Con Gái Gian Thần

TRỊNH DIỄM KÉO BÈ DẪN PHÁI, NGƯỜI KHÁC THÌ KHÔNG SAO, NHƯNG LẠI CHỌC PHẢI MỘT NGƯỜI – TỪ CỬU NƯƠNG.

Trịnh Diễm nói một thôi một hồi Về Từ Thiếu Quân, chẳng những hai người đang trong tư thế sẵn sàng tám chuyện như A Khánh A Tiếu trợn mắt há hốc mồm, mà đám A Thang không tham gia, chỉ vươn anten hóng hớt cũng quên cả việc đang làm, bưng chậu đứng ngờ ra, rót nước trà tràn cả ra ngoài. Xem như các chị cũng lanh lợi, có người từng bị mua qua bán lại mấy lần, ganh đua giữa các nô tì khá kịch liệt, từng chứng kiến không ít chuyện, nay lời giải thích của Trịnh Diễm đã khiến cho mọi người được mở rộng tầm mắt.

Trịnh gia ít người, các anh chị em trong nhà chung một mẹ, dù phất nhanh, nhưng trong nhà chưa từng xảy ra chuyện bẩn thỉu nào, ngay cả lòng dạ các nô tì đi theo cũng rất trong sáng.

Chân A Thôi bị nóng, cúi đầu nhìn xuống thì thấy nước trà đang tràn ra từ trên bàn, vội đặt ấm xuống, tìm khăn lau. A Thang đang bưng chậu, bắt đầu thấy tê tay, đặt xuống, vắt khăn nóng mang tới cho Trịnh Diễm: “Có lẽ… Từ Tứ nương đang kể khổ, nói đã miệng, thuận mồm đây mà.”

Trịnh Diễm lau mặt, cả người thư thái. Những điều nàng nói ban nãy cũng hơi cay nghiệt, có lẽ Từ Thiếu Quân không đến mức quá tệ, chẳng qua vì có liên quan đến xuất thân, ăn cây nào rào cây đó, tính toán cho mình, không cần biết có kế hoạch hay không, cứ mào đầu ám thị trước rồi tính tiếp, đỡ đến khi cần lại bị thiệt thòi, không ai nhớ tới. Nhưng Trịnh Diễm vẫn không thể thoát khỏi cảm giác bị lợi dụng nặng nề - thôi rồi! Đấy là nàng vẫn chưa xoáy vào từng chữ của Từ Thiếu Quân, dầu gì Đồ thị đã nuôi cô ta lớn ngần này, thế mà lại dùng một từ ‘chứa chấp’, thay vì ‘nuôi dưỡng’, thì đúng là thách thức thần kinh.

Khăn mặt nóng rất có tác dụng, Trịnh Diễm trả lại khăn cho A Thang: “Biết thế thôi, ta thấy cứ mặc chuyện này đi. Nói chuyện này với các chị, chính vì muốn báo các chị một điều, đừng nhìn ai cũng thấy tội nghiệp, đáng thương. Nay ta đi lại nhiều, các chị ra ngoài cùng, gặp nhiều người, đủ thứ chuyện trên đời, dù có việc gì, nhờ giúp đỡ hay đồn đại, chớ đồng ý ngay. Đồng ý với người ta cũng như là thiếu nợ họ vậy, không làm sẽ áy náy, bị lừa lại khó chịu.” Nếu đúng là bị gạt, kẻ lừa đảo còn cười nhạo bạn là đồ ngốc, sau này gặp chuyện như thế, sẽ lại cho vào tròng.

A Tiêu xuýt xoa một tiếng: “Nhưng chúng ta có bản lĩnh gì để người khác nhờ giúp đỡ chứ.”

Trịnh Diễm cười nói: “Ta đang muốn nhắc tới chuyện này đây, các chị ngừng tay đi, đáng lẽ định nói cách đây hai ngày rồi, nhưng bận quá nên thôi. Nếu hôm nay không nói thì kẻo mai lại quên mất. Gọi mọi người lên hết trên đây, ta có điều muốn nói.”

A Thang vắt khăn lên thành chậu, A Thôi cũng bỏ khăn lau xuống, A Khánh đi gọi các tì nữ đang không làm việc tới. Mọi người không biết Trịnh Diễm muốn nói chuyện gì, trong lòng không khỏi bồn chồn, trong nhà còn có nha hoàn làm việc tay chân và các vú già nữa, tại sao lại chỉ gọi bọn họ thôi?

A Tiếu gọi mọi người tới, nhẹ giọng báo với Trịnh Diễm: “Thất nương, đã đủ rồi.”

Không cần chị nói, Trịnh Diễm cũng thấy được. Nàng vừa từ buổi họp mặt ngày tết ra, đã thay bộ váy áo trang trọng mặc khi có khách, hiện trên người chỉ là bộ đồ đơn giản ở nhà, cũng đã tháo trâm, búi tóc tùy tiện, tay dựa vào gối. Quét mắt qua, khiến đám A Tiếu càng cảm thấy có áp lực. Lúc này Trịnh Diễm mới nói: “Mấy ngày trước mẹ có bảo ta rằng, muốn sắp xếp lại những người bên cạnh. Các chị đều đã lớn tuổi, lỡ mùa hoa thì không nên…”

Mọi người đều kinh hãi, đây là lần đầu tiên Trịnh Diễm chính thức nói về chuyện này với các chị, bọn họ đều lớn tuổi hơn nàng, nay Trịnh Diễm xuất giá, quả thật tuổi các chị cũng là một vấn đề. Các chị cũng đã nghe tin đồn loáng thoáng, Đỗ thị muốn đổi người hầu cho con gái, nhưng không phải cứ tùy tiện thêm cho đủ số lượng là xong, trước hết phải lựa chọn, thiếu thì tìm thêm, qua một thời gian thử việc mới xác định cấp bậc sau. Chuyện này liên quan tới đồ cưới, nhanh thì mấy tháng, chậm thì một hai năm, Đỗ thị đã định bắt tay vào làm, nhưng vì tết đến nên tạm không giục người dưới đi làm.

Tâm tình các chị đang rất mâu thuẫn, một mặt, đến tuổi mà không gả thì sẽ không gặp được người có điều kiện tốt, mặt khác thì vì không nỡ. Trịnh Diễm là người rộng lượng, không bạc đãi các chị, cũng không cáu gắt khó chịu, đi theo ở chung với nàng nhiều năm nay, đều có tình cảm, rời khỏi Trịnh Diễm, về cuộc sống vật chất giảm đi thì không cần phải nói, nhưng cảm giác mất mát cũng khó tránh.

A Khánh có vẻ sốt ruột, muốn nói lại thôi, bị Trịnh Diễm khoát tay ngăn lại, nàng nói: “Điều ta muốn nói không phải là đây, bây giờ ta muốn hỏi các chị, các chị có ý kiến gì không? Không cần trả lời ngay, cứ về suy nghĩ cẩn thận, ngày mốt nói lại cho ta biết. Nhiều năm vậy, đừng để những giờ phút cuối cùng lại sắp xếp không chu toàn, ồn ào sinh chuyện.”

Đám A Tiếu đều quỳ xuống: “Chúng tì chỉ nghe theo sắp xếp của chủ nhân.” Còn muốn nói gì nữa thì Trịnh Diễm bảo: “Các chị cứ về suy nghĩ đi, muốn ở hay đi, hoặc muốn tự sinh sống, ta sẽ gắng sức chu toàn. Dù vừa ý hôn phối hay không, cũng chớ làm rối chuyện, mọi người được suôn sẻ vui vẻ mới tốt. Trước đây ta còn nhỏ, không tiện nói những việc này với các chị, nay chuyện tới trước mặt, cũng chẳng thể giả vờ thẹn thùng nữa. Các chị cứ từ từ suy nghĩ.” Nói xong ngáp dài đi ngủ.

Để lại tám người với những nỗi lòng khó tỏ, đêm nay chẳng ai ngủ yên.

Trịnh Diễm cảm thấy mình đã làm một chuyện tốt, hôm sau lặng lẽ đến nói chuyện này với Đỗ thị: “Con nghĩ, nếu bọn họ đã có ý riêng của mình mà chúng ta miễn cưỡng gả cho nhà người ta, e sẽ có oán giận.”

Đỗ thị nghe xong trừng mắt, tự nhủ thầm trong bụng ‘Đang tết nhất, không thể nói điều khó nghe’ hơn mười lần liền, nhưng không được, bà vẫn muốn đánh Trịnh Diễm! Hung dữ lấy ngón tay đâm vào trán Trịnh Diễm, cắn chặt răng không mở miệng, sợ nếu mở miệng ra sẽ mắng chửi, đen mắt nói với Triệu thị: “Con nói với nó đi!”

Từ lúc Triệu thị nghe Trịnh Diễm nói xong cũng thầm than: Dù sao Thất nương cũng vẫn là trẻ con, nàng vừa hỏi như thế, các tì nữ ngoại trừ tỏ ra trung thành thì còn biết nói gì? Liều mạng nói với nàng không muốn đi, muốn ở lại Trịnh gia sao? Mẹ chồng đã giao nhiệm vụ cho, Triệu thị đành uyển chuyển tìm lời với Trịnh Diễm: “Thất nương có ý tốt, nhưng chuyện này lại làm hơi ẩu rồi.”

“?” Bị đâm vào trán, Trịnh Diễm cảm thấy tình hình không ổn, vội hỏi, “Là thế nào ạ?” Vừa hỏi, vừa gãi nhẹ vào lưng Đỗ thị, vai Đỗ thị khẽ run lên, tay Trịnh Diễm trượt xuống gãi tiếp, xoa xoa rồi lại trượt xuống. Trịnh Diễm chơi trò xỏ lá, dựa vào lưng ôm Đỗ thị như bạch tuột không chịu buông. Đỗ thị để mặc nàng ôm, không lộ cảm xúc.

Triệu thị cười thầm trong bụng, nghiêm túc nói với Trịnh Diễm: “Thất nương suy nghĩ cho bọn họ, không muốn xảy ra tình trạng làm chủ tớ một thời gian mà đến khi ấy lại ép buộc nhau, phải không? Nếu muốn ở mà đưa theo, muốn đi nhưng giữ lại, sẽ không thuận tâm ý, phải không?”

Trịnh Diễm gật đầu thật mạnh: “Nhiều năm ở bên nhau vậy, thân thiết thế rồi, sao không để mọi người được vui chứ?”

Triệu thị nói: “Thất nương nhầm rồi, tuy muốn thu nạp lòng người, nhưng Thất nương là chủ nhân, không thể dung túng vậy được. Muội dùng cô ta, cô ta có không muốn cũng phải theo, đây là quy củ, không thể quá thả lỏng nô tì, như thế không phải là đạo quản gia. Chuyện gì cũng hỏi ý nô tì như vậy thì muội còn gì nữa? Dù Thất nương muốn hỏi ý bọn họ, cũng nên hỏi riêng, hỏi thẳng như thế, bọn họ cũng chẳng tiện trả lời.”

Bây giờ không phải lúc tự kiểm điểm, Trịnh Diễm ngoan ngoãn nhận sai: “Muội đã không suy nghĩ chu đáo – nhưng bây giờ đã nói ra rồi, phải giải quyết thế nào đây? Nói đã nói rồi, muội phải chấp nhận.”

Cuối cùng Đỗ thị cũng bình tĩnh trở lại, trước tiên vẫn phải mắng Trịnh Diễm một trận: “Con giỏi quá nhỉ, đứng ngay qua một bên cho mẹ, một hơi chọn tám đứa cho ra ngoài, con giỏi lắm!”


Triệu thị giảng hòa: “Mấy năm nay chúng ta đã lặng lẽ quan sát, coi như tám người bọn họ cũng hết lòng vì muội, lại chăm sóc muội từ bé, nay muội làm việc thiện, cho bọn họ cái ơn thì cũng không có gì không thể. Nhưng nay này nhất định không được lặp lại nữa!”

Trịnh Diễm gật đầu nghiêm túc: “Vậy, muội sẽ hỏi lại từng người à?”

Đỗ thị nói: “Còn thế nào nữa?”

Trịnh Diễm le lưỡi, vừa đấm lưng vừa dâng trà, Đỗ thị cũng hết cách với nàng. Đợi khi nàng đi lo liệu việc của các nô tì, Đỗ thị quay sang nói với Triệu thị: “Nó là thế đó! Sao ta có thể yên tâm được chứ? Xuất giá chậm lại một năm cũng tốt, dạy thêm cho, tránh bị xấu mặt.”

Triệu thị nói: “Thất nương không phải người không có chủ kiến, ý của muội ấy cũng không sai, dùng nô tì thì phải để người ta một lòng quy thuận. Lớn lên cùng nhau, muốn những người bên cạnh được sống tốt, con nít ấy mà, dù sao cũng dễ mềm lòng. Chỉ cần nói với muội ấy rồi thì sau này nhất định sẽ không tái phạm nữa.”

Đỗ thị nói: “Cũng chỉ mỗi như thế.”

Triệu thị cười theo, Trịnh Diễm coi như được chị nuôi lớn, dạy làm thục nữ, tuy rằng đôi lúc có phạm sai, nhưng Triệu thị vẫn rất hài lòng về cô em chồng này, không khỏi nói thêm nhiều lời tốt cho Trịnh Diễm.

***

Trịnh Diễm rút kinh nghiệm xương máu, tự biết bản thân vẫn còn non nớt trong nhiều chuyện, không khỏi đế ý nhiều hơn. Các em gái có thể hung hãn, nhưng không được thô lỗ. Nghĩ sẵn trong đầu, lúc muốn nói chuyện với các tì nữ, A Khánh và A Tiếu đến cùng nhau. Vừa đến liền quỳ song song trước mặt: “Thất nương, từ trước tới nay chúng tì luôn đi theo Thất nương, hầu hạ đã quen, nguyện đi theo Thất nương suốt đời.” A Tiếu nói: “Nô tì vốn là quan nô, dù Thất nương có lòng, nhưng cũng không có hi vọng gì, Thất nương đã đối xử tốt với nô tì, nô tì muốn theo người cả đời.” A Khánh lại tiếp: “Ngay cả cha mẹ quê quán ta cũng không còn nhớ rõ.”

Tám tì nữ của Trịnh Diễm, A Tiếu, A Kỳ, A Thang, A Thôi, vốn đều là quan nô, hai trong số đó là được Hoàng đế thưởng cho, hai người còn lại may mắn gặp đợt đại xá, từ quan nô mua đi bán lại trở thành nô tì tư gia. Trong mắt A Tiếu, cuộc sống những năm gần đây không tệ, đã nhận ân huệ của Trịnh gia, nay Trịnh Diễm phải xuất giá, nhà chồng ít người, nhà bà ngoại của Trì Tu Chi cũng chẳng đỡ lo hơn, bản thân đã hầu hạ lâu ngày, dù gì cũng có thể chăm sóc để cuộc sống của Trịnh Diễm được thoải mái, quyết định không rời.

A Khánh, A Hương, A Nguyệt, A Tuyên bị lừa bán đến đây, không còn nhớ rõ cha mẹ người thân, A Khánh cũng tình nguyện đi theo Trịnh Diễm, thành của hồi môn tới Trì gia.

Trịnh Diễm nói: “Các chị không cần quá lo, dù muốn đi theo hay ở lại, ta sẽ có sắp xếp.” Hai người nhất định không chịu, Trịnh Diễm đành bảo: “Dù là đi hay ở, hai người cũng phải suy nghĩ tới chuyện cưới xin sau này chứ? Nếu trong nhà có hợp ý ai, lập gia đình thì ta cũng có bộ chăn đệm nữ trang tặng cho.” Hai người đều nói không xem trọng ai cả, A Tiếu và A Khánh đã bàn trước với nhau, hai người vẫn chưa quá lớn tuổi, sau khi Trịnh Diễm gả đi rồi hẵng nhắc tới cũng chưa muộn. Nếu đến chỗ cô gia gặp người thích hợp thì coi như cũng xong. A Tiếu còn muốn cả đời không lấy chồng, cứ vậy ở bên Thất nương cũng được.

Hai người đã quyết định đi theo, Trịnh Diễm nói: “Tâm ý các chị, ta đã hiểu, trở về nghỉ ngơi đi, chuyện này do ta gây ra, vốn nên hỏi riêng từng người. A Tiếu, chị gọi A Kỳ tới đi.”

A Kỳ cũng muốn đi theo Trịnh Diễm: “Dù có làm Thất nương không vui, nhưng nô tỳ hầu hạ Thất nương đã quen, có ở lại cũng vô dụng.”

Nói chuyện với chị xong, lại bảo chị gọi A Thang tới. A Thang cũng có việc muốn thưa: “Nô tì muốn đi theo Thất nương, nhưng…”

“Thế nào? Chị cứ nói đi.”

A Thang trả lời: “Nô tì vốn là quan nô, nghe nói vì ông ngoại phạm pháp, đàn ông trong nhà sung quân, đàn bà làm nô, mẹ của nô tì cũng bị phạt làm nô, sau này mới sinh ra nô tì và em trai. Sau khi mẹ chết rồi, chúng nô tì may mắn được ân xá, mang bán đi, nhưng bị chia ra bán.”

Chị ta muốn tìm em trai.

Trịnh Diễm nói: “Chuyện này cũng không khó gì, quan nô đều có trong danh sách, bán đi thì có ghi chép, hơn nữa cũng chưa quá lâu, không chừng vẫn còn manh mối.”

A Thang nghìn ân vạn tạ. Trịnh Diễm ngẫm nghĩ, hẳn lần đầu tiên em trai A Thang bị bán trong kinh, có thể nhờ Kinh Triệu giúp đỡ.

Tiếp theo là A Thôi, A Nguyệt, A Tuyên, A Hương. Trong đó A Nguyệt ghi nhớ ân tình của Trịnh Diễm, nhưng vì bị lừa bán mấy lần, đổi hoàn cảnh thì không tự tin, được Trịnh Diễm nhìn ra, bằng lòng để chị ở lại, đưa tới nhờ Triệu thị trông giúp. A Nguyệt cảm tạ rối rít, còn tiết lộ: “A Thành chỗ phu nhân muốn đưa A Tuyên về làm dâu.” Thật ra tình hình chị ta và A Tuyên cũng khá giống nhau.

A Tuyên hơi do dự: “Chuyện này, nô tì không có ý kiến gì.” Trịnh Diễm nói: “Vậy phải xem chị muốn hay không, nếu không, ta sẽ trả lời thay.” A Tuyên không nói. Nếu Triệu thị có ở đây, hẳn sẽ nói Trịnh Diễm là một đứa trẻ dễ mềm lòng

A Tuyên suy nghĩ hồi lâu, bàn bạc với đám A Thôi, cảm thấy nếu Trịnh Diễm xuất giá mà chị xin được ở lại không theo thì quá phận. Nhưng sau khi Trịnh Diễm xuất giá, để lại vài người ở nhà mẹ đẻ thì có thể đỡ đần cho nàng phần nào. Trì Tu Chi xinh đẹp, nhìn thì có tiền đồ, nhưng so với tướng phủ vẫn có sự khác biệt, ít nhiều gì cũng phải dựa vào tướng phủ, có chị và A Nguyệt ở lại, chưa nói chuyện gì khác, thi thoảng nhắc tới cũng tốt. Hơn nữa A Thành cũng là người đắc lực trước mặt Đỗ thị, nếu mình ở lại cũng không tệ.

A Thôi thấy cũng phải: “Vậy cô ở lại, ta đi theo Thất nương.” Còn một câu A Thôi chưa nói, trong tám người, kể ra có A Tuyên, A Nguyệt, A Tiếu đã lớn tuổi, quyết định ở lại trong nhà thì có thể lập gia đình. Đám A Thôi còn nhỏ, chờ thêm một hai năm nữa vẫn ổn: “Thất nương có lòng tốt, để chúng ta tự chọn, chúng ta không thể không có lương tâm, ở lại thì tận tâm, đi theo cũng hết lòng hết dạ. Nếu đều ở lại, những tiểu nha đầu khác vào thay, có chỗ nào hầu hạ không chu đáo sẽ phiền tới Thất nương.”


A Tiếu nói: “Cô nói rất đúng, không khéo ta cũng quên. Cô có thấy trong phủ không nhiều nhũ mẫu không, trước đây nhũ mẫu chăm sóc cho Thất nương cũng thật thà phúc hậu, không ngờ tính tình lại yếu đuối. Khi đó ta còn nhỏ, không nhớ rõ người kia là thế nào, nhưng cũng là Huyện chủ, đẩy Thất nương một cái, Thất nương bị ngã trên đất khóc nức nở mà nhũ mẫu lại chỉ biết dập đầu!”

Lúc Đỗ thị nghe tiếng khóc chạy tới thì nổi giận, Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng nổi điên. Từ đó về sau Trịnh gia vẫn tuyển chọn những nhũ mẫu trung hậu, đến khi trẻ lên hai tuổi rồi thì cho tiền đuổi đi, tiếc là những đứa bé trước đó… có phần quá thật thà hiền lành.

Chuyện cứ được quyết định như thế, A Nguyệt, A Tuyên giữ lại làm liên lạc viên, sáu người khác đi theo. Đương nhiên có người bán chủ cầu vinh thì cũng có kẻ trung thành. Chuyện này liên quan tới tính tình bọn họ lẫn cách giải quyết của chủ nhân.

A Thành biết Trịnh Diễm đồng ý để người ở lại, rất biết ơn. Trịnh Diễm cười nói: “A Tuyên là người ta thích, không phải cô tới đòi thì là ai ta cũng không chịu đâu, giao chị ấy cho cô đấy.” A Thành vui vẻ nói: “Nó cũng là đứa hiền lành, ta còn không thích hết, nếu không cũng chẳng vác mặt dày tới cầu xin Thất nương thế này đâu.” Con trai A Thành đi theo Trịnh Sâm, là một tiểu quản sự, cưới con gái bên ngoài thì cũng được, nhưng hai mẹ con cùng thương lượng, người trong nhà vẫn thích hợp hơn. Bỏ qua ý kiến của cha người ta.

Trịnh Diễm nói được làm được, nàng cũng là một tiểu tài chủ trong đám tiểu bối Trịnh gia, tết năm nay lại kiếm được không ít thứ tốt. Tặng cho A Tuyên một bộ chăn đệm, hai bộ đồ mới, một bộ nữ trang, lại còn đến tiệm đồ gỗ đặt hàng, mới đầu năm đóng một bàn trang điểm, một giường, hai cái kệ, một bộ bàn ghế, để bày biện trang trí làm đồ cưới.

A Nguyệt cũng có người hỏi, là tiểu đồng của Trịnh Đức Hưng, Trịnh Diễm tặng của hồi môn giống vậy. Nàng cũng không lo nhân phẩm người chồng tương lai của hai người bọn họ không tốt, Trịnh Tĩnh Nghiệp dùng người cũng có tiêu chuẩn riêng, ông cho rằng đàn ông háo sắc sẽ không làm được việc lớn, háo sắc, đầu óc không tỉnh táo, không thể trọng dụng được. Cho dù là nô bộc hay chuyện quan trọng cũng để những người có đạo đức làm. Đây chính là điều được viết trong kịch sử gia huấn ngắn ngủi của Trịnh gia.

Bên này đã có người bảo bọc, ai cũng có chỗ dựa, rất yên tâm. A Nguyệt A Tuyên ghi nhớ trong lòng, nô tì trên dưới cũng để ý, rất nhiều người mong sao có thể được thế vào vị trí trống ấy. Đám A Tiếu mở to mắt thầm đánh giá, A Tuyên cũng vừa giúp đỡ A Thành, vừa làm tình báo.

***

Hiện tại Trịnh Diễm không để ý đến chuyện này, vẫn còn trong tháng giêng, dù nô tì thành thân, nhưng hai bên cũng có chút mặt mũi trong phủ, vừa muốn theo trình tự vừa muốn đơn giản hóa thì cũng phải tới mấy tháng. Việc bây giờ nàng phải làm là xã giao.

Nhất định phải vào cung, theo Đỗ thị đến điện Chiêu Nhân, thấy Trưởng công chúa Khánh Lâm cũng ở đó. Trịnh Diễm bước vào liền cảm thấy điện Chiêu Nhân hơi lạnh, trong phòng Trịnh Diễm, mùa đông không đốt nhiều than, nếu nhiệt độ trong ngoài chênh lệch quá cao dễ sinh bệnh. Có điều chỗ Miêu phi ngày trước không thế, mùa đông ở đây, nàng chỉ cần mặc áo hai lớp là được. Đến khi thấy cái áo lông chồn màu bạc Miêu phi đang khoác, mặt mày hồng hào, tỏ ra rất vui vẻ, Trịnh Diễm liền hiểu, thì ra là vì chiếc áo lông thú này đây.

“Chao ôi, đẹp quá đi mất!”

Miêu phi có vẻ tự hào: “Đây là của Bát Bộ Địch cống lên đấy.”

Chị hai à, Bát Bộ Địch chia làm tám bộ, đánh nhau đến mức đất trời sục sôi, sao lại cùng tặng một quà cho được? Trịnh Diễm thầm kì thị, không cần hỏi, nhất định là chị hai này không nhớ rõ tên bộ tộc người ta rồi.

Trưởng công chúa Khánh Lâm cũng cười thầm, miệng lại nói: “Chỉ có một cái thôi đấy.” Đỗ thị cũng khen hai câu, thuận miệng hỏi: “Ta thường nghe thấy da lông ở đó thì tốt, nhưng không biết chỗ nào thì tốt nhất nhỉ?” Bà đang có ý gom đồ cưới cho con gái. Như tính của Trịnh Diễm ấy à, thôi thì mang nhiều đồ cưới một chút cho chắc.

Miêu phi nào biết: “Ta cũng không rõ, nếu không thì hỏi Thánh nhân thử đi? Hình như cái bọn chúng cống lên là tốt nhất. Ta cũng muốn biết, cũng là để thêm đồ cưới cho Trịnh Diễm.”

Trịnh Diễm nghĩ bụng, này thì liên quan gì đến mình? “Sao lại nói tới con?”

“Chu choa chu choa~”

“Đừng ồn! Đừng ồn! Đừng ồn nữa!”

Bỗng Đỗ thị nói: “Giọng này nghe quen quá!”

Trịnh Diễm tiếp lời: “Là A Ninh đó.”

Trưởng công chúa Khánh Lâm gật đầu: “Là nó đấy, ban nãy chơi chung với Nhị Thập Tứ lang. Đến khi mệt rồi thì ngủ, nếu không thì sao ở đây lại yên tĩnh vậy được chứ?”

Trịnh Diễm nhón chân, đến nhìn sau mành, Nhị Thập Tứ lang Tiêu Lệnh Banh sờ mặt Cố Ninh, vẻ mặt Cố Ninh đang rất khó chịu. Vội vàng chạy ra: “Mang Nhị Thập Tứ lang ra, đánh thức A Ninh thì chúng ta sẽ bị cho một bài đấy! Thầy đang dạy nó phép tắc, lần trước đã niệm ‘Ăn không nói ngủ không nói’ với con suốt một canh giờ.”

Miêu phi nghe thấy thì tái xanh mặt mày, ban nãy Cố Ninh cũng đã niệm ‘Phải tiết kiệm’ với bà một hồi, đành đẩy con trai cưng của mình đi.


Đã muộn, Cố Ninh đã tỉnh. Trịnh Diễm dám lấy cái áo choàng của Miêu phi ra thề, có đánh chết Tiêu Lệnh Banh thì lần sau nó cũng không dám đánh thức Cố Ninh nữa. Cố Ninh chưa tỉnh hẳn, ngái ngủ nhắc Tiêu Lệnh Banh đi tìm cha.

Trưởng công chúa Khánh Lâm ôm con chào Miêu phi: “Ta đưa nó về đây.” Đỗ thị cũng lập tức đứng dậy, vừa xoa đầu vừa nói: “Ta cũng phải về nghỉ ngơi một chút.”

Trịnh Diễm đỡ Đỗ thị rời khỏi điện Chiêu Nhân, chưa ra khỏi cung, trên đường gặp phải Hoàng đế đang nghe tin mà mà tới, Tiêu Lệnh Banh bám vào sau cha mình sống chết không chịu chui ra, thấy Cố Ninh vẫn mang vẻ ngái ngủ, càng trốn kĩ hơn. Hoàng đế cười to, đi tới chọc cháu trai, bị Cố Ninh nắm râu nhổ trọc. Trưởng công chúa Khánh Lâm liền ôm con chạy trốn, Đỗ thị cũng mang Trịnh Diễm chào Hoàng đế ra về. Trịnh Diễm có lòng tốt nói với ngài: “Hôm nay Quý phi đẹp lắm đấy, Thánh nhân mau đi đi.”

Cố Ninh: “Đi đi đi đi đi đi…”

Hoàng đế: … Muốn đánh thằng nhóc này quá, bác đánh cháu trai là không phạm pháp, đúng không?

Trưởng công chúa Khánh Lâm không dám dây dưa thêm, kéo con bước đi.

Ra khỏi cửa cung liền mời mẹ con Đỗ thị tới nhà bà ngồi một chút. Hôm nay cũng chẳng có việc gì, chẳng qua tới báo một tiếng, chứng tỏ lập trường, nói chuyện phiếm với Quý phi một chốc, nếu điện Chiêu Nhân xong sớm thì cũng đến chỗ Trưởng công chúa Khánh Lâm cũng vậy.

Chia ra ba xe để ngồi, Trưởng công chúa Khánh Lâm mang con theo, bước lên xe liền chỉa tay vào trán Cố Ninh: “Quỷ con láu cá.” Cố Ninh le lưỡi: “Tại con thấy mẹ không thích nói chuyện với Quý phi mà.” Tưởng nhóc chỉ có một công dụng như máy phát thật sao?

Trưởng công chúa Khánh Lâm thở dài: “Nói chuyện với cô ta cũng được, có điều hôm nay thì hơi mệt.”

Cố Ninh cắn ngón tay, nghẹo đầu suy nghĩ, mệt mà sao mẹ lại mời thím và tỷ về nhà? Trưởng công chúa Khánh Lâm ngẫm nghĩ sâu xa, chớp mắt liền biến thành cọp cái: “Ai cho con cắn móng tay?”

Lúc Cố Ninh tủi thân bước xuống xe, tay trái nắm tay phải không dám đưa lên miệng nữa, vừa bước vào nhà liền bị ném đi ngủ bù – Trưởng công chúa Khánh Lâm hiểu rõ, lúc nói chuyện bí mật thì không thể để chim két bên cạnh.

Trưởng công chúa Khánh Lâm vừa ngồi xuống liền thở dài, trước mặt mẹ con Đỗ thị, bà không ra vẻ, thở xong nói thẳng: “Kéo hai người tới đây cũng vì có việc quan trọng, dù có chuyện khác thì cứ hãy nghe ta nói rồi suy xét sau.”

Đỗ thị nói: “Bà nói đi.”

“Quý phi gấp đến mức không chờ được nữa rồi.”

“Hả?” Hai mẹ con cùng thốt lên.

“Nghe kể, gần đây cô ta thường quấn lấy Thánh nhân, muốn lập Nhị Thập Tứ lang làm Thái tử, lùi một bước thì Nhị Thập Tam lang cũng được. Bà nói xem thế là sao?”

Đỗ thị nói: “Tâm tư của cô ta không phảiđã rõ từ sớm rồi sao? Sao hôm nay lại muốn tránh đi?”

“Thánh nhân chọn phi cho chư vương, không phải Quý phi càng sốt ruột hơn sao?” Kết hôn, là dấu hiệu trưởng thành, cũng là dấu hiệu để tiến tới củng cố thế lực thêm một bước, Miêu phi có hai con, đều còn rất nhỏ, Hoàng đế lại sống chết không mở lời, sao cô ta không sốt ruột cho được? “Muốn nhờ ta nói giúp, bảo là Nhị Thập Tam lang cũng đã mười hai, có thể đính hôn rồi. Ta nào dám đồng ý chứ? Đến khi gặp hai người, sợ rằng sẽ lại hỏi, ‘Trịnh tướng công thấy hoàng tử nào được thế?’ Cô ta chỉ có cái này là không tốt.” Đầu óc hơi có vấn đề.

Đỗ thị và Trịnh Diễm liếc mắt nhìn nhau, Trịnh Diễm nói: “Tới giờ cha con cũng không nói tiếng nào.”

Trưởng công chúa Khánh Lâm thở dài: “Ngay cả ta cũng không chắc, Thánh nhân còn hỏi ta, tiểu nương tử nhà Tương Thành hầu thế nào. Ta thấy Tương Thanh hầu không phải thế gia, sao lại hỏi tới nhà bọn họ?” Mà nghe giọng của Hoàng đế không phải bắt về cho hậu cung của mình mà muốn tìm con dâu.

Tương Thanh hầu là khai quốc công thần, ngoài ra còn là anh họ của Trưởng công chúa Khánh Lâm. Mẹ của Tương Thành hầu là bác của Trưởng công chúa Khánh Lâm, cũng là bác của Hoàng đế, Đại trưởng công chúa Giang Âm, vợ của ông ta là quận chúa tôn thất. Xuất thân không tệ, đất nước này không có nhiều Vương phi được xuất thân như vậy. Tương Thành hầu họ Từ, không có liên hệ gì với thế gia.

Trịnh Diễm nói: “Con thấy cũng sắp đến ván cuối rồi, càng không nói, tức đã có quyết định.” Nàng nói rất nghiêm túc, Đỗ thị và Trưởng công chúa Khánh Lâm đều nghe hiểu, thế nên Đỗ thị bắt đầu xăn tay áo: “Ván cuối?” Rốt cuộc con sành sỏi chuyện bài bạc đến cỡ nào?!

Trưởng công chúa Khánh Lâm cười ngăn lại: “Đừng đánh đừng đánh, còn phải thăm bà con nữa đấy, ngày mai chỗ ta có mở hội phẩm trà, định để con bé tới điểm danh đây.”

Trịnh Diễm tránh được một kiếp, tò mò hỏi: “Có ai tới thế ạ?”

“Con gái cưng của Tương Thành hầu, Từ Cửu nương.”

***

Kết quả, chẳng những có Cửu nương nhà Tương Thành hầu, còn có hai cô cháu gái của Văn Xương hầu Tống Viễn (cậu ruột của Hoàng đế), con gái và cháu gái đầu của Ninh Viễn hầu (nhà mẹ đẻ của Quan thị, chị dâu Trịnh Diễm), con gái và cháu gái Khánh Quốc công, con gái của Trấn Nam tướng quân, cục cưng của Chinh Tây tướng quân… vân vân và vân vân.

Ngoài ra, Trịnh đảng như Lý Hoàn nương, Đường Ất Tú, Vu Vi, Lâm Dung cũng được tới dự. Trịnh đảng vì mặt mũi của Trịnh thị, nếu không biết, đây cũng là bước đầu ‘đạt mục tiêu’, vì để được xem là nhân vật thực quyền. Thật ra trong đây có ông nội Lâm Dung cũng là thế gia, chỉ là hồi trẻ vì giận quá, Lâm gia là thế gia nhị đẳng nhưng ông thấy chẳng cống hiến gì cho quốc gia, cáu lên bỏ nhà đi, không biết thế nào lại hợp rơ với Trịnh Tĩnh Nghiệp – cảm thấy có vẻ rất hại đời. Đường Văn Uyên, Lý Ấu Gia, Vu Nguyên Tề đều là người làm việc đi lại ở kinh thành, nhất là hai người sau, thường cần đến.


Lúc nào yến hội của Trưởng công chúa Khánh Lâm cũng vậy, Trịnh Diễm vẫn là phụ tá đắc lực của bà, hỗ trợ đón tiếp. Ở đây có Ninh Viễn hầu là nhà mẹ đẻ Nhị tẩu của nàng, nên cũng có ý thân cận với hai tiểu cô nương Quan gia nhất. Năm đó các tiểu cô nương Trịnh đảng theo sau Trịnh Diễm, cũng nhờ nàng tiến cử đấy thôi. Cùng hành lễ với Trưởng công chúa Khánh Lâm, lôi kéo trò chuyện một hồi, sau đó đi theo Trịnh Diễm.

Trịnh Diễm kéo bè dẫn phái, người khác thì không sao, nhưng lại chọc phải một người – Từ Cửu nương.

Từ Cửu nương tên Oánh, cũng là một cô bé xinh xắn trong sáng đáng yêu, khoảng chừng mười hai, mười ba tuổi, cả người đỏ thẫm, đầu cài trâm phượng, tay mang vòng ngọc khảm vàng, vừa nhìn qua là biết được chế riêng. Cô là cháu gái của Đại trưởng công chúa Giang Âm, mẹ lại là Quận chúa.

Đại trưởng công chúa Giang Âm cũng là một người khá hay ho, bối phận cao, so ra còn lớn hơn Hoàng đế mấy tuổi, về điểm này thì khá giống Trưởng công chúa Khánh Lâm. Đại trưởng công chúa Giang Âm hay bệnh, từ nhỏ cứ đau ốm suốt, cha bà ngại gả cho thế gia, vừa thấy Lão Tương Thành hầu oai phong dũng mãnh, như có thể che mưa chắn bão, được, vậy thì ông ấy.

Theo những gì Trưởng công chúa Khánh Lâm nhớ, vốn đã chuẩn bị sẵn bộ tang phục khóc than cho người cô này, nhưng cứ để đó mãi, khi nhóm người Trưởng công chúa Khánh Lâm sửa soạn vải liệm cho Lý thái hậu, Hạ hoàng hậu đã qua đời, thì tuy bà bệnh tật là thế, nhưng vẫn sống. Không chỉ thế, đau ốm mà sinh được hai người con, con cả là Tương Thành hầu. Mỗi lần sinh con như muốn đi chết, nhưng trở về vẫn không sao. Còn Lão Tương Thành hầu luôn khỏe mạnh, không ốm đau, lại chết trong đêm.

Hoàng đế thích người cô này, vì bà luôn hiền lành thành thật, không dây dưa chính sự. Mà cũng vô nghĩa thật, cho dù có muốn thì bà cũng dây vào được chắc? Ngay cả tết đến cũng không dám để bà xuất hiện làm gì, cần dưỡng bệnh thì cứ dưỡng bệnh, sợ bà chế vì mệt.

Đại trưởng công chúa Giang Âm, cả đời chỉ có một điều tiếc nuối, thật ra bà rất hâm mộ cuộc sống tùy tiện của các cô, các chị em, các cháu của mình, có điều sức khỏe không cho phép, đành phải chấp nhận. Tiếc hơn nữa là bà không sinh con gái, không thể để con mình thực hiện thay, con dâu sinh cháu trai liên tục, sinh tám người thì mới được Từ Cửu nương. Đại trưởng công chúa Giang Âm rất vui, ôm cháu gái mà yêu thương chiều chuộng, muốn sao thì không đưa trăng, dám cản thì bà ngất ngay cho mà xem.

Cứ thế, Từ Cửu nương trưởng thành trong sự yêu thương chiều chuộng, trong giới xã giao ở kinh không có tên tuổi lắm – bà nội yêu thương, nên cô cũng hiếu thảo báo đáp. Đại trưởng công chúa Giang Âm bị bệnh, phải chăm bệnh, không có nhiều thời gian ra ngoài, thế nên đã bỏ lỡ nhiều chuyện náo nhiệt trong kinh, cũng nhờ đó mà tránh được không ít ân oán. Trưởng công chúa Khánh Lâm làm việc chu đáo, cho dù không thể đến hội hè nhưng vẫn gửi thiệp, nhiều lần cô không thể đến được, mà lí do lần nào cũng vì chăm sóc bà nội bị bệnh, Trưởng công chúa Khánh Lâm đi thăm bệnh, sau đó cũng tiếp tục mở party. Từ Cửu nương lại được tiếng thơm là hiếu thảo với bà.

Lần này khi cô tới, thì lại rất ít khách.

Trưởng công chúa Khánh Lâm chọc ghẹo: “Con ít khi tới quá, phải làm sao đây?”

Xin nói chen, Từ Oánh được nuông chiều mà lớn, tính tình cũng hơi ngang. Thấy Trịnh Diễm như vậy, đương nhiên không phục. Thật ra, nếu là người khác thì không sao, dù gì trong nhà cũng có tước vị. Là thế gia, hâm mộ đố kị một chút, sau đó về nhà làm nũng với bà nội, đôi câu ‘Cửu nương nhà ta là tốt nhất’ thì liền trở lại bình thường.

Còn Trịnh gia chỉ có một Thừa tướng mà thôi! Thế gia xem thường huân quý, còn huân quý thì lại có một cảm giác ưu việt hơn hẳn đám dế nhũi. Từ Oánh xinh đẹp, từ nhỏ đến lớn ai gặp cũng khen, bất hạnh gặp phải Trịnh Diễm, vẻ ngoài xinh đẹp hơn, lại còn được hoan nghênh hơn nữa. Từ Oánh gặp Trịnh Diễm, như hai con công đực gặp nhau, không chơi gay thì sẽ thành đối thủ. Từ Oánh chọn đối thủ, còn Trịnh Diễm là ai chứ, ai tốt với nàng thì nàng sẽ đối thế, không tốt, nàng đáp lại. Cảm nhận ánh mắt của Từ Oánh, cười ra vẻ ý nhị.

Từ Oánh tức giận, nhưng nhịn xuống, ít nhiều còn nhớ đây không phải địa bàn của Trịnh Diễm, phải để mặt mũi cho chủ tiệc.

Đang hờn dỗi, nghe Trưởng công chúa Khánh Lâm nói thì càng thẹn thùng, bà nội bắt đến, bảo là vì hôn sự của cô. Đại trưởng công chúa Giang Âm hi vọng cháu gái mình sẽ được yên vui, gả cho thế gia thì thấy hà khắc, huân quý lại cảm thấy không bằng, nghe nói Hoàng đế muốn tìm con dâu, Đại trưởng công chúa Giang Âm liền muốn kết thân với hoàng thất.

Hoàng đế cũng có ý như vậy.

Từ Oánh ngẫmlại, thế là hết buồn, Trịnh Diễm thì sao chứ, cũng có hơn cô đâu? Ừ, xinh đẹp thì xinh đẹp, đắc ý thì đắc ý, dù sao ta cũng có chỗ mạnh hơn cô, đúng không? Thế là nha đầu ngốc lại cười vui vẻ, tủm tỉm nói với Trưởng công chúa Khánh Lâm: “Là bà nội bảo con đến đây, bảo là nhớ sự náo nhiệt của kinh thành.”

Trưởng công chúa Khánh Lâm nghĩ bụng, với sức khỏe của bà nội con, có thể thấy cái náo nhiệt gì của kinh thành? “Nói thế, con lúc nào cũng chăm bệnh, chắc là cũng chưa thấy cảnh sôi nổi trong thành đâu? Đúng là đứa trẻ ngoan!” Có thể nhận thấy Từ Oánh là một cô bé hoạt bát, thế mà lại kiềm tính để hầu hạ bà nội dưỡng bệnh, “Gặp A Diễm chưa? Con bé quen thuộc với những người ở đây lắm, để nó dẫn con đi giới thiệu. Nó cũng là một đứa rất ngoan.”

Trưởng công chúa vừa khen Từ Oánh ngoan xong, để cô tới chơi với Trịnh Diễm, không ngờ cả ai ‘chơi’ thật.

Nguyên nhân vì đôi khuyên tai của Trịnh Diễm, vì mặt mũi, Trịnh Diễm đeo một đôi bông tai đẹp cực kì, hình phượng hoàng, khảm hồng ngọc, chế riêng, không lớn nhưng rất tinh xảo. Lúc Trưởng công chúa Khánh Lâm đưa Từ Oánh tới, con gái Ninh Viễn hầu đang hỏi nguồn gốc của đôi bông, Trịnh Diễm nói thật, là thắng bạc Hoàng đế nên có. Nghe bảo vốn tìm để Nhị Thập Tứ lang giả nữ.

Từ Oánh vừa hết giận, lại bất ngờ nổi cáu: “Cô biết đổ xúc xắc thật sao?”

Thế là hai cô nhóc đổ xúc xắc. Lát người này thắng, hồi sau là người kia. Quân cờ trên bàn bị đẩy tới đẩy lui, các tiểu nương tử đứng vây lại xem, cùng đặt tiền cược. Trưởng công chúa Khánh Lâm đỡ trán, chuyện gì thế này?!

Hai cô nhóc vừa đổ xúc xắc vừa giễu cợt nhau. Lần này Từ Oánh đổ lớn hơn, cười nhạo: “Cô bảo thắng Thánh nhân là xạo thôi phải không?”

Ván sau Trịnh Diễm thắng, trả đũa: “Nhưng thắng cô thì không phải giả.”

Cô tới ta đi, Trưởng công chúa Khánh Lâm muốn nôn ra máu, Từ Oánh đơn thuần thì cũng thôi đi, Thất nương… sao con cũng ngây thơ thế hả!

Không nhìn nổi, thật sự không nhìn nổi nữa, Trưởng công chúa Khánh Lâm đành nhắc nhở mọi người: Hết giờ rồi, bữa tiệc đến đây là kết thúc. Cứ vậy, hai cô nhóc chết tiệt kia người thè lưỡi kẻ làm mũi heo.

Từ Oánh nói: “Lần sau chơi nữa.”

Trịnh Diễm đáp: “Được, định ngày đi.”

Trưởng công chúa Khánh Lâm bỗng nhiên thấu hiểu tâm trạng của Đỗ thị: Đứa nào không ngoan thì cứ đánh đòn!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận