Ngoại truyện về 2 người quan trọng trong cuộc đời của tôi…
Và sự thật đau buồn rằng 2 người đó đã không còn bên tôi nữa.
Nhiều khi tự hỏi không biết có ai giống mình không chứ hồi nhỏ tôi thương bà nội nhất nhà, lớn hơn tí tôi thương ba, rồi cái thời nhận thức được nhiều điều tôi lại thấy thương mẹ hơn cả.
Tính ra con người tôi nó là vậy, không phủ nhận được.
Sở dĩ tôi thương bà nội nhất khi còn bé vì nội rất rất cưng chiều tôi, phải nói là theo kiểu cưng cháu sinh hư.
Vì sau 3 tháng đầu tiên sống bên ngoại, tháng thứ 4 cho đến năm 7 tuổi chuyển nhà tôi vẫn ở với nội.
Và đó cũng là một trong những ký ức đau buồn nhất của tôi.
Tôi cũng kể các bác nghe rồi đó, khi nhỏ tôi rất khoái đi chơi với lũ cháu khốn nạn, trong đó tôi kết nhất thằng Mèn, vì nó bắn giàn ná thun giỏi lại làm diều siêu đẹp.
Chiều nào nó cũng xách diều ra ngoài gò thả và cũng không quên rủ tôi theo.
Mọi hôm ba mẹ có nhà nên tôi xin đi đàng hoàng, tự dưng hôm nay 2 người lại về trễ, tôi cứ trông đứng trông ngồi, đã hơn 4h30 rồi.
– Nội ơi cho con đi với cu Mèn nha nội!! – Tôi đứng ngoài cửa hóng thằng Mèn đang cầm diều chạy thẳng ra gò.
– Ở nhà với nội đi con, rồi ba về thì đi đâu thì đi.
– Thôi mà nội, tụi nó đi hết rồi, cho con đi đi nội – Tôi năn nỉ khi thấy nội bước ra, nội tôi lúc đó cũng yếu rồi, không còn được như xưa nữa.
– Ở nhà đi con, ở nhà với nội – Nói xong bà nội ngồi xuống thềm ba ngó ra.
– Đi tí thôi nha nội, tí thôi con về liền – Rồi không đợi nội đồng ý, tôi phóng đi thẳng không nghe những tiếng í ới đằng sau.
Hôm ấy, diều thằng Mèn bay cao nhất, và tôi cũng hí hửng chạy về nhà.
Vừa về đến thì thấy bác 3, bác 7 đang đứng ở thềm ba, có cô 6 về nữa.
Hỏi mẹ thì mẹ bảo nãy bà nội bị té do bước lên thềm ba phía bên nhà tôi.
Thường thì khi ở nhà tôi luôn là người dắt nội lên, hôm nay lại… ham chơi.
Giờ viết lại những dòng này tôi lại chảy nước mắt nữa rồi, haiz!
Nhưng lúc đó tôi không thể nào hiểu được đó là lỗi do tôi nên bà bị té và nằm liệt suốt hơn 1 năm liền.
Nếu phải chi mà hôm ấy tôi không đi, nội không té thì có lẽ nội tôi đã nhìn thấy mặt thằng Kha rồi.
Cũng có khi thằng Kha được sống với nội, được nội cưng chiều như hồi tôi còn bé nữa không chừng, nói chứ nó đẹp trai hơn tôi nhiều các bác ạ.
Nhưng đó chỉ là chữ Nếu, một chữ Nếu chua xót cho cuộc đời của tôi Mãi đến sau này khi lên lớp 8, mẹ tôi vô tình nói lại thời gian bà bị liệt phải nằm một chỗ, tự nhiên tôi nhớ lại và xâu chuỗi lại mọi việc đã diễn ra trong ngày hôm đó.
Dù có khóc bao nhiêu cũng chẳng thể chuộc lại lỗi lầm.
Tôi muốn, muốn mình lại được ngồi trong lòng nội lắm, các bác ạ!
Rồi thì cũng quay lại với cuộc sống hằng ngày.
Đâm đầu vào học tập cũng làm tâm can quên đi nhiều thứ.
Để rồi khi thi đại học, tôi lại phạm tiếp một sai lầm nữa.
Nói sơ qua thì ông nội tôi mất lúc ba mới 15 tuổi còn bà ngoại mất lúc mẹ tôi vừa lên 7.
Thường mẹ tôi hay đùa rằng khi bà ngoại mất là con còn trong đầu gối của mẹ ấy.
Rồi thì bà nội mất đi, trong họ hàng bấy giờ còn mỗi ông ngoại, thêm bà dì (vợ 2 của ông ngoại) nữa nhưng tôi không thích bà ấy, bản năng luôn chứ không phải vì mẹ hay mấy dì ruột của tôi không thích.
Tính ra cho đến bây giờ tôi gặp bà ấy chắc chưa đếm hết số ngón trên một bàn tay đâu.
Nói chung quan hệ giữa nhà tôi và bên ngoại rất tốt trừ việc vào khoảng độ tôi học cấp 2 thì năm về chừng 2 lần, 1 là giỗ bà ngoại, 2 là Tết.
Rồi hết! Nên tôi cũng chỉ gặp ông ngoại qua 2 lần đó.
Thêm một điều nữa là tôi rất ít nói.
Thật tình là khi về nhà ngoại ai hỏi gì tôi đáp đó thôi, hiếm khi nào mở miệng ra thắc mắc câu nào.
Không phải không muốn mà muốn cũng làm không được các bác ạ.
Và người mà tôi ít nói chuyện nhất hẳn là ông ngoại.
Với tôi ông ngoại rất hiền từ, hay cười theo kiểu không nói gì cả.
Ông hiền mà cả làng ai cũng biết, hiền nhưng chịu làm ăn tính toán, cả đời không hại ai và cũng luôn giữ một khoảng cách nhất định để không ai hại mình.
Ông tôi là thế.
Nhưng lúc trước, cái thời mà tôi vẫn còn gặp ông, tôi thậm chí về nhà ngoại chỉ hỏi được một câu:
– Dạ ông ngoại con mới về!
– Ừ, mới về hả con!
Cuộc đối thoại đó diễn ra trong suốt mười mấy năm, hiếm khi có thêm câu nào khác.
Và trong tâm tưởng của một thằng cháu, ông ngoại là người rất xa cách, không như bà nội luôn ôm tôi vào lòng.
Ừ thì chắc do tôi ở cũng khá xa.
Rồi đến cái ngày tôi chuẩn bị thi đại học.
Lúc đó vì một số lý do nên đầu óc tôi lúc ấy rất rất không minh mẫn.
Vừa lo lắng cho vụ thi cử quan trọng bậc nhất của cả một đời người, vừa chuyện tình cảm, lại vừa chuyện ông ngoại phải nhập viện do sức khỏe quá yếu.
Rồi cũng đến ngày gần thi, tôi còn nhớ được là ngày 1/7/2011, tôi đã lên trên bệnh viện thăm ông.
Nghe mẹ nói sức khỏe ông yếu lắm, có thể không qua khỏi đêm nay cũng không chừng.
Tôi vào bệnh viện với tâm trạng cực bấp bênh rồi thì phải ngồi chờ vì ông nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt.
Đến độ 4h30 thì người ta cho người nhà vào, phải mặc áo chống khuẩn các thứ, thay dép luôn mới được tiếp xúc bệnh nhân.
Tôi vào đợt 2, sau các dì, nhìn ai khi bước ra nước mắt cũng đẫm lệ, tự dưng lúc ấy tim tôi thắt lại ghê lắm.
Tôi bước vào và cảnh tượng trước mắt khiến tôi phải tự hỏi sao mà 2 tháng trước gặp thì ông vẫn ngồi để mẹ tôi đút cháo, ông vẫn cười như lời đón chào tôi.
Mà giờ thì ông nằm đó, với đủ thứ các kim tiêm trên người.
Rồi cái chăn mỏng của bệnh viện không thể che đi đôi chân hầu như chỉ toàn xương và xương.
Ông phải thở bằng ôxi và trong hơi thở nặng nề đó, tôi chỉ biết đứng bất động nhìn mợ 6 bóp tay bóp chân ông, nhìn chị hòa con cậu 5 bật khóc, nhìn mẹ tôi lại vuốt vuốt tóc ông rồi hình như thì thầm vào tai ông là thằng Nguyên đã đến.
Tôi biết thời gian thăm bệnh không quá nhiều, và tôi cũng không còn nhiều cơ hội để gặp ông nữa, có khi không kịp cho lần cuối cũng nên.
Tôi bước đến và nước mẳ tự động rơi, tôi nắm tay ông và cảm nhận lực nắm yếu ớt của ông trong bàn tay, ông đang cố nói gì đó.
Tôi cố khom xuống nhưng những tiếng thì thào của ông không sao cắt nghĩa được.
– Ông ngoại ráng chờ con đi thi Đại học xong nha ông, con thi xong 3 ngày rồi con về – Tôi nói trong nước mắt của mình, trước những giọt nước mắt lăn dài của hầu hết mọi người.
Và cái gật đầu nhẹ của ông đã giúp tôi an tâm thi cử.
Thi như thế nào thì sau hẳn nói, ngày thi cuối cùng là môn hóa, làm xong thì tôi mò đường về khách sạn, mẹ đang sắp xếp đồ ở đó và chờ tôi.
Trên đường về thì mẹ hỏi làm bài thế nào, tôi tíu tít kể lại cũng không quên hỏi tình trạng của ông ngoại.
Mẹ bảo sau hôm tôi lên thì tự nhiên ông có chuyển biến tốt.
Ngay lúc đó tôi nghĩ nên đến thăm ông luôn, nhưng mẹ lại nói ông khỏe thì mai cũng được, về nhà đã.
Từ trưa cho đến chiều hôm ấy tôi nằm lên nằm xuống xem mấy tờ báo giải đề Lý như thế nào xong lại lên mạng hỏi han nhỏ bạn thân.
Rồi thì khoảng 6h30, điện thoại tôi reo lên.
Là mẹ, vì mẹ đã lên với ông từ lúc xế chiều.
Tôi không biết diễn tả thế nào, nhưng giây phút tôi nhấn phím nghe thì cũng là lúc tôi cảm thấy bất an nhất.
– Ông ngoại mất rồi, tí nữa sẽ ba mẹ sẽ theo ông về luôn nhà ngoại nên con ở nhà soạn hết đồ đạc cho 4 người nhà mình đi.
Rồi anh Khanh qua rước 2 anh em.
Tôi chẳng nói được lời nào, cho đến khi mẹ đã cúp điện thoại gần một phút mà tôi vẫn chưa rời tai khỏi cái điện thoại được.
Tôi không khóc, tôi không thể khóc khi nghe tin ông mất, tại sao vậy? Tại sao tôi không thể khóc chứ??? Cả lần cuối cùng mà tôi cũng không được gặp ông.
Bà nội khi xưa cũng vậy, giờ ông cũng vậy.
Lúc nào cũng vậy cả là sao!!!
Nhìn vào màn hình máy tính, những dòng chat của nhỏ bạn thân đang nhảy liên hồi trên màn hình.
Và tôi gọi cho nó.
Chẳng để nói gì, chỉ là để khóc, khóc thật lớn, khóc trong nỗi đau đớn này.
Thu xếp đồ dọng trong vali, tôi cùng thằng em ngồi yên trong phòng khách chờ ông anh đến.
Chưa bao giờ tôi muốn cảnh vật xung quanh mình yên lặng đến thế.
Tôi muốn nhìn lại, nhìn lại tất cả.
Về đến nhà ngoại, việc đầu tiên tôi làm là hỏi xem ông đã được liệm xác chưa, ai cũng nói là chưa và tôi bước vào căn phòng đang sáng trưng ánh đèn huỳnh quang ấy.
Căn phòng mà khi đổ bệnh ông vẫn nằm.
Nhưng khác với mọi lần khi tôi đến thì ông từ tốn mà ngồi dậy rồi hỏi tôi vừa đến hay sao.
Giờ ông nằm yên ở đó các bác ạ, ông tôi lúc đó mặc bộ đồ màu vàng thật đẹp, trên mặt được phũ lên một tấm vải đỏ óng.
Nhìn ông lúc đó, 2 tay để ngang bụng, trông thanh thản lắm.
Tôi đóng cửa lại rồi cúi xuống ra sau nhà rửa mặt để giấu đi giọt nước mắt vừa mới rơi.
Cả nhà tôi cắm cọc luôn ở nhà cậu 6 tận 5 ngày làm tang lễ.
Từ sáng đến chiều tôi lo chạy bàn bưng cơm nước cho khách đến viếng, quỳ trước linh cửu ông nghe thầy niệm kinh, rồi đúng 10h mỗi tối, tôi cùng thằng Kha trải chiếu nằm một bên linh cửu ông.
Luôn là bên trái vì bên phải có mấy người đánh trống thổi kèn ngồi cả rồi.
Và 5 ngày trôi qua với tôi kết thúc bằng trận khóc sau nhà khi tuổi ông không hợp tuổi tôi nên bị cấm không cho đi tiễn.
Ngày hôm ấy cũng là ngày lên trường xem lớp thi khối B và D, tất nhiên là tôi ở nhà, chả thi cử gì nữa.
Đến thi cao đẳng thì tôi cũng vấp cần thang té cái ành, xong luôn kỳ thi.
Mãi đến sau này khi tôi đã trải qua năm nhất cũng đầy biến động.
Hôm ấy mẹ tôi nhắc lại rằng ông ngoại lúc trước lo cho 2 anh em tôi lắm.
Cứ hễ mẹ tôi gọi điện về hỏi thăm ông là câu cuối cùng ông đều không quên hỏi 2 thằng tôi thế nào, học hành ra sao? Rồi khi mẹ tôi về chăm ông lúc ông bệnh thì vẫn câu hỏi cứ được lặp lại là anh em tôi ở nhà có được không? Rồi cơm nước sao mà dám thả ở nhà.
Thế đấy, ông ngoại tôi không hề cho tôi những cái xoa đầu hay những câu hỏi thăm trước mặt.
Ông luôn dành một tình yêu thương nhất định cho từng đứa cháu của mình qua những lời hỏi thăm gián tiếp.
Thế mà tôi có biết đâu chứ! Giá như ngày ấy…
Uầy, lâu lắm mới có một dịp rửa mắt các bác ạ, ai nói tôi mau nước mắt giống chị em phụ nữ cũng chịu luôn, vì những lần nhắc đến thì tôi như sống lại tâm trạng thuở vừa mới cảm nhận được.