Cô Gái Mãn Châu

Nhìn theo cho đến khi Lý Đức Uy khuất bóng, La Hán nhè nhẹ gật đầu :

- Từ ngày ra khỏi nhà, đây là lần thứ nhất tôi gặp một người đúng với nghĩa của tiếng đại nhân hiệp nghĩa.

Nghệ Thường hỏi :

- Anh nhận thấy như thế à?

La Hán quay lại :

- Chớ không phải như thế sao?

Nghệ Thường đáp :

- Chuyện buông tha cho người sư ca và sư thư của tôi lúc nãy, không phải là khoan thứ hay sao?

La Hán “à” nho nhỏ và vụt nói :

- Thôi, mình đi, đã quá ngọ rồi, mình hãy vào thành kiếm gì ăn cho no đã.

Nghệ Thường lắc đầu :

- Tôi không đói.

La Hán nhướng mắt :

- Sao? Không đói? Làm sao lại không đói? Đi đã hết một khoảng đường xa lắm rồi, Nghệ Thường có biết không?

Nàng nói :

- Tôi không đói vì lòng tôi đang có hai việc mà chưa giải quyết xong, nhất là anh, việc thứ hai là ... trước hết tôi muốn nói về anh, hiện tại tâm tình của anh phân tán một cách đáng sợ. Anh có nghe vị ân nhân hồi nãy nói không? Hiện tại trong thành Trường An này tứ phương phong vũ, rắn rồng hỗn độn, kẻ ác rình rập người lành, một cao thủ, mà để phân tâm, để cho tai mắt trì độn, cảm giác không còn bén nhạy, thì đúng là chuyện cực kỳ nguy hiểm.

La Hán đỏ mặt cúi đầu :

- Tôi biết đó là vấn đề chết sống, nhưng tôi không biết tại sao tôi lại thế.

- Tôi biết.

Nghệ Thường nhìn La Hán thật sâu, cái nhìn của nàng tuy là một cao thủ, tuy là một con người cương nghị, nhưng vẫn không làm sao ngẩng mặt lên, hắn cảm thấy như hơi nghẹt thở, nàng nói :

- Tôi biết nguyên nhân nào khiến cho anh như thế, tôi biết anh đã vì tôi...

Giọng nàng thật bình tĩnh, thứ bình tĩnh của một người đã nắm chắc vấn đề trong tay, giọng này tha thiết :

- Anh có nhớ cái câu “thiên nhược hữu tình thiên nhược lão” hay không? Người ta đã ví thật là hay, trời nếu có tình thì chắc trời cũng đã cằn cỗi, cũng đã già chết mất rồi. Tình đã làm cho người ta phải phân tâm, tình đã làm cho người ta tiêu phí... La Hán, anh có biết như thế hay không?

La Hán ngẩng mặt lên, giọng hắn thật cứng rắn, hắn không còn e thẹn, không còn đỏ mặt, giọng hắn giống như đinh đóng :

- Nghệ Thường, tôi biết, tôi không thích hợp với Nghệ Thường, tôi không xứng đáng, nhưng tôi làm sao chế ngự được lòng tôi.

Nghệ Thường nhìn vào đáy mắt của chàng trai đối diện, giọng nàng như hơi thở phớt qua.

- Bây giờ thế anh ...?

La Hán nói :

- Từ phút ban đầu, từ phút nhìn thấy Nghệ Thường.

Da mặt của Nghệ Thường vụt ửng lên, nàng cúi mặt :

- Tôi cũng biết mình không hợp nhau, tôi càng biết “tình” làm cho người khốn đốn, thế nhưng... tôi cũng như anh ...

Một sự kích động làm cho La Hán buông rơi cái hộp “Tử Kim đao” hai tay nắm chặt lấy tay nàng, miệng hắn run run :

- Nghệ Thường, con người của tôi từ trước đến nay là như thế, tôi đã định làm gì thì không ai ngăn nổi, tôi sẽ làm cho đến nơi đến chốn, tôi san bằng những trở ngại dầu có lớn lao cách mấy,không ai có thể cải biến được tôi, suốt cái tuổi từ nhỏ đến bây giờ, mọi việc có thủy chung, trước sau như một... nếu Nghệ Thường cũng yêu tôi thì chúng ta hãy quên tất cả để sống trọn vẹn với nhau.

Nghệ Thường ngẩng mặt lên, nàng rút hai tay từ trong lòng bàn tay hôi hổi nhiệt tình của hắn nàng nhẹ lắc đầu :

- La Hán, tôi yêu anh, tôi không chối cãi điều đó, nhưng tôi không muốn anh đi xuống, tôi không muốn vì tôi, vì tình yêu mà mất đi bản sắc. Anh có hiểu ý tôi không, La Hán?

La Hán gật đầu :

- Tôi hiểu, Nghệ Thường, rất dễ, Nghệ Thường, chúng ta hẹn ước với nhau rồi gác lại đợi chờ. Nghệ Thường cùng ở một bên tôi, nhưng tôi sẽ đem hết tình yêu làm thành sức mạnh tăng trưởng cho nghị lực, chúng ta chờ cho đến một ngày thuận lợi để thành hôn, được không, Nghệ Thường?

Nghệ Thường lại nhìn vào mặt hắn :

- La Hán, anh có thể làm được hay không?

La Hán gật đầu khẳng định :

- Được, tôi làm được, Nghệ Thường không nhớ con người của tôi là như thế này hay sao? Vì tương lai của chúng mình, tôi sẽ làm tới nơi tới chốn.

Nghệ Thường nói :

- Theo tôi thì trên đời này không có một ai thiết thực quên tình, cũng có thể anh là người mà tôi mới thấy.

La Hán chận ngang :

- Không như vậy là Nghệ Thường chưa thấu đáo, không phải “quên tình” mà dùng là tình yêu để bồi tài cho nghị lực, yêu thương sẽ làm cho người ta phấn chấn, chớ không để cho yêu thương làm lụn bại, nó là một chuyện “đường tơ kẽ tóc” nếu không phát huy nghị lực thì không bao giờ làm được, và đó phải là tình yêu chân chính.

Nghệ Thường gật đầu :

- Anh đã làm cho Nghệ Thường thích thú, nhớ lại đại sư ca đã nói: “Em phải rời khỏi Bạch Liên giáo, phải tìm một người có thể dựa nương, nhất định em sẽ có một người như thế”... em nhớ mãi lời dặn ấy và bây giờ, quả nhiên em đã được anh.

Ngưng lại một lúc lâu, chừng như nàng xúc động khi nhắc tới người đại sư ca thân mến, nàng nhìn La Hán. :

- La Hán, em muốn đại sư ca thấy được anh, nhất định đại sư ca sẽ vui lòng vì người thấy em đã có chỗ tựa nương.

Nàng nhớ người đại sư ca mà nàng đã xem như anh ruột, nàng thật tình của muốn mang cái vui người anh khi thấy nàng đã có người bạn trăm năm xứng đáng.

Nàng không sợ phải gặp lại những người trong Bạch Liên giáo, nàng thừa biết “phép thuật” của họ lợi hại, nhưng nàng cũng biết hơn ai hết những thứ “pháp thuật” ấy chỉ dùng để “mờ mắt” những người nội lực kém cỏi, dễ hoang mang, nó không làm hại được những người như La Hán...

Nàng đã có La Hán, nàng không sợ.

La Hán có “Tử Kim đao” không sợ.

Và La Hán phấn chấn gật đầu.

* * * * *

Hoàng hôn.

Ráng chiều ửng đỏ cả một góc trời.

Đỉnh nhọn của “Đại Nhạn tháp” đã bị ánh ráng chiều nhuộm đỏ, long lanh, ươn ướt như những giọt máu hồng.

Hai cánh cửa cổng của “Từ Ân tự” đóng chặt, bốn phía vắng tênh, ngọn gió chiều thu thổi nhẹ qua, hất tung những chiếc lá vàng vừa mới rụng lảng đẳng trống không.

Đại điện không đèn, không nhang trời mới hoàng hôn nhưng bóng tối như đã ngập đầy, âm trầm, đại diện như chìm sâu vào tịch mịch.

Nghệ Thường và La Hán kề vai đứng ngay trước cửa e dè thận trọng.

Thật lâu, Nghệ Thường tỏ vẻ băn khoăn :

- Họ đi đâu cả rồi cà?

La Hán chiếu tia mắt sáng hoắt vào trong hắn nói hơi nhỏ nhưng mạnh :

- Nghệ Thường, bám theo bên sau tôi nghe.

Hắn mạnh bước vào trong.

Nghệ Thường bám chặt theo sau.

Nàng đưa mắt dò xét chung quanh, không thấy một bóng người, không nghe một tiếng động.

Cả đại điện thênh thang, chỉ có tiếng bước chân nhè nhẹ của La Hán và của nàng.

La Hán vẫn hiên ngang, đôi vai rộng của hắn không hề nghiêng, lưng hắn thật thẳng.

Tiếng bước chân của hắn thật nhẹ nhưng chắc nịch, thận trọng nhưng không rón rén.

Tiếng bước chân của nàng thoăn thoắt, e dè nhưng vững vàng.

Hắn đầy nghị lực quyết thắng, nàng yên ổn nép dựa bóng tùng.

Qua khỏi đại điện, không có một ai, hai ngừoi đi sâu vào hậu viện, vẫn không có dấu vết con người, không có tiếng động nào chứng tỏ có người ở đó.

Hai người đi ra tới bên sau, giữa hai dãy thiền phòng.

La Hán dừng bước lại, đôi mắt hắn như hai vì sao sáng chiếu thẳng vào một gian phòng, gian phòng cửa mở toang.

Nghệ Thường hỏi nhỏ :

- La Hán có người trong ấy phải không?

La Hán, đáp giọng thật khô :

- Có, nhưng đã chết rồi.

Nghệ Thường phát run :

- Ở đâu? Trong gian phòng mở cửa?

La Hán đáp :

- Không, hậu viện.

Hậu viện còn cách một khung cửa chắn ngang, hai cánh cửa đóng kín.

Nhìn vào gian thiền phòng cửa mở, hắn nói chuyện bên sau, nói chuyện cách bởi hai cánh cửa. Hắn có một thứ “xúc giác” thật bén nhạy. Nghị lực, nội công của hắn hoàn toàn đã tập trung.

Chân trái của La Hán bay ra, cánh cửa quay ngang then, một văng bên trái, một văng bên phải, văng ra xa gần một trượng.

Máu!

Hậu viện toàn là máu!

Máu rưới trên đất, máu văng trên cành cây, máu bắn vào những chậu kiểng.

Dấu máu đã đông, sậm màu và phảng phất hơi tanh.

Gian thiền phòng bên trái, phòng rộng, giữa vũng máu, giữa gian phòng hai thây người nằm duỗi nghiêng nghiêng.

Một thanh niên áo trắng, khôi ngô tuất tú, mặc dầu da đã xanh rồi, nhưng vầng trán rộng bằng, đôi mày hơi xếch, đôi mắt hơi dài, vẫn còn đủ dáng cách hiên ngang.

Một cô gái trần nửa thân trên, nằm nghiêng đối diện.

Hai người tay hãy còn choàng nhau, mặt gần sát vào nhau, cả hai nằm giữa vũng máu đã đông nhưng không thấy thương tích.

Máu bắn ra khắp chỗ và trên tường lấm tấm.

Vành môi của gã thanh niên hơi nhếch, như cười, như thách thức với những gì cay nghiệt trên đời.

Cô gái tuy đã cứng rồi, tuy đã xanh rồi, nhưng gò ngực vẫn căng nhựa sống, nàng có vóc thân tuyệt đẹp.

Phía tường bên trong, vừa với tầm tay có hai dòng chữ, nét chữ không rung :

“Sống không được chung màn, chết phải cùng một huyệt”.

Nghệ Thường nhào tới ôm thây gã thanh niên khóc ngất.

La Hán bước lại gần giọng hắn chìm nhỏ :

- Nghệ Thường, đại sư ca đó phải không?

Nghệ Thường tức tưởi gật đầu.

La Hán hỏi :

- Còn cô gái?

Nghệ Thường nói gần không thành tiếng :

- Ngũ sư thư.

La Hán mím môi, hắn làm thinh đứng trơ một chỗ.

Hắn không hỏi nữa mà cũng không có gì nói nữa.

Khóc một lúc thật lâu, Nghệ Thường ngẩng lên lau nước mắt :

- Đại sư ca thật là ngu, đâu có xứng đáng, La Hán, anh thấy có xứng đáng hay không?

Giọng La Hán thật ổn định :

- Ít nhất đại sư ca cũng thấy là xứng đáng.

Nghệ Thường ngẩng mặt nhìn lên, hai hàng chữ máu trên tường, nàng lẩm bẩm đọc :

- “Sống không được chung màn, chết phải cùng một huyệt”...

Nàng vụt rít lên :

- Không, nàng không xứng đáng.

Nghệ Thường phục xuống ôm lấy thây của người đại sư ca khóc lớn :

- Đại sư ca, anh ngu, nàng không xứng đáng với tấm tình chung thủy của anh... không, nàng không xứng đáng!

Xứng đáng hay không?

Nàng có xứng đáng hay không?

Hắn có ngu không?

Không, không ai có thể trả lời.

Phải chính hắn trả lời.

Nhưng hắn đã trả lời bằng chứng tích hùng biện nhất :

xứng đáng, xứng đáng khi nàng cùng chết chung với hắn.

“Tình” không phải là chữ để giải thích, nó là thứ chữ có tính chất khẳng định, nó là chất hòa tan mà không bao giờ chịu chi phối bởi một chất nào khác nữa... Nó không phải để cho người giải thích, mà nó là thứ để ngấm lần và đồng hóa.

Nó không được nạp “bậc thứ ba”, nó đứng ngoài và hoàn toàn độc lập với “đệ tam nhân”...

La Hán đứng yên trong tư thế cực kỳ tôn trọng.

Trường An thành lên đèn.

Từ quán cốc trong ngõ hẹp đến lầu cao, nơi nào cũng tưng bừng rực rỡ.

Ánh sáng làm cho khó phân biệt, ánh sáng giúp cho sinh hoạt đồng hòa, đứng xa mà nhìn, thật khó thấy cái khốn cùng của những cái nghèo ban sáng.

Chỉ trừ những chỗ tối tăm hem hóc....

Lòng người thì không thể.

Ánh sáng tưng bừng càng làm cho lòng người lặng xuống, nếu ai mang niềm thê lương.

Nghệ Thường sánh vai với La Hán đi trên đường phố. Nàng không còn khóc nữa, nhưng hai mắt vẫn đỏ hoe, lòng nàng nặng trĩu.

Nàng đi kề bên hắn, người nàng như suy nhược, chân nàng như nhẹ hơn đầu...

Trái tim vốn là máu thịt, trái tim của người con gái vốn mềm, nhứt là trái tim của một người con gái đa sầu đa cảm...

Ở trong Bạch Liên giáo bao nhiêu năm, nàng lớn lên nơi đó vô tình thương độc nhứt của người đại sư ca, nỗi ao ước, nỗi vui mừng của em chưa tận mật thì, bỗng nhiên người đại sư ca đột ngột lìa trần mà lại chết trong hoàn cảnh cực kỳ bi thảm...

Làm sao nàng chẳng đau lòng, cái đau lòng như chính thân nhân của nàng đã chết, cái đau lòng như chính nàng đã chết. Nhưng nếu chính nàng chết thì chắc có lẽ nhẹ hơn nhiều.

Người đã chết rồi thì không còn tội lỗi.

Nắp ván thiêng một khi đã đậy lại, tất cả những gì thuộc về tội lỗi đã được gói ghém mang đi vào lòng đất lạnh, còn lại trong lòng người phải là thứ kỷ niệm thương yêu.

Bằng vào lẽ đó, bằng vào di ngôn của đại sư ca, Nghệ Thường đã vui lòng chôn chung hai người vào một mộ phần ở phía sau Từ Ân tự.

Từ khi đưa hai người trong phòng ra phần mộ, cho đến khi ra ngoài, vòng tay của đại sư ca vẫn không buông người ngũ sư muội và cũng không ai đành lòng dùng sức để gỡ ra.

Vòng tay của người ngũ sư muội cũng vẫn bám chặt lấy người tình.

Phải chăng đó là sự thủy chung, mặc dầu khoảng giữa của thời gian chung thủy ấy đã có một khoảng trống.

Nhưng chính cái khoảng trống đau thương đó đã kéo từ “thuỷ” đến “chung” cho xích lại gần.

Thôi thì, có thủy có chung những gì ở khoảng giữa trống không ấy hãy để cho thủy chung khỏa lấp.

Tại làm sao đại sư ca lại có cái “si” như thế ấy?

Nghệ Thường không thể hiểu nổi mà chắc sại sư ca của nàng cũng không hiểu nổi, nhưng nấm mồ này sẽ mãi mãi tồn tại trong lòng người, hai linh hồn đã giải thoát khỏi sự dằng dặt của lương tâm.

Nàng đã tần ngần thật lâu mới vạch được một hàng chữ trên tấm mộ bia :

“Đại sư ca, Ngũ sư thư, thủy chung chi mộ”.

Giữa hai chữ “thủy chung” nàng gạch nối một đường dài, nàng biết thời gian sẽ khỏa bằng gạch nối ấy không phải xóa trên tấm mộ bia mà là xóa tận trong lòng nàng...

Nhưng con đường lớn trong thành Trường An luôn luôn náo nhiệt.

Xe như nước, người như rồng, nhấp nhô trôi mãi không ngừng.

Sự ồn ào huyên náo đó có lẽ phải đến nửa đêm mới có thể bình tịnh lại.

Nhìn thác người cuồn cuộn phía trước, Nghệ Thường bỗng nhớ đến người đại sư ca yêu mến.

Anh đã được thong dong trên đường phố như thế này chưa anh?

Anh đã từng cầm tay người yêu tự do phơi phới đi dạo giữa đông người để tự nâng lòng kiêu hãnh của mình chưa anh?

Nàng chợt thở dài.

Giữa người sống và người chết khoảng cách là bao.

Khoảng cách là cái gì?

Phải chăng chỉ cách nhau bằng hơi thở? Tam thốn khí tại...

Không, đó chỉ là chuyện thông thường qua nhận xét thông thường đối với nàng, hình như không có ngăn cách bởi một thứ gì cả... Người đại sư ca như vẫn còn lảng vảng bên mình.

Không phải là con người mà là linh cảm.

Đứng tính bao dung, chung thủy của con người sẽ mãi mãi trường tồn.

Anh có xuống sâu ba lớp đất hay sâu hơn nữa, anh vẫn là anh của lòng em. Vẫn là người anh khoan hoà, nhân hậu.

Dòng suy nghĩ mông lung của nàng đang xuôi chảy theo thác người cuồn cuộn thình lình có một người đàn ông trung niên ăn vận sang trọng tới phía đối diện đi lại và dừng trước mặt hai người.

Người trung niên hỏi :

- Các hạ họ Bạch?

La Hán kéo tay Nghệ Thường, hai người đứng lại.

Nghệ Thường bắt đầu quan sát.

Người đàn ông trung niên nước da thật trắng bệt khoảng độ bốn mươi, quần áo và con người đều sạch sẽ, nhưng bằng vào trực giác, Nghệ Thường bỗng cảm thấy không thiện cảm.

Nàng thấy đó là con người ác.

Hình như La Hán cũng đồng cảm như nàng hắn lạnh lùng :

- Phải!

Gã trung niên đại hán hỏi :

- Các hạ từ Hồi Hồi bảo đến đây?

Nghệ Thường sửng sốt :

- Hồi Hồi bảo cách Trường An xa lắm. Muốn đến Hồi Hồi bảo phải ra Gia Cốc quan và gần tới Ngọc Môn quan. Coi như Hồi Hồi bảo là vùng quan ngoại. La Hán ở từ chỗ xa xôi ấy hay sao?

La Hán gật đầu :

- Phải!

Gã trung niên đại hán nói :

- Làm sao lại bây giờ mới đến? Gia gia của chúng tôi đợi dữ lắm rồi.

La Hán nhướng mày :

- Ta đi bằng hai chân. Các người đã trao ngựa hay trao xe cho ta?

Gã trung niên đại hán biến sắc :

- Thật là lớn lối, họ Bạch ngươi phải hiểu cho rõ chớ...

La Hán chụp lấy vai hắn, tia mắt hắn bắn ra như lửa :

- Ngươi nói gì?

Gã trung niên đại hán phát rung khan, mồ hôi trên trán tuôn ra có hột...

La Hán buông tay, hắn loạng choạng thối lui, tay hắn xoa xoa chỗ vừa bị nắm, miệng hắn xuýt xoa nhăn nhó...

La Hán lạnh lùng :

- Ta đã đến rồi, nói lại cho chủ nhân của ngươi biết, từ đây về sau, muốn gì thì nói...

Tần ngần một lúc, gã trung niên mới nói :

- Gia gia của chúng tôi đã dự bị sẵn cho các hạ một chỗ ở...

La Hán ngắt ngang :

- Ta không chịu ân huệ gì của các ngươi cả, tự ta, ta sẽ tìm chỗ ở. Trường An thành rộng lớn như thế này, ta không tìm được một khách sạn hay sao?

Hắn kéo tay Nghệ Thường bỏ đi không thèm ngó lại.

Tòa khách điếm không lớn, nhưng rất sạch sẽ.

Nhứt là dãy phòng bên sau rất yên tịnh, ở đó không nghe thấy tiếng huyên náo ngoài đường.

Vừa ngồi xuống ghế, giọng của La Hán đã tỏ vẻ bất an.

- Nghệ Thường, đã nghe rồi chứ? Tôi từ Hồi Hồi bảo đến đây.

Nghệ Thường hỏi :

- La Hán là người Hồi tộc?

La Hán lắc đầu :

- Không, chúng tôi là người Hán, đến Hồi Hồi bảo từ hồi hai mươi năm về trước, ở đó, nhưng chúng tôi không theo hồi giáo.

Nghệ Thường hỏi :

- Nhà anh vốn người võ lâm?

La Hán gật đầu :

- Cũng có thể nói như thế.

Nghệ Thường cau mặt :

- “Cũng có thể nói như thế”, có nghĩa là sao?

La Hán đáp :

- Cha tôi trước kia đã từng làm quan nhà Đại Minh, mấy đời đều lập phong hầu, nhưng sau đó, không hiểu vì lẽ gì, cha tôi bỗng từ quan, lại mang cả gia đình đến Hồi Hồi bảo.

Nghệ Thường mở tròn đôi mắt :

- Như vậy anh là tiền hầu gia.

La Hán mỉm cười nụ cười xem chừng có phần miễn cưỡng :

- Còn gì mà gọi là “Tiểu hầu gia”, bây giờ tôi chỉ là một thảo dân, có thể nói thấp hơn nữa vì tôi đã lìa xa xứ sở so với bậc sĩ khanh ấm tước qua lại trong Trường An thành này, tôi chẳng kể vào đâu...

Nghệ Thường ngưng cười, nàng có vẻ trầm tư :

- Lão bá phụ đột nhiên từ bỏ quan tước, tôi nghĩ chắc phải có nguyên nhân trọng đại.

La Hán nói :

- Tôi cũng nghĩ như thế, tôi nghĩ nguyên nhân đó chắc bà nội tôi có biết, thế nhưng không bao giờ bà nói cho tôi nghe.

Nghệ Thường vụt hỏi :

- La Hán, người hồi nãy chuyện với anh là ai thế?

La Hán ngập ngừng :

- Họ đó, những người đó đó...

Nghệ Thường hỏi :

- Những kẻ bảo anh tìm giết người họ Lý phải không?

Thần sắc của La Hán vụt buồn bã lờ đờ, hắn gật đầu :

- Họ đó.

Nghệ Thường hỏi dồn :

- Họ là ai thế? Tôi muốn hỏi họ là bang phái nào trong võ lâm?

Trầm ngâm một chút La Hán lắc đầu :

- Họ không phải là người võ lâm..

Nghệ Thường cau mặt :

- Không phải là người võ lâm, nghĩa là...

La Hán mím môi :

- Họ là gian tế của Mãn Châu được phái tới Trung Nguyên.

- Mãn Châu...

Nghệ Thường lặp lại với vẻ kinh hoàng...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui