Con Đường Đỗ Đạt Của Con Nhà Nghèo


Sau khi giao bài tập về nhà cho học sinh, thầy Vương cho phép mọi người tan học.

Vì trời mưa, nên có khá nhiều người đến đón con mình.

Lâm Tam Trụ đã đến vài lần, cũng hiểu được tính tình của con trai mình.

Hắn biết con trai chắc chắn sẽ là người cuối cùng ra khỏi lớp nên đứng sang một bên, nhìn những đứa trẻ khác lần lượt từ lớp học đi ra.

Những gia đình có thể cho con cháu đến tộc học đi học đều thuộc dạng có điều kiện khá tốt trong tộc.

Nhiều người còn may hẳn quần áo mới cho con mình đi học, tuy chỉ là vải bông bình thường nhưng nhìn cũng rất gọn gàng, tươm tất.

Trong khi đó, Lâm Viễn Thu lại mặc bộ quần áo đầy miếng vá, trông giống như một người ăn xin khi đứng cùng những đứa trẻ khác.

Nhìn những đứa trẻ khác đeo cặp sách, cái nào cũng căng đầy, còn cặp của Lâm Viễn Thu thì xẹp lép dán sát vào lưng, vừa nhìn đã biết bên trong chẳng có gì.

Lâm Tam Trụ càng nhìn càng thấy chua xót, lần đầu tiên cảm thấy mình là một người cha thật vô dụng.

Nghĩ đến cảnh vừa nhìn thấy qua cửa sổ, lại nghĩ đến hình ảnh cháu trai của đại bá gia che sách bằng tay áo một cách thành thạo, Lâm Tam Trụ không kiềm được mà hỏi: "Viễn Thu, hôm nay Văn Tiến có cho con mượn sách xem không?"

Lâm Viễn Thu vui vẻ trả lời: “Có nha! Cha yên tâm, mỗi ngày anh họ đều cho con mượn sách để xem.

Nếu không tin, cha nghe này, bây giờ con có thể thuộc làu một đoạn Tam Tự Kinh đấy."

Nói rồi, Lâm Viễn Thu bắt đầu đọc từng chữ một: "Nhân chi sơ; tính bản thiện, tính tương cận; tập tương viễn, cẩu bất giáo; tính nãi dời, giáo chi đạo; quý lấy chuyên, tích Mạnh mẫu; trạch lân xứ, tử bất học; đoạn cơ trữ…"

Giọng đọc trong trẻo của cậu vang lên trên con đường trống trải, thanh âm rất êm tai, nhưng nghe vào tai Lâm Tam Trụ lại chỉ làm hắn thấy lòng ngổn ngang trăm mối.

Nhìn thấy khuôn mặt nghiêm túc của con trai, câu nói "Chúng ta không cần đi học nữa" của Lâm Tam Trụ như nghẹn lại trong cổ họng, không thể thốt nên lời.

Hắn ngồi xuống để con trèo lên lưng mình.

Sau cơn mưa, con đường đất này toàn là bùn lầy, nếu không cẩn thận làm dơ giày bông, nhà họ cũng chẳng còn đôi nào để thay nữa.

Khói bếp lượn lờ bay lên, khi Lâm Tam Trụ cõng Lâm Viễn Thu về đến nhà thì bữa cơm tối đã được chuẩn bị xong.

Bà Ngô cảm thấy hôm nay thằng ba ít nói hơn bình thường, thấy hắn chỉ ngồi bưng bát cơm ăn được một chút thì đã vội buông bát trở về phòng.

Bà Ngô hơi lo lắng, không biết liệu thằng ba có chỗ nào không khoẻ không.

Nhưng rồi bà lại nhớ đến hình ảnh Lâm Tam Trụ ăn uống như hổ đói lúc nãy, nhìn thế nào cũng không giống như người không khỏe nha.

Bà lắc đầu nghĩ thôi mặc kệ, dù sao Tam Trụ thỉnh thoảng cũng có hành động kỳ quặc, bà đã quen rồi.

Bà Ngô không thể ngờ rằng, từ khi từ học đường đón con trai về, trong đầu Lâm Tam Trụ đã bắt đầu lên kế hoạch kiếm tiền.

Lâm Tam Trụ tự nhủ rằng, nếu con trai thích đi học, thì người làm cha như hắn dù có thế nào cũng phải mua được cho con một quyển sách.

Hơn nữa, cũng là những đứa trẻ cùng học với nhau, tại sao con mình lại có thể ăn mặc rách nát như thế?

Thế nên hắn quyết tâm phải kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền, để con trai mình có thể mặc dược quần áo mới.

Nhưng vấn đề là, phải làm nghề gì đây? Lâm Tam Trụ ôm đầu suy nghĩ mãi không thôi.

À đúng rồi, hay là mình đi đến bến tàu ở trên trấn làm khuân vác nhỉ? Trong thôn cũng có mấy người làm việc ở đó quanh năm, nghe nói tiền công có thể được trả theo ngày, cũng khá tốt.

Chỉ là, Lâm Tam Trụ cúi đầu nhìn lại thân hình của mình, thật sự không thể so với mấy người trai tráng lực lưỡng trong thôn.

Nếu mình khiêng không nổi thì phải làm sao?

Liệu lúc đó có bị đống hàng đè bẹp xuống đất không? Càng nghĩ Lâm Tam Trụ càng sợ hãi, thôi thôi, đổi nghề khác kiếm tiền vậy.

Rồi sau đó hắn nhớ đến việc thường xuyên thấy người bán hàng rong đến thôn Tiểu Cao Sơn, mỗi lần người đó đến, các bà và các cô trong thôn đều vây quanh mua hàng, chắc chắn là kiếm được nhiều tiền lắm.

Lâm Tam Trụ nghĩ, làm người bán hàng rong chắc cũng không tồi.

Nhưng rồi hắn lại nhớ ra, để làm nghề này thì phải đi huyện thành nhập hàng, mà hắn thì đâu có vốn liếng gì.

Vả lại, ngày nào cũng phải gánh hàng đi khắp nơi, nắng mưa dãi dầu, mệt mỏi vô cùng.

Chưa kể, khi mùa đông đến sẽ có tuyết rơi dày.

Đến lúc đó, trời băng đất tuyết, cả ngày gánh hàng hóa đi trên những con đường quê hoang vắng, có khi còn bị chết cóng mất.

Hình ảnh bản thân bị rét đến run cầm cập hiện ra trong đầu, Lâm Tam Trụ lắc đầu như lắc trống bỏi, quyết định không làm nghề này nữa.

Nghề bán hàng rong vất vả quá, hắn không dám dấn thân vào.

Thế là, sau khi tự phủ nhận hết mọi ý tưởng, việc này không được, việc kia không xong, cuối cùng vấn đề lại quay trở về điểm xuất phát, hắn không có tiền mua sách.

Lâm Tam Trụ thở dài, cảm thấy việc kiếm tiền thật khó khăn.

Đang lúc vỗ trán suy nghĩ cách khác, ánh mắt hắn vô tình liếc qua chiếc áo bông mới trên giường.

Chiếc áo màu nâu xám, bên trong được lót toàn bông mới.

Nhờ năm nay bán quả Hồng được nhiều hơn mấy trăm đồng, nên khi chị dâu đi mua vải, mẹ hắn đặc biệt dặn chọn vải bông để may áo.

Hơn nữa, Phùng thị may rất tinh tế, chiếc áo bông này chắc cũng đáng giá vài chục đồng.

Lâm Tam Trụ suy nghĩ, có vài chục văn, đến lúc đó mình sẽ ra tiệm sách hỏi xem có cuốn ‘Tam Tự Kinh’ nào rẻ nhất không, miễn là không thiếu trang, dù cũ một chút cũng không sao cả.

Càng nghĩ càng thấy cách này ổn, Lâm Tam Trụ vô cùng hài lòng với sự thông minh của mình, chẳng trách Cẩu Tử nhà hắn lại thông minh như vậy, khẳng định là được di truyền từ hắn.

Nghĩ sao làm vậy, Lâm Tam Trụ tìm một tấm vải lớn trải ra, rồi gấp chiếc áo bông lại, gói thành một cái tay nải.

Khi Lâm Viễn Thu ăn xong bữa tối trở về phòng, cậu thấy cảnh cha mình đang gói chiếc áo bông mới được làm vào tay nải.

“Cha, sao ngài lại gói áo bông mới vào trong tay nải vậy?” Lâm Viễn Thu cảm thấy khó hiểu, cha không có ra ngoài, sao lại đóng gói quần áo thế này?

“Đi đi, trẻ con thì hỏi nhiều như vậy làm gì.

Mau đi tìm anh họ mà chơi đi.” Lâm Tam Trụ tất nhiên không thể nói thật với con trai rằng do hắn ngại kiếm tiền vất vả, nên mới nghĩ ra cách bán chiếc áo bông để mua sách cho nó rồi.

Như thế thì xấu hổ quá.

Hơn nữa, không thể để cho mẹ biết được, nếu không thì chẳng những không bán được áo, mà còn phải bị mắng cả buổi nữa.

Còn sau khi bán xong rồi, lo gì, cùng lắm thì lại chịu thêm một trận đòn của mẹ bằng cây cán bột là xong.

Sáng hôm sau khi Lâm Viễn Thu tỉnh dậy thì thấy cha mình đang ngồi ở mép giường.

Nghĩ mình nhìn nhầm, cậu vội dụi mắt nhìn lại lần nữa.

Không sai, quả thật là người cha lười biếng của mình!!! Kỳ lạ thật, sao hôm nay cha lại dậy sớm thế nhỉ?

Nhìn dáng vẻ ngơ ngác của con trai, lòng Lâm Tam Trụ mềm nhũn, “Cẩu Tử dậy đi, hôm nay cha sẽ đưa con đi học.” Lâm Viễn Thu mơ mơ màng màng ngồi dậy, không hiểu sao cha lại đột nhiên muốn đưa mình đi học.

Trong lúc Lâm Viễn Thu mặc quần áo và rửa mặt, Lâm Tam Trụ vội xách cái tay nải đựng áo bông ra ngoài, đặt ở ngoài cửa sân để cha mẹ không nhìn thấy.

Bà Ngô và ông Lâm đã dậy từ sớm, nghe thấy tiếng cổng mở đều có chút ngạc nhiên và định đứng dậy xem vì sao hôm nay Cẩu Tử lại mở được chốt cổng.

Ai ngờ ngay sau đó lại nghe thấy tiếng “rầm” một cái, cổng đã đóng lại.

Tiếp đến là tiếng Lâm Tam Trụ: “Cha, mẹ, lát nữa con đưa Cẩu Tử đi học, hai người cứ nằm nghỉ thêm một chút đi.”

Ông Lâm mở cửa sổ ra, liền thấy thằng ba nhà mình đang đứng ở trong sân, miệng cười không ngớt nhìn về phía ông.

Việc gì khác thường tất có điều mờ ám.

Bà Ngô tiến đến cửa sổ nhìn ra ngoài, thấy con thứ ba mặc chiếc áo bông cũ kĩ đầy miếng vá, lòng thầm nghĩ sao hôm nay lại không mặc áo mới rồi?

“Con dậy sớm vậy làm gì?” Làm mẹ, bà Ngô biết rõ thói quen của con trai mình, chỉ cần nó xoay người là bà đã biết nó sẽ bước chân nào trước.

Bà không tin rằng con trai dậy sớm chỉ vì muốn đưa Cẩu Tử đi học.

Lâm Tam Trụ vuốt mũi và nói: “Còn có thể làm gì nữa? Lát nữa con định đi lên trấn một chuyến, xem có việc gì làm được không.”

“Gì cơ? Làm việc á?” Bà Ngô trợn tròn mắt, bà có nghe nhầm không? “Đúng vậy, con muốn kiếm tiền về mua sách cho Cẩu Tử nhà ta.” Lâm Tam Trụ mặt không đỏ tim không đập loạn, vẻ mặt bình thản nói.

Chỉ cần có được tiền để mua sách thì những chuyện khác cũng không phải là điều gì to tát, nên Lâm Tam Trụ nghĩ mình nói thế cũng không tính là nói dối.

Ông Lâm ngẩng đầu nhìn trời, thầm nghĩ liệu hôm nay có phải sẽ có mưa máu không.

Một lát sau, Lâm Viễn Thu đã đeo cặp sách đi ra.

Thấy vậy, Lâm Tam Trụ thở phào nhẹ nhõm, vội vàng bước tới nắm tay cậu, quay lại nói với Bà Ngô và ông Lâm, “Cha, mẹ, con đưa Cẩu Tử đi học đây.”

“Lão Tam, từ từ đã!” Ông Lâm gọi lại hai cha con đang định rời đi, nói: “Để mẹ con đưa cho hai văn tiền, lát nữa còn mua cơm mà ăn.” Dù không biết lời thằng ba nói có tin được hay không, nhưng nhỡ nó nói thật thì sao? Không thể để bụng đói mà làm việc được.

Lâm Tam Trụ vỗ vỗ trán, sao hắn có thể quên mất chuyện ăn cơm được chứ.

Hì hì, ngày thường tuy cha lúc nào cũng lạnh mặt, nhưng đến lúc quan trọng thì vẫn nhớ đến hắn.

Bà Ngô nhìn theo hai cha con đi ra cổng, không nhịn được hỏi, “Ông già, ông có tin lời thằng ba không?” Đến giờ bà vẫn chưa thể tin được.

Ông Lâm đáp: “Tin hay không có gì quan trọng, đợi thằng ba từ trấn về là biết thôi.”

Ở phía bên này, vừa ra khỏi cổng, Lâm Viễn Thu đã thấy một gói đồ lớn đặt trên ngưỡng cửa, chính là cái gói mà đêm qua cậu đã nhìn thấy.

Nhìn dáng vẻ tiêu sái hùng hồn của cha khi vung tay nải đeo lên lưng, lại nghĩ đến việc cha hôm nay dậy sớm bất thường, Lâm Viễn Thu lo lắng không yên, không biết lão cha nhà mình có phải đang định bỏ nhà ra đi không?

“Cha, mấy hôm trước con thấy Cẩu Đản bị đại bá của nó đánh đến chảy máu mũi, còn nghe đại bá nương nó nói sẽ bán nó cho bọn buôn người đấy!” Lâm Viễn Thu cảm thấy mình cần phải cho cha biết những đứa trẻ không có cha tội nghiệp đến thế nào.

Lâm Tam Trụ nghĩ con trai sợ hãi, vội vã xoa đầu con và an ủi, “Viễn Thu đừng sợ, nếu sau này có ai dám ức hiếp con, cha sẽ đánh cho bọn họ không còn răng để nhai nữa!” Chỉ cần có "sau này" là được.

Lâm Viễn Thu thở phào nhẹ nhõm, xem ra cha cậu không định bỏ nhà ra đi, thế thì yên tâm rồi.

Còn về việc cha mang theo áo bông đi lên trấn để làm gì, nếu nghĩ không ra thì không cần nghĩ nữa.

Trẻ con nên tập trung vào việc học thôi.

Sau khi tạm biệt cha, Lâm Viễn Thu nhanh chóng đi vào học đường.

Vì cái miệng rộng của Lâm Văn Tiến mà mấy ngày nay, các bạn học trong lớp, thậm chí cả thầy Vương, đều biết nhà cậu tạm thời không có tiền mua sách.

Lâm Viễn Thu nghĩ, nếu không phải mỗi lần thầy Vương gọi lên trả bài, cậu đều đọc không sót chữ nào, có khi đã bị thầy khuyên nghỉ học từ lâu rồi.

Xem ra học trò nỗ lực học hành chăm chỉ, dù ở đâu cũng sẽ được lão sư yêu quý.

Vì vậy, cậu cần phải cố gắng hơn nữa.
......

Thôn Tiểu Cao Sơn cách trấn Hoành Khê không xa lắm, đi bộ mất khoảng tầm một canh giờ là tới.

Do đó, khi Lâm Tam Trụ cõng tay nải đi đến trấn, thì cũng vừa đến giờ Thìn.

Đi một quãng đường dài như vậy, bụng Lâm Tam Trụ đã đói từ lâu.

Hắn sờ sờ hai đồng tiền trong túi áo, quyết định đi tới tiệm vải trước, rồi mới tìm cách lấp đầy bụng.

Nơi náo nhiệt nhất ở trấn Hoành Khê chính là đường Xương Bình, nơi này có nhiều cửa hàng san sát nhau, riêng tiệm vải cũng đã có năm, sáu cái.

Lâm Tam Trụ chọn một tiệm cỡ vừa để vào, bởi vì hắn thấy tiệm này có bán cả quần áo may sẵn.

Chưởng quầy nhìn thấy có khách đến, vội ngẩng đầu chào đón.

Nhưng khi thấy Lâm Tam Trụ mặc chiếc áo bông cũ bạc phếch, nụ cười của chưởng quầy liền thu lại, có chút tùy ý hỏi, “Khách quan muốn mua gì?”

Lâm Tam Trụ hơi ngượng ngùng, hơn ba mươi năm sống trên đời, đây là lần đầu tiên hắn đi bán áo, cảm giác như trên mặt đang bị thiêu đốt vậy.

Nhưng khi nghĩ đến gương mặt nhỏ nhắn tràn đầy mong đợi của con trai, Lâm Tam Trụ không còn cảm thấy xấu hổ nữa.

Dù sao hắn cũng không trộm không cướp của ai, có gì mà phải xấu hổ.

Lâm Tam Trụ lấy lại bình tĩnh, cởi tay nải trên lưng xuống mở ra và đẩy chiếc áo bông mới về phía chưởng quầy, nở nụ cười nói, “Chưởng quầy, tôi muốn bán chiếc áo bông mới này.”

Nghe thấy khách muốn bán áo bông, chưởng quầy cũng không ngạc nhiên lắm.

Ngoài việc bán các loại vải dệt phổ biến, tiệm của họ còn có bán quần áo may sẵn, nên thường có phụ nữ từ các thôn xung quanh mang đồ thêu của mình đến đây bán.

Nếu tay nghề tốt, tiệm họ đều sẽ thu mua.

Chưởng quầy cầm chiếc áo bông lên xem kỹ.

Vải chỉ là loại vải bông thông thường, nhưng đường may khá tinh tế, có thể thu mua được.

Chưởng quầy gật đầu, “Ta trả 30 văn.”

“Ba mươi văn?” Có phải hơi rẻ không? Lâm Tam Trụ nhớ cái áo bông này của mình, chỉ riêng tiền mua vải và bông đã hết hơn hai mươi văn, chưa kể công sức may vá của Phùng Thị.

Sao lại chỉ đáng 30 văn chứ?

“Chưởng quầy, có thể trả thêm chút được không?” Lâm Tam Trụ cảm thấy dù là sách rẻ tiền nhất thì chỉ ba mươi văn cũng không mua nổi.

Chưởng quầy hơi mất kiên nhẫn, “30 văn, không thêm một đồng nào, chịu bán thì bán, không thì thôi!”

Nếu không phải vì tay nghề may cũng không tệ, với loại nguyên liệu này, ông ta cũng chẳng thèm mua đâu.

“Bán, bán!” Lâm Tam Trụ đẩy chiếc áo về phía trước, “Tôi bán!” Chưởng quầy đếm đủ 30 văn tiền, Lâm Tam Trụ nhận lấy bằng cả hai tay, đếm kỹ rồi dùng tấm vải bọc lại, nhét vào trong áo.

Cuối cùng, hắn nhìn chiếc áo bông trên quầy một lần nữa rồi quay người bước nhanh ra khỏi tiệm.

Không sao, áo bông cũ trên người vẫn có thể mặc thêm vài năm nữa.

Bụng bắt đầu kêu réo, Lâm Tam Trụ lấy ra hai đồng tiền mẹ đưa lúc sáng, nhanh chân đi về phía quán bánh bao đằng trước.

Bánh bao thịt có giá hai văn tiền một cái, loại nhỏ hơn giá một văn, màn thầu cũng một văn một cái, còn loại rẻ hơn làm từ bột thô thì một văn mua được hai cái.

Lâm Tam Trụ mua hai cái bánh màn thầu bột thô giá một văn, còn lại một văn thì cất vào túi áo, vừa nhai bánh vừa đi tiếp.

Hắn định ghé qua tiệm sách để xem còn thiếu bao nhiêu tiền.

Tiệm sách nằm ở một con phố khác, từ phố Xương Bình đi về phía nam, đi thêm khoảng mười lăm phút là tới.

Khi đi ngang qua cổng Tam Đình, hắn nghe thấy tiếng pháo nổ đùng đùng từ phía trước, có lẽ nhà ai đó đang làm đám cưới.

Lâm Tam Trụ dừng bước, cố vươn cổ nhìn xem có chuyện gì, liền thấy một đám đông đang đổ dồn về phía có tiếng pháo nổ.

“Nhanh lên, nhanh lên, lão gia nhà họ Hà có con trai, sắp phát tiền mừng rồi!”

Phát tiền mừng?!!!

Nghe vậy, Lâm Tam Trụ nào còn bận tâm đến cái màn thầu đang ăn dở, hắn vội vàng nhét hai cái màn thầu vào vạt áo rồi nhanh chóng hòa vào dòng người chen lấn chạy về phía nhà họ Hà.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui