Cung - Mê Tâm Ký

Quyển 4 –

Mai kia lên tiếng bái lạy Cẩm Hầu

Chế độ phân chia vương hầu của Cẩm Thái không hoàn toàn giống chế độ cũ, tổng thể mà nói thì chỉ có hai loại tước vị, Vương tước và Hầu Tước, tất cả phân chia theo khu vực. Vương tước chia làm ba cấp, cấp cao nhất là Tứ Phương Vương, đó chính là : Đông Lâm, Tây Ninh, Nam Phong, Bắc Hải.

Tước hiệu của bốn vị vương này đặt theo bốn nước được phong, cũng chính là bốn mảnh đất phong Đông – Tây – Nam – Bắc rộng lớn ban đầu thời khai quốc của Cẩm Thái. Lúc đầu Tứ vương này sẽ thụ hưởng nước được phong, có quyền lực cực lớn. Được chi phối thu tất cả thuế, bãi miễn quan chức, tự lập doanh trại binh mã trong phạm vi nước được sắc phong.

Thấp hơn Tứ Phương Vương một cấp chính là Lục Thành Vương, tỉ như Hưng Thành Vương đương triều chính là một trong Lục Thành Vương, có quyền sở hữu đất đai trong một thành. Thấp hơn nữa là Quận Vương, Quận Vương thì sẽ lĩnh đất của Quận Thành.

Hầu Tước thấp hơn Vương Tước, cấp cao nhất trong Hầu Tước là Quận Hầu, sau đó đến Huyện Hầu và Hương Hầu. Hương Hầu mặc dù là tước vị thấp nhất nhưng tuyệt đối cũng là một cấp quý tộc hậu duệ.

Nay Cẩm Thái đã thay đổi chế độ sắc phong ban đầu, do trận hỗn chiến giữa các vương hầu trong thời kỳ Võ Tông, dẫn đến các bậc đế vương sau này cảm nhận sâu sắc vết xe đổ, nên tước bớt quyền lực của Vương hầu quý tộc.

Vương hầu vẫn nhận được đất phong nhưng không thể bãi miễn quan chức, không được can thiệp quản lý hành chánh địa phương, không được nuôi binh mãi mã, không được tự rèn vũ khí, nhưng có thể hưởng thụ tài sản của vùng đất thụ phong, ngoại trừ một phần giao nạp cho quốc gia, đều có thể tùy ý chi phối, đồng thời triều đình cũng có chế độ ban thưởng bổng lộc nhất định cho vương hầu.

Vì thế, mặc dù cùng một tước vị nhưng giàu – nghèo của vùng đất sắc phong đã tạo ra sự chênh lệch đẳng cấp tài chính giữa các vương hầu, ví dụ như Quận Vương, tước vị của An Dương Quận Vương và Bắc Mộ Quận Vương đều như nhau, nhưng hai vị Quận Vương một giàu một nghèo. An Dương vốn là quận nổi tiếng giàu có, vùng đất Bắc Mộ giáp biên cương rất nghèo nàn, hai vị Quận Vương này hiển nhiên có chênh lệch về mặt tài chính, và một khi phong Vương, nếu không có chức vụ trên người thì phải lập tức đi đến vùng đất phong. Nếu đến một nơi vô cùng nghèo khó, lại không có chức vụ, kỳ thực chẳng khác nào bị lưu vong.

Cẩm Thái có quy định, về cơ bản chỉ phong tông thân làm vương, rất hiếm phong vương cho người khác họ, có một số danh thần lương tướng góp công rất lớn, cũng chỉ được truy phong tước vương hầu sau khi chết.

Như danh tướng Diệp Vẫn Lương trong thời kỳ tiên đế, ông từng đơn đao xông vào doanh trại của địch lúc nửa đêm, cưỡi ngựa sắt trong tích tắc lấy đầu tướng địch, dũng cảm vô biên. Từng có thơ rằng: “Tinh như hỏa, nguyệt như đao, do kiến Thành Vương anh hào. Mã sức kim ki Thất Bảo Bí, thân trước bích đằng tử mãng bào. Truy phong khứ, tam thiên lý, cố thủ thành quan tiếu ngạo. Thùy ngôn Vẫn Lương An Dương tử, chích khả phủ thân hướng hòa miêu.” (Ánh sao như ngọn đuốc, mặt trăng như lưỡi đao, hệt như lại thấy Thành Vương anh hào. Ngựa đeo cương vàng, dây thất bảo, người vận Bích Đằng Tử Mãng Bào. Đi như gió, ba nghìn dặm, ngạo mạn cố thủ cửa thành. Ai bảo Vẫn Lương đất An Dương chỉ có thể khom người gieo mạ.)

Bài thơ này nói về việc danh tương Diệp Vẫn Lương, xuất thân nghèo hèn, chẳng qua chỉ là con một nông dân ở An Dương, nhưng vì chiến công hiển hách, cuối cùng được phong làm Võ Thành Vương! Nhưng thực tế, Diệp Vẫn Lương tới lúc chết mới được truy phong Võ Thành Vương, lúc ông còn sống chưa một lần được mặc Tử Mãng Bào bậc nhất của một vị Thành Vương. Nhưng điều đó đủ để khiến thiên hạ ngưỡng mộ ông, càng khiến công tích cả đời của ông được lưu truyền trong sử sách.

Mãi đến triều đại của tiên đế, tước vị dần dần trở thành tương trưng của thân phận, về cơ bản thì quyền hạn đã bị tước giảm rất nhiều. Nhưng đối với những gia tộc khác họ không phải tông thân, được phong tước là tôn vinh cả đời họ đeo đuổi, tướng sĩ chinh chiến sa trường, quan văn cần mẫn quản lý địa phương, chẳng qua cũng chỉ vì bốn từ – Công Thành Danh Toại!

Năm nay Tam Thúc được chức vụ lo bán buôn cho hoàng gia, hoàng thương và thương nhân hoàn toàn khác nhau. Trước kia họ cũng mua đất xây vườn trà, xây không ít nhưng những đất đó đều chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu, mỗi năm phải nộp thuế cho địa chủ. Đất đai của Cẩm Thái, vốn không phải có tiền là có thể mua được.

Hoàng thượng là địa chủ to nhất, Cẩm Thái đều là của ngài. Ngài chia đất cho huynh đệ, cháu chắt, thân tín, bọn người đó lại chia đất cho con cháu thân tín của mình, họ lại đem ra cho thuê – bán, thực ra chỉ là bán quyền sử dụng, ngồi thu thuế là đủ. Ở Cẩm Thái, có đất chính là có tiền, không có đất, bán buôn giỏi giang đến đâu cũng chỉ là lưu dân tiểu thương, hèn mạt nhất xã hội.

Vân Hi nhìn vẻ mặt của cô, Phi Tâm lúc đó đã xúc động đến cơ thể run bần bật, hệt như người bị sốt rét. Thực ra y đã làm theo từng bước một, phong tước này là lẽ đương nhiên.

Thứ nhất, Phi Tâm thân cư Quý Phi, cho phụ thân của cô một tước vị thì chẳng có gì là quá cả, cũng giống hậu cung hay thích nghe ngóng tình hình trong triều, trong triều cũng thường xuyên quan sát hậu cung để dò thám hỷ nộ của hoàng thượng. Khi y trị nhà họ Nguyễn, luôn cất nhắc Quý Phi, lúc ấy trong triều đã có người dâng tấu xin ban trước cho Lạc Chính Mịch. Tượng trưng cho thể diện hoàng gia, cung nhân của thiên tử, hơn nữa còn là tôn vị như Quý Phi, nhà ngoại khó coi quá cũng không được. Nhưng lúc đó y vẫn luôn kìm lại, đó là tại Phi Tâm chọc y nổi đóa, sau khi xử xong nhà họ Nguyễn, cô lại dám đòi thanh danh sau khi chết, càng khiến y tức đến phát điên, vì thế đã dằn xuống không bàn luận.

Thứ hai, nhà họ Lạc Chính có công, lần Nam Tuần này, tuy bảo rằng phú hộ Hoài Nam cùng góp vốn, nhưng Vân Hi đã điều tra, về cơ bản tất cả đều là tiền của nhà Lạc Chính cùng các thương nhân địa phương. Phú hộ vùng này đa số chỉ là treo tên, bỏ mặc nhà Lạc Chính và một số ít thương nhân tự móc túi tiền ra.

Thứ ba, Lạc Chính Anh cứu giá. Điểm này Vân Hi biết, tất cả đều vì lòng trung thành cổ hủ và tật ham thanh danh của Phi Tâm mà ra. Lúc đó đáng lý nên bảo Thường Phúc đến tìm Biện Kinh Doanh, sai Liên Bằng dẫn cô chạy trốn, đây cũng là chủ ý ban đầu của Vân Hi! Cô vì muốn nhà Lạc Chính góp công, không tiếc coi mình như quân cờ bỏ đi, sai cả hai cùng tìm viện binh. Lúc đó dù không phải Lạc Chính Anh thì cũng là người trong vườn trà Lạc Chính, dẫu tính thế nào cũng không thể sót công lao này.

Vân Hi tuy hận đến nghiến răng nghiến lợi nhưng y cũng không muốn bóc trần, vì thế càng không muốn dìm việc này xuống nữa. Những năm nay, cô cũng không cầu xin điều gì, thậm chí Lạc Chính Anh tham gia võ thí ở Hoài Nam cô cũng chẳng nhắc nửa từ, nếu không phải vì y luôn quan tâm đến những việc bên nhà cô, dò hỏi một phen thì chắc hẳn y cũng chẳng may may biết việc này.

Nay mượn chuyến Nam Tuần, y sắc phong Lạc Chính Mịch. Quan vị không đổi, chỉ là thêm tước vị. Con người Lạc Chính Mịch tư chất bình bình, tuy là kẻ biết luồn cúi, nhưng may thay tính cẩn trọng nhát gan, vả lại Phi Tâm trong cung luôn căn dặn không được sinh sự. Bản thân ông ta cũng là người sĩ diện và ham tiếng tốt, nên dù để ông ta ở vị trí nào cũng chỉ là thêm một kẻ không nhiều mà thiếu một kẻ cũng chẳng ít đi. Về phần Lạc Chính Anh, hắn có một thân thủ tốt, không kém gì võ tướng danh môn, nếu bị mai mọt sẽ rất đáng tiếc, hơn nữa còn là kẻ thực thà chân chất, giao cho Bàng Tín huấn luyện vài năm ắt sẽ rất khá.

“Nay những gì nàng muốn trẫm đều cho nàng cả. Nàng còn đòi ân điển gì, trẫm đều đáp ứng hết. ” Vân Hi ôm lấy cô, khẽ nói, “Mùng 15 thì không được. Hoàng thân ở tỉnh phía Nam này đều đến yết kiến. Quảng Thành Vương còn đưa cả Vương Phi từ Phụng An sang đây. Thái Hậu và Quảng Thành Vương Phi là tỉ muộn, đã báo trước với trẫm là giữ họ lại trò chuyện, tới lúc đó e sẽ rắc rối. Hơn nữa rằm tháng 8 là tiết đoàn viên, trẫm muốn cùng nàng ngắm trăng, nhỡ để một đám người vào, không biết sẽ quấy rầy đến bao giờ. Hay là để qua vài hôm nữa mới gọi họ vào gặp mặt nàng. Nàng muốn gặp người nào, đưa danh sách cho bọn chúng để bọn chúng chuẩn bị là được. Như vậy nàng có thể an tâm tịnh dưỡng chưa? ” Y nói rất tùy ý, hệt như chỉ là cuộc đối thoại thường ngày giữa hai vợ chồng.

Cô chẳng nói nên lời, chỉ nhìn y chằm chằm. Y đã đoán được rằng ân điển cô muốn lên tiếng xin chính là gặp mặt người nhà! Đầu óc cô lùng bùng, rối rắm không tả xiết. Thanh danh, vinh dự, tất cả những điều cô khao khát bỗng dưng đều đạt được hết. Lúc khốn khổ, cô cứ cảm thấy đó là khát vọng cả đời không dám trông chờ, còn bây giờ, dễ dàng đạt được khiến cô khó có thể phản ứng lại! Y nhìn vào đôi mắt cô, nhất thời không kìm được, bàn tay bất giác lần vào trong vạt áo cô, kết quả là cơ thể cô bỗng nhiên căng chặt, khẽ nhíu mày, buộc miệng khẽ rên. Y lập tức hối hận, vội vàng đặt cô nằm xuống : “Nàng ngủ tiếp đi, nói nhiều cũng sẽ rất mệt. Huống hồ vẫn chưa khỏi hẳn! ”

Phi Tâm vì cái chạm gây đau đớn đó mới chợt tỉnh ra, cô bỗng thấy lạ lùng, tại sao lồng ngực đau như vậy. Cô đảo mắt nhìn, y ngồi bên cạnh thấy thế, chợt cảm giác buồn cười: “Nàng bị thương thật không đúng chỗ, lúc đó cọ xát như vậy, không đau mới lạ! ”

Phi Tâm hiểu ra ngay, mặt mày ửng hồng. Y lại càng muốn trêu, vén lấy cổ áo cô: “Để ta xem nào, bây giờ có lành chút nào chưa? ”

Phi Tâm ê a định rụt lại, cánh tay y đã choàng lấy cô nhưng không trêu đùa cô nữa, nằm ngay bên cạnh cô: “Ngủ đi nào, ngủ một giấc. Dưỡng lại thì sẽ khỏi thôi! ” Nói xong, y nhắm mắt lại, Phi Tâm nghe y nói nhiều như thế, thật ra cũng mệt mỏi. Nhưng chính vì y nói nhiều như thế mới khiến tinh thần cô phấn chấn hơn, chợt nhìn ngũ quan tinh tế của y, mùi hương dễ chịu, sắc thái dịu dàng, lại có chút si mê!

Những ngày sau đó, Phi Tâm vẫn tiếp tục an tâm dưỡng bệnh. Phía Bình Châu thỉnh thoảng lại có việc báo cáo, hai hôm nay quan lại bận thu xếp những việc còn lại ở đó, bởi hoàng thượng nay đang ở tỉnh Nam, vùng nào còn dám làm việc rề rà. Sau vụ việc Bình Châu, Thái hậu cực kỳ phẫn nộ, thứ nhất là nghĩ lại thấy ghê sợ, thứ hai là lo lắng cho hoàng thượng. Theo ý bà thì bọn điêu dân dám bắt giữ hoàng thượng đó hoàn toàn không coi vương pháp ra gì, những hành vi che giấu như thế tuyệt không thể tha. Nhưng hoàng thượng đã ban lệnh như vậy, bà cũng chẳng nói làm gì, đành bỏ mặc tất cả, chỉ an hưởng thú vui trong vườn.

Vốn dĩ bà rất tức giận trong lần Phi Tâm cùng hoàng thượng ra ngoài ở Giang Đô mà không chăm nom chu đáo khiến hoàng thượng bị đau bụng. Lần này không những không rút kinh nghiệm mà còn thậm tệ hơn, suýt khiến hoàng thượng gặp nguy. Lại còn nghe nói hoàng thượng không nghe khuyên răn, đích thân chạy lên núi tìm cô, Quý Phi thật có máu mặt, hoàng thượng chỉ lo thể diện cho cô ta, bản thân mình thì lăn lộn đến người lấm lem bùn đất, không còn chút thiên uy gì nữa, thật sự khiến thái hậu càng phẫn nộ. Nhưng Phi Tâm còn ốm, bà cũng không dám nói gì nữa, mặc dù lần này Phi Tâm ốm suýt chết, bà cũng chỉ sai thái giám bên cạnh sang hỏi han, mặc kệ thái y điều trị. Dẫu sao cũng có hoàng thượng xem cô ta là bảo bối, chẳng cần đến thái hậu này thêu hoa trên gấm làm gì.

Phi Tâm biết trong lòng thái hậu khó chịu, nên khi cô khỏe hơn một chút bèn sang chỗ thái hậu thỉnh tội, ngôn từ cung kính, lễ nghi chu toàn. Thái hậu thấy người ta đã bắc thang để mình xuống, nếu còn đá bỏ thì sẽ khiến hoàng thượng mất vui, nên đành miễn lễ cho cô, nói vài lời thăm hỏi rồi thôi. Dù gì thời gian gần đây, hoàng thân quốc thích ở các tỉnh phía nam đều đến tiếp giá, có những người ở rất xa, gia quyến cùng đi theo yết kiến thái hậu. Bên cạnh thái hậu hoàn toàn không thiếu người hầu hạ và pha trò, căn bản là chẳng cần đếm xỉa đến cô.

Như vậy thì Phi Tâm cũng đỡ phiền hà, lại bởi phụ thân nay được phong tước, thân thích và quan địa phương ở phía Nam mỗi ngày nhất định cũng qua phủ không ngớt. Phi Tâm không muốn để có chuyện lớn xảy ra lúc này, viện cớ sức khỏe không tốt, miễn gặp tất cả các mệnh phụ (vợ của quan lại, thân thích…), bình thường cũng đóng cửa và ít ra vườn dạo, hành xử ngày càng trầm lặng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui