Edit: Mol
Trần Quốc Minh thấy rất bực bội.
Hôm qua thầy mới đi học từ nơi khác về.
Nhìn thấy sự khác biệt giữa trường Liễu Nguyên số 1 và mấy trường cấp 3 hàng đầu nên thầy rất lo lắng.
Thầy đi vòng quanh nhà vệ sinh nam hai lần, định tóm mấy học sinh lén lút hút thuốc để xả giận, nhưng nào ngờ lại tình cờ nghe thấy hai nam sinh đứng cạnh bồn rửa tay nói về chuyện gì mà học sinh đứng đầu khối muốn học khối Xã hội.
Thầy lập tức căng tai cảnh giác, học sinh đứng đầu khối nào? Có phải là học sinh đứng đầu khối lớp 10 không?
Cả cái trường này, ngoại trừ khối lớp 10 thì còn khối nào đang phân khối chứ?
Được lắm, Lý Quỳ Nhất, lại là em.
Rất khó nói được rằng ban đầu họ đã bỏ ra 100 nghìn tệ để chiêu mộ thủ khoa thành phố về hay là rước về bà tổ đây.
Thật đấy, Trần Quốc Minh đã làm chủ nhiệm khối nhiều năm như thế, nhưng thầy chưa từng thấy một học sinh đứng đầu nào lại gây rắc rối nhiều thế này.
Này này, đang yên đang lành, sao lại muốn học khối Xã hội?
Thầy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu được, nên đành phải túm người đến nói chuyện.
Thầy đặt bình giữ nhiệt xuống rồi ấn huyệt thái dương, cố gắng giữ giọng nói bình tĩnh: “Em nói đi, tại sao em lại muốn chọn học khối xã hội?”
“Em có hứng thú với khối xã hội hơn ạ.”
Lý Quỳ Nhất vừa nói vừa chớp mắt.
Điều hòa trong văn phòng của thầy Trần Quốc Minh ở ngay đối diện cô, hơi nóng liên tục phả vào mặt khiến mắt cô khô khốc.
Chuyện nực cười nhất là, để tránh bị nghi ngờ thì cửa văn phòng phải luôn được mở ra, luồng khí lạnh từ phía sau thổi tới lại làm lưng cô lạnh buốt.
Trước ngực sau lưng, quả thật là “nóng lạnh hòa hợp”.
Lý Quỳ Nhất đã đoán được thầy Trần Quốc Minh sẽ gọi cô đến để nói chuyện, nhưng cô cứ tưởng rằng sau kỳ nghỉ Tết Dương Lịch chuyện này mới đến.
Kết quả không biết Trần Quốc Minh nghe thấy tin tức cô chọn khối xã hội ở đâu, mà tiết học cuối cùng trước kỳ nghỉ, thầy đã tay nhanh mắt lẹ tóm cô lại nói chuyện.
Đều tại Phan Quân Manh, chính cậu ta đã sốc đến nỗi hét lên trong lớp: “Lý Quỳ Nhất muốn chọn khối Xã hội?!” khiến các bạn trong lớp đều quay đầu nhìn lại, có lẽ tin tức là từ đây mà ra.
“Có hứng thú với ban Xã hội hơn?” Trần Quốc Minh lặp lại câu cô vừa nói, ánh mắt nhìn về phía cô như nửa tin nửa ngờ: “Không lẽ em không có hứng thú với khối Tự nhiên sao?”
Không thể không có hứng thú được nhỉ, nếu không thì làm sao có thể học tốt các môn này được?
Lý Quỳ Nhất ăn ngay nói thật: “Cũng không hoàn toàn không có hứng thú ạ, chỉ là sau khi cân nhắc tổng thể về chuyên ngành mà em muốn học lâu dài và nghiên cứu sâu trong tương lai thì em thấy khối Xã hội vẫn phù hợp với em hơn ạ.”
Trần Quốc Minh híp mắt: “Em muốn học chuyên ngành gì?”
“Em muốn học khoa Ngôn ngữ và văn học Trung Quốc, cụ thể là liên quan đến Văn học hay Ngôn ngữ thì em đều có thể học được ạ.”
Trần Quốc Minh hơi ngạc nhiên, vì thầy hiếm khi thấy học sinh lớp mười nào đã có định hướng rõ ràng về chuyên ngành mình muốn học sau này.
Thường thì, đến khi thi đại học xong, nhiều người vẫn không biết hướng phát triển tương lai của bản thân, chỉ tùy tiện điền nguyện vọng vào.
Đến khi thực sự vào Đại học thì mới biết lựa chọn ban đầu của mình rốt cuộc là thứ ma quỷ gì.
Nhìn thấy một học sinh có mục tiêu và chủ kiến như vậy, thầy nên vui mừng mới phải.
Nhưng giờ đây, thầy không thể vui mừng được, thầy hít vào một hơi lạnh rít qua kẽ răng: “Học Văn học hoặc học Ngôn ngữ… Tại sao em lại nghĩ đến việc học cái này?”
Lý Quỳ Nhất cảm thấy câu hỏi này thật kỳ lạ: “Bởi vì em thích ạ.” Nói xong, cô lại cảm thấy câu trả lời của mình quá tùy ý, liền bổ sung thêm: “Hơn nữa em cho rằng mình có khả năng học tập tốt ạ.”
Trần Quốc Minh nghe cô nói vậy liền mỉm cười như đã hiểu rõ.
Thầy quá hiểu mà, lũ trẻ này đều quá đơn thuần.
Một từ “nhiệt huyết” còn lớn hơn cả trời, những học sinh như thế thầy cũng đã từng gặp.
Thầy thả lỏng người, dựa lưng vào ghế, lời nói thấm thía: “Em có hứng thú như vậy thì thầy cũng có thể hiểu, con gái mà, thích những thứ liên quan văn hóa nghệ thuật cũng là chuyện rất bình thường.
Nhưng thầy phải nhắc nhở em, ngành ngôn ngữ Trung không như em tưởng tượng ngày nào cũng đọc sách, viết lách, lãng mạn tình cảm, nhàn nhã, tự do tự tại gì đó đâu.
Nếu em cứ ôm thái độ như thế mà vào ngành này, chắc chắn em sẽ rất thất vọng.
Hơn nữa, em nói mình có khả năng học tập, thầy không phủ nhận điều đó, nhưng ngành ngôn ngữ Trung không yêu cầu em phải có khả năng học tập tốt, tiêu chuẩn của nó khá thấp, ai cũng có thể học.
Vì vậy, thầy khuyên em đừng nên lãng phí năng lực của mình.”
Lãng phí? Lý Quỳ Nhất nhíu chặt mày, cô rất muốn hỏi, vậy học cái gì mới không gọi là lãng phí? Mọi người luôn nghĩ rằng học mấy thứ thuộc khối Xã hội không cần động não.
Thế thì những sinh viên học khối Tự nhiên đều chỉ dùng ngón chân để viết bài à?
Nhưng Lý Quỳ Nhất không nói ra câu đó.
Cô biết rằng nếu cô tranh cãi với Trần Quốc Minh thì việc này sẽ không có điểm dừng, nên cô đè nén cảm xúc trong lòng, bình tĩnh nói: “Thưa thầy, trước tiên thì em muốn học ngành ngôn ngữ Trung Quốc không phải là một quyết định bồng bột, cũng không phải vì thích những thứ lãng mạn tình cảm gì đó.
Nếu đã thích, em chắc chắn sẽ không để sở thích đó chỉ dừng lại ở trong mộng tưởng.
Em đã tìm hiểu thông tin, em biết ngành ngôn ngữ Trung phải học những gì, và em cũng đã nghe một số khóa học của các trường Đại học hàng đầu ở trên mạng, cho dù là những môn liên quan đến ngành Văn học như lịch sử văn học, lý thuyết văn học, phê bình văn học, cũng như các môn liên quan đến ngôn ngữ như ứng dụng ngôn ngữ, ngữ âm học..
Thì em đều hứng thú với tất cả các môn đó.
Vì những lý do trên mà em mới nói em muốn học ngành ngôn ngữ Trung.
Hơn nữa, dù tiêu chuẩn của ngành này không cao, nhưng em không thỏa mãn với việc chỉ mãi dậm chân tại chỗ.
Nếu đã muốn học, em muốn học thật những kiến thức uyên bác, sâu sắc.
Nếu như muốn nghiên cứu sâu, chỉ sợ không phải ngành này không xứng đáng với khả năng của em, mà là nếu khả năng của em có thể phù hợp với một phần mười nghìn của ngành này, cũng đã là may mắn của em rồi.”
Lại nữa rồi.
Em ấy lúc nào cũng có lý lẽ để phản đối!
Trần Quốc Minh rất bất lực.
Bắt đầu từ lần trước khi cô đối đầu với thầy ở trong văn phòng, thầy đã biết rằng cô bé này rất cứng đầu, những gì cô cho là đúng thì cô phải làm, không hề tính đến thực tế.
Nếu đã như vậy thì thầy cũng không muốn vòng vo nữa, trực tiếp nói: “Em còn trẻ, thành tích học tập lại tốt, cuộc sống ở trường thuận lợi nên đối với một số việc em luôn thấy là đương nhiên, cảm thấy tương lai đang ở ngay trước mắt mình.
Nhưng đến khi em học xong Đại học bước vào xã hội, em sẽ thấy cuộc sống không phải là thứ tốt đẹp gì đâu.”
Lý Quỳ Nhất hiểu ý của thầy.
Cô im lặng một lúc, trên khuôn mặt và trong giọng điệu đều không có bất kỳ cảm xúc gì: “Vậy ý của thầy là, em nên chọn học khối Tự nhiên để sau này sẽ học một ngành có triển vọng hơn, đúng không?”
“Đối với những học sinh gia đình bình thường, đó ít nhất là một lựa chọn không tồi.” Trần Quốc Minh nói.
Vừa dứt lời, thầy liền thấy sắc mặt của Lý Quỳ Nhất trầm xuống.
Thầy biết lời nói của mình quá thực tế, đối với đứa trẻ 15 16 tuổi mà nói khó tránh khỏi hơi chói tai.
Dù sao cũng là học sinh của mình, Trần Quốc Minh cũng không muốn làm tổn thương cô nữa, giọng nói nhẹ nhàng hơn: “Thầy không phải không ủng hộ em có lý tưởng riêng, chỉ là em không thể nhìn thế giới một cách mù quáng được.
Câu nói “Học tốt toán lý hóa, đi khắp thiên hạ cũng không sợ” chắc hẳn em đã nghe qua rồi? Không lẽ em nghĩ rằng câu nói đó là không có cơ sở, chỉ là lời truyền miệng không thôi sao? Thực tế là tất cả mọi nơi đều như vậy.
Hôm nay nếu đổi lại là người khác thì thầy sẽ không nói nhiều thế, vì họ không học được môn Vật lý, không học được Toán nên mới chọn học Văn, nếu như người đó tình nguyện chọn học Văn thì cứ chọn, chẳng còn cách nào tốt hơn.
Nhưng em thì khác, em có khả năng học tốt môn Tự nhiên, em hoàn toàn có thể lựa chọn cái tốt hơn.
Nếu em thật sự yêu thích ngành Văn học, em hoàn toàn có thể học thêm những khóa học dự thính ở đại học, hoặc là học song bằng gì đó cũng được.
Đôi khi, không biến sở thích thành chuyên ngành chính, em mới có hứng thú với nó lâu dài, không phải sao?”
Lý Quỳ Nhất cụp mắt xuống, không nói gì.
Cô nghe hiểu được, trong lời nói của Trần Quốc Minh mang một sự chân thành, có đạo lý hay không thì tạm thời không quan trọng.
Thầy thật sự đang thật lòng nghĩ cho tương lai của cô.
Dĩ nhiên, Lý Quỳ Nhất cũng nghe ra được những thành kiến ẩn chứa trong lời nói của Trần Quốc Minh.
Cô muốn nói rằng không phải lúc nào cũng vậy, trên thế giới này có người thích Văn học, có người thích Lịch sử, có người thích Triết học… Nhưng việc yêu thích những thứ này trong mắt một vài người thì lại là vô nghĩa, là mơ mộng mù quáng, là không thực tế, điều đó chẳng phải là không công bằng chút nào sao? Mà cho dù, cứ cho là thật sự không học được vật lý nên mới chọn khối Xã hội đi, vậy thế thì sao? Không thể học tốt vật lý cũng không phải là cái tội.
Nếu ai cũng học tốt vật lý thì đâu cần đến Einstein làm gì?
Trần Quốc Minh thấy Lý Quỳ Nhất im lặng lâu như vậy, thì nhất thời cũng không đoán được suy nghĩ của cô, không biết cô cứng đầu như thế đã bị thuyết phục chưa, hay đây chỉ là sự im lặng trước khi giông tố tới.
Thế nên thầy hỏi thêm: “Em thấy sao?”
Lý Quỳ Nhất chợt ngước mắt lên, hỏi ngược lại: “Nếu vì môi trường xã hội mà mọi người đều học khối Tự nhiên, vậy thì tương lai của xã hội đó chẳng phải sẽ tệ hơn sao? Thế thì phải làm thế nào?”
Giọng cô trong trẻo khiến câu hỏi càng ngây thơ hơn, Trần Quốc Minh bị chọc cười.
“Đó không phải là chuyện em cần phải lo.”
“Vậy thì ai sẽ lo ạ?”
Trần Quốc Minh dang tay nhún vai: “Trung Quốc lớn như vậy, có nhiều nhân tài như thế, tự nhiên sẽ có người lo thôi.”
“Có người lo thì tại sao tình hình xã hội vẫn vậy? Điều đó chứng tỏ người lo vẫn chưa đủ.”
Trần Quốc Minh hơi ngẩn ra: “Sao, em muốn quan tâm lo nghĩ à?”
“Em không thể sao?” Lý Quỳ Nhất nhìn chằm chằm vào thầy.
Lại nữa rồi.
Sự dũng cảm mù quáng của trẻ con!
Trần Quốc Minh đau đầu muốn chết.
May mắn là trong lớp chỉ có một Lý Quỳ Nhất, nếu có thêm vài người nữa thì chắc có thể ép thầy lập tức từ chức mất.
Thật ra, chỉ một Lý Quỳ Nhất đã khiến thầy muốn tan học rồi.
Có lẽ ông trời cũng như nghe thấy tiếng lòng của thầy nên ngay lúc này, tiếng chuông tan học vang lên khắp trường.
Sau vài giây im lặng, cả tòa nhà giảng dạy lập tức trở nên ồn ào, ghế bàn xê dịch kêu “két két” trên sàn.
Tiếng bước chân từ trên trần nhà dồn dập vang xuống, thậm chí một vài nam sinh còn bắt chước tiếng sói hú: “A hú… A hú… Được nghỉ rồi!”
Mấy thằng oắt con không biết trời cao đất dày này! Trần Quốc Minh lại càng thêm bực bội, sao học sinh ở các trường khác lại ngoan ngoãn thế?
Thầy khẽ thở dài, trong ánh mắt nhìn Lý Quỳ Nhất còn mang theo sự uy nghiêm: “Không ai nói em không thể.
Em có ý tưởng, đó là điều tốt.
Là một giáo viên, đương nhiên thầy cũng hy vọng sau này các em trưởng thành có thể đóng góp cho xã hội.
Nhưng thầy còn mong điều gì hơn? Thầy mong các em có cuộc sống tốt đẹp hơn! Tục ngữ chẳng phải đã nói khi nghèo thì lo thân, khi giàu thì cứu thiên hạ à.
Trước tiên, em phải hiểu một cách khách quan tình hình hiện tại của mình trước, sau đó mới có thể nghĩ đến những thứ sâu sắc hơn.
Thế giới này không phải là chốn giang hồ, không phải cứ mang theo nhiệt huyết là có thể đi mọi nơi lang bạt kiếm sống.
Bây giờ em nghe những lời này, chắc chắn sẽ thấy thầy quá thiết thực, quá chợ búa, quá tầm thường, nhưng khi em lớn lên rồi sẽ nhận ra đây chính là thực tế, đến khi đó hối hận cũng đã muộn rồi!”
“Nếu em không hối hận thì sao ạ?” Lý Quỳ Nhất nhẹ nhàng hỏi
“Làm sao em có thể chắc chắn rằng mình sẽ không hối hận?”
Lý Quỳ Nhất suy nghĩ một lát, rồi nói: “Em không thể chắc chắn được, cũng giống như thầy cũng không thể chắc chắn nếu em chọn học khối Tự nhiên thì con đường phía trước sẽ rộng mở.
Điều duy nhất em có thể cố gắng hết sức để làm là, sau này lúc em không thể đạt được tiêu chuẩn thành công trong mắt người khác thì em cũng không thể lấy giá trị quan của người khác mà công kích chính mình.
Mỗi sự lựa chọn đều sẽ không tránh khỏi điều nuối tiếc, tiếc nuối không đáng sợ, nhưng cứ giữ mãi sự nuối tiếc đó không buông, mâu thuẫn với chính mình thì đó mới là chuyện lãng phí nhất đời người.”
Vẻ mặt Trần Quốc minh nhất thời sững sờ, hình như thầy không ngờ rằng cô lại có thể nói những ra những câu đó.
Thầy không phản bác gì nữa, chỉ lặng lẽ nhìn cô.
Một lúc sau thầy mới nói: “… Được rồi, em về đi.”
Lý Quỳ Nhất không hiểu vẻ mặt Trần Quốc Minh, không biết thầy đang nhượng bộ hay thất vọng.
Cô im lặng một lúc, sau đó nói “Em chào thầy ạ,” rồi quay lưng rời khỏi văn phòng của thầy.
Khoảnh khắc vừa bước ra khỏi cửa, cô nghe thấy phía sau có một tiếng thở dài.
Cô thật sự đã chọn sai sao?
Lúc nào thái độ của cô cũng mạnh mẽ, kiên định, nhưng đôi lúc trong lòng cô cũng không chắc chắn lắm.
Bầu trời bên ngoài tòa nhà giảng dạy đã tối đen.
Hầu hết các lớp học đã tắt đèn, chỉ còn một vài lớp vẫn còn vài học sinh ở lại trực nhật.
Lý Quỳ Nhất ngẩn ngơ đi qua hành lang dài, khi lơ đãng ngẩng đầu lên, cô thấy vầng trăng cô đơn mọc ở chân trời phía Đông.
Trông tựa như một chiếc móc sắc bén, tỏa ra ánh sáng lạnh lẽo.
Lý Quỳ Nhất đột nhiên nhớ ra, hôm nay cô và Hạ Du Nguyên đã hẹn sau khi tan học sẽ xem vở ghi.
Hai người hẹn gặp nhau ở một tiệm sách1 tên là “Hữu Gian”.
Tầng hai của tiệm sách có chỗ thảo luận, còn có cả máy in, rất thích hợp cho cuộc “đàm phán kinh doanh” của họ.
Không biết Hạ Du Nguyên đã đến đó chưa.
Lý Quỳ Nhất chạy “huỳnh huỵch” xuống cầu thang.
Cô về lớp thu dọn sách vở, rồi đeo găng tay, quấn khăn choàng, cuối cùng nhanh chóng đi ra khỏi trường.
Tuyết rơi mấy ngày trước đã bắt đầu tan.
Thời tiết lúc tuyết tan là lạnh nhất.
Dù cô đã quấn khăn choàng thì lúc đi đường gió lạnh vẫn thổi vào mũi, đau nhức rất khó chịu.
Mỗi hơi thở đều có khói trắng toả ra, trong ánh sáng ban đêm lại càng rõ ràng hơn.
Có lẽ vì đang nghỉ lễ, các bạn học chuồn rất nhanh, khuôn viên trường vắng lặng, chỉ có vầng trăng khuyết đi cùng cô, lúc thì nó lướt qua bóng cây phía chân trời, lúc thì lại xuyên qua những đám mây mỏng.
Lý Quỳ Nhất bước chậm lại, dường như mặt trăng cũng chậm lại theo cô.
Cô nhớ về thời thơ ấu.
Khi đó, cô đã phát hiện ra rằng mặt trăng luôn theo sau cô, thậm chí khi cô chạy, mặt trăng cũng nhanh chóng chạy theo.
Cô thấy thật kỳ diệu, nhưng cô không có cách nào hỏi người lớn bên cạnh rằng chuyện gì đang xảy ra vì họ sẽ không để tâm đến những câu hỏi nhỏ nhặt vô dụng của cô.
Đến khi vào Tiểu học, Lý Quỳ Nhất có giáo viên nên mới hỏi được câu hỏi này.
Có lẽ giáo viên ấy muốn bảo vệ tâm hồn trẻ con của cô, đã nói với cô rằng mặt trăng theo cô vì nó thích cô.
Cô vui mừng khôn xiết, tưởng rằng có lẽ mặt trăng là chú cún cô nuôi trên trời! Kể từ đó, mỗi khi đi đêm một mình, cô không còn sợ hãi nữa, vì mặt trăng lúc cô còn nhỏ thật sự rất sáng, nó có thể chiếu sáng cả rừng cây và cửa sổ.
Cho dù sau khi lớn lên cô hiểu đó rốt cuộc là chuyện gì, nhưng mỗi khi ngẩng đầu nhìn mặt trăng, lòng cô vẫn cảm thấy ấm áp an ủi, như thể thấy chú cún của mình vẫy đuôi tới.
Từ đó mặt trăng không còn là một thiên thể bình thường trên trời nữa, mà trong mắt cô, nó là sự theo đuổi, là sự đồng hành, là hiện thân của sự lãng mạn.
Sau này, khi đọc bài thơ “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” của Trương Nhược Hư, Lý Quỳ Nhất đọc được câu “Trăng ấy soi người tự thuở nào2” trái tim cô bắt đầu rạo rực mãnh liệt.
Chính vào lúc đó, cô tin chắc rằng người mặt trăng đang chờ đợi chính là cô.
Cô không thể không nghĩ, khi Lý Bạch viết “Cất chén mời trăng sáng, mình với bóng là ba3” khi Tô Thức viết “Chỉ nguyện người trường cửu, ngàn dặm dưới trăng thâu4” khi Trương Cửu Linh viết “Trùng dương trăng sáng chiếu, lung linh khắp khung trời5” … Có phải họ cũng cho rằng họ chính là người mà mặt trăng đang chờ đợi không?
Mặt trăng vốn không có tình cảm, mà đó chính là tình cảm của con người.
Ánh trăng vằng vặc xuyên qua thời gian, chiếu sáng đến mỗi người mà nó đang chờ đợi.
Khoảnh khắc đó, cô nhìn thấy chính mình qua bóng dáng của mọi người.
Lý Quỳ Nhất chợt hiểu ra: Ồ, đó chính là ý nghĩa của văn học.
Hóa ra nó không phải là một ảo ảnh hư vô mờ mịt, mà là cái chạm đến thực tại.
Những khoảnh khắc làm rung động tâm hồn này không có tác dụng thực tế nào, nhưng lại là điều khiến cô rất vui vẻ.
Chính vì vậy, đôi khi cô cảm nhận được cảm giác số phận thật kỳ diệu.
Cô nghĩ cả đời này, có lẽ cô sẽ trở thành một người “vô dụng.”
Lý Quỳ Nhất khịt khịt mũi, kéo chặt khăn quàng cổ quanh cổ.
Khi ra khỏi cổng trường, cô rẽ vào một cửa hàng nhỏ, rồi lấy một hộp kem từ trong tủ lạnh.
Cô không rõ cảm xúc của mình lúc này là vui hay buồn, chỉ biết là cô rất thèm ăn kem.
Sau khi ngẫm nghĩ, Lý Quỳ Nhất lại lấy thêm một hộp nữa, cô định mang cho Hạ Du Nguyên, hy vọng cậu sẽ vì thể diện của hộp kem mà vui vẻ mua lại vở ghi của cô.
Nhìn đi, đó chính là nguồn gốc của sự bất an trong lòng cô… Cô cảm thấy mình quá mâu thuẫn.
Khi nói về hiện tại, rõ ràng cô rất cần tiền; nhưng khi nói đến tương lai, cô lại tỏ ra coi thường tiền bạc.
Hai tay Lý Quỳ Nhất run run cầm hai hộp kem.
Cô đến quán sách rồi đi thẳng lên tầng hai.
Nơi đây không có ai, yên tĩnh lạ thường.
Quả nhiên Hạ Du Nguyên đã đến, hệ thống dưởi rất đầy đủ nên cậu đã cởi áo khoác lông và chỉ mặc một chiếc áo mỏng, cả người có vẻ rất thoải mái.
Cậu đang ngồi trước bàn làm bài tập, chắc là đang suy nghĩ, cây bút mực đen xoay vòng giữa các ngón tay thon dài.
Người này bình thường thoạt nhìn cà lơ phất phơ, nhưng khi chăm chỉ, lại có một cảm giác yên tâm.
Lý Quỳ Nhất đi đến gần, bóng của cô đổ lên người Hạ Du Nguyên.
Cậu ngước mắt lên.
Quả là một đôi mắt đẹp, đôi mắt đen láy, pha vào trong đó là chút sáng long lanh.
Nhưng khi cậu mở miệng thì lại chẳng hề khách khí: “Cậu còn biết đến đây à?”
Quả nhiên vẻ đẹp cũng chỉ là sự giả tạo.
Lý Quỳ Nhất cảm thấy cậu cố tình gây khó dễ.
Dù cô có đến muộn một chút nhưng cũng không muộn quá lâu.
Thôi, chỉ là mua một cuốn vở ghi chép, có cần phải làm như thể mình là thượng đế không?
Thôi, vì đồng tiền, cô có thể nhẫn nhịn.
Lý Quỳ Nhất ngồi xuống đối diện cậu, đặt hộp kem lên bàn, hỏi: “Cậu có muốn ăn không?”
Hạ Du Nguyên hơi ngạc nhiên, ánh mắt cậu đảo qua lại giữa khuôn mặt cô và hộp kem, sau đó như không có việc gì mà nhếch miệng, lấy một hộp, nói: “Ăn một hộp cũng được.”
Nói xong, cậu đột nhiên nhớ ra điều gì đó, cúi người lấy một túi giấy dưới bàn, rồi lấy hai cốc đồ uống ở trong đó ra.
Cậu đưa tay lên dụi mũi, có vẻ hơi ngượng ngùng,:“À… Đây là cốc cacao nóng mà mình mua.”
Kem và cacao nóng.
Thực sự không hợp nhau chút nào, một lạnh một nóng, ăn thế này sớm muộn gì cũng bị đau bụng.
Rõ ràng cả hai đều nhận ra vấn đề này, đôi bên nhìn nhau, khá lúng túng.
Hạ Du Nguyên “chẹp” một tiếng, sau đó vươn tay mở nắp hộp kem và cốc cacao nóng, tiếp đến múc một thìa kem vào cốc cacao nóng.
Kem nhanh chóng tan ra, cậu lấy que khuấy đều, cuối cùng uống một ngụm rồi chậc lưỡi nói: “Vị cacao ấm cũng rất ngon.”
Cacao ấm, cái tên nghe vừa hợp lý lại vừa hơi kỳ quặc, Lý Quỳ Nhất lập tức bị chọc cười.
Đúng là phục mạch não của cậu.
Nhưng cô cũng làm một ly “cacao ấm” theo cách như thế.
Lý Quỳ Nhất mở cặp sách lấy tất cả vở ghi chép cô đã sắp xếp ra, sau đó xếp thành một chồng dày trước mặt Hạ Du Nguyên: “Cậu xem thử đi.” Song nhớ đến mạch não kỳ lạ của cậu, cô lại hỏi thêm một câu: “Đêm Bình An, mình hỏi cậu có muốn vở ghi chép của mình không, sao cậu lại nói không cần?”
“Không hiểu à, đó gọi là quân tử không nhận của ăn xin.” Hạ Du Nguyên cầm một cuốn lên xem, không ngẩng đầu lên.
Cậu mà là quân tử hả? Lý Quỳ Nhất khinh bỉ bĩu môi.
Khi đang lật lật quyển vở, Hạ Du Nguyên bỗng ngẩng lên, kéo dài âm cuối như thể đang suy nghĩ: “Vậy tại sao cậu lại hỏi mình có muốn ghi của cậu không?”
“Mình nghe nói cậu đang học hành chăm chỉ.”
Cậu nhướng mày, hừ một tiếng: “Cậu nghe ai nói vậy? Kỳ Ngọc hả?”
“Là từ Phương Tri Hiểu.”
“Ồ.” Hạ Du Nguyên gật đầu, cụp mắt tiếp tục lật xem vở ghi, khóe môi khẽ nhếch lên cười.
Sau đó, hai người không nói gì thêm nữa.
Hạ Du Nguyên chăm chú lật xem quyển vở ghi trong tay.
Dù kết quả học tập của cậu bình thường, nhưng cậu cũng biết phần tinh túy nhất của một quyển vở ghi là tư duy học tập được thể hiện trong đó.
Nếu chỉ đơn thuần là ghi chép lại những gì giáo viên giảng trên lớp, vậy thì quyển vở ghi chép đó không có giá trị, cậu cũng không cần phải mua nó.
Còn quyển ghi chép của Lý Quỳ Nhất… Nhìn qua đúng là hơi xấu, không có nhiều màu sắc hay đánh dấu, chỉ có nét chữ đẹp là nổi bật.
Nhưng khi Hạ Du Nguyên lật qua lật lại quyển vở ghi thì đã bị bất ngờ.
Cậu nhận ra rằng Lý Quỳ Nhất thực sự là một thiên tài trong việc tổng hợp.
Thậm chí cậu còn hơi không hiểu, bọn họ mới chỉ học lớp 10 thôi, có người học nửa năm rồi nhưng vẫn không biết mình học gì, sao cô có thể nắm bắt và kết nối tất cả các kiến thức dựa theo hệ thống chuyên đề nhỏ như thế? Tiến trình từng bước một, logic rõ ràng, hơn nữa trong ghi chú của cô còn có phần tóm tắt các điểm thường gặp và dễ sai, tổng kết các thuật ngữ và kỹ năng trả lời câu hỏi, cũng như cách vận dụng tương tự cho các dạng bài tương tự…
Trước đây Hạ Du Nguyên luôn nghĩ bản thân mình rất thông minh, cậu gần như không cần phải tốn công học nhiều mà kết quả học tập vẫn ở mức trung bình trong khối.
Cậu không dám tưởng tượng nếu như mình cố gắng học tập thì còn giỏi đến mức nào? Nhưng sau khi xem vở ghi chép này, cậu đột nhiên cảm thấy mình hơi thất bại… Đây không phải là vấn đề nỗ lực hay không, mà là dù có thêm một cái đầu nữa cũng không chắc cậu có thể có được khả năng tư duy như thế này.
Hạ Du Nguyên ngước mắt nhìn về phía cô gái đối diện.
Cô đang cầm cốc “cacao ấm”, đọc cuốn sách được lấy từ giá sách bên cạnh, hơn nửa khuôn mặt bị che khuất trong khăn quàng cổ, chỉ lộ ra đôi lông mắt sáng trong.
Cậu nhìn đầu cô một lúc lâu, như thể muốn nhìn xuyên qua cấu trúc não bộ của cô.
Lý Quỳ Nhất như nhận ra gì đó, ngơ ngác ngẩng đầu lên.
Hạ Du Nguyên vội vàng cúi đầu xuống, trái tim chợt đập nhanh hơn.
Sau khi lặng lẽ bình tĩnh lại, cậu giả vờ vô tình chọn ra năm cuốn ngữ văn, chính trị, địa lý, vật lý, hoá học từ trong đống vở ghi, sau đó đẩy về phía Lý Quỳ Nhất: “Mình lấy những cuốn này.”
Lý Quỳ Nhất nhìn thoáng qua, thầm nghĩ cậu cũng học “tạp” phết nhỉ.
Nhưng sau khi suy nghĩ lại, cô nhận ra hình như mình cũng không có quyền nói cậu.
Vì để ghi chép tốt, cô cũng phải học tốt cả môn Xã hội lẫn môn Tự nhiên.
“Được.”
Hạ Du Nguyên hơi chần chừ, đưa năm ngón tay lên: “Năm trăm tệ?”
Oà, đúng là ra giá cao! Lý Quỳ Nhất lặng lẽ sững sờ trong lòng, nhưng trên mặt vẫn nỗ lực giữ vẻ bình thản, cố gắng không cười, sau đó thản nhiên nói: “Được.”
Nói xong, cô lập tức quay người mở cặp balo rồi lấy ra một quyển kẹp giấy thi.
Sau đó cô lấy hai tờ giấy A4 từ trong kẹp giấy ra, đưa cho Hạ Du Nguyên: “Ký hợp đồng đi.”
Còn hợp đồng nữa?
Hạ Du Nguyên nhận lấy rồi xem, trên hợp đồng chỉ có vài dòng chữ, chủ yếu là cấm cậu sao chép hay bán lại ghi chép của cô.
Cậu khẽ cười xuỳ, giơ giơ tờ giấy trong tay lên: “Cái này có hiệu lực pháp lý à?”
“Không có, hoàn toàn dựa vào lương tâm.” Lý Quỳ Nhất lắc đầu, bình tĩnh nói: “Nhưng nếu cậu dám vi phạm, mình sẽ sao chép hợp đồng thành nhiều bản, sau đó dán ở lớp học của cậu, ở canteen, nhà vệ sinh… Bên cạnh còn có kèm theo ảnh của cậu nữa.”
Hạ Du Nguyên: “…”
Hợp đồng có hai bản.
Sau khi ký xong, mỗi người giữ một bản.
Lý Quỳ Nhất lại mở kẹp giấy thi, cất hợp đồng vào bên trong.
“Cậu muốn học khối Xã hội?” Đối diện chợt thốt ra một câu như vậy.
Lý Quỳ Nhất đang thắc mắc sao cậu ấy lại biết.
Cô nhìn theo ánh mắt của cậu, liền thấy tờ đơn nguyện vọng phân khối của mình nằm ở lớp trên cùng của kẹp giấy thi.
“Ừm.”
Hạ Du Nguyên bỗng nhiên cười rất vui vẻ, đôi mắt cậu nhìn cô chăm chú: “Thật sao?”
“Sao mình phải lừa cậu chứ?” Lý Quỳ Nhất kỳ quái nhìn cậu, thấy cậu cười như vậy, trong lòng cô không khỏi cảm thấy lo lắng: “Không lẽ cậu cũng chọn khối Xã hội?”
Hạ Du Nguyên thu lại nụ cười, nhẹ nhàng mở miệng: “Cậu đoán xem.”
“Không đoán!”
Lý Quỳ Nhất dám chắc chắn rằng cậu sẽ nói cho cô biết, cậu ấy mà nhịn được thì mới là lạ.
Quả nhiên, Hạ Du Nguyên cúi người, lấy cặp sách từ dưới đất và rút ra tờ nguyện vọng phân khối của mình rồi đưa cho cô.
Lý Quỳ Nhất cầm lấy rồi tập trung nhìn, cậu không chọn khối Xã hội cũng không chọn khối Tự nhiên, mà chọn chuyên ngành… Nghệ thuật.
Ừ nhỉ, cậu ấy biết vẽ tranh mà.
Cô còn tưởng việc vẽ tranh chỉ là sở thích của cậu, hoá cậu dự định theo học chuyên ngành này.
Mặc dù cô không hiểu nhiều về cuộc sống của sinh viên nghệ thuật, nhưng cô biết họ phải học cả môn chuyên ngành và môn Văn hóa.
Mới nghĩ đến đó thôi mà Lý Quỳ Nhất đã thấy con đường này thật sự rất khó khăn.
Vậy nên, cậu thật sự đam mê nghệ thuật sao?
“Thầy Trần Quốc Minh sẽ tìm cậu để nói chuyện chứ?” Cô hỏi.
Hứa Du Nguyên nhướn mày: “Hả? Xem ra cậu đã bị thầy tóm rồi.”
“Đúng vậy, đó chính là lý do mình đến muộn.”
Hạ Du Nguyên cảm thấy Trần Quốc Minh làm chủ nhiệm khối cũng chẳng dễ dàng gì, bởi vì có một học sinh “chắc” hệt thép chui như Lý Quỳ Nhất.
“Thầy ấy sẽ không tìm mình đâu.
Cậu khác mình, vì điểm số của cậu tốt nên thầy ấy mới quan tâm cậu chọn gì.”
Lý Quỳ Nhất nói: “Chưa chắc đâu.
Thật ra với điểm số hiện tại của cậu, nếu giữ vững đến lớp 12 thì thi vào một trường đại học loại 1 cũng không thành vấn đề.
Nếu cậu còn có thể giữ được thái độ chăm chỉ này, có lẽ cũng có thể thi vào một trường đại học trọng điểm… Có lẽ thầy Trần Quốc Minh sẽ khuyên cậu như vậy.”
“Thầy có khuyên mình cũng vô ích.” Hạ Du Nguyên đưa cốc “cacao ấm” đến bên miệng, liếc cô: “Hay là cậu đã bị thuyết phục rồi?”
Lý Quỳ Nhất không trả lời, chỉ nói: “Vậy hả? Nhưng trông cậu có vẻ rất dễ bị thuyết phục đây.”
Cậu không nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn cô, ánh mắt rất sâu xa.
Sau một lúc lâu, cậu mới mở miệng, giọng điệu lười biếng, bộ dạng không nghiêm túc, hỏi một câu hỏi không liên quan: “Học sinh giỏi, cậu có biết một đời người có thể nhìn thấy bao nhiêu lần trăng tròn không?”
Nghe cậu nhắc đến mặt trăng, ánh mắt Lý Quỳ Nhất hơi sáng lên, nhưng không thể hiện ra rõ ràng.
Cô biết đây không phải là một câu hỏi toán học, nhưng vẫn hứng thú tính toán: “Một đời người, tính khoảng 70 tuổi, trừ đi ý thức mấy năm đầu đời không biết gì… tính khoảng 5 năm, còn lại 65 năm.
Chu kỳ giữa hai lần trăng tròn là khoảng 29 ngày rưỡi, để dễ tính, ta lấy một tháng một lần thì một năm có 12 lần, 65 năm là… 780 lần.
Mình tin rằng phần lớn mọi người không phải ngày nào cũng ngước lên nhìn mặt trăng, vậy nên 780 lần chắc chắn phải giảm đi rất nhiều, nên số lần cả đời nhìn thấy trăng tròn có lẽ không tới trăm lần…”
Tính toán xong, giọng cô dần nhỏ lại, vì cô đột nhiên nhận ra rằng hoá ra số lần một người có thể nhìn thấy trăng tròn trong cuộc đời còn ít hơn nhiều so với những gì cô tưởng tượng.
Lý Quỳ Nhất cảm thấy mình không cần phải nghe Hạ Du Nguyên giải thích lý do tại sao cậu lại hỏi câu hỏi này, vì cô đã hiểu rồi.
Hạ Du Nguyên nghe xong phép tính của cô thì không có vẻ gì quá ngạc nhiên, chỉ thở dài: “Cậu thật sự muốn học khối Xã hội?”
Lý Quỳ Nhất vẫn không trả lời câu hỏi của cậu, mà lại hỏi: “Cậu thấy câu hỏi này ở đâu?”
“Ở trong một bộ phim điện ảnh nào đó, mình quên mất tên rồi, hình như là của đạo diễn Bertolucci.
Cậu biết đạo diễn này chứ? Bộ phim “Hoàng Đế Cuối Cùng” cũng chính ông ấy làm đạo diễn đấy.”
Lý Quỳ Nhất gật đầu, hỏi tiếp: “Trong bộ phim đó trả lời câu hỏi này như thế nào?”
“Có thể chứng khiến mặt trăng tròn mọc còn bao nhiêu lần nữa chứ? Có thể là 20 lần.
Nhưng người ta vẫn tin rằng cơ hội đó là vô tận.”
20 lần, Lý Quỳ Nhất mỉm cười, thế mà còn ít hơn cả những gì cô tính.
Nhưng có lẽ, đó mới là điều bình thường trong cuộc sống.
Cô im lặng một lúc lâu, rồi nhận xét: “Nghe giống như một bài thơ vậy.”
Hạ Du Nguyên cười nhẹ: “Thì nó chính là một bài thơ mà.”
Lý Quỳ Nhất ít khi trò chuyện với Hạ Du Nguyên một cách bình tĩnh như vậy, không ngờ cảm giác nói chuyện lại khá tốt, như có mạch nước ngầm dâng trào trong đêm tối.
Điều không ngờ tới là, ngay khi Lý Quỳ Nhất vừa mới thầm gán cho cậu thiếu niên ngồi đối diện tầng hào quang rực rỡ nhè nhẹ ở trong lòng thì cô thấy cậu dựa vào lưng ghế, ung dung nói: “Mình còn biết bản tiếng Anh của bài thơ đó, cậu có muốn nghe không?”
Lý Quỳ Nhất: “…”
Người này thật sự không thể khen ngợi được, thậm chí khen ngợi trong lòng cũng không được.
“Ai cần nghe chứ!”
Lý Quỳ Nhất hừ một tiếng rồi đứng dậy lấy điện thoại mà hôm nay cô đã cố ý mang theo hôm nay ra khỏi cặp, sau đó đi đến quầy tiếp tân của quán sách, hỏi nhân viên cách sử dụng máy in.
Sau khi nhân viên kết nối máy cho cô, cô bắt đầu in các bản sao của năm cuốn vở ghi mà Hạ Du Nguyên cần.
Do số trang rất nhiều nên việc in ấn cần một chút thời gian, Lý Quỳ Nhất chán chường chờ đợi.
Cô mở QQ lên để trả lời mấy tin nhắn từ Phương Tri Hiểu.
Đang trả lời tin nhắn, bỗng nhiên một cái bóng đổ xuống bên cạnh.
Lý Quỳ Nhất ngẩng đầu lên thì thấy Hạ Du Nguyên đang dựa vào tường cạnh máy in, hai tay khoanh trước ngực, liếc nhìn cô.
“Làm gì vậy?” Cô thắc mắc.
“Nếu cậu chọn học khối Xã hội, chẳng phải cậu sẽ không học cùng lớp với Kỳ Ngọc nữa sao?”
Lý Quỳ Nhất không hiểu: “Mình nhất định phải học cùng lớp với Kỳ Ngọc à?”
Giọng điệu như thiếu đòn: “Kỳ Ngọc là anh em của mình, cậu không cần phải giấu mình đâu.”
“Giấu cái gì?” Người này thật sự rất kỳ lạ.
Cậu quay đi không nhìn cô nữa, sau đó từ từ nói: “Cậu thích nó à.”
Lý Quỳ Nhất lập tức sững sờ, mờ mịt nói: “Ai nói với cậu là mình thích cậu ta?”
“Cậu tự nói đấy.” Hạ Du Nguyên vẫn không nhìn cô, đầu tựa vào tường, giọng nói trầm thấp: “Vào hôm sinh nhật Kỳ Ngọc.”
Lý Quỳ Nhất hơi há miệng, cố gắng suy nghĩ một lúc lâu mới nhớ ra là hôm tiệc sinh nhật của Kỳ Ngọc, khi mọi người cùng chơi trò “Thật hay thách”, cô đã bị hỏi về người khác phái cô thích nhất trong những người ngồi đó.
Cô đã trả lời là Kỳ Ngọc.
Nhưng mà…
“Những gì nói khi chơi trò chơi có thể coi là thật sao?”
“Lời cậu nói là lời thật lòng mà.”
“Thế thì mình có thể chọn ai đây? Người khác phái ngồi đấy chỉ có mấy mống, cậu muốn mình chọn Trương Sấm hả? Châu Sách, hay là Cao Quang?” Lý Quỳ Nhất càng giải thích càng cảm thấy không thể tưởng tượng nổi, hóa ra có người thật sự tin vào lời nói đó.
Không lẽ Kỳ Ngọc lại tưởng là thật à? Không lẽ cậu ta lại hiểu lầm gì sao? Trời ơi…
Khi đang sầu não, cô lại Hạ Du Nguyên đột nhiên đứng thẳng dậy, khóe môi hơi nhếch lên: “Vậy cậu không thích cậu ta sao?”
“Đương nhiên là không rồi!” Cô không nhịn được mà trừng mắt với cậu.
“Mình không tin.” Cậu tiến lại gần một chút, hơi ngước cằm lên, như thể muốn xác nhận điều gì từ cô: “Nếu như mình cũng ở đó…”
Cậu chưa nói hết câu đã dừng lại, liếm môi rồi quay lưng đi.
“Cậu tin hay không thì tuỳ.” Lý Quỳ Nhất lườm cậu một cái, cô không quan tâm cậu có tin hay không, chỉ cần Kỳ Ngọc không hiểu lầm là được rồi.
Máy in bên cạnh vẫn đang hoạt động, nó liên tục nhả giấy, âm thanh phát ra rất đều đặn như nhịp đập không ngừng của trái tim.
Không dễ gì tất cả vở ghi mới được in xong, Lý Quỳ Nhất sắp xếp chúng gọn gàng, “bịch” một tiếng, cô đặt tài liệu vào tay Hạ Du Nguyên, rồi liếc nhìn cậu, sau đó thu dọn sách vở vào balo.
Đến cả lời nói lời tạm biệt cô cũng không nói, cứ thế đi mất.
Hạ Du Nguyên thấy cô xuống cầu thang thì cũng mặc áo khoác ngoài, cất vở ghi vào balo rồi đi theo cô ra ngoài.
Bầu trời bên ngoài đã tối om, cũng không có người, chỉ có vài chiếc đèn đường cô đơn vẫn sáng đèn.
Cậu ngẩng đầu lên nhìn, trăng lưỡi liềm như móc câu bị lớp mây mỏng phủ lên nên ánh trăng hơi nhẹ đi.
Hôm nay cũng không phải ngày trăng tròn.
Có thể thấy trăng tròn mọc lên bao lần nữa?
Cậu chăm chú nhìn bóng dáng của cô gái phía trước, sau đó đột nhiên quay người đi bước vào một cửa hàng nhỏ gần đó.
Lý Quỳ Nhất vẫn hiên ngang, khí thế bừng bừng đi về phía trước.
Khi đi đến dưới đèn đường, cô lại nghe thấy có người gọi tên mình.
Là đang gọi cô, vì cậu đang gọi tên cô.
“Lý Quỳ Nhất!”
Cô quay đầu lại.
Một tiếng “bùm” vang lên, có thứ gì đó nổ trên đầu khiến cô giật mình, vô thức co rúm cổ nhắm chặt mắt.
Khi cô không nhịn nổi mà hơi hé mắt ra, những dải ruy băng đầy màu sắc rơi xuống đầy trời.
Ở dưới ánh đèn, trông chúng như như cơn mưa sao băng vô tận đáp xuống xung quanh cô.
Còn cậu đứng một mình trong bóng đêm, nụ cười rạng rỡ vô cùng.
*******
Lời của tác giả:
“Có thể thấy trăng tròn mọc bao lần nữa? Có lẽ là 20 lần.
Nhưng người ta luôn tin rằng cơ hội này là vô hạn.” – Paul Bowles, trong phim “Bầu trời che chở”.
*******
Chú thích:书吧: Là loại hình đọc sách trở nên phổ biến ở một số thành phố trong những năm gần đây.
Nó kết hợp đặc điểm của thư viện, hiệu sách, quán trà hoặc quán cà phê.
Ở đây mọi người có thể đọc tạp chí, sách, nghe nhạc…
Bản dịch của Khương Hữu Dụng
Nguyệt Hạ Độc Chướng Kỳ 1 của Lý Bạch.
Bản dịch của Nam TrânThuỷ Điệu Ca Đầu của Tô Thức.
Bản dịch của Nguyễn Chí ViễnVọng Nguyệt Hoài Viễn.
bản dịch của Hải Đà.