Cô Gái Mãn Châu

Sực nhớ lại cái thây có cây trâm ở tòa trang viện trong đám cháy, Mẫn Tuệ trào nước mắt :

- Hay là Thiên Hương đã chết rồi!

Nghê Thường nói :

- Thư thư, chưa hẳn thế đâu.

Mẫn Tuệ lại loé lên hi vọng :

- Làm sao không phải?

Nghê Thường nói :

- Có thể chị ấy đã được cứu rồi.

Mẫn Tuệ sáng mắt :

- Làm sao chắc được?

Nghê Thường chỉ vào ngôi mộ và nói :

- Người chôn Tổ Tài Thần đã có một trình độ võ công cao thì tại sao lại không thể là người đã cứu chị Thiên Hương?

Mông Bất Danh nghi ngờ :

- A Thường làm sao biết?

Nghê Thường nói :

- Căn cứ vào những ngôi mộ đó. Hơi rượu từ những người chết chứng tỏ rằng trước khi chết họ uống rượu khá nhiều. Tại sao họ uống rượu nhiều? Trong trường hợp nào họ uống rượu nhiều? Phải chăng đây là “Hỷ tửu”? Trương Tam Dõng chết nằm trong phòng riêng trên giường có dấu nhân chứng tỏ có người ngồi hoặc nằm trên đó, nếu đúng là đêm hồi hôm có chuyện kết thân ở đây thì tại sao chị Thiên Hương lại chết thiêu ở tòa trang viện?

Mông Bất Danh mở tròn đôi mắt :

- Đúng rồi, con tôi giỏi lắm. Nhất định Thiên Hương đã được cứu.

Mẫn Tuệ lau nước mắt...

Nghê Thường nói :

- Cứ theo tình hình mà suy đoán thì chị Thiên Hương bị ép thành thân với Trương Tam Dõng, trong bữa tiệc thành thân chị ấy lén bỏ độc dược. Nó có lý luôn về chuyện họ đến đây, có thể viện dẫn lý do gì đó, chị Thiên Hương không để cho họ ở nơi tòa trang viện lớn kia vì nơi đó là người của Tổ gia sẽ có thuốc giải mà nếu đi bất thình lình như thế này chị ấy mới dễ thi hành ý định của mình.

Mông Bất Danh vụt nói :

- Ở đây chờ ta...

Nhìn theo dáng nhanh nhẹn của Mông Bất Danh, Mẫn Tuệ chảy nước mắt :

- Tội nghiệp cho Mông lão, nếu Thiên Hương mà tai qua nạn khỏi, tôi nguyện với trời để bằng lòng giảm kỷ mười năm.

Mông Bất Danh trở lại, ông bằng lòng vỗ vỗ vai Nghê Thường :

- Con gái cưng của ta, ta chết cũng thỏa mãn, con gái của cha nhanh lắm, sẽ nối nghiệp cho cha...

Mẫn Tuệ hỏi :

- Sao? Mông lão...

Mông Bất Danh nói :

- Trước của có một dấu xe quay đi ngõ khác đi về hướng bắc, chứng tỏ đã có người đưa Thiên Hương đi...

Mẫn Tuệ chắp tay :

- Mô phật cầu trời phù hộ cho Thiên Hương.

Mông Bất Danh ngó Nghê Thường :

- Con gái đoán thử xem người ấy là ai?

Nghê Thường lau nước mắt nhoẻn miệng cười :

- Con chỉ đoán chừng, sao nghĩa phụ lại coi như là hay dữ vậy?

Mông Bất Danh nói :

- Tre tàn măng mọc chớ, con.

Nghê Thường nói :

- Con tin rằng người ấy phải là hạng giang hồ hiệp nghĩa, vì ngoài chuyện cứu Thiên Hương còn chuyện Tổ Tài Thần trong trường hợp này cũng chưa chắc làm như thế vì...

Mông Bất Danh khoát tay :

- Theo...

Ông ta băng ra ngoài, Mẫn Tuệ và Nghê Thường lật đật đi theo.

Ba người lại lên xe theo dấu.

* * * * *

Cỗ xe chỉ chạy với mức trung bình trên con đường ngược về hướng bắc.

La Hán ngồi ngất ngưởng trên cao trước hiên xe, thanh Tử Kim đao đặt gần bên hắn.

Vó ngựa lốc cốc, bánh xe lộc xộc, hai mắt hắn nhìn thẳng về phía trước, mắt hắn không lộ một vẻ gì.

Thình lình cặp chân mày của hắn phóng lên.

Xa xa, khoảng chừng dặm ngoài có một bóng người, bóng người nhóng lên nhóng xuống, người đó đang phi thân khá nhanh...

Khoảng cách giữa cỗ xe của La Hán và người ấy giữ được và có thể thu ngắn lại, nhưng La Hán vẫn không cho ngựa chạy nhanh hơn, thấy sau lưng người ấy vẫn còn bốn năm áo vàng.

La Hán nhìn thấy rõ ràng, hắn vẫn cho xe đi với mức độ bình thường.

Trong khoảng cách đó, đối với một người có trình độ võ công thượng thừa như La Hán, nó chỉ trong một cái nháy mắt.

Người đi trước là một thanh niên hành khất, vóc dáng nhỏ thó, theo sau là bốn tên áo vàng cầm kiếm, cứ theo tình hình đó thì rõ ràng một người chạy, bốn người rượt.

Chờ cho cự ly ngắn lại thêm, La Hán ghìm cương chụp lấy thanh đao phóng tới chận ngay trước mặt người thanh niên hành khất.

Gã hành khất giựt mình vung tay đánh tới...

La Hán đưa hộp đao lên ngang ngực và quát :

- Đừng có lỗ mãng, ta hỏi Lý Đức Uy.

Nghe ba tiếng Lý Đức Uy là gã hành khất khựng lại, nhưng hắn chưa kịp nói gì thì bốn gã áo vàng đã tới sát bên.

Tên đi đầu phóng kiếm ngay nhưng hộp đao của La Hán đã giạt ra và hắn nói giọng trầm trầm :

- Để ta hỏi chuyện xong rồi muốn gì thì muốn.

Tên áo vàng cau mặt :

- Rõ ràng các hạ chận giùm sao bây giờ lại trở mặt?

La Hán nói :

- Đúng đó, chờ ta hỏi đã.

Tên áo vàng gằn giọng :

- Hắn xổng rồi làm sao?

La Hán cười :

- Còn ta đây chi?

Tên áo vàng lạnh lùng :

- Được, hỏi đi.

La Hán quay lại phía tên hành khất nhưng tên thứ hai lại hỏi :

- Nhưng nếu bọn ta không cho ngươi hỏi thì sao?

La Hán cười :

- Cái đó còn tùy theo các ngươi có cản được hay không nữa chứ?

Tên áo vàng cười lạt :

- Thử xem...

Thanh kiếm từ trong tay hắn vung lên.

Hộp đao của La Hán cản ngay mũi kiếm, tên áo vàng loạng choạng thối lui tái mặt.

La Hán cười :

- Thử nữa hay thôi?

Bốn tên áo vàng khựng lại nhưng không dám nhích lên.

La Hán hỏi tên hành khất :

- Cho ta hỏi một chuyện.

Tên thanh niên hành khất nhìn chầm chậm vào hộp đao :

- Trong đó có phải thanh Tử Kim Đao?

La Hán cười :

- Nhãn lực khá lắm, ta là Bạch La Hán.

Gã thanh niên hành khất biến sắc :

- Ta biết.

La Hán cười :

- Các hạ nên biết chuyện giữa ta và phân đường Trường An la tư sự, còn ta tìm Lý Đức Uy là công sự, bây giờ ta không hỏi, nhưng các hạ hãy đi báo cho Đức Uy biết là ta đang tìm hắn. Đi đi.

Tên thanh niên hành khất vừa tung mình thì đám áo vàng tràn tới...

La Hán đưa thanh đao lên ngang ngực :

- Ta đã nói rồi, hắn chạy thì còn ta.

Tên áo vàng hỏi :

- Tiểu tử, ngươi và Cùng Gia bang đã có thù...

La Hán lạnh lùng :

- Đó là chuyện của ta, không ai có quyền can dự. Ta muốn giết ai cũng không ai cản được.

Tên áo vàng sửng sốt :

- Nhưng bọn ta chưa hề gây sự với ngươi?

La Hán nói :

- Phải, chưa gây sự với ta, nhưng tàn hại lương dân, nhiễu nhương bá tánh, đủ giết rồi.

Bốn tên áo vàng cùng xốc kiếm lên...

Chỉ một đao thôi, máu nhuộm trên đầu cỏ, bốn tên thành tám khúc...

Sức mạnh thật là khủng khiếp, thanh đao thật là khủng khiếp.

Vừa tra thanh đao vào vỏ, gã thanh niên hành khất đã quay trở lại, hắn nói :

- Muốn kiếm Lý gia, hãy theo hướng Bắc.

Hắn không chào mà cũng không nói một tiếng tạ ân, hắn nói xong là bỏ đi ngay.

La Hán nhảy lên xe.

* * * * *

Mặt trời đúng ngọ.

Cũng may, trời đã vào xuân, sức nóng không đốt lắm.

La Hán cho xe theo đường cái và vào một cái thôn nho nhỏ, vừa đến cổng làng, hắn chợt nghe có tiếng :

- La Hán.

La Hán ghìm cương.

Đức Uy từ trên nóc tường của một ngôi nhà bay xuống :

- Tìm tôi phải không?

La Hán gật đầu :

- Tin tức của “Cùng Gia bang” quả thật nhanh.

Đức Uy nói :

- Tìm thật đúng lúc, chỉ trễ một chút là tôi đã đi rồi. Có gì quan trọng phải không?

La Hán nói :

- Lên xe, mình tìm chỗ khác nói chuyện.

Đức Uy nhảy lên xe :

- Đi đâu?

La Hán không đáp, hắn cho xe đi sâu vào thôn, được vài ba mươi trượng và ghé vào một tàng cây lớn, hắn dừng xe lại và nói :

- Anh là một nam nhi cứng cỏi phải không?

Đức Uy cười :

- Không dám nhận như thế đâu, bởi vì còn phải tùy theo việc tùy theo lúc, nhưng không làm sao bằng La Hán được đâu.

La Hán cúi đầu, thái độ hắn trầm trọng :

- Tôi mang đến cho anh một người, Đức Uy, tôi phải làm như thế vì tôi không còn cách nào hơn.

Đức Uy ngạc nhiên :

- Nhưng mà ai?

La Hán đáp :

- Người đã làm cho quỷ thần phải rơi nước mắt: Tổ Thiên Hương...

Không đợi dứt câu, Đức Uy tung mình ra sau hất mạnh rèm xe.

Hắn khựng lại ngay.

Bên trong có một cỗ quan tài. Cỗ quan tài chưa sơn, cây hãy còn thật mới.

Đức Uy mím môi, hắn quay phắt lại nhìn La Hán.

La Hán đứng bên hông xe và không đợi cho Đức Uy hỏi, hắn thuật một hơi tất cả những gì mà hắn chứng kiến và luôn cả những điều mà Thiên Hương đã nói với hắn.

Đức Uy im lặng đứng nghe, tay chân hắn run lẩy bẩy, nhưng đến khi La Hán thuật hết thì hắn cũng hết run, hắn hỏi thật bình tĩnh :

- Hết chưa?

La Hán run run :

- Đó là tất cả...

Đức Uy nhìn La Hán bằng đôi mắt thật sâu, hắn cười nhưng không ra tiếng :

- Con người không ai không khỏi chết, chỉ cần chết đúng việc đúng chỗ thì cái chết đó không có gì ân hận. La Hán, nàng đã không sợ thì tại sao anh lại sợ?

La Hán nhìn thẳng vào mặt Đức Uy :

- Tôi sợ anh, anh cứng quá. Nếu Nghê Thường mà có mệnh hệ nào, tôi không thể giữ được bình tĩnh như anh.

Đức Uy chớp mắt :

- La Hán, dẫu tôi có gào thét thì cũng đâu biến cải được gì nữa.

La Hán buồn bã gật đầu :

- Anh nói đúng, nhưng tôi không chịu nổi...

Đức Uy làm thinh, hắn kéo La Hán ra đứng sau xe, hắn đứng quay lưng lại chặn rèm xe lại và hỏi :

- La Hán, anh thuật hết chuyện chưa?

La Hán ngạc nhiên :

- Hết những chuyện gì?

Đức Uy nói :

- Chuyện về Thiên Hương.

La Hán đáp :

- Hết, tôi không giấu anh chuyện gi cả, vì đáng lý tôi không nhắc lại lời của nàng, vì đó là chuyện quá đau lòng nhưng tôi không nỡ phụ lòng người chết.

Đức Uy thản nhiên :

- Tôi muốn hỏi còn đoạn nào quan trọng mà anh chưa muốn nói hay không?

La Hán cau mặt lắc đầu :

- Không?

Đức Uy hỏi :

- Anh chứng kiến tận mắt khi nàng đứt hơi?

La Hán gật đầu :

- Tôi không có cách gì khác hơn được.

Đức Uy hỏi :

- Anh đăt nàng vào quan tài với đầy đủ vật dụng tẩm liệm?

La Hán thở ra :

- Đức Uy, không phải tôi tỵ hiềm, nhưng tôi tôn trọng, tôi chỉ túm lấy tấm mền trên giường và đặt nàng nằm vào cỗ quan tài tôi chỉ đắp sơ trên mình, tôi không sợ tốn công nhưng tôi muốn dành sự tẩm liệm lại cho anh nên tôi không đậy nắp.

Trầm ngâm một lúc, Đức Uy hỏi :

- Anh nhớ kĩ lại xem anh có bỏ qua một sơ xuất gì không?

La Hán đáp :

- Không, nhưng tại sao anh lại hỏi tôi như thế?

Đức Uy làm thinh, hắn chầm chậm quay mình lại đưa tay vén rèm xe và chỉ vào cỗ quan tài.

La Hán liếc vào tái mặt...

Cỗ quan tài trống rỗng.

Chỉ có cỗ quan tài chứ không có thi thể của Thiên Hương.

La Hán đứng chết trân.

Đức Uy nói thật chậm :

- Có hai giả thiết, một là Thiên Hương tỉnh dậy, hai là có người lén mang đi.

Nhưng nếu Thiên Hương tỉnh lại thì nàng không hề giấu anh, không có chuyện gì phải giấu, vả lại nàng không biết võ công, nàng đã uống thuốc độc, nàng không hề tỉnh lại.

Như vậy chỉ còn lại giả thuyết thứ hai.

La Hán bậm môi :

- Tôi không tin.

Đức Uy gật đầu :

- Tôi cũng không tin. Chính tôi có thể cướp một vật trên tay anh, nhưng tôi không thể làm cho anh không hay biết.

La Hán nói :

- Nghĩa là anh muốn nói người cướp thây Thiên Hương không phải là cao hơn tôi mà cũng cao cả hơn anh.

Đức Uy gật đầu :

- Tôi nghĩ như thế...

La Hán đứng một hồi rồi hắn bỗng đập mạnh tay vào thành xe :

- Thôi rồi tôi biết...

Đức Uy hỏi nhanh :

- Sao?

La Hán thuật lại cho Đức Uy nghe chuyện khi đặt cỗ quan tài lên xe, hắn nghe có hơi gió lạ, nhưng vì hơi gió quá nhẹ và nhứt là trong hoàn cảnh đó, hắn không nghĩ có kẻ cướp thây...

Kể xong La Hán cau mày :

- Nhưng người đó là ai?

Đức Uy mím môi một lúc, hắn nói :

- Thôi, cố cho lắm cũng không thể biết, chúng ta chỉ hy vọng có được chuyện lạ phát sinh, hy vọng có được một cái may.

La Hán nói :

- Nhưng riêng tôi, tôi phải thấy trách nhiệm vì tôi đã muốn cho anh thấy mặt nàng, muôn chính tay anh chôn thây nàng nên tôi mới mang đi, bây giờ như thế này là chính tôi làm mất thây nàng.

Đức Uy lắc đầu :

- Không, La Hán, anh phải thấy trong cơn loạn lạc, bao nhiêu thây người, huống chi, chuyên Thiên Hương cũng chưa chắc phải lài chuyện dữ, ta nên lo chuyện khác.

La Hán lắc đầu :

- Không, một là tôi không làm, đã làm thì phải đến nơi đến chốn, anh đi đi.

Hắn nhảy lên xe giật mạnh dây cương... Nhưng không hiểu sao, hắn lại nhảy xuống, bỏ cỗ xe lai, cầm thanh đao phi thân về cuối thôn.

* * * * *

Đức Uy nhìn theo bóng của La Hán, bây giờ nước mắt của hắn mới trào ra.

Giọt lệ anh hùng từ ngàn xưa là thế.

Những giọt lệ không bao giờ người ngoài nhìn thấy, hoặc nó chảy ra trong lúc không có ai, hoặc nó chảy ngược vào tim.

Trái tim của Đức Uy đã bao nhiêu lần thương tích, hắn có thể quên mình để cho quê hương được yên ổn, cho xứ sở không bị điêu linh, nhưng những vết thương đau trong tim hắn khó lành.

Thất Cách Cách đã bị khốn vì cảm tình, đã mang vết thương lòng khi đến Trung Nguyên, vết thương rớm máu đó không phải riêng một mình nàng mà chính hắn cũng còn mang nặng...

Dương Mẫn Tuệ mất cha, vêt thương đó cũng không phải một mình nàng đau xót, hắn đã không bảo vệ được cho quốc gia, để cho triều đình mất đi một bầy tôi lương đống, để cho người yêu chít mảnh khăn tang...

Lòng hắn đang mang thương tích đó với nàng.

Bây giờ thêm một Thiên Hương.

Người con gái tội nghiệp làm sao.

Những tưởng nàng đã hết đau thương khi đã rứt khỏi nhà họ Tổ, khi đã tìm được chỗ tựa nương cho suốt một đời. Người con gái yếu đuối mà giàu lòng nhân ái, người con gái sanh trong một gia đình bất hạnh, mà ý thức được trách nhiệm với quê hương xứ sở.

Sự bất hạnh của nàng cũng không thể quy vào cho một Tổ Tài Thần, phải thấy đó là một tai nạn chung cho một đất nước suy vong, cho thảm cảnh của người dân trong loạn lạc.

Riêng với Đức Uy đã có thừa dũng cảm để hiến thân cho tổ quốc giang sơn nhưng, với tình riêng, có lẽ hắn phải mang quả tim rớm máu suốt đời.

Đức Uy đứng thẫn thờ nhìn theo cỗ xe của La Hán cho đến khi khuất bóng và từ xa xa, hắn lại thấy một cỗ xe đang cuốn bụi về phía hắn, hắn cau mày trù trừ rồi tung mình ngược hướng của La Hán vừa đi.

Tay cầm cương mặt hướng về phía trước, Mông Bất Danh cảm nghe không khí nặng nề...

Hai cô gái trong xe không lên tiếng, họ cũng không còn khóc nữa, nhưng lòng họ nát tan...

Thật lâu, Mẫn Tuệ hỏi :

- Mông lão, có còn thấy dấu xe không?

Mông Bất Danh đáp :

- Có, rất rõ ràng, rất mong đừng bị đứt.

Mẫn Tuệ nói :

- Tôi hy vọng chị Thiên Hương...

Nàng nói chưa dứt câu thì Mông Bất Danh vụt kêu lên :

- Có rồi, kia kìa...

Mẫn Tuệ và Nghê Thường vén rèm xe dòm ra, cả hai cùng biến sắc...

Phía trước dưới tàng cây rậm mát có một cỗ xe nhưng không thấy bóng người.

Nghê Thường hỏi :

- Phải không, nghĩa phụ?

Mông Bất Danh ngần ngừ :

- Có thể...

Nghê Thường hỏi :

- Sao lại không thấy người?

Mông Bât Danh hừ hừ :

- Cứ đến nơi rồi hẵng hay.

Xe vào gần đến cổng làng, Mông Bât Danh nói nhỏ :

- Hai cô hãy cẩn thận, coi chừng chúng núp lại...

Ông ta vút roi cho ngựa phóng nhanh và khi còn cách chừng một trượng tới cỗ xe dưới bóng mát thì ghịt cương dừng lại.

Cầm cây roi lên gọng xe, Mông Bất Danh nhảy xuống chầm chậm đi qua. Ông ta đi về hướng cỗ xe dưới bóng mát, nhưng thính giác làm việc thật căng và công lực cũng vận lên đôi tay để đề phòng bất trắc.

Nhưng việc đề phòng của ông quá thừa, vì khi đến bên cỗ xe vẫn không có gì động tĩnh.

Ông ta nhảy lên xe nhưng rồi cũng nhảy xuống thật nhanh.

Nghê Thường và Mẫn Tuệ chia ra đi qua theo hướng gọng kềm, khi đến gần Nghê Thường hỏi nhanh :

- Nghĩa phụ, có gì không? Có phải hay lầm.

Mông Bất Danh đáp :

- Làm sao lầm được, đúng là cỗ xe này, nhưng chỉ có một cỗ quan tài trống không chớ không thấy gì nữa cả.

Mẫn Tuệ và Nghê Thường nghe nói “cỗ quan tài” cả hai cùng kinh ngạc chạy nhanh và dòm vào xe. Nghê Thường cau mặt :

- Như vầy là nghĩa lý làm sao?

Mẫn Tuệ run rẩy :

- Quan tài không phải để cho người sống...

Nghê Thường tái mặt nhưng Mông Bất Danh lại nói :

- Cũng không nhất thiết là như thế, trong giang hồ có nhiều chuyện kỳ lạ lắm, chẳng những trong cỗ quan tài không phải người chết, mà nhiều khi người ta còn đánh trống thổi kèn, mặc đồ tang khóc kể nghe thảm thiết, chẳng hạn như bọn bảo tiêu, khi có một món hàng quan trọng, họ luôn dùng những cách rất lạ lùng.

Mẫn Tuệ quay lại :

- Nhưng nếu thế thì chị Thiên Hương đi đâu?

Mông Bất Danh đưa mắt nhìn bốn phía :

- Chỉ tìm được người đánh xe này thì sẽ biết tất cả, tìm được người đó thì nhứt định sẽ lòi ra Thiên Hương không khó.

Nghê Thường hỏi :

- Nhưng người đánh xe đâu?

Mông Bất Danh nhìn cỗ xe một lúc khá lâu :

- Hai cô hãy trở lại xe một lúc đợi ta, nhớ cho dầu có chuyện gì xảy ra cũng đừng bỏ đi đâu, ta xem xét một chút rồi trở lai ngay.

Ông ta bỏ đi bằng một thân pháp thật nhanh, khuất vào những bụi rậm.

Hai cô gái đứng lại nhìn sâu vào thôn, ở đây thật là lặng lẽ, không thấy một bóng đi mà cả tiếng chó gà cũng không nghe thấy.

Một lúc sau, Mông Bất Danh trở lại và Nghê Thường hỏi qua :

- Sao? Nghĩa phụ, có thấy gì không?

Mông Bất Danh lắc đầu :

- Trong thôn không có một bóng người, môt con chó ghẻ cũng không ngó thấy.

Nghê Thường nói :

- Chắc là họ đã bỏ làng mà chạy nạn cả rồi.

Mông Bất Danh nghiến răng :

- Tội nghiệt của Lý Tự Thành quả đã bằng trời...

Mẫn Tuệ nói :

- Nhưng vừa rồi nhứt định phải có người chớ, Mông lão gia?

Mông Bất Danh gật đầu :

- Đúng rồi, nếu không có người thì làm sao lại có cỗ xe?

Ông ta trầm ngâm và nói tiếp :

- Nếu quả thật vì sợ người theo dấu mà bỏ cỗ xe này thì đúng là họ gian hoạt và cũng có thể họ đã biết theo...

Nghê Thường dậm chân :

- Nghĩa phụ bây giờ chúng ta làm sao?

Mông Bất Danh không nói, ông ta nhìn cỗ xe rồi nhìn quanh :

- Nơi này có người, không phải một mà hai. Cả hai niên kỷ không lớn, nhưng công lực thảy đều thâm hậu...

Mẫn Tuệ và Nghê Thường cố hết sức nhìn dấu dưới cỏ, thật lâu mới phát hiện được hai dấu chân đúng như Mông Bất Danh đã nói.

Một dấu giày hơi rộng bề ngang, một dấu giày hẹp hơn dài hơn, nếu không có căn bản võ công, không có xem thật kỹ thì không làm sao thấy được.

Nghê Thường hỏi :

- Nghĩa phụ, hai người này...

Mông Bất Danh đáp ngay :

- Chín phần mười là kẻ đi trên cỗ xe này...

Nghê Thường hỏi :

- Nghĩa phụ đoán được họ đi về hướng nào không?

Mông Bất Danh làm thinh mắt ông ta lại nhìn quanh.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui