Cố Niên Hoa



Khi tôi đến quán ăn, Quang Khải đã cho bày sẵn một bàn hai hàng rượu đựng trong chén lớn. Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, từ đầu bàn bên kia hắn đã hất hàm:

- Uống cạn đi, rồi ta cho ngươi biết chuyện của cung nhân họ Lý.

Cái tên hoàng tử hẹp hòi này, thì ra vẫn còn để bụng!

- Đã cho ngươi đánh một trận rồi vẫn chưa hả dạ sao? – Tôi nhăn nhó.

- Đánh ngươi là vì bài đồng dao chết tiệt đó. Hôm nay là ngươi nhờ vả ta, cũng nên uống vài chén rượu tỏ lòng biết ơn. – Hắn nhếch miệng cười.

- Nhờ vả?! Này! Ai đã giúp ngươi ra khỏi tù chỉ trong một đêm? Ai giúp cô đào hát của ngươi đưa tin? Ai làm chủ hôn cho hai người?...

- Phong, chính ngươi đã nói mang hết những ơn nghĩa đó đổi lấy lời xin lỗi với ta mà?!

Tôi thật muốn đấm vào gương mặt tỏ vẻ ngây thơ kia một cái, tôi có nói như thế nhưng lúc đó hắn đã vung kiếm đánh tôi đâu?! Cố nén cơn giận trong lòng, tôi lẩm bẩm:

- Đúng là vừa sinh ra đã bị vua cha lừa gạt nên trưởng thành cũng lệch lạc theo.

"Cạch" một tiếng, thanh kiếm của hắn lại chống lên bàn. Đôi mắt thường ngày luôn sáng lấp lánh bỗng dưng trở nên lạnh lẽo đến rợn người:

- Tại sao ngươi lại biết chuyện này?

Hình như tôi đã lỡ miệng nói điều không nên nói. Ai bảo... ai bảo lão kể cho tôi ngay lúc ra khỏi nhà làm chi, trên đường đến đây tôi cứ nghĩ về nó mãi.

Mặt vẫn không biến sắc, tôi nhìn hắn:

- Tiên sinh kể với ta từ lúc ta còn bé xíu, cũng không ngờ ta sẽ gặp ngươi, chỉ trách vận của ngươi đen đủi...

Ánh mắt đang nhìn chằm chằm vào tôi vẫn không di chuyển.

- ... à không, không ngờ chúng ta có duyên đến vậy, giữa thiên hạ rộng lớn này cũng vẫn gặp được nhau.

Hắn thở dài, lắc nhẹ đầu rồi thong dong ngồi xuống, bưng một chén lên uống. Cảm thấy không tiện ngồi lâu cũng chẳng hy vọng hỏi được tin tức gì, không khéo lại còn làm mối quan hệ giữa Vạn Kiếp và Tức Mặc thảm hại hơn, tôi đành kiếm cớ ra về:

- Dù gì cũng cảm ơn ngươi đã nhọc công, nhưng ta không uống được nhiều rượu. Việc của ta, ta sẽ tự tìm hiểu vậy, ngươi về chuẩn bị lấy vợ đi.

Tôi chào hắn rồi quay người đi nhanh về phía cửa.

- Phong! – Hắn gọi lúc tôi đã bước một chân ra ngoài. – Ngươi cũng biết ta sắp phải lập chính thất rồi, mai ta sẽ về Tức Mặc, uống với ta một hôm đi. – Những từ cuối cùng nghe như thì thầm, lại như khẩn khoản.

Phải chăng những người sinh ra trong hoàng tộc dù sôi nổi hay trầm tĩnh cũng đều có một dáng vẻ cô độc khiến người khác đau lòng đến vậy?!

Nghĩa khí trong lòng bỗng nổi lên, tôi quay lại bàn rượu, đập tay lên mặt bàn một tiếng:

- Được. Hôm nay để anh hầu chú. Nhưng cho công bằng, anh hỏi chú một câu thì mới uống cạn một chén, được không?!

Hắn bật cười, khoác vai tôi kéo tôi cùng ngồi xuống ghế.

- Này này, chú đã tắm chưa mà choàng vai bá cổ, anh vẫn chưa say, không dễ mắc lừa đâu nhé. – Tôi đẩy hắn ra.

Quang Khải đưa tay cốc đầu, tôi nhanh nhẹn tránh được. Hắn cầm lấy một chén đầy, làm động tác mời:

- Ta hỏi trước, tại sao ngươi lại theo Hưng Ninh Vương đến tận đây, ngươi là gì của ông ta?! – Vừa hỏi xong hắn đã uống một hơi cạn sạch, còn không để tôi kịp từ chối.

- Này... - Tôi định vặn lại song thấy cũng chẳng ích gì. – Chẳng phải ngươi đã điều tra cả rồi sao, còn hỏi nữa? Rượu là ngươi trả tiền đấy, cứ uống thỏa thích đi.

Nói rồi, tôi gọi liền mấy món ngon. Hắn uống thì mặc hắn, tôi vẫn cứ phải ăn no bụng nếu không sẽ say chết mất.

- Tiên sinh là anh rể của ta. – Tôi vừa nhâm nhi cái chân gà nướng vừa từ tốn trả lời. – Ngài ấy chăm sóc ta từ bé nên bọn ta còn thân thiết hơn ruột thịt. Tết năm nay ngài ấy không về Yên Bang, ta liền chạy đến đây tìm, giữa đường thì bị ném vào ngục với ngươi.

- Ngươi thân thiết với anh rể của mình như thế, chị ngươi sẽ nghĩ gì?! – Hắn tò mò thực sự.

Tôi đưa một chén rượu đầy cho hắn, đợi hắn uống cạn mới từ tốn nói:

- Chị của ta chẳng nghĩ gì đâu... - "Vì bọn họ vốn đâu có phải vợ chồng", những lời này may mà tôi kịp giữ lại. – Ngươi biết không, đối với ta, lão già là một người rất đặc biệt, rất quan trọng, nhưng không phải như ngươi đang tưởng tượng đâu!

- Sao lại gọi ông ấy là lão già?! – Quang Khải ơi là Quang Khải, cứ hỏi liên tục thế này thì ngươi sẽ gục trước cả ta thôi.

Tôi lại đẩy một chén về phía hắn.

- Ngươi không cảm thấy lão ấy rất giống như một ông cụ đã ngũ tuần sao?! Từ suy nghĩ đến hành động, đều như đã sống qua mấy cuộc đời. – Tôi không rõ câu này là chê trách hay ca ngợi.

- Ờ... đúng. – Hắn như ngộ ra điều gì. - Ở Tức Mặc ai cũng bảo Hưng Ninh Vương rất khác người, chắc là do tu hành, đã hiểu rõ đạo lý. Nhưng ta thấy kiếm pháp của ông ta linh hoạt như thế, không giống lời ngươi nói, không thể cho là già được.

- Này, đó là ta gọi đùa thôi. Hoàng tử ở Tức Mặc có phải người nào cũng đáng chán giống ngươi không?! – Tôi hỏi xong chợt thấy hối hận vì chén rượu Quang Khải nhanh tay đưa tới.

Tôi đành uống cạn, nhìn hắn thong thả trả lời:

- Ta là người thú vị nhất trong số đó.

Thật đúng là anh em, rất biết cách làm người tức chết. Tôi với tay lấy một chén nữa, uống cạn:

- Ngươi... ghét lão già của ta không?! – Tôi bỗng dưng rất muốn hỏi câu này.

- Sao lại ghét?!

- Vậy có thương không?!

- Có thay đổi được gì đâu?!

- ...

Tôi không nhớ hôm ấy mình về nhà bằng cách nào vì khi tỉnh dậy đã là mấy ngày sau. Từ nhỏ tôi đã không uống được nhiều rượu, nếu không sẽ cảm thấy khó thở, đau đầu, toàn thân còn bị rộp da. Trong phủ lúc nào cũng có sẵn thuốc do lão già tự điều chế để dự phòng, nhưng mỗi khi tôi uống được một chén thì đều bị lão ngăn lại nên chẳng mấy khi cần đến. Lần này vì một câu nói của tên bằng hữu đó, tôi ốm một trận thừa sống thiếu chết. Nghe bác Dương kể lại, tuy lão không lớn tiếng nhưng dường như cũng đã răn đe Quang Khải mấy câu.

Nằm trên giường bệnh, tôi mơ hồ nhớ lại những gì bọn tôi đã nói trong lúc ngà ngà say. Quang Khải bảo rằng theo như hắn điều tra, người họ Lý tôi cần tìm đã sớm rời khỏi cung Lệ Thiên vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ tư. Tháng giêng năm ấy sét đánh một lượt ba mươi chỗ trong thành Đại Xá nên quan gia đã ân xá cho một số cung nữ của triều Lý được về quê. Hắn còn bảo, ngay sau đó, Hiển Hoàng Trần Liễu – cũng chính là thân phụ của lão già – can tội cưỡng gian cung nữ cũng chính ở cung Lệ Thiên này nên bị giáng làm Hoài Vương. Việc này tôi chưa từng được biết, nhưng không thấy bất ngờ vì mọi người đã giấu biệt đi.

Quang Khải bảo lão già không giống như phụ thân mình mà trầm tĩnh và có năng lực hơn nhiều, tuy không thường xuyên gặp mặt nhưng luôn được quan gia nhắc đến đầy ưu ái, các đại thần cũng đánh giá rất cao. Một kẻ kiêu ngạo như hắn, dù không ưa Hưng Đạo Vương nhưng cũng kính trọng lão mấy phần, nhất là sau lần so kiếm đó.

Hắn cũng uống rất nhiều, trong lúc say hắn đã nói tôi là người bạn mà hắn trân trọng nhất vì tôi rất giản đơn. Mà, lão già lại là một người hắn không hiểu được, hắn sợ tôi không hạnh phúc.

Giữa cơn mê mê tỉnh tỉnh, tôi nhớ lão đã bế tôi một quãng rất xa, túc trực ngày đêm, còn trách rất dịu dàng: "Sao lại uống nhiều như vậy?!".

Quán rượu hôm ấy có cả mấy thương nhân từ biên giới mới về, kể chuyện quân Mông Cổ đã dẹp tan Đại Lý của Đoàn Thị ở phía nam, xem chừng muốn bước chân sang Đại Việt, không khéo phải tính chuyện mang gia quyến đi lánh nạn. Quang Khải tức giận quát một trận, dọa họ chạy mất trong khi rượu thịt còn ngổn ngang. Trong lòng tôi cứ sợ lỡ như có giặc thì lão phải xuất chinh. Hình như tôi đã nắm tay lão rất chặt, còn vừa khóc vừa nói mớ: "tiên sinh đừng ra trận". Tôi nghe tiếng lão cười hiền: "Ta là quan văn, ra trận thì giúp được gì?".

Người nói dối, chính Quang Khải còn bảo nếu hôm ấy cả hai dùng hết sức chưa chắc hắn đã thắng được người.

Có tiếng chim hót ríu rít ngoài sân và mùi cá nướng thơm lừng, trời đã về chiều. Tôi ngồi dậy nhìn tay chân mình một lượt, thật may đã hết rộp da rồi, chắc nhờ mấy bát canh rau má mà lão cố dỗ dành tôi uống, "ngoan nào, uống hết đi, ta sẽ không phạt em chuyện say rượu nữa".

Tôi thay một bộ áo trắng được xếp sẵn trong tủ, rửa mặt sạch sẽ, chải tóc gọn gàng, véo má mấy cái cho ửng hồng tươi tắn rồi bước ra ngoài. Hôm nay trời đẹp, gió thổi hiu hiu làm rơi một đóa mộc lan, tôi cài lên tóc, mấy hôm nay chắc là bộ dạng của tôi chẳng ra gì.

- Cô Phong, khỏe chưa mà ra đây, ngoài này gió lắm!

- Chị Hạnh, sao chị lại ở đây?! – Tôi ngạc nhiên nhìn người thị nữ thân cận của chị mình đang đột ngột xuất hiện ở phủ Tiết độ sứ. – Chị cả đến rồi sao?!

Chị Hạnh gật đầu, cười rất tươi:

- Vừa mới đến sáng nay thôi, đang ở thư phòng nói chuyện với cậu cả, cô đến đó đi, tôi sẽ mang ít mứt hạt sen vào.

Tôi đi đã mấy tháng rồi, chắc là chị lo cho tôi lắm. Từ lâu tôi đã xem chị là ruột thịt vì dù chị chẳng hay ngọt ngào, cũng chẳng chiều chuộng tôi như lão nhưng chưa bao giờ để tôi thiếu thốn một thứ gì. Có lão ở đó chắc chị sẽ chẳng mắng tôi đâu. Nghĩ thế, tôi hăm hở đến thư phòng.

- Sao ngài lại để Phong đi cùng Trần Quang Khải?! – Cửa thư phòng không đóng kín, tôi nghe tiếng chị vọng ra, bước chân liền sững lại.

- Chiêu Minh là người tử tế, hai đứa lại rất quý mến nhau, nàng không cần lo lắng. – Giọng lão đều đều.

- Ta vừa đến đây đã thấy con bé nằm trên giường bệnh, ngài lại bảo ta đừng lo lắng?! Tên Chiêu Minh Vương đó dù tốt thế nào cũng là người Tức Mặc, ngài lại để nó kết giao. Ngài nuông chiều con bé đến hư rồi. – Chị tôi luôn ôn hòa điềm đạm, không hiểu sao hôm nay lại ít nhiều gay gắt.

- Nó hư hay không, ta chịu trách nhiệm mà.

Đứng bên ngoài, tôi cười tít mắt.

- Ngài không định tìm cho nó một nơi tử tế sao? Cứ theo ngài chạy đông chạy tây, giờ còn chơi với một tên con trai khác cả ngày, nơi nào dám hỏi?!

- Ta nuôi nó cả đời. – Lão vô cùng kiên định.

- Vậy ngài đợi đến khi nó mấy tuổi thì nạp thiếp?! – Chị tôi rất thản nhiên.

- Đủ rồi đấy.

Chị tôi không hiểu rằng câu trả lời trong lòng tôi và lão vốn đã có từ khi chúng tôi gặp nhau rồi.

Trong phòng không có thêm âm thanh gì, mãi mới nghe chị lại cất tiếng, có phần dịu dàng hơn trước:

- Ta nói thật lòng, nếu ngài thực sự muốn cưới Phong...

- Im miệng. – Có tiếng chén trà bị đặt mạnh lên bàn. Chắc chị tôi cũng rất bất ngờ vì chưa bao giờ lão nặng lời như thế. – Nàng đang xúc phạm cả ta và Phong đấy, biết không?!

Căn phòng lại rơi vào im lặng. Tôi định rời đi thì nghe giọng lão:

- Phong muốn lấy chồng, ta sẽ chọn cho nó nơi tốt nhất. Nó muốn cứ như vậy ở bên ta, ta sẽ bảo bọc nó suốt đời. Ta không thể lấy nó làm vợ, cũng không muốn lấy.

Đúng vậy. Đây chính là những gì chân thành nhất mà lão cho tôi, cũng như tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ lấy lão làm chồng. Chúng tôi cứ như thế bên nhau năm năm tháng tháng đến lúc cả hai không còn trên đời nữa chẳng được sao?!

- Ngài muốn tu hành thực sự hay vì không thể bước qua mặc cảm?! – Tiếng chị bỗng nhẹ như cơn gió.

- Đều chẳng liên quan.

- Vương gia, tuy chúng ta là vợ chồng hữu danh vô thực, ta không nên can thiệp vào việc của ngài, nhưng ta coi Phong như em ruột, ngài cứ để nó dang dở như vậy rồi có hối hận không?!

Tôi nghe tiếng lão cười rất khẽ:

- Nàng hiểu ta được bao nhiêu, lại hiểu Phong được bao nhiêu?!

Tôi dựa vào tường, cúi mặt, mấy lọn tóc rũ xuống che nụ cười mỉm, hương mộc lan thoang thoảng quanh người.

- Ngài nói muốn Phong sống như một cô gái bình thường, nữ nhi không lập gia thất có được xem là bình thường không?! Ngài không sợ sẽ có người hoài nghi thân phận cô em vợ ở mãi trong phủ Hưng Ninh Vương mà chẳng chịu lấy chồng?!

Mãi lâu sau, tôi mới nghe lão đáp:

- Việc này... để khi Phong lớn lên rồi mới tính.

Thế nào là mặc cảm, thế nào là thân phận?! Tôi không hiểu những điều này. Chỉ biết mình hiểu rõ suy nghĩ trong lòng lão nên chẳng có gì phải buồn phiền. Ừ, việc sau này để sau này mới tính.

Tôi đứng thẳng người, định trở về phòng thì chị Hạnh mang một đĩa mứt to đi đến:

- Cô Phong sao còn đứng ngoài này?!

Cửa phòng bật mở, chị tôi thảng thốt:

- Phong, em đến bao giờ?!

Tôi quay lại, gật đầu với chị rồi quay sang nhìn lão. Ánh nhìn của lão chợt sâu hun hút:

- Còn đau chỗ nào không?!

Tôi lắc lắc đầu.

Lão bước đến gần, định chạm lên đóa mộc lan tôi cài trên tóc. Tôi liền giật lùi, nhanh tay gỡ xuống, giấu sau lưng, cười cười nhìn lão.

Lão không chọc tôi hôm nay võ vẽ tập làm thiếu nữ, cũng không khen tôi đã dễ coi hơn bộ dạng bị rộp da hôm trước, chỉ một tia ngỡ ngàng thoáng hiện trong đáy mắt rồi lại tắt ngay.

- Lần sau dù muốn bằng hữu vui lòng cũng không được ngốc như thế nữa. – Lão đưa tay vuốt tóc tôi.

- Em xin lỗi.

Lão cười nhẹ, tôi cũng mỉm cười, đầu cúi thấp. Ánh ráng chiều chiếu lên vạt áo lam của lão một màu nhàn nhạt, yên bình. Chúng tôi cứ đứng ở đó rất lâu. Đóa mộc lan sau lưng tôi bị vò nát rồi thả bay đi.

Phải chi có thể như thế này mãi mãi, chẳng cần khôn lớn...!

Ca dao:

"Tóc mai sợi vắn sợi dài

Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm"


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui