Cô Gái Trong Trang Sách

Địa ngục nằm cả ở từ này: cô đơn.

Victor HUGO

- Đương nhiên rồi, sau khi đã lái chiếc Bugatti thì chúng ta sẽ thấy thế này có vẻ tồi tàn... Billie nhận xét với chút ít thất vọng trong giọng nói.

Ngoại ô phía Nam San Diego - 7 giờ tối

Trong nhà để xe hư nát và tối tăm của một xưởng sửa chữa nghèo nàn

Cô ta ngồi vào băng ghế trước trong xe, một chiếc Fiat 500 sản xuất những năm 1960, không nắp chụp trục bánh cũng không mạ thép crôm. Santos, người chủ xưởng, đã khuyên chúng tôi lấy chiếc này cứ như thể nó là một chiếc xe gia đình:

- Dĩ nhiên là nội thất có đơn sơ đôi chút nhưng các vị tin tôi đi: nó bền lắm!

- Dù sao cũng là một ý hay khi sơn lại nó với màu kẹo hồng thế này!

- Đó là xe của con gái tôi, người đàn ông gốc Mêhicô giải thích với tôi.

- Á! Billie nhảy dựng lên, đầu đụng vào kính xe. Ông không muốn nói nó là chiếc xe dành cho búp bê Barbie của con gái ông đấy chứ?

Tới lượt tôi ló đầu qua cửa kính:

- Băng ghế sau đã bị gỡ đi rồi, tôi nhận xét.

- Như thế sẽ có nhiều chỗ cho các vị để hành lý!

Để chứng tỏ mình cũng biết chút ít về xe cộ, tôi xem xét đèn pha, xi nhan và kiểm tra xem chúng còn sáng không.

- Ông chắc là chiếc xe này đủ tiêu chuẩn chứ?

- Dù thế nào thì nó cũng hợp chuẩn Mêhicô.

Tôi nhìn giờ trên điện thoại di động. Chúng tôi đã tới lấy 28 000 đô như dự kiến, nhưng đã tốn nhiều thời gian cho cuốc taxi từ kho tranh tới xưởng sửa xe. Với mức giá này thì chiếc xe có vẻ ổn nhưng vì không có bằng lái, chúng tôi không thể thuê cũng không thể mua xe một cách hợp pháp. Vả lại chiếc xe này có một lợi thế là được đăng ký tại Mêhicô, như thế chúng tôi có thể dễ dàng đi qua biên giới.

Cuối cùng, Santos đồng ý nhượng lại cho chúng tôi với giá 1200 đô, nhưng chúng tôi đã phải vật lộn hơn mười lăm phút đồng hồ mới cho nổi cái va li to tướng của tôi cùng đống đồ đạc của quý bà vào trong cái xe bé tẹo đó.

- Có lẽ chúng ta nên gọi cái xe này là “hũ sữa chua” chăng? tôi vừa hỏi vừa dùng hết sức đóng cốp xe lại.

- El bote de yogur? ông ta dịch lại và làm ra vẻ như không hiểu mối liên hệ giữa sản phẩm sữa và chiếc xe cà tàng ông ta vừa mới bán lại được cho chúng tôi với tâm trạng đầy vui sướng.

Lần này chính tôi là người cầm lái và chúng tôi phóng trên đường với vẻ e dè hơn. Trời đã tối. Chúng tôi chẳng phải đang ở một trong những nơi dễ chịu nhất của San Diego và tôi khổ sở lắm mới xác định được vị trí giữa một dãy bãi đỗ xe và các trung tâm thương mại, cuối cùng chúng tôi cũng tới đường 805 dẫn đến trạm kiểm soát ở biên giới.

Tiếng bánh xe rít lên cùng tiếng ầm ầm, khùng khục từ động cơ của chiếc Fiat đã thế chỗ âm thanh vù vù mạnh mẽ của chiếc Bugatti.

- Anh chuyển sang số hai đi, Billie đề nghị.

- Báo cho cô biết là tôi đã ở số bốn rồi!

Cô ta nhìn đồng hồ đo tốc độ đang chỉ mức gần 70 km/h.

- Anh đi chậm quá mức, cô ta nói, vẻ bực mình.

- Cô nên nhớ là đi thế này, chúng ta chắc chắn sẽ không bị vượt quá tốc độ giới hạn.

Lúc nhanh lúc chậm nhưng cuối cùng chiếc xe cà tàng cũng đưa chúng tôi tới trạm kiểm soát biên giới rộng mênh mông, qua đó là tới Tijuana. Như thường lệ, tại trạm kiểm soát là cảnh tắc nghẽn và ồn ào. Trong lúc xếp hàng chờ đợi ở cửa Mexico Only, tôi tranh thủ tổng kết lại với hành khách của mình những chỉ dẫn cuối cùng:

- Thông thường, đi theo chiều này có khả năng chúng ta sẽ ít bị kiểm tra hơn nhưng nếu điều đó xảy ra thì sẽ là nhà tù cho cả cô lẫn tôi và lần này sẽ chẳng trốn nổi đâu! Vậy nên chúng ta sẽ tránh làm những điều xuẩn ngốc, đồng ý chứ?

- Tôi vểnh tai lên nghe đây, cô ta nói rồi nháy mắt theo kiểu Betty Boop.

- Rất đơn giản thôi: cô không được mở miệng, cũng không được động đậy dù chỉ một sợi lông. Chúng ta là hai công nhân Mêhicô lương thiện đang trên đường trở về nhà. Hiểu chưa?

- Vale, senor.

- Và nếu có thể thì cô làm ơn đừng làm tôi rối trí nữa, như thế là để tôi được nghỉ ngơi đấy.

- Muy bien, senor.

May mắn đã mỉm cười với chúng tôi lần này: trong vòng chưa đến năm phút, chúng tôi đã qua được biên giới, không bị kiểm tra cũng không gặp rắc rối gì.

Giống như suốt từ đầu cuộc hành trình, chúng tôi tiếp tục đi men theo bờ biển. May mắn thay, ông chủ xưởng sửa chữa đã cho lắp một chiếc đài chạy băng cũ trên xe. Nhưng rủi thay, băng cát sét duy nhất trong hộp chứa đồ là một album của Enrique Iglesias, dường như nó khiến Billie rất thích thú, ngược lại nó tra tấn lỗ tai tôi đến tận Ensenada.

Đến đó, một cơn giông nổ ra mà không có dấu hiệu gì báo trước và một cơn mưa như trút đổ xuống đầu chúng tôi. Kính chắn gió quá nhỏ còn cần gạt nước lại quá thô sơ, chẳng thể làm gì trước màn mưa dày hạt, tới mức cứ chốc chốc tôi lại phải thò tay ra đẩy cần.

- Chúng ta sẽ kiếm chỗ nào đỗ lại ngay nhé?

- Tôi đang định bảo anh thế!

Một nhà nghỉ hiện ra trên đường chúng tôi đi nhưng lại treo biển hết phòng. Mưa to nên tầm nhìn bị hạn chế. Tôi chỉ lái với tốc độ 20 km/h, vậy nên nhận được khá nhiều lời trách cứ của các xe đi sau, chúng hộ tống tôi suốt mười lăm phút đồng hồ cùng tiếng còi sốt ruột đầy giận dữ.

Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được chỗ trú tại San Telmo, trong một nhà nghỉ mang cái tên tẻ nhạt Casa Del Sol. Biển hiệu lắp đèn nháy bị mưa gió làm hư hỏng nhưng vẫn trưng lên dòng chữ Còn phòng đầy an ủi. Nhìn tình trạng những chiếc xe đỗ trong bãi gửi, tôi đoán ở đây hẳn chẳng có bữa sáng tại giường lãng mạn và đầy đủ, nhưng dù sao chăng nữa, cũng đâu có phải chúng tôi đang đi nghỉ tuần trăng mật.

- Chúng ta lấy một phòng thôi nhé! cô ta vừa đẩy cánh cửa quầy lễ tân vừa chọc ghẹo tôi.

- Một phòng hai giường.

- Nếu anh nghĩ rằng tôi muốn lên giường với anh...

- Nói thật tôi chẳng lo chuyện đó, tôi không phải thợ làm vườn, cũng chẳng phải mẫu người cô ưa.

Nhân viên quầy lễ tân chào đón chúng tôi bằng một màn càu nhàu. Billie muốn đi xem phòng nhưng tôi đã lấy chìa khóa và trả tiền đặt cọc.

- Dù thế nào chúng ta cũng không đi đâu được nữa: trời đang mưa như trút còn tôi thì mệt lử rồi.

Khối nhà một tầng được xây hình chữ U xung quanh một khoảnh sân trồng toàn những cây khô héo, dáng hình cằn cỗi của chúng oằn xuống trước gió.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, căn phòng rất sơ sài, thiếu ánh sáng, bốc lên một thứ mùi ẩm mốc đáng ngờ và được trang trí một món đồ gỗ hẳn là thịnh hành từ thời Eisenhower. Trong phòng có một tủ ti vi lớn, có lắp bánh xe và được trang bị một bộ loa đặt dưới ti vi. Một trong những kiểu mẫu mà dân chơi đồ cũ ưa thích.

- Anh biết không, Billie đùa, người ta từng được chứng kiến cảnh con người lần đầu đặt chân lên mặt trăng hoặc thậm chí biết tin về vụ ám sát Kennedy qua màn hình này đấy!

Tò mò, tôi thử bật máy lên: tôi nghe thấy tiếng òng ọc thoảng qua nhưng không thấy hình ảnh nào.

- Dù thế nào chúng ta cũng chẳng xem nổi trận chung kết sắp tới của giải Superbowl nhờ cái thứ này đâu...

Trong phòng tắm, cabin tắm rộng rãi nhưng vòi nước lại phủ đầy những vết han gỉ.

- Anh có biết mẹo không? Billie vừa cười vừa nói với tôi. Nhìn ra sau bàn đầu giường ta có thể biết được có bụi hay không!

Nói đi đôi với làm, cô ta xê cái bàn ra và hét lên:

- Bẩn quá! cô ta nói rồi dùng giày đánh một con gián.

Rồi cô ta quay lại phía tôi, tìm kiếm trong mắt tôi chút gì đó an ủi:

- Chúng ta cùng nhau đi ăn bữa tối Mêhicô chứ?

Nhưng tôi chẳng còn hứng thú:

- Cô nghe này, ở đây chẳng có nhà hàng, trời thì mưa như trút, tôi mệt nhoài rồi và cũng không điên mà đi lái xe dưới thời tiết thế này.

- Vâng, anh cũng như bao kẻ khác thôi: lúc hứa thì mạnh mồm lắm...

- Tôi đi ngủ đây, được chứ?

- Đợi đã! Dù thế nào chúng ta cũng đi uống một ly chứ. Lúc vào tôi thấy có một quầy bar nhỏ, cách chừng năm trăm mét thôi...

Tôi cởi giày và nằm lên một chiếc giường:

- Cô đi một mình đi. Khuya rồi và ngày mai chúng ta còn cả quãng đường dài. Hơn nữa, tôi chẳng ưa gì các quán bar. Nhất là quán ven đường.

- Được lắm, tôi sẽ đi một mình.

Cô ta mang theo vài thứ đồ vào phòng tắm, một lúc sau tôi thấy cô ta trở ra với quần jean và áo vest da bó sát. Cô ta chuẩn bị đi nhưng tôi cảm thấy dường như tâm trí cô ta vẫn lấn bấn điều gì đó.

- Lúc nãy anh bảo anh không phải mẫu người tôi ưa... thế là thế nào?

- Thì sao?

- Theo anh, mẫu người của tôi là thế nào?

- À, ví dụ như cái gã Jack ngu xuẩn ấy. Hoặc như anh chàng Esteban cứ nhìn cô chằm chằm suốt quãng đường đi ấy, mà lại được ánh mắt lẳng lơ cùng bộ quần áo khêu gợi của cô cổ vũ nữa chứ.

- Thực sự anh thấy tôi như thế hay là anh chỉ muốn làm tôi đau khổ thôi?

- Thành thực mà nói thì cô như thế rồi tôi là người biết rõ nhất bởi chính tôi đã tạo ra cô.

Khuôn mặt cô ta đanh lại rồi cô ta lẳng lặng đi ra mở cửa.

- Khoan đã, tôi nói và bắt kịp cô ta ở ngưỡng cửa. Ít nhất cũng cầm theo ít tiền này.

Cô ta nhìn tôi thách thức:

- Nếu thực sự hiểu tôi, anh sẽ biết rằng trong đời, tôi chưa bao giờ phải tự trả tiền rượu cho mình, dù chỉ một ly...

o O o

Còn lại một mình, tôi đi tắm nước nóng, băng bó lại mắt cá chân, rồi mở va li tìm đồ ngủ. Bên trong, như Billie đã nói, là chiếc máy tính của tôi, với tôi giờ đây nó như một thứ đồ vật xấu xa. Tôi đi đi lại lại trong phòng một lúc, mở tủ tường để treo áo vest vào đó và tìm một chiếc gối nhưng không có. Trong ngăn kéo một chiếc bàn đầu giường, bên cạnh một bản in rẻ tiền cuốn kinh Tân ước, tôi thấy có hai quyển sách, hẳn là do khách thuê phòng lần trước bỏ quên. Quyển thứ nhất là cuốn best-seller của Carlos Ruiz Zafón, La Sombra del Viento[1], tôi nhớ đã tặng một cuốn cho Carole. Quyển thứ hai có nhan đề La Compagnia de los Ángelos và phải mất một lúc tôi mới nhận ra đó chính là bản dịch cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi sang tiếng Tây Ban Nha. Tôi tò mò mở quyển sách ra. Người từng đọc cuốn sách đã cẩn thận gạch chân một vài câu và đánh dấu mấy trang. Tôi không thể nói vị độc giả này thích hay ghét sách của mình nhưng dù thế nào thì họ cũng không dửng dưng với câu chuyện và đó mới là điều quan trọng với tôi. Phát hiện bất ngờ này khiến tôi phấn chấn trở lại, vậy là tôi ngồi vào chiếc bàn làm việc nhỏ bằng formica rồi bật máy tính xách tay lên.

Giả như niềm khao khát lại trở lại với tôi? Giả như tôi lại có thể viết thì sao!

Hệ điều hành yêu cầu password. Dần dần, tôi cảm thấy nỗi lo lắng lại nổi lên nhưng tôi cố tự thuyết phục mình rằng đó là cảm giác phấn chấn thì đúng hơn. Khi một khung cảnh như chốn thiên đường hiện ra trên màn hình nền, tôi mở phần mềm xử lý văn bản và một trang sáng mở ra. Phía trên màn hình, con trỏ nhấp nháy chờ đợi những ngón tay tôi lướt trên bàn phím để chuyển động. Vậy là tim tôi đập rộn lên như thể có ai đó dùng êtô kẹp vào cơ tim. Tôi thấy chóng mặt, một cơn buồn nôn cuộn lên trong tôi, mạnh đến mức... tôi buộc phải tắt máy tính.

Mẹ kiếp.

Tình trạng tắc mạch ở các nhà văn, triệu chứng trang giấy trắng... Tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện ấy lại có thể xảy đến với mình. Với tôi, chuyện mất nguồn cảm hứng chỉ dành cho những tay trí thức làm điệu làm bộ viết lách, chứ chẳng thể xảy ra với một kẻ nghiện văn chương, đã tưởng tượng ra những câu chuyện trong đầu kể từ khi mới lên mười như tôi.

Để sáng tạo, một số nghệ sĩ phải tự tạo cho mình nỗi tuyệt vọng khi họ chưa từng trải đủ. Một số khác lại coi nỗi buồn hay những lầm lỡ của mình như một tia lửa khơi nguồn cảm hứng. Frank Sinatra đã viết I’m a Fool To Want You sau khi chia tay Ava Gardner. Apollinaire thì viết Sous le pont Mirabeau sau khi chia tay Marie Laurencin. Còn Stephen King lại thường kể rằng ông đã viết Shining trong khi làm bạn với rượu và ma túy. Là một kẻ mới có tiếng tăm, tôi chưa bao giờ cần chất xúc tác mới viết được. Suốt nhiều năm ròng, tôi làm việc không ngừng nghỉ - kể cả Giang sinh lẫn lễ Tạ ơn - để khơi nguồn sáng tạo của mình. Khi đã bắt đầu viết, chẳng còn gì là quan trọng đối với tôi: tôi sống ở một thế giới khác, trong trạng thái thoát xác, trong một giấc ngủ kéo dài. Trong những quãng thời gian được ban phước ấy, viết lách là một thứ ma túy, nó khiến ta thấy khoan khoái hơn cả thứ chất kích thích thuần khiết nhất, đê mê hơn cả sự điên rồ cuồng dại nhất.

Nhưng giờ đây mọi thứ đã xa rồi. Thực sự xa vời. Tôi chẳng buồn viết và viết lách cũng chẳng chấp nhận tôi nữa.

o O o

Lọ thuốc an thần. Không còn phải cố gắng tin mình mạnh mẽ hơn thực tế. Chấp nhận nhún mình phụ thuộc.

Tôi tắt đèn đi ngủ, nằm trằn trọc trên giường. Không tài nào ngủ nổi. Tôi cảm thấy mình bất lực. Tại sao tôi không còn làm nổi nghề của mình nữa? Tại sao tôi bỗng trở nên dửng dưng với tương lai các nhân vật của mình?

Chiếc đài báo thức cũ kỹ đã chỉ gần 11 giờ đêm. Tôi bắt đầu thấy lo lắng thực sự vì Billie vẫn chưa về. Tại sao tôi lại nói nặng lời như vậy với cô ta? Một phần là bởi tôi bị ngợp trước sự xuất hiện của cô ta và chẳng thể kiểm soát nổi việc cô ta thâm nhập vào cuộc sống của mình, nhưng ngoài ra và đặc biệt còn là bởi tôi không tài nào thấy nổi trong mình cái khả năng gửi trả cô ta về thế giới tưởng tượng.

Tôi trở dậy, vội vàng mặc quần áo rồi lao ra màn mưa. Đi khoảng mười phút tôi mới thấy một biển hiệu sáng đèn màu xanh nhạt có ghi mấy chữ Linterna Verde ở phía xa.

Đó là một quán bar bình dân, gần như chỉ có cánh đàn ông lui tới. Bên trong chật ních khách, bầu không khí thì ồn ào, nhốn nháo. Rượu được rót ra liên tục, từ dàn loa cũ phát ra một thứ nhạc rock chói tai. Cầm trên tay chiếc khay đầy rượu, một cô tiếp viên đi từ bàn nọ sang bàn kia tiếp rượu. Đằng sau quầy, một tay gầy guộc luôn mồm nói mua vui cho khách hàng trong khi một cô phục vụ khác - khách quen gọi cô ta là Paloma - ưỡn ẹo khoe mông đi lại xem khách gọi gì. Tôi gọi một cốc bia và cô ta mang tới cho tôi một chai Corona có gài một lát chanh trên miệng chai. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Căn phòng được trang trí những tấm bình phong bằng gỗ quét sơn mang hơi hướng phong cách nghệ thuật Maya. Treo trên tường là vài tấm ảnh cũ chụp mấy tay cao bồi đứng cạnh những lá cờ hiệu của đội bóng địa phương.

Billie ngồi ở cuối phòng, cùng bàn với hai gã to cao đang khoác lác ra vẻ ta đây và cười nói ầm ĩ. Cầm chai bia trên tay, tôi lại gần chỗ đó. Cô ta phát hiện ra tôi nhưng lờ đi. Nhìn vào đồng tử mắt đã giãn ra của cô gái, tôi đoán hẳn cô ta đã uống vài ly. Tôi biết điểm yếu của cô ta và tôi biết cô ta không uống được rượu. Tôi cũng biết những gã đàn ông kiểu này cùng với thứ mẹo vặt tầm thường của họ: những gã này thuộc loại máu lên não chậm nhưng lại có bản năng phát hiện ra được những cô gái đang bị tổn thương, có thể trở thành con mồi cho mình.

- Đi nào, tôi đưa cô về khách sạn.

- Để tôi yên! Anh không phải là bố tôi, chồng lại càng không. Tôi đã bảo anh đi cùng nhưng anh từ chối thẳng thừng.

Cô ta nhún vai rồi nhúng một miếng bánh ngô vào bát bơ nghiền.

- Thôi nào, đừng làm trò trẻ con nữa. Cô không uống được rượu, cô biết thế mà.

- Tôi uống tốt, cô ta thách thức tôi rồi vớ lấy chai Mezcal chễm chệ ngay giữa bàn rót lấy một ly. Sau đó cô ta đưa chai cho hai gã cùng bàn, hai gã này liền tu luôn mỗi người một ngụm lớn. Gã cơ bắp hơn, mặc chiếc áo phông có trang trí chữ Jesus, đưa cái chai cho tôi, ra hiệu bảo tôi nhập cuộc. Lòng đầy nghi hoặc, tôi nhìn con bọ cạp nhỏ mà người ta đã ngâm ở đáy chai vì tin rằng con vật sẽ mang lại quyền lực cũng như sức mạnh đàn ông.

- Tôi không cần thứ này, tôi nói.

- Nếu không muốn uống thì hãy để chúng tôi yên, anh bạn ạ! Anh thấy rõ rằng cô đây đang rất vui vẻ bên chúng tôi.

Thay vì quay bước, tôi tiến lại gần hơn nữa rồi nhìn thẳng vào mắt gã mặc áo Jesus. Tôi yêu mến Jane Austen và Dorothy Parker cũng uổng công, bởi tôi lại lớn lên ở một khu phố nhộn nhạo: tôi đã từng đánh đấm và cũng từng nhận những cú đấm vào mặt, đôi khi còn đánh đấm với những gã có dao và thường to cao hơn cả cái gã đang đứng trước mặt tôi.

- Này, ngậm miệng lại.

Rồi tôi lại quay sang Billie:

- Lần cuối cùng cô say rượu, tại Boston, kết cục chẳng tốt đẹp gì, cô nhớ không?

Cô ta khinh khỉnh nhìn tôi:

- Luôn là những lời lẽ làm người khác đau đớn, luôn là những lời lẽ khiến người ta tổn thương! Anh rõ ràng là rất giỏi trong chuyện này.

Ngay sau khi Jack hủy kỳ nghỉ tại Hawaii của họ vào phút chót, cô ta đã tới Red Piano, một quán bar gần Old State House. Cô ta thật sự rất buồn, gần như kiệt quệ. Để trốn chạy nỗi đau, cô ta uống vài ly vodka do một gã tên là Paul Waker mời, gã này quản lý các nhà hàng của một thương hiệu bán lẻ nổi tiếng. Gã đề nghị được đưa cô về nhà. Cô không nói “không”, nên gã hiểu là cô đồng ý. Sau đó, trên taxi, gã bắt đầu sờ soạng. Cô cự tuyệt, nhưng có lẽ không quyết liệt lắm nên gã tưởng mình được đền đáp chút ít vì đã trả tiền rượu. Đầu óc cô quay cuồng. Tới mức cô không còn biết chính bản thân mình muốn gì nữa. Khi đến tòa nhà cô ở, Paul cứ ở lì lại trong sảnh gạ cô mời lên uống một ly nữa. Chẳng buồn chống lại, cô để gã lên thang máy cùng mình vì sợ gã làm hàng xóm thức giấc. Rồi... cô không nhớ gì nữa. Sáng hôm sau cô thức dậy trên tràng kỷ, váy không còn trên người. Trong hơn ba tháng sau đó, giữa những lần kiểm tra HIV và thử thai, cô lo sợ đến thót tim nhưng không thể quyết định khởi kiện được bởi nói cho đến cùng, cô tự nhận thấy phần nào mình cũng có lỗi trong chuyện đã xảy ra.

Tôi đã gợi lại một ký ức ghê tởm và giờ đây cô ta đang nhìn chằm chằm vào tôi, nước mắt lưng tròng:

- Tại sao... tại sao anh lại bắt tôi phải chịu những điều dơ dáy ấy trong tiểu thuyết của mình?

Câu hỏi khiến tôi bối rối thực sự. Tôi trả lời thành thực:

- Có lẽ là bởi cô mang trong mình những thứ xấu xa của tôi: phần đen tối nhất, tồi tệ nhất trong tôi. Cái phần dấy lên trong tôi cảm giác chán ghét và không thể hiểu nổi. Cái phần đôi khi khiến tôi đánh mất chính lòng tự trọng của mình.

Cô ta đứng ngây ra, nhưng vẫn không có vẻ gì là muốn đi về cùng tôi.

- Tôi sẽ đưa cô về khách sạn, tôi cố nài và nắm lấy tay cô ta.

- Como chingas! gã mặc áo Jesus rít lên.

Tôi không đáp lại lời khiêu khích và cũng không rời mắt khỏi Billie.

- Chúng ta chỉ có thể thoát ra chuyện này nếu ở bên nhau. Cô là cơ may của tôi và tôi là cơ may của cô.

Cô ta định đáp lời tôi thì gã mặc áo Jesus gọi tôi là joto[2], từ này thì tôi hiểu bởi nó là câu chửi thề ưa thích của Tereza Rodriguez, một bà già người Honduras từng là hàng xóm của mẹ tôi tại khu MacArthur Park và giờ đến giúp việc nhà cho tôi.

Một cú đấm được tung ra. Một cú rất mạnh bằng tay phải, không thể tránh nổi, giống như thời tôi còn niên thiếu, nó khiến gã mặc áo Jesus ngã dúi vào bàn bên cạnh, hất tung hết mấy vại bia và bánh ngô. Đó thực là một cú đấm vào mặt quá đẹp, nhưng tiếc thay lại chỉ có một.

Trong chớp mắt, bầu không khí kích động lan ra khắp phòng, các vị khách thích thú vì có thêm gia vị cho khung cảnh ầm ĩ nơi quán bar chào đón cuộc ẩu đả bằng những tiếng la hét. Hai gã đàn ông từ phía sau tiến lại, nhấc bổng tôi lên, trong khi ấy một gã thứ ba đắc lợi đi tới làm cho tôi phải hối tiếc vì đã đặt chân vào đây. Mặt mũi, ruột gan, dạ dày: những cú đấm liên tiếp dội xuống người tôi, nhưng tôi lờ mờ nhận ra rằng trận đòn này lại khiến mình thấy khá hơn. Không phải bởi tôi là một kẻ bệnh hoạn, thích bị đau đớn nhưng nỗi khốn khổ này giống như một chặng trên con đường chuộc tội của tôi vậy. Đầu gục xuống, tôi ngửi thấy mùi máu chảy ra từ miệng mình. Trước mắt tôi, những hình ảnh hiện lên đều đặn, pha trộn giữa ký ức và cảnh tượng diễn ra trong quán: ánh mắt tình tứ của Aurore trong những bức ảnh tạp chí dành cho một gã đàn ông khác không phải tôi, sự phản bội của Milo, ánh mắt tuyệt vọng của Carole, hình xăm phía dưới thắt lưng Paloma, cô ta vừa mới vặn nhạc to lên và đang uốn éo theo nhịp điệu trận đòn giáng xuống tôi. Còn về hình bóng Billie, tôi thấy cô ta tiến lên, cầm chai rượu bọ cạp trong tay, đập vào đầu một trong những gã tấn công tôi.

o O o

Bầu không khí ầm ĩ bỗng lặng hẳn. Tôi thấy nhẹ nhõm khi hiểu ra rằng cuộc vui đã kết thúc. Tôi cảm thấy người mình bị nhấc bổng lên, bị truyền đi giữa đám đông rồi quẳng ra bên ngoài, dưới trời mưa, và cuối cùng là vục mặt vào một vũng bùn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui