Anh tên là Trịnh Ngân Xuyên.
Cái tên này đã náu mình ẩn giấu trong lòng chàng thiếu niên suốt bao năm ròng.
Giờ phút này đây, anh đứng trong góc tối, thưởng thức vẻ mặt của Phan Thịnh Đường.
“Bạch la sam”.
Đầu óc Vân Tú Thành đúng là có vấn đề, ông ta dám diễn “Bạch la sam”, nịnh bợ Edmund, nhưng lại cứa thẳng vào tim Phan Thịnh Đường một nhát.
Màn kịch này kể chuyện tên cướp Từ Năng định giết chàng thư sinh Tô Vân, hòng chiếm đoạt vợ chàng.
Trong khi chạy trốn, họ Tô và vợ lạc mất nhau, trên đường đào thoát Tô thê đã hạ sinh con trai bên bờ sông, oái ăm thay, họ Từ lại tình cờ bắt gặp đứa bé này, mang về nuôi nấng, đặt tên là Từ Kế Tổ, nhiều năm về sau, Từ Kế Tổ đăng khoa đỗ tiến sĩ, nhận chức quan Án sát Ngự sử, ngẫu nhiên phát hiện ra chân tướng.
Sau khi đối mặt với con trai mình, Từ Năng tuyệt vọng trốn vào hậu đường tự sát.
Đang ca đến đoạn “Vặn hỏi cha”, vai lão sinh mặt trắng (*) đau đớn than: “Từ ngày nhặt được mụn con ngoài đường, coi như trân như bảo, ba tuổi đút mớm, thức khuya dậy sớm, lên năm lên sáu cõng nơi đầu vai nô đùa, lên bảy mời thầy dạy chữ, bướng bỉnh cũng nào nỡ đánh mắng… Đến năm mười tám vẫn gắn bó nương tựa tới giờ này!… Nào ngờ một khi nhẹ bước thanh vân, thượng phương bảo kiếm lại rời vỏ…
Lục súc nuôi lâu, còn chẳng nỡ lòng động đao, con ơi!”
(*) Lão sinh là vai nam trung niên, mặt trắng là vai có tính cách gian trá độc ác, ở đây là vai Từ Năng trong “Bạch la sam”.
Từng chữ như nhỏ huyết lệ.
Gân xanh nổi lên nơi bờ trán Phan Thịnh Đường, dưới ánh đèn màu, gương mặt ông ta trắng bệch như giấy.
Chàng trai nở nụ cười lạnh: Không, không, kẻ đó nào bì được với gã cướp đang đau đớn khóc ròng trên kia, dù tên cướp hung tàn tham lam, nhưng tình yêu thương dành cho đứa con nuôi lại rất đỗi chân thành, không mảy may có chút lòng riêng dạ kín, cuối cùng, gã thà tự sát chứ không muốn để đứa con nuôi chết cùng.
Còn kẻ đó, cái kẻ anh đã gọi là cha suốt mười bảy năm trời đã làm gì?
Ngân Xuyên siết chặt nắm đấm.
Anh không thể quên được.
Anh không thể quên đêm ấy, anh núp ngoài cửa, khi đó anh mới bốn tuổi, thấy áo quần mẹ rách bươm, gương mặt in dấu bàn tay đỏ rực, bờ vai trần trụi loang lổ những vệt tím xanh, người đàn ông đó đang chất vấn bà, giọng điệu ông ta dữ dằn tột cùng: “Cô còn tằng tịu với gã khác sau lưng tôi ư? Tôi nuôi cô, cho cô ăn ngon mặc đẹp, vậy mà cô lại ti tiện lăng loàn tới mức này, vô liêm sỉ! Nói, cô gặp Trịnh Đình Quan lúc nào?”
Mẹ vốn là con nhà quan, dù giờ hèn mọn như bùn, nhưng vẫn giữ lấy tự tôn, bà lẳng lặng ngẩng đầu, mắt ráo hoảnh không ánh lệ: “Năm ấy tự tay anh bán tôi cho anh ta, sau đó anh chê tôi dơ bẩn, bỏ tôi đi như giày rách, Thịnh Đường, không công bằng.”
“Cô có tư cách gì mà gọi tên tôi? Cô có tư cách gì mà đòi công bằng với tôi? Đồ đĩ, trong lòng tôi cô chẳng đáng giá lấy một xu.”
Mẹ anh nở nụ cười đau buồn, không phản bác nữa.
“Nói gì đi chứ! Sao lại không nói nữa?”
“Nếu tôi đã chẳng đáng một xu thì chi bằng anh hãy đuổi luôn chúng tôi đi.
Hay anh sợ Trịnh Đình Quan, phải giữ tôi lại làm món bảo bối trông nhà cho anh?”
“Im mồm!” Phan Thịnh Đường giận dữ giáng thẳng một cú tát lên mặt bà, rồi ông ta lao đến bóp chặt lấy cần cổ trắng mịn của vợ mình.
Mẹ anh đến rên cũng chẳng buồn rên, khóe môi bà chỉ còn nụ cười nguội lạnh nản chí.
Đứa bé con nhìn mà vừa sợ vừa hận, dù người đàn ông đó thờ ơ lạnh lùng với mẹ con họ, nhưng chưa từng để lộ vẽ dữ dằn hung tợn như giờ phút này, cậu bé muốn lao tới cứu mẹ, nhưng Hà Sĩ Văn lại kéo cậu vào lòng, bế cậu đi, cậu vùng vẫy trong im lặng, gương mặt đỏ gay, thở hổn hển, nước mắt đầy mặt.
“Cậu cả, nếu muốn giữ mạng, nếu muốn cứu mẹ cậu thì phải nhẫn nhịn.” Hà Sĩ Văn an ủi cậu, vỗ về cậu, nhưng lòng cậu chỉ có nỗi hận, hận mình quá nhỏ bé, quá yếu ớt, hận người đàn ông đang đánh đập mẹ, hận cả kẻ đang ôm cậu, cái kẻ mang mặt nạ giả nhân giả nghĩa, nhưng lại luôn luôn ức hiếp lăng nhục mẹ cậu.
Dao cùn xẻ thịt, kiến mối nhấm tim.
Dù mới bốn tuổi, nhưng cậu đã nếm được hương vị tim gan bị gai độc xuyên khoét.
Con yêu, con không phải con trai của Phan Thịnh Đường, con họ Trịnh, con tên là Trịnh Ngân Xuyên.
Mẹ đã nói với cậu như vậy.
Cái hôm cha ruột cậu bị Phan Thịnh Đường lập mưu sát hại, mẹ nắm lấy tay cậu, chỉnh lại cổ áo bộ đồ Tây nhỏ xíu của cậu: “Con hãy cố gắng chịu đựng thêm vài ngày, chúng ta sẽ rời khỏi nhà họ Phan, sống những ngày tháng bình yên.”
“Nhưng nếu cha biết thì phải làm thế nào? Ông ấy có đánh mẹ không?”
“Ông ta không phải cha con, con hãy nhớ cho kỹ, hôm nay mẹ nói cho con biết, người đàn ông họ Phan kia không phải cha con, con tên là Trịnh Ngân Xuyên, cha con là mại bản số một Nam Quảng – Trịnh Đình Quan, vì ba trăm nghìn lượng bạc mà Phan Thịnh Đường đã bán mẹ cho người ấy, sau đó mẹ mới sinh ra con.
Nhà họ Trịnh là gia tộc đầu tiên mở hiệu buôn ra đến tận Tây Bắc Ngân Xuyên, Ngân Xuyên tượng trưng cho niềm kiêu ngạo của Trịnh gia, cái tên này là do cha ruột đặt cho con.
Lát nữa con sẽ được gặp ông ấy.”
Cậu chỉ gặp mặt cha mình hai lần, vào cùng một ngày.
Lần đầu tiên, cha cậu vẫn còn sống, ông ngồi trên chiếc xe hơi xa xỉ, đón lấy cậu từ lòng mẹ, đặt cậu lên đùi mình: “Tiểu Xuyên, cha đã để con phải chịu thiệt thòi rồi.” Ánh mắt uy nghiêm của ông pha nét dịu dàng, nhưng khi quay sang mẹ, lại thoáng hiện vẻ trách cứ, “Mẫn Huyên, em giấu tôi, em giấu kỹ lắm.
Nếu không phải không thể ở lại nhà họ Phan được nữa, chắc em định giấu tôi cả đời?”
Mẹ anh trầm lặng, không bảo đúng cũng chẳng nói sai: “Tôi đã cưới Thịnh Đường, dù có bị đày đọa dưới địa ngục tôi cũng phải theo anh ta cả đời.
Tôi đến tìm anh chỉ vì con thôi.
Cái mạng này của tôi chẳng có gì đáng tiếc, tôi có thể chịu khổ, nhưng con thì không được.”
“Em nỡ bỏ con ư?” Trịnh Đình Quan nhìn bà chằm chằm.
“Tôi muốn anh đưa nó ra nước ngoài, giữ cho nó an toàn, để nó được hưởng sự giáo dục tốt nhất, sống cuộc sống an lành nhất.
Phan Thịnh Đường sĩ diện, dù con có tới nhà anh thì anh ta cũng sẽ tự tìm ra cớ giải thích.
Tôi bằng lòng ở lại nhà họ Phan chịu khổ thay thằng bé.
Không ai trong nhà họ Phan biết chuyện hôm nay tôi mang con tới tìm anh.”
Trịnh Đình Quan cau mày: “Em quá coi thường năng lực của tôi.”
Mẹ anh dửng dưng: “Trong bụng tôi vẫn còn một đứa trẻ nữa, dù có muốn rời khỏi nhà họ Phan tôi cũng phải sinh nó ra rồi hẵng nói tiếp.
Chẳng lẽ Trịnh Đình Quan anh cũng muốn nuôi con hoang giống Phan Thịnh Đường ư?”
“Em im ngay!” Thịnh Đình Quan giận dữ quát, “Em coi thường tôi tới vậy ư?”
“Mẹ ơi…” Cậu sợ hãi run rẩy.
Nét mặt Trịnh Đình Quan tức khắc dịu lại, ông khẽ vỗ vai an ủi anh: “Con trai ngoan, con ra ngoài chơi đi, ở ngoài kia có nhiều hoa đuôi diều màu vàng đẹp lắm, con hái hoa về cho mẹ nhé.”
Anh do dự nhìn mẹ, đôi mắt ngấn lệ của mẹ mang theo nét cười mơ hồ: “Con đi đi, đi hái một đóa hoa cho mẹ.”
Trịnh Đình Quan rút một sợi dây khóa bạc sáng lấp lánh ra từ ngực: “Đây là khóa bạc trường mệnh gia truyền, đơn truyền ba đời nhà họ Trịnh, hôm nay cha trao nó cho con.
Xuyên Nhi, con trai ngoan, cha sẽ để con và mẹ được sống những ngày tháng hạnh phúc.”
Khi ấy cậu cứ ngỡ người cha xa lạ này sẽ đeo sợi khóa bạc lên cổ mình, nhưng ông không làm vậy, ông trao nó cho mẹ, hàng lông mi dài rậm của mẹ cụp xuống, bà nhìn sợi khóa bạc sáng bóng, mềm mại như ánh trăng trong lòng bàn tay: Hoa khai phú quý, thiên trường địa cửu.
Cuối cùng gương mặt bà cũng đã dao động.
Đã rất lâu, rất lâu rồi cậu không nhìn thấy mẹ nở một nụ cười an lòng đẹp đẽ tới nhường này, trong niềm hy vọng thoáng thắp, trong vui sướng thấp thỏm và vô số những ngờ vực băn khoăn, cậu chạy lên thung lũng nhỏ phía xa xa, đúng là ở đó có vô số những đóa hoa đuôi diều màu vàng kim, nối nhau trải khắp, phủ vàng một mảng, những cánh hoa mơn mởn dập dờn trong gió.
Ánh mặt trời hắt lên đỉnh đầu cậu, đây là ký ức vui vẻ nhất của cậu thời còn thơ ấu, dù nó ngắn ngủi là vậy, dù nó ngắn ngủi tới tàn nhẫn là vậy.
Lần thứ hai gặp lại cha, cha đã chỉ còn là một cái xác nát nhừ.
Cuối cùng Tạ Tề Phàm vẫn chậm một bước, sau khi biết cậu là con trai của Trịnh Đình Quan, Tạ Tề Phàm vội vã đưa cậu đi.
Cậu vừa đạp vừa cắn, cuối cùng, dùng hết toàn bộ sức lực trong cơ thể để thét lên: “Cha, mẹ! Cha! Mẹ!”
Mỉa mai làm sao, lời của Tạ Tề Phàm lại hệt như Hà Sĩ Văn: “Con trai, nếu muốn sống sót thì phải nhẫn nhịn.”
Trịnh Đình Quan chết rồi, dù cậu tới nhà họ Trịnh cũng chẳng ai che chở nổi, không biết Phan Thịnh Đường có hay cậu là con trai Trịnh Đình Quan không.
Nếu biết, ông ta có thể ám sát được Trình Đình Quan, thì giết thêm một thằng bé miệng còn hơi sữa này dễ như trở bàn tay.
Sinh tồn nơi miệng cọp, có khi vẫn còn cơ hội sống sót trong hiểm cảnh.
Cậu được lẳng lặng đưa về nhà họ Phan.
Không ai an ủi cậu.
Không ai biết cậu đã trải qua tình cảnh và sự chia ly thê thảm tới nhường nào.
Đêm đó, mẹ được người của đồn cảnh sát đưa về nhà họ Phan, cũng chính đêm đó, Hà Sĩ Văn đã trút cho mẹ bát thuốc phá thai.
Khi ấy dù còn nhỏ, nhưng cậu vẫn thấy gương mặt nhợt nhạt của mẹ, cậu lờ mờ ý thức được, có lẽ khoảnh khắc này đây, niềm khao khát sống cuối cùng của bà đã lụi tắt rồi.
Cậu từng cho rằng mình là hy vọng của mẹ, là ngọn lửa của mẹ, trong giờ phút lạnh lẽo đơn côi nhất, cậu sẽ mang lại ấm áp cho bà, dù hơi ấm ấy có bé nhỏ tới đáng thương.
Nhưng cậu không thể sưởi ấm nổi cho bà nữa rồi.
Vì đến cả mẹ cũng không biết phải bảo vệ cậu ra sao, phải sống sót trong địa ngục với cậu thế nào.
Bọn họ tứ cố vô thân.
Ba ngày trước khi qua đời, mẹ từng định mang cậu theo.
Mẹ tìm một bộ đồ mới chưa từng khoác trong rương của hồi môn, trang điểm ăn mặc chỉnh tề ngay ngắn, bừng bừng sức sống, mẹ dắt cậu đi qua từng con hẻm nhỏ ở Châu Giang, đi qua Lệ Loan, đi qua Tô giới, đi qua hiệu buôn Tây, thật ra cậu biết mẹ đang từ biệt tất thảy dĩ vãng của cuộc đời mình, cũng đang từ biệt cậu.
“A Xuyên,” mẹ gọi tên thật của cậu, “chúng ta cùng chơi một trò chơi nhé?”
“Vâng ạ!” Cậu ngoan ngoãn đáp lời, giả bộ rất mừng rỡ.
Mẹ nói: “Chúng ta cùng chơi bịt mắt bắt dê, con trốn, mẹ đi tìm con, thế có được không?”
Cậu sững sờ, chợt thét to: “Không!”
“Sao vậy con?”
Cậu chợt khóc váng lên: “Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con.
Con biết mẹ muốn bỏ con.”
Cậu khóc đau xé lòng, hai vai co lại run run, gió thổi qua mặt nước Châu Giang, ấm áp thơm nồng, nhưng lòng cậu chỉ tràn ngập sự bất lực và tuyệt vọng.
Cậu biết mẹ phải đi rồi, sớm muộn gì bà cũng phải đi.
Cậu muốn giữ bà lại, được chừng nào hay chừng ấy.
Nhưng trừ khóc ra cậu còn có thể làm gì? Cậu chỉ là một đứa trẻ thật vô dụng, vô dụng!
Mẹ ngẩn ra, không nói lời nào, vẻ mặt bà lạnh lẽo, cặp mắt trống rỗng, cậu không biết phải làm sao, khóc tới độ không thở nổi.
Chẳng biết đã bao lâu trôi qua, mẹ mới vươn tay nắm lấy bàn tay bé nhỏ của cậu: “Con đừng khóc nữa, không phải mẹ vẫn còn ở đây sao?”
Cậu nghẹn ngào đi theo bà, trông bà dõi ánh nhìn ngơ ngác về phía mặt sông mênh mông, đương giữa hạ, đâu đâu cũng ngợp trong sắc xanh.
Mẹ khẽ tựa bên lan can bờ sông, chợt nhỏ giọng cất tiếng hát:
“Nước thanh thanh, hương vải thoảng, tre biếc mảnh, tương tư dài.
Chuông tối bầu bạn cùng đêm buông, tình tan chiều tàn ngày lại nối.”
Cậu không hiểu ý nghĩa trong ca từ, chỉ cảm thấy réo rắt bi ai, thê lương không gì sánh nổi, khiến cậu càng thêm sợ hãi, cậu rút chiếc khăn tay nhỏ, nhón chân muốn gạt lệ trên gò má mẹ, nhưng cậu không đủ cao, có với thế nào cũng không tới.
Cuối cùng mẹ cũng cười, cậu như bắt được vàng, lệ còn ầng ậc nơi hốc mắt, nhưng vẫn ra sức toét miệng cười, bàn tay nhỏ cố hết sức vươn ra, cậu cứ tưởng làm thế này mẹ sẽ thích, sẽ vui.
“Nào, để mẹ bế con.”
Mẹ bế cậu lên, cậu níu chặt lấy cổ bà, vùi gương mặt bé nhỏ vào hõm gáy bà.
“A Xuyên, hình như con lớn hơn đấy, mẹ sắp không bế được con nữa rồi.” Mẹ xoa đầu cậu, bệnh bà con chưa khỏi, gương mặt trắng bệch như giấy, lúc nói chuyện bờ môi cứ run rẩy.
Cậu dè dặt dùng khăn tay lau nước mắt cho bà, nói: “Mẹ, con sẽ để dành hết đồ ăn cho mẹ, con không muốn lớn, con muốn ngày ngày được mẹ bế.”
“Cậu bé ngốc, con là đàn ông con trai, sao để mẹ bế ngày ngày được chứ.
Con sẽ lớn lên, rồi sẽ có lúc mẹ không bế nổi con nữa.”
“Con không muốn lớn!”
Mẹ mỉm cười, hàng mi bà hơi rũ xuống, như có ý nghĩ gì đó đang rục rịch, chốc lát sau, bà nâng tay lên, đặt cậu ngồi xuống lan can, đối mặt với bờ sông.
Gió sông cuốn theo hơi nước ùa lên lưng cậu, mẹ kề trán lên trán cậu, khẽ nói: “Nếu con không lớn lên, thì cũng tốt.”
Bàn tay lành lạnh của bà khẽ dời lên vai cậu, cậu chợt hiểu ra điều gì, đột nhiên cậu không còn sợ hãi nữa, mà chỉ cảm thấy được giải thoát.
Nếu cậu được giải thoát, có khi mẹ cũng sẽ được giải thoát.
Cậu chỉ mặc một chiếc áo choàng không tay ngắn mỏng, bả vai và cánh tay trần trụi cảm giác được nhiệt độ lạnh lẽo nơi tay mẹ, tay bà run bần bật, cậu lại chẳng hề thốt một tiếng, chỉ im lặng, ngoan ngoãn nhìn bà, giờ phút này đây, cậu chỉ muốn làm đứa trẻ ngoan nhất trên đời, chỉ cần mẹ không đau khổ nữa, bảo cậu làm gì cũng được.
“A Xuyên”, bà hôn lên mặt cậu, nhìn cậu chăm chú, niềm yêu thương ngập tràn, “Châu Giang nối liền với đại dương, dưới đại dương có long cung, nếu chúng ta nhảy xuống đây, bơi đi, bồng bềnh trôi dưới nước, là sẽ trôi ra đại dương, đến đó rồi không ai còn có thể tìm thấy chúng ta nữa, cũng không ai bắt nạt chúng ta nữa.
Hai mẹ con mình cùng đi nhé, có được không?”
Cậu gật đầu thật mạnh: “Vâng ạ!”
Bà ôm cậu vào lòng, để cậu đối mặt với nước sông cuồn cuộn, có mấy lần thân thể cậu nghiêng về phía trước, hóa ra mẹ đang đẩy cậu, nhưng cứ đến lúc cậu sắp rơi xuống, bà lại kéo cậu về, cậu không nhìn thấy nét mặt mẹ, chỉ nghe được tiếng thở hổn hển và âm thanh bà khóc thút thít, cậu nói: “Mẹ ơi, mẹ không có sức đẩy con hả mẹ?”
Bà vùi đầu vào lưng cậu, nước mắt cuộn trào thấm ướt áo cậu: “Ừ, mẹ không có sức.”
“Con có thể tự nhảy xuống!” Cậu reo lên, “Con xuống trước, rồi mẹ theo sau nhé.”
Cơ thể mẹ run lên, thoáng buông lỏng cậu, cậu bèn ra sức nhảy xuống lòng sông, cậu không muốn trở thành gánh nặng, thành nỗi phiền lụy của mẹ, vậy nên cậu đã dùng hết sức lực của mình.
Cậu ngửi thấy thứ mùi ẩm ướt tanh tanh của nước sông, cậu nhìn thấy những bông thủy nữ mơn mởn đung đưa trong sóng nước, cậu còn nghe thấy cả tiếng cười vọng lại từ khu chợ ngoài xa, đây là âm thanh ít khi xuất hiện trong cuộc sống của cậu và mẹ, là tiếng cười rất đỗi tươi vui vô lo.
Đến khi tới một thế giới khác, có lẽ mọi chuyện sẽ không còn như xưa? Có lẽ cậu sẽ được nghe thấy tiếng cười ấy mỗi ngày?
“Xuyên Nhi!” Mẹ thét lên, eo cậu bị túm chặt lại, mẹ kéo siết cậu về, ôm cậu vào lòng, “Không, mẹ không muốn con chết.
Con còn nhỏ thế này, con vẫn còn nhỏ thế này.” Bà quỳ xuống đất, hôn cậu, vuốt ve gương mặt và bờ lưng cậu, “Mẹ sai rồi, Xuyên Nhi, con đánh mẹ đi.”
Bà cầm lấy bàn tay bé nhỏ của cậu, đánh vào mặt mình, “Con đánh mẹ đi, mẹ không có lương tâm! Suýt nữa mẹ đã hại chết con rồi!”
Cậu sợ điếng người, thấy sự cứng rắn kỳ lạ hiện lên trong đôi mắt gần như cuồng dại của bà: “Dù có chết mẹ cũng phải để con sống tiếp.”
Ba ngày sau, mẹ tự sát.
Vứt đứa con trai mới chỉ bốn tuổi lại thế gian khắc nghiệt, cô độc đối mặt với sự xa hoa lạnh lẽo vô tình, trong những màn tiệc tùng ca múa như lồng giam.
Cậu không kịp nghe sự sắp xếp mẹ dành cho tương lai cậu, nhưng trước khi ra đi, bà muốn từ giờ cậu phải giữ kín lấy bí mật về thân thế của mình cho tới khi trưởng thành.
Không ai trong nhà họ Phan biết cậu là con trai của Trịnh Đình Quan, bao gồm cả Phan Thịnh Đường.
Bà muốn cậu làm con trai trưởng của nhà họ Phan, giữ lấy cái thân phận này, cũng giữ lấy tính mạng mà sống cho yên.
Bà không muốn cậu báo thù, thậm chí bà chưa từng thể hiện nỗi oán giận dành cho Phan Thịnh Đường, người đàn ông đó phụ bạc, tàn nhẫn với bà là thế, như một ly rượu độc mà số kiếp tặng cho bà, bà nâng ly rượu một hơi uống cạn.
Bà dùng cái cách nhục nhã nhất để van xin Hà Sĩ Văn, xin ông ta che chở cho con trai mình, bà cũng dùng cái chết để đưa ra lời thỉnh cầu duy nhất trong suốt cả cuộc đời.
Nếu bà sống, lòng hoài nghi và sự ghét bỏ của Phan Thịnh Đường sẽ chỉ ngày càng sâu đậm.
Bà chết rồi, có lẽ sẽ đem theo được một phần oán hận mà ông ta dành cho bà.
Chắc hẳn uống thuốc độc không phải chuyện ngày một ngày hai, bà Vinh đã từ từ dập tắt ngọn đèn sinh mệnh của mình.
Bà mặc bộ đồ màu ngọc trai mà ngày mới cưới từng khoác, đây là bộ váy bà thích nhất, rồi để bức huyết thư dưới gối:
“Mệnh thiếp như lục bình, không nơi chốn nương tựa, chỉ xin quân thương xót, giữ lòng dạ thuở đầu.”
Lòng dạ thuở đầu, lòng dạ thuở đầu…
Có lẽ giữa bà và người đó cũng từng có khoảng thời gian tuyệt đẹp không gì thay thế nổi, từng có tình cảm chân thật trong vắt như thủy tinh, nhưng lòng dạ thuở đầu đã bị cứa nát trăm nghìn vết rạch, hồi ức cô đọng lại thành một ly độc trấm, ăn mòn tất thảy, chỉ còn lại một màn cược tuyệt vọng, một lời nói dối bà bày ra bằng sinh mệnh của mình.
Nuốt thang thuốc cuối cùng, đợi đứa con trai đang chơi ngoài sân chạy vào phòng, thân thể bà đã co quắp trong cơn đau đớn tột cùng, nhưng bà vẫn nén nỗi đau, đặt sợi khóa bạc nhà họ Trịnh vào tay đứa con trai đã sợ hãi rơi nước mắt.
“Con cất nó đi, nếu người khác hỏi thì bảo là mẹ đưa, là đồ của mẹ.”
“Mẹ ơi, sao mẹ lại chảy máu?” Cậu vội vươn tay lau máu chảy ra từ miệng và mũi mẹ, nhưng thật sự bà đã không còn sức để an ủi đứa con trai này rồi, bà nằm trên chiếc giường hồi môn được mang theo ngày gả về nhà họ Phan, chiếc giường lớn chạm hoa ba lớp cửa, như một tòa lầu các, cũng là phần mộ của bà.
Ánh sáng ảm đạm, bụi bặm bay nhảy nơi khe gỗ, Ngân Xuyên phát hiện ánh mắt rệu rã của bà đang lướt qua đỉnh đầu cậu, nhìn ra phía sau, như đang kiếm tìm ai đó.
Bà đang nhìn ai vậy?
Là cha cậu, Trịnh Đình Quan, hay Phan Thịnh Đường đã đày đọa giày vò bà đến chết?
Là kẻ bạc tình nhẫn tâm, hay là người chồng mà cô dâu xinh đẹp từng ngày đêm mong chờ?
“Nước thanh thanh, hương vải thoảng…” Bà khẽ lẩm bẩm, “Chuông tối bầu bạn cùng đêm buông, tình tan chiều tàn ngày lại nối…” Khóe môi dần hiện nét cười, bà cười tươi tắn đẹp xinh như thiếu nữ.
Khi ấy Ngân Xuyên chợt cảm thấy, bà vẫn đang chờ đợi Phan Thịnh Đường, trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, bà vẫn cứ đợi tên đàn ông nhẫn tâm ấy, tên đàn ông sớm đã phụ bạc bà.
Lông mi bà chầm chậm cụp xuống, ánh mắt tĩnh lặng như một pho tượng.
Bà chết rồi, còn Ngân Xuyên con trai bà thì sống tới tận giờ này, dựa vào sự chở che của “lòng dạ thuở đầu” nơi bà.
Thân không tranh với ai, thiên hạ cũng chẳng kẻ nào tranh với mình.
Tạ Tề Phàm từng khuyên anh như vậy.
Ông muốn anh phải ẩn nhẫn bằng mọi giá, phải học cách bảo vệ bản thân, học cách giả vờ ngây ngốc, học cách làm bộ vô năng.
Giờ anh đã mười bảy tuổi, may nhờ có gương mặt giống mẹ, may nhờ sự che chở hết lòng hết dạ của Hà Sĩ Văn và dạy dỗ vun xới tỉ mỉ từng li của Tạ Tề Phàm, anh vượt qua được từng mối hoài nghi trù tính, từng lần thử thách hiểm hóc của Phan Thịnh Đường.
Từ chỗ chỉ mong tự bảo vệ bản thân, cho đến khi ngấm ngầm âm mưu báo thù, từng ngày, từng năm trôi qua, anh đã tôi rèn sự ẩn nhẫn và cả tàn nhẫn cho mình.
Lúc này đây, trong ánh đèn vờn bay làm hoa mắt người, anh hả hê thưởng thức nỗi đau đớn trên gương mặt Phan Thịnh Đường.
Hôm nay không chỉ là ngày sinh nhật của Edmund, mà cũng là ngày giỗ của mẹ anh, Vinh Mẫn Huyên.
Rốt cuộc người đàn ông kia đang đau khổ vì lẽ gì? Đau khổ vì đã dùng mấy trăm nghìn hiện kim để đổi lại một đứa con trai tàn phế, liều cái mạng già kính biếu đám người nước ngoài mới giữ được vị trí tổng mại bản lung lay chực ngã? Hay đau lòng vì người phụ nữ đã sớm bị vứt xuống vong xuyên, dù có lẽ ông ta đã quên gương mặt người phụ nữ đó từ lâu rồi, nhưng “lòng dạ thuở đầu”, thứ duy nhất mà bà lưu lại vẫn cứ bầu bạn bên ông ta như rắn rết?.