Nguyễn Yếm cảm thấy mình vẫn chưa chết.
Trong bóng tối, cô có ý thức rõ ràng nhưng chưa mở mắt ra, cô nghe thấy tiếng gió mạnh mẽ gõ vào ô cửa sổ, còn có mùi của thuốc sát trùng bao phủ chóp mũi, mu bàn tay của cô vì được truyền nước biển vào mà cảm thấy hơi lạnh.
Cô gắng sức mở mắt ra, nhìn ra cô đang ở trong một phòng khám gần nhà.
Trong chăn rất ấm, khiến bản năng của cô cứ thế mà cuộn người lại, tuy căn phòng không mở đèn, nhưng Nguyễn Yếm rất nhanh đã có thể nhìn thấy một thiếu niên đang đứng bên cạnh cánh cửa, mượn ánh đèn ngoài hành lang để xem tờ giấy trên tay mình.
Anh mặc một chiếc áo phông trắng đơn giản, áo khoác đồng phục được buộc trên vai, phía dưới là một chiếc quần rộng, tóc anh có vẻ đã dài hơn nhưng cũng không quá dài để mọi người chú ý đến, nghe bạn học nói, đây là kiểu tóc uốn giấy bạc*, chất tóc phải nhiều và mềm rủ xuống chân mày mới đẹp.
Kiểu tóc uốn giấy bạc
Rất dễ để nhận ra Kỷ Cảnh Thù, diện mạo của anh hoàn toàn thuộc kiểu người Châu Á, nhưng thường thì người Châu Á có khuyết điểm là xương gò má cao và hàm hơi hô nhẹ mà anh thì lại khác, khung xương của anh rất ưu việt, từ đầu đến cằm đều đẹp không tì vết, như thể anh được thượng đế ưu ái dùng mọi cái đẹp của vạn vật để tạo thành vậy.
Đặc biệt là đôi mắt hai mí và đuôi mắt hơi rũ xuống, thật sự là quá mức đặc biệt, một nét đẹp không lẫn đi đâu được, đến cả khóe môi cũng có chút hạ xuống, cũng chính bởi điểm này đã khiến cho người khác cảm nhận được khí chất đáng sợ không dám đến gần.
Nguyễn Yếm vừa nhìn đã có thể nhớ rất kỹ.
Cho dù có nói là do hai người đã quen biết nhau nên mới như vậy, nhưng thực chất thì không phải thế.
Kỷ Cảnh Thù Dù học lớp 12, không chung tòa nhà dạy học với cô, bình thường cũng không chạm mặt nhau, cô chỉ biết anh qua những lời đàm tiếu của bạn học xung quanh cô thôi.
Mọi người đều nói gia đình anh có rất nhiều tiền, lại còn nói bản thân anh cũng ở trong một ngôi nhà rất lớn, chỉ có điều chưa một ai nhìn thấy người nào khác trong nhà của anh.
Ai ai cũng nhìn vào mặt mà đánh giá, vậy theo lý mà nói, với khuôn mặt của anh vốn không nên chịu cảnh bạo lực học đường mới đúng. Nhưng tính tình anh kỳ quái, cũng không phải kiểu người hướng nội, chỉ là nguyên nhân nằm ở chỗ anh không chịu làm quen với bạn bè, mà xưa nay làm gì có ai sống không dựa vào bạn bè đâu chứ?
Chưa xét đến vấn đề ai cô lập ai, nhưng một số thông tin đã truyền đến tai Nguyễn Yếm. Một trong số những thông tin mà cô nghe được khi còn học cấp ba, là danh sách những học sinh nam có xếp hạng học lực cao nhất trong trường nhưng tính tình lại kỳ quái, trong tất cả những nhân vật được nêu tên trong danh sách thế mà lại có mặt của Kỷ Cảnh Thù.
Con gái thì nói xấu anh, con trai thì trực tiếp động thủ.
Một ngày nọ, khi Nguyễn Yếm học thể dục, vào lúc cả lớp chưa tập hợp lại, cô đã nghe thấy giọng của bạn nữ đứng phía sau đầy hưng phấn nói với những bạn học khác bên cạnh: “A, kia là Kỷ Cảnh Thù đúng không?”
Bởi vậy mà Nguyễn Yếm cũng đi theo để xem chuyện như thế nào, nên chắc đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy anh. Chàng trai khoác đồng phục trên vai, để lộ ra chiếc áo sơ mi trắng bên trong, ống quần hơi xắn lên, bị một bạn nam cao lớn khác nắm cổ áo dí vào tường.
Nhưng anh không phản kháng, thậm chí còn không nói hay kêu lấy một lời nào, thế mà biểu cảm trên gương mặt lại vô cùng mất kiên nhẫn.
Nhưng cuối cùng bạn nam kia cũng không ra tay đánh, chàng thiếu niên đó bị ném sang một bên, rồi lại nâng một chân chống lên tường, khuôn mặt cúi xuống lại càng không biết đang nghĩ cái gì, hình như đang trợn mắt.
Thời gian như đã trôi qua hơn nửa ngày vậy, nghe thấy tiếng thầy giáo bên kia gọi lại điểm danh, thiếu niên mới chầm chậm di chuyển qua, lớp phó lao động ở đằng xa trông thấy vậy liền hô to: “Kỷ Cảnh Thù”.
Nghe thấy tiếng gọi, anh cũng chỉ dừng chân nhưng lại không có động tĩnh gì ngoài việc lười biếng nói “có”, cũng không trở về hàng, mà trực tiếp về thẳng lớp học.
Thầy giáo thể dục cũng gọi anh hai lần, nhưng Kỷ Cảnh Thù không xoay người, cũng không quay đầu lại, trực tiếp nâng tay báo hiệu: “Xin phép nghỉ tiết vì bị thương.”
Rồi cũng không còn ai nói thêm gì nữa.
Vì nguyên nhân này, mà Nguyễn Yếm cũng nhìn anh thêm vài lần. Cô cảm thấy mình và anh mắc cùng một loại bệnh nên có thể hiểu cho nhau, dù sao thì cũng đều là người bị hại của bạo lực học đường.
Đến giờ phút này, Nguyễn Yếm đột nhiên thấy hối hận.
Anh ta nào giống người bị hại, anh ta chính là một người bệnh tâm thần.
“Khóa…” Nguyễn Yếm mở miệng định nói, nhưng miệng cô lại cảm thấy khô khốc vì thiếu nước, chưa nói được một câu hoàn chỉnh thì đã có một trận ho khan kịch liệt kéo tới.
Kỷ Cảnh Thù không nghe rõ, nghĩ rằng cô muốn uống nước, liền cầm chiếc ly giấy mang ra ngoài lấy nước rồi đặt lên bàn trước mặt cô.
Nguyễn Yếm lắc đầu, sợ sệt nhìn anh rồi nói: “Nhà tôi đã khóa cửa chưa vậy?”
Lần này Kỷ Cảnh Thù đã nghe rõ, cười lạnh một cái: “Cô không lo cho bản thân mình trước mà đi nghĩ tới cửa nhà, cô cũng giỏi thật đấy.”
Dù nói như vậy, nhưng anh vẫn lấy ra một chùm chìa khóa từ trong túi của mình, rồi ném lại cho cô: “Tôi khóa cửa rồi—chìa khóa này, nếu tôi không nhầm thì chắc là nó.”
Anh vừa nói vừa đứng dậy mở đèn, ánh sáng trắng lạnh lẽo của trần nhà tức thì tràn ngập trong không gian kín.