4.
Nguyên Nguyên Cô tựa hồ mười bảy, mười tám tuổi, nhưng cũng có thể là mười sáu, mười lăm.
Dáng dấp cô cân xứng, tư thái xinh tươi như mọi thiếu nữ trưởng thành, song con ngươi thì trong vắt như nước, thần sắc cử chỉ hãy còn vương hơi thở con trẻ, dường như chẳng lớn hơn bé gái tuổi dậy thì là bao.
Nước da cô mịn màng, lại không phải trắng nõn, hẳn là do thường đi lại ngoài trời, được ánh nắng mạ lên một lớp màu như sắc đường mật.
Da thịt cô săn chắc trơn bóng, chỉ duy lòng bàn tay là xù xì, kết dày chai, có lẽ thường xuyên làm việc nặng.
Mái tóc cô dài mượt đen nhánh, song chỉ vấn thành hai búi tròn rất mực tùy ý qua loa, lúc này nom xù xù lỉa chỉa, có mấy lọn tóc bung ra rủ xuống.
Áo quần cô mặc rất tuềnh toàng, màu sắc tối cũ, không vừa người lắm, đại khái là cắt sửa lại từ đồ cũ của người khác.
Cô không đi giày, chân trần ngồi trên mặt đất, để lộ cả mắt cá chân, vùng da chỗ đó có vài nốt chấm bị muỗi đốt.
Hiển nhiên, cô là con gái nhà bần túng, song có vẻ như điều này chẳng hề gây trở ngại đến việc cô sống đời vui vẻ.
Giờ đây, cô đang cầm mấy cành lau sậy trong tay, chợt trái chợt phải khua quất đuổi ruồi muỗi chung quanh, miệng còn khe khẽ hát ca dao.
Dường như chuyện đêm qua cũng không ảnh hưởng đến tâm trạng tốt đẹp của cô.
Nếu cô là người như gái thanh lâu thì đương nhiên chẳng có gì lạ, đằng này… Trước đó rõ ràng cô hãy còn là thân xử nữ.
Đó cũng là nguyên nhân khiến Phùng Kinh sau khi tỉnh lại cảm thấy khó xử và áy náy.
Thế nên tuy đã sớm thức giấc song chàng vẫn chưa ngồi dậy nói chuyện với cô ngay mà duy trì tư thế ngủ say, mắt chỉ mở hé ra một cái khe, mượn ánh ban mai đang dần sáng sủa lặng lẽ quan sát vị cô nương bị mình mạo phạm này.
Hình như, có vẻ, cô cũng không vì thế mà ghét chàng.
Bởi ruồi muỗi cô đuổi có hơn nửa là bên người chàng.
Một con muỗi bé xíu đậu lên cằm chàng, cây phất trần lau sậy của cô lập tức nhào tới, bông lau phất qua chóp mũi chàng, Phùng Kinh không nhịn được hắt xì.
Không thể không mở mắt ra, tức khắc chạm vào con ngươi long lanh của cô.
“Chàng tỉnh rồi?” Cô cúi người hỏi, trong cặp mắt to tròn thậm chí còn lấp lánh vui sướng.
Chàng đành ngồi dậy, cúi đầu, một hồi lâu không dám nhìn cô.
Im lặng một lúc mới nói: “Xin hỏi phương húy của cô nương?”
“Hả?” Cô ngạc nhiên, chẳng trả lời.
Chàng bèn đổi cách giải thích: “Em tên là gì?”
“À,” Cô hiểu ra, cười đáp: “Em họ Vương, tên là Nguyên Nguyên.”
“Viết thế nào?” Chàng rất ư lễ phép khom người thỉnh giáo.
“Viết?” Cô trố mắt, kinh ngạc nhìn chàng chằm chằm như thể nghe thấy một câu hỏi lạ lùng quá đỗi, sau đó bật cười, “Không biết! Em không biết viết một chữ nào hết.”
“Vậy,” Chàng hỏi lại, “Tại sao người nhà em lại lấy tên này cho em?”
Cô nhanh chóng cho chàng câu trả lời: “Vì cha em thích nguyên bảo – tuy rằng trước giờ ông ấy chưa từng thật sự mò được thỏi nào.”
Nói vậy, tên cô là “Nguyên Nguyên”.
Phùng Kinh nghĩ ngợi rồi nhặt một nhánh cây, viết lên mặt đất hai chữ.
Cô nương ngó xem, hỏi chàng: “Tên em viết như vậy ạ?”
Chàng không đáp ngay, đưa mắt nhìn mây khói nước biếc trước mặt, tiếp đó lại thêm cho mỗi chữ ba nét chấm vào bên trái.
“Nguyên Nguyên,” Chàng nhẹ nhàng đọc lên, nói với cô: “Sau này tên em viết vậy đi.” (*)
(*) Chữ Nguyên gốc [元] lấy từ nguyên bảo có nghĩa là đĩnh vàng đĩnh bạc, chữ Nguyên Phùng Kinh lấy cho cô gái viết thế này [沅], là tên một con sông bắt nguồn từ Quế Châu.
Cô rất phấn khích, dùng ngón tay chạm vào chữ viết trên mặt đất ẩm ướt kia, di tay học từng nét từng nét.
Sau đó hỏi tên chàng, chàng nói với cô, cũng viết ra, cô lại học tiếp, miệng chúm chím, lẩm nhẩm: “Phùng… Kinh… Kinh…”
Chỉ luận dung mạo thôi thì cô chẳng tính là mỹ nhân, nhưng dáng vẻ ngây thơ hồn nhiên ấy lại khả ái vô cùng.
Phùng Kinh lẳng lặng ngắm nhìn, trong bụng càng thêm phiền muộn.
“Xin lỗi.” Chàng cụp mắt, thành khẩn xin lỗi.
Cô thoáng sửng sốt, chợt ý thức được chuyện chàng chỉ, động tác trên tay dừng lại, mặt cũng không khỏi ửng đỏ.
Chàng suy xét hồi lâu, cuối cùng hạ quyết tâm, lấy chiếc xuyến vàng trong ngực ra đưa cho cô: “Cái này cho em.”
Chàng muốn bồi thường cho cô chút ít, mà trước mắt, đây là vật quý báu nhất mà chàng có.
Cô lưỡng lự, không đưa tay nhận lấy, “Chàng cho em tiền đấy à?”
“Không,” Chàng lập tức phủ nhận, ngẫm nghĩ rồi nói: “Đây là quà tặng em.”
Bấy giờ cô mới vui vẻ nhận lấy, đeo sợi xuyến lên cổ tay.
Chàng lại im lặng thêm chốc lát, mờ mịt nhìn chung quanh, thấy gần bờ nước đậu một con thuyền con, bèn hỏi Nguyên Nguyên: “Em chèo thuyền tới à? Nhà em ở gần đây?”
“Đúng vậy, nhà em ở ngay gò Hoa Sen cách đây hai dặm.” Cô đáp, như bỗng nhớ đến điều gì, lại nói tiếp: “Đúng rồi, hôm qua em đánh cá trở về thì gặp một con thuyền hai tầng rất lớn trên thượng du, trên thuyền có rất nhiều tỷ tỷ như tiên nữ vậy… Có người gọi em lại, hỏi em có phải đi về hướng này không, em đáp phải, một vị phu nhân đi từ trong khoang ra, sai người lấy ít tiền cho em, nói ở trên thuyền trông thấy có vị tú tài chạy đuổi theo thuyền hồi lâu, hiện giờ cách huyện thành đã xa, e là không tiện trở về, bảo em thuận đường chở anh ta về học quán.
Em bèn tìm dọc đường, đến lúc trời tối mới phát hiện ra chàng nằm đây… Chàng là vị tú tài người ấy nói à?”
Phùng Kinh không trả lời, ánh mắt dừng trên sợi xuyến vàng giờ đây đeo trên tay Nguyên Nguyên, một lúc lâu sau mới ảm đạm dời đi, đáp: “Không phải.”
“Ồ…” Nguyên Nguyên gật đầu, thình lình vỗ tay đứng dậy, cười bảo: “Bất kể có phải hay không thì chàng cũng cần về đúng không? Nào, ngồi thuyền em đi, em chở chàng.”
Sau khi lên thuyền, cô từ chối sự giúp đỡ của chàng, tư thế khua chèo thuần thục, chở chàng vào thành.
Vóc người cô cũng chẳng lấy gì làm cao lớn to con, song dáng vẻ chống chèo xuyên qua lau sậy rất mực thảnh thơi ung dung.
Chàng ngồi ở mũi thuyền, do dự hồi lâu, rốt cuộc không nhịn được hỏi cô: “Tối qua… Vì sao em không đẩy ta ra?”
“Có đẩy mà!” Mở to đôi mắt đen trắng rõ ràng, cô đáp đúng sự thực: “Ban đầu em đẩy suốt ấy…”
Chàng thẹn thùng cúi đầu, chỉ thiếu điều đâm đầu xuống dòng nước biếc sâu.
Ho nhẹ hai tiếng che giấu, chàng lại nhỏ giọng hỏi: “Ý ta là, sau cùng…”
Nếu cô khăng khăng kháng cự thì chàng cũng chẳng thể cưỡng ép.
Câu hỏi này làm cô khá tốn suy nghĩ.
Cau mày nhìn trời chốc lát, cô vẫn chẳng tìm được câu trả lời, sau, chỉ hoang mang nói: “Em cũng không biết…”
“Sau này chàng sẽ đến thăm em chứ?” Lúc ly biệt, Nguyên Nguyên đã hỏi vậy.
Chàng không dám nhận lời cô, chỉ cười mỉm.
Cô cũng rất lanh lợi, yên lặng xoay người rời đi, không hỏi lại.
Mấy ngày sau, Phùng Kinh thu thập hành lí, rời khỏi Dư Hàng trở lại Giang Hạ, về bên mẹ.
Chàng chẳng tìm được ở Giang Hạ sự yên ả như đã mong đợi.
Bất kể là đối mặt với sách vở hay nhắm mắt lại, tất thảy mọi chuyện ở Dư Hàng đều như rành rành trước mắt, khi thì là bóng dáng sau màn che, khi thì là Nguyên Nguyên bên bờ nước.
Chàng bắt đầu lang thang ngõ phố, chè chén phóng túng, nhưng vẫn khó lòng xóa bỏ từng cảnh tượng lặp đi lặp lại vùn vụt trong lòng.
Bởi vậy mà mẫu thân vẫn thường lo lắng nhìn chàng, thỉnh thoảng lại lắc đầu thở dài.
“Cậu Kinh nên tìm nàng dâu rồi.” Bà thím láng giềng thấy vậy, nở nụ cười tỏ tường, nói với Phùng phu nhân.
Kế đó, liên tiếp nhiều ngày, khách khứa chủ yếu của nhà họ Phùng đều là người làm mối làm mai.
Sau cùng, Phùng Kinh không chịu nổi phiền hà, xin mẫu thân cho xuất hành chuyến nữa.
“Lần này con muốn đi đâu?” Phùng phu nhân hỏi.
Phùng Kinh cũng tự hỏi câu này rất nhiều lần, tựa như cầm lòng chẳng đậu, cuối cùng, cái đích chàng chọn vẫn là Dư Hàng.
Đến gò Hoa Sen tìm Nguyên Nguyên, vốn chỉ định đi thăm cô.
Nhưng vừa bắt đầu, từ ánh mắt và giọng nói của những người địa phương chàng hỏi đường, tức thì cảm nhận có gì đó quái lạ.
“Vương Nguyên Nguyên?” Thông thường, họ đều hỏi ngược lại tên chàng, nhìn chàng từ trên xuống dưới một lượt, hé ý cười mập mờ, rồi mới chỉ cho chàng nơi ở của Nguyên Nguyên.
Lúc chàng trông thấy Nguyên Nguyên, cô đang vung mái chèo, lao ra từ căn nhà tranh của mình, hung tợn đánh đuổi hai gã đàn ông mặt mày thậm thụt.
Cô bắt kịp một tên, mái chèo đập xuống chân tên ấy đánh “bốp” một tiếng chắc nịch.
Cô chống mái chèo xuống đất, sợi xuyến vàng trên cổ tay đong đưa theo động tác, lấp lánh tỏa sáng dưới nắng vàng.
“Còn dám mò tới cửa nói lời bẩn thỉu, bà thấy một tên đánh một đôi!” Cô dựng ngược lông mày, cao giọng tuyên bố.
Tên bị đánh rên rỉ không ngớt, khập khiễng chạy tiếp, còn vừa chạy vừa không quên quay đầu mắng cô: “Trong bụng bầu con hoang của thằng nào chẳng biết mà còn có mặt mũi ra cái vẻ tam trinh cửu liệt!”
Phùng Kinh kinh ngạc, lưu ý xem bụng Nguyên Nguyên mới phát hiện ra chỗ đó quả thật hơi nhô lên, hẳn là cô đang mang bầu.
Nguyên Nguyên nghe vậy cũng không cãi trả, bỏ hai ngón tay vào miệng huýt một tiếng sáo vang dội, tức thì, một con chó mực xông ra từ sau nhà.
Nguyên Nguyên chỉ vào tên đằng trước, ra lệnh: “Cắn hắn!”
Chó mực sủa tiếng đáp lại rồi đuổi theo, tên kia hét thảm, ôm đầu co giò chạy.
Nguyên Nguyên cười đắc ý, xách mái chèo chuẩn bị về nhà, nào ngờ vừa quay người, toàn thân bỗng sững lại, đứng tại chỗ như trời trồng, không sao cất bước cho đặng.
Phùng Kinh đứng trước mặt cô, mỉm cười gọi cô: “Nguyên Nguyên.”
Cô không đáp.
Lặng thing nhìn chàng đôi lát, một bàn tay mất tự nhiên xoa cái bụng gồ lên.
Chàng để ý thấy, dè dặt hỏi: “Của ta?”
Cô lưỡng lự, mãi sau mới gật đầu.
Chàng nghiêm mặt đứng thẳng dậy, nhất thời lại bặt thinh.
Cô khẽ cau mày, lúc thì cúi đầu nhìn mũi chân chàng, lúc lại bất an liếc chàng, nom hết sức tội nghiệp, như đang hỏi: “Chàng không tin?”
“Lệnh tôn…” Rốt cuộc chàng cũng mở miệng, vừa nói ra hai chữ này đã lập tức sửa miệng: “Cha em, có nhà không?”
“Ông ấy ra cửa đánh cá rồi.” Nguyên Nguyên đáp.
“Ồ… Có thể nói cho ta biết tên ông ấy không?”
“Vương A Lục.”
“Thế ông nội em tên gì?”
“Vương Hữu Tài.”
“Ông ngoại em thì sao?”
“Vương Phú Quý… Chàng hỏi rõ vậy làm gì?” Nguyên Nguyên cảnh giác hỏi ngược lại: “Họ nợ tiền chàng?”
“Ừm, không phải… Đây gọi là ‘vấn danh’, ban đầu khi cầu hôn, theo lệ phải nói tên húy ba đời.” Phùng Kinh giải thích, dịu dàng cười với cô, “Nguyên Nguyên, ta muốn cưới em.”
Cô trợn tròn mắt nhìn chàng không tin nổi, lát sau, bỗng òa khóc nức nở.
Xưa nay chưa từng có vị cô nương nào lớn rồi mà lại khóc thút thít trước mặt chàng hệt một đứa trẻ như thế.
Chàng hoảng sợ luống cuống chân tay, lật đật dắt cô vào nhà, dỗ dành hồi lâu, cô mới hơi nín khóc.
Sau đó, cô không nói gì hết, chỉ mở to cặp mắt hãy còn ngập nước nhìn chàng nồng nhiệt.
“Sao lại nhìn ta vậy?” Chàng mỉm cười hỏi cô: “Trên mặt ta có nguyên bảo à?”
“Không có.” Cô thật thà trả lời: “Cơ mà, chàng đẹp hơn nguyên bảo lắm lắm.”