Cổ Phật Tâm Đăng

Hai tay đối thủ này trong lòng thảy đều đang bồi hồi căm giận nên xáp chiến với nhau thảy đều dùng toàn lực, đây là một trận đấu chiến mãnh liệt theo thế xáp lá cà.

Trác Đặc Ba mặc dầu tuổi tác đã cao nhưng tinh thần phấn chấn như một con mãnh hổ giữa rừng hoang, bước tiến bước thoái của lão thảy đều uy lực, không tỏ vẻ gì ông ta là người đã gãy mất đôi chân.

Hai bàn tay hộ pháp của lão ta như hai gọng kìm sắt thép chực tấn công vào những yếu huyệt của Tâm Đăng, mười ngón tay xé gió vèo vèo khí thế có thể làm tan vàng nát đá.

Kể từ ngày Tâm Đăng xuất sư đến nay đây là một tay kình địch mà Tâm Đăng ghê sợ nhất.

Lúc bấy giờ Tâm Đăng vừa tránh được một đòn của Trác Đặc Ba, vừa muốn trả đũa, không ngờ bóng chưởng của Trác Đặc Ba nổi lên trùng trùng điệp điệp rồi tấn công vào đầu của Tâm Đăng như mưa bấc.

Giữa lúc Tâm Đăng đang hoa mắt vì thế võ Phật Túy Thiên Hoa lạ lùng quái dị đó thì Trác Đặc Ba thình lình trổ một ngón tay ra, sử một thế Hoành Kích Bách Thủ vỗ vào huyệt Thái Dương của Tâm Đăng.

Trác Đặc Ba vừa tung ra thế võ này, tiếp theo đó thét lên một tiếng vang lừng để chợ oai cho mình.

Tâm Đăng giật mình, vội vàng sử một thế Lãng Điểm Đầu tràn mình né tránh ba thước, rồi thân hình của chàng nhanh như một con vượn, không thối lui mà ngược lại còn tiến tới, chỉ dùng một ngón tay vuốt nhẹ vào huyệt Bối Tâm của Trác Đặc Ba.

Trác Đặc Ba thoáng nghe sau lưng mình áp lực gia tăng như nghìn cân nặng, trong lòng cả sợ vội vàng vọt tới phía trước một bước.

Một bước đó đã đưa thân hình của ông ta về phía trước hơn một trượng.

Nhưng bàn chân của ông ta chưa kịp đứng vững thì trên đầu gió lại dậy vèo vèo, thân hình của Tâm Đăng như một con chim khổng lồ từ trên đáp xuống tấn công vào huyệt Thiên Linh Cái.

Trong lúc gió dậy vèo vèo, Trác Đặc Ba vừa định vung chưởng lên ứng chiến thì thình lình cương khí ngưng bặt, rồi hai bàn tay Tâm Đăng chia ra làm hai ngõ phân biệt tấn công vào hai huyệt Phong Lôi và Thần Đạo của Trác Đặc Ba.

Đó là hai huyệt đạo quan trọng nhất trên thân thể, dù người võ nghệ cao cường đến mấy mà bị địch kềm chế hai huyệt này cũng trở thành phế nhân.

Trác Đặc Ba biết thế võ này lợi hại, vội vàng nạt lên một tiếng :

- Hay lắm!

Tiếng nạt vừa dứt, ông ta vội vàng xuống một cái tọa tấn, nhờ vậy mà kéo dài được khoảng cách giữa Tâm Đăng và hai huyệt đạo của ông ta...

Tâm Đăng thầm khen cho lão già ứng biến thật là thần tốc, rồi cứ để nguyên thân hình theo bộ điệu đó, Tâm Đăng mím môi “hự” lên một tiếng, rồi lại xuống một cái Thiên cân tấn để cho thân hình của chàng từ trên đi xuống theo Trác Đặc Ba.

Nào ngờ... sau khi Trác Đặc Ba xuống tọa tấn rồi thì thần hình của ông ta như đang ngồi trên một đôi giày trượt tuyết, trượt một cái sang cánh tả hơn ba thước, nhờ vậy mà thoát khỏi vòng uy lực của Tâm Đăng.

Và ông ta tức tốc đổi thế thủ thành thế công, bất thình lình vung tay, chộp vào huyệt Cước Tâm của người trẻ tuổi.

Tâm Đăng cả sợ vì nếu huyệt Cước Tâm mà để chạm phải thì chân của chàng sẽ bại liệt đi, không thể tiếp tục chiến đấu được nữa.

Khá khen cho Tâm Đăng, đang nằm lơ lửng giữa từng không cũng kịp thời tung ra một ngọn Thôi Sơn Cước.

Mượn thế đá mãnh liệt đó, Tâm Đăng uốn người sang một chiều hướng khác để tránh thoát sự tấn công của Trác Đặc Ba trong đường tơ kẽ tóc.

Và thân hình của chàng từ từ rơi trở về mặt đất, vừa đứng vững thì ba bề bốn bên gió lại nổi lên rào rào, Trác Đặc Ba không để cho chàng có thời giờ ngơi nghỉ, tức tốc tấn công đánh phủ đầu bằng một đòn độc.

Tâm Đăng gặp phải một kẻ thù địch vừa tay xứng sức không dám chểnh mảng lo ra, vội vàng thi triển đường võ Thiên Phong chưởng mà Bệnh Hiệp đã truyền cho chàng bằng giấy mực.

Đường võ tiếng tăm lẫy lừng này vừa được thi thố ra, Trác Đặc Ba lập tức trông thấy thân hình của Tâm Đăng tiến thoái vùn vụt như một chiếc chong chóng khổng lồ, tả xung hữu đột trông thật là ngoạn mục.

Và kể từ đó tốc độ của Tâm Đăng càng lúc càng gia tăng, làm cho Trác Đặc Ba vô tình bị bao vây trong hai bàn tay giăng mắc tứ hướng của Tâm Đăng.

Nhưng Trác Đặc Ba vẫn ha hả cả cười, tiếng cười xoay thấu tận tận tâm can, chợt ông ta cất tiếng nói :

- Hỡi thằng hậu sinh kia, nếu ta mà thua mi ta tình nguyện nhảy xuống biển Đông mà chết.

Dứt lời, thế võ của lão cũng thình lình đột biến, hai bàn tay của lão lúc trên lúc dưới, thoạt tả thoạt hữu liên tiếp phá vỡ thế công của Tâm Đăng.

Trong chớp mắt, hai người đã đấu chiến với nhau được trên năm mươi hiệp, Tâm Đăng càng đấu tinh thần càng thêm phấn chấn, còn Trác Đặc Ba dường như có ý muốn dùng sức lực dẻo dai của mình để thủ thắng.

Vì vậy nên ông ta cố giữ cho hơi thở được điều hòa và dùng toàn những thế võ mềm dẻo để ràng buộc Tâm Đăng trở lại. Ông ta vừa đấu chiến vừa nói :

- Nhà ngươi quả thật danh bất hư truyền, nhưng mà ta chưa dùng toàn lực đâu, biết điều thì hãy lui ra...

Tâm Đăng bất thình lình tấn công một thế võ vô cùng mạnh bạo đoạn hỏi :

- Tại sao mi chẳng dùng toàn lực?

Vừa nói hai ngón tay của Tâm Đăng trổ ra như một cái vấu ó móc vào giữa ngực của Trác Đặc Ba.

Thân hình của lão ta bất động, chỉ dùng hai cánh tay sử ra một thế Hiệp Chưởng Tống Phật để rồi khóa chặt lấy cánh tay hữu của Tâm Đăng.

Thế võ trông cực kỳ đơn giản nhưng oai lực vô song. Tâm Đăng thấy vậy vội hỏa tốc rút cánh tay về, để rồi bàn tay hữu sử ra một đòn Tiếu Chỉ Tang Ma điểm vào huyệt Giai Tĩnh của Trác Đặc Ba.

Cao thủ so tài với nhau không cho sai một đường tơ kẽ tóc. Nếu chỉ lệch một ni cũng đủ phân thắng bại.

Giữa cảnh mịt mù tăm tối, một già và một trẻ trổ hết sức bình sinh để đưa đối phương vào tử địa, trong chớp mắt cuộc chiến đã kéo dài hơn trăm hiệp.

Trác Đặc Ba liên tiếp tung ra mấy thế võ lạ nhưng thảy đều chẳng thành công, thân hình của ông ta vô tình vẫn còn kẹt trong đường Thiên Phong chưởng.

Mồ hồi của hai người bắt đầu đổ ra, ngọn gió lạnh lùng của cao nguyên Tây Tạng vẫn làm cho hai người biết lạnh mà ngược lại còn làm tăng gia bầu không khí thêm phần thê lương ảm đạm.

Mặc dù Tâm Đăng đã dùng toàn lực tấn công nhưng vẫn chưa chiếm được ưu thế, dù vậy trong lòng của chàng say sưa hớn hở, vì rằng kể từ ngày luyện võ đến nay đây là lần thứ nhất Tâm Đăng có dịp đấu chiến với một người tài bộ ngang ngửa với mình.

Còn về phần Trác Đặc Ba, gần hai mươi năm nay chưa hề xáp chiến với một người nào cho xứng tay vừa sức, bây giờ thấy một người chưa đầy hai mươi tuổi mà ngang nhiên trao đổi với mình trên trăm hiệp mà chưa biết mệt, ông ta vụt cười xòa nói rằng :

- Con ơi, mi quả thật không phụ lòng của Cô Trúc, mười năm sau mi sẽ là một người đứng đầu trong thiên hạ.

Đường quyền ngọn cước của Tâm Đăng vẫn đi nhanh vùn vụt, chàng vừa cười vừa trả lời :

- Ha, ha! mười năm sau ta sẽ là một vị thầy tu.

Trác Đặc Ba không rõ ngụ ý của Tâm Đăng, giật mình hỏi rằng :

- Mi nói gì?

Vừa nói chuyện, hắn vừa điểm một đường vào huyệt Mi Tâm của Tâm Đăng. Tâm Đăng lắc đầu né tránh, tiếng ngón tay xé gió của Trác Đặc Ba vừa đi vèo vèo qua mang tai, Tâm Đăng cười trả lời :

- Không...

Tiếng “không” vừa dứt, Tâm Đăng vội vàng vung bàn tay tả ra móc vào cằm của Trác Đặc Ba. Đó là thế Phi Hổ Trảm Thảo vô cùng lợi hại.

Trác Đặc Ba liên tiếp lẩn trốn hai đòn rồi hai người lại đấm đá với nhau vùn vụt.

Lại thêm hai trống canh nữa trôi qua mà đôi bên vẫn chưa có bên nào có mòi sút kém.

Trác Đặc Ba dường như không có lòng đấu chiến, thình lình ông ta dùng tiếng Tây Tạng hô to :

- Lâm Na, mi chuẩn bị xong chưa?

Tâm Đăng giật mình thầm nghĩ :

- Không biết hai cha con người này đang bày mưu sắp kế gì đây?

Chợt nghe tiếng của Mặc Lâm Na văng vẳng từ xa vọng đến :

- Tất cả đã xong.

Trác Đặc Ba cười ha hả nói :

- Ta muốn thừa cơ hội này hoạt động một chút cho giãn gân giãn cốt, thôi ta đi nghỉ.

Dứt lời liền bay bắn lùi về phía sau hơn mười trượng.

Tâm Đăng tức tốc nhún mình đuổi theo. Trác Đặc Ba khoát tay trả lời :

- Đêm nay đấu đến đây tạm ngưng... Ta còn phải...

Câu nói chưa dứt, Tâm Đăng đã lướt tới vung ra một đường Vạn Trúc Triều Nguyên, đó là một thế võ thứ ba trong đường võ Cô Trúc chưởng.

Trác Đặc Ba bỗng thấy ba bề bốn bên gió dậy rào rào, bóng chưởng của Tâm Đăng trùng trùng điệp điệp giăng mắc bốn phương tám hướng như trăm nghìn cây trúc chặn nghẽn tất cả lối thoát.

Tâm Đăng quả thật muốn cầm chân Trác Đặc Ba để so một trận thư hùng cho biết tài cao thấp, bởi vậy chàng mới tung ra thế võ hùng hậu vô cùng trong đường Cô Trúc chưởng.

Trác Đặc Ba thấy vậy, tấm lòng khinh địch bây giờ không còn nữa, biết đây là một thế võ cay nghiệt trong đường Cô Trúc chưởng của Cô Trúc lão nhân, Trác Đặc Ba gầm lên một tiếng vang trời tung ra một thế Tả Xung Hữu Đột...

Thế võ của Tâm Đăng đang vóc ra một cách vô cùng hung bạo, bỗng thấy thân hình của Trác Đặc Ba tách ra làm trăm ngàn người xung đột để phá vỡ vòng vây của đòn Vạn Trúc Triều Nguyên...

Thân hình của Trác Đặc Ba đang đâm sầm sang phía tả tấn công dữ dội, thình lình liên tiếp ông ta sử mấy thế Đảo Hành Nghịch Thi để bắn vù trở về phía sau, đột phá khỏi vòng vây...

Vì mắc mẹo giương đông kích tây nên Tâm Đăng đã để cho ông ta thoát khỏi đòn Vạn Trúc Triều Nguyên trong đường tơ kẽ tóc.

Thấy con chim sổ lồng, Tâm Đăng giật mình hét hỏi :

- Trác Đặc Ba, lệnh phù của sư phụ ta ở đâu?

Có tiếng trả lời ròn rã, không phải Trác Đặc Ba trả lời mà là tiếng của Mặc Lâm Na gọi :

- Cha ơi...

Tâm Đăng giật mình, ngỡ rằng Trác Đặc Ba lại hạ độc thủ nên không dám tiến sát tới, Trác Đặc Ba ngửa cổ dòm trời buông ra một chuỗi cười vang dậy rồi nói rằng :

- Mi có bản lĩnh thì hãy tìm cho ra.

Tiếng “ra” vừa dứt thì Trác Đặc Ba tức tốc sử liên tiếp bốn đòn Đảo Hành Nghịch Thi bắn lùi vào một bụi cây rậm rạp.

Tâm Đăng dợm đuổi theo thì thân hình của ông ta đã mất dạng trong rừng sâu thăm thẳm, chàng không dám đuổi theo, dừng chân ái ngại...

Bất giác bốn chữ Tàm Tang khẩu quyết trên chiếc bàn hương án, sau khi chiếc bàn hương án tụt xuống lòng đất, đập vào mắt chàng, thì bức màn đó vẫn còn nằm trơ ra đấy, một bầu không khí bí mật bao trùm.

Tâm Đăng nghĩ :

- Chẳng lẽ một vật quí báu như Tàm Tang khẩu quyết mà Trác Đặc Ba lại để ở đây?

Tính hiếu kỳ trỗi dậy, Tâm Đăng vận dụng hết thính giác của mình, lần lần đi tới và nhẹ nhàng thò tay ra vén bức màn lên.

Bất giác đôi mắt chàng trợn trừng, thối lui một bước, kêu lên :

- A di đà Phật... A di đà Phật...

Thì ra sau bức màn đó nằm lổn ngổn không biết bao nhiêu xác chết, có người tuổi già râu tóc bạc phơ, có người đầu xanh non trẻ, tuổi chưa đầy đôi tám.

Mồm của họ thảy đều ứa ra những dòng máu bầm, rõ ràng bị người ta dùng trọng thủ pháp giết chết.

Những người này thảy đều lạ mặt, Tâm Đăng không hề quen biết nhưngchàngcó thể đoán chắc rằng có lẽ họ lần mò đến đây để tìm quyển Tàm Tang khẩu quyết.

Trong lòng của Tâm Đăng bỗng dâng lên một nỗi niềm chua xót xen lẫn với tính tò mò, chàng không biết quyển Tàm Tang khẩu quyết quí báu đến bực nào mà lại hấp dẫn thiên hạ đến dường đó.

Chàng quyết định phải cố gắng tìm cho ra quyển sách đó để xem cho thỏa mãn, rồi tấm lòng trắc ẩn lại dâng lên, là một người xuất gia đầu Phật từ thủa bé, Tâm Đăng không nỡ để cho những xác chết đó phải phơi bày nơi khu rừng vắng, chàng tuốt thanh trường kiếm đào một khoảng đất rộng, rồi xếp những xác chết đó nằm ngay thẳng dưới hầm đoạn lấp đất lại.

Trong khi chôn cất Tâm Đăng mới phát giác ra trong đám người giang hồ hiệp sĩ này có một số là đàn bà con gái, chàng càng thêm ngậm ngùi than thở, không hiểu sao hàng nhi nữ lại vượt đường xa muôn dặm mà tìm quyển sách bí truyền kia. Vì cứ theo sắc phục của nạn nhân thì những người này thảy đều từ Trung Nguyên đến đất Tạng.

Hì hục đến tàn một trống canh, Tâm Đăng mới chôn cất xong và chàng ngồi xếp bằng trước mộ, bắt đầu ê a tụng kinh.

Tụng hết pho Kim cang thì phương đông trời đã rựng sáng, Tâm Đăng vội vàng lần mò theo dấu hiệu mình đã làm sẵn hôm qua mà lần bước ra khỏi trận.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui