Cố Niên Hoa

Có vẻ như mấy lão già tài năng hơn người đều rất quái gở, thích ra vẻ thần thần bí bí và làm khó người khác. Tôi nhìn ông lão trước mặt, thu lại mấy giọt lệ vừa định nhỏ, thở dài rồi đứng lên chào:

- Vậy cháu về đây ạ, ông nhớ giữ ấm, trời sắp trở lạnh rồi.

Ông ta không có vẻ gì như muốn cản, chỉ nhướn đôi mày:

- Bỏ cuộc sớm thế?

Tôi lễ phép thưa:

- Trần Cụ bảo cháu ông từng dạy hắn. Tiên sinh cũng bảo trước đây hai người có giao tình. Nếu ông đã biết thân phận của cháu mà vẫn đuổi cháu về thì hẳn là ông có lý do riêng. Chế tạo vũ khí cho quân đội là chuyện sống còn, cháu không thể giao cho một người không nguyện ý làm được ạ. Cháu xin lỗi vì đã quấy rầy ông!

Tôi cúi chào, quay người bước ra khỏi bếp.

- Lão biết nhóc bao giờ? – Bước chân tôi liền sững lại. – Cháu còn chưa nói cháu là gì của Trần Tung?!

Tôi lập tức xoay lại phía ông lão, cố giấu vẻ vui mừng:

- Thưa, tiên sinh là anh rể, cũng là thầy của cháu.

Gương mặt khắc khổ lại giãn ra với nụ cười sảng khoái:

- Thằng ranh này cũng tìm được truyền nhân rồi đấy!

Tôi há hốc mồm vì lần đầu nghe có người gọi lão già khó tính đức cao vọng trọng kia là "thằng ranh". Không nén được tò mò, tôi hỏi:

- Ông với tiên sinh nhà cháu thân lắm ạ?

Ông lão hất hàm về phía bên kia chiếc bàn, tôi nhanh nhảu ngồi xuống, chăm chú lắng nghe.

Ngày xửa ngày xưa, có một chàng vương gia trạc tuổi tôi đã một mình đến ngôi chùa trăm gian trên núi Thiên Thai để xem có thể khôi phục việc hương khói ở đây không. Chàng lên được giữa đường thì ngựa giẫm trúng bẫy khuỵu xuống, liền đó mấy mũi tên vun vút lao ra. Chàng nhanh nhẹn tránh né, còn đuổi theo tóm được kẻ đang giương nỏ. Thủ phạm là một người đàn ông trung niên chỉ còn một chân, trong lúc cố bỏ chạy thì vấp ngã lăn xuống đồi, người xây xước cả. Vị vương gia lấy túi thuốc mang theo giúp ông ta cầm máu, còn đưa ông về ngôi nhà nhỏ trong rừng. Suốt dọc đường đi, ông ta không ngừng mắng mỏ:

- Bỏ tao ra! Mày ăn mặc đẹp đẽ như thế chắc chắn là tôn thất họ Trần! Tao cấm bọn bây lên núi làm bẩn nơi thờ phụng thiêng liêng!

Chàng trai trẻ chẳng nói chẳng rằng, đợi đến khi dìu ông ta về đến nơi rồi, lại rót cho ông ta tách trà, chàng mới từ tốn bảo:

- Tôi tên Tung, thầy tôi là Trần Liễu, u tôi là Lý Ngọc Oanh, kể ra tôi cũng là một nửa người họ Lý, biết đâu còn có họ hàng với ông cũng không chừng!

Người kia sửng sốt. Chàng trai trẻ thản nhiên bước đến chái bếp, nhìn quanh quất chỉ thấy một chĩnh gạo đã vơi và mấy bó rau rừng. Chàng lại tự tiện cầm chiếc nỏ ông ta vừa đặt xuống mà bước ra ngoài.

- Ranh con! Ngươi định làm gì?

- Đi săn hổ về ăn tối! – Chàng nói rồi vụt chạy đi.

Mãi lâu sau, chàng trai quay lại, không có hổ mà chỉ có vài con chim bị trúng tên.

- Đây là nơi chay tịnh tu hành, ngươi đừng đem máu vào đây! – Người đàn ông trung niên hơi gay gắt.

- Chay tịnh mà vẫn cầm nỏ định giết người, xem ra tôi với ông không những cùng họ mà còn tu cùng chùa nữa. – Chàng cười cười, thản nhiên vặt lông mấy con chim vừa săn được.

- Ngươi không được vô lễ! – Ông thực sự tức giận.

- Thế nào là Phật, thế nào là ma? – Chàng trai nhìn ông bằng đôi mắt thấu suốt, nói chậm rãi từng lời. – Một ngày tụng mấy thời kinh để bù lại những thù hận chất chồng có thể đắc đạo không? Việc ông muốn giết tôi, với người trọng họ Lý là thiên kinh địa nghĩa, với thầy u quyến thuộc của tôi lại là tội ác không thể thứ tha. Sự việc vốn chỉ như thế, và chỉ xảy ra trong khoảnh khắc chứ đâu kéo dài như niềm vui nỗi buồn của người đời. Tốt hay xấu, thiện hay ác đều do cách nhìn nhận của mỗi người, mà cách nhìn ấy lại là gì nếu không phải là những yêu ghét đã bám rễ rất sâu trong lòng họ?! Ông có giết được một trăm kẻ muốn lên núi thì họ Trần vẫn cứ trị vì, dân chúng vẫn cứ an cư lạc nghiệp, chỉ có ông đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn quẩn quanh mối hận của hai gia tộc. Giang sơn là của bách tính vạn dân, nào phải của một nhà một họ, nếu họ Trần vô năng, lòng dân tự sẽ có phán quyết, ông chỉ cần ngồi uống trà đợi xem là được.

Người đàn ông thừ người suy nghĩ rất lâu, mãi sau mới nhếch mép cười:

- Kẻ hai họ như ngươi nói gì mà chẳng thuận.

- Có thể. Hoặc họ Lý không nhận, họ Trần không ưa, cũng là một cách nhìn. – Chàng trai bắt đầu đánh lửa.

Lại im lặng mất một hồi, người trung niên hỏi người trẻ tuổi:

- Ngọc Oanh... mấy năm qua nàng ấy có hạnh phúc không?!

Bàn tay đương trở xâu chim trên lửa hồng bỗng như hóa đá.

- Ông chú của tôi là một người tình nghĩa, tôi đã thôi lo lắng cho bà ấy lâu rồi. – Chàng đáp, mắt vẫn chăm chú vào khoảng không trước mặt.

Đến khi lũ chim đã được nướng chín vàng, chàng mời người nọ một xâu, cố ý đưa qua đưa lại trước mũi ông ta mấy lần, mặc kệ cái bụng đang sôi, ông ta kiên quyết lắc đầu không nhận. Chàng trai ngắm nghía phần thức ăn ngon lành, tặc lưỡi tiếc rẻ:

- Ông đi đứng không tiện lại ở nơi rừng thiêng nước độc, chỉ ăn chay làm sao đủ sức. Món ngon mà tôi ăn một mình cũng mất vui... – Như chợt nhớ ra điều gì, chàng đứng phắt dậy. – Tôi quên mất trong hành lý có mấy tai nấm ngon lắm, nướng lên ăn ngọt như thịt gà ấy, để tôi lấy cho ông.

Mắt người trung niên bỗng vụt sáng, chàng trai quay lại bắt gặp ngay tia nhìn ấy, nụ cười nhoẻn nhanh chóng trở thành một tràng cười sảng khoái:

- Tôi đùa đấy, không ăn chay thì mang nấm theo làm gì!

Người đàn ông kia đưa tay với lấy cây nỏ treo trên vách.

- Ấy, ông đừng nóng! – Chàng trai trẻ xua tay. – Tôi chỉ muốn cho ông biết lòng ông không tịnh. Miệng chỉ nuốt rau rừng nhưng trong lòng thèm thịt cá, cố kiềm chế khổ sở về lâu về dài sẽ sinh oán giận, tuyệt nhiên chỉ mang thêm tội chứ chẳng thành chính quả đâu! – Rồi chàng cất giọng ngâm nga:

"Khiết thảo dữ khiết nhục,
Chủng sinh các sở thực.
Xuân lai bách thảo sinh,
Hà xứ kiến tội phúc?

Trì giới kiêm nhẫn nhục,
Chiêu tội bất chiêu phúc.
Dục tri vô tội phúc,
Phi trì giới nhẫn nhục.

Như nhân thượng thụ thì,
An trung tự cầu nguy.
Như nhân bất thượng thụ,
Phong nguyệt hà sở vi?"

(Có nghĩa là:

"Ăn thịt và ăn cỏ,
Chúng sinh loài nào có thói quen của loài đó.
Như mùa xuân đến, trăm hoa cỏ sinh sôi,
Có chỗ nào nhìn thấy tội hay phúc đâu?

Trì giới và nhẫn nhục,
Chỉ chuốc tội chứ không chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Thì đừng trì giới, nhẫn nhục.

Như khi người trèo lên cây,
Là đang trong bình an lại tự tìm lấy nguy hiểm.
Nếu người ta không trèo cây,
Thì gió lay, trăng dọi, có làm gì được.")

Chừng thấy người nọ đã xuôi xuôi, chàng lại xuống nước:

- Ông ăn một ít đi cho vết thương chóng lành, sáng mai tôi cùng ông lên núi.

Hôm sau, mặt trời vừa ló dạng, hai người đã khởi hành lên chùa. Chốn này xưa kia là hành cung, vốn có đường đi thuận tiện nhưng sau nhiều năm bị bỏ hoang, hoặc cây cỏ mọc lên, hoặc đá lở lấp đường, có những đoạn chàng phải cõng ông mới qua được. Người đàn ông nọ rất ngạc nhiên vì chàng trai trông không khác gì một thư sinh lại dẻo dai mạnh khỏe hơn người. Lúc chàng xắn tay áo làm lộ ra hình xăm chạy dọc từ bả vai trái nổi bật trên làn da trắng trẻo, ông cứ thấy sự đời tréo ngoe kỳ lạ thế nào.

Khi lên đến được ngôi chùa cũ, nhìn dáng vẻ ngẩn ngơ luyến tiếc vàng son của người tuổi đã xế chiều, chàng trai trẻ thở hắt ra một hơi rồi bảo:

- Nơi này hoang vu hiểm trở, chùa cũng cũ nát rồi, không thích hợp làm hành cung cho lắm. Tôi sẽ báo lại triều đình chọn nơi khác vậy.

Đoạn, chàng quay sang phía người đang ngơ ngác:

- Ông muốn ở lại đây bây giờ hay đợi tôi cho người dọn sạch đường đi rồi mới trở lên?

Gương mặt người đàn ông cơ hồ xúc động.

Lúc chàng trai trẻ từ biệt ông để xuống núi, ông hỏi đùa:

- Dù lý lẽ thế nào, ngươi là kẻ tu hành mà cứ ăn thịt uống rượu thì bao giờ thành Phật được?

Chàng đáp lại một câu mà ông còn nhớ mãi:

- Tôi không cần thành Phật. Phật cũng chẳng muốn thành tôi.

Sau này, phần vì nhiều việc liên tục xảy ra, phần vì không tiện để người xung quanh chú ý, vị vương gia ấy chưa có lần nào trở lại ngôi chùa trên núi nữa.

Đến giờ thì tôi hiểu tại sao lão già nhà tôi nhất định phải viết chen vào lá thư của Trần Cụ một câu "quen biết". Một lần gặp mặt này của lão còn đáng giá hơn bao năm tên Thích Đối Xứng kia tầm sư học đạo. Lão không nói gì thêm hẳn vì muốn tôn trọng ông cụ Lý Đảm, để ông ta tự mình lựa chọn có tiết lộ thân phận hay không.

Thật không ngờ, trước khi gặp tôi, lão già từng là một thanh niên sôi nổi và lém lỉnh hơn cả Hưng Đạo vương lúc trẻ lẫn Quang Khải bây giờ. Nuôi dạy một đứa trẻ quả thật có thể khiến đàn ông lão hóa rất nhanh.

Ông cụ kể xong, hai bên ngồi nhìn nhau một lúc, tôi lại đứng dậy chào:

- Cảm ơn ông đã kể cháu nghe chuyện lúc xưa của tiên sinh. Cháu xin phép về ạ. Sau này cháu sẽ cùng tiên sinh đến thăm ông.

Ông cụ đi cùng tôi ra cửa.

- Trần Tung cho cháu biết việc có quen lão, hẳn cũng muốn lão xuống núi một chuyến. Nhóc con cứ vậy ra về không sợ bị hắn trách phạt sao?

- Lúc nãy cháu nghĩ ông nhất định có lý do riêng. Sau khi nghe chuyện rồi, cháu lại càng phải tôn trọng ý nguyện của ông hơn cả. Tuy rằng nếu được ông giúp thì chẳng gì bằng, nhưng không đẩy người khác vào thế khó xử là đạo lý mà tiên sinh dạy cháu, ngài ấy sẽ không phạt cháu đâu, ông đừng lo ạ.

Ông lão mỉm cười hiền hậu.

- Mười mấy năm qua ở nơi này ta vẫn luôn ngẫm nghĩ những gì hắn nói. Ta cứ đợi rồi lại đợi, xem thử họ Trần nhà hắn đến khi nào mới bị dân chúng lật đổ, nhưng cuối cùng chỉ gặp được một đứa trẻ ngoan ngoãn biết điều... - Ông thở dài. – Xem ra hắn không sai.

Tôi mím môi, đợi ông nói tiếp.

- Nếu một kẻ trẻ tuổi như hắn còn thông suốt được, kẻ đầu bạc như ta cũng nên sáng mắt rồi. Vả lại, ta còn nợ hắn một ân tình...

Tôi mừng vui khôn tả, nói như reo:

- Ông đồng ý giúp bọn cháu hở ông? Thế thì tốt quá...!

Đoạn, tôi nhớ ra một việc.

– Vậy... ông có thể đợi mấy hôm nữa được không, cháu còn vài thứ phải giải quyết ở nhà, vừa xong cháu sẽ cho người đón ông ngay ạ.

Ông cụ vẫn giữ nụ cười hiền:

- Trời tối rồi, cháu cứ nghỉ lại đây cho an toàn.

- Ông đừng lo ạ, cháu biết võ mà! Tiết kiệm được ngày nào thì tốt ngày ấy, cháu phải nhanh lên mới kịp!

Ông tiễn tôi ra cổng, trước khi tôi đi còn nhận xét:

- Nhóc con và tên ranh kia quả thật giống nhau.

- Câu này là khen hay chê ạ? – Tôi tròn mắt hỏi.

***

Phủ An phủ sứ ở Hồng Lộ đã vắng người, Dưỡng Chân Trang vào ngày thường lại càng yên tĩnh. Mỗi người trong trang viện đều có tập võ nên cũng chẳng cần mấy lính canh. Có thể nói, ban đêm trộm muốn lấy gì cũng dễ dàng. Lạ thay, mười mấy năm qua chưa có tên nào bén mảng. Hoặc chúng nể sợ uy danh của ngài Tuệ Trung, hoặc vốn dĩ ngoài tượng Phật, mấy quyển kinh và ít hương đèn ra, nơi này chẳng có gì đáng lấy.

Thế mà, chắc dạo này trang viện đang tích trữ nhiều của cải nên có vài tên nổi lòng tham. Bốn năm bóng đen không biết được ai giúp mà lẻn vào từ cửa sau, chạy đến điện Phật chính. Bọn chúng chui hẳn xuống dưới bệ thờ, lật bức nhiễu lên mà loay hoay mãi không tìm thấy nơi nào có cơ quan để mở cửa mật thất. Năm tên chia nhau lục lọi khắp điện, hết xoay lư hương lại nhấc bình hoa. Một lúc lâu, có một kẻ nóng nảy giơ chân đạp vào bức vách sau tấm nhiễu, cửa cứ thế mở ra, không có khóa.

Cả bọn lẻn vào trong, không quên cẩn thận che đậy mọi thứ như lúc đầu. Chúng mò mẫm trong đoạn hành lang vừa hẹp vừa tối một hồi thì đến được nơi muốn đến. Một tên hướng phía phòng giam, khe khẽ gọi:

- Vương gia, bọn thuộc hạ đến rồi!

Vũ Thành vương ngồi sau song gỗ kia vẫn không quay đầu lại. Bọn trộm khốn khổ lại loay hoay tìm cách mở khóa, không dám gây tiếng động lớn nên chẳng thể vung đao chém. Hẳn bọn chúng cũng có nghề, ổ khóa vừa to vừa nặng cuối cùng bật mở.

- Cậu Nam tinh mắt thật, uổng công tôi mang đuốc đến định soi cho cậu. – Trần Thiên Hương – nữ chủ nhân của trang viện từ đâu bước vào, dịu dàng cười nói.

Bọn chúng bị bất ngờ nhưng vẫn phản ứng rất nhanh, ba tên lập tức xông đến tấn công thiếu phụ, dồn nàng vào một góc để mở đường thoát thân. Nguyễn Nam lập tức tung cửa phòng giam, chạy đến nắm tay người trong đó kéo đi:

- Vương gia xin thứ lỗi!

Tức thì, người kia vung chân đạp mạnh làm hắn mất đà, khi đứng vững đã thấy một thanh gươm kề ngay cổ. Hắn kinh hoảng thét:

- Ngươi không phải Vũ Thành vương!!!

Trích bài Trì giới kiêm nhẫn nhục của Tuệ Trung Thượng sĩ (Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui