Chủ nhật, ngày 24 tháng 5 năm 1863, giáo sư Lidenbrockenbrock vội vã trở về ngôi nhà của ông ở số 19 đường Konigstasse, nằm trong khu phố cổ kính nhất ở thành phố Hambourg.
Trong khi ấy, Dì Marthe, người đầu bếp của chúng tôi, đang vội vã nổi lửa làm bữa ăn chiều.
- Dì Marthe này, chú tôi là người háu đói nhất hạng đấy. Ông ta về mà chưa chuẩn bị xong bữa ăn thì thế nào cũng lối ầm ĩ lên cho xem.
- Giáo sư Lindenbrock về rồi à?
- Phải, dì Marthe ạ. – Tôi trấn an người đầu bếp đáng thương. – Nhưng dì đừng lo vì còn đến nửa giờ nữa mới đến bữa ăn chiều.
- Nhưng sao hôm nay giáo sư lại về sớm vậy hả?
- Cháu không rõ, nhưng chắc lát nữa chú sẽ nói cho chúng ta nghe chứ gì.
- Thật khổ! – Dì Marthe kêu lên. – Thôi tôi phải xuông nhà bếp để tiếp tục chuẩn bị bữa ăn, cậu hỏi dùm vì sao hôm nay giáo sư về sớm quá và nói giúp dùm tôi về bữa ăn chưa nấu xong nhé.
Nói xong, dì Marthe trở vào nhà bếp, bỏ tôi lại một. Nhưng làm cách nào để giải thích cho chú tôi hiểu ra tại sao bữa ăn chưa nấu xong quả là một việc làm khó khăn đối với tôi. Nên tôi định rút êm lên căn phòng nhỏ của mình trên lầu thì nghe tiếng cửa mở ra, rồi những bước chân nặng nề làm rung rinh cả chiếc cầu thang gỗ và chú tôi xồng xộc đi vào phòng làm việc của ông ta. Vừa đến nơi, chú tôi quăng cây gậy vào góc phòng và vứt cái nón lên bàn làm việc rồi nóng nảy gọi to:
- Axel, đi theo chú mau!
Tôi chưa kịp nhúc nhích thì chú tôi đã nổi nóng và hét lên một lần nữa với giọng không thể tưởng tượng nổi:
- Thế nào! Sao chưa mau tới đây hả?
Tôi nhảy phắt lên rồi vội vàng chạy theo chú tôi vào phòng của ông. Tôi cũng phải nói rõ rằng chú Otto Lidenbrockenbrock không phải là người xấu bụng nhưng chỉ có một cố tật là quá nóng tính, khó mà làm vừa lòng chú ấy. Đôi khi chỉ vì một chuyện nhỏ, ông trở lên kỳ quặc khủng khiếp.
Chú tôi là giáo sư ở đại học Hambourg, giảng dạy về môn địa chất học và trong mỗi buổi giảng về môn học này chú thường hay nổi cáu lên một vài lần. Nhưng dù sao đi nữa, có một việc mà mọi người đều không thể phủ nhận được là giáo sư Lidenbrock là một nhà khoa học có tài.
Nếu có ai đưa cho chú một viên đá, chú sẽ ngắm nghía, gõ rồi nghe tiếng phát ra hoặc ngửi mùi và mỗi lần như vậy chú sẽ cho biết nó làm bằng chất gì và xuất xứ của nó. Hiện thời, người ta biết hết thảy khoảng 600 loại đá và chú tôi có thể nói ngay tức khắc là viên đá này thuộc loại nào trong số đó.
Các nhà khoa học lừng danh khác thường hay đến thăm chú tôi. Họ đến để tham khảo ý kiến của chú tôi về những vấn đề khó khăn nhất mà họ không thể giải quyết nổi. Chú tôi đã khám phá được nhiều điều rất quan trọng cho nền khoa học hiện đại và là tác giả của những bài báo lớn. Ông còn là giám đốc một viện bảo tàng địa chất có chứa một bộ sưu tập khoáng sản giá trị và nổi tiếng khắp châu Âu. Do đó, tên tuổi của giáo sư Lidenbrock luôn được nhắc tới một cách trang trọng tại mọi trường đại học và các viện hàn lâm khoa học.
Và bây giờ, vị giáo sư đáng kính ấy đang nóng nảy gào thật to tên tôi. Bạn hãy tưởng tượng ra một người cao, gầy, sức khỏe rất tốt. Ông có một nước da thật đẹp và trẻ trung khiến ông trông nhỏ hơn nhiều so với cái tuổi năm mươi của mình. Đôi mắt to của ông lúc nào cũng đảo lia lịa sau đôi tròng kính thật to.
Chú tôi sống trong ngôi nhà nhỏ ở đường Konigstrasse. Ngôi nhà trông xuống một trong những dòng kênh ngoằn ngèo chảy qua khu phố cổ kính của thành phố Hambourg. Dù chỉ là giáo sư đại học nhưng chú tôi quả là giàu. Ông làm chủ cả ngôi nhà và tất cả mọi thứ đồ vật bên trong, kể cả tôi, dì Marthe và cả Grauben, cô thiếu nữ xinh đẹp người xứ Virland vày mới mười bảy tuổi, là cháu họ của giáo sư.
Còn tôi với tư cách là cháu của giáo sư, tôi cũng là một đứa trẻ mồ côi. Khi cha mẹ tôi mất, tôi đến ở trong ngôi nhà này và trở thành phụ tá cho ông. Phải thú nhận rằng tôi rất thích môn địa chất học. Hình như có một dòng máu của nhà địa chất học đang chảy trong cơ thể của tôi. Tôi thích nó đến nỗi không bao giờ biết chán trong việc nghiên cứu những mẫu đá.
Nói chung thì cuộc sống của tôi cũng khá sung sướng trong căn nhà nhỏ trên đường Konigstrasse này mặc dù chủ của nó hơi khó tính và hay gắt gỏng nhưng rất yêu mến tôi. Cố điều ông hoàn toàn không có khả năng kiên nhẫn chờ đợi và lúc nào cũng tỏ vẻ vô cùng vội vã. Hồi tháng tư vừa qua, ông có gieo mấy hạt giống vào chậu kiểng đặt trong phòng khách. Và ông đã nóng nảy đến độ cứ mỗi sáng đều ra mớm những cái lá cho chúng lớn nhanh hơn.
Chính vì thế, mỗi lần nghe chú gọi thì tôi chỉ có một việc duy nhất phải làm là tuân lệnh. Lần này cũng vậy, nên tôi phải vội vã chạy vào phòng làm việc của chú.
Căn phòng làm viếc đó gần như là một viện bảo tàng vì tất cả mọi loại đá đềucó ở đây, tất cả đều được sắp xếp và dán nhãn cẩn thận. Tôi đã thuộc lòng tất cả các mẫu đá này. Lúc còn nhỏ, biết bao lần thay vì tiêu phí thời gian để nô đùa với bạn bè cùng trang lứa, tôi mải mê lo lau chùi chúng. Thế mà lúc này, bước vào căn phòng tôi đã không còn đầu óc nào để nghĩ đến những mẩu đá kỳ diệu này nữa, mọi sự chú ý đều dồn vào chú tôi. Ông đang ngồi trên một cái ghế bành to tướng, tay cầm một quyền sách và ngắm nghía một cách say sưa rồi chợt kêu lên:
- Quyển sách hay tuyệt hay! Viết vậy mới xứng đáng gọi là sách chứ!
Tôi chợt nhớ chú tôi cũng là một người mê sách. Song đối với ông, sách chỉ có giá trị một khi nó là sách hiếm hay ít ra cũng phải là một quyển sách khó đọc.
- Thế nào Axel? - Chú tôi gật gù hỏi. – Cháu không thấy gì sao? Đây là một kho tàng vô giá chú vừa tìm thấy sáng nay, khi lục lọi trong một tiêm sách cũ.
- Tuyệt thật! – Tôi kêu lên, giả vờ như nhiệt tình lắm. Nhưng nói thẳng ra thì tôi chẳng thích thú chút nào đối với quyển sách bọc bìa da cũ kỹ này.
- Xem đây này! – Chú tôi hỏi rồi tự trả lời một mình – Đẹp quá phải không? Chứ còn gì nữa. Mở ra dễ không? Tất nhiên là vậy. Thế đóng lại thì sao? Thì đóng lại ngon lành. Coi cái gáy nè, đã hơn bảy trăm năm rồi mà không hề bị hư hỏng!
Vừa nói chú tôi vừa đóng và mở quyển sách. Tôi thấy đã đến lúc phải hỏi thăm ông về quyển sách, mặc dù tôi chẳng quan tâm nó lắm.
- Thưa chú quyển sách đó tựa gì vậy? – Tôi hỏi với một vẻ hăng hái quá đáng.
- Đây là quyển Heims Kringla nổi tiếng. – Chú tôi trả lời bằng một giọng hào hứng.- Nó do Snorre Turleson, một tác giả lừng danh người Iceland viết vào thế kỷ thứ mười hai. Quyển sách viết về ông hoàng người Na Uy từng trị vì ở xứ Iceland.
- À, thì ra là như vậy. – tôi hỏi – Chắc tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Đức phải không chú?
- Sao lại bằng tiếng Đức! – chú tôi gầm lên – Nếu là bản dịch thì chú mua làm gì cho uổng tiền. Đây là quyển sách xuất bản đầu tiên ở Iceland và được viết bằng cổ tự.
- Chắc nó được in ấn công phu lắm?
- Sao lại in? Đây là một quyển sách viết bằng chữ Runique, hiểu chưa?
- Chữ Runique?
- Đúng vậy. Nhưng chắc chú cần phải giải thích cho cháu nghe quá.
- Không cần thiết đâu. – tôi trả lời với một giọng khá tự ái.
Nhưng chú tôi cứ lờ đi và thao thao bất tuyệt giảng cho tôi rất nhiều điều mà tôi không cần thiết phải quan tâm học hỏi.
- Chữ Runique là một cổ tự được dùng ở Iceland từ rất xa xưa. Theo truyền thuyết thứ chữ này do ông Odin phát minh ra. Cháu hãy nhìn xem…
Bỗng một miếng da thuộc cáu bẩn từ quyển sách rơi xuống sàn nhà. Chú tôi vội nhặt lên và chỉnh lại cặp kính trắng.
- Cái gì vậy? – ông kêu lên với vẻ ngạc nhiên.
Ngay tức khắc, chú tôi cẩn thận đặt nó lên bàn rồi mở ra. Nó là một miếng da to bằng bàn tay, trên đó có viết loằng ngoằng những dòng chữ kỳ lạ khó hiểu.
(*)
Sau một lúc lâu chăm chú nghiên cứu các dòng chứ ấy, chú tôi nhấc cặp kính ra khỏi mũi rồi nói:
- Đây cũng là chữ Runique, giống y như kiểu chữ viết tay của Snorro Turleson trong quyển sách. Không biết nó có nghĩa gì đây? Nhưng chắc chắn là chữ Iceland cổ. – ông lẩm bẩm.
Tôi thầm nghĩ ngày xưa có lẽ những nhà thông thái phát minh ra thứ cổ tự này để làm rối óc người khác cho nên tôi không thắc mắc khi thấy chú tôi chẳng hiểu gì.
Giáo sư Lidenbrock là một nhà khoa học thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, vậy mà trước mấy dòng chữ này, tôi thấy ngón tay của ông ngọ nguậy ghê gớm, chứng tỏ ông không hiểu gì cả. Tôi đoán trước một cảnh tượng dữ dội sắp xảy ra vì chú tôi chưa từng lùi bước trước bất cứ một trở ngại nào.
Đồng hồ treo trên lò sưởi điểm hai giờ. Đúng lúc đó dì Marthe hé cửa phòng làm việc của giáo sư, bước vào và thông báo:
- Bữa ăn đã dọn xong rồi, mời giáo sư và cậu sang dùng bữa.
- Dẹp cái bữa ăn đáng ghét đó đi! – chú tôi phát cáu lên gắt gỏng – Cả chị nữa, cũng mau ra ngoài!
Hoảng quá, dì Marthe bỏ chạy mất, tôi cũng nhanh chóng chuồn khỏi phòng làm việc của giáo sư. Thế rồi không hiểu quanh quẩn thế nào, tôi thấy mình ngồi đúng chỗ của mình trong phòng ăn. Chờ một lúc lâu không thấy giáo sư, tôi đành phải ngồi ăn một mình. Đây là lần đầu tiên chú tôi bỏ bữa ăn. Mà bữa ăn hôm nay lại quá thịnh soạn! Tất cả chỉ vì cái miếng da khốn nạn ấy. Dĩ nhiên, tôi nghĩ rằng bổn phận của tôi là phải ăn phần của mình và ăn dùng cả phần của ông ấy nữa, và tôi đã cố hết sức thực hiện điều đó.
- Hôm nay sao giáo sư kỳ lạ thật! – dì Marthe than thở.
- Đúng là không thể tin được.
- Điềm báo trước một biến cố quan trọng đấy, cậu Axel ạ!
Tôi vừa ăn xong thì đã có tiếng thét vang gọi tôi. Tôi vội vàng chạy vào phòng làm việc của chú tôi
- Chắc chắn là cổ tự Runique. – giáo sư nhíu mày nói – Nhưng có một điều bí mật mà chú phải khám phá cho ra… Cháu ngồi xuống đây và viết lại những gì chú đọc ra.
Trong chớp mắt tôi đã sẵn sàng.
- Rồi, bây giờ chú sẽ đánh vần từng chữ một của văn bản Iceland này xem nó viết cái gì. Nhưng cháu phải chép lại cho thật đúng nhé!
Chú tôi bắt đầu đọc. Tôi chăm chú và cẩn thận ghi chép. Cuối cùng chúng tôi có được một nhóm chữ bí hiểm như sau:
mm.rnlls essreuel seecjde
sgtssmf unteief niedrke
kt.ssmn atrates saodnn
emtnael eeutul frantu
dt.iac oseibo kediiy
Tôi vừa buông bút, giáo sư đã giật phắt tờ giấy. Ông chăm chú nghiên cứu một hồi lâu, rồi lẩm bẩm một mình.
- Thế là thế nào nhỉ? Đúng đây là một bức mật thư rồi! Những chữ được cố tình xáo trộn này che giấu một nội dung. Nếu biết sắp xếp lại cho đúng thì sẽ thành những câu có nghĩa. Biết đâu mình đang có ở đây manh mối của một khám phá vĩ đại nào đấy.
Tuy thấy ý nghĩ của giáo sư có vẻ viển vông nhưng lại không dám góp ý vì sợ chú lại nổi nóng. Chú tôi đem so tuồng chữ viết trên miếng da với tuồng chữ viết trên quyển sách cũ rồi nói:
- Axel này, cháu xem đây. Rõ ràng chữ trong tài liệu này do hai người viết. Bức mật thư có lẽ được viết sau quyển sách lâu lắm. Bằng cớ là chữ đầu tiên trong mật thư là chữ M kép. Chữ này đến thế kỉ XVI mới được thêm vào bảng chữ cái của Iceland nên không thấy trong quyển sách của Turleson. Như vậy giữa quyển sách chép tay và mẩu da phải có khoảng cách ít nhất hai trăm năm. Nhưng nhân vật đó là ai? Có để lại tên tuổi của mình trong quyển sách không?
Chú tôi cầm lấy một cái kính lúp to rồi cẩn thận xem lại những trang đầu của quyển sách. Ở mặt sau trang thứ hai, ông phát hiện ra hình như có một vết mực đè trên mấy nét chữ lờ mờ. Ông liều soi kính lúp vào vết mực ấy một lúc lâu. Cuối cùng ông nhận ra chữ Runique sau đây:
(**)
- Arne Saknussemm! – chú tôi đắc thắng reo to - Ồ Arne Saknussemm chính là tên một nhà khoa học gia nổi danh ở Iceland vào thế kỷ XVI.
Tôi nhìn chú tôi, trong lòng cảm thấy khâm phục.
- Những người như Arne Saknussemm là những nhà khoa học thật sự, những nhà bác học duy nhất của thời đại ấy. Họ đã phát minh ra những điều mà ngày nay vẫn còn làm chúng ta kinh ngạc. Biết đâu ông Saknussemm này chẳng dấu trong bức mật thư kia một phát minh kì diệu nào đó? Mà đúng thế rồi, không còn nghi ngờ gì nữa!
Trí tưởng tượng của giáo sư bỗng bùng lên với giả thiết đó.
- Nhưng đã là phát minh thì tại sao ông ta không công bố ọi người biết mà phải tìm cách che giấu?
- Ừ! Tại sao lại phải giấu nhỉ? Chú cũng không rõ. Nhưng nhất định ta phải tìm cho ra bí mật đó. Bằng bất cứ giá nào cũng phải vén được màn bí mật của các tài liệu này. Chú sẽ thức trọn đêm nay cho tới khi tìm ra sự thật. Axel! Cháu sẽ thức giúp chú.
Tôi thầm nghĩ:
“Cũng may bữa nay mình đã ăn hai phần cơm.”
- Trước tiên phải tìm được “chìa khóa” mật mã. – chú tôi nói tiếp – Việc này xem ra cũng khó lắm.Trong tư liệu này có tất cả 132 chữ cái gồm 79 phụ âm và 53 nguyên âm. Ngôn ngữ ở miền Bắc châu Âu thường có nhiều phụ âm, còn ở phương Nam từ ngữ được hình thành xấp xỉ theo tỷ lệ nguyên âm và phụ âm. Chính vì vậy, chú nghĩ tài liệu này chắc viết bằng một thứ tiếng ở vùng Nam châu Âu.
Những kết luận này của giáo sư Lidenbrock là cực kỳ chính xác. Bỗng ông nói to lên như quát:
- Đây là thứ ngôn ngữ của dân tộc nào nhỉ? Arne Saknussemm là một học giả thời bấy giờ. Một khi ông không muốn thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ tất nhiên sẽ chọn một thứ tiếng thông dụng nhất vào thế kỉ XVI, đó là tiếng Latinh. Đúng, chắc chắn Arne Saknussemm đã viết bức mật thư này bằng tiếng Latinh.
Tôi giật thót mình vì không thể ngờ được rằng những hàng chữ khó hiểu này lại được viết bằng một thứ tiếng đơn giản nhất, tiếng Latinh.
- Đúng là tiếng Latinh rồi, nhưng bị đảo lộn thứ tự. Mình phải dò thật kỹ lại từ đầu xem sao.
Giáo sư cầm mảnh giấy mà tôi vừa ghi chép khi nãy lên, ông trầm ngâm một chút rồi nói:
- Được, ta cứ thử nghiên cứu xem, đây là 132 chữ cái được xếp lộn xộn. Có những từ nhiều phụ âm ghép sát nhau như “mm,rutls”, một số khác lại quá nhiều nguyên âm như “unteiet” hoặc “oseibo”. Sự sắp xếp cố tình không đồng bộ này rõ ràng đã được tính toán. Chắc chắn đoạn văn bản gốc được thảo ra một cách bình thường, sau đó ông Arne Saknussemm đã xáo trộn nó theo một quy luật bí mật. Ai nắm được chìa khóa bí mật này sẽ đọc được bức thư.
- Axel, cháu thấy thế nào?
Tôi không nghe giáo sư hỏi vì còn đang lơ đãng nhìn tấm ảnh của Grauben treo trên tường. Cô cháu gái xinh đẹp của giáo sư đang ở chơi nhà một người họ hàng ở dưới quê. Vắng bóng nàng tôi buồn không ít vì chúng tôi yêu nhau đã lâu. Chúng tôi đã đính hôn với nhau nhưng chú tôi không hề hay biết vì quá say mê môn địa chất học.