Vanger là một tay tồi tệ thông minh, - Blomkvist nói, thình lình giận điên lên. – Ông ấy muốn bưng bít câu chuyện. Ông ấy chơi một đòn vào tình cảm của tôi và ông ấy biết tôi cũng mến ông ấy. Và ông ấy nói cái gì, nói tôi được tự do in và nếu tôi in thì ông ấy sẽ xem lại thái độ của ông ấy với Millennium.

- Từ khi Harriet bước lên sân khấu, mọi cái đã thay đổi.

- Nay Henrik đang nhận thấy cái thẻ ghi giá tiền của tôi có thể là gì. Tôi không có ý định vạch trần Harriet ra trước công luận nhưng một ai đó phải nói một cái gì về những người phụ nữ đã bị chết trong tầng hầm của Martin chứ. Frode, chúng ta thậm chí không biết có bao nhiêu phụ nữ đã bị tra tấn và tàn sát nữa. Ai sẽ thay mặt họ mà lên tiếng đây?

Salander ngước mắt lên khỏi máy tính. Cô nói với Frode, giọng gần như không thể nghe rõ.

- Có ai ở công ty ông muốn thử làm cho tôi câm không?

Frode nom ngơ ngác. Một lần nữa ông cố lờ đi, không màng đến Salander.

- Nếu lúc này Martin Vanger còn sống, tôi sẽ vạch mặt hắn ra trước công luận, - cô nói tiếp. – Mikael thỏa thuận gì với ông không biết nhưng tôi sẽ gửi từng chi tiết về Martin cho tờ báo chiều gần nhất. Và nếu có thể thì tôi sẽ ghim hắn xuống cái lỗ tra tấn của hắn, trói hắn vào cái bàn kia rồi cắm kim chi chít xuyên qua cái của quý của hắn. Không may hắn lại đã chết.

Cô quay lại Blomkvist.

- Giải quyết như thế em hài lòng. Chúng ta không thể làm được gì để hàn gắn được những đau khổ mà Martin đã gây ra với các nạn nhân của hắn. Nhưng đã nảy ra một tình hình thú vị. Anh đang ở một vị thế có thể tiếp tục hành hạ những người phụ nữ vô tội – đặc biệt là cái nhà chị Harriet mà anh đã quá nồng nhiệt che chở ở trên xe suốt từ dưới kia lên đây. Vậy em hỏi anh đây: việc Martin hiếp chị ấy và việc anh sắp phơi bày tất cả lên mặt báo thì cái nào tồi tệ hơn? Cái thế lưỡng nan này của anh hay đấy. Ủy ban đạo đức của Hội Nhà báo có thể hướng dẫn cho anh được chút nào đấy nhỉ!

Cô ngừng lại, Blomkvist không thể nhìn vào mắt cô. Anh nhìn xuống bàn.

- Nhưng tôi không phải là nhà báo. – Cuối cùng cô nói.

- Cô muốn gì chứ?

- Martin đã quay phim các nạn nhân của hắn. Tôi muốn ông làm cái việc mẹ kiếp nhất ấy là cố nhận diện ra càng nhiều càng tốt các nạn nhân của hắn và lo liệu sao cho gia đình họ nhận được tiền bồi thưởng xứng đáng. Tôi muốn Tập đoàn Vanger tặng mãi mãi mỗi năm 2 triệu curon cho Tổ chức Quốc gia vì các Trung tâm khủng hoảng của phụ nữ và thiếu nữ ở Thụy Điển.

Frode cân nhắc giá tiền một lúc. Rồi ông gật đầu.

- Như thế anh có thể sống được không Mikael? – Salander hỏi.

Blomkvist chỉ cảm thấy tuyệt vọng. Sự nghiệp mà anh hiến dâng mình là để phát hiện ra những điều người khác cố giấu giếm, ấy thế mà giờ anh lại có thể tham gia vào việc che đậy các tội ác khủng khiếp Martin Vanger đã gây ra ở tầng hầm của hắn. Anh từng đánh ngã các bạn đồng nghiệp vì không đăng lên sự thật thì đây, anh đang ngồi bàn luận, thậm chí còn thương lượng tại đây cái công việc che đậy ma quái nhất mà anh chưa hề nghe nói đến.

Anh ngồi im lặng hồi lâu. Rồi anh gật đầu bằng lòng.

- Vậy là như thế. – Frode nói. – Còn về phần bồi thường tài chính mà Henrik tặng…

- Ông ấy có thể vất nó đi, còn Frode, tôi muốn ông rời đây ngay. Tôi biết lập trường của ông nhưng chính ngay lúc này tôi đang phát rồ vì ông, Henrik và Harriet, nếu ông cứ ở đây thì chúng ta sẽ không là bạn của nhau nữa.

Frode cứ ì ra.

- Tôi chưa rời đi được. Tôi chưa xong việc. Tôi còn phải trao một thông tin nữa và anh cũng sẽ không thích thú gì nó đâu. Henrik nài tôi bảo anh tối nay. Anh có thể đến bệnh viện mắng chửi ông ấy nếu anh muốn.

Blomkvist ngước mắt lên nhìn ông trừng trừng.

Frode nói tiếp.

- Đây là việc gay go nhất tôi chưa từng bao giờ làm trong đời. Nhưng tôi nghĩ với tất cả các quân bài đã bày ra ở trên bàn thì chỉ có lòng vô tư hoàn toàn mới cứu được tình hình hiện nay.

- Rút cục thì cái vô tư ấy là gì?

- Khi Henrik thuyết phục anh nhận lấy công việc này hồi Noel năm ngoái, - Frode nói, lờ đi thái độ mỉa mai của Blomkvist, - cả ông ấy lẫn tôi đều không ngờ rằng một chuyện gì đó sẽ lại xảy ra. Ông ấy nói chính xác như thế nhưng ông ấy muốn cố gắng một lần cuối nữa với câu chuyện. Ông ấy đã phân tích tình hình của anh, đặc biệt là với sự giúp đỡ của bản báo cáo mà cô Salander đã xây dựng nên. Ông ấy đã chơi vào cảnh cô lập của anh, ông ấy chỉ nhiều tiền và ông ấy dùng cái mồi chính xác.

- Wennerstrom.

Frode gật.

- Ông bịp?

- Không, không. – Frode nói.

Salander nhướng lông mày lên thú vị.

- Henrik đã hứa gì là ông ấy sẽ làm tốt hết. Ông ấy đang bố trí một cuộc phỏng vấn để đưa ra công khai với đòn đánh trực diện vào Wennerstrom. Sau này anh sẽ có tất cả các chi tiết nhưng đại khái nét lớn của tình hình là thế này: khi Wennerstrom làm ở bộ phận tài chính của Tập đòn Vanger, ông ta đã tiêu nhiều triệu curon vào việc buôn bán ngoại tệ. Việc này có đã từ lâu trước khi người ta làm như điên các hợp đồng trao đổi ngoại hối. Ông ta làm điều đó mà không được phép của tập đoàn. Làm ăn cứ lần lượt thất bại, ông ta ngồi đây làm thất thoát bảy triệu curon mà ông ta cố che giấu. Một phần bằng khai man sổ sách và phần bằng cách buôn ngoại tệ hăng hơn lên. Việc này không tránh khỏi bị lòi ra ánh sáng và ông ta bị đuổi việc.

- Bản thân ông ta có kiếm được món lợi nào không?

- Ô có chứ, ông ta xơi ngon khoảng nửa triệu curon, nực cười là tiền này lại hóa thành tiền con giống cho Tập đoàn Wennerstrom. Chúng tôi đã lên được thành tư liệu về tất cả chuyện này. Anh thích thì anh có thể dùng thông tin này, Henrik sẽ hậu thuẫn công luận lên án. Nhưng…

- Nhưng, đây là cái nhưng to tổ bố đấy, Frode, thông tin này không có giá trị. – Blomkvist nói, đấm mạnh tay xuống bàn.

- Tất cả xảy ra đã từ hơn ba chục năm trước, sổ sách đã khép mắt rồi.

- Anh sẽ có được lời xác nhận Wennerstrom là một kẻ lừa gạt.

- Chuyện này công khai ra thì sẽ có phiền cho Wennerstom đấy nhưng chả làm sầy vẩy gì hắn cả. Để chối, hắn sẽ cho ra một thông cáo báo chí nói Henrik Vanger là một ông già đã thành đạt nhưng còn cố nẫng của hắn vài ba món làm ăn và hắn chắc tuyên bố hắn làm việc kia là theo lệnh Henrik. Cho dù hắn không thể chứng minh được là hắn vô tội thì hắn cũng phun ra đủ hỏa mù khiến không ai cho câu chuyện là nghiêm túc cả.

Frode nom không vui.

- Ông lừa tôi. – Blomkvist nói.

- Đó không phải là chủ ý của chúng tôi.

- Tôi tự trách tôi thôi. Tôi túm lấy cái cọng rơm và tôi nên nhận ra đây là một thứ gì đó tương tự như thế. – Anh phá lên cười. – Henrik là một con cá mập già. Ông ấy rao bán một món hàng và bảo tôi cái điều mà khi ấy tôi muốn nghe. Frode, đã đến lúc ông đi đi thôi.

- Mikael… tôi xin lỗi rằng…

- Frode. Đi.

Salander không biết nên đến với Blomkvist hay để anh một mình tại đó. Anh đã chọn hộ cô bằng cách nhặt chiếc jacket lên và không nói một lời, đóng sầm cửa lại ở đằng sau.

Cô bồn chồn chờ hơn một giờ ở trong bếp. Cô thấy rất khó chịu nên đã dọn bàn, rửa bát đĩa – việc cô thường để cho Blomkvist. Chốc chốc cô ra cửa sổ nhìn xem có dấu hiệu gì của anh không. Cuối cùng quá căng thẳng cô mặc jacket vào và ra ngoài tìm anh.

Đầu tiên cô ra bến tàu, trong các con tàu vẫn có ánh đèn nhưng không có dấu hiệu của anh. Cô men theo con đường mòn bên bờ biển mà buổi tối hai người thường lang thang đi dạo. Nhà Martin Vanger vẫn tối om và nom đã ra bỏ không. Cô đi ra các tảng đá ở mũi đất, nơi hai người hay ngồi. Rồi cô về nhà. Anh vẫn chưa về.

Cô ra nhà thờ. Vẫn không có dấu hiệu nào. Cô bần thần không biết làm gì. Rồi cô đến chiếc xe máy lấy đèn pin ở túi yên ra và đi dọc bờ nước một lần nữa. Cô phải mất một thời gian để lượn theo con đường bị cây cỏ mọc che mất một nửa và còn phải mất lâu hơn nữa để tìm thấy con đường mòn đến căn nhà nhỏ của Gottfried. Nó lờ mờ hiện ra trong bóng tối đằng sau mấy thân cây khi cô đã gần như đến được nó. Không thấy anh đứng dưới hiên và cửa thì khóa.

Cô đã rẽ về phía làng thì dừng lại và trở lại ra mũi đất. Cô nhận ra hình thù Blomkvist trong bóng tối, anh ở cuối con đê chắn sóng, nơi Harriet Vanger đã dìm chết bố. Cô nhẹ người thở dài.

Khi cô ra tới con đê, anh nghe thấy và nhìn quanh. Không một lời cô ngồi xuống cạnh anh. Cuối cùng anh cất tiếng.

- Xin lỗi. Anh cần yên một mình một lúc.

- Em biết.

Cô châm hai điếu thuốc và cho anh một. Blomkvist nhìn cô. Cô là con người kị xã hội nhất mà anh từng gặp. Thường thường mỗi khi anh định nói đến bất cứ chuyện gì thuộc về cá nhân cô, cô cũng lờ đi; và bất cứ biểu thị thiện cảm nào của anh, cô cũng không chấp nhận. Cô đã cứu mạng anh và bây giờ giữa đêm khuya cô dò tìm ra anh ở đây. Anh quàng một tay qua người cô.

- Bây giờ anh biết cái giá của anh nó đến đâu. – Anh nói. – Chúng ta đã buông xuôi các cô gái kia. Họ sẽ chôn vùi đi toàn bộ câu chuyện. Mọi điều trong tầng hầm của Martin sẽ biến mất vào lãng quên.

Salander không đáp lời.

- Erika đúng, - anh nói. – Nếu anh đi Tây Ban Nha một tháng rồi về nhà tỉnh táo mà bắt tay vào vụ Wennerstrom thì chắc anh làm được hay hơn.

- Nếu anh đi Tây Ban Nha thì Martin Vanger sẽ cứ làm công việc kia của hắn ở dưới tầng hầm.

Ngồi một lúc Blomkvist gợi ý về nhà. Blomkvist ngủ trước Salander. Cô nằm nghe anh thở. Được một hồi cô vào bếp ngồi lên ghế dài, hút vài điếu thuốc trong khi suy nghĩ. Vanger và Frode có thể lừa Blomkvist, chuyện ấy cô coi là đương nhiên. Bản chất họ là thế mà. Nhưng đây là chuyện của Blomkvist, đâu phải của cô. Hay là của cô?

Cuối cùng cô quyết định. Dập thuốc lá, cô vào buồng ngủ, bật đèn đánh thức Blomkvist. Đang 2 rưỡi sáng.

- Gì thế?

- Em có chuyện này. Ngồi lên.

Blomkvist ngồi lên, ngái ngủ.

- Khi anh bị khép án sao anh không cãi tự bào chữa?

Blomkvist dụi mắt. Anh nhìn đồng hồ.

- Chuyện dài mà, Lisbeth.

- Em có thì giờ. Kể em nghe nào.

Anh ngồi một lúc, nghĩ xem nên nói gì. Cuối cùng anh quyết định nói sự thật.

- Anh không tự bào chữa. Thông tin trong bài báo là sai.

- Khi em chui vào máy tính của anh đọc email trao đổi với Berger, có nhiều chỗ nhắc đến vụ Wennerstrom nhưng anh và chị ấy chỉ toàn thảo luận với nhau các tình tiết trong thực tế về phiên tòa chứ không phải về những cái thật sự xảy ra. Có phải sai vì thế không?

- Lisbeth, anh không thể lộ câu chuyện thật ra. Anh bị sa bẫy. Erika và anh rõ hẳn hoi là nếu bọn này nói ra những điều đã thật sự xảy ra thì uy tín của bọn anh sẽ còn bị mất nhiều hơn nữa.

- Em nói anh nghe, Kalle Blomkvist, chiều qua ngồi đây giảng dạy về tình bạn, lòng tin và các thứ bà dần. Em không có mang chuyện anh lên mạng đâu.

Blomkvist phân trần. Nay đang là nửa đêm. Lúc này anh không thể nhìn ngó lại tất cả câu chuyện đó được. Cô cứ ngồi lì cho đến khi anh phải chịu. Anh vào buồng tắm rửa mặt và pha cà phê. Rồi quay về giường và kể chuyện về người bạn học cũ Robert Lindberg đã khều cho anh sinh tò mò như thế nào trên con tàu Malar-30 màu vàng đậu tại bến tàu dành cho khách ở Arholma.

- Ý anh là bạn cũ của anh nói dối?

- Không, không hề. Anh ấy biết chính xác cái gì thì bảo anh dùng cái ấy, anh có thể kiểm chứng từng câu chữ trong tài liệu của kiểm toán ở SIB. Anh còn đến Ba Lan chụp ảnh cái nhà rách nát bằng tôn sắt, nơi Công ty Minos đồ sộ của lão đã từng ở. Anh cũng đã phỏng vấn mấy công nhân viên cũ của công ty này. Họ đều nói những điều giống nhau.

- Em không hiểu.

Blomkvist thở dài. Một lúc anh mới lại nói được.

- Anh có một câu chuyện hay chó chết. Anh vẫn chưa đương đầu với Wennerstrom nhưng câu chuyện thì bí mật; nếu anh đăng nó lên lúc ấy anh thật sự sẽ làm cho lão quay cuồng. Như thế sẽ không dẫn đến chuyện bị kết án là giả mạo bịa đặt – vụ việc đã được các kiểm toán viên thông qua rồi – nhưng anh có thể làm hủy hoại danh tiếng của lão.

- Sai ở chỗ nào?

- Trong lúc đó một ai đó nghe nói anh đang thọc mũi vào việc này và Wennerstrom liền biết đến anh. Thế là thình lình bắt đầu diễn ra các thứ chuyện lạ lùng. Trước hết anh bị đe dọa. Điện thoại gọi tới bằng thẻ vô danh nên không dò ra được ai gọi. Erika cũng bị đe dọa. Vẫn là trò ấm ớ quen thuộc: cúi đầu nghe tao không thì tao đóng đinh mày lên cửa nhà kho, đại khái thế. Dĩ nhiên cô ấy điên lên như một mụ già nanh nọc.

Anh lấy một điếu thuốc của Salander.

- Rồi xảy ra một việc tức vô cùng. Một tối đã muộn, anh ở tòa báo về thì bị tấn công, hai người đàn ông sấn tới đấm anh hai cú. Anh ngã xuống đường, môi sưng vều lên. Anh không nhận diện được chúng nhưng một trong hai thằng nom giống như một cha đua xe già.

- Rồi, nói nốt…

- Tất cả những trò này dĩ nhiên chỉ làm cho Erika cáu thêm và anh thì cứng cổ lên. Bọn này đặt hệ thống bíp bíp báo động ở Millennium. Vấn đề là các trò quấy rối này vượt ra ngoài mọi kích thước so với nội dung bài báo. Bọn này không thể dò ra tại sao lại có những trò ấy.

- Nhưng bài báo của anh lại rất khác với cái đó?

- Đúng. Thình lình anh có một cửa đột phá. Bọn này tìm được một cái nguồn, một “nguồn tin giấu tên” trong đám thân cận của Wennerstrom. Nguồn tin này thật ra cũng bị đe giết cho nên bọn này chỉ được gặp hắn ở các phòng khách sạn. Hắn bảo bọn này là tiền của Công ty Minos đang được dùng để buôn bán vũ khí trong cuộc chiến tranh ở Nam Tư. Wennerstrom đang làm ăn với cánh hữu Ustshe ở Croatia. Không chỉ thế, “nguồn tin” còn cho bọn này bản sao của các tài liệu để làm bằng.

- Anh tin hắn?

- Hắn láu. Hắn chỉ cho bọn này đủ tài liệu để dẫn bọn này đến một nguồn tin khác có thể xác nhận câu chuyện. Bọn anh còn được cho một bức ảnh chụp một trong các đồng sự thân thiết nhất của Wennerstrom bắt tay với người mua vũ khí. Đây là những vật liệu bom tấn với chi tiết tỉ mỉ và mọi cái nom vẻ thì đều là có thể kiểm chứng được. Cho nên bọn này đăng lên.

- Và nó là rỏm.

- Rỏm từ đầu đến cuối. Các tài liệu đã được dựng đặt ra rất siêu. Luật sư của Wennerstrom dễ dàng chứng minh bức ảnh của cấp dưới Wennerstrom và người lãnh đạo Ustashe là hai tấm hình khác nhau ghép lại.

- Hấp dẫn kinh nhỉ. – Salander nói.

- Sau nghĩ lại thấy bọn anh đã bị thao túng qua ư dễ. Câu chuyện ban đầu của bọn này thật sự có thể gây được thiệt hại cho Wennerstrom. Rồi nó đã bị chết chìm vì một trò giả mạo tinh vi. Bọn này đã đăng lên một bài báo mà Wennerstrom có thể nhặt riêng ra từng điểm để chứng minh lão vô tội.

- Anh không thể hồi tố và nói ra sự thật sao? Anh không có tuyệt đối một bằng chứng nào cho thấy là Wennerstrom đã giả mạo à?

- Nếu bọn anh cố nói ra sự thật và kết án Wennerstrom là đứng đằng sau tất cả chuyện này thì sẽ chả có ai tin đâu. Nó nom sẽ giống như một mưu toan tuyệt vọng đầy cái lỗi ngu xuẩn của bọn anh sang một nhà lãnh đạo công nghiệp vô tội này.

- Em hiểu rồi.

- Wennerstrom có hai tầng bảo vệ. Nếu sự giả mạo bị vạch ra thì lão sẽ có thể nói đây là một trong những kẻ thù của lão toan vu cáo lão. Và một lần nữa Millennium lại sẽ mất hết uy tín do bọn này mò thấy một cái gì rút cục lại là của giả.

- Cho nên anh quyết định không cãi và nhận án tù.

- Anh đáng bị thế. – Blomkvist nói. – Anh đã vu cáo. Bây giờ em biết rồi, anh có thể ngủ tiếp được không?

Anh tắt đèn và nhắm mắt lại. Salander nằm xuống cạnh anh.

- Wennerstrom là một tên găngxtơ.

- Anh biết.

- Không, em muốn nói, em biết lão là một tên găngxtơ. Hắn làm việc với tất cả từ mafia Nga đến cácten buôn ma túy Colombia.

- Em định nói gì?

- Khi em nộp cho Frode bản báo cáo, ông ta trao cho em một nhiệm vụ phụ thêm. Ông ta bảo em cố tìm ra cái gì đã xảy ra thật sự ở phiên tòa xét xử. Em vừa bắt đầu làm thì ông ta gọi Armansky và hủy việc kia với em.

- Sao lại hủy?

- Em cho rằng ngay khi anh nhận nhiệm vụ của Henrik Vanger là họ lập tức bỏ cuộc điều tra. Nó không còn là lợi ích tức thì trước mắt nữa.

- Rồi sao?

- Được, em không thích để công việc lấp lửng. Mùa xuân vừa rồi Armansky không có việc gì giao cho em, nên em đã đào bới đôi chút vào Wennerstrom để lấy vui.

Blomkvist ngồi dậy, bật đèn nhìn Salander. Anh bắt gặp mắt cô. Nom cô thật sự là người có lỗi.

- Em có tìm thấy cái gì không?

- Toàn bộ cái đĩa cứng của lão hiện nằm trong máy tính của em. Bằng chứng về chuyện hắn là một tên găngxtơ, anh cần bao nhiêu cũng đủ cung cấp hết cho anh.

--- ------ ------ ------ -------

1 Được đặt theo tên bác sĩ nhi khoa người Áo Hans Asperger (1906 – 1980), là một dạng của bệnh tự kỷ. Người mắc hội chứng Asperger có thể có một số khả năng đặc biệt nhưng thường gặp khó khăn về giao tiếp xã hội

28

Thứ Ba, 29 tháng Bảy

Thứ Sáu, 24 tháng Mười

Blomkvist miệt mài với máy in từ máy tính của Salander trong ba ngày ròng rã - những cái hộp đầy giấy. Vấn đề là các đầu đề cứ thay đổi miết với thời gian. Một vụ lựa chọn ở London. Một vụ tiền tệ ở Paris thông qua một trung gian. Một công ty với hòm thư ở Gibraltar. Một vụ thình lình tăng gấp đôi vốn trong tài khoản tại Chase Manhattan Bank ở New York.

Và rồi tất cả cái vấn đề khó hiểu kia đưa đến chú ý sau: một công ty thương mại với 200.000 curon trong một tài khoản chưa đụng đến đăng ký năm năm trước ở Santiago, Chile – một trong gần ba chục công ty như thế ở mười hai nước khác nhau – mà không cho thấy có dính dáng đến một xíu loại hoạt động nào. Một công ty mai phục? Phục chờ cái gì? Một tiền phương cho một kiểu hoạt động nào đó khác ư? Máy tính không cho manh mối nào về cái gì đang diễn ra trong đầu Wennerstrom hay về cái gì có thể đã tỏ tường hoàn toàn với lão cho nên không cần phải diễn đạt ở trong tài liệu điện tử. Salander đinh ninh cho rằng phần lớn các câu hỏi này sẽ không bao giờ được giải đáp. Hai người có thể xem thông tin nhưng họ không có chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của nó. Đế chế Wennerstrom giống như một củ hành có thể bóc lần lượt từng lớp; một mê cung những doanh nghiệp, cái này sở hữu cái kia. Công ty, tài khoản, cổ phần chứng khoán. Họ thừa nhận không ai – kể cả ngay chính Wennerstrom – có thể có được một cái nhìn bao quát khắp. Đế chế Wennerstrom có một cuộc sống của tự thân nó. Nhưng có một hình mẫu hay ít nhất một thoáng về mẫu hình. Một mê cung những doanh nghiệp cái này sở hữu cái kia. Đế chế của Wennerstrom được ước lượng xê xích ở vào giữa 100 và 400 tỉ curon tùy thuộc vào người mà bạn hỏi hay vào cách tính toán nó. Nhưng nếu các công ty sở hữu tài sản lẫn của nhau – vậy thì lúc đó giá trị của chúng sẽ là thế nào?

Hai người đã rất vội vã rời đảo Hedeby sáng sớm cái hôm Salander thả “quả bom” mà giờ nó chiếm mất hết thời gian của Blomkvist. Họ đi xe đến chỗ Salander và bỏ hai ngày ra ở trước máy tính của cô trong khi cô hướng dẫn anh đi xuyên suốt vào vũ trụ của Wennerstrom. Anh có nhiều câu hỏi. Một cái thuần túy là tò mò.

- Lisbeth, sao chỉ từ quan điểm thực hành thuần túy mà em lại có thể máy mó được vào máy tính của Wennerstrom?

- Cái này là một sáng chế mà Dịch Bệnh bạn em đã mò được ra. Wennerstrom có một máy tính xách tay IBM để lão làm việc, cả ở nhà lẫn ở công ty. Có nghĩa là tất cả thông tin đều ở trong một đĩa cứng duy nhất. Lão có một kết nối băng thông rộng với máy tính của hắn ở nhà. Dịch Bệnh sáng chế ra một kiểu thiết bị thu dữ liệu để nối vào đường truyền băng thông rộng, và em thì đem thử nghiệm nó cho anh ấy. Mọi cái Wennerstrom truy cập đều được ghi lại qua thiết bị thu dữ liệu ấy, và thiết bị ấy gửi tiếp toàn bộ dữ liệu đến một máy chủ nằm ở đâu đó.

- Lão không có tường lửa à?

Salander mỉm cười.

- Dĩ nhiên có chứ. Nhưng lý thú là ở chỗ cái thiết bị thu dữ liệu kia cũng vận hành như một kiểu tường lửa. Với thiết bị này thì phải mất một lúc mới chui được vào máy tính. Tạm nói là Wennerstrom có một email; nó đến trước tiên với thiết bị của Dịch Bệnh và bọn này có thể đọc được nó trước khi đi qua bức tường lửa của lão. Những chỗ siêu phàm là email này đã được viết lại và một vài bytes mã nguồn đã được thêm vào. Mỗi khi lão tải một cái gì đó về máy tính của lão thì việc này lại được lặp lại. Với hình ảnh thì còn tốt hơn nữa kia. Lão hay lướt mạng. Mỗi lần lão chọn nhặt một hình ảnh khiêu dâm hay mở một trang web, bọn này lại thêm vào vài dòng mã nguồn. Sau một thời gian, trong vài giờ hay vài ngày, tùy theo lão dùng máy tính nhiều hay ít, Wennerstrom đã vô tình tải xuống cả một chương trình xấp xỉ ba megabytes trong đó lần lượt các bit kết nối theo nhau.

- Rồi sao?

- Khi các bit cuối cùng đã yên vị, chương trình này liền tích hợp với trình duyệt Internet của lão. Với lão này thì máy lão nom cứ như đã bị khóa và lão phải khởi động lại. Trong khi khởi động, cả một chương trình phần mềm mới lập tức được cài đặt. Lão dùng Internet Explorer. Lần sau lão khởi động Explorer là lão thật sự khởi động toàn bộ một chương trình khác, hoàn toàn vô hình trên màn hình máy tính, nhìn và vận hành giống hệt Explorer nhưng còn làm được nhiều việc khác nữa. Trước hết nó kiểm soát tường lửa của lão và đảm bảo mọi việc chạy tốt. Rồi nó bắt đầu rà quét máy tính và truyền thông tin đi mỗi lần lão bấm chuột trong lúc lướt mạng. Sau một thời gian, lại tùy theo lão lướt nhiều hay ít, bọn này tích lũy được ở trên một máy chủ khác một bản sao hoàn hảo, gồm toàn bộ nội dung đĩa cứng của lão. Rồi thì đến lúc cho GLC.

- GLC?

- Xin lỗi. Dịch Bệnh gọi nó như thế, Giáp Lá Cà..

- Hiểu rồi.

- Điều thật sự tinh tế là chuyện xảy ra tiếp theo. Khi cấu trúc đã sẵn sàng, Wennerstrom có hai đĩa cứng hoàn chỉnh, một trong máy của lão và một trong máy chủ của bọn này. Lần sau lão mở máy tính thì thật ra là cái máy tính bản sao khởi động. Lão không còn làm việc trên máy tính của chính lão nữa, mà thực tế lão đang làm việc trên máy tính của bọn này. Máy tính của lão chạy có chậm hơn một ít, nhưng hầu như không thể phát hiện ra được. Và khi em kết nối với máy chủ, em có thể truy cập cùng lúc vào máy của lão. Mỗi khi Wennerstrom gõ một phím trên máy tính lão thì em sẽ thấy trên máy của em.

- Bạn của em cũng là hacker à?

- Anh ấy chính là người dàn xếp vụ nghe lỏm điện thoại ở London. Anh ấy có đôi chút xa lánh xã hội, nhưng trên Net thì anh ấy là một truyền thuyết.

- OK. – Blomkvist nói, cười gượng gạo với cô. – Câu hỏi hai: sao em không bảo anh sớm chuyện Wennerstrom?

- Anh có bao giờ hỏi đâu.

- Và nếu không ai hỏi bao giờ - giả dụ chúng ta không gặp nhau – thì em sẽ ngồi đây biết Wennerstrom là một tên găngxtơ trong khi Millennium sập tiệm ư ?

-Không ai bảo em trưng bày Wennerstrom ra là người thế nào cả. – Salander đáp lại, giọng của một người biết tỏng hết.

- Đúng, nhưng nếu có ai hỏi thì sao ?

- Thì em chả đã bảo anh rồi đấy thôi. – Cô nói.

Blomkvist cho buông vấn đề này.

Salander sao nội dung đĩa cứng của Wennerstrom – khoảng năm gigabytes – sang mười đĩa CD và cô cảm thấy ít nhiều đã dọn đến nhà Blomkvist. Cô kiên nhẫn chờ, trả lời mọi câu anh hỏi.

- Anh không hiểu sao lão ấy lại cù lần đến nỗi đem cho tất cả các quần áo bẩn thỉu của lão vào một cái đĩa cứng. – Anh nói. – Nếu mà nó lại rơi vào tay cảnh sát...

- Con người ta đôi khi lại rất ấm ớ, hẳn là lão ấy tin rằng cảnh sát không bao giờ nghĩ tịch thu máy tính của lão.

- Không còn nghi ngờ gì nữa. Đồng ý rằng lão là một thằng cha vô lại ngạo mạn, nhưng lão phải có bọn cố vấn an ninh mách lão cách kiểm soát máy tính của mình chứ. Có những tài liệu trong máy này được lập từ

- Máy tính bản thân là tương đối mới. Nó được làm ra từ một năm trước nhưng xem vẻ lão đã chuyển hết các thư tín cũ của lão cùng mọi các thứ khác vào một đĩa cứng chứ không cất vào trong các đĩa CD. Nhưng ít nhất lão đã dùng một chương trình mã hóa.

- Hoàn toàn vô dụng nếu anh đã ở trong máy tính của lão và đọc các mật khẩu mỗi lần lão đánh máy chúng vào.

Họ về Stockholm được bốn ngày thì Malm gọi vào di động của Blomkvist vào lúc 3 giờ sáng.

- Henry Cortez ở quán bar với bạn gái của hắn tối nay đấy.

- Ừ..., - Blomkvist ngái ngủ đáp.

- Trên đường về nhà chúng tôi sẽ đến bar Centralen.

- Không phải chỗ hay ho để tán gái.

- Nghe này. Dahlman đang nghỉ lễ. Henry thấy hắn ngồi ở một cái bàn với mấy gã.

- Rồi thì?

- Henry nhận ra cha này, Krister Soder, ngay từ dòng đầu tiên của bài báo của mình.

- Tớ không nghĩ là nhớ được ra tên cha này nhưng...

- Cha này làm cho tạp chí Monopoly Financial do Tập đoàn Wennerstrom sở hữu.

Blomkvist ngồi dựng ngay lên ở trên giường.

- Cậu còn nghe máy không đấy?

- Vẫn đang nghe đây. Chuyện cậu vừa kể không nói lên cái gì cả. Soder là một nhà báo và cha này có thể là chiến hữu đấy.

- Có thể tớ đã bị tâm thần phân lập. Nhưng trước đây một thời gian Millennium có mua một bài báo của một cha viết tự do. Một tuần trước khi chúng ta đăng nó, Soder cho ra một tường thuật tương tự gần như thế. Đấy là bài báo về nhà sản xuất điện thoại di động và bộ phận cấu thành bị hỏng.

- Tớ hiểu ý cậu. Nhưng kiểu trò này vẫn cứ là xảy ra. Cậu đã bảo Erika chưa?

- Không, tuần sau cô ấy mới về.

- Đừng làm gì cả. Tớ sẽ gọi cho cậu sau. – Blomkvist nói.

- Có vấn đề ư? – Salander hỏi.

- Millennium. – Blomkvist nói. – Anh phải đến đó. Có muốn đi cùng không?

Tòa soạn vắng tanh. Salander phải mất ba phút để bẻ gẫy bảo vệ mật lệnh ở máy tính của Dahlman. Và hai phút nữa để sao nội dung của nó sang iBook của Blomkvist.

Chắc phần lớn email của Dahlman là ở máy tính xách tay của hắn, họ không vào được nó. Nhưng qua máy tính để bàn của Millennium, Salander có thể phát hiện thấy ngoài địa chỉ thư điện tử millennium.se, Dahlman còn có một địa chỉ Hotmail.

Mất sáu phút để bẻ gẫy mã khóa và tải thư tín mấy năm qua của hắn. Năm phút sau Blomkvist có bằng chứng rằng Dahlman đã rò rỉ thông tin về tình hình ở Millennium và để cho biên tập viên tạp chí Monopoly Financial cập nhật được những chủ đề mà Berger dự định cho mỗi số Millennium. Việt dò thám ít nhất đã diễn ra từ mùa thu trước.

Họ tắt máy tính rồi quay về nhà Blomkvist ngủ vài giờ. 10 giờ sáng, anh gọi Christer Malm.

- Tớ có bằng chứng Dahlman đang làm cho Wennerstrom.

- Tớ biết ngay mà. Được lắm, hôm nay tớ sẽ đuổi cổ con lợn khốn kiếp này đi.

- Không, đừng. Đừng làm gì hết cả.

- Không gì cả ư?

- Christer, hãy tin tớ đi. Dahlman còn nghỉ chứ?

- Ừ, thứ Hai hắn mới về.

- Hôm nay có bao nhiêu người ở tòa soạn?

- À, khoảng một nửa.

- 2 giờ, cậu có thể triệu tập họp một lúc được không? Không nói họp việc gì. Tớ sẽ đến.

Có sáu người ngồi quanh bàn họp. Nom Malm mệt mỏi. Cortez thì như một tay vừa mới yêu, cái dáng điệu chỉ đám hai mươi tư tuổi mới để lộ ra cho thấy. Nilsson nom cáu kỉnh – Malm chưa cho ai hay cuộc họp bàn chuyện gì – nhưng chị đã ở tạp chí khá lâu để biết rằng đang xảy ra một cái gì khác với thường nhật. Và chị bực là đã bị giữ ở bên ngoài mắt xích. Chỉ có một người vẫn như thường lệ là Ingela Oskarsson, người làm thêm, hai ngày một tuần đến xử lý những việc hành chính đơn giản, danh sách các khách hàng đặt mua báo; chị nom không thật sự thư thái do hai năm trước đã là mẹ. Người làm thêm thứ hai là phóng viên tự do Lotta Karim, người có hợp đồng giống như hợp đồng của Cortez và vừa mới trở về làm việc sau kỳ nghỉ. Malm cũng mời được Magnusson đến họp tuy anh vẫn còn hạn nghỉ.

Blomkvist bắt đầu chào mừng nhiệt liệt mọi người và xin lỗi đã vắng mặt quá lâu.

- Điều mà chúng ta sắp thảo luận sáng nay thì Christer và tôi chưa bàn với Erika nhưng tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng trong trường hợp này tôi cũng nói cho cả chị ấy. Hôm nay chúng ta sẽ quyết định tương lai của Millennium.

Anh dừng lại cho lời lẽ ngấm sâu. Không ai hỏi gì.

- Năm vừa qua chúng ta gay go. Tôi ngạc nhiên và tự hào là không ai trong các bạn đã nghĩ lại mà đi tìm việc làm ở một nơi nào khác. Tôi phải thừa nhận rằng thế là hoặc các bạn hóa rồ hoặc trung thành tuyệt đối với thật tâm muốn làm việc tại tạp chí này. Bởi thế tôi không che giấu gì hết với các bạn mà xin các bạn một cố gắng cuối cùng.

- Cố gắng cuối cùng? – Nilsson nói. – Nghe như anh muốn cho tạp chí đóng cửa vậy.

- Đúng thế, Monika, - Blomkvist nói. – Và cảm ơn chị đã nói ra như thế. Lúc trở về Erika sẽ triệu tập tất cả chúng ta lại để có một cuộc họp buồn của tòa soạn và bảo chúng ta rằng Millennium sẽ đóng cửa vào lễ Giáng Sinh, rằng tất cả các bạn sẽ phải nghỉ việc.

Tất cả bắt đầu nhớn nhác. Cả Malm trong thoáng giây cũng nghĩ Blomkvist nói nghiêm túc. Rồi mọi người nhận ra anh đang toét miệng cười.

- Việc các bạn phải làm trong mùa thu này là chơi một trò hai mang. Điều không hay là giám đốc trị sự thân mến của chúng ta, Janne Dahlman đang làm “người đưa tin ngoài giờ” cho Hans-Erik Wennerstrom. Như thế nghĩa là ở tòa soạn đây chúng ta làm gì thì bên kia họ biết rõ hết. Như thế mới giải thích được tại sao chúng ta đã phải nếm một số thất bại. Đặc biệt chị, Sonny, khi mà các khách đăng quảng cáo vốn mặn mà với chúng ta bỗng dưng rút lui không hề báo trước.

Dahlman chưa hề được lòng người ở tòa báo, việc vạch mặt anh ta không gây ra chấn động nào đối với ai. Blomkvist cắt ngang lời xì xầm bắt đầu nổi lên.

- Sở dĩ tôi nói chuyện này với các bạn là vì tôi tin tưởng tuyệt đối ở các bạn. Tôi biết tất cả các bạn đều là những người đàng hoàng ngay thẳng. Cũng bởi thế tôi biết là các bạn sẽ phải “diễn” theo việc sẽ xảy ra trong mùa thu này. Để Wennerstrom tin rằng Millennium đang sắp sập tiệm là rất quan trọng. Công việc của các bạn là làm cho lão tin rằng chúng ta sập tiệm.

- Tình hình thật sự của chúng ta ra sao? – Cortez hỏi.

- OK, như thế này: căn cứ thông tin có được thì Millennium đúng là đang trên đường đi đến nấm mồ. Tôi lấy danh dự ra bảo đảm với các bạn là sẽ không có chuyện đó. Hiện nay Millennium mạnh hơn một năm trước. Cuộc họp này xong, tôi lại sẽ biến đi hai tháng. Đến cuối tháng Mười tôi sẽ trở lại. Lúc ấy chúng ta sẽ cắt cụt cánh của Wennerstrom.

- Sao chúng ta lại làm như thế? – Nilsson hỏi.

- Xin lỗi, Monika. Tôi không muốn nói với chị chi tiết nhưng tôi đang viết một bài báo mới và lần này chúng ta sẽ làm việc đó cho ra tấm ra món. Tôi đang nghĩ trong bữa tiệc Noel sẽ có món Wennerstrom quay cùng với món tráng miệng là nhiều kiểu bài phê phán.

Không khí hào hứng hẳn lên. Blomkvist tự hỏi nếu anh là người ngồi cùng với anh chị em nghe những điều vừa rồi thì anh sẽ cảm thấy thế nào. Nghi hoặc? Phần lớn có thể là thế. Nhưng xem ra anh vẫn có vài “cốt cán” ở trong cái nhóm nhân viên nhỏ nhoi của Millennium. Anh giơ tay lên.

- Muốn chuyện kia thành được thì quan trọng là phải để cho Wennerstrom tin là Millennium đang sắp sập tiệm vì tôi không muốn lão trổ ra vài kiểu trả miếng hay xóa đi bằng chứng mà chúng ta định đem trình làng. Cho nên chúng ta sắp viết một kịch bản mà trong các tháng tới các bạn sẽ làm theo. Trước hết, quan trọng là không một điều gì chúng ta thảo luận hôm nay lại được ghi lại hay nhắc đến trong các email. Chúng ta không biết Dahlman hiện đã thâm nhập đến đâu vào trong các máy tính của chúng ta và tôi bắt đầu nhận thấy là có một việc đơn giản đến đáng sợ là đọc thư cá nhân của đồng sự. Vậy chúng ta sẽ bàn bạc miệng thôi. Nếu các bạn thấy cần thông tin một cái gì thì đến nhà Christer mà gặp. Phải thật kín đáo.

Blomkvist viết lên bảng trắng chữ: “Không email”.

- Thứ hai, những lúc có Dahlman ở quanh, tôi muốn các bạn bắt đầu cãi cọ nhau và kêu ca tôi cùng Erika. Đừng tố quá liều. Hãy thả cho cái chất quậy tự nhiên trong mỗi chúng ta nó được sổng ra tung hoành. Christer, tôi muốn có một bất đồng nghiêm trọng giữa anh và Erika. Hãy vẽ đại ra một chuyện và giấu kín lý do.

Anh viết lên bảng trắng: “Bắt đầu quậy đi”.

- Thứ ba, khi Erika về, việc của chị ấy là làm sao cho Dahlman nghĩ thỏa thuận giữa chúng ta và Tập đoàn Vanger – họ quả thật ủng hộ chúng ta mạnh mẽ - đã sụp đổ hoàn toàn vì Henrik Vanger ốm nặng còn Martin Vanger thì chết vì đâm xe.

Anh viết lên chữ: “Phao tin nhảm”.

- Nhưng thỏa thuận là vững chắc thật chứ?

- Xin tin tôi. – Blomkvist nói, - Tập đoàn Vanger sẽ làm tới số để cho Millennium sống sót. Vài tuần nữa, cho là cuối tháng Tám đi, Erika sẽ mời họp để báo cho các bạn về chuyện giãn bớt nhân sự. Các bạn đều biết đây là mẹo, người duy nhất sẽ dời đi là Dahlman. Nhưng hãy bàn chuyện tìm việc mới, rồi ca thán rằng Millennium là một vết xấu trong sơ yếu lý lịch.

- Anh nghĩ trò chơi này đúng là sẽ cứu Millennium thật chứ? – Magnusson nói.

- Tôi biết nó sẽ là như thế. Còn Sonny, tôi muốn chị làm một báo cáo giá hàng tháng cho thấy tiền thuê đăng quảng cáo tụt cũng như khách thuê đăng giảm đi.

- Nghe ngộ đấy. – Nilsson nói. – Chuyện này chúng ta giữ ở trong nội bộ hay là cũng nên rỉ ra cho báo đài khác nữa?

- Nội bộ thôi. Nếu câu chuyện này xuất hiện ở đâu thì chúng ta sẽ biết ai nói. Vài tháng sau, nếu có ai hỏi chúng ta về chuyện này, chúng ta có thể bảo họ: bạn đã nghe phải tin đồn không có cơ sở, chúng tôi không bao giờ lại muốn đóng cửa Millennium. Điều hay nhất có thể xảy ra là Dahlman đi mách lẻo cho các báo đài khác. Nếu có thể xì ra cho Dahlman một câu chuyện ngu xuẩn thì các bạn xì ra được nhiều bao nhiêu càng hay bấy nhiêu.

Họ bỏ một giờ ra viết một kịch bản rồi phân vai.

Sau cuộc họp Blomkvist uống cà phê với Malm ở quán Java trên đường Horngatspuckeln.

- Christer, cậu ra đón Erika ở sân bay và báo cho cô ấy biết hết mọi sự. Cậu phải thuyết phục cô ấy cùng chơi trò này. Với tính khí của Erika thì cô ấy sẽ tức tốc đi đối chất với Dahlman ngay – nhưng không thể nào như thế được. Tớ không muốn Wennerstrom nghe thấy bất cứ xì xào nào rồi tìm cách xóa bằng chứng.

- Sẽ làm.

- Và trông sao cho Erika xa cái máy tính của cô ấy cho tới khi cô ấy cài được chương trình mã hóa PGP và học được cách sử dụng. Rất nhiều phần chắc là qua Dahlman, Wennerstrom đã đọc được mọi chuyện mà tớ và cô ấy vẫn email cho nhau. Tớ muốn cậu và mọi người ở tòa soạn đều cài đặt PGP. Làm rất là tự nhiên thôi. Tìm tên một cố vấn máy tính để liên hệ và mời ông ta đến kiểm tra mạng máy tính cùng mọi máy tính của tòa báo. Để ông ta cài đặt phần mềm kia y như là một phần việc hoàn toàn tự nhiên của tòa soạn vậy.

- Tớ sẽ làm hết sức. Nhưng Blomkvist – cậu đang làm về cái gì thế?

- Wennerstrom.

- Chính xác ra là cái gì?

- Lúc này đây là bí mật của tớ.

Malm nom không thoải mái.

- Blomkvist, tớ luôn tin cậu. Thế này là cậu không tin tớ à?

Blomkvist cười to.

- Tất nhiên tin chứ. Nhưng hiện giờ tớ đang dính vào những hoạt động tội phạm nghiêm trọng có thể cho tớ hai năm tù giam. Chính là tính chất của việc tớ điều tra nghiên cứu nó có chút khả nghi… Tớ đang chơi bằng các mánh gian giống như Wennerstrom đã chơi. Tớ không muốn cậu, Erika hay bất cứ ai ở Millennium vì kiểu gì đó mà bị liên lụy.

- Cậu đang làm cho tớ căng thẳng phát sợ lên đây.

- Bình tĩnh nào, Christer, bảo Erika là chuyện này sẽ thành lớn đấy.

- Lớn thật.

- Erika sẽ đòi biết bằng được cậu đang làm cái gì…

Blomkvist nghĩ một lúc. Rồi mỉm cười.

- Bảo cô ấy rằng mùa xuân, khi cô ấy ký ở sau lưng tớ một hợp đồng với Henrik Vanger rằng tớ nay chỉ là một tay viết tự do thông thường, không còn ngồi trong ban biên tập và không còn ảnh hưởng tí nào đến chính sách của Millennium là cô ấy đã làm cho tớ tỉnh ra rất nhiều rồi. Nghĩa là tớ không còn phải giữ cái bổn phận thông tin cho cô ấy nữa. Nhưng tớ hứa rằng nếu cô ấy ứng xử tốt, tớ sẽ cho cô ấy được lựa chọn đầu tiên trong câu chuyện.

- Cô ấy sẽ đi tới bến đấy. – Malm hào hứng nói.

Blomkvist biết anh đã không hoàn toàn trung thực với Malm. Anh có ý tránh Erika. Việc tự nhiên nhất phải làm là ngay lập tức phải tiếp xúc với cô và nói cho cô những thông tin mà anh nắm được. Nhưng anh không muốn nói với Erika. Đã đến chục lần anh đứng với di động trong tay chuẩn bị gọi cho cô. Lần nào anh cũng đổi ý.

Anh biết vấn đề là gì. Anh không thể nhìn thẳng vào mắt cô. Chuyện giấu sự thật mà anh tham gia là không thể tha thứ xét từ quan điểm nghề nghiệp. Anh không biết làm thế nào để giải thích cho cô mà không phải nói dối, và một việc anh không bao giờ nghĩ sẽ phải làm, đó là nói dối Erika Berger.

Trên hết, anh không có đủ sức để vừa giải quyết chuyện này lại vừa xử trí Wennerstrom. Cho nên anh thôi gặp cô, tắt di động và tránh chuyện trò với cô. Nhưng anh biết việc tự kìm mình lại này chỉ là tạm thời mà thôi.

Ngay sau cuộc họp tòa soạn, Blomkvist đi đến căn nhà nhỏ bằng gỗ của anh ở Sandhamn; hơn một năm rồi anh chưa ở đây. Hành lý của anh gồm có hai hộp tài liệu đã in từ máy tính và các đĩa CD mà Salander đã cho anh. Anh mua sẵn nhiều thực phẩm, khóa cửa lại, mở iBook và bắt đầu viết. Ngày ngày anh làm một cuốc đi bộ ngắn, mua báo và tạp phẩm. Bến tàu cho khách vẫn đầy du thuyền, đám trẻ mượn tàu của bố thường ngồi ở quán bar Divers, uống cho đến mức ú a ú ớ. Blomkvist rất ít khi hòa nhập vào những người ở xung quanh anh. Anh ngồi trước máy tính từ lúc mở mắt cho đến lúc ngã lăn ra giường vào ban đêm, mệt phờ.

Email được mã hóa của tổng biên tập gửi chủ bút đang nghỉ phép vắng :

Mikael, em muốn biết đang có chuyện gì – trời ạ, em vừa nghỉ hè về mà đã phải giải quyết đống hỗn loạn này đây. Tin về Janne Dahlman và cái trò chơi hai mang anh nghĩ ra kia. Martin Vanger chết. Harriet Vanger sống. Chuyện gì ở Hedeby thế? Anh ở đâu? Có một bài báo ư? Tại sao di động của anh không trả lời? /E.

T.B. Em hiểu sự ám chỉ mà Christer tiếp âm hể hả như thế kia. Anh sẽ phải nhận là anh sai. Anh cáu ghê với em ư?

Lại T.B. Em tin anh lúc này nhưng anh sẽ phải cho ra bằng chứng – anh nhớ chứ, cái món đứng được trước tòa - ở J.D.

_________

Từ

Gửi :

Chào Erika. Không, thề có Chúa, anh không cáu. Xin lỗi đã không cập nhật cho em nhưng mấy tháng qua trong đời anh nó loạn xà ngầu. Anh sẽ nói hết khi chúng ta gặp nhau nhưng không qua email. Anh ở Sandhamn. Có chuyện nhưng không phải là về Harriet Vanger. Anh phải dính liền vào máy tính ở đây một thời gian. Rồi sẽ xong. Tin anh đi. Ôm hôn. M.

___ ___

Từ

Gửi :

Sandhamn à? Em đến gặp anh ngay tức thì đây.

___ ___

Từ

Gửi :

Ngay lúc này thì không được. Chờ hai ba tuần, ít nhất cũng tới khi anh dựng xong đề cương. Ngoài ra anh đang chờ bạn cùng làm.

___ ___

Từ

Gửi :

Đã vậy thì em không đến. Nhưng em phải biết đang có chuyện gì. Henrik lại thành CEO, ông ta không trả lời em. Nếu mối làm ăn với Vanger bong thì em tuyệt đối cần được biết. Ricky.

T.B. Cô ấy là ai?

___ ___

Từ

Gửi :

Trước hết, không có chuyện Henrik rút dù. Nhưng ông ấy vẫn chỉ làm chút ít, anh đoán cái náo loạn sau việc Martin chết và Harriet tái xuất hiện đang có hại cho sức khỏe của ông ấy.

Thứ hai: Millennium sẽ sống. Anh đang viết một bài báo tường thuật quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta, khi đăng nó, chúng ta sẽ cho Wennerstrom chìm nghỉm tắp lự một lần và vĩnh viễn.

Thứ ba, Đời sống của anh hiện đang tanh bành nhưng về phần em và anh và Millennium – thì không có gì thay đổi hết. Tin anh. Hôn nhiều/ Mikael.

T.B. Hễ tự nhiên có dịp thì anh sẽ giới thiệu ngay em.

Khi đến Sandhamn, Salander thấy một Blomkvist râu ria, mắt sâu hoắm, ôm vội cô một lát rồi bảo cô làm cà phê và chờ anh viết xong chỗ đang dở.

Salander nhìn quanh căn nhà gỗ và gần như tức thì quyết định là thích nó. Nó ở ngay bên một đê chắn sóng, nước ở cách cửa nhà ba bước. Nó chỉ rộng năm trên sáu mét nhưng trần cao nên có được một gác lửng để ngủ. Cô có thể đứng thẳng ở trên đó hẳn hoi. Blomkvist sẽ phải lom khom. Giường đủ rộng cho cả hai người họ.

Căn nhà gỗ có một cửa sổ lớn trông ra mép nước gần sát cửa ra vào. Bàn bếp của anh ở đó, kiêm thêm luôn là bàn làm việc. Trên tường gần bàn làm việc là một cái giá với một máy nghe đĩa và một bộ sưu tập lớn các đĩa nhạc của Elvis cùng hard rock, đều không phải là thứ mà thoạt nhìn Salander đã chọn lấy liền.

Trong góc là một lò đun củi được xây bằng đá, mặt trước lên nước sáng bóng. Đồ đạc thưa thớt còn lại gồm một tủ to cất áo quần, chăn khăn, vải vóc và một bồn dùng làm chỗ rửa ráy ở đằng sau một tấm rèm. Gần bồn là một cửa sổ nhỏ ở hông căn nhà. Bên dưới cầu thang trôn ốc lên gác lửng, Blomkvist ngăn một chỗ riêng để làm nhà vệ sinh. Toàn bộ căn nhà nhỏ được xếp đặt giống như một ca bin trên một con tàu với những khe những hốc cho các vật cần chứa cất.

Trong cuộc điều tra riêng về Mikael Blomkvist, Salander đã thấy anh tu sửa lại căn nhà gỗ và làm lấy đồ nội thất – kết quả này là rút ra từ bình luận của một chỗ quen biết sau khi thăm viếng Sandhamn – đã phục tài nghệ thủ công của anh mà gửi email cho anh. Mọi thứ đều sạch sẽ, không phô phang và đơn giản, gần với thanh đạm. Cô hiểu tại sao anh yêu căn nhà gỗ này ở Sandhamn đến thế.

Sau hai giờ cô đã làm cho Blomkvist phân tâm đến mức thất vọng rời máy tính, cạo râu rồi dẫn cô đi một vòng xung quanh. Trời mưa gió, họ nhanh chóng náu vào trong một quán trọ. Blomkvist kể với cô anh đang viết gì và Salander thì cho anh một đĩa CD với những tài liệu mới nhất lấy từ máy tính của Wennerstrom.

Rồi cô đưa anh lên gác lửng, xoay sở cởi quần áo anh ra và thậm chí còn làm cho anh khuây khỏa hơn nữa. Khuya đêm ấy cô thức dậy thấy mình nằm một mình. Cô hé mắt nhòm xuống thấy anh đang còng lưng ngồi trước máy tính. Cô nằm đó một lúc lâu, chống một tay lên cằm nhìn anh. Anh nhìn cô vẻ vui và cô cũng cảm thấy hài lòng lạ lùng với cuộc đời.

Salander chỉ ở lại năm ngày rồi cô đi Stockholm làm việc cho Armansky. Cô làm viẹc này mất mười một ngày, làm báo cáo, rồi lại quay về Sandhamn. Đống giấy in bên cạnh Blomkvist cao dần lên.

Lần này cô ở lại bốn tuần. Hai người đã rơi vào nếp quen, họ dậy lúc 8 giờ, ăn lót dạ, ở với nhau khoảng một giờ. Rồi Blomkvist làm việc cật lực cho đến chiều muộn thì hai người đi bộ và trò chuyện. Phần lớn thời gian Salander ôm giường, hoặc đọc sách hoặc lướt mạng bằng modem L của Blomkvist. Cô cố không làm phiền anh ban ngày. Họ ăn tối khá muộn và rồi chỉ Salander chủ động buộc anh lên gác lửng, ở đấy cô thấy anh hiến hết tâm lực của anh cho cô.

Cứ tựa như cô đang có kỳ nghỉ đầu tiên trong đời vây.

Email đã được mã hóa của

Gửi :

Chào M. nay đã chính thức, Janne Dahlman đã từ chức và ba tuần nay bắt đầu làm việc ở tạp chí Monopoly Financial. Em đã làm như anh yêu cầu và không nói gì, mọi người đang láo nháo chơi các trò con khỉ. E.

T.B. Họ có vẻ thú. Hai hôm trước Henry và Lotta bắt đầu đánh nhau, ném các thứ vào nhau. Họ đang chọc lộ liễu vào cái đầu của Dahlman đến nỗi em không hiểu làm sao hắn lại không nhận ra được đây chỉ là một trò xếp đặt.

___ ___

Từ

Gửi :

Chuyển lời anh chúc hắn may mắn, chuyển nhé, và để cho hắn đi tuốt một lèo luôn. Nhưng khóa “đĩa bạc” lại. Ôm hôn/M.

___ ___

Từ

Gửi :

Hai tuần trước khi chúng ta đi in, em không có trưởng ban biên tập mà phóng viên điều tra của em thì ngồi ở Sandhamn lờ đi không chuyện trò gì với em. Mikael, em đang quỳ gối đấy. Anh vào được không? Erika.

___ ___

Từ

Gửi :

Cố giữ vững hai tuần nữa là chúng ta sẽ tự do ở nhà. Hãy bắt đầu lên kế hoạch cho một số báo tháng Mười hai, không giống chút nào với các số báo chúng ta đã làm trước đây. Món này sẽ chiếm mất 40 trang. M.

___ ___

Từ

Gửi :

40 trang!!! Bị loạn óc à?

___ ___

Từ

Gửi :

Sẽ là một số đặc biệt. Anh cần ba tuần nữa. Em cố làm được những việc sau đây: (1) đăng ký một công ty phát hành với tên Millennium, (2) lấy một mã số ISBN, (3) đề nghị Christer làm một logo hay ho cho công ty phát hành mới của chúng ta, và (4) tìm một nhà in tốt có thể cho ra nhanh và rẻ một quyển sách bìa giấy thường. Nhân thể, sắp cần vốn để in quyển sách đầu tiên của chúng ta. Hôn/ Mikael.

___ ___

Từ

Gửi :

Số đặc biệt. Nhà sách. Tiền. Vâng, thưa “ông chủ”. Em có thể làm cho ông cái gì khác nữa đây ạ? Nhảy khỏa thân ở Slussplan nhá?/ E.

T.B. Em cho là em biết anh đang làm gì. Nhưng em làm gì với Dahlman đây?

___ ___

Từ

Gửi :

Đừng làm gì với Dahlman cả. Bảo hắn được tự do biến ngay và muốn gì em cũng không chắc trả được lương cho hắn. Monopoly Financial sẽ không sống sót lâu nữa đâu. Đưa nhiều hơn tài liệu của cây bút tự do vào số này. Và vì Chúa, hãy mướn một trưởng biên tập mới. /M .

T.B. Slussplan ư? Đó là một cuộc hẹn hò.

___ ___

Từ

Gửi :

Slussplan – trong mơ của anh ấy! Nhưng chúng ta luôn cùng nhau mướn người mà. / Erika.

___ ___

Từ

Gửi :

Chúng ta luôn nhất trí nên mướn ai. Lần này cũng vậy, không cần biết em chọn ai. Chúng ta đang sắp hạ thủ Wennerstrom. Tất cả câu chuyện là vậy. Cứ để mặc anh kết thúc yên ổn việc này. / M.

Đầu tháng Mười, Salander đọc một bài báo trên ấn bản Internet của Hedestad Courier. Cô nói với Blomkvist. Isabella đã chết sau một cơn bệnh ngắn ngủi. Bà đã được con gái, Harriet Vanger chôn cất và Harriet sau đó đã về Australia.

Email được mã hóa của

Gửi :

Chào Mikael,

Harriet Vanger đến gặp em ở tòa báo hôm nay. Năm phút trước khi đến, chị ấy gọi và em chả chuẩn bị được gì. Một phụ nữ đẹp, quần áo sang trọng và một cái nhìn điềm đạm.

Chị ấy đến nói sẽ thay Martin Vanger làm người đại diện của Henrik ở ban lãnh đạo tạp chí chúng ta. Xã giao và thân thiện, chị ấy bảo đảm với em rằng Tập đoàn Vanger không có kế hoạch rút ra khỏi bản thỏa thuận. Trái lại toàn gia đứng trọn vẹn ở đằng sau các nghĩa vụ của Henrik đối với tạp chí. Chị ấy yêu cầu đi một vòng xem các ban bệ của tòa soạn và chị ấy muốn biết em nhìn nhận tình hình như thế nào.

Em nói sự thật với chị ấy. Là em cảm thấy như không có đất ở dưới chân, là anh cấm em đến Sandhamn, là em không biết anh đang làm gì, ngoài việc anh định cho Wennerstrom chìm tàu. (Em cho rằng nói thế là OK. Dẫu sao chị ấy cũng ở phe ta). Chị ấy nhướng lông này lên cười rồi hỏi em có nghi ngờ thành công của anh không. Em nên nói thế nào nhỉ? Em nói em sẽ ngủ dễ hơn chút chút nếu em biết chính xác anh đang viết cái gì. Ừ, lẽ đương nhiên em tin anh chứ. Nhưng anh làm em phát điên đấy.

Em hỏi chị ấy có biết anh đang làm gì không. Chị ấy nói không nhưng chị ấy có cảm tưởng anh nắm rất nhiều thông tin và anh có một cách suy nghĩ sáng tạo mới mẻ (Lời chị ấy).

Em nói rằng em cũng suy ra thấy một cái gì đó đau thương đã xảy ra ở Hedestad và em hơi tò mò về câu chuyện liên quan đến bản thân Harriet Vanger. Tóm lại em cảm thấy mình là con ngu. Chị ấy hỏi em là anh thật sự không nói gì với em hết à. Chị ấy nói chị ấy biết em và anh có một quan hệ đặc biệt và chắc chắn khi có thì giờ anh sẽ nói bài viết ấy với em. Rồi chị ấy hỏi liệu chị ấy có thể tin em được không. Em nên trả lời sao đây? Chị ấy ở trong ban lãnh đạo của Millennium còn anh thì bỏ em ở đây trong bóng tối hoàn toàn.

Rồi chị ấy nói một điều ngồ ngộ. Chị ấy yêu cầu em đừng nhìn chị ấy và anh quá khắc nghiệt. Chị ấy nói chị ấy nợ anh một món nợ về lòng biết ơn, chị ấy thật sự muốn em và chị ấy cũng là bạn bè. Rồi chị ấy hứa một ngày nào đó sẽ kể với em câu chuyện nếu như anh không thể kể. Chị ấy đi cách đây nửa giờ mà em vẫn cứ còn ngơ ngẩn. Em nghĩ em mến chị ấy, nhưng con người này là ai?/ Erika.

T.B. Em nhớ anh. Em có cảm giác đang xảy ra một chuyện gì kinh tởm ở Hedestad. Christer nói anh có một cái dấu lạ ở cổ.

___ ___

Từ

Gửi :

Chào Erika. Chuyện về Harriet đáng sợ đến thảm thương mà em thậm chí chẳng thể tưởng tượng ra. Nếu chị ấy tự kể cho em thì nhất đấy. Anh thấy khó mà bắt anh nghĩ tới việc đó được.

Nhân đây, em có thể tin chị ấy. Chị ấy bảo nợ anh cái sự biết ơn là chị ấy nói đúng đấy – và hãy tin anh đi, chị ấy sẽ không làm gì để gây khó dễ cho Millennium đâu. Nếu em mến chị ấy thì cứ làm bạn với chị ấy. Chị ấy đáng được kính trọng. Chị ấy là một nữ doanh nhân sừng sỏ đấy. / M.

Hôm sau Blomkvist nhận được một email nữa.

Từ

Gửi

Chào Mikael. Mấy tuần qua tôi cố tìm ra thì giờ để viết cho anh. Nhưng hình như trong một ngày không bao giờ lại có đủ thời gian cả. Anh bỏ Hedeby đi bất ngờ quá, tôi không được chào chia tay.

Từ ngày về Thụy Điển, ngày giờ của tôi gồm đầy những cảm tưởng ngỡ ngàng và công việc gay go. Tập đoàn Vanger đang hỗn loạn, cùng với Henrik tôi đang chật vật để thu xếp cho nó ngăn nắp lại. Hôm qua tôi đến thăm tòa soạn Millennium; tôi sẽ là đại diện của Henrik ở ban lãnh đạo. Henrik đã nói với tôi mọi chi tiết về tình hình tờ tạp chí và anh.

Tôi hy vọng anh chấp nhận tôi ra mắt như thế này. Nếu anh không muốn tôi (hay một ai khác trong gia đình) ở trong ban lãnh đạo thì tôi cũng thông cảm, nhưng tôi bảo đảm với anh rằng tôi sẽ làm hết sức để ủng hộ Millennium. Tôi mang nợ lớn với anh, ở mặt này tôi luôn có những ý định tốt đẹp nhất.

Tôi đã gặp Erika Berger, đồng nghiệp của anh. Chị ấy nghĩ gì về tôi thì tôi không đoán chắc, tôi ngạc nhiên biết là anh không kể với chị ấy chuyện gì đã xảy ra.

Tôi rất muốn là bạn của anh. Nếu anh có thể nhận có liên quan gì đó nhiều hơn nữa với gia đình Vanger. Hết sức trân trọng. / Harriet

T.B. Qua Erika tôi biết anh lại đang dự định cho Wennerstrom đắm đò. Dirch Frode nói Henrik đã làm cho anh mệt, như họ nói ở Australia. Tôi có thể nói được gì đây? Tôi rất tiếc. Nếu tôi làm được gì, hãy cứ cho tôi hay.

___ ___

Từ

Gửi :

Chào Harriet. Tôi rời Hedeby gấp gáp quá và hiện tôi đang làm cái việc thật sự tôi nên bỏ thì giờ của tôi trong năm nay ra cho nó. Chị sẽ được báo rất sớm trước khi bài báo được đăng. Nhưng tôi có thể nói các vấn đề của năm qua sẽ sớm kết thúc.

Tôi hy vọng chị và Erika sẽ là bạn và dĩ nhiên là tôi chả có vấn đề gì với việc chị ở trong ban lãnh đạo của Millennium sất cả. Tôi sẽ nói với Erika những chuyện đã xảy ra, nếu chị thấy đó là khôn ngoan. Henrik muốn tôi không nói bất cứ cái gì với bất cứ ai. Để xem đã, nhưng trước mắt tôi không có thì giờ và năng lượng và tôi cần trước hết một khoảng cách nho nhỏ.

Chúng ta hãy giữ liên hệ với nhau. Tốt đẹp nhất / Mikael.

Salander chẳng quan tâm đặc biệt đến việc Blomkvist đang viết gì. Khi Blomkvist nói điều gì đó, cô ngửng đầu lên khỏi quyển sách, thoạt đầu cô không nghe thấy.

- Xin lỗi, anh buột nói to lên thôi, anh nói cái này kinh khủng.

- Cái gì kinh khủng?

Wennerstrom có chuyện với một cô hầu hai mươi hai tuổi và làm cho cô ấy có chửa. Em có đọc thư lão gửi cho luật sư riêng không?

- Mikael thân mến, anh có những mười năm thư tín, email, thỏa thuận, lịch đi lại, và Chúa mà biết là còn những gì nữa ở trong đĩa cứng. Em không thấy Wennerstrom hấp dẫn đến độ em phải đem sáu GB rác rưởi găm vào đầu mình. Em đã đọc qua một phần, chính là để thỏa cái sự tò mò và chỉ thế thôi cũng đã đủ cho em thấy lão là một tên găngxtơ.

- OK. Lão làm cô ấy có chửa năm 1997. Khi cô ấy đòi bồi thường, luật sư của lão đã nhờ ai đó đến bảo cô ấy phá thai. Anh cho là lão định cho cô ấy một khoản tiền lớn nhưng cô ấy không thiết. Rồi cuộc thuyết phục kết thúc bằng việc dìm cô ấy trong bồn tắm đầy nước cho đến khi cô ấy bằng lòng để cho Wennerstrom yên. Thằng ngu của Wennerstrom viết tất cả chuyện đó vào email gửi luật sư – dĩ nhiên được mật hóa, nhưng dù cho là thế đi… Việc này không nói được mấy về IQ của cái lũ này.

- Sau rồi cô gái sao?

- Phá thai và Wennerstrom vui vẻ.

Salander im lặng chừng mười phút. Mắt cô chợt tối sầm.

- Thêm một đứa ghét phụ nữ nữa. – Cuối cùng cô lẩm bẩm.

- Cô mượn các đĩa CD rồi bỏ mấy ngày sau ra đọc hết các email cùng tài liệu khác của Wennerstrom. Trong khi Blomkvist vẫn viết, Salander leo lên gác lửng với chiếc PowerBook đặt lên đầu gối nghiền ngẫm về đế chế khác thường của Wennerstrom.

Cô bật ra một ý và cô không thể buông nó đi. Cô chỉ nghĩ tại sao cô không biết sớm hơn những cái này.

Cuối tháng Mười, Blomkvist tắt máy tính lúc mới 11 giờ sáng. Anh lên gác lửng đưa cho Salander những cái anh vừa viết xong. Rồi ngủ. Chiều, cô đánh thức anh dậy, nói ý kiến của cô về bài báo.

Đúng sau 2 giờ sáng, Blomkvist sửa lại lần cuối cùng. Hôm sau anh đóng cửa sổ lại và khóa trái nhà. Kỳ nghỉ của Salander chấm hết. Họ cùng nhau về Stockholm.

Anh nói lại câu chuyện trong khi họ uống cà phê trong những cốc giấy ở trên phà Vaxholm.

- Điều hai chúng ta cần quyết định là nói gì với Erika đây. Cô ấy sẽ từ chối đăng bài báo nếu anh không nói rõ được cách anh nắm tài liệu như thế nào.

Erika Berger, Tổng biên tập Millennium và người tình lâu năm của Blomkvist, Salander chưa từng gặp và cô cũng không chắc là có muốn gặp. Berger có vẻ giống như một phiền phức khó định nghĩa nào đó trong đời cô.

- Chị ấy biết gì về em?

- Không gì cả. – Anh thở dài. – Sự thật là anh tránh miết cô ấy từ mùa hè. Cô ấy rất thất vọng về chuyện anh đã không thể kể với cô ấy những gì xảy ra ở Hedestad. Dĩ nhiên cô ấy biết anh ra Sandhamn để viết bài báo nhưng cô ấy không biết nó viết về cái gì.

- Ừ hừm.

- Một hai giờ nữa cô ấy sẽ có bản thảo. Rồi cô ấy sẽ tra khảo anh. Vấn đề là anh nên nói với cô ấy thế nào?

- Anh định bảo sao với chị ấy?

- Anh muốn nói sự thật.

Salander cau mặt.

- Lisbeth, anh và Erika cãi nhau hoài à. Ngỡ như đấy là một phần của cách bọn này giao lưu với nhau. Nhưng cô ấy đáng tin cậy tuyệt đối. Em là một nguồn tài liệu. Cô ấy thà chết hơn là phát hiện ra em là ai.

- Anh còn phải nói với bao nhiêu người khác nữa?

- Tuyệt đối không một ai. Điều này sẽ đi với anh và Erika xuống mồ. Nhưng anh không muốn bảo với cô ấy bí mật của em nếu em không muốn. Mặt khác anh lại không thể chọn cách nói dối Erika, bịa ra một nguồn tin nào đó không hề tồn tại.

Salander nghĩ về điều này cho đến khi họ đặt chân lên bến ở gần Grand Hotel. Cuối cùng cô ngập ngừng cho phép Blomkvist giới thiệu cô với Erika.Anh bấm di động gọi.

Erika đang ăn trưa với Malin Eriksson, cô có ý mướn Eriksson làm trưởng ban biên tập. Eriksson hai mươi chín tuổi, đã làm việc tạm trong năm năm. Cô chưa bao giờ nắm một công việc thường xuyên và bắt đầu ngờ khéo mình cứ sẽ là tàm tạm mãi. Ngay hôm Malin hết hạn làm tạm cuối cùng, Erika đã gọi và hỏi cô có muốn vào làm ở Millennium không.

- Vị trí này là tạm thời trong ba tháng, - Erika nói. – Nếu công việc tốt thì có thể thành thường xuyên.

- Tôi nghe đồn Millennium đang ở thời kỳ khó khăn.

Erika mỉm cười.

- Dahlman mà tôi sắp thay kia… - Malin ngập ngừng. – Ông ấy sắp đến làm ở một tạp chí do Hans-Erik Wennerstrom làm chủ.

Erika gật đầu.

- Khó mà giữ được bí mật chuyện xung đột giữa chúng tôi và Wennerstrom. Ông ấy không thích những người làm việc ở Millennium.

- Vậy nếu tôi nhận việc ở chỗ chị thì cuối cùng tôi cũng đi đến loại ấy nốt.

- Vâng, rất có khả năng.

- Nhưng Dahlman đã có việc làm ở tạp chí Monopoly Financial, đúng thế không?

- Cô có thể nói đó là cách Wennerstrom trả công cho những việc đã từng làm cho ông ta. Cô còn bận tâm không?

Malin gật đầu.

- Bao giờ chị muốn tôi bắt đầu?

Đúng lúc đó thì Blomkvist gọi.

Cô dùng chìa khóa của cô mở cửa nhà anh. Từ dịp lễ Giữa Mùa hè anh tạt vội qua thăm tòa báo đến nay cô mới cùng anh mặt đối mặt. Cô đi vào phòng khách, thấy một cô gái chê ăn gầy gò ngồi trên sofa, mặc jacket da tàng, chân ghếch lên bàn cà phê. Thoạt đầu Erika tưởng cô gái mười lăm tuổi nhưng đó là lúc cô chưa nhìn thấy ánh mắt cô gái. Cô vẫn còn nhìn “tạo vật” này khi Blomkvist đi vào với bình cà phê và bánh ngọt.

- Xin lỗi vì anh đã hoàn toàn không phải.

Erika nghiêng đầu. Có một cái gì khác ở anh. Nom anh ngơ ngác, gầy hơn là cô hình dung. Mắt anh có một vẻ xấu hổ và có một lúc anh tránh mắt cô. Cô liếc vào cổ anh. Cô thấy một đường đỏ mờ nhạt, nhận ra rõ được.

- Anh đã tránh em. Câu chuyện này dài và anh không tự hào gì về vai trò của anh ở trong đó hết… Nay anh muốn giới thiệu với em cô gái này. Erika, đây là Lisbeth Salander, Lisbeth, đây là Erika Berger, Tổng biên tập Millennium và bạn thân nhất của anh.

Salander xem xét áo quần lịch sự cùng phong độ tự tin của Erika rồi mấy giây sau quyết định nhiều phần xem ra sẽ không thành bạn thân nhất của chị ấy.

Họ họp với nhau năm tiếng đồng hồ. Erika hai lần gọi hủy các cuộc họp khác. Cô bỏ một giờ ra đọc những phần bản thảo mà Blomkvist đưa vào tay cô. Cô có cả đến nghìn câu hỏi nhưng nhận thấy muốn được trả lời đầy đủ thì phải mất hàng tuần. Nếu một phần của bản thảo này là chính xác thì toàn bộ tình hình mới đã nổi rõ ra.

Erika nhìn Blomkvist. Cô chưa từng nghi ngờ lòng trung thực của Blomkvist nhưng nay cô lơ mơ thấy phải chăng vụ Wennerstrom đã bẻ gẫy mất anh rồi – rằng cái việc mà anh đang làm đây đều là do óc tưởng tượng của anh bày đặt ra. Lúc này Blomkvist đang mở hai hộp tài liệu nguồn đã được in ra. Erika tái mét mặt. Dĩ nhiên cô muốn biết làm sao mà chúng lại đến được tay anh.

Phải mất một lúc cô mới chịu thuyết phục rằng cô gái kỳ dị này, người trong suốt cuộc họp không hé răng lần nào, đã ra vào máy tính của Wennerstrom dễ như bỡn. Và không chỉ máy tính của lão – cô ấy còn lặn chui vào máy tính của vài luật sư và trợ lý thân cận của lão.

Phản ứng đầu tiên của Erika là họ không thể sử dụng các tài liệu này vì họ đã dùng các thủ đoạn bất hợp pháp mà có chúng. Nhưng dĩ nhiên họ có thể dùng nó. Blomkvist chỉ ra rằng họ không có nghĩa vụ giải thích cách họ thu được tài liệu. Họ cũng có thể có một nguồn đi vào máy tính của Wennerstrom khi lão sao mọi cái ở trên đĩa cứng của lão lên một CD.

Cuối cùng Erika hiểu ra cô đang nắm trong tay thứ vũ khí gì. Cô thấy mệt nhoài và vẫn còn muốn hỏi nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng cô ngả vào lưng ghế sofa, hỏi thẳng.

- Ở Hedestad đã xảy ra chuyện gì?

Salander ngước mắt lên cảnh giác. Blomkvist trả lời bằng hỏi lại.

- Em quan hệ với Harriet Vanger thế nào?

- Tốt. Em nghĩ thế. Em gặp chị ấy hai lần. Tuần trước Christer và em lên đó họp ban lãnh đạo tạp chí. Chúng em đã nốc vang.

- Thế cuộc họp ấy sao?

- Chị ấy giữ lời hứa.

- Erika, anh biết em thất vọng vì anh đã tránh em rồi cuối cùng lại xin lỗi là không nói hết với em câu chuyện. Em và anh chưa bao giờ có gì là bí mật với nhau, thế rồi trong đời anh thình lình sáu tháng qua, anh… đã không sẵn sàng kể hết với em.

Erika bắt gặp mắt Blomkvist nhìn mình. Cô hiểu anh từ trong ra ngoài nhưng điều cô thấy trong mắt anh là một cái gì đó cô chưa từng thấy trước đây bao giờ. Anh đang cầu xin cô đừng hỏi. Salander quan sát cuộc đối thoại không thành lời của hai người. Cô chả dính dáng gì đến.

- Chuyện đó xấu ra sao?

- Còn tồi tệ hơn cơ. Nghĩ đến trò chuyện với em về việc này anh đã thấy sợ. Anh hứa nói với em nhưng anh đã phải mất mấy tháng nén đi cảm xúc của mình trong khi Wennerstrom lại cuốn hút mất hết tâm trí anh… Anh vẫn chưa sẵn sàng. Anh đúng là muốn Harriet nói với em thì hơn.

- Cái vết gì ở trên cổ anh kia?

- Lisbeth đã cứu sống anh ở trên đó. Nếu không nhờ cô ấy thì anh chết rồi.

Erika mở to mắt. Cô nhìn chăm chú cô gái mặc jacket da.

- Và ngay bây giờ em cần đi đến một thỏa thuận với cô ấy. Cô ấy là nguồn tin của chúng ta.

Erika ngồi nghĩ một lúc. Rồi cô làm một điều khiến Mikael ngạc nhiên và Salander thì sững sờ, cô cũng tự thấy lạ lùng với chính mình. Ngồi ở bàn trong phòng khách của Blomkvist, suốt buổi họp cô cảm thấy con mắt của Salander ở trên người mình. Một cô gái lầm lì với những rung động thù nghịch.

Erika đứng lên đi vòng quanh bàn giang hai tay ôm quàng lấy người cô gái. Salander liền ngó ngoáy như một con giun đang bị xuyên vào một cái móc.

29

Thứ Bảy, 1 tháng Mười một

Thứ Ba, 25 tháng Mười một

Salander đang lướt qua đế chế ảo của Wenerstrom. Cô nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính gần như suốt mười một giờ liền. Cái ý hình thành nên ở trong một cái xó chưa bị khám phá nào đó của não bộ cô trong tuần qua ở Sandhamn đã lớn lên thành một bận bịu mang chứng tâm thần. Cô đã tự giam mình trong nhà suốt bốn tuần qua, lờ đi hết mọi giao lưu của Armansky. Mỗi ngày cô bỏ mười hai giờ trước máy tính, có ngày hơn thế nữa, ngoài đó ra, những lúc thức cô nghiền ngẫm chỉ một vấn đề.

Trong tháng qua cô tiếp xúc thất thường với Blomkvist. Anh cũng quá bận, bù đầu lên ở tòa báo. Mỗi tuần họ liên hệ đôi lần qua điện thoại và cô cho anh cập nhật về thư tín và các hoạt động khác của Wennerstrom.

Cô rà đi rà lại hàng cả trăm lần mỗi chi tiết. Không sợ đã để sót một cái gì đó nhưng cô không dám chắc cô đã hiểu từng mỗi kết nối chằng chịt khớp chúng vào nhau như thế nào.

Cái đế chế được bàn đến nhiều này giống như một cơ thể sống, không hình thù, mạch đập thon thót và luôn thay đổi dạng. Nó gồm những quyền mua bán, kỳ phiếu, cổ phiếu, chế độ đối tác, lãi cho vay, lãi thu nhập, lãi gửi tiền ở ngân hàng, tài khoản ngân hàng, chuyển tiền thanh toán chi trả và hàng nghìn món khác nữa. Một phần lớn không ngờ được của tài sản đã được ký gửi ở các công ty ma.

Các phân tích được thổi phồng lên nhất của các nhà bình luận tài chính của tập đoàn Wennerstrom đã ước lượng giá trị của nó lên tới hơn 900 tỉ curon. Đó là bịp, hay ít nhất là một con số tố điêu. Rõ ràng bản thân Wennerstrom không nghèo chút nào hết. Cô tính tài sản đích thực là đáng từ 90 đến 100 tỉ curon, không xoàng tí nào. Kiểm tra sổ sách của toàn bộ tập đoàn cũng phải mất hàng năm. Salander đã nhận diện ra tổng cộng gần ba nghìn tài khoản riêng rẽ và cổ phần ngân hàng ở trên khắp thế giới. Wennerstrom đã dâng hiến hết mình cho chuyện gian lận rộng lớn tới mức việc đó không còn là tội phạm – mà là kinh doanh.

Đâu đó trong tổ chức Wennerstrom đã có một căn bản. Ba tài sản luôn được giữ nguyên trong hệ thống thứ bậc. Các tài sản Thụy Điển cố định thì chân xác, không thể công kích, sẵn sàng cho xem xét công khai, các giấy tờ quyết đoán thu chi, và các cuộc kiểm toán. Công ty Mỹ thì vững chãi và một ngân hàng ở New York là nơi tin cậy cho tất cả tư bản luân chuyển. Chuyện đáng nói là ở trong kinh doanh với các công ty ma tại những nơi như Gibraltar và Cyprus và Macao. Wennerstrom giống như một ngân hàng hối đoái cho việc mua bán vũ khí trái phép, rửa tiền cho các doanh nghiệp khả nghi ở Columbia và cho những vụ làm ăn cực kỳ tà giáo ở Nga.

Một tài khoản giấu tên ở quần đảo Cayman do Wennerstrom đích thân kiểm soát nhưng không thể kết nối với bất kỳ công ty nào. Một số phần trăm của mỗi vụ làm ăn mà Wennerstrom tiến hành đều được rót vào quần đảo Cayman qua các công ty ma.

Salander làm việc trong trạng thái nhập đồng. Tài khoản – click – email – click – giấy tờ quyết đoán – click. Cô ghi lại những vụ chuyển ngân mới nhất. Cô dò ra một mối giao dịch nhỏ ở Nhật Bản với Singapore và tiếp tục đến quần đảo Cayman, qua Lucxembourg. Những giao dịch chứng khoán nho nhỏ. Email mới nhất. Một tin ngắn có vẻ không mấy quan trọng đã được gửi đi lúc 10 giờ tối. Chương trình mã hóa PGP (lát chát, lát chát) là một trò đùa cho người đã nằm ở trong máy tính và có thể đọc được mẩu tin theo đúng bản viết rành rọt ban đầu:

Berger đã ngừng tranh cãi về quảng cáo . Ả ta thôi cuộc hay là nung nấu một cái gì? Nguồn tin của anh ở tòa soạn cho chúng tôi yên tâm rằng chúng đang ở trên bờ sụp đổ nhưng nghe đâu như ả vừa mướn một người mới xong. Tìm xem đang có chuyện gì. Blomkvist làm việc ở Sandhamn trong mấy tuần qua nhưng không ai biết hắn đang viết gì. Ít ngày gần đây người ta thấy hắn ở toà soạn. Anh có xoay được một bản sao của số báo mới không? /HEW/

Không có gì ghê gớm. Cứ để lão lo lắng. Lão già, thắng ngố của mi đã bị om rồi đấy.

5 rưỡi sáng, cô tắt máy tính, lấy ra một bao thuốc lá mới. Trong đêm cô đã uống bốn, không, năm lon Coca Cola và nay cô lấy ra lon thứ sáu rồi ra ngồi trên sofa. Cô chỉ mặc quần ngố bó gối và sơ mi ngụy trang bạc phếch quảng cáo cho tạp chí Soldier of Fortune với khẩu hiệu GIẾT CHẾT CHÚNG ĐI RỒI ĐỂ CHÚA CHỌN LỌC CHÚNG. Cô thấy lạnh cho nên với lấy tấm chăn quấn vào quanh người.

Cô thấy phê tựa như cô đã xài một chất gì không thích hợp và bị coi là bất hợp pháp. Salander nhìn tập trung vào đèn đường bên ngoài cửa sổ và ngồi yên trong khi óc cô vận hành hết tốc độ. Mẹ - click – em gái – click – Mimmi – click – Holger Palmgren. Những Ngón tay Tội lỗi. Và Armansky. Công việc, Harriet Vanger. Click. Martin Vanger. Click. Cây gậy đánh golf. Click. Luật sư Bjurman. Click. Tất cả mọi chi tiết mẹ kiếp mà cô không thể quên ngay cả khi cố gắng.

Cô nghĩ Bjurman liệu nay có dám cởi quần áo ra trước phụ nữ nữa không, mà nếu cởi thì lão sẽ giải thích thế nào về cái bảng chữ xăm ở trên bụng lão nhỉ? Và lần tới đi bác sĩ khám bệnh thì hắn có tránh việc cởi bỏ áo quần ra không?

Và Mikael Blomkvis. Click.

Cô coi anh là một người tốt, có thể có một mặc cảm Con lợn Tháo vát đôi khi hơi quá lộ liễu tí chút. Anh ngây ngô đến không thể chịu nổi với một số vấn đề luân lý sơ đẳng. Anh có một nhân cách hào hiệp và khoan thứ đi tìm kiếm giải thích và lý do cho cái cách mà con người ta cư xử và anh sẽ không hiểu được rằng những con chim ăn thịt của thế giới này chúng chỉ hiểu duy nhất có một ngôn ngữ. Mỗi khi nghĩ đến anh cô lại cảm thấy gần như mình đang vụng về che chở anh.

Cô không nhớ đã ngủ thiếp đi nhưng cô thức dậy lúc 9 giờ sáng, sái cổ còn đầu thì dựa vào tường ở đằng sau ghế sofa. Lảo đảo đi vào buồng, cô lăn ra ngủ tiếp.

Không nghi ngờ gì đây là chuyện lớn nhất trong đời họ. Từ một năm rưỡi nay, lần đầu tiên Erika vui theo cái cách mà chỉ một biên tập viên có tin giật gân ghê gớm sắp cho bung ra mới có thể vui đến như thế. Cô và Blomkvist đang trau chuốt lại lần cuối cùng bào báo thì Salander gọi.

- Em quên không nhắc là Wennerstrom đang bắt đầu lo lắng về cái việc anh đang làm hiện nay, lão cũng yêu cầu một bản sao số báo sắp tới.

- Sao em biết…a, cho quên đi. Hắn định làm gì có biết không?

- Coi chừng. Chỉ đoán theo lô gích.

Blomkvist nghĩ một lúc.

- Cái máy in. – Anh reo lên.

Erika nhướng lông mày lên.

- Nếu anh chỉ giữ bí mật ở tòa soạn thì sẽ không có nhiều khả năng khác nữa đâu. Miễn là bọn đầu gấu của lão không dự tính nửa đêm đến thăm anh.

Blomkvist quay sang Erika.

- Thuê một máy in cho số báo này. Làm ngay đi. Và gọi Armansky, tuần tới anh cần an ninh đêm ở đây. – rồi quay sang Salander, Blomkvist nói. – Cảm ơn.

- Cái ấy đáng sao?

- Em định nói gì?

- Cái tin em mách ấy, đáng cái gì?

- Em thích gì?

- Em thích bàn chuyện ấy với cà phê. Ngay bây giờ.

Họ gặp nhau ở quán Kaffebar trên đường Hornsgatan. Salander nom nghiêm chỉnh quá đến nỗi anh thấy nhói lên một mối lo âu. Như thường lệ cô vào ngay đề.

- Em cần vay ít tiền.

Cười một cáu ngô nghê nhất với cô, Blomkvist lấy ví ra.

- Chuyện nhỏ. Bao nhiêu?

- 120.000 curon.

- Yên tâm, yên tâm. – Anh cất ví đi.

- Em không đùa đâu. Em cần vay 120.000 curon để…hãy cho là sáu tuần. Em có cơ hội làm một chuyến đầu tư nhưng em không biết trông vào ai. Anh vừa mới đưa ra chừng 140.000 curon vào tài khoản đang dùng của anh. Anh hãy rút tiền của anh ra.

Xin miễn bình việc Salander đã bẻ mã khóa tài khoản ngân hàng của anh.

- Em không phải vay anh. – Anh đáp. – Chúng ta chả đã bàn đến phần của em rồi sao? Nhưng nó thừa đủ khoản tiền mà em vay.

- Phần của em?

- Lisbeth, anh có một khoản tiền công không lành mạnh Henrik trả cho và bọn này sẽ chấm dứt vụ làm ăn vào cuối năm nay. Không có em thì không có chuyện anh và Millennium làm được một cái gì như bây giờ. Anh đang định bửa đôi tiền công kia ra với em đây. Năm mươi năm mươi.

Salander nhìn anh dò hỏi. Lông mày cô chau lại. Anh đã quen với những im lặng của cô. Cuối cùng cô lắc đầu.

- Em không muốn lấy tiền của anh.

- Nhưng ….

Em không muốn lấy một curon nào của anh hết, trừ phi nó là ở dạng quà mừng sinh nhật em.

- Thì hãy nghĩ là thế đi, anh chả biết cả khi nào thì sinh nhật em nữa cơ mà.

- Anh là nhà báo. Hãy tự tra lấy.

- Anh nghiêm chỉnh đấy, Lisbeth. Về chuyện bổ đôi tiền.

- Em cũng nghiêm chỉnh. Em chỉ muốn vay thôi và ngày mai thì em cần đến.

Cô ấy chả thiết hỏi phần cô ấy là bao nhiều nữa kia.

-Anh rất vui đi với em ra ngân hàng ngay hôm nay và cho em món em cần kia. Nhưng đến cuối năm chúng ta nên có cuộc trò chuyện khác về phần tiền của em. – anh nâng tay cô lên. – Và nhân thể, khi nào là sinh nhật em?

- Đêm Walpurgis 1 ấy.– Cô đáp. – Rất thích hợp nhá, anh nghĩ thế không? Đêm ấy em kẹp chổi vào hai cẳng bay đi lang thang khắp.

Cô đáp xuống Zurich lúc 7 rưỡi tối, lên xe taxi đến khách sạn Matterhorn. Với tên Irene Nesser cô đã đặt sẵn một phòng. Dùng một hộ chiếu Na Uy cô khai mình dưới cái tên này. Irene Nesser có món tóc vàng chấm vai. Salander mua một bộ tóc giả ở Stockholm, chỉ 10.000 curon trong khoản tiền vay của Blomkvist ra mua hai hộ chiếu nhờ một trong những mối tiếp xúc trong mạng lưới quốc tế của Dịch Bệnh.

Cô về phòng, khóa cửa lại, cởi quần áo. Cô nằm trên giường nhìn trần của cái gian phòng giá 1.600 curon mỗi đêm. Cô cảm thấy trống rỗng. Cô đã tiêu mất một nữa chỗ tiền vay của Blomkvist, và dù cô đã thêm vào đó từng curon cô dành dụm, cô vẫn cứ bị eo hẹp. Cô thôi suy nghĩ và cảm thấy buồn ngủ gần như ngay lập tức.

Cô thức dậy đúng vào 5 giờ sáng, tắm rồi bỏ hồi lâu ra bôi một lớp phấn và kem nhuộm da lên che vết xăm trên cổ. Mục thứ hai trong bản liệt kê những việc cần làm là 6 rưỡi sáng nay đến mỹ viện trong đại sảnh của một khách sạn đắt hơn trông thấy. Cô mua một bộ tóc giả màu vàng khác, mang kiểu tóc của cậu tiểu đồng theo hầu rồi cô đến tiệm làm móng và gắn những cái móng màu hồng lên những cái móng đã bị cô nhắm cụt.

Cô cũng làm lông mi giả, mua thêm phấn, sáp và cuối cùng son môi cùng các mỹ phẩm khác. Vừa xoắn 8.000 curon không có trả lại.

Cô trả bằng thẻ tín dụng có tên Monica Sholes và cô chìa hộ chiếu Anh mang cái tên này ra với họ.

Chặng dừng sau là Nhà Thời Trang của Camille ở cuối phố. Một giờ sau cô bước ra, đi bốt đen, mặc váy màu cát với áo blu cùng tông, áo nịt đen, một jacket dài đến eo và thêm cái mũ nồi. Món nào cũng mang nhãn nhà thiết kế đắt tiền cả. Cô đã để cho các cô gái bán hàng chọn giúp. Cô cũng chọn một cặp chuyên dùng bằng da và một va li Samsonite nho nhỏ. Những nét sửa sang tôn vinh cuối cùng là cặp hoa tai kín đáo và một dây vàng đơn giản ở quanh cổ. Thẻ tín dụng đã bị khấu đi mất 44.000 curon.

Lần đầu tiên trong đời Salander có một đường nét thân hình nó làm cho cô – khi soi vào gương cao hết cỡ - nổi hẳn ngực lên. Vú thì cũng của rởm như căn cước của Monica Sholes vậy. Chúng được làm bằng cao su latex cô mua ở Copenhagen, nơi đám giả trang thành khác giới hay mua.

Cô sẵn sàng cho trận đánh.

Đúng sau 9 giờ cô đi bộ qua hai khối nhà đến khách sạn Zimmertal tôn nghiêm, nơi cô đã đặt sẵn phòng với tên Monica Sholes. Cô boa hậu hĩnh cho người hầu mang va li giúp lên (trong va li có cái ba lô du lịch của cô). Chuỗi phòng thuộc loại nhỏ, giá 22.000 curon một ngày. Cô ở đó một đêm. Khi còn có một mình, cô nhìn quanh. Cô nhìn thấy quang cảnh lấp lóa của hồ Zurich và cuối cùng cũng chả có được một chút hứng thú nào. Nhưng cô đã bỏ năm phút ra ngắm mình trong gương. Cô thấy một người xa lạ hoàn toàn. Monica Sholes ngực bự, bộ tóc vàng giả của một tiểu đồng theo hầu, trang điểm nhiều hơn cả cái điều Salander mơ tưởng dùng trong cả tháng. Salander nom…khác đi.

9 rưỡi cô ăn lót dạ ở quán bar khách sạn: hai tách cà phê và một bánh mì vòng phết mứt. Giá là 210 curon. Các dân này đầu óc có hâm không nhỉ?

Đúng 10 giờ, Monica Sholes đặt tách cà phê xuống, mở di động, bấm vào số của một modem kết nối với Hawaii. Sau ba hồi chuông thì có tín hiệu kết nối. Modem đã được nối mạng. Monica đáp lại bằng cách bấm vào một mã khóa sáu số ở di động của cô rồi soạn một tin nhắn cho ra những chỉ dẫn để khởi động một chương trình mà Salander đã đặc biệt lập trình cho mục đích này.

Ở Honolulu, chương trình này được kích hoạt trên một trang chủ nặc danh trên một máy tính chủ nằm chính thức ở trường đại học. Chương trình đơn giản. Chức năng duy nhất của nó là gửi đi các chỉ thị để mở một chương trình khác ở một máy chủ khác, trong trường hợp cụ thể lúc này thì máy chủ này là một IPS thương mại thông thường chuyên cung cấp các dịch vụ Internet ở Hà Lan. Chức năng của chương trình kia, đến lượt nó, là tìm kiếm cái đĩa cứng thuộc về Hans-Erik Wennerstrom vốn đã được sao lại rồi điều khiển chương trình cho hiện lên nội dung của xấp xỉ 3.000 tài khoản ngân hàng của lão rải quanh thế giới.

Chỉ có một tài khoản có một ý nghĩa nào đó. Salander nhận xét thấy Wennerstrom mỗi tuần nhòm vào nó hai lần. Nếu lão mở máy tính của lão để nhìn xem hồ sơ đặc biệt này thì mọi sự sẽ hiện ra bình thường. Chương trình cho thấy những thay đổi nho nhỏ vốn đã được chờ đợi, dựa trên những dao động bình thường trong tài khoản trong vòng sáu tháng vừa qua. Nếu trong vòng bốn mươi tám giờ tới Wennerstrom vào đây yêu cầu tài khoản chi trả hay chuyển ngân thì chương trình sẽ y phép báo cáo rằng việc đó đã được hoàn thành. Trong thực tế, sự thay đổi sẽ chỉ diễn ra trên cái đĩa cứng bản sao ở Hà Lan mà thôi.

Monica Sholes tắt di động lúc cô nghe thấy bốn âm thanh ngắn xác nhận chương trình đã bắt đầu.

Cô rời khách sạn Zimmertal, đi bộ đến Tổng Ngân hàng Hauser ở bên kia đường, nơi cô đã hẹn gặp ngài Wagner, Tổng giám đốc vào 10 giờ. Cô đến trước hẹn ba phút, bỏ quãng giờ chờ này ra đứng trước camera theo dõi an ninh, nó chụp hình cô khi cô đi vào bộ phận có các văn phòng dành cho các tư vấn bí mật.

- Tôi cần giúp đỡ cho một số vụ giao dịch. – Cô nói bằng thứ tiếng Anh của trường đại học Oxford.

Khi mở cặp, cô để rơi cây bút của khách sạn Zimmertal. Ngài Wagner bèn lịch sự nhặt lên đưa cho cô. Cô mỉm cười hóm hỉnh với ông ta rồi viết con số tài khoản lên một tệp giấy ở trước mặt cô trên bàn làm việc.

Ngài Wagner xếp loại cô là loại gái hư nhà giàu hay em bé của một đại gia nào đó.

- Có một con số tài khoản ở Ngân hàng Kroenenfeld tại quần đảo Cayman. Có thể dùng các mã khóa vượt từng chặng rào chắn để tự động chuyển ngân được. – Cô nói

- Thưa cô tiểu thư Sholes, tiểu thư dĩ nhiên đã có các mã khóa vượt các chặng? – Ông ta hỏi.

- Aber naturlich 2, - Cô đáp với một cái giọng nặng cho thấy rõ cô chỉ là tiếng Đức ở trình độ nhà trường.

Cô bắt đầu đọc veo veo mấy loạt con số với những mười sáu chữ số mà chả cần thò ra bất cứ một thứ giấy tờ nào. Ngài Wagner thấy sắp sửa sẽ là một buổi sáng dài lê thê, nhưng với mức hoa hồng 4% cho các giao dịch thì ngài sẵn sàng bỏ bữa trưa và ngài sẽ sắp phải duyệt xét cái hộc tủ của ngài vì quý cô Sholes.

Mãi đến quá trưa cô mới rời Tổng Ngân hàng Hauser, hơi muộn hơn kế hoạch, rồi đi bộ về Zimmertal. Cô xuất hiện ở quầy tiếp tân rồi lên phòng cởi các quần áo cô đã mua. Cô giữ nguyên bộ vú cao su nhưng thay bộ tóc cậu tiểu đồng bằng bộ tóc dài chấm vai của cô Irene Nesser. Cô mặc vào các áo quần quen thuộc hơn: bốt với gót đinh, quần đen, sơ mi giản dị và jacket da đẹp mua ở Malungsboden tại Stockholm. Cô quan sát mình trong gương. Không hề búi xùi tí nào nhưng cô không còn cái vẻ một cô gái thừa kế nữa. Trước khi Irene Nesser rời phòng, cô chọn một số kỳ phiếu cho vào một cái ví mỏng.

1 giờ 05, muộn hơn hẹn vài phút, cô đến ngân hàng Dorffmann, ở cách Tổng Ngân hàng Hauser chừng năm chục mét. Irene Nesser đã hẹn trước gặp ngài Hasselmann. Cô xin lỗi đến muộn. Cô nói thứ tiếng Đức tuyệt vời pha giọng Na Uy.

- Không hề gì thưa quý cô. – Ngài Hasselmann nói. – Tôi có thể giúp được dịch vụ gì ạ?

- Tôi muốn mở một tài khoản. Tôi có một số kỳ phiếu của riêng tôi mà tôi muốn chuyển khoản.

Irene để chiếc cặp lên bàn làm việc ở trước mặt ông ra.

Ngài Hasselmann xem xét nội dung để trong cặp, thoạt tiên nhanh rồi chậm dần. Ông nhướng một lông mày lên rồi mỉm cười lịch sự.

Cô mở năm tài khoản có đánh số mà cô có thể vào qua Internet và do một công ty ma rõ ràng vô danh ở Gibraltar sở hữu. Lập chúng cho cô, một người môi giới đã được 50.000 curon trong số tiền cô vay của Blomkvist. Cô lấy một nửa các kỳ phiếu bằng tiền mặt rồi gửi tiền vào các tài khoản. Mỗi kỳ phiếu đăng giá tương đương một triệu curon.

Công việc làm ở ngân hàng Dorffmann bị mất nhiều thời gian hơn là dự tính, nên cô không có cơ hội trông nom đến các giao dịch cuối cùng của cô trước khi các ngân hàng đóng cửa trong ngày. Cho nên Irene Nesser quay lại khách sạn Matterhorn, xác lập sự có mặt của cô bằng các la cà quẩn quanh một giờ đồng hồ ở đấy. Nhưng bị nhức đầu cô lên giường sớm. Cô mua ít aspirin ở quầy lễ tân và nhắc gọi cô dậy lúc 8 giờ sáng. Rồi cô trở về phòng.

Đã sắp 5 giờ chiều và các ngân hàng ở châu Âu đều đã đóng cửa. Nhưng các ngân hàng ở Bắc và Nam Mỹ vẫn mở. Cô mở PowerBook, nối nó với Net qua di động của cô. Cô bỏ một giờ ra làm cho các tài khoản có đánh số cô mở sáng nay ở Ngân hàng Dorffmann hóa thành rỗng không.

Cô chia tiền ra thành những khoản nhỏ, dùng nó để thanh toán các hóa đơn cho một số các công ty phịa ra ở trên khắp thế giới. Khi việc này xong, khá kỳ lạ là tiền sẽ được chuyển trở lại về Ngân hàng Kroenenfeld ở quần đảo Cayman, nhưng lần này đến một tài khoản hoàn toàn khác với cái tài khoản mà nó đã được rút ra từ đấy sáng hôm nay.

Irene Nesser cho rằng giai đoạn thứ nhất này là an toàn và gần như không thể dò ra manh mối. Cô làm một thanh toán tài khoản: món tiền gần một triệu curon được chuyển vào một tài khoản gần với một thẻ tín dụng mà cô có trong ví. Chủ tài khoản là công ty Ong Vò Vẽ ở Gibraltar.

Mấy phút sau, một cô gái với mái tóc tiểu đồng màu vàng rời Matterhorn bằng một cửa vào quán bar của khách sạn. Monica Sholes đi bộ tới khách sạn Zimmertal, gật đầu lịch sự với nhân viên quầy lễ tân rồi bắt thang máy lên phòng cô.

Ở đây cô bỏ thì giờ để mặc bộ đồ tác chiến của Monica Sholes vào, sửa sang lại trang điểm, bôi một lớp kem màu da lên hình xăm rồi xuống nhà hàng của khách sạn làm một bữa tối với cá ngon tuyệt nhưng đắt rồ dại. Cô gọi một chai vang nổi tiếng mà cô chưa từng nghe nói đến trước đây. Tuy nó giá những 1.200 curon cô uống có một cốc rồi bỏ đấy chỗ còn lại mà lừng khừng đi vào quán bar của khách sạn. Cô boa cao quá quắt, điều chắc chắn khiến cho đám nhân viên để ý đến cô.

Cô bỏ ra một lúc lâu cho phép một chàng trai Ý say xỉn với một tên họ quý tộc mà cô chả bõ công nhớ làm gì kéo đi. Hai người chia nhau hai chai champagne mà cô chỉ làm có gần một cốc.

Khoảng 11 giờ, anh chàng ngộ độc rượu theo đuổi cô ngã chúi về cô và chụp lấy vú cô bóp mạnh. Cô đưa tay anh ta xuống gầm bàn, cảm thấy vui. Hình như anh chàng không nhận ra mình đang bóp cao su mềm. Đôi lúc họ quá ồn làm cho các vị khách khác thấy khó chịu nhất định. Ngay trước nửa đêm, khi Monica Sholes để ý thấy nhân viên mở cửa ở gian sảnh đang lạnh lùng nhìn hai người thì cô đỡ anh bạn trai Ý lên phòng.

Khi anh chàng vào buồng tắm, cô rót ra một cốc vang cuối cùng. Cô mở một mẩu giấy gấp, pha vào rượu một viên thuốc ngủ Rohypnol đã nghiền nhỏ. Anh chàng biến ra thành một đống thảm hại ở trên giường chỉ chừng một phút sau khi cô nâng cốc uống chúc mừng anh chàng. Cô nới cà vạt anh ra, cởi giầy rồi kéo một mảnh chăn lên anh ta. Cô lau sạch chai rượu, rửa những cái cốc ở trong buồng tắm rồi lau khô chúng trước khi quay về phòng cô.

Monica Sholes ăn sáng ở trong phòng lúc 6 giờ và làm thủ tục rời khách sạn Zimmertal lúc 6 giờ 55. Trước khi đi, cô bỏ năm phút lau chùi các vân tay trên tay nắm cửa, tủ quần áo, toalet, điện thoại và các thứ đồ dùng khác ở trong phòng mà cô đã chạm tới.

Irene Nesser làm thủ tục rời khách sạn Matterhorn quãng 8 rưỡi, ngay sau khi có gọi báo thức. Cô gọi taxi và để hành lý trong một hộc tủ an toàn tại ga tàu. Rồi cô bỏ chỗ thời gian còn lại đi thăm chín ngân hàng tư nhân, tại những chỗ này cô đem phân chia một số kỳ phiếu cá nhân từ quần đảo Cayman. 3 giờ chiều, cô đã chuyển hoàn được cỡ 10 phần trăm các kỳ phiếu ra thành tiền mặt mà cô đem đặt vào ba chục tài khoản có đánh số. Chỗ kỳ phiếu còn lại cô gói lại và để vào trong một két ký gửi an toàn.

Irene Nesser sẽ còn cần đến Zurich vài chuyến nữa nhưng không phải là chuyện gấp cần làm ngay.

4 rưỡi chiều, Irenen Nesser ngồi taxi ra sân bay, ở đây cô vào toalet nữ cắt vụn nát tấm hộ chiếu Monica Sholes ra rồi xối nước bồn cầu cho trôi hết. Thẻ tín dụng cô cũng cắt ra và bỏ các mẩu vụn vào năm thùng rác khác nhau. Cả cái kéo nữa. Sau ngày 11 tháng Chín trong hành lý có một vật sắc nhọn để gây sự chú ý là một cái ý chả hay ho gì.

Irene Nesser đáp chuyến bay GD890 của Lufthasa đi Oslo rồi lên xe bus của hãng hàng không đi đến ga tàu Oslo, ở đây cô vào toalet nữ, chọn lấy lại các quần áo của cô. Cô để mọi khoản thuộc về nhân thân Monica Sholes – bộ tóc giả cậu tiểu đồng và quần áo loại hàng thiết kế vào trong ba túi chất dẻo rồi ném chúng vào ba xe thùng cùng sọt đổ rác khác nhau ở ga xe lửa. Cô để chiếc va li Samsonite rỗng vào trong một két không khóa. Sợi dây chuyền vàng và cặp hoa tai là đồ kim hoàn sang trọng có thể bị dò ra thì được cho biến mất vào trong cống ở một đường phố bên ngoài nhà ga.

Sau một lúc do dự e ngại, Irene Nesser quyết định giữ bộ vú giả bằng cao su.

Đến lúc này cô không có nhiều thời gian, cô nạp một ít năng lượng dưới hình thức ăn một hamburger McDonald trong khi chuyển các thứ trong chiếc cặp da sang trọng sang cái ba lô du lịch. Khi cô rời đi, chiếc cặp da vẫn ở bên dưới gầm bàn. Cô mua cà phê ở một ki ốt rồi chạy để bắt kịp chuyến tàu đêm đi Stockholm. Cô đến vừa lúc cửa tàu đang đóng lại. Cô đã đặt trước một giường ngủ riêng.

Khi khóa cửa khoang tàu lại, lần đầu tiên trong hai ngày cô có thể cảm thấy mức adrenalin của mình đã trở lại bình thường. Cô mở cửa sổ khoang tàu và mặc kệ nội quy cấm hút thuốc lá. Cô đứng ở đây nhâm nhi cà phê trong khi con tàu lăn bánh ra khỏi Oslo.

Cô rà lại các bản ghi các việc cần làm để cầm chắc đã không bỏ quên mất chi tiết nào. Một lúc sau, cô cau mặt, lục đảo trong các túi jacket và lấy ra cây bút của khách sạn Zimmertal biếu khách, ngắm nó vài phút rồi liệng nó qua cửa sổ.

Mười lăm phút sau, cô leo lên giường ngủ vùi.

--- ------ ------ ------ -------

1 Đêm ngày 1 tháng Năm, người Thụy Điển thường đốt những đống lửa lớn thâu đêm

2 Tiếng Đức – tất nhiên rồi

KHÓA SỔ

Thứ Năm, 27 tháng Mười một

Thứ Ba, 30 tháng Mười hai

Tuần cuối cùng của tháng Mười một, bài tường thuật về Hans-Erik Wennerstrom chiếm hết bốn mươi sáu trang của Millennium nổ như một quả bom hẹn giờ. Bài báo chính xuất hiện dưới tên của Mikael Blomkvist và Erila Berger. Trong những giờ đầu tiên, giới truyền thông đại chúng không biết xoay xở ra sao với cái tin sốt dẻo giật gân này. Đúng một năm trước đây, một chuyện tương tự đã đưa Blomkvist đến chỗ bị khép án vu cáo và xem vẻ nó cũng đưa anh đến chỗ từ chức ở Millennium. Vì lẽ đó uy tín của anh coi như đã tụt xuống khá thấp. Nay lại tạp chí này trở lại với một bài báo cũng của nhà báo đó nhưng đưa ra nhiều điều vạch tội nghiêm trọng hơn so với bài báo nó từng khiến phải lâm vào cảnh quá ư rối ren. Một số chỗ trong bài báo còn quá phi lý đến độ như thách đố luôn cả lẽ phải thông thường. Giới thông tin đại chúng Thụy Điển ngồi chờ, bụng đầy ngờ vực.

Nhưng tối ấy, She trên TV4 cho ra một tóm lược dài mười mộ phút những nét chính trong các lời buộc tội của Blomkvist. Berger đã ăn trưa với phát thanh viên truyền hình vài ngày trước đó và cho cô ta được đặc quyền lên tiếng sớm nhất.

Miêu tả sơ sài nhưng mạnh bạo của TV4 đã vượt trước các kênh truyền hình của nhà nước, mãi tới buổi tin 9 giờ chúng mới leo lên cổ xe chiêng trống cổ động. Lúc đó hãng tin TT cũng phát đi bài báo đầu tiên của nó với đầu đề thận trọng: NHÀ BÁO BỊ ÁN TÙ ĐANG LÊN ÁN NHÀ TÀI CHÍNH VỀ NHIỀU TỘI ÁC NGHIÊM TRỌNG. Bài này là viết theo lại bài trên tivi nhưng sự thật thì đề tài này đã được TT nhắm gửi cho mọi hành động xổng xiềng sôi sục ở tờ báo buổi sáng của đảng Bảo thủ cũng như ở hàng chục báo địa phương lớn hơn khi họ xếp đặt các trang nhất trước lúc cho máy in chạy. Cho tới lúc đó, các báo vẫn ít nhiều quyết định lờ đi các lý lẽ lên án của Millennium.

Tờ báo buổi sáng của đảng Tự do bình luận tờ báo giật gân của Millennium dưới dạng một bài xã luận, do Tổng biên tập viết vào đầu buổi chiều. Rồi Tổng biên tập đi ăn tiệc tối khi TV4 bắt đầu phát chương trình tin tức. Lời kêu gọi bộc trực của viên thư ký “có thể có một cái gì đó” trong những điều Blomkvist viết đã bị ông bỏ ngoài tai bằng những câu chuyện về sau nổi tiếng là: “Vô lý – nếu có thì các phóng viên tài chính của chúng ta phải phát hiện ra từ lâu rồi chứ”. Kết quả là bài xã luận của ông Tổng biên tập báo đảng Tự do trở thành tiếng nói truyền thông duy nhất mạt sát các tuyên bố của Millennium. Bài xã luận có những câu như rửa hận cá nhân, nghề báo lăng nhăng đến mức tội lỗi rồi yêu cầu áp dụng những biện pháp chống lại những ám chỉ phạm pháp liên quan đến những công nhân tử tế. Nhưng trong toàn bộ cuộc tranh luận thì đó là đóng góp duy nhất mà vị Tổng biên tập đưa ra.

Đêm ấy tòa soạn Millennium đầy đủ nhân sự. Theo kế hoạch thì chỉ Berger và giám đốc trị sự mới, Malin Eriksson mới cần trực ở tòa báo để nhận các cuộc gọi. Nhưng vào lúc 10 giờ thì tất cả anh chị em đều có mặt, cả không dưới bốn nguyên ủy viên biên tập và năm sáu cây bút tự do thường xuyên hợp tác cũng đến với họ. Nửa đêm, Malm mở một chai champagne. Ngay lúc ấy, một chốn quen biết cũ gửi đến một bản sao in thử của một trong những tờ báo chiều, nó dành mười sáu trang cho vụ Wennertrom với đầu đề MAFIA TÀI CHÍNH. Hôm sau khi tờ báo ra mắt, liền nổ ra một trận đại náo trong giới truyền thông.Trước đây hiếm thấy chuyện tương tự thế này. Malin Eriksson kết luận là làm việc ở Millennium thì sẽ thú vị đây.

Trong tuần tiếp theo, Thị trường Chứng khoán Thụy Điển lắc lư rung chuyển khi cảnh sát chống gian lận chứng khoán bắt đầu điều tra, các công tố viên được triệu tập và người ta hốt hoảng nhào đi bán chứng khoán. Hai hôm sau, Bộ Thương mại cho đăng lên tuyên bố về “vụ Wennerstrom”.

Nhưng cơn hoảng loạn không có nghĩa là giới truyền thông nuốt không phê phán những tuyên bố của Millennium – những điều bị phanh phui ra đều quá nghiêm trọng để cho người ta có thể dễ dàng mà nhận lấy chúng. Nhưng không giống với vụ Wennerstrom đầu tiên, lần này Millennium có thể trình làng một loạt những bằng chứng: các email của chính Wernnerstrom, bản sao các nội dung trong máy tính của lão, chúng gồm các giấy tờ thanh toán về các tài sản ngân hàng bí mật ở quần đảo Cayman cùng ở hơn hai chục nước khác nữa, những thỏa ước bí mật, và những sai lầm ú ớ mà một tay làm tiền thận trọng hơn sẽ chẳng bao giờ trong đời lại đem để vào đĩa cứng. Nhanh chóng thấy được rằng nếu các tuyên bố của Millennium đứng vững ở tòa phúc thẩm – mà ai cũng đồng tình rằng sớm muộn vụ này cũng đi đến đó – thì đây sẽ là vụ bong bóng bục vỡ lớn nhất trong thế giới tài chính Thụy Điển kể từ vụ phá sản năm 1932 của Kreuger. So với vụ Wernerstrom, tất cả các vụ lôi thôi rắc rối của Gotabank và các trò gian lận của Trustor đều là nhợt nhạt xanh xao hết. Đây là chuyện gian lận ở một quy mô lớn mà không ai dám suy luận xem bao nhiêu pháp luận đã bị nó phá vỡ.

Lần đầu tiên trong giới báo chí tài chính Thụy Điển người ta bắt đầu dùng đến các thuật ngữ “tội ác có tổ chức”, “mafia”, “đế chế găngxtơ”. Wernnerstrom và đám trai trẻ buôn bán chứng khoán của lão, đám đối tác của lão, đám luật sư ăn mặc rặt hàng hiệu Armani của hắn hiện ra là một bầy lưu manh đầu gấu.

Trong những ngày truyền thông đại náo đầu tiên, người ta không thấy tăm dạng Blomkvist đâu. Anh không trả lời email, cũng không thể liên hệ được bằng điện thoại. Mọi bình luận của ban biên tập nhân danh Millennium đều do Berger đưa ra, cô rên cò cứ như một con mèo khi được hãng truyền thông quốc gia Thụy Điển và những tờ báo địa phương quan trọng phỏng vấn, cuối cùng thì gồm cả giới truyền thông nước ngoài mà số lượng thì cứ tăng dần lên. Mỗi khi được hỏi làm sao Millennium lại nắm được tất cả những tài liệu riêng tư và nội bộ kia, cô chỉ đơn giản đáp lại là cô không thể tiết lộ nguồn tin của tạp chí.

Khi được hỏi tại sao năm trước bài báo viết về Wernnerstrom lại thảm bại đến thế, cô lại càng bí ẩn. Cô không nói dối bao giờ nhưng không phải lúc nào cũng nói hết ra sự thật. Khi không có một micro ở dưới mũi thì cô xin miễn ghi chép, cô có thể lầm rầm vài ba câu khó hiểu mà nếu đem chắp vá chúng lại thì sẽ dẫn tới những kết luận chẳng ra đâu vào đâu.

Bởi thế đã đẻ ra một tin đồn sớm mang tầm vóc dã sử cho rằng Mikael Blomkvist không hề cãi tí nào ở phiên tòa xét xử anh và chịu thụ án tù cùng tiền phạt nặng nề bởi vì nếu không thì việc anh lấy tài liệu nhất định sẽ dẫn đến chỗ lộ ra nguồn tin của anh. Anh đã được ví với những mẫu nhân vật ở trong giới truyền thông Mỹ thà bị tù chứ không tiết lộ các nguồn tin của họ. Anh đã được miêu tả như một anh hùng với những từ ngữ tâng bốc đến lô bịch khiến anh cũng thấy khá là bối rối. Nhưng đây không phải là lúc phủ nhận sự hiểu lầm.

Có một điều ai cũng tán thành: người cung cấp tài liệu phải là một người trong đám thân tín của Wernnerstrom. Điều này dẫn đến cuộc bàn bạc vậy ai là “cái lưỡi phản thùng” : các đồng sự bất mãn, các luật sư, thậm chí cô con gái nghiện cocain của chính Wennerstrom và các thành viên khác trong gia đình. Blomkvist và Erika không bình luận gì về đề tài này.

Erika mỉm cười sung sướng, biết rằng họ đã thắng thì ngày thứ ba của cơn đại náo truyền thông, một tờ báo chiều chạy một tít lớn: Millennium phục hận. Bài báo phác họa một diện mạo về tạp chí cùng bộ sậu của nó, gồm những minh họa với một chân dung đặc biệt thuận lợi cho Berger. Cô đã được gọi là “nữ hoàng của nghề báo điều tra”. Những thứ này đã giành được điểm trong việc xếp thứ hạng của các tranh giải trí và đã có lời bàn tán đến Giải Báo Lớn.

Năm ngày sau khi Millennium nã loạt pháo đầu tiên, quyển sách của Blomkvist Ông chủ Ngân hàng Mafia xuất hiện trong các hiệu sách. Quyển này viết ra trong những ngày sôi bỏng của tháng Chín, tháng Mười ở Sandhamn, rất khẩn cấp và trong sự bí mật tuyệt đối, nó đã được nhà xuất bản Hallvigs Reklam ở Morgongava in. Đây là quyển sách đầu tiên phát hành với logo chính ngay Millennium với dòng đề tặng kỳ lạ: Tặng Sally, người đã cho tôi thấy cái lợi của môn chơi golf.

Đây là một quyển sách dễ thương, 608 trang, bìa giấy thường. Lần xuất bản đầu tiên là 2.000 cuốn cuối cùng đã bị cầm chắc sai về số lượng nhưng đã bán hết veo trong hai ngày và Berger đã đặt in 10.000 cuốn nữa.

Các nhà điểm sách kết luận rằng phen này muốn gì thì Blomkvist cũng không có ý định giữ bí mật bởi lẽ đây là chuyện phát hành ra những tham phiếu rộng khắp về nguồn tin. Ở mặt này họ đúng. Hai phần ba quyển sách gồm các phụ lục là những bản sao đích thực về tài liệu lấy ở máy tính của Wennerstrom ra. Cùng lúc phát hành quyển sách, Millennium chuyển các văn bản trong máy tính Wernnerstrom thành file PDF và đưa lên trang mạng của tờ tạp chí để dùng làm tư liệu nguồn.

Việc Blomvist vắng mặt khác thường là một phần của chiến lược truyền thông mà anh và Erika đã đặt ra. Tất cả báo chí trong nước đang tìm anh. Mãi đến khi tung quyển sách ra rồi anh mới cho She trên TV4 được phỏng vấn đặc biệt anh, lại một lần nữa có một tin giật gân trước các đài truyền hình nhà nước. Nhưng vấn đề chỉ là chuyện tâng bốc.

Blomkvist đặc biệt thích một cuộc tranh luận khi anh xem một video về sự ra mắt của anh. Cuộc phỏng vấn được truyền đi trực tiếp vào đúng lúc Thị trường Chứng khoáng Thụy Điển đang tự thấy nó lao dốc không phanh và một dúm các cốt cán trẻ của ngành tài chính thì đang dọa quăng mình ra ngoài cửa sổ. Người ta hỏi anh việc nền kinh tế Thụy Điển đang hướng đến chỗ sụp đổ thì trách nhiệm của Millennium là gì.

- Nghĩ nền kinh tế Thụy Điển đang đi đến sụp đổ là vớ vẩn. – anh nói.

Nhà đài She trên Tv4 nom lúng túng. Theo dự kiến, cô không chờ đợi anh trả lời như thế nên cô buộc phải ứng tác. Thế là Blomkvist nhận được một câu hỏi mà anh mong muốn.

- Chúng ta đang trải qua một cuộc rơi rớt đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử của Thị trường Chứng khoán mà ông lại nói là vớ vẩn ư?

- Cô nên phân biệt giữa hai cái – nền kinh tế Thụy Điển và Thị trường Chứng khoán Thụy Điển. Kinh tế Thụy Điển là tổng của mọi hàng hóa và dịch vụ mà đất nước này đang hàng ngày sản xuất ra. Có điện thoại của Ericsson, xe hơi của Volvo, gà quay của Scan,và tàu biển của Kiruna ở Skovde. Đó là nền kinh tế Thụy Điển, hôm này nó cũng mạnh hay yếu y như nó ở trong tuần trước mà thôi.

Ngừng lại cho có hiệu quả, anh nhấm một ngụm nước.

- Thị trường Chứng khoán là một cái rất khác. Không có kinh tế, không có sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Chỉ có những sự mê ảo mà ở trong đó từng giờ người ta quyết định công ty nào đáng giá ít nhiều bao nhiêu tỉ. Nó không dính dáng gì với hiện thực hay với nền kinh tế Thụy Điển sất.

- Cho nên ông nói Thị trường Chứng khoán có rơi như cục đất thì cũng chả hề hấn gì?

- Vâng, chả hề hấn gì.

Blomkvist nói, giọng quá yếu ớt và nhẫn nhịn đến nỗi nghe nó giống như một kiểu sấm truyền. Người ta sẽ còn dẫn những lời này của anh trong nhiều năm sau. Rồi anh nói tiếp.

- Nó chỉ có nghĩa là một bọng những kẻ đầu cơ kếch xù đang chuyển cổ phần của chúng từ các công ty Thụy Điển sang các công ty Đức. Cho nên một số phóng viên có bản lĩnh hãy nên nhận diện và phơi bày các ông trùm tài chính là những kẻ phản bội. Họ chính là những người làm thiệt hại có hệ thống và có thể là cố ý nền kinh tế Thụy Điển nhằm thỏa mãn những thích thú kiếm lợi của các thân chủ của họ.

Lúc ấy She trên TV4 bèn phạm sai lầm bằng việc hỏi một câu đúng như Blomkvist chờ đợi.

- Vậy nên ông nghĩ giới truyền thông là không có một trách nhiệm gì hết?

- À không. Truyền thông có trách nhiệm lớn. Ít nhất trong hai chục năm, nhiều phóng viên đã nhịn không theo dõi kỹ Hans-Erik Wennerstrom. Ngược lại, họ đã thật sự giúp xây dựng uy tín của ông ấy bằng cách phát hành những chân dung giống như thần tượng, không trí não. Nếu họ làm đúng đắn công việc của họ thì chúng ra sẽ không bị rơi vào trong tình thế như thế này.

Việc Blomkvist ra mắt đánh dấu một bước ngoặt. Nghĩ lại Erika đã chịu rằng chỉ khi Blomkvist lên tivi bình tĩnh bảo vệ những điều anh tuyên bố thì, tuy sự thất là Millennium chiếm mất hết các tít lớn suốt tuần, giới truyền thông Thụy Điển mới thừa nhận bài báo là đã trụ vững. Thái độ của anh đã đặt ra hướng tiến triển của bài báo.

Sau cuộc phỏng vấn, vụ Wennerstrom trượt kín đáo từ khu vực tài chính sang bàn làm việc của các phóng viên chuyên viết về tội phạm hình sự. Trước kia, các phóng viên về tội ác thông thường ít hay không bao giờ viết về tội phạm hành chính trừ phi nó liên quan đến đám lưu manh Nga hay bọn người Nam Tư buôn lậu thuốc lá. Các phóng viên tội phạm không chờ đợi điều tra những vụ án rắc rối trên Thị trường Chứng khoán. Một tờ báo chiều còn theo lời Blomkvist cho đầy hai trang báo liền nhau chân dung của mấy tay chơi quan trọng nhất của các nhà cò đang mua chứng khoán Đức. Tít của hai trang báo này là HỌ ĐANG BÁN ĐỨNG ĐẤT NƯỚC. Tất cả các dân cò đều được phỏng vấn về ám chỉ này. Cò nào cũng thoái thác. Nhưng hôm ấy việc buôn bán cổ phiếu giảm đi đáng kể, một vài cò muốn ra vẻ yêu nước tiến bộ đã bắt đầu bơi ngược dòng, Blomkvist phá ra cười.

Sức ép lớn đến độ một số người âm thầm ở trong những bộ quần áo tối màu đã trình ra một vẻ quan ngại và phá vỡ quy tắc quan trọng nhất của cái câu lạc bộ riêng biệt tạo nên các nhóm nhỏ ở trong gan ruột nền tài chính Thụy Điển là đi bình luận về một đồng nghiệp. Thình lình tất cả các nhà lãnh đạo công nghiệp đã về hưu, tất cả các chủ tịch ngân hàng đều xuất hiện trên tivi, trả lời với ý đồ kiểm soát sự tổn thất. Vấn đề bây giờ là giữ cho mình ở xa Tập đoàn Wennerstrom cành nhanh càng tốt và tống tháo đi bất cứ cổ phần nào họ có thể nắm. Dẫu sao, Wennerstrom – họ kết luận – cũng không phải là một nhà công nghiệp thứ thiệt, lão chưa hề được thật sự chấp nhận vào trong “câu lạc bộ” bao giờ. Vài người còn chỉ ra lão chính là một cậu nhỏ thuộc giai cấp lao động xuềnh xoàng ở Norland mà rồi có lẽ thành công đã làm cho đầu óc tớn bốc lên như thế. Vài người tả hành động của lão như một bi kịch cá nhân. Một số người khác phát hiện ra là mình đã nghĩ Wennerstrom đến cả hàng năm nay rồi – lão quá huênh hoang phét lác, lên mặt ta đây

Trong các tuần tiếp theo, khi công việc thu thập tài liệu của Millennium đã được soi dõi, tách rời riêng rẽ rồi lại gá lắp lại thì ra đế chế Wennerstrom của các công ty tăm tối đã kết nối với mafia quốc tế, bao gồm mọi thứ, từ buôn lậu vũ khí và rửa tiền cho các cácten ma túy Nam Mỹ đến ngành đĩ điếm ở New York và thậm chí cả buôn bán tình dục trẻ em ở Mexico. Một công ty Wennerstrom đăng ký mua uranium đã làm giàu ở chợ đen tại Ukraine. Wennerstrom xem ra đã cung cấp không thể cạn cho các công ty mờ ám gắn nối với mọi doanh nghiệp bí ẩn và việc cung cấp này hình như đang nảy nở ra ở mọi nơi.

Berger nghĩ quyển sách là những trang viết hay nhất mà Blomkvist từng có xưa này. Về văn phong nó không nhất quán, còn có những chỗ viết khá nghèo nàn – không có thì giờ nào để cho mà trau chuốt – nhưng môt lòng cuồng nộ đã làm cho quyển sách sống động và điều này thì độc giả nào cũng có thể để ý thấy.

Tình cờ Blomkvist bắt gặp kẻ kình địch cũ, tay cựu phóng viên tài chính William Borg, ở trước Kvarnen khi Blomkvist, Erika và Malm nghỉ tối để ăn mừng lễ Santa Lucia cùng với anh chị em trong tạp chí bằng cách ra ngoài uống vô hồi bằng tiền của Millennium, bạn đi cùng của Borg là một cô gái say bí tỉ, trạc tuổi Salander.

Sự căm ghét của Blomkvist với Borg lù lù hiện lên mặt. Erika nắm lấy cánh tay Blomkvist dẫn anh tới quầy bar đẻ chặn cái tư thế kiêu hùng lại.

Blomkvist quyết định khi có cơ hội anh sẽ nhờ Salander điều tra Borg một trận. Chỉ vì nghi thức mà thôi

Trong suốt trận bão truyền thông, nhân vật chính của tấn kịch, nhà tài chính Wennerstrom gần như không thấy xuất hiện. Hôm Millennium đăng bài báo kia, nhà tài chính buộc phải bình luận về nó ở một cuộc họp báo vốn được triệu tập cho mục đích khác. Ông tuyên bố các ám chỉ không có cơ sở, các tài liệu tham chiếu đều là ngụy tạo. Ông nhắc mọi người nhớ lại rằng chỉ một năm trước thôi, cũng phóng viên này từng bị tòa án kết tội vu cáo.

Sau đó các luật sư của Wennerstrom trả lời giới truyền thông. Hai hôm sau quyển sách của Blomkvist ra mắt, một tin đồn dai dẳng bắt đầu lan truyền rằng Wennerstrom đã rời Thụy Điển. Tờ báo chiều dùng chữ “chạy trốn”. Trong tuần thứ hai, khi cảnh sát chống gian lận chứng khoán cố tiếp xúc Wennerstrom thì không tìm ra lão ở đâu nữa. Giữa tháng Mười hai, cảnh sát xác nhận Wennerstrom đã bị truy nã chính thức và vào ngày hôm trước Năm Mới, một bản thông báo truy nã đã được gửi qua các tổ chức cảnh sát quốc tế. Cũng ngày hôm đó, một trong những cố vấn của Wennerstrom bị bắt ở sân bay Arianda khi ông ta lên máy bay đi London.

Mấy tuần sau nữa, một người du lịch Thụy Điển báo cáo đã trông thấy Wennerstrom vào một xe hơi ở Bridetown, thủ đô của Barbados. Coi là bằng chứng, ông nộp một bức ảnh, chụp từ khá xa, cho thấy một người đàn ông da trắng đeo kính râm, mặc sơ mi trắng hở ngực với cái quần loàng xoàng sáng màu. Không nhận diện chắc chắn được ra lão nhưng tờ báo chiều đã tiếp xúc với các nhà báo ngoài luồng để cố dò tung tích nhà tỉ phú bỏ trốn song không có kết quả.

Sáu tháng sau, cuộc truy lung đình lại. Lúc ấy người ta tìm thấy Wennerstrom chết trong một căn nhà tại Marbella, Tây Ban Nha, lão sống ở đây dưới cái tên Victor Fleming. Lão bị bắn ba phát sát sạt vào đầu. Cảnh sát Tây Ban Nha cho ra một lập luận, rồi họ tuyên bố lão đã bất chợt gặp phải một tên trộm đột nhập vào nhà.

Với Salander cái chết của Wennerstrom chả có gì đáng ngạc nhiên. Với lý do xác đáng, cô ngờ rằng cái chết này liên quan đến việc lão không còn tiếp cận được nữa với tiền của hắn ở một số ngân hàng tại quần đảo Cayman, tiền hắn cần có để thanh toán một số nợ ở Colombia.

Nếu ai đó nhờ Salander dò lõng Wennerstrom, cô có thể từng ngày bảo họ chỗ hắn đang ở. Qua Internet cô đã theo dõi chuyến bay của lão qua cả hàng chục nước và nhận thấy thất vọng cứ lớn dần lên ở trong các email của lão. Ngay cả Blomkvist cũng không ngờ lão tỉ phú trốn chạy lại đủ ngu đến độ ẵm theo cả chiếc máy tính đã bị đột nhập tanh bành của lão.

Sau sáu tháng theo dõi Wennerstrom, Salander mỏi mệt. Câu hỏi còn lại cần được trả lời là cô nên để cho mình dính líu xa tới đâu. Wennerstrom rõ ràng là một loại đê tiện cỡ Thế vận hội nhưng lão không phải kẻ thì của cá nhân cô và cô chả có lợi gì trong việc đem thân đi chống lại hắn. Cô có thể mách nước cho Blomkvist nhưng anh chẳng qua cũng chỉ đăng lên một bài báo thế thôi. Cô có thể mách nước cảnh sát nhưng hoàn toàn lại có cơ Wennerstrom sẽ được báo trước rồi lại biến. Ngoài ra theo nguyên tắc, cô không nói chuyện với cảnh sát.

Nhưng có những món nợ khác cần phải trả. Cô nghĩ đến người hầu gái mang bầu bị dìm đầu xuống nước trong bồn tắm của chính nhà mình.

Trước khi Wennerstrom chết bốn ngày, cô quyết định. Cô mở di động gọi một luật sư ở Miami, người có vẻ là một trong số những người mà Wennerstrom đang hết sức cố giấu tung tích của lão. Cô nói chuyên với một thư ký và yêu cầu cô chuyển cho một tin nhắn cụt lủn. Tên Wennerstrom và địa chỉ Marbella. Cần có thế thôi.

Cô tắt buổi tin tivi đang phát dở một tường thuật li kì về cái chết của Wennerstrom. Cô pha ít cà phê và dọn bữa lót dạ cho mình – một miếng sandwich patê gan với dưa chuột.

Erika và Malm trông coi việc sửa soạn lễ Giáng sinh hàng năm trong khi Blomkvist ngồi trên ghế của Erika, uống rượu glogg và coi hai người. Tất cả nhân viên tòa soạn và các cây bút tự do cộng tác thường xuyên đều có quà Noel – năm nay là một túi xách có in logo của nhà xuất bản Millenium mới. Sau khi gói ghém quà xong họ ngồi viết và dán tem 200 thiếp để gửi đi cho các công ty in ấn, nhiếp ảnh gia cùng các đồng nghiệp trong ngành truyền thông đại chúng.

Một lúc quá lâu Blomkvist đã cố nén đi cái ý muốn này nhưng cuối cùng anh không thể cưỡng lại. Anh nhặt lấy tấm thiệp sót lại cuối cùng rồi viết: Chúc Giáng sinh vui vẻ và Năm mới tốt đẹp. Cảm ơn những cố gắng tuyệt vời của anh trong năm qua.

Anh ký tên và gửi tấm thiệp cho Janne Dahlman, nhờ tòa soạn của tạp chí Monopoly Financial chuyển hộ.

Tối ấy, khi Blomkvist về nhà, có một tin nhắn báo anh có một gói bưu phẩm. Sáng hôm sau anh đi nhận và mở nó ra trên đường đến tòa soạn. Trong bưu phẩm có một que hương đốt muỗi và một chai rượu aquavit Reimersholms. Tấm thiệp viết: Nếu anh không có kế hoạch khác, tôi sẽ cập cầu tàu Arholma vào lễ Giữa Mùa hè. Ký tên Robert Lindberg.

Theo lệ, tòa báo Millennium nghỉ suốt từ trước lễ Giáng sinh một tuần cho đến hết lễ Năm Mới. Năm nay không thế. Cái tòa soạn nhỏ bé đã gồng hết sức lên mà các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới vẫn cứ hàng ngày gọi đến. Trước đêm Noel, gần như tình cờ Blomkvist đọc được bài báo trên tờ Financial Times tóm tắt lại các phát hiện của hội đồng ngân hàng quốc tế vừa được vội vã lập ra để xem xét việc đế chế Wennerstrom sụp đổ. Bài báo nói hội đồng đã nghiên cứu trên giả định cho rằng đến phút cuối cùng chắc đã có người mách cho Wennerstrom biết bí mật sắp bị tiết lộ đến nơi.

Tài khoản của lão ở Ngân hàng Kroenenfeld tại quần đảo Cayman gồm 260 triệu đô la Mỹ - xấp xỉ 2 tỉ rưỡi curon Thụy Điển – đã bị vét sách một ngày trước khi Millennium đăng bài báo.

Số tiền này đã được rải ra ở một số tài khoản mà chỉ Wennerstrom mới rút ra được. Lão không cần phải có mặt ở ngân hàng; lão chỉ đưa ra một loạt mã khóa thanh toán ra lệnh chuyển tiền đó đến bất cứ ngân hàng nào trên thế giới. Tiền đã được chuyển đến Thụy Sĩ, ở đây một nữ trợ lý đã biến nó thành những khoản vốn gửi đến các ngân hàng tư nhân vô danh. Tất cả các mã khóa thanh toán đều hợp quy cách.

Europol, cảnh sát châu Âu, đã phát động cuộc tìm kiếm một phụ nữ dùng hộ chiếu Anh đánh cắp mang tên Monica Sholes, người này nghe nói đã sống vương giả ở một trong những khách sạn sang trọng nhất Zurich. Một bức hình tương đối rõ do một camera theo dõi chụp, cho thấy một phụ nữ thấp lùn với mái tóc tiểu đồng màu vàng, môi loe, ngực đồ sộ mặc quần áo hàng hiệu đúng mốt đắt tiền và đồ nữ trang bằng vàng.

Blomkvist nghiên cứu bức hình, thoạt đầu chỉ liếc thoáng qua nhưng rồi săm soi nó mỗi lúc một hồ nghi hơn. Sau vài giây anh lục lọi trong bàn làm việc ra một kính lúp phóng to rồi cố làm nổi rõ lên các chi tiết khuôn mặt trên bức ảnh lấy từ màn hình của tờ báo.

Cuối cùng anh buông tờ báo, ngồi đấy, câm lặng trong vài phút. Rồi phá lên cười như hóa rồ dại đến nỗi Maml phải thò đầu vào qua cửa xem có chuyện gì.

Sáng hôm 24, trước Noel, Blomkvist ra khỏi nhà đi tới Arsta để thăm và mang quà tới cho vợ cũ và cô con gái Pernilla. Pernilla được chiếc máy tính mà nó thích, quà này là Blomkvist và Monica cùng mua. Blomkvist được Monica tặng cho chiếc cà vạt và con gái tặng anh một cuốn tiểu thuyết trinh thám của Ake Edwardson. Không giống Giáng sinh trước, năm nay họ rất hào hứng và phấn chấn vì tấn kịch truyền thông đang diễn ra vì Millennium.

Họ cùng ăn trưa với nhau. Blomkvist liếc trộm con gái một cái dài. Anh chưa gặp con gái từ ngày nó lên Hedestad thăm anh. Anh nhận thấy anh đã thua trong cuộc tranh luận về sự mê mẩn của nó và mẹ nó với giáo phái Skelleftea. Anh không thể bảo họ rằng chính là sự thông thạo Kinh thánh không thể chối của con gái đã giúp anh đi đúng hướng để tìn Harriet Vanger mất tích. Từ hồi đấy anh không nói chuyện với con gái.

Anh không phải là một ông bố tốt.

Sau bữa ăn trưa, anh hôn chào từ biệt con gái rồi gặp Salander ở Slussen. Họ đi đến Sanhamn. Họ không gặp nhau kể từ khi quả bom Millennium phát nổ. Họ đến muộn đêm Noel và nghỉ hết lễ ở đó.

Như vốn dĩ, Blomkvist đồng hành vui vẻ nhưng Salander có một cảm giác khó chịu là khi cô trả nợ anh bằng tấm séc 120.000 curon thì anh nhìn cô với một cái vẻ đặc biệt lạ.

Họ đi bộ đến Trovill rồi quay về (và Salander cho là phí toi thì giờ), ăn bữa tối Noel ở một nhà hàng rồi quay về căn nhà gỗ nhỏ, đốt củi lò sưởi lên, đặt một đĩa CD Elvils rồi làm tình theo lối truyền thống cổ lão. Khi thỉnh thoảng nhoi lên để thở, cô đã cố phân tích các cảm xúc của mình.

Như môt người tình thì Blomkvist chả có vấn đề gì. Rõ ràng là có một sức hút sinh lý. Và anh không thử làm người đỡ đầu dạy bảo cô.

Vấn đề của cô là cô không thể diễn giải cảm xúc của chính mình. Từ trước tuổi dậy thì, cô đã không hạ hàng rào bảo vệ để cho một ai khác được gần gũi như cô bây giờ đối với anh. Nói cho thật thà thì anh có cái bản lĩnh đáng ghét xuyên thủng được phòng tuyến của cô và khiến cho cô phải nói đến các chuyện cá nhân riêng tư cùng những cảm xúc riêng tư của cô. Tuy cô vẫn đủ khôn để lờ đi phần lớn các câu hỏi của anh nhưng cô đã nói về mình bằng một cái kiểu mà cô không bao giờ, ngay dù có bị dọa giết, lại tưởng tượng ra là cô có thể nói như thế với bất kỳ một ai khác. Điều này làm cho cô sợ, làm cho cô cảm thấy bị lột truồng và dễ vụn vỡ trước ý chí của anh.

Đồng thời – khi nhìn anh ngủ và nghe anh ngáy – cô lại cảm thấy trước đây trong đời mình cô chưa từng tin một con người nào khác như tin anh. Cô tuyệt đố chắc chắn rằng anh sẽ không bao giờ lấy những điều anh biết về cô ra làm hại cô. Đó không phải bản chất của anh. Điều duy nhất họ không bàn là mối quan hệ của họ đối với nhau. Cô không dám còn anh thì không bao giờ đề cập chuyện này.

Một lúc nào đó trong buổi sáng thứ hai, cô nhận ra một điều khiếp đảm. Cô không hiểu làm sao nó lại đã xảy ra và cô sẽ chống chọi lại nó như thế nào nếu giả định phải chống. Lần đầu tiên trong đời cô đã yêu.

Việc anh già gấp đôi không làm cô lo phiền. Cà việc hiện lúc này anh đang là một trong những người đáng mặt lên đài ở Thụy Điển, và ảnh của anh còn lên cả trang bìa tờ Newsweek cũng không làm cho cô ngại – tất cả chỉ là chuyện láo nháo ầm ĩ nhất thời. Nhưng Blomkvist không phải một dân nghiền tính dục hay mơ mộng lăng nhăng. Chuyện rồi sẽ đến lúc chấm dứt. Muốn thế không dễ. Anh cần cô vì cái gì? Có thể cô chỉ là một cách tiêu thời gian trong khi anh chờ một ai đó, một người không sống cuộc đời chuột bọ như cô.

Sáng đó anh dậy muộn, cô đã pha cà phê và ra ngoài mua bánh. Anh đến bàn ăn với cô và lập tức nhận ra một cái gì đó thay đổi trong thái độ của cô – cô giữ gìn ý tứ hơn một chút. Khi anh hỏi cô có sao không thì cô nhìn anh, cái nhìn không biểu lộ cảm xúc và khó đoán.

Ngày đầu tiên giữa Giáng sinh và Năm mới, Blomkvist đi tàu lên Hedestad. Anh mặc quần áo ấm nhất và đôi giầy đích đáng cho mùa đông. Frode chờ anh ở ga, bình thản chúc mừng thành công truyền thông của anh. Từ tháng Tám, đây là lần đầu tiên anh thăm Hedestad, còn từ ngày đầu tiên anh đến đây thì gần như đã tròn một năm. Hai người chuyện trò lịch sự nhưng cũng có nhiều điều hai bên không nói ra và Blomkvist cảm thấy không thoải mái.

Mọi việc đã được chuẩn bị, việc làm với Frode chỉ mất có vài ba phút. Frode chuyển tiền vào tài khoản ở một ngân hàng nước ngoài thích hợp nhưng Blomkvist khăng khăng phải trả nó cho tờ tạp chí của anh như một khoản tiền công bình thường hợp pháp.

- Tôi không cho phép trả bằng một kiểu khác. – Anh nói cụt lủn khi Frode nài nỉ.

Mục đích lần đi này không chỉ là tài chính. Blomkvist đã để lại quần áo, sách và một số đồ vật của anh ở căn nhà gỗ nhỏ khi anh và Salander rất vội vã rời Hedestad.

Henrik Vanger vẫn còn hom hem sau trận ốm nhưng ông ở nhà. Một nữ y tá trông nom ông, không cho ông đi bộ dài, lên gác hay bàn luận cái gì đó có thể làm ông quỵ đổ. Kỳ nghỉ lễ vừa rồi, ông bị cảm lạnh nhẹ và được lệnh phải nằm liệt giường.

- Ngoài cái đó ra, cô ta đắt. – Ông phàn nàn.

Blomkvist biết ông già có thể cho phép tiêu pha như thế - xét đến việc ông đã xóa đi bao nhiêu thuế má trong cả đời ông. Vanger ủ rũ nhìn anh cho đến khi anh bật cười.

- Con khỉ gì, anh đáng được nhận lấy từng curon mà. Tôi biết anh đáng được thế.

- Nói thật thà chả bao giờ tôi lại nghĩ là giải quyết được chuyện kia.

- Tôi không định cảm ơn anh đâu. – Henrik nói.

- Tôi không chờ đợi ông cảm ơn. Tôi lên đây chỉ để nói với ông rằng tôi đã làm xong việc.

Henrick dẩu môi ra.

- Anh chưa xong việc.

- Tôi biết.

- Anh chưa viết biên niên gia đình Vanger, anh đã bằng lòng viết rồi mà.

- Tôi biết thế. Tôi sẽ không viết cái đó. Thật tình tôi không viết được. Tôi không thể viết gia đình Vanger mà lại bỏ đi cái sự kiện trung tâm nhất của mấy chục năm qua. Tôi viết sao được một chương về thời kỳ Martin làm CEO tập đoàn mà lại bảo rằng không biết chuyện gì ở dưới tầng hầm của anh ta? Tôi cũng không thể viết mà lại không tàn phá một lần nữa cuộc đời của Harriet.

- Tôi biết anh khó xử và tôi biết ơn anh đã quyết định như anh vừa nói.

- Chúc mừng. Ông đã làm được cho tôi hư hỏng. Tôi sẽ hủy hết các ghi chép và băng ghi âm về các lần chuyện trò giữa hai chúng ta mà tôi có.

- Tôi không nghĩ là anh hư hỏng. – Henrik nói.

- Thì tôi thấy là thế mà. Và tôi nghĩ nó là hư hỏng đấy.

- Anh phải chọn giữa vai trò là một nhà báo và vai trò là một con người. Tôi không bao giờ có thể mua nổi được sự im lặng của anh. Và tôi tin khá chắc chắn rằng anh sẽ vạch vòi chúng tôi nếu như sự thật quay ra là Hariet đã dính líu như thế nào đó vào tất cả hay nếu như anh coi tôi là một lão ngu đần.

Blomkvist không đáp lại.

- Chúng tôi đã kể hết với Cecilia. Chả còn lâu la gì Frode và tôi sẽ tịch thôi mà Harriet thì sẽ cần đến mọi người trong gia đình ủng hộ đỡ đần. Cecilia sẽ có vai trò tích cực trong ban giám đốc tập đoàn. Từ nay trở đi Cecilia sẽ phải gánh vác lấy công việc.

- Chị ấy phản ứng như thế nào?

- Rất xúc động. Cecilia ra nước ngoài một thời gian. Tôi sợ nó lại không trở về nữa cơ đấy.

- Nhưng chị ấy đã trở về.

- Trong một số ít thành viên gia đình hợp với Cecilia thì luôn có Martin. Biết sự thật về Martin là gay go với nó lắm. Cecilia nay cũng đã biết anh làm gì cho gia đình.

Blomkvist nhún vai.

- Vậy cảm ơn anh, Mikael. – Henrik Vanger nói.

- Ngoài ra tôi không thể viết câu chuyện vì nhờ có nó tôi đã lên tới đây vì gia đình Vanger. Nhưng ông bảo tôi xem, ông thấy sao khi trở lại làm CEO?

- Chỉ là tạm thời thôi, nhưng… giá mà tôi được trẻ hơn. Tôi chỉ làm việc ba giờ một ngày. Họp hành các thứ đều ở trong gian phòng này và Frode đã phải bước vào làm viện binh cho tôi nếu như có ai đó gây rắc rối.

- Các ủy viên trẻ chắc phải run rẩy trong đôi bốt của họ. Phải một thời gian tôi mới nhận ra Frode không phải chỉ là cục cưng già của một cố vấn tài chính mà còn là người giải quyết các vấn đề cho ông.

- Đúng. Nhưng mọi quyết định đều là làm với Harriet và nó là người làm cái chân đầu chày ở trong văn phòng.

- Tình hình chị ấy ra sao?

- Harriet thừa kế cả cổ phần của anh lẫn mẹ. Nó kiểm soát khoảng 33 phần trăm của tập đoàn.

- Thế có đủ không?

- Tôi không biết. Birger đang cố ngáng Harriet. Alexander nhìn thấy mình có cơ hội tạo ảnh hưởng đã liên mình với Birger. Anh tôi, ông Harald bị ung thư chả còn sống được chả mấy. Ông ấy là người còn lại duy nhất có cổ phần lớn nhất là 7 phần trăm, các con ông sẽ thừa kế chỗ này. Cecilia và Anita sẽ đứng về cánh Harriet.

- Vậy cùng nhau, ông sẽ kiểm soát, xem nào, 45 phần trăm.

- Trước đây trong gia đình không có kiểu cácten bỏ phiếu biểu quyết này. Nhiều cổ đông với một hai phần trăm sẽ bỏ phiếu chống chúng tôi. Đến thang Hai này Harriet sẽ làm CEO tiếp theo tôi.

- Chuyện ấy sẽ không làm cho chị ấy vui.

- Đúng, nhưng cần phải thế. Chúng tôi phải lấy vào một số đối tác mới và mẫu mới. Chúng tôi cũng có cơ hội cộng tác với công ty của Harriet ở Australia. Có những khả năng.

- Harriet hôm nay ở đâu?

- Anh không may rồi. Đang ở London. Nhưng Harriet rất thích gặp anh.

- Tôi sẽ gặp chị ấy ở cuộc họp ban biên tập tháng Giêng nếu chị ấy thế chỗ của ông.

- Tôi biết.

- Tôi nghĩ chắc chị ấy hiểu là tôi sẽ không bàn chuyện xảy ra hồi những năm 60 với bất cứ ai trừ Erika Berger và tôi không thấy tại sao Erika lại cần biết cơ chứ.

- Cần đấy. Anh là người có đạo đức, Mikael.

- Nhưng cũng bảo chị ấy rằng mọi chuyện chị ấy làm từ này đều có thể lên trên mặt tạp chí. Tập đoàn Vanger sẽ không có quyền tha hồ bỏ qua sự theo dõi xem xét.

- Tôi sẽ bảo nó thế.

Blomkvist rời đi khi Vanger bắt đầu gật gà gật gù. Anh gói ghém đồi đạc vào hai va li. Khi đóng lần cuối cùng cửa căn nhà gỗ nhỏ, anh dừng lại một thoáng rồi đi đến nhà Cecilia gõ cửa. Chị không có ở nhà. Anh lấy quyển lịch bỏ túi ra, xé một trang, viết : Tôi chúc chị mọi sự tốt đẹp nhất, Hãy cố tha thứ cho tôi, Mikael. Anh bỏ tờ giấy vào trong hòm thư. Một cây nến Giáng sinh cháy bên cửa sổ bếp ngôi nhà hoang vắng của Martin Vanger.

Anh đáp chuyến tàu cuối cùng về Stockholms.

Trong kỳ nghỉ lễ, Salander phớt hết phần còn lại của thế giới. Cô không trả lời điện thoại và không mở máy tính. Cô bỏ ra hai ngày giặt giũ, kì cọ, vệ sinh căn hộ của mình. Các hộp đựng pizza cũ được bó lại và hai chục túi giấy nhét đầy báo cũ. Cô cảm thấy như thể cô đã quyết định bắt đầu một cuộc đời mới vậy. Cô nghĩ mua một căn nhà mới – khi cô tìm ra cái nào hợp ý – nhưng hiện tại thì chỗ cũ này của cô sẽ sạch láng sáng choang hơn hẳn lên như cô chưa từng thấy thế.

Rồi cô ngồi như bị tê liệt, suy nghĩ. Trong đời cô chưa bao giờ có một ham muốn mãnh liệt như thế này. Cô muốn Mikael Blomkvist bấm chuông… rồi sao chứ ? Nhấc bổng cô lên, ôm lấy cô ư ? Say đắm đưa cô vào buồng ngủ rồi xé toang quần áo của cô ra nhỉ ? Không, cô thật tình muốn có anh ở bên. Cô muốn nghe anh nói rằng anh thích cô vì cô là cô, như thế này. Rằng cô là một người đặc biệt ở trong thế giới của anh, trong cuộc đời của anh. Cô muốn anh có vài cử chỉ yêu thương với cô, không phải của bạn tình hay của kẻ đồng hành. Mình đang vi vu mây gió đây, cô nghĩ…

Cô không tin ở mình. Blomkvist sống trong một thế giới của những con người làm những việc đáng kính trọng, những con người với cuộc đời ngay ngắn và những suy nghĩ chín chắn. Các bạn của anh làm việc, lên tivi, đặt tít các bài báo. Anh cần tôi vì cái gì ? Nỗi sợ lớn nhất của Salander, nó quá đồ sộ, quá đen ngòm đến mức biến ra thành những chuyện khiếp đảm, là ngươi ta cười chế nhạo tình cảm của cô. Rồi thình lình tất cả lòng tự tin mà cô xây đắp công phu thận trọng đã vụt đổ sụp.

Đó là lúc cô tĩnh trí lại để quyết định. Cô phải mất rất nhiều giờ để huy động lòng dũng cảm cần thiết, nhưng cô phải gặp anh, nói với anh cảm xúc của mình.

Không thế thì không chịu được.

Cô cần vài lý do để gõ cửa nhà anh. Cô không tặng anh quà Noel nhưng cô biết cô sẽ mua thứ gì. Trong một cửa hàng đồ cũ, cô thấy một số huy hiệu quảng cáo bằng kim loại với những chạm nổi từ những năm 50. Một trong những huy hiệu có hình ảnh Elvis Presley với cây ghita ở hông và một quả bóng các tông với chữ KHÁCH SẠN NÁT LÒNG 1. Cô không hiểu về thiết kết nội thất nhưng cô vẫn có thể nói cái huy hiệu này sẽ là hoàn hảo cho căn nhà gỗ nhỏ ở Sand-hamn. Nó giá 780 curon, theo nguyên tắc cô cù cưa mặc cả và nó tụt xuống còn 700. Cô bảo gói nó lại, kẹp nó vào nách rồi đi thẳng đến chỗ của anh ở Bellmansgatan.

Ở Hornsgatan tình cờ cô liếc vào quán cà phê Kaffebar, thì thấy Blomkvist đi với Erika. Anh nói cái gì đó, cô ấy cười, quàng tay ôm eo rồi hôn vào má anh. Họ quay xuống cuối phố Brannkyrkagatan về hướng Bellmansgatan. Ngôn ngữ hình thể của họ không để cho ai còn có thể hiểu lầm được gì cả - thấy rõ là họ đang có cái gì đó ở trong đầu. Cái đau đó rất tức thì, rất hung hãn đến nỗi Salander phải dừng bước lưng chừng, không thể cử động. Một phần trong cô muốn nhào xô theo họ. Cô muốn lấy cái cạnh nhọn của chiếc huy hiệu kim loại bửa đôi đầu Erika ra. Cô không làm gì hết trong khi các ý nghĩ quẩn lên trong đầu cô. Phân tích hậu quả. Cuối cùng cô bình tâm lại.

- Mày là một con ngu lâm li thống thiết quá thể đấy, Salander ạ. – Cô nói to lên.

Cô quay gót trở về với căn nhà mới được sạch như lau như li của mình. Khi cô qua Zinkensdamm, tuyết bắt đầu rơi. Cô quẳng Elvis vào trong một thùng rác.

--- ------ ------ ------ -------

1 Nguyên văn : Heartbreak Hotel, tên một ca khúc của Elvis Presley


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui