Có Phải Là Anh

Nơi hoàng tránh nhất trong trường, có lẽ phải kể đến thư viện. Nghe nói là có nguồn đóng góp lớn từ bên ngoài giúp nhà trường mở rộng thư viện và lấy thêm nhiều sách. Để khuyến khích tinh thần “ham học hỏi” của “những con người tri thức”, nhà trường bắt mỗi học sinh phải làm một cái thẻ thư viện, đóng tiền đặt cọc sòng phẳng. Dù là học sinh chăm học hạng A đến loại lên lớp chỉ ngủ như tôi cũng phải có thẻ.
Chẳng biết những học sinh khác có chăm chỉ đến thư viện hay không, nhưng tôi chẳng bao giờ đụng đến thẻ của mình cả. Có khi nó nằm góc nào dưới gầm gường tôi còn chẳng nhớ ra ấy chứ.
Cô thủ thư già đứng tuổi kéo kính xuống, nhìn tôi chằm chằm, cố lục trí nhớ xem đã gặp tôi lần nào chưa. Để cho khỏi nhọc công, tôi giới thiệu luôn:
- Em mới đến đây lần đầu, cô có thể chỉ cho em phòng đọc ở chỗ nào không ạ?
Học sinh trong trường dũng cảm nói mình đến thư viện lần đầu mà không thấy nhột có lẽ chỉ mình tôi. Cô thủ thư nghe xong, hướng ánh mắt lãnh đạm về phía tôi, nói vỏn vẹn có một chữ.
- Tên?
Giờ thì tôi biết mình được chào đón nồng nhiệt cỡ nào rồi.
Xong xuôi mấy thủ tục “khai báo thân phận”, tôi được chỉ về phía gần cuối phòng bên trái. Chỗ nào cũng xếp đầy sách, nhưng cứ cách 2, 3 kệ lại có đặt bàn để ngồi đọc. Cuối phòng là một hàng những chiếc bàn xếp cách nhau một khoảng làm lối đi. Và ở chiếc bàn trong góc có người đang gục đầu mệt mỏi lên cuốn sách dày cộp. Chiếc kính gọng kim loại đặt sang một bên.
Tôi định lên tiếng gọi Nguyên, nhưng cuối cùng lại im lặng tiến lại.
Dưới chút nắng sớm còn sót lại, mái tóc màu nâu hạt dẻ ánh lên sắc tim tím lạ mắt. Mấy cọng tóc không vào nếp lay động khi có làn gió nhẹ lướt qua. Tôi vô tình đưa tay lên, chạm vào.
Ngay lúc đầu ngón tay của tôi chạm vào sợi tóc, Nguyên giơ tay nắm chặt tay tôi mà không cần ngẩng lên. Tôi ngẩng người, chẳng hiểu anh ta biết mình đến từ lúc nào.
- Định giở trò gì hả?
Anh ta nhìn tôi với đôi mắt ngái ngủ. Cái kiểu nheo mắt nhìn người đối diện ấy lại khiến cho khuôn mặt trở nên lãng tử.
- Tôi có giở trò gì đâu? Là do đầu óc của anh đen tối nên nghĩ ai cũng như mình.
Tôi mở miệng chữa ngượng, quên mất là “bàn tay chứng cứ” còn chưa kịp thu về. Đôi đồng tử của Nguyên giãn ra. Anh khẽ mỉm cười hiền từ, nói với tôi bằng giọng quan tâm như.. ba dành cho con gái.
- Hôm nay học đàng hoàng chứ?
- Đường nhiên, tôi đâu có lên trường để ngủ như…
Chồng sách cao ngất đập vào mắt trong cái liếc mắt sang bên khiến tôi chẳng thể tiếp tục câu nói. Chẳng lẽ đây là số sách mà Nguyên định đọc? Còn cái chồng cao phân nửa bên cạnh là những cuốn mà anh đã nghiên cứu trong vòng một buổi sáng?
- Ah – phát hiện ra thứ tôi đang chú mục vào, anh chỉ dùng tay đẩy dám sách qua một bên cho khỏi vướng – đừng để ý mấy thứ này.
- Anh đọc sách gì vậy? – tôi tò mò hỏi.
- Em nhìn là biết rồi.
Anh ta nói cứ như thể tôi đọc được mấy dòng chữ không-phải-là-tiếng-phổ-thông kia ấy. Ngại nói ra là mình cực kì dốt anh văn, tôi đành làm bộ ra vẻ không quan tâm.
- Anh có đọc gì cũng không liên quan đến tôi.
Để ý thấy cánh tay Nguyên để trên bàn hơi không tự nhiên, tôi mới phát hiện ra anh đang giấu một tờ giấy trên bàn. Động tác gạt chồng sách lúc nãy cũng chỉ là tiểu xảo để phân tán sự chú ý mà thôi. Tôi nheo mắt, cố nhìn phần lòi ra của tờ giấy.
Đó là một bảng thống kê, hay đúng hơn là bảng điểm. Nhìn thấy cột cuối cùng toàn đánh dấu chéo và kết thúc bằng hai chữ “Không đạt”, tôi mới ngớ người. Bảng điểm độc nhất vô nhị đó chẳng phải của tôi đó sao? Chỉ có tôi mới dám cúp học thể dục, từ chối các bài kiểm tra và thản nhiên nhận mức xếp loại thấp nhất.
Thấy tôi im lặng hồi lâu không nói gì, Nguyên ngước lên, hiểu ra tôi đã thấy tờ giấy mà anh cố giấu. Ngay lập tức, anh ta gấp tờ giấy làm tư, kẹp vào phần sau cuốn sách đang đọc.
- Anh… anh đang điều tra gì tôi đấy à?
- Em bảo tôi điều tra em… thông qua cái bảng điểm không đạt yêu cầu này sao?
- Dù nó có không đạt yêu cầu thì cũng là của cá nhân tôi. Trừ ba má ra, ngay cả Quân tôi cũng không cho xem.
- Nhưng tôi thì khác – Nguyên nói, nở nụ cười đầy tự tin trong khi mặt tôi nhăn nhó như khỉ ăn ớt.
- Em có biết là với mức học này, năm cuối của em sẽ rất thê thảm không?
- Thì sao? Tôi vốn chẳng có dự định cho tương lai, mà cũng chẳng có tương lai nào đang chờ đón tôi.
Khi nói câu này ra, giọng đanh đá của tôi bỗng trầm hẳn. Một nỗi buồn không tên xâm chiếm trong lòng.
Nguyên hít vào một hơi thật sâu. Anh chắp tay đặt ngay trán, chống khuỷu tay lên bàn, mắt hơi nhìn xuống ra chiều suy nghĩ. Cuối cùng anh ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt tôi.
- Hãy bỏ ngay suy nghĩ đó đi. Ai cũng có quyền lựa chọn tương lai ình. Nếu em không tin, tôi sẽ chỉ ra tương lai cho em.
Nụ cười mỉa mai trên môi tôi dần biến mất.
- Tôi không tin.
- Rồi em sẽ phải tin.
Tôi nhíu mày. Con người phàm tục trước mặt lấy đâu ra sự tự tin đến vậy? Anh ta có tiền bạc, có thể có chút vị thế xã hội, nhưng liệu có tranh quyền với tạo hóa được?
Kéo chiếc ghế đối diện, tôi ngồi khoanh chân theo cách thoải mái nhất, mặt quay về phía cửa sổ, cố để cho cảm giác mát lạnh của cơn gió mơn trớn bên má khiến mình quên đi những suy nghĩ hiện tại. Nguyên không nói gì, nhưng đôi mắt anh hình như chưa rời khỏi tôi.
- Không phải anh gọi tôi đến đây để nói mấy chuyện này chứ? – tôi hỏi mà không quay lại.
Bỗng nhiên Nguyên chồm dậy, nghiêng hẳn mình qua bàn về phía tôi. Hành động bất ngờ không xác định của anh ta khiến tôi giật mình suýt ngã khỏi ghế. May mà kịp bám lấy tay vịn, tôi quay lại nhìn anh ta đầy cảnh giác, một tay áp trước ngực.
Ai ngờ Nguyên vươn tay ra khiến tôi bất thần hét lên:
- Khỉ gió, anh định làm gì vậy?
Nói câu này ra, mắt tôi đồng thời cũng nhắm tịt. Chẳng biết Nguyên có ý định gì, nhưng anh ta không hề chạm đến tôi, nhưng lon nước trong tay tôi lại bị kéo tuột ra. Lúc mở mắt, Nguyên đã khui lon nước, thản nhiên uống. Khóe miệng anh ta xuất hiện nụ cười không giấu diếm.
Mặt tôi đỏ bừng lên. Anh ta chỉ đơn giản là lấy lon nước, mà tôi lại nghĩ ra đủ thứ chuyện linh tinh trong đầu.
- Chà! Em cũng thật là tâm lí, sao biết tôi thích vị chanh vậy?

- Ai mua cho anh. Là của một thằng nhóc cho tôi thôi?
- Con trai? – Nguyên nheo mắt, hỏi lại tôi như không nghe rõ.
- Thằng nhóc không phải con trai thì là con gì?
- Em dụ dỗ mấy bé trai mới lớn à?
- Anh… Dám nói tôi như thế sao?
- Chứ dựa vào hình thức bên ngoài, anh không nghĩ em thu hút được ai.
Hơ hơ, lần đầu có người dội nước thẳng vào mặt tôi như vậy, mà lại là nước đá mới đau chứ. Tôi trông thế nào, trước giờ không quan tâm mấy. Cứ nghĩ chỉ có mấy đứa con gái thích chải chuốt mới quan tâm mình thế nào trong mắt con trai, ai dè câu nói thản nhiên nửa đùa nửa thật của Nguyên lại khiến tôi thấy khó chịu.
Đúng hơn là thấy chạnh lòng!
Khóe môi giật giật, tôi cố kìm nén cơn tức trong lòng, cười như ban ơn trước lời nhận xét vô cảm của “con trẻ”, nhưng thật ra trong lòng đang chảy máu.
- Anh nghĩ sao cũng được, tôi hoàn toàn không để ý.
- Nhưng “anh” để ý - Nguyên nói, mắt không rời khỏi cuốn sách – thế nên đừng có dụ dỗ người ta, mà cũng để ai dụ dỗ mình.
- Hoàn toàn không quan tâm – tôi đưa mắt về phía ngoài, chứng minh những lời nói của anh ta đối với tôi chỉ như gió thoảng qua cầu.
- Chỉ được để mình tôi dụ dỗ em thôi.
- Hoàn toàn… Hả??
Tôi quay sang Nguyên, chỉ thiếu điều nổ tung lỗ tai vì nghĩ mình nghe nhầm. Chưa để cho tôi kịp la ó phản đối, anh ta đã chìa tay ra:
- Đưa điện thoại đây?
- Tại sao tôi phải đưa? – tôi lùi lại.
- Có đưa không thì bảo?
Nguyên không thèm trả lời tôi, ra lệnh bằng giọng cứng nhắc. Nhưng tôi cũng không vừa.
- Nhà trường cấm đem điện thoại.
- Thế cái gì kia?
Nguyên chỉ tay về phía túi quần bên trái của tôi, nơi móc khóa hình vịt Momo đang đung đưa. Tôi vừa nhìn xuống, anh ta liền nhanh tay giật điện thoại trong túi quần ra, thản nhiên bấm số. Trước khi Nguyên kịp bấm nút gọi, tôi đã nhanh chóng giật điện thoại lại.
- Hứ, tưởng tôi để cho anh quản lí đời sống cá nhân của mình dễ vậy sao? Đừng mơ.
Lè lưỡi trêu ngươi, tôi vừa chạy giật lùi vừa làm động tác hài. Nguyên không đuổi theo, chỉ khẽ rít qua kẽ răng:
- Không nghe lời đừng trách tôi độc ác.
Tôi chạy ra khỏi thư viện nhanh nhất có thể để ánh mắt khó chịu của những con người chăm học cần sự yên tĩnh không đeo bám mình. Trước đó tôi còn kịp thấy cái thở dài đầy tiếc nuối khi đã để cho tôi vào nên ngay vừa bước qua ngưỡng cửa, tôi đóng cánh cửa kính sau lưng lại luôn.
Điện thoại trong tay tôi vẫn còn nguyên một hàng 10 con số khá dễ nhớ, mà nếu tôi không nhầm thì đó là số của Nguyên. Đắn đo trong giây lát, tôi quyết định lưu số điện thoại này lại. Không cho anh ta số của tôi, nhưng nếu tôi có số của anh ta cũng không đến nỗi tệ, Biết đâu nhờ nó mà tôi lại nghĩ ra được trò trả thù hay ho nào đó thì sao.
Mãn nguyện với ý nghĩ của chính, tôi mỉm cười ngước lên, và đứng hình. Trước mặt tôi, ông thầy chủ nhiệm đã đứng từ lúc nào, cũng cười đáp lại mãn nguyện không kém, mắt từ từ chuyển xuống chiếc điện thoại chưa kịp cất trên tay tôi.
- Hơ…, thầy…
Tôi lùi lại, nhưng không đủ nhanh. “Cao thủ” chụp cái điện thoại trên tay tôi, nhanh chóng nhét vào túi áo sơ mi của mình.
- Biết nói sao đây. Người ta nói trong cái rủi có cái may. Đúng lúc tôi vừa làm rơi điện thoại xuống nước thì em lại tự nguyện cống nạp.
Thích thú nhìn khuôn mặt tức đến không thốt được câu nào, ông thầy thản nhiên bỏ đi.
** **** ***
Bọn con trai lớp 10 đang tran giành nhau quả bóng màu vàng. Người xem đứng tụ tập quanh sân tạo thành một đám hỗn độn, từ ngoài nhìn vào hay từ trong nhìn ra đều không thể thấy gì. Thế mà Thiên Phú chỉ cần một cú nhón chân thả banh vào lưới là đã tia thấy tôi đang bước qua sân trường.
- Chị gái.
Nó cười hớn hở, vẫy tay với tôi. Những con mắt của người xem bóng chuyển sang tôi một cách hiếu kì, sau đó là dò xét, rồi bỉ bai… đủ cả. Tôi đơn giản là ngẩng cao đầu đi tiếp, không có lấy một cử chỉ đáp lại với thằng nhóc. Khi người ta đang điên thì không thể nghĩ gì khác ngoài trả thù.
Thấy tôi lơ đẹp, Phú gãi đầu khó hiểu rồi tách đám đông chạy theo. Nó đập lên vai tôi một phát đau điếng lúc tới gần:
- Chị bị sao thế? Không nghe thấy em gọi sao.
- Có – tôi trả lời cộc lốc – nhưng sao?
Thằng nhóc nhìn tôi như thể “người rừng cấp độ 1”. Nó đặt hai tay lên vai, cốt để cho tôi chú ý vào cuộc đối thoại.
- Có thì phải đáp lại, hoặc cười, hoặc vẫy tay.
Tôi nhìn nó với bộ mặt khinh khỉnh.
- Chị cười cho em xem thử.
- Không.
Tôi gạt tay nó sang một bên, nhưng không được.
- Cười đi nào.

Nó nói như ra lệnh hơn là cầu xin. Tôi nhìn nó chằm chằm hằn học, nó cũng đáp lại bằng ánh mắt chăm chú không kém. Cuối cùng, tôi nhấc một chân lên.
- Ái.
Thiên Phú bị tôi đạp một phát đau điếng, nhảy dựng lên trước con mắt xuýt xoa đầy thương cảm của những em gái lớp dưới nãy giờ không bỏ sót bất kì chi tiết nào của cuộc đối thoại.
- Cho chừa cái thói láo lếu. Dám ra lệnh cho chị à?
Tôi bỏ đi thằng, nhưng thằng nhóc đã chụp được vai.
- Em không đùa nữa. Chị đang bực mình gì thế? Nói cho em nghe xem nào?
- Tôi vừa bị thu điện thoại, được chưa.
- Khục!
Nó nhìn như thể tôi vừa phát ngôn điều gì điên loạn lắm. Thực tình tôi chỉ muốn đập cho nó một phát. Nhưng thôi, ta không thèm chấp trẻ con chưa hiểu chuyện.
Đẩy nó qua một bên, tôi hậm hực bước về lớp. Phú không đuổi theo nữa, nhưng giọng nó oang oang:
- Em đòi về cho chị là được chứ gì!
Hừ, cứ thử đòi mà xem. Tôi và ông thầy chủ nhiệm không đội trời chung. Cái gì đã bị ông thầy này thu, thì tôi vô phương lấy lại.
Càng nghĩ càng thấy số mình sao mà con rệp!
- Cứ tưởng Nguyên giở trò gì chứ, ai dè…
Phú khoái chí nhìn theo bóng An Nhiên khuất sau dãy lớp học. Cậu quay lưng, ném quả bóng về phía sân:
- Cứ tiếp tục đi, tao có việc phải làm rồi.
…..
- Cốc cốc.
Ông thầy giám thị nhướn mày. Cái kiểu gõ cửa lịch sự kia không phải của An Nhiên – người mà có thể bất tử đạp cửa xông vào phòng Giáo Vụ bất cứ lúc nào. Hôm nay chưa thấy cô cháu yêu quý đến quấy rầy, thật là chuyện lạ.
- Mời vào.
Một cậu học sinh da trắng, dáng người dong dỏng cao bước vào. Mới đầu cứ tưởng là con gái, nhưng nhìn lại hóa ra là con trai.
- Em là Thiên Phú lớp 10A3 – cậu nhóc nở nụ cười dễ mến – em đến nhờ thầy có chút việc.
- Ừm, chuyện gì?
Lớp 10A3 nghe nói cũng có học sinh mới chuyển đến, nhưng không thông báo nên học sinh trong trường ít người biết. Vừa nghe giới thiệu trên, ông thầy giám thị với tay lấy chồng hồ sơ mới nhập học, tìm cái tên Thiên Phú.
- Hình như tất cả điện thoại thu được của học sinh đều để hết ở đây phải không?
- Đúng rồi.
Ông thầy đã tìm thấy tập hồ sơ đề tên Thiên Phú, bắt đầu lật ra.
- Em muốn xin lại điện thoại của An Nhiên – chắc thầy biết An Nhiên học lớp 11A3 chứ?
- Ah!
Giám thị kêu lên đầy ngạc nhiên, không phải vì cái tên An Nhiên, mà là vì những gì vừa đọc trong hồ sơ. Không tin vào mắt mình, ông ngẩng phắt lên, nhìn học sinh đứng đối diện mình chằm chằm.
- Thiên Phú?
- Dạ.
- Nhưng trong đây rõ ràng ghi là…
Không để cho ông thầy nói hết câu, Phú đã bước lại, gập nhanh tập hồ sơ lại, tay kia đặt lên môi, mỉm cười bí hiểm.
- Chắc thầy Hiệu trưởng chưa kịp thông báo cho các giáo viên. Thầy giữ bí mật này giùm em được không?
- Ah ừm, nếu đã là lệnh hiệu trưởng thì… tất nhiên thôi.
Vầng trán giãn ra, Phú lùi lại, nhún một bên vai.
- Cho em xin lại điện thoại.
****
Ông thầy giám thị thẫn thờ ngồi xuống. Chẳng hiểu có chuyện gì mà dạo này bọn học sinh ngày càng ghê gớm, cái gì cũng có quyền của Hiệu trưởng xen vào, khiến Giám thị có mà cũn như không.
Thiên Phú chuyển trường chỉ sau Bình Nguyên có hai ngày, mà còn bí mật hơn. Liệu hai đứa này có quan hệ gì không?
Tò mò, ông thầy giở tập hồ sơ của Nguyên và Phú ra đối chiếu, và không khỏi ngạc nhiên.
****
Thiên Phú bước ra khỏi phòng giáo vụ, vừa đi vừa tung tẩy điện thoại trên tay. Lúc về đến lớp thì chuông hết giờ reo. Cậu xách cặp, ba chân bốn cẳng chạy về phía lớp 11.

An Nhiên bình thường đi học trễ, về trễ. Nhưng nếu không là người cuối cùng ra khỏi trường, nhất định sẽ nằm trong tốp đầu bước ra cổng.
Lúc Phú phát hiện ra điều này thì cô nàng đang điềm nhiên chọc tức mấy đứa trực cổng trước khi ù té chạy. Thở dài, Phú đành co giò chạy theo. Lúc cậu định lên tiếng gọi thì nhận ra cô nàng đã bắt xe bus số 7 thay vì 15 như thường lệ. Xe bus số 15 về nhà, còn số 7 lại đi hướng ngược lại.
Không để chậm giây nào, cậu nhảy phóc lên xe bus trước khi cánh cửa kịp đóng lại, chọn chỗ đứng ngay phía trước, mắt dõi tìm An Nhiên. Cô ngồi ở hàng gần cuối, đang nhìn lơ đãng ra bên ngoài, hoàn toàn không biết có kẻ vừa theo mình lên xe.
Thiên Phú kéo chiếc mũ lưỡi trai màu đen xuống che quá nửa khuôn mặt, miệng khẽ nở nụ cười ma quoái.
Cả đời tôi ghét nhất là vào bệnh viện.
Nhưng tôi đến bệnh viện còn nhiều hơn những lần lang thang quán này xá nọ.
Mùi nước lau rửa, thuốc sát trùng, “mùi người bệnh”, mùi đồ ăn trong cà mèn quyện với tinh dầu trái cây và phảng phất hơi sữa mới pha tạo ra cái mùi bệnh viện rất đặc trưng. Tôi dị ứng với cái mùi này, đến nỗi chỉ cần thấy cái tòa nhà màu trắng điểm lỗ sâu hun hút của những khung cửa sổ từ xa, tôi đã thấy bụng mình chộn rộn biểu tình.
Tôi biết, mình cần phải quen với điều này, vì trước sau gì, tôi cũng phải gắn bó với nó.
Việc đứa học sinh hôm nào được về sớm đều ghé bệnh viện, ngó nghiêng góc này chỗ kia đã không còn lạ với các bác sĩ và y tá ở đây. Tôi ghét cái nụ cười đầy trìu mến và thông cảm của họ. Nó khiến tôi nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết bờ vực mà mình đang đứng cạnh lúc này.
- Nhiên này!
Chị y tá mà tôi vừa lướt qua chợt lên tiếng gọi. Tôi quay lại ngay lập tức, nở nụ cười chào xã giao.
- Em đến thăm bệnh phải không? Hình như gia đình mới yêu cầu bác sĩ chuyển phòng…
Theo lời hướng dẫn của chị y tá, tôi phải đi sâu hơn vào phía bên tỏng bệnh viện, qua một cái khuôn viên trồng toàn hoa bách hợp. Đây là một khu biệt lập dành riêng cho những bệnh nhân nằm viện lâu dài.
Hay đúng hơn là những bệnh nhân không có khả năng chữa khỏi.
Nghĩ đến việc một cong người đã từng khỏe mạnh, đi lại, vui cười, giờ phải bó hẹp mình trong cái không gian luẩn quẩn này, tôi cảm thấy gai người. Cuộc sống ở đây chẳng khác nào cây non bị cướp đi sức nảy mầm.
Nói như thế không phải đây là một nơi vô vọng. Đâu đó những hạt giống vẫn nhú mầm, chỉ tiếc là nó quá yếu ớt, đến nỗi đôi khi người ta không cảm nhận được.
** *** **
Phú dõi theo bóng An Nhiên khuất dần sau bức tường bệnh viện. Cậu thở dài, lại chụp cái mũ lưỡi trai lên đầu, giấu đôi mắt đăm chiêu của mình sau vành mũ.
Dù rất tò mò muốn vào, nhưng cậu nghĩ bây giờ chưa phải lúc. Bí mật phải từ từ khám phá thì mới hấp dẫn.
** *** **
Căn phòng tôi được chỉ đến nằm gần cuối dãy, nơi trông ra đài phun nước có trồng hoa mười giờ xung quanh. Không gian ở đây đặc biệt yên tĩnh, mà tôi đoán, sẽ hoàn toàn ảm đạm khi về chiều.
Tôi hít một hơi thật sâu trước khi gõ cửa. Không có giọng nói hay bất cứ tiếng động nào trả lời, tôi biết chắc chẳng có ai đang thăm bệnh ở trong đó nên đẩy cửa bước vào.
Vẫn những đồ dùng quen thuộc, nhưng căn phòng đã được bài trí lại cho phù hợp với một người ở. Phòng đơn riêng tư nhưng dễ tạo cảm giác cô độc. Ít ra thì nước sơn trên tường cũng sáng hơn, làm cho căn phòng rực lên mỗi khi nắng chiếu vào. Và kia, nơi chiếc giường bệnh kê gần khung cửa sổ là thiên thần của tôi đang say ngủ. Chị nghiêng đầu như đang tựa vào bờ vai ai đó, khuôn miệng như mỉm cười.
Tất cả có lẽ chỉ do tôi tưởng tượng ra. Gia Vỹ chỉ đơn giản là nằm đấy, chìm trong trạng thái vô thức. Vẫn tư thế nằm ấy, đôi mắt khép chặt ấy.
Đã hơn một năm trôi qua rồi mà chị vẫn chưa thoát ra khỏi giấc mơ của mình.
Tôi bước lại chỗ cửa sổ, kéo bớt tấm rèm màu lam nhạt để nắng vào phòng vừa phải. Xong, tôi kéo chiếc ghế nhựa bên cạnh, ngồi xuống lặng lẽ ngắm nhìn khuôn mặt xinh đẹp của người đang “ngủ”.
Dù có hôn mê nằm liệt giường, Gia Vỹ đối với tôi lúc nào cũng sống động. Đôi khi tôi còn cảm giác như ra chị đang lắng nghe mình nói, và khẽ mỉm cười trong lòng.
Đối với tôi, chị vẫn sống trong cái vỏ bọc vô thần.
Tôi lần tìm tay Gia Vỹ - bàn tay chỉ đọng lại chút hơi ấm con người – khẽ siết chặt.
- Chị có nhớ em không? Em tệ quá, lâu như thế mới đến thăm chị…
Như mọi lần, tôi chờ sự đáp lại từ chị, nhưng bàn tay gầy xương ấy vẫn nằm im trong lòng bàn tay của tôi.
Đức Phật có câu: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, giờ tôi mới thực sự hiểu. Ôm trong mình bí mật lớn đến như vậy, cứ nghĩ đó là cách tự bảo vệ mình, bảo vệ những người mình yêu quý. Nhưng thực tế, tôi đã vô tình làm hại mình, để bản thân cuốn vào những tháng ngày đau khổ.
Nguyên không phải là tác nhân chính, nhưng là người góp phần không nhỏ khiến cho cuộc sống của tôi thêm phần điêu đứng. Những gì Nguyên biết về tôi, và về Gia Vỹ đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất trong những giấc mơ của tôi.
Tôi ngắm khuôn mặt thanh thoát của Gia Vỹ, tự hỏi nếu không phải bó buộc mình trong căn phòng chật hẹp này thì chị sẽ làm gì giờ này? Có thể chị đang trải qua lứa tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình, làm công việc mình yêu thích, có thể chị đã kết hôn...
Về chuyện kết hôn, tôi không chắc nếu điều đó xảy ra, liệu chị có hạnh phúc.
Vì Đăng Khôi thực sự là một tên khốn.
Tôi còn nhớ ngày thứ 7 chói chang hôm ấy…
Ngồi trong phòng máy lạnh mà tôi vẫn cảm nhận rõ cái hơi nóng hầm hầm bên ngoài trời qua một lớp cửa kính cách nhiệt. Thời tiết khắc nghiệt khiến chẳng ai muốn rời xa phòng máy lạnh để bị hâm nóng.
Vậy mà, dưới bầu trời oi bức, có một cô gái đang kiên nhẫn chờ người yêu.
Gia Vỹ lúc nào cũng đến sớm trong các buổi hẹn, vì chị không muốn để bất cứ ai phải chờ đợi mình. Chị thích gặm nhấm thời gian bằng những suy nghĩ trong lúc chờ đợi, vì chị tin rằng những suy nghĩ khi con người thực sự mong mỏi ai đó là chân thực nhất.
Hôm đó là ngày vui đặc biệt của Gia Vỹ. Chị thậm chí còn gọi điện cho tôi, bày tỏ nỗi háo hức khi chuẩn bị thông báo tin vui với người mình yêu.
Tiếc là chị đã không kịp thực hiện điều mong mỏi của mình. Anh ta đã đến muộn ngày hôm đó.
Tôi không hay biết điều này. Gia Vỹ không đời nào gọi điện than phiền với tôi về chuyện bạn trai, vì chị biết tôi sẽ lại trách mắng Đăng Khôi. Chị luôn dành cho anh ta một tình yêu kiên nhẫn đến nỗi kẻ người ngoài như tôi luôn cảm thấy bực mình.
Ngày hôm ấy không nhiều bài vở. Tôi kết thúc tiết học sớm hơn thường lệ, đón nhận một buổi chiều thảnh thơi vui vẻ. Trời về chiều, nắng tắt khiến ọi thứ trở nên dịu dàng. Không phải ngẫu nhiên mà tôi thấy yêu đời khi trên đường bắt gặp những đứa trẻ chơi đùa với cụ già neo đơn hay ngồi ở chiếc ghế đá công viên. Ngay cả khi dừng ở ngã tư, nghe loáng thoáng chuyện có cô gái liều mình lao ra đường cứu đứa nhỏ khỏi chiếc ô tô tải, tôi cũng nghĩ là bình thường, chỉ vì ngày hôm nay quá đẹp. Đẹp đến nỗi mọi việc tốt đều có thể xảy ra.
Nhưng khi nghe người ta gọi cô gái ấy bằng cái tên cô bé đội mũ phớt màu hồng, tôi đã khựng lại, ngập ngừng vài giây trước khi đứng im như pho tượng ngay cột đèn giao thông.
Ngày sinh nhật lần thứ 20 của Gia Vỹ, tôi cũng tặng chị một chiếc mũ phớt màu hồng.
Tôi nhìn sang bên kia đường, nơi có con hẻm dẫn vào nhà Gia Vỹ, rồi lại nhìn xuống chỗ của mình, nơi chị hay chờ Khôi đến…
Đám đông vẫn chưa giải tán, tôi chạy vội đến trong trạng thái hoảng loạn, cố không để mình quá xúc động. Nhưng khi tách đám đông và nhận ra cô gái với mái tóc xoăn dài đang nằm bất động, những giọt nước mắt tuôn dài. Máu rịn ra nhuộm màu tóc nâu đỏ sẫm. Bên cạnh Gia Vỹ là chiếc mũ phớt hồng nằm lăn lóc.
Tôi quỳ xuống, nức nở gọi tên chị. Nhưng khuôn miệng xinh xắn và mi mắt khép hờ chẳng hề động đậy.
Lúc ấy tôi còn ngây thơ, nghĩ rằng những chuyện bi thương này đời nào xảy đến với mình. Xem phim ảnh nhiều có thể làm tôi liên tưởng nhiều chuyện điên rồ, nhưng thời khắc này, khi mọi thứ còn chưa chắc chắn, tôi nghĩ rằng chị sẽ tỉnh lại. Chỉ cần đến bệnh viện, chỉ cần được bác sĩ khám… Tôi nhìn theo chiếc xe cấp cứu màu trắng bắt đầu lăn bán, tự nhủ với lòng mình rằng chuyện đâu còn có đó.
Tôi đã ngồi chờ ở băng ghế trước phòng cấp cứu lâu đến nỗi hai chân tê dại. Bác sĩ y tá ra vào phòng bệnh liên tục, nhưng họ chẳng để cho tôi được ngó vào dù chỉ một tí. Những câu nói đứt quãng. Người hỏi xúc động, người trả lời nhát gừng. Đến khi vị bác sĩ già bước ra thật sự nói chuyện với tôi thì tôi đã đờ đẫn đến nỗi chỉ nghe được hai chữ “...rất tiếc…” đập vang dội trong đầu. Tôi ngồi xuống băng ghế như người mất trí, đôi mắt vô hồn nhìn về phía trước, trong lòng lại thầm ước mình được quay trở lại cái thời khắc chờ tin lúc nãy, khi còn chưa biết đến nỗi đau mất mát là gì…
Trớ trêu thay, Đăng Khôi lại đến ngay lúc ấy. Vẫn cái bộ dạng hớt hải của người đến trễ. Tôi cá chắc anh ta luôn chuẩn bị sẵn một câu xin lỗi trong đầu vì cái tội quên giờ giấc của mình. Hôm nay anh ta đã gây ra sự đau lòng lớn, nhưng xin lỗi liệu còn có ích gì, khi Gia Vỹ không còn có thể nghe anh ta nói.
Tôi thì đã chuẩn bị sẵn cho anh ta một cái tát – nhưng đó chỉ là cách đó 2ph – còn giờ đây, ngay cả việc nhìn người đối diện thế nào cho không quá khiếm nhã, tôi còn không làm được. Anh ta lay nhẹ tôi, hỏi một câu gì đó. Tôi gật đầu trong trạng thái vô thức, anh ta bỏ đi, vào phòng bệnh. Còn tôi ngồi đấy, vẫn bộ dạng thẫn thờ, nhưng mắt đã nhòe đi…

Gia Vỹ chìm vào hôn mê. Mặc cho cha mẹ, người thân, bạn bè và cả tôi khóc hết nước mắt, chị vẫn không tỉnh lại. Bác sĩ nói chấn động não quá mạnh và máu đông đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nếu chị có tỉnh lại cũng không chắc còn tỉnh táo.
Tôi biết rõ mình suy sụp thế nào sau tai nạn của Gia Vỹ, những không ngờ nó lại ảnh hưởng đến sức khỏe đến vậy. Tỉnh dậy sau cơn ngất ở hành lang bệnh viện ba ngày sau đó, bác sĩ nói bệnh tim của tôi đã chuyển biến xấu. Động mạch bị tắc nghẽn, nhưng lại không thể phẫu thuật bắc cầu động mạnh vành. Nếu không được thay tim ngay lập tức, thời gian còn lại của tôi chẳng còn bao lâu.
Lúc thông báo cho tôi tin này, bác sĩ Hoàng Thế Vĩnh (mãi sau này tôi mới biết tên anh) – người đã bế tôi đi cấp cứu – đề nghị được trao đổi với gia đình, tôi đã ậm ừ rồi tìm cách chuồn ra khỏi phòng bệnh. Tôi không có ý định nói chuyện này ra với gia đình hay bất cứ ai. Ghép tim là điều không thể. Gia đình tôi đâu giàu có đến mức vậy, hơn nữa, đâu phải luôn có người sẵn sàng hiến tim. Nếu cơn đau tim đột tử trước sau gì cũng phải đến thì hãy để mình tôi đau. Tôi không muốn thấy má khóc hết nước mắt, tự trách mình việc nghỉ làm chăm sóc con cái là sai lầm. Tôi không muốn ba phải gồng mình vừa trả nợ cho dự án thất bại năm vừa rồi, vừa kiếm thêm tiền cho tôi chưa bệnh. Tôi cũng không muốn giấc mơ đi du học của Quân tan thành mây khói, càng không chịu nổi ánh mắt thương hại của bạn bè…
Những người yêu tôi sẽ tìm mọi cách để tôi được chưa trị, dù chỉ tạm thời. Nhưng tôi muốn một cái gì đó chắc chắn.
Cho dù là cái chết chắc chắn đang chờ mình phía trước.
Không hiểu những người biết mình chẳng còn sống được bao lâu có giống như tôi: ngày nào cũng đến bệnh viện tâm sự với Gia Vỹ - chỉ mình tôi và chị - rồi lại chắp tay cầu nguyện cho gia đình mình không ai mắc phải căn bệnh quoái ác này. Chỉ mình tôi là đủ rồi. Nội tôi cũng đã mất vì bệnh tim, giờ là tôi. Thêm một người nữa chẳng phải là quá độc ác hay sao.
Chẳng biết Gia Vỹ có hiểu được lòng tôi, nhưng chị luôn là một người nghe kiên nhẫn – trước cũng như sau tai nạn. Tôi tâm sự với chị nhiều đến nỗi lúc bước ra khỏi phòng cổ họng đã khô, nước mắt đã cạn. Thế Vĩnh bắt gặp tôi ba ngày sau cuộc nói chuyện về tin dữ. Tôi không tránh né mà nói thẳng với anh rằng sẽ chẳng có ai biết chuyện bệnh tình của tôi, và mong anh giữ kín. Anh đón nhận chuyện này với vẻ khó chịu của một bác sĩ tận tâm, nhưng rồi cũng khẽ gật đầu: “ Đó là quyền của em, anh không can thiệp và sẽ giữ kín nếu đó là điều em muốn. Nhưng hãy đến bệnh viện kiểm tra thường xuyên để anh được làm tròn nhiệm vụ của một bác sĩ…”
Câu nói ấy là lời dặn mà kẻ nói trước quên sau như tôi nhớ lâu nhất. Tôi đã nhìn anh bằng ánh mắt khác. Nhưng cũng chẳng đi sâu thêm được, vì tôi biết hoàn cảnh của mình lúc này.
Ngoài bạn bè, tôi là người luôn túc trực ở phòng của Gia Vỹ. Tiếp đến là người yêu chị, nhưng cũng chỉ được một thời gian.
Sau ngày xảy ra tai nạn, Khôi đến thăm Gia Vỹ thường xuyên, đều đặn mỗi sáng đúng như một người yêu có trách nhiệm. Thà anh đừng làm thế, cứ từ từ ròi bỏ chị còn hơn giả vờ quan tâm, nhưng ba tháng sau lại thông báo tin mình cưới vợ. Anh ta nói là bị gia đình bắt ép, nhưng tôi biết anh ta thà cưới một cô gái mình không yêu, còn hơn phải chờ đợi người chẳng biết có tỉnh lại.
May là những khi anh ta đến thì tôi phải đi học, chứ nếu gặp mặt, tôi sẽ không kìm được lòng mà mắng chửi anh ta thậm tệ. Nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn mong được cho anh ta một vố thật đau.
Và tôi đã làm được điều ấy, ngay trong lễ cưới của anh ta.
Không phải ngẫu nhiên mà hôm ấy tôi lại chọn cách ăn mặc trang nhã, phong thái bình thản, dịu dàn. Tất cả đều khiến Đăng Khôi nhớ đến Gia Vỹ. Nếu thực sự anh ta có tình cảm với chị, chắc chắn sẽ phải đau lòng. Tôi muốn anh ta phải chịu sự dằn vặt bản thân vì thói ích kỉ của mình, phải chịu đau đớn vì đã rời bỏ Gia Vỹ. Dù chị không tỉnh lại, nhưng cách trốn chạy hèn nhát của anh ta đáng được lên án.
Thực ra không phải Gia Vỹ không tỉnh lại. Ngày thứ 21 trong phòng cấp cứu, chị có khẽ động đậy. Chị mở mắt ngay khi Đăng Khôi vừa rời khỏi, thì thầm điều gì đó khe khẽ với ba má mình, rồi lại chìm vào hôn mê.
Tôi không biết chị đã nói gì cho đến khi má chị hẹn gặp tôi, nói rằng Gia Vỹ muốn tặng cho tôi trái tim, nếu như chị không có khả năng tỉnh lại. Bác sĩ cũng nói chỉ chỉ tổn thương vùng não, còn các bộ phận khác vẫn bình thường. Việc thay tim chắc chắn không có vấn đề gì xảy ra.
Má Gia Vỹ nói điều này ra với tâm trạng u buồn, còn tôi vừa ngạc nhiên vừ đau lòng. Hóa ra những ngày vừa qua chị có nghe tôi nói, nhưng lại không thể lên tiếng đáp lại. Vẫn là chị yêu thương mọi người, luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân.
Tôi nghe xong, chỉ khẽ đứng dậy lắc đầu rồi bỏ chạy.
Tôi không sẵn sàng cho chuyện này, không bao giờ.
Có vẻ như ông trời cũng đồng ý với tôi. Những ngày sau đó, tuy không tỉnh lại lần nào nữa, nhưng đôi khi bàn tay Gia Vỹ lại động đậy. Chị như người ngủ mê, cố thoát khỏi cơn ác mộng của mình nhưng không thể.
Cơn ác mộng này cũng đã kéo dài được một năm.
Tôi tin không có Gia Vỹ, mình vẫn có thể sống tốt với trái tim không bình thường này. Chỉ cần chị tỉnh lại, mọi chuyện lại như xưa.
….
Tôi siết chặt bàn tay Gia Vỹ, cảm thấy khó thở đến nỗi phải cúi xuống, cố hít lấy không khí. Mãi một lúc sau khi nhịp thở trở lại bình thường, tôi mới ngẩng lên, thả tay chị ra, cố mỉm cười yếu ớt.
Tự dưng tôi lại nhớ đến Nguyên. Anh ta chỉ cần nhìn cũng biết ngay tôi bị đau tim, dứt khoát kéo tôi vào phòng y tế. Tôi tự hỏi những gì tôi biết trong cuốn sổ ấy có chút ý nghĩa nào với anh ta, hay chỉ là cái cớ để biến tôi thành kẻ ngoan ngoãn nghe lời.
Tôi rất muốn biết liệu Bình Nguyên có nghĩ tôi là con bé độc ác, cứ suy nghĩ mãi về sự sống và cái chết của mình, bởi nếu tôi được sống thì có một người phải chết đi.
*** *** ***
Lúc tôi rời khỏi phòng, cơn mưa cuối cùng cũng chấm dứt. Thế nhưng bầu trời vẫn phủ một màu xám nhàn nhạt vì ánh mặt trời đã tắt. Tôi xốc lại balo trên vai, nhẹ nhàng đóng cửa phòng lại.
- An Nhiên!
Có tiếng gọi và sau đó là tiếng đế giầy rõ ràng hơn đang tiến lại. Lúc tôi ngẩng lên, nụ cười ngọt lịm đã đón chào tôi.
Nụ cười ngọt lịm! Rõ ràng là chỉ có tôi mới cảm nhận đặc biệt này, từ chàng bác sĩ trẻ tuổi hào hoa duy nhất của khoa tim mạch – Hoàng Thế Vĩnh.
Thấy anh, tâm trạng ủ rũ của tôi như vườn hoa khô cằn bỗng được tưới tắm. tôi chắp hai tay thẳng phía trước, cúi người.
- Em chào anh.
- Cô bé này – Thế Vĩnh cười, không khỏi lúng túng khi những cô y tá đi ngang qua dành cho anh nụ cười đầy ẩn ý – em cứ làm như anh là ông bác già vậy. Đâu cần phải trịnh trọng như thế được.
Tôi nhe răng cười, nhưng không thể che được vết ửng hồng trên má.
- Cũng lâu rồi không thấy em. Hôm nay đến đây để khám định kì à?
Anh hỏi tôi, mắt vẫn dán chặt vào tập bệnh án đã vơi hơi mọi ngày trên tay. Mãi không thấy tôi trả lời, anh mới ngẩng lên. Nhận ra vẻ hơi tổn thương của tôi, anh mới nhìn tôi bằng đôi mắt áy náy.
- À, anh quên mất. Em đến thăm Gia Vĩ phải không.
Tôi gật đầu.
Thế Vĩnh nhìn tôi hồi lâu rồi khẽ thở dài. Anh xoa xoa vầng trán, ra vẻ lo lắng.
- Cũng lâu rồi không thấy em ghé qua làm mấy kiểm tra điện tâm đồ. Em định cứ như thế sao?
- Em cũng không biết nữa – tôi lí nhí, không ngẩng lên nhìn anh. Nếu bắt gặp ánh mắt ấy, tôi sẽ cảm thấy tội lỗi biết chừng nào. Cứ thế này, tôi có thể trốn tránh được thêm một thời gian nữa.
- Anh hiểu cảm giác của em… Nhưng như thế mãi cũng không được đâu. Hết tuần này thôi nhé. Tuần sau ghé qua, anh sẽ khám tổng quát lại cho em luôn.
Tôi gật đầu. Cái gật đầu có thể hiểu nhầm ra hành động khác, nhưng một khi đã mở miệng ra hứa, gánh nặng của lời hứa sẽ luôn đè nặng trong tim. Thế Vĩnh nhìn tôi rồi bỗng mỉm cười. Anh tiến đến, xoa đầu tôi như một đứa em gái. Tôi nghiêng người tránh né, cười trừ. Tôi không thích anh xoa đầu mình như thế, vì tôi không muốn mình trong mắt anh mãi chỉ là một cô bé.
- Bác sĩ – chị y tá phòng bên nhò đầu ra nhắc nhở anh – chẳng phải hôm nay anh có hẹn sao? Cứ về trước đi, giấy tờ còn lại em sắp xếp giùm cho.
- Ừ, đúng rồi – Thế Vĩnh nhìn đồng hồ, thở dài – anh quên mất.
- Thứ 7 về sớm, anh có hẹn gặp bạn gái sao? – tôi mỉm cười châm chọc khi anh vội vàng cởi chiếc áo blouse trắng khoác ngoài.
- Không phải bạn gái, nhưng em đoán cũng gần đúng. Chỉ là hôm nay anh có hẹn xem mặt.
Nụ cười của tôi cứng đơ.
- Đi xem mặt sao? – tôi hỏi lại như con ngốc, vẫn không muốn tin vào tai mình.
- Ừ, xem mặt rồi cưới luôn - anh khoác áo lạnh vào rồi bẹo má tôi. Lúc hai cánh tay của anh đưa lại gần, tôi vẫn nhận ra mùi hương quen thuộc của anh – cô nhóc đừng la cà mà về sớm cho ba má khỏi lo nha. Nhớ uống thuốc đầy đủ đấy.
Tôi không đáp lại, cũng không cúi chào như thường lệ. Mãi đến khi anh khuất sau khúc cua, tôi mới nhìn theo hành lang trải dài. Hai mắt đỏ hoe.
Chẳng biết anh nói thật hay đùa, nhưng tim tôi đau nỗi đau không nói nên lời.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận