Con Nhà Giàu

Xin để vợ phải trưng đủ bằng cớ như luật định, thì tòa mới lên án mà hủy hôn thú. Theo như lời của thầy thông Hàng cắt nghĩa luật Hộ thuộc về người Annam ban hành năm 1883, thì tòa cho để vợ là khi nào người đàn bà có phạm một lỗi trong mấy lỗi nầy:
1) Lấy trai chồng bắt được có đủ bằng cớ; 2) Bỏ nhà chồng mà trốn; 3) Đánh đập cha mẹ chồng hoặc các người trưởng thượng khác bên chồng; 4) Phạm tội bị tòa hình kếu án làm mất danh giá.
Ví như người đàn bà không có phạm một lỗi nào trong mấy lỗi ấy, mà chồng cũng muốn xin để(#1), thì ít nữa phải kiếm bằng cớ chỉ rõ ràng vợ mình hoặc bất kỉnh với công cô, hoặc hay ngồi lê đôi mách, hoặc có tánh gian giảo trộm cắp, hoặc ghen tương làm náo động trong gia đình, hoặc có tật bịnh không thể sanh con nối dòng cho chồng được. Mà phải nhớ hễ vợ chồng hồi mới cưới nghèo nàn, bây giờ trở nên giàu có, hoặc người vợ đã có chịu tang cho cha mẹ ông bà bên chồng 3 năm, hoặc người vợ không còn cha mẹ bà con mà trở về nương dựa được, thì Tòa không chịu cho để bỏ.
Thượng Tứ suy xét ra thì vợ mình không có phạm một cái lỗi nhỏ nào trong mấy cái lỗi của thầy thông Hàng kể đó. Bây giờ phải làm sao? Thầy thông Hàng nói ví như vợ chồng đồng tình dắt nhau đến Tòa xin để thì được, song làm như vậy là khi nào cưới về ăn ở cho được ít nữa là 2 năm sắp lên, và người chồng phải trên 25 tuổi, còn người vợ phải tròn 21 tuổi thì mới được. Làm thế nầy cũng không được nữa, bởi vì vợ chồng cậu mới cưới có mấy tháng, chồng mới có 19 tuổi, vợ mới có 18 tuổi mà thôi.
Thượng Tứ còn đương lo liệu về sự để vợ, thì ngày Tết đã gần tới, đường nào thiên hạ đi chợ cũng dập dều, nhà nào người ta cũng dọn dẹp loa ăn Tết. Những bạn chơi bời có lẽ họ cũng nghỉ để sửa soạn ăn Tết, nên mấy khách sạn tửu lầu coi vắng hoe. Thượng Tứ buồn, nên sớm mới ba mươi Tết, cậu trở về nhà.
Bà Kế hiền hổm nay không thổ huyết nữa, nhưng mà ăn chưa biết ngon, nằm không muốn ngủ, nên hình dạng ốm nhách, nước da mét xanh.
Bữa 30 Tết, thầy Ban biện Chí lên coi biểu tá điền tá thổ quét tước nhà cửa, chùi lau bàn thờ. Thượnng Tứ về thấy trong nhà lăng xăng thì cười mà nói rằng: “Anh Hai, ảnh làm coi được quá! Tôi nói tôi về đặng coi dọn nhà ăn Tết, té ra ảnh làm trước tôi chớ!”. Cậu mơn trớn với anh rồi đi thẳng vô nhà trong mà hỏi mẹ rằng: “Má có đi chợ Tết hay không má? Hồng, cam năm nay nhiều quá. Dưa hấu cũng nhiều nữa, mà tôi nghe nói họ bán mắc hơn mọi năm”. Bà Kế hiền nghĩ con vô tình vô nghĩa, mình đau nó không ở nhà mà nuôi, đi đã thèm rồi về nó cũng không thèm hỏi thăm coi mình mạnh hay chưa, bởi vậy bà giận bà không thèm nói đi nói lại một tiếng chi hết.
Thượng Tứ thay đồ mát xong rồi trở ra ngoài trước ngồi nói chuyện với anh. Thầy Ban biện Chí thấy nhà dọn dẹp đã gần rồi, mà lại có em về nữa, nên thầy đội nón tính đi về, để chiều rồi sẽ lên cúng rước ông bà. Thượng Tứ đi theo anh ra cửa rồi hỏi anh rằng:
- Anh Hai, lúc nầy anh khá hay không, anh?
- Làm giống gì mà khá?
- Tôi nghe nói anh có mắc nợ phải hôn?
- Em hỏi chi vậy?
- Hỏi cho biết vậy mà.
- Có mắc chút đỉnh, chớ sao cho khỏi được.
- Anh mắc nợ anh làm sao anh trả?
- Thì thủng thẳng lần hồi trả cho người ta chớ biết làm sao?
- Anh muốn có tiền trả nợ hôn?
- Làm sao mà muốn được?
- Tôi muốn hai anh em mình nói với má mùa nầy phải để cho anh em mình góp huê lợi hương hỏa và phần thực luôn hết thảy. Má đã có phần dưỡng lão rồi, còn hưởng huê lợi tới phần thực của mình là nghĩa gì.
- Thì em nói với dì đi.
- Tôi nói mấy lần má cứ rầy tôi hoài. Đâu bây giờ anh nói thử coi.
Thầy Ban biện đứng suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Thôi, để mai có con Ba nó về rồi em xúi nó nói”. Thượng Tứ gặt đầu đáp rằng: “Ờ được, để mai chị Ba về mừng tuổi, tôi sẽ xúi chỉ nói. Miễn là chỉ khởi đầu, rồi tôi tiếp cho”.
Thiệt quả sớm mới mùng một Tết có cô Ba Trần Thị Nga với chồng là Hương chủ Hà Trung Hậu ở dưới Chợ Gạo lên mừng tuổi. Hai vợ chồng ghé nhà thầy Ban biện Chí trước. Thầy Ban biện đem mấy lời của Thượng Tứ nói hôm qua mà thuật lại cho em gái nghe. Cô Ba Ngọc nói rằng: “Dầu nó không xúi tôi cũng nói. Không phải tôi ham ăn, ngặt vì chuyện ức quá, nhịn làm sao cho được. Anh nghĩ đó mà coi, cha mẹ mình làm đổ mồ hôi xót con mắt mới có sự nghiệp đó. Bây giờ anh em mình không được hưởng, để cho người dưng họ giành họ ăn hết như vậy, mình nín được hay sao? Cái người mà bày mưu thiết kế đặng giựt gia tài của người ta như vậy, ông trời nào mà cho hưởng lâu dài. Vậy chớ anh không có nghe chuyện bà Cả nào ở dưới Gò Công đó, bả cũng đoạt hết gia tài của con cháu bên chồng mà để cho con rể bả, tè ra ông trời có con mắt, thằng rể bả ăn được có ít năm rồi đau họng cụt lưỡi mà chết, ăn không được, bỏ ruộng đất lại cho thiên hạ hưởng, mà lại còn mang tiếng xấu với đời nữa đó sao”.
Hương chủ Hậu nghe vợ nói như vậy thì can rằng: “Ý cha đã định như vậy, thì mình phải vưng, chớ nói làm chi cho mích lòng. Ở đời nhơn nghĩa mới quí, chớ bạc tiền ruộng đất mà quí gì. Đã biết mình ức nên mình phải nói, nhưng mà nói ra thì chi cho khỏi động tới vong hồn của cha. Thôi, nín thinh để làm ra lớp khác mà ăn tốt hơn.
Cô Ba Ngọc cười gằn rồi đáp rằng: “Mình làm Phật được thì mình làm, chớ tôi còn vướng hồng trần, tôi từ bi không được”.
Nói chuyện chơi một lát rồi vợ chồng Ban biện Chí với vợ chồng Hương chủ Hậu dắt nhau lên nhà thờ mà mừng tuổi ông bà. Đến Xuân nhựt bà Kế hiền cũng phải ráng rử mặt gỡ đầu thay quần đổi áo, nhưng mà đạo nhà không yên, nên bà chẳng có chút chi vui vẻ.
Mừng tuổi ông bà xong rồi, cô Ba Ngọc hỏi bà Kế hiền rằng:
- Độ nầy sao co dì ốm dữ vậy dì?
- Dì đau gần 2 tháng nay không ốm sao được.
- Dì đau sao đó?
- Bị cái thằng tiểu quỷ trong nhà nó làm cho dì buồn rầu, nên mới mang bịnh. Cưới vợ chỗ tử tế cho nó, nó lại làm phách, nó đánh người ta rồi bỏ trở về bến nây. Người ta theo qua, nó lại xô đuổi người ta nữa. Xưa rày nó lên ăn dầm nằm dề mấy nhà ngủ trên Mỹ Tho đặng theo đĩ theo điếm; nó mới trồi về hồi hôm qua đó đa. Dì nghĩ thiệt ổng vô phước lắm, nên vừa mới nhắm mắt là con đã hư rồi!
- Nếu vậy thì Tết nầy con Tư không có về bên nầy.
- Nó đã đánh đuổi con nọ rồi nó có thèm qua bển nữa đâu mà con nọ dám qua. Xưa rày dì mắc có bịnh, dì cũng không đi qua bển được mà nói phải trái.
- Thằng Tư nó còn khờ dại, ham chơi bời, dì ở trong nhà dì phải dạy nó, chớ dì nói tại cha tôi vô phước, rồi dì bỏ phế cho nó hư sao được.
- Nó có đếm xỉa gì đến ai đâu mà răn dạy. Dì nói nó gạt ngang luôn luôn. Thôi, dì lo thân dì; dì không kể con cái gì nữa hết. Đồ khốn nạn, nó muốn xách bị thây kệ nó.
- Không biết chừng tại nó không ưng con bác Hội đồng Thưởng, mà dì ép nó, nên bây giờ vợ chồng nó mới trắc trở. Dì phải tính làm sao, chớ dì giận lẩy dì nói vậy sao được. Nó ở với dì mà dì không dạy dỗ kềm chế, dì để nó hư, thì dì có lỗi với cha nhiều lắm.
Bà Kế hiền đã buồn rồi, mà bà nghe mấy tiếng gay gắt của con ghẻ như vậy, thì bà lại càng buồn hơn nữa, nên bà ngồi lặng thinh.
Cô Ba Ngọc bước lại têm trầu mà ăn và nói rằng: “Bữa nay có anh em tôi về đủ mặt, vậy xin phép dì để cho tôi nói chuyện nhà một chút; cha mất mà cha đã có chia ruộng đất cho các con, đứa nào có phần đứa nấy. Dì thì cũng có phần dưỡng lão như mấy anh em tôi. Nay lúa họ gặt gần rồi, vậy xin dì soạn tờ tá coi phần của ai thì giao cho nấy đặng có góp lúa ruộng, kẻo tá điền họ làm hao hớt hết”.
Bà Kế hiền châu mày ngẫm nghĩ một lát rồi bà đáp rằng:
- Theo tờ chúc ngôn tương phân, thì dì ăn huê lợi hết thảy ruộng đất cho tới chừng nào dì chết, các con mới hưởng được. Chúc ngôn như vậy, mà con Ba biểu giao tờ tá, giao làm sao được.
- Của là của cha mẹ tôi làm ra. Lúc cha tôi ươn yếu dì òn ỹ âm mưu đặng cha tôi làm chú ngôn như vậy. Bây giờ thiệt dì nhứt định đoạt hết gia tài của cha mẹ tôi mà ăn một mình hay sao?
- Tại ý ổng định như vậy, chớ dì muốn sao được. Sao hồi ổng lập tương phân, con Ba không biểu ổng sửa lại, để ký tên đủ hết, rồi bây giờ nói cái gì?
- Hứ! Dì nói xốc họng tôi làm chi! Tại tôi thương cha tôi lắm nên mới ký tên, chớ không phải tôi dại đâu. Xin dì hãy suy nghĩ lại: của cha mẹ người ta làm đổ mồ hôi xót con mắt, mà người ta không được hưởng; còn mình là người dưng không có công lao chi hết, mà mình âm mưu đoạt hết mà ăn, thì ăn sao cho bền. Tôi đã có thấy nhiều cái gương rồi, ăn không được đâu dì.
- Bây giờ con Ba nó rủa tôi chớ.
- Không phải rủa. Tôi nói chuyện cho dì nghe vậy, chớ ai mà dám rủa dì. Dì cũng biết tôi không phải nghèo cực gì nên về đây mà đòi gia tài. Tôi nói là vì việc chung, vì lẽ ngay. Dì nghĩ đó mà coi, anh Hai tôi là trưởng nam, mà dì âm mưu làm cho phần ăn của ảnh thua phần của thằng Tư, cái nhà thờ ảnh không được ở. Dì làm như vậy không ức ảnh hay sao? Đã vậy mà dì không cho ảnh lãnh huê lợi phần ăn của ảnh nữa, thì ảnh lấy chi mà trả nợ trả nần cho người ta. Dì phải xét lại, không nên ở ác quá như vậy.
Bà Kế hiền ngồi lặng thinh.
Thượng Tứ nãy giờ ngồi nghe chớ không nói chi hết. Chừng thấy mẹ dịu rồi cậu mới xen vô mà nói rằng: “Chị Ba nói đó phải lắm. Ví như má có gắt gao, má không cho huê lợi phần thực, thì má cũng phải cho ăn huê lợi hương hỏa, chớ má giành hết sao được. Má ôm tới huê lợi hương hỏa nữa thì anh Hai lấy gì mà cúng quảy ông bà?”.
Bà Kế hiền trợn mắt ngó Thượng Tứ mà mắng rằng: “Thứ đồ hư cũng xen vô nói chót chét. Khôn dữ à! Tao cho, để tao cho thằng Hai ăn huê lợi hương hỏa. Tao cho một mình nó mà thôi, chớ tao không cho mầy đâu mà nói chộn rộn. Giao huê lợi hương hỏa cho mầy đặng mầy cúng mấy con đĩ mấy thằng điếm, chớ mầy cúng ai”.
Thượng Tứ quạu mặt đáp rằng:
- Má không giao cho tôi sao được.
- Ừ, tao không giao, mầy có giỏi thì đi kiện tao đi.
- Kỳ xưa má hứa má giao, bây giờ má chối hay sao?
- Tưởng mầy tử tế kìa, chớ mầy theo đàng điếm bây giờ một hột lúa tao cũng không cho.
Thượng Tứ rùn vai đứng dậy bỏ đi ra phía trước. Cô Ba Ngọc bèn tiếp mà nói với với mẹ ghẻ rằng:
- Tôi có cần gì xin huê lợi hương hỏa cho anh Hai tôi đâu, bởi vì huê lợi ấy tự nhiên dì phải giao, chớ không lẽ dì giành mà giỗ mẹ tôi được. Tôi nói nãy giờ đó là nói huê lợi về phần thực kia.
- Tôi muốn cho ai ăn phần nào tôi cho, bằng tôi không muốn thì thôi, không ai ép tôi được. Ai có nói ức thì lên Tòa mà kiện.
- Dì đừng có thách đố mà. Nếu đi kiện ra giữa Tòa, tôi nói dì càng thêm xấu hổ, chớ tốt gì đó mà muốn cho tôi kiện.
- Tôi xấu thì họ cũng không tốt gì.
- Họ là ai?
- Biết đâu.
Thầy Ban biện Chí với Hương chủ Hậu thấy cô Ba Ngọc muốn nói hỗn, sợ ngồi nói dần lân rồi sanh rầy, nên ra dấu cô về. Thượng Tứ thay đồ rồi lấy xe chạy theo xuống nhà thầy Ban biện. Mấy anh em ngồi nói chuyện với nhau om sòm, mà chẳng nghe chuyện gì khác hơn là chuyện gia tài. Thượng Tứ nói rằng: “Tôi cũng biết má tôi thâu huê lợi thì có ích cho tôi, bởi vì thâu mà tích trữ đó, thì ngày sau tôi hưởng, chớ ai mà vô đó. Nhưng mà tôi không tham bậy như vậy. Ruộng đất là ruộng đất của cha, ba anh em mình là con hết thảy, thì phải hưởng đồng với nhau, có lẽ nào tôi giành giựt mà ăn tới phần của anh Hai và của chị Ba nữa. Tôi có nói với má tôi hoài, tôi biểu cho ăn hết thảy đi. Tại bụng má tôi tham quá nên mới dục dặc đó. Hồi cưới vợ cho tôi cũng vậy đa. Thấy người ta giàu, nên muốn đem nhét tôi vô đó đặng ăn của. Làm chi vậy không biết. Phải thì thôi, chớ giàu nghèo là nghĩa gì”.
Cô Ba Ngọc nghe em nói hành mẹ, nhưng mà câu nói nào cũng có ý nghĩa, bởi vậy cô khuyên rằng: “Chuyện gì em cãi với dì thì em cãi chớ còn việc vợ chồng thì chị khuyên em đừng có cãi bởi vì chị biết hai vợ chồng bác hội đồng hiền đức lắm, mà tánh nết con Tư cũng dễ thương nữa. Em có vợ như vậy, thì là có phước lắm rồi, em không nên tháo trúc”.
Thượng Tứ lắc đầu đáp rằng:
- Không có được chị Ba à. Tôi biết vợ tôi thương tôi lắm, nhưng mà tôi thương nó không vô.
- Tại sao vậy?
- Tại không phải duyên nợ, hay là tại sao không biết.
- Sao em biết không phải duyên nợ? Em đừng có nói như vậy. Thôi sẵn đây em chạy xe qua mừng tuổi cha mẹ vợ em đi.
- Ai đi đâu vậy cho được. Mắc cỡ lắm nà. Tôi đuổi nó rồi, bây giờ còn lết qua thì coi sao được. Tôi tính để ăn Tết rồi, tôi cậy người ta nói với nó vô đơn xin Tòa phá hôn thú cho rồi. Tôi muốn cho nó vô đơn dễ hơn, chớ tôi vô đơn sợ Tòa bắt bẻ khó lắm.
- È! Đừng có nói bậy nà. Giống gì mà phá hôn thú!
- Thì vợ chồng không hòa thuận, tốt hơn là phá hôn thú phứt cho rồi, đặng nó lấy chồng khác, tôi cưới vợ khác mà làm ăn chớ sao.
- Em đừng có nói như vậy. Vợ chồng còn nhỏ, sao khỏi cắn đắn chút đỉnh. Nếu mỗi người hễ rầy lộn với vợ đều xin để hết thảy, thì chị tưởng chẳng còn cặp vợ chồng nào hết.
- Chị không hiểu chuyện của tôi, để sau rồi chị sẽ biết.
- Chị không cần hiểu chuyện của em làm gì. Chị muốn vợ chồng em thuận hòa với nhau mà ở đời thì tốt hơn.
- Tôi coi thế không được.
Thầy Ban biện với Hương chủ cũng tiếp với cô Ba Ngọc mà khuyên Thượng Tứ phải đi mừng tuổi bên vợ, Thượng Tứ nhứt định không chịu đi, cứ ở đó ăn uống, nói chuyện chơi hoài. Đến xế vợ chồng Hương chủ Hậu từ mà về. Thượng Tứ không cho đi xe ngựa, theo ép phải lên xe hơi cho cậu đưa về Chợ Gạo.
Ăn Tết rồi, Thượng Tứ cũng lẩn quẩn trên chợ Mỹ Tho, chớ không chịu về bên vợ, không chịu ở nhà, mà cũng không muốn đi chơi đến xứ nào khác. Chẳng phải Mỹ Tho có thắng cảnh hay là có cuộc vui gì đến nỗi cậu mê mết không thể nới chưn ra khỏi được. Cậu đến Mỹ Tho là tại Mỹ Tho có cô Hai Hẩu, cũng như cây kim địa bàn cứ xây (xoay) về hướng bắc là tại tánh chất cục đá nam châm gắn nơi đầu cây kim phải ngó hướng bắc mà thôi. Ví như trong lúc nầy mà ông Giáo Chuột dời nhà xuống ở Mỹ Hội, thì có lẽ cậu trở về Mỹ Hội chớ không lên Mỹ Tho làm gì.
Một buổu chiều, Thượng Tứ chạy xe đi chơi một vòng ngang nhà cô Hai Hẩu, rồi cậu trở về nhà hàng ngồi uống rượu cầm chừng mà chờ thầy thông Hàng. Có một đứa nhỏ ôm nhựt trình đi bán, nó ghé lại bàn cậu ngồi mà mời: “Mua nhựt trình, thầy. Nhựt trình bữa nay hay lắm!”. Cậu vì cái tiếng “thầy” nên móc túi quăng ra một cắc bạc mà lấy một tờ nhựt trình. Cậu mở nhựt trình ra, lật qua lật lại, thấy có hai chữ lớn “Hỉ tín”, cậu bèn đọc như vầy:
“Bổn báo lấy làm vui mừng mà nghe tin M. Ngô Thừa Kế, phó lục sự Tòa sơ Sài Gòn là anh em bạn học của bổn báo Tổng lý, ngày 25 tháng giêng nầy sẽ làm lễ giao duyên cùng cô Trương Thị Hẩu, là ái nữ của ông Trương Văn Chuột, cựu giáo sư ở Mỹ Tho.
Bổn báo cầu chúc cho Ngô-Trương hai họ sắc cầm hảo hiệp, nối tóc trăm năm”.
Thượng Tứ đọc bài ấy rồi thì mặt mày tái lét, cặp mắt chóa lòa, mồ hôi dầm dề, tay chơn bủn rủn. Cậu ngồi không được nên buông tờ nhựt trình trên bàn mà đứng dậy, đụng bàn ngã ly rượu, ly bể, rượu chảy ướt gạch. Thằng bồi lật đật chạy lại, một tay lấy tờ nhựt trình, một tay lượm miểng ly bể. Thượng Tứ châu mày, chống nạnh đứng mà ngó.
Thầy thông Hàng ở ngoài bước vô, miệng cười ngỏn ngoản, vỗ vai Thượng Tứ mà hỏi rằng: “Giận ai mà đổ rượu đập ly đó?” Thượng Tứ xụ mặt, bước lại giựt tờ nhự trình trên tay thằng bồi và đưa cho thầy thông Hằng và chỉ bài “Hỉ tín” mà nói rằng: “Thầy đọc thì biết cái gì vậy hử?”.
Thầy thông Hằng đứng đọc dứt bài rồi thầy kéo ghế mà ngồi, tay xếp tờ nhựt trình lại rất kỹ lưỡng, miệng thầy nói chẩm rãi rằng: “Cái gì mà kỳ vậy kìa! Cổ đã hứa với cậu chắc chắn quá, mà sao bây giờ lại lấy chồng. Bụng đàn bà con gái thiệt khó do!”.
Thượng Tứ châu mày xụ mặt, đi qua đi lại, giày khua cồm cộp trên gạch, rồi cậu giựt tờ nhựt trình xếp bỏ túi và nói rằng: “Đồ khốn nạn, đồ vô hậu, nó muốn như vậy để rồi nó coi”.
Thầy thông ngó cậu lom lom mà hỏi rằng:
- Cậu tính sao bây giờ?
- Tôi lên Sài Gòn tôi mướn nhựt trình ấn hành bức thơ nó gởi cho tôi đó, làm nó mang xấu cho biết chừng.
- Cậu chẳng nên nóng nảy lắm. Nó có tiền, mà bây giờ nó lấy chồng thông thạo luật nữa; thủng thẳng mà tính, chớ làm bất tử nó kiện thể diện mình mang khốn.
- Tôi nói bông lông, chớ tôi nói chỉ danh nó làm chi mà sợ nó kiện.
- Nếu cậu nói bông lông thì làm sao cho nó mang xấu được?
- Vậy bây giờ làm sao?
- Tôi biểu để thủng thẳng rồi sẽ tính.
- Còn bốn năm bữa nữa chồng cưới nó, thủng thẳng cái gì …Nầy tôi tính như vầy: tôi đem cái thơ tôi mướn thợ chụp hình họ chụp lại rồi tôi gởi theo kiểu thơ phạt cho thằng chồng nó một cái đọc chơi. Hễ chồng nó đọc thơ, mà thấy trong nhựt trình nói nữa, thì tự nhiên nó hiểu. Làm như vậy được hay không?
- Không được. Cậu làm vậy thì cậu bị kiện thể diện liền.
- Nó có biết tôi đâu mà kiện.
- Nó kiện nhà nhựt trình thì lòi cậu ra chớ gì.
- Tôi dặn trước nhà nhựt trình đừng chỉ tôi.
- Trời ơi! Cậu nói chuyện nghe dễ như chơi. Cậu ấn hành một bức thơ quan hệ như vậy, làm phạm danh giá một con người gái nhà giàu mà lại là vợ một ông phó lục sự, nếu cậu không lãnh trách nhậm thì nhà nhựt trình nào dám in.
- Tôi chịu tiền cho họ.
- Giỏi lắm cậu chịu một vài trăm đồng bạc, rồi người ta bị kiện thường thể diện một đôi muôn, chết người ta còn gì.
- Thì nó viết thơ cho tôi, nó thề thốt sẽ làm vợ chồng với tôi, bây giờ nó lấy chồng khác, tôi in thơ cho thiên hạ biết cái thói vô hậu của nó chơi, nó kiện tôi sao được.
- Nó viết thơ riêng cho cậu, chớ nó có cho phép cậu ấn hành vào nhựt trình đâu. Đã vậy mà nó không có ký tên thiệt, chừng cậu ấn hành vào nhựt trình và cậu nói nó, rồi nó chối cậu mới làm sao?
- Chữ nó viết, bây giờ nó chối sao được.
- Sao cậu biết chắc chữ trong thơ đó là chữ nó viết? Ví như nó mượn ai viết, rồi cậu làm sao? Con Hai Hẩu khôn ngoan lắm, chớ không phải như con gái khác đâu. Nếu nó mới viết thơ cho cậu không đầy một tháng nay, mà nó trở lòng ưng chỗ khác, thì tôi chắc thơ đó không phải chữ nó viết đâu.
- Vậy chớ bây giờ làm sao? Tôi cho nó năm sáu trăm đồng bạc nữ trang để làm kỷ niệm, bây giờ nó đeo đặng cho chồng nó ngắm thì tức tôi quá mà! Tôi giận là giận cái đó, chớ một con đàn bà bội ước bạc tình như nó, tôi không sá gì.
- Thôi, có người ta vô uống rượu nữa kìa, đừng có nói người ta nghe. Để một lát nữa vô nhà tôi, rồi tôi sẽ tính cho cậu.
Thầy thông kêu bồi đem rượu lăng xăng, Thượng Tứ chừ bự, cứ ngó sững ra ngoài đường, không uống rượu, mà cũng không nói chi hết. Thầy thông uống đã rồi mới dắt nhau đi ăn cơm Tây.
Đến 8 giờ tối, thầy thông mới dắt Thượng Tứ về nhà. Thầy lấy bài nhựt trình mà đọc cho vợ nghe, rồi hỏi tại sao cô Hai Hẩu nói như vậy mà bây giờ làm như vậy, và rầy vợ biểu phải lên đòi đồ kỷ niệm lại cho đủ.
Cô thông Hằng nghe rõ đầu đuôi, cô cũng giận lắm, lật đật vô buồng lấy áo đen dài mà bận, lấy khăn lụa trắng vắt vai, tay gài nút áo, chân bước lên xe kéo, miệng nói láp dáp rằng: “Để tôi lên tôi mắng cho nó biết mặt tôi. Nó gạt ai chớ gạt tôi sao được”.
Thượng Tứ với thầy thông Hàng ra đường đi lên đi xuống mà hứng mát đặng đợi cô thông. Gần 10 giờ cô thông mới trở về. Cô ngó thấy chồng thì cô ngừng xe nhảy xuống và móc bạc cắc trả tiền xe và nói rằng: “Tôi nhiếc nó đã đời. Nó khóc dữ. Vô đây, vô nhà tôi nói cho mà nghe”.
Ba người đều đi riết vô nhà. Cô thông bèn thuật rằng: Cô lên nhà ông Giáo Chuột, thấy có một ít người đang lau chùi bàn ghế sửa soạn đám cưới. Cô ngồi chơi một hồi rồi ngắt nhỏ cô Hai Hẩu ra sân, cô hỏi tại sao đã gởi thơ, nhắn miệng, thề thốt giao duyên kết tóc với cậu Tư mà bây giờ lại lấy chồng. Cô Hai Hẩu khóc tấm tức tấm tửi mà nói rằng cô bị ông Giáo gả ép, cô không ưng, ông đòi thắt họng thắt hầu, cực chẳng đã cô phải thuận tùng, nhưng mà cô thề thốt cái tình cô đối với cậu Tư dầu cô chết cũng không phai lạt, nếu kiếp nầy cô không làm vợ cậu Tư được, thì cô nguyện kiếp sau cô sẽ làm thân trâu ngựa mà đền bồi. Cô thông giận nên cô nhiếc một hồi, trách cô bạc tình bội ước. Cô Hai Hẩu khóc lóc năn nỉ xin thương giùm phận cô, nếu được tình thì mất hiếu, nếu được hiếu thì mất tình, bây giờ cô như người không hồn, bởi vậy cô xin cậu Tư đừng phiền cô tôi nghiệp. Cô thông lại nói cô có đòi đồ kỷ niệm lại, thì Hai Hẩu nhắn lời xin cậu Tư để cho cô giữ mà làm dấu tích, bữa nào cô buồn cô lấy đồ đó ra xem cũng như thấy cấu Tư vậy.
Cô thông thuật lại, mà lúc cô mắng nhiếc thì cô lên tay trợn mắt, lúc Hai Hẩu khóc than thì cô rỉ rả đau thương, cô làm cho Thượng Tứ tưởng tượng cái cuộc hai cô nói chuyện như thấy trước mắt, bởi vậy cậu động lòng, cậu lấy khăn lau nước mắt, và cậu nói rằng: “Không phải tôi tiếc mấy món đồ. Đồ tôi cho rồi có lẽ nào tôi đòi lại. Tôi tức là tức cô Hai Hẩu lấy chồng mà cổ không cho tôi biết trước … Tôi sợ tôi phải chết. Tôi buồn quá, bây giờ tôi có biết cái gì là vui nữa đâu …”.
Cô thông thấy Thượng Tứ đau đớn vì tình cô bắt động lòng, nên cô nói rằng: “Không phải con Hai Hẩu nó không thương cậu. Tôi biết nó thương lắm chớ, ngặt vì ông Giáp ép quá, phận nó là con, nó cãi cha sao được. Cậu phải nghĩ cái đó mà dung chế cho nó. Ối! Mà con Hai Hẩu cũng không quí gì đó mà tiếc. Để tôi kiếm làm mai cho cậu một chỗ còn lịch sự, còn khôn ngoan bằng mười nó nữa. Chị em bạn của tôi không thiếu gì. Cậu đừng buồn gì hết. Nó vị cha nó, nó không nghĩ đến mình, thứ đồ như vậy mà buồn giống gì”.
Thượng Tứ thở ra mà nói rằng: “Nếu cô Hai Hẩu xa tôi, thì từ rày sấp lên tôi không thèm ngó đàn bà con gái nào nữa hết”. Cậu nói dứt lời rồi đứng dậy cáo từ mà về. Thầy thông Hàng tỏ ý muốn đi chơi với cậu, Cậu lắc đầu nói rằng cậu về Mỹ Hội, cậu không muốn đi chơi nữa.
Thượng Tứ lên xe đi rồi, thầy thông Hàng ngó vợ và cười và nói rằng:
- Năm ngoái cậu Tư có nói với tôi rằng cậu là con nhà giàu, nên phải chơi bời đặng học khôn. Mấy tháng nay tôi cho cậu học được vài bài rồi, không biết cậu có hiểu đặng ghi vào trí hay không.
- Tôi sợ cậu nóng giận, cậu lên nhà ông Giáo cậu làm rầy rồi bể chuyện quá. Té ra êm được cũng khá.
- Dám làm rầy đâu. Nầy, mà mình đừng có đeo đồ đó, rủi cậu ngó thấy thì kỳ lắm đa. Thủng thẳng nguôi ngoai cho cậu quên rồi sẽ đem ra cũng chẳng muộn gì.
- Mình tưởng tôi dại hay sao?
- Không, tôi dặn hờ vậy mà! Cậu hảo mèo lắm. Để ít bữa cậu ngui ngoai, cậu hết nhớ con Hai Hẩu, rồi mình kiếm đứa nào bảnh bảnh mình cột cho cậu. Cái bộ tướng đó hễ rớ chỗ nào thì mê chỗ nấy, dễ cột va(#1) lắm.
- Mình để đó cho tôi. Tôi có tính rồi. Để tôi cột con Ba Vĩnh Tường cho cậu chơi.
- Con Ba nào?
- Ậy! Mình không biết đâu. Đừng có hỏi thăm.
- Mình sợ tôi tò mò hay sao mà giấu tôi?
- Biết chừng đâu.
Thầy thông cười rồi đóng cửa đi ngủ.
Người ta móc túi một lần rồi, bây giờ người ta tính lột da nữa, mà tội nghiệp cho Thượng Tứ quá, cậu không hay không biết chi hết. Cậu thất tình vì cô Hai Hẩu, cậu trở về nhà nằm dàu dàu không muốn nói chuyện, mà cũng hết muốn đi chơi nữa. Chớ chi bà Kế hiền biết tâm lý, bà thừa lúc con đương thất chí thất tình, bà khuyên giải mà dắt con trở vào đường phải, thì có lẽ Thượng Tứ ăn năn thương lại vợ nhà, rồi từ biệt mấy cuộc hoang đàng, mà vui thú đầm ấm nhà giàu như thiên hạ. Ngặt vì bà có tiền chớ không có học, bà biết cưng con mà không biết dạy con; đã vậy mà con nó làm quá bụng bà rồi, mấy tháng nay bà giận lẫy tính bỏ phế, bà lo dưỡng bịnh, chớ không muốn nói tới con nữa, bởi vậy con đi bà không cản, con về bà không hỏi, con buồn mặc con, bà không thèm biết tới.
Thượng Tứ nằm nhà buồn bực, cậu mới nhớ tới số nợ cậu vay của ông Giáo Chuột, tháng giêng nầy phải trả vốn và lời một ngàn bốn trăm đồng. Cậu vay 2 ngàn của Xã tri(#2) , phần thì bị nó chận lời trước, phần thì bị thầy thông Hàng mượn hết ba trăm, phần thì cậu xài bậy bạ, bây giờ còn tám trăm mấy. Số ấy đem mà trả cho ông Giáo Chuột thì không đủ; mà trả rồi còn tiền đâu mà xài.
Cậu lo tính vài bữa rồi cậu năn nỉ với mẹ xin số lúa ruộng hương hỏa đặng bán mà trả nợ. Lúc ấy tá điền đương chở lúa ruộng tới đong nườm nượp. Bà Kế hiền không thiếu gì lúa, nhưng mà bà nghe con nói hai tiếng “trả nợ” thì bà giận quá, bà dằn không được, bà la rầy om sòm. Bà nói: “Mầy ta rập(#3) theo phe thằng Chí với con Ngọc thì xuống nhà hai đứa nó mà xin tiền. Lại còn nói xin lúa đặng bán mà trả nợ! Mầy mắc nợ để họ bỏ tù mầy cho mầy biết chừng. Lúa của tao, tao không cho ai hột nào hết”.
Thượng Tứ xụ mặt rùn vai, không thèm nói đi nói lại.
Bà Kế hiền đau vừa mới khá khá, mà bà giận con nữa, bởi vậy đêm ấy bà ngủ không được, phát thổ huyết lại rồi nằm mệt.
Con Mang lật đật chạy rước thầy thuốc cầm huyết được, nhưng mà chứng mệt cũng còn hoài. Lần nầy Thượng Tứ ở nhà, thấy mẹ đau rõ ràng, biết chứng bịnh hiểm nghèo, nên có sắc lo sợ chút đỉnh. Cậu xớ rớ lối cửa buồng với ông thầy thuốc và mấy đứa ở, mà cậu không biết nói một tiếng chi cho mẹ vui lòng. Hễ bà Kế hiền thấy mặt cậu thì bà nói: “Mầy giết tao. Tao biết mà, mầy muốn giết tao cho chết đặng mầy phá sự nghiệp nầy. Tao nghĩ thiệt tao tiếc công tao đẻ mầy quá”.
Thượng Tứ bỏ đi ra ngoài không dám trả lời.
Bà Kế hiền mệt luôn tới ba bữa, thầy thuốc làm hết sức mà không biết phương chi làm cho bà khỏe được.
Thượng Tứ sai thằng Ngộ xuống nhà báo tin cho thầy Ban biện Chí hay. Thầy Ban biện chạy lên thấy mẹ ghẻ bịnh nặng, mới sai người đi cho em rể hay. Cô Ngọc vẫn hờn mẹ ghẻ hoài nên được tin cô không chịu đi thăm. Hương chủ Hậu rầy vợ, nói rằng ai quấy mặc ai, mình không nên lấy quấy mà trả quấy, bởi vậy cô Ba Ngọc mới chịu đi với chồng lên Mỹ Hội.
Cô Ba Ngọc tuy giận, mà lên tới nhà thấy bịnh mẹ ghẻ như vậy thì cô động lòng, nên khuyên anh với chồng đi rước thầy thuốc Tây, hoặc may có cứu được hay không. Bà Kế hiền biết trong mình bịnh nhiều, không thế khỏi chết, bởi vậy bà cản không cho rước thầy thuốc Tây. Bà thấy con ghẻ, con ruột có đủ mặt thì bà khóc mà nói rằng: “Cũng vì thằng Tứ mà tao phải mang bịnh đây; mà cũng tại tao thương nó quá nên mới ra cớ đỗi như vầy. Thằng Hai với con Ba, bước lại gần đây cho dì nói chuyện: Dì gởi thằng Tư lại cho hai con. Hai con ráng thương giùm em; nếu hai con phiền dì, sợ ngày sau nó không có cơm ăn. Tuy nó khác mẹ, song nó cũng một máu một thịt với hai con: Vậy xin hai con dìu dắt giùm nó, chớ nó ngang tàng mà khờ dại lắm …” Bà Kế hiền nói tới đó rồi bà mệt ngất, không nói được nữa. Cô Ba Ngọc với Thượng Tứ động lòng nên hai người khóc dầm dề.
Thầy Ban biện khuyên rằng: “Xin dì an tâm. Em của tôi, nếu tôi không thương nó thì thương ai. Dì còn thì tôi phải để cho dì dạy dỗ nó. Nếu rủi dì theo ông theo bà, thì tôi là lớn, tôi phải bảo bọc nó chớ sao. Dì uống thuốc cho mau mạnh, đừng lo việc chi hết”.
Bà Kế hiền tỏ ý muốn thấy mặc con dâu. Cô Ba Ngọc lật đật sai người ngồi xe qua chợ Ông Văn cho vợ chồng ông Hội đồng Thưởng hay và xin rước cô Ba Mạnh.
Bà Hội đồng Thưởng đi với con gái qua liền. Bà Kế hiền thấy mặt dâu thì bà khóc. Bà kêu Thượng Tứ lại gần mà nói rằng: “Vợ con đáng lắm. Con phải thương nó. Lời má khuyên con đây là lời chót. Con phải nghe má, đừng có cãi”.
Hai vợ chồng Thượng Tứ khóc hết.
Bà Kế hiền tắt hơi!…
Công việc làm nhiều khi nên hư là tại may rủi, chớ không phải giỏi dở. Cách ở đời cũng vậy, nhiều khi đi đường phải hay là đi đường quấy là tại vận hội khiến xuôi, chớ không phải tại ý người quyết định.
Trần Thượng Tứ là người từ nhỏ được mẹ cưng, nên quen thói đỏng đảnh, chừng đúng tuổi đi học, mẹ đút nhét tiền nhiều nên quen tánh ăn chơi; mà lúc nào cũng vậy, cha thì mắc chăm lo làm cho sự nghiệp càng lớn thêm, mẹ thì mắc thiết kế giựt gia tài của con, bởi vậy cậu chẳng hề được nghe tiếng dạy dỗ về đạo làm người. Khi cậu để bước thứ nhứt vào đường đời, là khi cậu cưới vợ, khi cái óc của cậu trống lỏng, cái lòng của cậu trong veo, cậu không hiểu thế nào là phải, thế nào là quấy, cậu không dè người sao là nên, người sao là hư, cậu chỉ biết cậu là con nhà giàu, cậu có vài trăm mẫu điền, cậu có sẵn một tòa nhà ngói, rồi cậu tưởng cậu hơn thiên hạ hết thảy, ai làm trái ý cậu thì cậu giận, ai không chìu lòng cậu thì cậu hờn. Vì tại tâm tánh cậu như vậy đó, nên cậu không biết thương yêu vợ, mà rồi cậu lại thất kỉnh thất hiếu luôn với mẹ nữa.
Tuy vậy mà chơn tánh của cậu cũng có chỗ tốt: 1. Cậu biết thương nhà nghèo, nên năm trước cậu chia tiền cho trò Khá; 2. Cậu không tham tiền, nên lúc nói vợ, mẹ khoe ông Hội đồng Thưởng giàu, cậu không tỏ ý vui mừng; 3. Cậu ở công bình, nên mỗi lần xin hưởng huê lợi ruộng đất thì cậu nói luôn cho anh, chớ không phải cậu không kể tình cốt nhục: Con nhà giàu đếm thử coi được bao nhiêu người có những tánh tốt ấy.
Thế mà cậu Thượng Tứ vừa mới bước chơn vào đường đời, cậu liền đi lạc nẻo. Theo thói thường người ta cho cậu là “hư”, thì cái hư nầy rõ ràng là tại vận hội; mà có muốn bắt chặt nữa, thì nói tại gia đình giáo dục gây ra, chớ nào phải cậu sẵn có cái óc hư từ hồi mới lọt lòng hay là lúc cưới vợ rồi thì cậu quyết hư mà chơi. Cậu có nói với thầy thông Hàng rằng: Phải xài tiền chút đỉnh đặng học khôn; mấy lời ấy đủ chỉ rõ cậu sợ cái hư ngày sau lắm.
Vì vợ không đủ khôn lanh mà kềm sửa tánh cậu được, mà cũng vì mẹ không có học thức mà dìu dắt bước đường cho cậu, bởi vậy cậu buông lung chơi bời mấy tháng tốn hao hết mấy ngàn. Đã biết tốn hao như vậy thì uổng tiền thiệt, nhưng mà nhờ có sự tốn ấy cậu mới gặp được cái cảnh làm cho cậu chán ngán nhơn tình; cậu bươn bả trở về nằm co, rồi nhớ nợ nần mà giựt mình, nên lo phương kiếm chước mà trả.
Bà Kế hiền nhắm mắt nhằm lúc cậu Thượng Tứ đương ảo não cuộc đời, hết muốn đi chơi nữa. Cậu suy xét cái cử chỉ của cậu đối với mẹ, bây giờ cậu mới hiểu tại cậu mà mẹ rầu buồn mang bịnh đến nỗi bỏ mình. Cậu nhớ mấy lời mẹ trối trong lúc gần tắt hơi, bây giờ cậu mới nghĩ tại cậu mà phân rẽ vợ chồng, chớ vợ của cậu chẳng có lỗi chi hết. Cậu lấy làm ăn năn về sự cậu ngỗ nghịch với mẹ, mà cậu cũng lấy làm hổ thẹn về sự cậu tính để vợ đặng cưới cô Hai Hẩu.
Đương lúc cậu quay đầu dợm trở bước vào cái đường mà thế tục kêu là phải, nếu cậu gặp vận hội xuôi thuận, thì có lẽ cậu cũng vui hưởng thú gia đình, cậu cũng an hưởng của phụ ấm như các con nhà giàu khác. Tiếc vì khi tống táng bà Kế hiền xong rồi, thầy Ban biện Chí ra lễ trầu rượu đứng nói cho Thượng Tứ lạy xin vợ chồng ông Hội đồng Thưởng cho cô Ba Mạnh ở luôn bên nây mà quản suất việc nhà, thì ông Hội đồng không chịu quên việc cũ, ông không chịu nhận lời, ông cứ nói ông gả con, ông có giao, nên không thế cho con về ở bên chồng được. Ban biện Chí với ông chủ Hậu hiệp nhau nói hết sức ông mới xiêu lòng chút đỉnh, song xiêu lòng là ông chịu cho con qua lại mà thôi, chớ ở luôn bên nây thì ông nhứt định không cho ngay.
Khách khứa về hết rồi, mấy anh em thầy ban biện Chí mới suy tính tiền bạc. Từ hôm bà Kế hiền tắt hơi thì cô Ba Ngọc kiếm lấy xâu chìa khóa mà bỏ túi. Cuộc tống chung tốn hao mấy bữa một tay cô xuất phát hết thảy, Thượng Tứ chẳng hề biết tới. Nay cô mở tủ sắt tủ cây soạn hết vàng bạc mà đếm trước mặt anh em thì số bạc trong tủ sắt được 18 ngàn đồng, còn số bạc trong tủ cây hơn bảy trăm. Cô xin lãnh số 700 lẻ mà trả tiền tốn hao đám tang, còn số lớn 18 ngàn, thì cô xin anh cả liệu định.
Ban biện Chí ngồi suy nghĩ một chút rồi hỏi Thượng Tứ rằng:
- Số bạc 18 ngàn đây là số bạc trong nhà nầy, mà nhà nầy là nhà của em, vậy em liệu làm sao?
- Số bạc đó, hôm má đau nặng má có nói nhỏ với tôi, má biểu đem mà giấu chớ đừng để cho anh với chị Ba ngó thấy. Tôi không chịu giấu nên mới còn đó. Tôi cũng biết bạc nầy là bạc của cha để lại, chớ má làm giống gì mà có bạc riêng nhiều dữ vậy. Con thảy đồng con, vậy thì ba anh em mình chia đồng với nhau mà xài, chớ liệu giống gì mà anh biểu tôi liệu.
- Em nói như vậy thì công bình lắm. Nhưng vì qua sợ em không vui lòng cho qua phân đoán, nên qua mới để cho em liệu.
- Anh cứ chia ba đi… Nè, anh Hai, anh làm giống gì mà anh quen với ông Giáo Chuột? Chắc anh có vay bạc của ổng chớ gi, phải hôn?
- Sao em biết qua quen với ông Giáo Chuột?
- Ổng có nói với tôi.
- Năm qua ra tranh chức Ban biện, qua có vay của ổng 5 ngàn. Mấy năm nay trả lời hoài, chớ trả vốn không nổi.
- Tôi cũng vướng của ổng hết một ngàn. Ổng ăn lời tới 400, mắc thất kinh.
Cô Ba Ngọc nghe em nói như vậy thì hỏi rằng:
- Em làm giống gì mà đi vay bạc?
- Hôm thánh 10 tôi xin tiền má không được, tôi giận tôi vay đặng xài chơi.
- Trời ơi! Xài nghiệp gì mà tới bạc ngàn lận! Bộ em cho ai hay sao chớ?
- Chuyện tôi xài mà chị biết sao được. Tôi còn thiếu Chà và hai ngàn nữa, chớ phải có một mình ông Giáo Chuột đâu. Bây giờ tôi lãnh 6 ngàn đây, tôi phải trả nợ hết ba ngàn tư, còn có hai ngàn sáu.
Thầy ban biện châu mày nói rằng: “Em còn hai ngàn sáu vậy cũng khá, cho bằng qua trả vốn với lời rồi thì tất tay. Mà qua mắc nợ có cớ. Còn em làm việc gì đâu mà vay tới ba ngàn đồng bạc?”.
Thượng Tứ cười mà đáp rằng: “Chuyện của tôi làm, nói ra không được. Xin anh biết giùm rằng tôi giận lẩy một chút nên mới mang nợ nần đó”.
Cô Ba Ngọc thở ra mà nói rằng: “May nó giận lẩy mà hết ba ngàn tư, chớ nó giận thiệt không biết hết mấy muôn! Thôi! Hai người chia rồi đem đi trả nợ phứt cho rồi đi. Tôi nghe nói nợ nần tôi ghét quá”.
Hương chủ Hậu là người hòa huỡn, thuở nay không ưa can thiệp đến việc gia tài bên vợ, mà chừng nghe anh em vợ bàn chuyện nợ nần như vậy, thì anh ta bước lại nói rằng: “Anh Hai với cậu Tư mắc nợ, thì trả cho người ta, có cái gì đâu mà ghét. Tôi muốn cho mình làm như vầy: anh Hai với cậu Tư mắc nợ hết thảy là 9 ngàn tư. Tôi muốn mình lấy số bạc ấy để riêng ra mà trả nợ trước cho người ta, rồi còn lại bao nhiêu sẽ chia đồng nhau. Làm như vậy ai cũng có tiền hết thảy, chớ mình chia trước một người 6 ngàn, anh Hai mắc trả nợ hết, rồi ảnh lấy gì mà xài.
Cô Ba Ngọc ngó chồng mà nói rằng:
- Anh Hai với thằng Tư mắc nợ, thì làm sao tự ý, chớ lấy bạc nầy trả nợ thì thiệt hại cho mình lắm, ai mà chịu vậy.
- Anh em mà tính lợi tính hâi cái gì kìa - Không được đâu. Anh em cũng phải làm cho công bình chớ; hai người làm nợ làm nần bây giờ tội gì mà mình phải chung mà trả.
- Anh em mà đi hơn thua với nhau chút đỉnh làm gì. May mà cha mẹ để tiền bạc lại cho mình chia nhau mà còn nói nhiều nói ít, ví như để nợ lại cho mình mới làm sao. Ở đời anh em thương nhau mới quí chớ mấy ngàn đồng bạc nầy không có quí đâu. Mình phải nghe lời tôi, đừng có cãi nữa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui