Cô Gái Mãn Châu

Ngọn đèn thật nhỏ, ánh sáng tỏa lờ mờ.

Thật ra thì một gian phòng chỉ có hai người, ánh sáng như thế kể ra cũng là quá đủ.

Nghệ Thường nói thật nhỏ :

- La Hán, đừng có cau mày hoài như vậy được không? Nhìn mặt anh, em không làm sao chịu nổi.

La Hán cười, cố nhiên nụ cười gắng gượng :

- Nghệ Thường, anh không muốn cái buồn của anh lây đến em, em đáng lý phải là một cô gái không buồn, không biết buồn mới được.

Nghệ Thường háy mắt :

- Ai nói với anh vậy? Em đã buồn, đã biết buồn, chỉ có điều cái buồn của em không giống của anh thôi.

La Hán hỏi :

- Vậy chớ cái buồn của em là cái buồn gì?

Như e thẹn, như tức mình, nàng vùng vằng :

- Hổng nói đâu.

Một cô gái đẹp mà hơi giận một chút là càng đẹp hơn lên, cái làm cho người mê mệt là cái tự nhiên chớ không phải cố làm ra vẻ.

Nói câu nói đó, Nghệ Thường bày hẳn dáng sắc tự nhiên, thứ tự nhiên trời ban trong cái đẹp của nàng.

La Hán ngồi nhìn trân trối.

Nhưng rồi hắn lại thở dài quay đi chỗ khác.

Nghệ Thường hỏi vào tai hắn :

- Tại làm sao anh không dám nhìn em?

La Hán lại thở ra :

- Anh không xứng.

Nghệ Thường hỏi :

- Anh có thể làm chủ lòng anh, có thể cải biến được không?

La Hán lắc đầu, mắt hắn hằn lên những đường nhăn thống khổ :

- Không, anh không thể cải biến gì cả.

Nghệ Thường cau mặt :

- Có thể, anh có thể, chỉ cần anh bằng lòng, chỉ cần anh tình nguyện.

La Hán nói :

- Anh bằng lòng, anh tình nguyện, nhưng anh không thể... Nghệ Thường, em có biết cho anh không?

Nghệ Thường chắc lưỡi :

- Tại làm sao anh không chịu nói cho em biết? Tại làm sao? Biết đâu em lại chẳng có thể giúp anh, La Hán?

La Hán lắc đầu :

- Không, Nghệ Thường em không thể giúp anh, không ai có thể giúp anh được cả.

Nghệ Thường thở ra :

- Vây thì... La Hán, anh phải gắng, anh phải giúp cho anh, anh...

La Hán cười như khóc :

- Bản thân anh đã không có tự do thì anh làm sao gắng được...

Nghệ Thường bóp mạnh bàn tay La Hán :

- La Hán, anh làm em điên lên được, chuyện như thế nào?

La Hán siết lại tay nàng bằng dáng cách vằng vặt tâm tư :

- Nghệ Thường, bỏ đi, đừng nói đến chuyện ấy nữa, được không? Em hãy ngồi cạnh bên anh, chẳng lẽ chúng ta không còn chuyện gì để nói nữa sao?

Trầm ngâm một lúc, Nghệ Thường nói :

- La Hán, em cảm thấy một con người, nhất là một người con trai ngang tàng bất khuất như anh, đáng lý phải nhìn vào thực tế, đáng lý phải đem hết dũng khí, cam đảm nhìn thẳng vào thực tế... Trên đời không có một chuyện gì không giải quyết được. Có khó khăng thì phải có biện pháp giải quyết khó khăn, không thể tránh né, không thể đầu hàng...

La Hán ngồi nhổm dậy kêu lên :

- Nghệ Thường...

Nghệ Thường buồn rầu :

- Thôi, em không nói những chuyện ấy nữa, anh đã không cho em nói thì thôi. Chúng mình nói chuyện khác.

- Chuyện gì? Anh nói đi.

La Hán cười khổ sở và hắn làm thinh.

Nghệ Thường chừng như sợ hắn buồn vì câu nói hơi “ấy” của mình, nàng cười dịu giọng :

- Bây giờ bàn về chuyện tương lai của chúng mình được không, anh?

La Hán sửng sốt :

- Chuyện tương lai?

Nghệ Thường nghiêng mặt ưu tư và thần sắc của nàng vụt mơ màng hướng về tương lai thật sự :

- Bây giờ tuy chưa có thể quyết định là chúng ta sẽ ở tại chỗ nào, nhưng em hy vọng nơi đó xa thành thị một chút, càng xa càng tốt. Nơi đó, có núi có sông... có cây có hoa... có vài gian nhà tranh cửa trúc... phía trước có vườn, phía sau có ruộng...

La Hán bật cười :

- Nghệ Thường tưởng tượng đẹp quá vậy?

Nghệ Thường nghiêng mặt :

- Anh tưởng không tìm được một chỗ như thế hay sao?

La Hán đáp :

- Nơi như em muốn thì nơi nào cũng có thể tìm ra, nhưng vấn đề là biết có đẹp được như lòng mong ước hay không?

Nghệ Thường chớp mắt :

- Tại sao lại không thể?

La Hán nói :

- Bà nội anh...

Hắn vùng ngậm miệng lại, môi hắn run run, hắn nuốt nước bọt khan mấy lần rồi trầm ngâm nói tiếp :

- Bà nội tôi từng nói rằng phong vị giang hồ nguy hiểm lắm, đừng có bao giờ để cho nó nhiễm vào mình, một khi nó đã nhiễm vào mình rồi thì khó mà thoát ra cho được, trừ phi... hơi thở không còn. Chính như cha anh vốn là nhân vật võ lâm, dời cả gia đình ra vùng quan ngoại tưởng đâu như thế sẽ đoạn tuyệt với võ lâm, thế nhưng cuối cùng rồi thì xương trắng máu tanh cũng kéo đến Hồi Hồi bảo, chẳng những thế, chuyến đi Trung Nguyên này của anh, để làm một chuyện không nên làm, để nói một câu không nên nói, đó cũng do “di sản” của cha anh làm liên lụy... vì thế anh không muốn liên lụy đến em...

Nghệ Thường hất mặt :

- Em không sợ.

La Hán cười :

- Nghệ Thường, em có thể không nhưng anh sợ, làm hư mình thì nhỏ nhưng làm hư người thì lớn lắm.

Nghệ Thường nghiêm giọng :

- La Hán, vợ chồng là hãy đồng cam cộng khổ vui buồn sướng khổ cùng chia sẻ với nhau. Từ ngay gặp anh, em đã yêu anh và cũng từ ngày hôm đó, em biết anh đã bị nhiễm vào mình cái phiền lụy của võ lâm, nếu em sợ thì hôm nay em đâu có ngồi cạnh bên anh?

La Hán nhìn sững vào mặt nàng, tâm tình của hắn bị chấn động :

- Vợ chồng? Em nói sao? Nghệ Thường, vợ chồng?

Nghệ Thường gật đầu :

- Chớ sao? Em đã yêu anh thì em là vợ của anh, hai trái tim cùng một nhịp, hai tâm hồn cùng một mộng, chúng ta sẽ cùng nhau đến bạc đầu.

La Hán thiếu điều nhạy dựng lên :

- Nghệ Thường, không được... em không thể... anh không thể làm chồng em được... trên đời sẽ còn có người thích hợp với em hơn...

Nghệ Thường lắc đầu :

- Không ai thích hợp bằng anh, cũng không ai thích hợp với anh hơn em, La Hán, anh muốn em sẽ gần anh trọn đời em cũng muốn anh gần em trọn đời, tại sao em không thể là vợ anh, trừ phi anh chê em. Anh đã chẳng nói rằng anh thương em đó sao?

La Hán lắc đầu :

- Không, bây giờ anh thấy đúng là không được, anh không chê em, nhưng mà... anh sợ.

Nghệ Thường nhướng mắt :

- Sợ? Anh sợ cái gì?

La Hán thấp giọng như mệt mỏi :

- Anh sợ sẽ làm liên luỵ đến em... em trong trắng, em thiện lương, em phải có một người chồng thích hợp như thế, phải có một nơi thật đẹp thật yên lành như em đã mong ước, em phải có một cuộc sống êm đềm, vui sướng. Còn anh, anh tự biết trọn đời anh không thể tìm được một nơi như thế, tại vì khi chưa chào đời, anh đã bị nhiễm không khí tai hại, cái di truyền nguy hiểm của giang hồ. Bây giờ, quả đúng là anh đang đi vào con đường đó... anh đi đến đâu, nó bám theo đến đó, chạy không khỏi, trốn không xong...

Hắn ngậm miệng lại, khóe môi hắn giật trông thật thảm hại...

Nghệ Thường nắm chặt tay hắn :

- Anh, chẳng lẽ từ trước đến nay không một kẻ giang hồ nào cởi bỏ được chiếc áo giang hồ cả hay sao?

La Hán thở ra :

- Chuyện đó... không phải là không có, nhưng... ít quá, ít đến mức gần như....

không có!

Nghệ Thường gặn lại :

- Có ít, thế nhưng tại làm sao chúng ta lại không nằm trong số ít đó chớ?

La Hán như đờ đẫn :

- Điều đó... anh...

Nghệ Thường cứng giọng :

- La Hán, người ta thường nói rằng đã là phước thì không phải họa, mà đã là họa rồi thì không chạy đâu thoát. Ai cũng phải chết một lần, ngồi trong nhà, trốn trong phòng cũng chết. Trong đời ai cũng thế chớ không chỉ người giang hồ bị nguy hiểm không thôi. Đường đời hấp hểnh, xe ngựa làng chàng, chỗ nào cũng là nguy hiểm, bước ra là nguy hiểm, nhưng không thể ngồi một chỗ, không thể ở mãi trong nhà, người sống là phải đi, dầu nguy hiểm cũng phải đi, mà ngồi trong nhà cũng đâu phải không nguy hiểm, cũng đâu thể sống ngàn năm? Phải không anh?

Nàng nói riết làm cho La Hán ngồi ngó... lắc đầu.

Nghệ Thường chồm lên :

- Cái gì? Anh lắc đầu cái gì?

La Hán cười :

- Anh nói không lại em.

Nghệ Thường gắt :

- Anh nói em... già hàm phải không? Hỏi đi, hỏi ai xem em nói thế có phải không?

La Hán lại thở ra :

- Nghệ Thường, mình nói chuyện khác đi...

Hắn vụt ngẩng mặt lên giọng hắn lạnh băng băng :

- Đêm khuya sương nặng, đứng ngoài không lạnh hay sao?

Một giọng cười sằn sặc nổi lên ở bên ngoài, giọng cười nghe y như từng khối băng rơi xuống :

- Ngồi trong phòng kín để ôm ấp người đẹp, để cho bằng hữu đứng ngoài sương gió, thế tình lạnh lạt đến mức hay sao?

La Hán lạnh lùng :

- Bây giờ không phải lúc khuấy rầy ta, nơi đây không phải là nơi giết chóc...

Giọng nói như băng bên ngoài đáp lại :

- Được, ta không khuất rầy các hạ giờ này, sáng ngày mai, khi mặt trời vừa mọc, ta đợi tại Ngưu Đầu Cổ Sát.

Không khí trở về im lặng.

Sát khí của La Hán lần lần dịu lại, hắn nhếch môi :

- Nghệ Thường, có nghe thấy hay không? Đã nhiễm chất giang hồ thì vĩnh viễn mùi máu tanh không làm sao rửa được.

Nghệ Thường vẫn còn thảng thốt :

- Đi rồi à?

La Hán gật đầu :

- Đi rồi, đã cách xa hàng trăm trượng.

Nghệ Thường hỏi :

- Ai vậy?

La Hán nói :

- Không nhớ giọng hay sao? Họ Lệ đó.

Nghệ Thường mở tròn đôi mắt :

- Lệ Tam Tuyệt?

La Hán gật đầu không nói.

Nghệ Thường lo sợ :

- Tại sao hắn lại đeo theo mình như thế?

La Hán trầm ngâm :

- Cũng có thể vì hắn ganh em với anh, cũng có thể vì chuyện anh gặp người nói chuyện ở đại tán quan hôm trước, chuyện không có gì quan trọng nhưng chắc hắn nghe lầm... cũng có thể hắn theo anh là vì thanh “Tử Kim đao”...

Nghệ Thường hỏi :

- Thanh Tử Kim đao quý lắm phải không?

La Hán lắc đầu :

- Anh có nghe từ trước, trong võ lâm có những thanh kiếm quý, đao quý, quý đến mức người ta phải giết nhau để tranh đoạt. Thanh Tử Kim đao cũng có quý nhưng chắc không phải thế, nếu cần tranh đoạt thì bao nhiêu năm nay ở tại Hồi Hồi bảo đã dẫn tới rồi. Anh nghĩ họ theo anh là vì thấy nó, thấy nó là họ biết lai lịch của anh, nếu anh ở mãi tại Hồi Hồi bảo thì không sao nhưng khi anh trở lại Trung Nguyên thì họ sợ, vì có thể họ đang có âm mưu gì đó, họ không bằng lòng dòng dõi thanh Tử Kim đao này có mặt...

Nghệ Thường trầm ngâm :

- Hay là vấn đề quốc sự? Nhưng anh đâu có dính líu với triều đình?

La Hán nói :

- Anh không dính líu nhưng thanh Tử Kim đao này dính líu. Em quên rằng cha anh là rường cột của triều đình trước kia hay sao? Theo anh nghe thì không riêng cha anh mà còn có một người nữa, đó là Bố Y Hầu, người này và cha anh là bạn thân cùng một chí hướng, nghe đâu Bố Y Hầu cùng các lão quan từ quan sau cha anh không bao lâu...

Ánh mắt của Nghệ Thường lóe lên sự vui mừng, nàng hỏi nhóng :

- Anh có biết Bố Y Hầu không?

La Hán lắc đầu :

- Anh chỉ nghe man mán, chớ không rõ lắm...

Nghệ Thường nói :

- Như vậy họ theo dõi anh cũng như theo dõi Bố Y Hầu là tại vì họ chống triều đình, họ sợ anh giúp triều đình chống họ.

La Hán gật đầu :

- Cũng có thể, nhưng nói chung, giang hồ là như thế. Có nhiều chuyện chính người bị hại cũng không rõ nguyên nhân.

Nghệ Thường hỏi :

- Hắn hẹn ngày mai đến tại ngôi chùa cổ “Ngưu Đầu tự” vậy anh có đi không?

La Hán nhướng mắt :

- Tự nhiên là phải đi chớ sao không? không đi làm sao được?

Nghệ Thường hỏi :

- Tại làm sao lại phải đi mới được? Không đi sợ người ta cười à?

La Hác cười :

- Nghệ Thường, thật khó mà giải thích, nói chung, em nên biết rằng chuyện này không thể trốn được, trốn được ngày mai, nhưng rồi ngày và những ngày mai kế tiếp thì sao?

Nghệ Thường nói :

- Vậy tại sao không thử trốn một ngày xem sao? Trốn được ngày nào hay ngày ấy, cho đến khi nào trốn không được nữa rồi hẳn hay, có được không?

La Hán nhìn nàng bằng đôi mắt nhướng nhướng :

- Sao vậy? Nghệ Thường em sợ phải không?

Nghệ Thường lắc đầu :

- Không phải sợ, con gái như em không giống như con gái sống yên phận với cha mẹ vậy đâu. Gan em cũng lớn lắm, anh quên rằng em từ Bạch Liên giáo mà ra hay sao?

Chỉ có điều em không muốn anh giết người, chuyện giang hồ giống như một cái vực sâu không đáy, em không muốn cho anh đặt chân vào đó.

La Hán cười gượng gạo :

- Nghệ Thường, sớm lắm từ ngày anh tiếp nhận thanh Tử Kim đao, này là anh đã đặt chân vào cái vực mà em vừa nói, lúc đó anh mới đặt có một chân, từ lúc anh lìa Hồi Hồi bảo thì anh đã đặt luôn một chân còn lại, bây giờ muốn lấy chân lên kể như không còn được nữa rồi.

Nghệ Thường nói :

- Một mình anh lên không được, nhưng còn có em ở bên anh, em sẽ cố lôi anh lên.

La Hán lắc đầu :

- Anh và một số nhân vật võ lâm khác có chỗ không giống nhau, em sẽ lôi anh lên à? Được lắm, nhưng thanh Tử Kim đao này nặng quá nó ghịt anh trở xuống.

Nghệ Thường cau mặt :

- La Hán, em không hiểu được câu nói của anh

La Hán với tay cầm cái hộp đang đặt trên bàn, hắn rút thanh dao ra...

Ban ngày, thanh đao thấy không có gì, nhưng ban đêm, dưới ánh đèn, mặc dầu ánh đèn yếu ớt, nhưng cũng đủ phản chiếu ánh sáng màu tía, ánh “tử quang” nhuộm ửng khắp gian phòng...

Thật là lạ lùng. Y như thứ kim cương, nhìn tận mặt thanh đao chỉ thấy một màu sậm gần như đen, thế nhưng khi nó phải chiếu bởi ánh sáng ngọn đèn, sức phản chiếu của nó thật là kinh khủng, nó không phải là hào quan,g nó là thứ ánh sáng hồng tím và... pha lẫn nhiều màu chớp nhoáng khó mà phân biệt màu nào là chính.

Nghệ Thường mở tròn dôi mắt nhìn quanh rồi nhìn lại ngọn đao.

Nàng thấy gian phòng bây giờ thật là huyền ảo...

La Hán nhìn nàng mỉm cười :

- Thanh đao cũng có quý đó, nhưng còn phải biết đao pháp, nghĩa là biết sử dụng, riêng anh lại còn mang theo lai lịch, gốc gác, mà cái đó mới là chính yếu, đối với thế nước hiện nay, đối với những kể âm mưu tàn hại trung lương khuynh đảo triều đình để gồm thâu thiên hạ, anh không làm gì cả, nhưng cái gốc gác của anh, có thể là cây đinh trong mắt họ, chuyện Lệ Tam Tuyệt bám theo anh, có thể bản thân hắn không phải, nhưng người cầm cán, người đầu não của hắn đã nhằm vào mục đích tiêu diệt anh cũng như đã cố tiêu diệt Bố Y Hầu.

Nghệ Thường cau mặt :

- Nhưng em thấy... tự mình, mình có thể tránh những chuyện khiêu khích.

La Hán nhìn sững ngọn đao, ánh mắt ngời ngời :

- Có chỗ em chưa hiểu, cũng có thể anh không giải thích được... cha anh ngày xưa đã dùng thanh đao này giết không biết bao nhiêu những người đáng giết, đã tạo một uy danh nhất nhì trong giớ võ lâm, đã cùng với bạn đồng liêu chống đỡ cho nhà đại minh trong những lúc hiểm ngào... từ ngày anh tiếp nhận thừa kế thanh đao này, bắt đầu từ đó, không phải anh mang nặng thnah đao mà mang nặng một trách nhiệm, trừ phi anh không giữ nó, bằng không, trọn đời trọn kiếp của anh phải giữ cho kỳ được cái uy danh của nó.

Nghệ Thường trù trừ hồi lâu, cuối cùng nàng hỏi thật nhẹ, như không dám nói một câu chắc chắn :

- Có thể không cần đem nó được không anh?

La Hán nói như nhai từng tiếng một :

- Không, không thể được. Nếu anh không cần thanh Tử Kim đao, là anh phải không thừa nhận anh họ Bạch, anh không thừa nhận cha anh. Lúc trao thanh đao này cho anh, cha anh đã nói “đao bất ly thân, đao còn người còn, đao mất người chết”, như vậy, giờ nào nó không còn trong tay anh thì lúc đó anh đã chết.

Ánh mắt của Nghệ Thường vụt tối sầm :

- Như vậy có nghĩa là mãi mãi không làm sao thoát khỏi chuyện giết chóc trong giang hồ sao?

La Hán thở phào, hắn nhếch môi cười buồn bã :

- Mỗi một kiếp sống đều có cái chân lý riêng của nó, có lẽ em thấy kỳ cục lắm, nhưng thật sự là như thế. Chính vì thế cho nên anh mới nói không ai giúp anh được cả, vì thế anh mới nói đừng có để cho chất giang hồ nó nhiễm vào mình. Đó cũng là cái cha anh để lại cho anh, nói một cách khác là cha anh đã làm liên luỵ đến anh, lúc nhỏ, anh không chịu tập võ, nhưng vì thanh Tử Kim đao, vì anh phải giữ nó, anh không thể không tập võ. Sau khi lớn lên, anh bằng lòng tình nguyện chôn cuộc đời nơi quan ngoại làm một kẻ tầm thường cũng như bao nhiêu kẻ tầm thường khác, làm thinh không thèm nghe đến chuyện giang hồ, anh có thể đốn củi, có thể cấy lúa, nhưng lại cũng vì thanh Tử Kim đao này, chính nó đã làm cho anh phải ly khai quan ngoại để trở lại Trung Nguyên, để xâm nhập giang hồ...

Nghệ Thường nhìn vào mắt hắn :

- Đã thế thì anh nên đi ngủ sớm đi, nếu không, sáng ngày tinh thần rã rượi, làm sao mà nghinh địch.

La Hán cũng nhìn nàng :

- Sao vậy? Sao em nói cùng ngồi nói chuyện với anh tới sáng kia mà.

Nghệ Thường cười :

- Chuyện đời đâu phải là bất biến, cũng như con người ban đầu chí hướng về đông, nhưng sau cùng rồi đâu chắc về hướng ấy phải không? Biết đâu đi được một đỗi rồi gặp chuyện gì đó mà phải rẽ qua hướng khác.

La Hán tra thanh đao vào hộp và nói :

- Cái gã họ Lệ đó mà làm cho mình phải rẽ sang ngã khác, hắn đang chết.

Nghệ Thường háy dài :

- Đừng nói chuyện đó nữa, đi ngủ, nghe.

La Hán gật đầu :

- Ừ, thì ngủ, nhưng sao em ngồi đó?

Nghệ Thường nói :

- Em ngồi kế bên trông chừng cho anh ngủ, chừng nào anh ngủ rồi, em sẽ nằm kế bên đây.

La Hán nhan mặt :

- Như thế sao được, mỏi lắm.

Nghệ Thường nghiêng mặt liếc hắn :

- Sao lại không được? Ai biểu em là vợ anh chi? Ngày mai chồng đi quyết đấu với người đêm nay vợ phải lo cho chồng đầy đủ sức khoẻ, được hôn?

La Hán chưa nói gì thì Nghệ Thường đã đứng lên :

- Đừng nói gì nữa cả, ngủ đi, em nguyện suốt đời không được ngủ, chớ em không bằng lòng chồng em chiến đấu với người mà thiếu sức.

Nàng bước lại giũ mềm kéo nệm cho thẳng thốn.

La Hán hỏi :

- Em làm gì vậy?

Nghệ Thường nói :

- Sửa soạn chỗ ngủ cho chồng được hôn? Nếu là mùa đông thì còn phải đốt lửa hơ nệm trước nữa đó.

Nàng cười như thể nói chơi, nhưng La Hán biết nàng nói thật, hắn cực kỳ cảm động ,hắn nói trong tâm tình xúc động đó :

- Nghệ Thường, em thật là một người vợ tốt, tương lai, ai cưới được em, người đó chắc chắn là mười kiếp trước đều tu.

Nghệ Thường háy hắn một cái thật dài :

- Ngu ngốc. Ai thèm cưới em nữa? Em đã có chồng rồi, nếu chồng em không có lương tâm, bỏ em thì em ở giá chớ ma nào thèm cưới nữa, phải hôn chồng?

Hắn cười theo cái cười của nàng, nhưng rồi hắn nghe lòng rười rượi :

- Anh không dám, Nghệ Thường...

Nghệ Thường nhìn vào mặt hắn :

- Trừ phi anh nhẫn tâm bỏ em, La Hán, nếu không, từ đây về sau anh đừng nói như thế nữa nghe? Anh nói làm em đứt ruột, em chết cho coi.

La Hán làm thinh.

Hắn cúi mặt thật lâu rồi mới ngẩng lên :

- Lúc còn ở nhà, bà nội anh lo lắng cho anh, bà nội anh thương anh lắm, cho đến khi anh chồng ngồng cái đầu như thế này, bà nội anh vẫn xem anh như một đứa trẻ lên ba... bây giờ thì, đến lượt em lo lắng cho anh, Nghệ Thường...

Hắn không nói hết câu, hắn cúi mặt dàu dàu...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui