Sau Tết Đoan Ngọ, thời tiết nóng lên từng ngày, trong rừng ngày càng xuất hiện nhiều côn trùng, điều này khiến chim chóc có rất nhiều lựa chọn về thức ăn, vườn rau và ruộng kê của Hà Điền không còn bị phá nữa, nhưng những sợi dây rơm, dải vải trên những cọc tre cắm trên đất trồng vẫn bay múa trong gió, không bị cất đi.
Chuông gió dưới mái hiên, trên hàng rào tre cao cao của vườn rau cũng khẽ reo theo làn gió.
Tại phiên chợ mùa thu năm ngoái, Hà Điền và Dịch Huyền đã bán gần hết chuông gió bằng gốm.
Năm nay, họ làm một số chiếc mới bằng trúc.
Chuông gió bằng trúc trông giống như một chiếc ô nhỏ không mở, rất dễ chế tạo, chỉ cần cưa một đoạn tre thành các đoạn dài khác nhau, khoan lỗ trên đầu rồi gắn thành vòng tròn, sau đó lấy một sợi dây xỏ qua một lát trúc được cắt thành hình tròn, luồn qua các ống trúc đó, trên đuôi dây có treo một sợi lông vịt và gà rừng, khi có gió thổi, những sợi lông này tung bay, làm cho những lát trúc đập vào ống trúc, phát ra âm thanh giống như tiếng sáo.
Ống tiêu là một loại nhạc cụ mà Hà Điền chưa bao giờ nghe nói đến.
Theo lời Dịch Huyền, nó cũng là một loại nhạc cụ hơi bằng trúc, giống như sáo, nhưng âm thanh không trong và cao như sáo mà nhẹ và trầm hơn.
Thậm chí có một chút hàm xúc bi thương ai oán.
Những ống trúc làm chuông gió được cưa thành từng đoạn dài ngắn khác nhau, nên âm thanh phát ra cũng có âm vực.
Thấy Hà Điền thích chuông gió bằng trúc, Dịch Huyền đã làm một chiếc xylophone khác.
Chiếc đàn làm bằng ống trúc cũng rất đơn giản.
Cố định tám ống trúc có độ dài khác nhau trên một ống trúc dài, làm giá đỡ đơn giản, sau đó dùng muỗng hoặc búa nhỏ làm từ hai thanh tre nhỏ, nhẹ nhàng gõ lên, vậy là đã có thể chơi nhạc.
Đối với Dịch Huyền, đây chỉ là những thủ thuật nhỏ, nhưng Hà Điền thì lại rất ấn tượng.
Không ai trong gia đình cô có thể chơi được một loại nhạc cụ nào cả, nhiều nhất họ chỉ có thể hát một vài bài hát ru và các bài hát thiếu nhi.
Cô lấy một thanh trúc nhỏ do Dịch Huyền làm, gõ gõ dừng dừng, đặt ra rất nhiều câu hỏi——
"Tên bài nhạc anh chơi vừa rồi là gì?"
"Thang âm là gì? Nhạc phổ? Tiết tấu? Nhịp?"
Hà Điền rất thích món đồ chơi mới này, đêm ngủ còn xách nó lên gác và gõ vài cái, cô phớt lờ câu nói "Đó là nhạc cụ dành cho trẻ con" của Dịch Huyền, đã là nhạc cụ thì không có sự phân biệt lớn nhỏ nào hết!
Sau một tuần, Dịch Huyền bắt đầu rầu rĩ.
Anh hầu như không có gì để dạy cho Hà Điền nữa.
Hà Điền ôm chiếc xylophone bằng trúc và học chơi gần như tất cả các bài nhạc mà anh nhớ và có thể hát - dù cho nó có là nhạc cụ chỉ có tám thang âm của con nít và còn không chuẩn nữa!
Dịch Huyền vuốt tóc Hà Điền, vẻ mặt vừa ân cần vừa tiếc nuối: "Em là thiên tài âm nhạc đã bị chậm trễ!"
Nhận ra mình có tài năng về âm nhạc, điều tưởng tượng phi thực tế khi lần đầu tiên nhìn thấy Dịch Huyền hôn mê trong tuyết của Hà Điền cũng đã tan thành mây khói - mặc dù có một đôi tay mảnh mai và xinh đẹp, nhưng anh ấy không giỏi chơi bất kỳ loại nhạc cụ nào cả.
Đánh giá của Dịch Huyền về trình độ chơi nhạc của mình cũng giống như với kèn xylophone bằng trúc vậy: Đẳng cấp con nít.
Nhưng anh vẫn khẳng định trình độ đánh giá của mình vẫn rất cao.
Bên cạnh âm thanh của tiếng đàn và tiếng chuông gió bằng trúc, trong mùa hè này, khu rừng của gia đình Hà Điền còn thoang thoảng hương hoa sen.
Hoa sen cô trồng trong hai cái vại lúc đầu nhô lên khỏi mặt nước với một góc nhọn nhỏ, đầu tiên nó chỉ là một búp nhỏ không lớn hơn hạt đậu phộng, sau đó lớn lên nhanh chóng từng ngày với tốc độ có thể nhìn thấy bằng mắt thường, trở thành một cái búp nhỏ hơn quả trứng một chút.
Ngày nào Hà Điền cũng lẩm bẩm với nụ hoa duy nhất này: "Khi nào thì cưng mới nở? Cưng màu gì?"
Có thể nhìn thấy một màu vàng nhạt mơ hồ từ những kẽ hở giữa búp xanh.
Nhưng Dịch Huyền nói là phần lớn hoa sen đều có màu hồng, trắng, còn vàng và tím thì chỉ có hoa súng mới có màu này.
Cuối cùng, vào một buổi sáng, Hà Điền rời khỏi chỗ ngủ, đứng giữa khoảng không trước cửa và duỗi tay chân đón ánh mặt trời đang mọc.
Ánh nắng vàng cuối tháng sáu như những chùm mũi tên nhọn, phản chiếu qua những kẽ hở trên tán lá xanh tươi, khi một trong những tia sáng chiếu lên trên nụ hoa, như được tác động từ một điều gì đó, đột nhiên nó bung ra.
Khi đó, Dịch Huyền vừa cho hai con cừu ăn xong, vừa định kéo vào rừng để chúng tự do di chuyển thì nghe được tiếng hét lớn của Hà Điền, không kịp chứng kiến khoảnh khắc thần kỳ này.
Anh lo lắng chạy về, thấy Hà Điền đang ngồi chồm hổm trước vại nước, nhẹ nhàng cầm bông hoa to hơn miệng chiếc tách trà ở nhà một chút, dùng giọng điệu mà anh cảm thấy có chút quen thuộc, nói: "Thì ra bé có màu hồng mà cứ để chị thấy màu vàng để chọc ghẹo chị.
À, ý chị không phải màu vàng không đẹp, bé màu gì chị cũng thấy đẹp hết! Chao ôi, sao em đẹp quá vậy nè? Còn thơm nữa...!Chị chưa từng thấy một bông hoa nào to và đẹp như bé...!"
Anh cúi đầu xuống, thấy đám lông trên cánh tay mình dựng hết cả lên.
Bữa sáng ngày hôm đó, Hà Điền nhất định ăn ở chiếc bàn tạm bợ ngoài trời - không, không phải ăn mà là thưởng thức.
Ăn sáng trước một bông hoa thơm ngát và đẹp đẽ như vậy không phải là thưởng thức thì như thế nào mới gọi là thưởng thức?
Vì vậy, trong lúc ăn sáng, Dịch Huyền không thể không hỏi Hà Điền: "Cái giọng điệu đó có phải giống với khi anh nói chuyện với Lúa Mì và mấy con mắt to dơ hầy mà em từng nói không?"
Hà Điền vẻ mặt tốt bụng cười nói: "Chính xác!"
Dịch Huyền nuốt khan một cái.
Theo ý kiến của anh, hoa sen muộn này thật ra không lớn.
Hoa sen này có lẽ do trồng không đúng cách nên đã trở thành sen mini, không những lá sen chỉ to hơn cái chén để ăn ở nhà mà những bông hoa cũng rất nhỏ.
Những bông sen trong nhà đều đang nở rộ, sen trôi theo dòng nước ở sông, đầm, ao cũng tranh nhau đua nở.
Truyện Việt Nam
Khi Hà Điền và Dịch Huyền chèo thuyền đi lấy lồng cá một lần nữa thì thấy trong ao cách đó không xa, xen kẽ trong lá sen xanh kéo dài hơn mười mét đều đầy là hoa sen, màu hồng màu trắng, có hoa đã nở bung và bắt đầu tàn, hình thành những đài sen xanh nhạt, có hoa vừa mới bắt đầu nở, to hơn so với nắm tay của Hà Điền.
Trong đám lá xanh chỉ có một chút nụ hoa màu hồng, phần gần chính giữa là hoa sen trắng...
Trước khi thuyền đến gần, hương hoa sen phảng phất từ xa đã thu hút rất nhiều ong, bướm và côn trùng nhỏ không thể gọi tên.
"Những bông hoa này -" Dịch Huyền chỉ vào những bông hoa to lớn, so sánh kích thước của chúng với bàn tay của mình: "Mới thật sự là hoa sen."
Hà Điền mặc kệ anh, hoa do tự tay cô trồng lớn và đám hoa bờ cỏ bụi này sao có thể giống nhau được?
Có điều, khi Dịch Huyền nói về việc dùng hoa sen làm thức ăn, cô cũng không có phản đối.
Dịch Huyền hái hai lá sen to, cho mình và Hà Điền mỗi người một cái, đội úp lên đầu, tựa như một cái nón, vừa đủ che mát, anh cũng không quên Lúa Mì, đội lên đầu nó một lá.
Lúa Mì cào lá sen xuống, vồ lấy chơi rồi xé thành từng mảnh.
Chọn những lá sen tròn trịa, có kích thước vừa phải, có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dành dùng sau, làm xôi gà lá sen, lá sen hấp thịt hoặc thái sợi nhỏ nấu cháo.
Đối với hoa sen thì chỉ cần nụ hoa loại chưa nở, cánh hoa tách ra rửa sạch có thể chế biến các món trộn, gói trà vào túi gạc, đặt vào trong hoa cột lại, sau hai ba ngày thì lấy ra, trà sẽ có hương thơm hoa sen; đài sen lớn hơn nắm tay một chút thì có thể hái xuống, lấy hạt sen bên trong, bóc vỏ, ăn sống rất thơm, nấu hạt sen thành món nhân sen như nhân đậu đỏ làm nhân bánh ăn rất ngon, cũng phải nói một câu là, bánh trung thu nhân hạt sen và lòng đỏ trứng muối là ngon nhất! Hạt sen sau khi tách vỏ và phơi khô có thể bảo quản được lâu, khi muốn ăn thì chỉ cần ngâm vào nước như các loại ngũ cốc, gạo, đậu khác.
Món canh hạt sen táo đỏ cũng ngon...
Dịch Huyền nói liên miên dài lê thê, Hà Điền không khỏi ngạc nhiên: "Lúc đầu đào củ sen, anh cũng toàn nói về đồ ăn, nhưng khi đó em nhớ là anh chỉ biết mình đang ăn gì và có mùi vị ra sao chứ đâu có biết cách làm."
"Khụ, giờ anh khác xưa rồi!" Nay anh đã là một người đàn ông kinh nghiệm bếp núc đầy mình! Chỉ cần hiểu rõ các phương pháp và quy luật cơ bản khi nấu ăn, sau đó nhớ lại hương vị và mùi vị của món ăn đã ăn trước đây, thì tất nhiên không khó để biết chúng được chế biến như thế nào.
Anh vô cùng tự tin hái rất nhiều lá sen, chuẩn bị về nhà và trổ tài.
Thu hoạch cá và lá sen xong, Hà Điền và Dịch Huyền lên bờ để chạy thử máy cắt cỏ mà họ đã làm.
Hai chiếc máy cắt cỏ này rất đơn giản, phía dưới là một ống tre to đường kính khoảng 16 hoặc 7 cm, phần có các khớp tre ở hai bên được khoét đặc biệt, các khớp tre được khoan lỗ tròn và đặt một cành tre mỏng, mài nhẵn.
Cành tre sau khi lộ ra được nung nóng và uốn thành hình chữ nhật hơi cong, cho hai đầu vào lỗ khoan hai bên cột tre, cố định, sau đó đẩy cọc tre, ống tre to ở phía dưới có thể chuyển động được.
Thiết kế này thật ra giống với thiết kế của cọ lăn được nhiều họa sĩ sử dụng để vẽ các bức tường cao, có điều, họ đã dùng ống tre lăn thay thế cho chổi lăn, trên ống tre còn được khảm hai miếng sắt sắc bén - từ hộp sắt bỏ đi.
Sau khi cắt, hai lưỡi dao quay theo hình xoắn ốc dọc theo thân ống tre, trên đó có răng cưa, đẩy mạnh vào đám cỏ, chẳng mấy chốc đã cắt được một hàng, nhưng sau khi cắt xong hàng cỏ đầu tiên thì phải nâng máy cắt cỏ lên một chút, rồi lại dùng lực, đẩy.
Sau khi thử nhiều lần, cả hai thất vọng nhận ra rằng chiếc máy cắt cỏ này có lẽ chỉ thích hợp để cắt những loại cỏ ngắn mà thôi.
Loại cỏ mà họ dùng để nuôi gia súc cao đến đầu gối, dùng chiếc máy cắt cỏ này có vẻ không khả thi.
Nhưng hai người cũng không nản lòng, họ có rất nhiều thời gian để làm một cái khác.
"Có lẽ chúng ta nên làm một cái tay cầm dài rồi gắn máy cưa vào, sau đó—" Hà Điền nắm chặt hai tay trước bụng, vặn eo qua lại: "Như thế này, vừa đi vừa xoay trái phải.
Trên cưa gắn đĩa cưa tròn hoặc là đĩa có cánh quạt tựa như là lưỡi dao vậy!"
Dịch Huyền nghiêng đầu tưởng tượng: "Có thể thử xem sao.
Nhưng tốt nhất là chúng ta nên đi ủng bảo hộ khi cắt cỏ.
Nếu lưỡi cưa chạm vào một tảng đá trong cỏ, răng rắc — gãy rời, bay ra rồi trúng vào chân thì không phải chuyện đùa đâu."
Trục lăn mà họ đang sử dụng được thiết kế dựa trên nền đất không bằng phẳng, sẽ có rễ cỏ, rễ cây và khối đá, thiết kế này không sợ lưỡi dao sẽ làm tổn thương người.
Dù là đầm lầy hay bờ sông, mặt đất cỏ dại sẽ không bằng phẳng như con đường ở trước nhà.
Mỗi mùa xuân, các dòng sông băng tan chảy không chỉ mang theo lũa từ trên núi cao xuống mà còn có rất nhiều đá và nhánh rễ.
"Vậy dễ rồi." Hà Điền cười vỗ vai Dịch Huyền: "Mình quyết định dùng động cơ nha anh!"
"Ừ!"
Hai người vui vẻ được một lúc, rồi lại bắt đầu lo lắng: "Nhưng vậy thì phải dùng đến dầu diesel."
"Haizz...!Nguồn năng lượng luôn là vấn đề muôn thuở của loài người."
"Trước khi mua nhiên liệu diesel chúng ta đã nhất trí là sẽ chỉ sử dụng nó khi cưa gỗ và đi thuyền.
Bây giờ lại thêm một cái là thu hoạch, vậy sau này có khi nào sẽ dùng để sưởi ấm luôn hay không?"
"Cũng có thể lắm.
Trừ khi chúng ta tìm thấy các nguồn năng lượng khác, chẳng hạn như than đá."
"Còn có khí nữa!"
"Hoặc chúng ta tự làm một hầm khí sinh học."
"Khó làm hầm biogas lắm.
Quá trình lên men khí biogas phải cần đến nhiệt độ, nhưng chỗ của chúng ta một năm có phân nửa thời gian là lạnh giá rồi, nhiệt độ không đủ."
"Haizz, đừng nói ở đây, nơi anh từng sống trước đây cũng có người làm hầm khí sinh học.
Kết quả là sau một mùa đông, các hầm khí sinh học chôn lấp đều bị nứt, mực nước sông vào mùa xuân tăng lên.
Haha, thôi không nói đến nữa."
"Hay là đào một ít cỏ mang về nhà trước đã."
Họ đặt chiếc máy cắt cỏ hỏng trở lại thuyền, lấy xẻng và cuốc, tìm một bãi đất tương đối bằng phẳng, đầu tiên họ nhặt những tảng đá lớn trên mặt đất, những gốc cỏ và rễ cây vướng víu, sau đó đào năm mảng cỏ bên trên.
Mỗi phần cỏ dày chừng mười cm đất, sáu mươi đến bảy mươi cm vuông.
Từ phía mặt cắt, có thể nhìn thấy những rễ tơ trắng mịn như mạng nhện.
Sau khi mang những mảng cỏ về nhà, cả hai trải chúng trên một bãi đất gần con dốc.
Đá, lũa, cành cây chết trên bãi sông đã được dọn sạch, Hà Điền còn dắt Gạo đến để nó cày qua cày lại nhiều lần rồi rắc một ít phân tinh luyện lên.
Sau khi trải cỏ xong, Hà Điền vung xẻng để làm phẳng và nén chặt chúng, hy vọng rễ cỏ có thể tiếp xúc với đất mới.
Dịch Huyền xách nước từ sông lên nhiều lần rồi đổ xuống, sau đó, cả hai nhấc tấm mành cỏ đặt ở một bên, phủ nhẹ lên khoảng trống trên bãi cỏ mới trồng và dằn thêm vài tảng đá lên.
Nếu trời mưa, họ hy vọng rằng điều này sẽ bảo vệ lớp cỏ mới cấy không bị mưa cuốn trôi.
Che mành cỏ xong, Dịch Huyền bắt đầu chế biến món ăn mới.
Đầu tiên anh ngâm hai chén gạo nếp, một ít nấm hương, sau đó ra vườn rau nhổ vài củ hành tây nhỏ.
Những củ hành tây lúc này chỉ to bằng quả trứng, lá vẫn đang xanh mướt.
Sau đó, anh đi đến hầm, lúc này mới phát hiện ra rằng họ không có thịt gà.
Đừng nói là thịt gà tươi, ngay cả thịt gà đã xông khói cũng không có.
"Năm nay săn không được nhiều lắm." Dịch Huyền thở dài, mở thùng lạnh ra, tìm một miếng sườn heo, lấy ra rã đông, chặt thành miếng nhỏ, ướp với nước tương, muối, bột canh, còn hào phóng cho thêm mấy muỗng rượu ngọt vừa mới làm.
Khoảng một tiếng sau, gạo nếp đã ngâm nở, nước trong nồi Dịch Huyền bắc lên cũng đã sôi.
Anh lấy nồi hấp ra, trải một tấm vải gạc lớn lên trên, đổ gạo nếp vào, dàn đều rồi dùng ngón tay chọc vài lỗ để gạo nếp chín đều hơn khi hấp.
Sau khi gạo nếp hấp chín, anh bắc chảo lên bếp, cho mỡ heo, hành khô băm nhỏ vào xào sơ qua, đổ gạo nếp đã hấp chín vào xào cùng nấm hương, sườn.
Hà Điền ngửi thấy mùi hương liền chạy tới xem náo nhiệt: "Thơm quá đi."
Dịch Huyền bật cười: "Đợi lát nữa ăn vào còn thơm hơn nữa."
Xào được một lúc, anh tắt bếp, lấy lá sen đem về ra, xé dọc theo gân lá thành những chiếc quạt nhỏ, xúc một muỗng lớn gạo nếp rồi đổ lên lá, gấp lá nhiều lần thành một gói nhỏ hơn lòng bàn tay một chút, sau đó cho những chiếc bánh lá sen nhỏ này vào nồi hấp cách thủy trong nửa tiếng.
Gạo nếp xương sườn gói trong lá sen ăn vào thật đúng là thơm hơn cả lúc ngửi!
Những hạt gạo nếp và sườn heo quyện với hương thơm đặc trưng của lá sen, khác hẳn so với hương vị của bánh ú gói bằng lá tre.
Hà Điền liếm nếp dính trên ngón tay: "Chất béo và đường thật đúng là mỹ vị trời ban mà."
Dịch Huyền cười đắc ý, ăn thêm một miếng nữa thì mới nhớ ra: "Mà này, em nên cho thêm một lòng đỏ trứng muối vào nữa!"
Hà Điền cười: "Sao lúc nào anh cũng trứng muối trứng muối vậy hả?".