Cuộc Du Hành Vào Lòng Đất


Khi tỉnh lại và mở choàng mắt ra, tôi thấy mình đang được Hans đỡ. Tay kia anh ôm lấy chú tôi. Tôi không bị thương tích gì nặng, nhưng xây xát khắp người. Chúng tôi đang ở trên một sườn núi, cách đó hai bước là một vực sâu hàng trăm bộ. Nếu cử động mạnh chúng tôi đã rơi xuống vực rồi. Hans đã cứu sống chúng tôi một lần nữa. Chúng tôi bắt đầu bò một cách thận trọng, cuối cùng tất cả đến được một nơi an toàn. Tôi bắt đầu nhìn quanh để quan sát.
Đầu tiên, tôi thấy bên trên bầu trời thật sự chứ không phải là trần động đá. Lần đầu tiên sau sáu mươi ngày tôi mới được nhìn thấy mặt trời trở lại. Như vậy, hiện tại chúng tôi đang ở trên mặt đất.
- Chúng ta đang ở đâu đây? – giáo sư có vẻ chẳng được hài lòng khi thấy mình đang ở trên mặt đất – Có phải đất Iceland không?
Hans nhún vai tỏ ý không biết.
- Ở Iceland. – tôi nói.
- Nej. – Hans nói với vẻ dứt khoát.
- Cái gì? Không phải ở Iceland à? – giáo sư kêu lên.
- Chắc Hans nhầm đấy thôi. – tôi nhỏm dậy chêm vào.
Trong suốt cuộc hành trình dưới lòng đất, từng chứng kiến biết bao điều kỳ lạ, vậy mà trước quang cảnh mới mở ra trước mắt, tôi thấy vô cùng sửng sốt. Tôi tưởng mình sẽ gặp lại những đỉnh núi tuyết phủ quanh năm, những cánh đồng hoang vu cằn cỗi dưới bầu trời nhợt nhạt phương Bắc, nhưng trái lại tôi thấy mình đang nằm ở lưng chừng một núi đá vôi dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ.
Tôi ngỡ là mình hoa mắt nhưng những vết bỏng đang đau rát khắp người, những mảnh quần áo tơi tả còn vương trên mình và ánh dương huy hoàng hơn hai tháng nay vắng bóng đang tràn ngập không gian. Tất cả đều hiện hữu, muốn không tin cũng không được.
- Trông không giống Iceland chút nào cả. – Chú tôi là người lên tiếng đầu tiên.
- Phải, nhưng…
- Nhìn kìa, Axel!

Tôi ngẩng đầu nhìn lên. Từ miệng núi lửa cao vòi vọi, cứ mười lăm phút lại phát ra một tiếng nổ long trời chuyển đất, kèm theo một cột cao ngất lửa khói lẫn đá bọt, than xỉ và dung nham. Chất phun trào cuồn cuộn tràn xuống mé núi dốc đứng. Dưới kia, chân núi chìm trong màu xanh thanh bình của vườn cây ăn trái. Bên kia vành đai xanh là biển cả. Cả vùng đất thần tiên này có lẽ là một hòn đảo. Nhìn về hướng mặt trời mọc, tôi thấy một bến cảng nhỏ với mấy căn nhà nhỏ rải rác quanh đó, nhiều con thuyền dập dềnh trên sóng nước. Ngoài khơi có vô số những hòn đảo nhỏ nổi bật trên mặt nước. Ở chân trời, một dãy núi xanh lơ ôm lấy một bờ biển xa suốt từ đông sang nam. Xa nữa là một ngọn núi lửa cao chót vót đang cuồn cuộn khói trắng. Phía bắc, biển trải rộng mênh mông lấp lánh dưới ánh nắng, thấp thoáng đó đây vài cánh buồm no gió.
Tôi lặng đi trước cảnh non xanh nước biếc không ngờ ấy, miệng lẩm bẩm:
- Đây là nơi nào nhỉ?
- Chẳng cần biết đây là nơi nào, ta cũng phải mau rời khỏi thôi. – giáo sư hoang mang nhìn quanh, rồi nói – Núi lửa vẫn đang còn ầm ầm phun trào, nóng ghê gớm. Nếu chẳng may bị một tảng đá nào đó văng xuống trúng đầu thì phiền lắm. Mau xuống núi đi! Chú đang lả người vì đói và khát đây!
Đúng là giáo sư Lidenbrock không còn lòng dạ nào mà ngắm cảnh. Tôi đành bước theo ông và Hans. Đường xuống dốc đứng. Nhiều chỗ, để tránh những suối dung nham chảy ngoằn ngoèo như những con rắn lửa sáng lòa, chúng tôi bị tụt xuống những hố tro. Suốt dọc đường, tôi nói liến thoắng cố tình vợi bớt đi những gì đang đầy ắp trong cái đầu giàu tưởng tượng của tôi.
- Chú Lidenbrock, theo chú chúng ta đang ở đâu? Trên bờ biển Ấn Độ hay Malaysia? Mà có đúng chúng ta đã đi được nửa vòng trái đất không?
- Nhưng còn cái la bàn thì sao nhỉ?
- Phải, dĩ nhiên, - tôi bối rối – theo la bàn thì mình tiếp tục đi về phía bắc.
- Như vậy là địa bàn chỉ sai rồi!
- Cháu thấy khó hiểu quá!
- Vì nếu vậy đây phải là Bắc cực!
- Đây mà là Bắc cực à? Càng vô lý!
Quả là một bí mật tôi không biết phải suy nghĩ ra sao. Trong lúc đó chúng tôi sắp đến gần rừng cây xanh mát. Đói khát và mệt mỏi khiến tôi nhũn cả người, không buồn cất bước. Cũng may sau hai giờ, chúng tôi tới được một vườn cây sum suê tươi tốt đầy nho chín và ô liu như mời chào tất cả mọi người. Chúng tôi hái bừa cho vào miệng. Cách đó không xa, dưới bóng cây xanh mát, tôi tìm thấy một con suối, và còn gì khoan khoái hơn là được đầm mình trong suối mát đang chảy êm đềm trên thảm cỏ dưới bóng cây.
Bỗng tôi phát hiện ra một cậu bé thập thò sau những cây ô liu, tôi reo lên:

- A! Có một cậu bé!
Cậu bé có vẻ nghèo khổ, ốm yếu, quần áo rách rưới, tiều tụy. Chắc thấy chúng tôi quần áo tả tơi, râu tóc bù xù trông thiểu não quá, cậu kinh hãi bỏ chạy. Song chưa được mấy bước, cậu đã bị Hans đuổi kịp. Mặc cho cậu bé ra sức la hét, đấm đá, Hans vẫn cứ lôi cậu tới chỗ chúng tôi ngồi nghỉ.
Giáo sư cố trấn an cậu bé và nói bằng tiếng Đức:
- Cậu bé ơi, núi này tên gì nhỉ?
Cậu bé im lặng không trả lời.
- Tốt, vậy là mình không phải ở Đức.
Giáo sư lại hỏi bằng tiếng Anh, rồi tiếng Pháp, nhưng cậu bé vẫn không trả lời. Tôi thấy sốt ruột, còn giáo sư Lidenbrock vốn tự hào am hiểu nhiều thứ tiếng nước ngoài, đã thấy hơi nóng mặt. Ông bèn quay qua hỏi cậu bé bằng tiếng Ý:
- Dove noi siamo?
- Này em bé, - tôi nóng ruột nhắc lại – chúng ta đang ở đâu đây?
Cậu bé khốn khổ vẫn câm như hến. Giận quá, giáo sư nắm lấy tai cậu nhéo mạnh, rồi quát thật to:
- Cháu không biết trả lời khi có người hỏi à?
- Come si noma questa isola?
- Stromboli!

Vừa dứt lời, cậu bé người Ý đã vùng thoát khỏi tay của Hans, băng qua những hàng cây ô liu, rồi biến mất tăm trong cánh đồng cỏ. Chúng tôi cũng quên ngay cậu bé còm nhom ấy.
Stromboli! Ai có thể ngờ được rằng chúng tôi vừa bắn ra từ miệng núi lửa trên đảo nhỏ Sromboli giữa Địa Trung Hải.
- Stromboli! – tôi lập đi lập lại.
Chú tôi cũng lẩm bẩm cái tên đó. Ôi, một chuyến đi tuyệt vời! Một chuyến đi kỳ lạ! Chúng tôi tụt xuống một miệng núi lửa và leo lên qua một miệng núi lửa khác ở cách một ngàn hai trăm dặm, từ biệt xứ sở của sương mù và băng giá để tới một vùng non xanh nước biếc chan hòa ánh nắng, chui xuống lòng đất Iceland để rồi nhìn thấy bầu trời nước Ý.
Sau bữa ăn ngon lành với trái cây và nước suối, chúng tôi lên đường tới cảng Stromboli. Chúng tôi nhất trí không cho người dân địa phương biết chúng tôi đến đây bằng cách nào.
Dọc đường, giáo sư Lidenbrock cứ thắc mắc mãi về chuyện cái địa bàn, không hiểu sao nơi đáng lẽ là phương nam nó lạ chỉ là phương Bắc? Tôi khuyên giáo sư tốt hơn nên bỏ qua chuyện vặt ấy, nhưng ông vẫn khăng khăng cho rằng một bác học như ông lại không giải thích được một hiện tượng có tính khoa học như vậy thì thật là mất mặt trước giới học giả quốc tế. Đi một lúc lâu, chúng tôi tới cảng San Vicenzo của đảo Stromboli. Giáo sư xiết chặt tay Hans và thanh toán cho anh tiền công của tuần lễ thứ mười. Suốt hơn hai tháng kể từ khi hợp đồng với giáo sư lên đường thám hiểm, đây là lần đầu tiên Hans nắm chặt tay chúng tôi và mỉm cười.
Thế là kết thúc một câu chuyện ít có người nào tin được. Nhưng tôi đã hiểu hết mọi việc và chuẩn bị cho điều đó.
Những ngư dân đảo Stromboli đón tiếp chúng tôi rất tử tế. Tin rằng chúng tôi bị đắm tàu, họ cho chúng tôi quần áo và thức ăn. Ngày 31 tháng tám, một chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi đến Messine. Ở đây chúng tôi nghỉ vài ngày để dưỡng sức.
Thứ sáu, 4 tháng chín, chúng tôi xuống tàu Volturne của hãng vận tải hoàng gia Pháp. Ba ngày sau, tàu cặp bến Marseille. Đường về Hambourg sao quá xa. Ruột gan tôi cứ sôi lên vì những chuyến xe chạy quá chậm, còn giáo sư thì cứ suốt ngày ấm ức về chuyện địa bàn. Chiều ngày 9 tháng chín, chúng tôi về tới Hambourg.
Tôi không thể diễn tả nổi sự ngạc nhiên của dì Marthe và sự vui mừng của Grauben khi thấy chúng tôi trở về. Grauben rơm rớm nước mắt, nàng mỉm cười ra lệnh:
- Bây giờ anh đã về đây rồi, và anh sẽ chẳng bao giờ được xa em nữa!
Sự trở về của giáo sư Lidenbrock làm náo động cả thành phố Hambourg. Cách đây mấy tháng, khi dì Marthe nói hở chuyện giáo sư đi thám hiểm lòng đất, tin tức lan đi khắp thành phố. Người ta không chịu tin, và khi gặp ông họ lại càng chắc chắn là ông không hề thực hiện một cuộc thám hiểm như thế. Nhưng sự có mặt của Hans ở Hambourg cùng nhiều nguồn tin khác từ Iceland tới khiến dư luận công chúng dần dần ngã về sự thật.
Giáo sư Lidenbrock bỗng trở thành một vĩ nhân, còn tôi với danh nghĩa là cháu của một vĩ nhân cũng không kém phần quan trọng. Hambourg mở tiệc chào mừng chúng tôi. Trong một buổi họp được tổ chức ở viện địa học, giáo sư kể lại cuộc hành trình dưới lòng đất, và tất nhiên ông lờ đi chuyện rắc rối khó hiểu về cái địa bàn. Cũng ngày hôm ấy, chú tôi trao cho sở lưu trữ của thành phố mảnh giấy tư liệu của ông Arne Saknussemm và tỏ ý rất tiếc hoàn cảnh không cho phép ông bám theo dấu chân của nhà khoa học người Iceland này đi tới tận tâm của trái đất.
Giáo sư càng khiêm tốn bao nhiêu càng nổi tiếng bấy nhiêu. Và càng đạt được nhiều vinh quang lại càng có nhiều kẻ đố kỵ, giáo sư Lidenbrock cũng đang ở trong trường hợp này. Ông vẫn bảo vệ luận điểm “không có lửa ở trung tâm trái đất” và ra sức dùng ngòi bút và tiếng nói của mình ráo riết tranh luận với các nhà bác học trên thế giới. Về phần mình, tôi mãi mãi vẫn tin vào sự tồn tại của nhiệt lượng giữa lòng đất. Nhưng ở một vài trường hợp chưa được xác định, quy luật này có thể thay đổi do tác động của những quy luật tự nhiên.
Giữa lúc những vấn đề ấy đang được tranh cãi mà chưa đi đến một kết luận nào thì Hans đòi về Iceland. Anh đã bắt đầu thấy nhớ quê hương. Giáo sư Lidenbrock cố giữ anh lại, nhưng anh vẫn quyết định rời Hambourg.
“Farval!” Hans chào chúng tôi rồi lên đường đi Reykjavik. Ít lâu sau, chúng tôi nhận được tin anh về đến nhà bình an và sống sung sướng. Chú cháu tôi không bao giờ quên được người bạn đường dũng cảm đã bao lần cứu chúng tôi thoát chết. Tôi nguyện cho đến lúc về già, thế nào cũng phải có dịp tới xóm nhỏ gần chân núi Sneffels thăm anh một lần.

Nhưng giáo sư Lidenbrock không được hưởng chọn vẹn niềm vinh quang của mình. Sự việc khó hiểu về cái địa bàn đã khiến ông mất ăn mất ngủ. Không có gì đau khổ hơn đối với một nhà bác học là không giải thích nổi một hiện tượng mang tính khoa học như thế!
Một hôm, trong khi đang sắp xếp lại các mẫu khoáng vật trong phòng làm việc của giáo sư, bỗng thấy cái địa bàn ấy tôi liền cầm lên xem. Nó nằm ở đó từ sáu tháng nay mà không biết rằng nó đã gây bao nhiêu ưu tư cho vị giáo sư nổi tiếng ở đất cảng Hambourg.
Bất chợt, tôi thấy sững cả người. Tôi lên tiếng gọi giáo sư.
- Có chuyện gì đấy, Axel? – giáo sư hỏi.
- Chú nhìn cái địa bàn này xem!
- Cái địa bàn sao hả?
- Kim của nó chỉ hướng nam thay vì phải chỉ về hướng bắc. Nó đã đảo cực.
- Sao? Đảo cực à? Có nghĩa là khi chúng ta vượt biển, cái địa bàn này đã chỉ hướng nam chứ không phải hướng bắc.
- Đúng vậy!
- Điều đó đã giải thích sai lầm của chúng ta. Nhưng hiện tượng nào đã khiến kim nam châm đảo cực nhỉ?
- Cháu biết rồi chú ạ!
- Cháu nói xem nào, Axel!
- Trong cơn bão trên biển, viên sét hòn đã làm nhiễm từ hết các vật dụng bằng sắt thép. Kim nam châm của địa bàn cũng bị ảnh hưởng, do đó có hiện tượng đảo cực.
- À! Thì ra là như vậy! – giáo sư kêu lên và phá ra cười. – Điện từ đã đánh lừa mình.
Kể từ hôm ấy, giáo sư là người hạnh phúc nhất trong giới bác học. Còn tôi cũng có hạnh phúc của riêng mình. Grauben, cô gái xinh đẹp xứ Virland dã dọn tới ở chung trong căn nhà trên đường Konigstrasse với tư cách là vợ người cháu của chủ nhà. Tôi cũng không cần thiết phải nói thêm rằng chú của tôi là giáo sư Otto Lidenbrock bây giờ là viện sĩ của hầu hết những hội khoa học, hội vật lý học và hội khoáng vật học ở khắp năm châu của hành tinh này.
Hết.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận