Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm


Nửa tháng tám trôi qua trong nháy mắt, trong rừng không có lịch, nhưng mọi thứ đều đang ám chỉ thời gian chuyển dời.
Điều đầu tiên có thể cảm nhận được là màu sắc của lá đang dần thay đổi.
Khu rừng giữa mùa hạ, lọt vào trong tầm mắt lúc đó tràn ngập nào là màu xanh ngọc bích, xanh thẫm, cũng như xen kẽ chút màu xanh vàng dịu dàng của những chồi lá mới mọc, gió thổi vi vu, dưới tán lá cây bạch dương là một màu xanh xám...
Mà giờ đây, mép của nhiều lá cây đã dần chuyển sang vàng.

Có loại ngả sang màu vàng, có loại có đốm rám nắng hoặc có mảng nâu đỏ, mỗi sáng sớm họ phải mất nhiều thời gian hơn để dọn dẹp lá rụng trên ban công và hiên nhà.
Dịch Huyền thu nhặt rất nhiều lá rụng, dùng dây rơm xỏ thành từng sợi rồi treo lên hàng rào tre, dọa cho lũ chim trong vườn rau sợ hãi.
Quả trên cây táo cũng bắt đầu đỏ rực.

Đặc biệt là những quả táo trổ đầy ở hướng mặt trời, quả màu xanh nhạt lúc đầu đã lộ ra một chút màu hồng, giống như khuôn mặt e thẹn của một cô gái, sau đó vết ửng hồng từ từ lan ra, toàn bộ quả táo chuyển sang màu đỏ, vỏ trông như sáp càng thêm rực rỡ, bên trên có một lớp phấn mờ trông giống như sương giá, không thể rửa sạch bằng nước mà phải dùng khăn bông lau thì mới sạch.

Sau khi lau sạch lớp phấn trắng này đi, quả táo liền trở nên sáng bóng.
Mặc dù Hà Điền bảo anh đợi một tuần nữa hãy hái táo, nhưng Dịch Huyền không thể đợi táo chín hẳn, anh hái hai quả táo còn cành và lá, đặt trên chiếc bàn nhỏ trước cửa sổ phòng ngủ, buổi tối đi ngủ cũng có thể ngửi thấy mùi thơm ngát của táo.
Đến giữa cuối tháng tám cũng là thời điểm cuối cùng bắt được cá hồi.
Trong một tuần nữa, sẽ khó có thể nhìn thấy đàn cá lội ngược dòng.

Nhiệt độ cũng đã giảm xuống, và thậm chí có thể bắt đầu xuất hiện mưa và tuyết.
Vào buổi sáng ngày bắt đầu đi bắt cá hồi, trời còn chưa sáng hẳn thì anh em nhà họ Phổ đã đến rồi.

Dịch Huyền dặn dò Phổ anh vài câu rồi bọn họ lên đường.
Do sự cố lương thực vào mùa đông năm ngoái và chuyện ba mất hồi đầu hè, hai anh em nhà này nay đã chịu khó hơn rất nhiều.

Từ lúc mùa xuân bắt đầu, họ bắt được rất nhiều heo rừng.

Heo đực thì đem thiến, đợi đến mùa thu sẽ làm thịt rồi ướp gia vị hoặc đem xuống chợ đổi, heo nái và heo con thì giữ lại.

Heo đực sau khi thiến không còn hung dữ nữa, chúng háu ăn, có thể tăng hàng chục kg trong vài tháng.
Họ đã chứng kiến ​​và tham gia vào quá trình xây nhà cùng với Hà Điền và Dịch Huyền, nên cũng có động lực hơn, về cải tạo lại căn hầm và nhà gỗ của mình.

Ngoài một ít rau, khoai, củ cải lương thực chính cho mùa đông, họ còn trồng thêm một mớ bắp.
Bắp được họ đổi với nông dân ở phiên chợ mùa thu năm ngoái, họ đổi cả quả nguyên, hạt nào khi tách ra cũng căng mọng.
Thấy nhà Hà Điền trồng bí đỏ, kê và khoai lang ngoài cà rốt và khoai tây, họ cũng muốn trồng thêm mấy loại lương thực khác ngoài khoai tây.
Hai anh em nhớ lại bác nông dân trồng bắp có nói đây là thứ dễ chăm sóc, năng suất cao, sau khi thu hoạch có thể cất giữ được lâu, rồi còn bất kể có là trên núi hay là đất đá thì cũng trồng được hết.

Bọn họ cảm thấy mình nên chọn loại cây này, nhưng không ngờ là những cây bắp vất vả mới trồng được này tuy là cao lớn và trổ hoa, nhưng mà lõi bắp lại không mọc ra hạt.
Có cây tốt hơn một chút, đã mọc hạt, nhưng trên một quả lại chỉ có loe ngoe vài hạt mà thôi.
Lúc này anh em nhà họ Phổ mới nhận ra, chưa nói đến người trên núi, ngay cả dân làng dưới chân núi cũng có rất ít người trồng bắp.
Chỉ ở những vùng đồng bằng cách sông từ 30 đến 40 km như gia đình Sở Vân Tây, người dân mới trồng bắp với quy mô lớn.
Nhưng đã quá muộn để trồng các loại cây khác vào thời điểm này.
Anh em nhà họ Phổ hy vọng lần này đi theo Hà Điền và Dịch Huyền có thể bắt được nhiều cá hồi một chút, có như vậy thì họ mới có thể trao đổi nhiều thứ hơn với người ta tại hội chợ mùa thu.

Cho dù là không đổi được thì cũng có thể giữ nó cho mình ăn.
Ba người bọn họ dắt Gạo và Lúa Mì băng qua rừng, băng qua cây cầu dây, đi về phía rừng sâu.
Lúa Mì luôn đi đầu trong đội.

Nó rất thích thú và hưởng thụ mỗi khi được ra ngoài thế này.
Trên đường đi, Lúa Mì bắt được một con thỏ rừng và phát hiện hai con gà rừng, ba thợ săn liên tục thu hoạch con mồi, chiếc sọt trên lưng Gạo càng lúc càng nặng hơn.
Đến trưa, phải qua sông, Dịch Huyền tháo hai cái sọt bên hông Gạo xuống, cùng với Phổ em mỗi người cõng một sọt qua sông, còn Gạo thì sẽ để Hà Điền cưỡi qua.
Hà Điền thật sự cảm thấy đây là chuyện không cần thiết, chỉ vẽ vời cho thêm chuyện.
"Sông không sâu, mình cùng nhau qua một lượt là được mà."
Dịch Huyền kiên quyết nói: "Nước không sâu, nhưng lạnh lắm! Lên nhanh đi, anh kéo Gạo đi từ từ, nhất định không để em rơi xuống đâu."
Hà Điền có chút sợ Gạo sẽ hất mình xuống sông, cô miễn cưỡng nằm ở trên lưng Gạo, ôm cổ nó: "Gạo, phải đi chậm rãi vững vàng nghe chưa!"
Phổ em nhìn Lúa Mì, Lúa Mì cũng mặt chó nhìn anh ta, thè lưỡi thở hổn hển, nhìn cái gì vậy? Chú chưa từng thấy "cẩu độc thân" bao giờ à?!
Dịch Huyền kéo Gạo, Gạo chở Hà Điền, ​​hai người thì thầm cười nói đi phía trước, hai "cẩu độc thân" đi ở phía sau, Phổ em nhọc nhằn cõng đồ đạc nặng trĩu trên lưng, Lúa Mì đi đến chỗ nước sâu thì còn phải bơi chó.
Sau khi băng qua sông, Hà Điền đốt lửa tại chỗ, Dịch Huyền và Phổ em thay quần áo ướt treo lên cành cây cho khô, cô lột da thỏ rồi làm sạch đặt lên vỉ nướng, thịt thỏ chín rồi thì dùng dao cắt thành từng miếng, mở hành lý, lấy một chồng bánh kếp ra, kẹp thịt vào ăn.
Đồ ăn do Hà Điền mang đến còn có một ít dưa leo nhỏ vẫn còn gai nhỏ và cuống hoa, họ lấy ra ăn với bánh kẹp thịt thỏ, một ngụm bánh thịt béo ngậy thơm lừng, một ngụm dưa leo sống giòn rụm.
Sau giờ nghỉ trưa, bọn họ tiếp tục tiến sâu vào khu rừng rậm.
Đây là lần đầu tiên Phổ em bước vào con suối trong rừng rậm đầy gấu này, anh ta vác chiếc túi lều ngủ trên lưng và bám sát phía sau Gạo, sợ bị bỏ lại.
Đến buổi tối, họ đến gần con suối nơi bắt được cá hồi năm ngoái, họ vẫn dựng lều ở nơi dựng trại năm ngoái, tìm củi khô và đốt lửa trại lên.
Vì có thêm người trợ giúp, Hà Điền dự định năm nay sẽ đan lưới, đặt ở trong dòng suối.
Nhân lúc trời còn chưa tối hẳn, Dịch Huyền và Phổ em đi chặt tre kéo về, Hà Điền thì ở lại trại chuẩn bị bữa tối.
Lưới tre không cần phải đan quá kỹ, ba người ăn uống xong, chẻ tre ra, đan lưới tre bên đống lửa.
Sáng sớm hôm sau, họ dọn dẹp lều trại, treo đầy thức ăn lên cành cây, rồi ba người mang lưới tre ra suối.
Đến giữa tháng tám, mặt trời mọc muộn hơn nhiều, hơn sáu giờ sáng rồi mà bầu trời vẫn còn là màu xám xanh.
Mà cho dù trời vẫn còn chưa sáng rõ, họ vẫn có thể nhìn thấy cá hồi trong suối đang lội ngược dòng nước, hăng hái nhảy qua các tảng đá trong suối, đuôi cá xám bạc vẫy đập bắn ra nước tung tóe.
Họ chặt tại chỗ một vài cây nhỏ, chặt bỏ cành, cắt một đoạn thân cây thành hình nón để cố định lưới chắn.
Sau khi lưới được đóng đinh vào dòng suối, không mất nhiều thời gian, một số lượng lớn cá hồi chen chúc nhau trước lưới, chúng liên tục nhảy lên, cố gắng lao qua lưới, dòng suối chảy róc rách lúc này giống như một nồi nước sôi, trước tấm lưới đều là bọt nước do cá hồi tạo ra, nước bắn tung tóe tạo ra âm thanh kỳ lạ.
Dịch Huyền và Phổ em đều mặc quần yếm làm bằng da heo rừng, mang theo một chiếc vợt cá lớn và liên tục vớt cá hồi lên.
Một con cá hồi trưởng thành có thể nặng từ 15 kg trở lên, chúng vật lộn và xoắn trong vợt cá, Dịch Huyền phải dùng sức toàn thân để nhấc vợt và bước đi trong dòng nước để vào bờ.
Hà Điền cầm sẵn một cái túi lớn bằng vải dầu đứng ở trên bờ, bao túi vào vợt, lúc này Dịch Huyền mới dám đổ cá vào.
Anh và Phổ em bận rộn một lúc, trước lưới lại chật ních những chú cá hồi háo hức lội ngược dòng.
Ba người bắt cá gần nửa tiếng, đều thấm mệt, nhưng lúc này lại là thời điểm cá tập trung lại nhiều nhất, ai biết khi nào thì cá mới lại đến nữa, một tiếng sau? Hay là một ngày sau?
Dù kiệt sức nhưng cả ba vẫn tập trung tinh thần và cố gắng phối hợp với nhau để có thể bắt được nhiều cá nhất có thể.
Cho đến khi ba túi đầy cá được đặt trên bờ, Dịch Huyền nói: "Nghỉ một chút thôi"
Cả ba ngồi xuống bờ, đều thở hổn hển.
Hà Điền lấy bình giữ nhiệt ra, rót một ly trà gừng đường nâu nóng cho mọi người.
Trong lúc uống trà cô nắm chặt tay Dịch Huyền, lòng bàn tay anh vẫn còn ấm, lúc này cô mới yên tâm.
Những chiếc quần làm bằng da heo rừng nguyên tấm có vẻ hữu dụng.
Sau khi làm quần xong, Hà Điền còn cố tình bôi keo bong bóng cá cả bên trong và bên ngoài, sau đó hong khô, khiến chiếc quần trở nên cứng, giống như lúc chưa thuộc da.

Dịch Huyền hay nói đùa rằng đặt nó ở trên mặt đất nó có thể tự mình đứng thẳng được luôn.
Xấu thì hơi xấu thật, nhưng mà nó không thấm nước.
Hà Điền cũng từng nghĩ đến việc dùng vải dầu dày làm quần chống thấm nước, nhưng dù vải dầu có dày đến đâu thì dù sao nó cũng là vải, sau khi xuống nước, vải mềm sẽ bị nước làm cho dính sát vào chân, mặc dù không thấm nước nhưng vẫn thấy lạnh.
Trải qua quá trình xử lý đặc biệt, quần da heo rừng vốn cứng như bìa cứng khi chạm vào nước suối cũng trở nên khá hơn một chút.
Bên trong mặc thêm một lớp quần làm bằng lông và vải dầu mỏng, càng ấm áp hơn nữa.
Nhưng Dịch Huyền lại kiên quyết không mặc quần lông gì gì đó vào, chỉ vào phần đùi của mình: "Anh thấy nó quá gò bó."
"Vậy thì mặc quần khác vào!" Hà Điền giúp anh nghĩ cách.
"Mặc nhiều như vậy làm gì? Anh còn phải đi lại dưới suối nữa mà! Nặng nề lắm." Dịch Huyền vẫn không vui.
Cuối cùng, anh chỉ mặc một chiếc quần dài bên trong quần da heo rừng.
Phổ em rất hài lòng với chiếc quần da heo rừng này.

Da mà nhà anh ta dùng để làm quần áo thu đông chủ yếu là da heo rừng trơn hai mặt.
Ban đầu Hà Điền làm chiếc quần này cho chính mình, sau khi quyết định cho anh ta tham gia đánh bắt cá hồi, cô đã làm chiếc quần dài hơn rồi đưa cho anh ta.
Cả ba nghỉ ngơi một lúc, uống trà gừng đường nâu, ăn một lát bánh mì bơ sữa cừu dày và bánh mì hạt óc chó hạnh nhân.

Nhân lúc người còn đang ấm, cá tập trung trước lưới còn nhiều, tranh thủ vớt thêm một ít nữa.
Đến gần trưa, Lúa Mì và Gạo dường như đánh hơi được mùi gì đó, chúng bày ra tư thế cảnh giác, Hà Điền vội vàng gọi hai người trong suối: "Đi thôi.

Sợ là có gấu rồi." Cô đã cầm súng lên.

Rừng cây hai bên suối lờ mờ, trên cành cây, phiến đá, đều là rêu xanh.

Cho dù dùng ống nhắm, Hà Điền vẫn không thể biết được mối đe dọa đang ẩn náu ở đâu.
Nếu một con gấu lao ra khỏi rừng vào lúc này, bọn Dịch Huyền đang đứng dưới suối nhất định là sẽ không có sức phản kháng.
Mặc dù không thấy bóng dáng của gấu đâu, Hà Điền vẫn nghĩ rằng họ nên tin vào khứu giác nhạy cảm của Lúa Mì và Gạo, rời đi trước khi những con gấu xuất hiện.

Nếu không, khi nó xuất hiện thật rồi, rất có thể đang ở rất gần với họ.
Dịch Huyền và Phổ em vội vàng lên bờ, cá trong vợt cũng không cần nữa, anh đặt túi vải xuống đất bỏ vào sọt trên lưng gạo, cầm súng lên, rời đi một cách thận trọng và nhanh chóng.
Về đến trại, họ ngỡ ngàng.
Khi họ đang bắt cá, rõ ràng là những vị khách không mời đã đến đây.
Những chiếc lều đã cột đều bị giẫm lên, thùng nước, nồi sắt dùng để nấu nướng bị ngã trái ngã phải, trên cây lớn treo thức ăn có vết xước, tàn tro của lửa trại để lại dấu chân rõ ràng của vị khách không mời: Một con gấu.
Hà Điền ngồi xổm bên cạnh dấu chân và so sánh lòng bàn tay của mình với dấu chân đó.
Dấu chân lớn gần gấp đôi lòng bàn tay cô.
Điều này cho thấy chủ nhân của những dấu chân có khả năng là một con gấu đực trưởng thành với chiều cao hơn hai mét, thậm chí là ba mét và nặng từ ba đến bốn trăm kg.
Cô đứng dậy và dứt khoát nói: "Chúng ta đi thôi.

Về nhà ngay."
"Hả?" Phổ em nhìn túi cá, có chút không muốn.
Mới chỉ đến trưa mà họ đã bắt được sáu túi cá lớn, lúc này vẫn còn rất nhiều cá trước lưới chắn...!giờ lại đi về?
Anh ta do dự: "Chúng ta không thể đổi chỗ sao? Xung quanh đây không có chỗ khác bắt cá nữa sao?"
Dịch Huyền cũng do dự, anh nhìn Hà Điền.
Hà Điền cau mày nói: "Có thì có.

Nhưng mà...!tôi có cảm giác con gấu này đã đi theo chúng ta.

Nó đã phát hiện ra chỗ cắm trại từ trước, hoặc là đêm qua mới phát hiện ra, nhưng chắc là vì sợ lửa nên đợi đến sáng mới đến.

Rồi nó theo mùi của chúng ta, đến nơi chúng ta đang bắt cá."
Câu nói của cô khiến Phổ em dựng tóc gáy.
Trong ba người, chỉ có Hà Điền là có kinh nghiệm chiến đấu với gấu, Phổ em suy nghĩ lại, cảm thấy nên nghe theo lời cô.
Nhưng anh ta lại nghĩ, đừng nói là Hà Điền bị con gấu làm cho sợ xanh mặt rồi chứ?
Tất cả bọn họ đều mang theo súng, hơn nữa cũng đâu phải là súng thường, chúng là hàng cao cấp có kính nhắm.
Phổ em lại suy nghĩ lại: "Kể cả bây giờ mình bỏ đi, còn cá bắt được thì sao?" Cá sẽ chết ngay sau khi rời khỏi mặt nước, nếu không mổ cá để loại bỏ nội tạng và mang ngay, thịt sẽ nhanh chóng có mùi.
Lúc này Dịch Huyền không còn do dự nữa: "Cho vào túi một ít nước, sau đó mang ra khỏi rừng."
Anh nói xong liền bắt đầu thu dọn lều trên mặt đất.
Phổ em thở dài, trong lòng đột nhiên có dũng khí: "Hai người thu dọn trước đi, tôi lại chạy tới bờ sông xem thử, nếu không đi tôi thấy thật không cam lòng." Anh ta cầm súng chạy đi.
Hà Điền tức đến mức muốn đánh anh ta, vội đuổi theo: "Anh trở về đây!"
Dịch Huyền giữ cô lại, hét lên sau lưng Phổ em: "Chúng tôi dọn lều xong thì sẽ đi ngay.

Đến lúc đó nếu anh mà còn không quay lại thì ở lại một mình đó."
Phổ em chạy chậm lại rồi lại chạy nhanh hơn: "Tôi chỉ xem qua rồi quay lại ngay! Nếu không, tôi không có cách nào nói với anh mình."
Hà Điền mắng: "Con heo ngu ngốc."
Mắng thì mắng nhưng sau khi thu dọn lều xong, Hà Điền và Dịch Huyền vẫn ngóng trông về phía rừng, mong rằng Phổ em sẽ sớm trở lại.
Họ đổ đầy nước vào tất cả các xô sắt vốn được dùng để ướp các miếng cá và đặt chúng vào các sọt trên lưng Gạo, sau đó treo một vài túi cá lên trên.

Con cá trong túi trên không chạm vào nước, nhảy loạn giãy giụa, rơi xuống đất mấy lần.
Hà Điền bực mình, muốn dùng gậy gỗ đánh chết hết cá trong túi cho rồi, lúc này thì Phổ em chạy về, mặt mày xanh mét, giang hai tay ra ước lượng: "Cỡ này, lớn cỡ này này! Một con gấu nâu! Đi mau! Đi mau!"
Xác định mối đe dọa tồn tại, bọn họ cấp tốc xuyên qua cánh rừng.
Họ cứ đi thẳng, cho đến khi đến một con suối tương đối vắng mới không thể không dừng lại nghỉ ngơi.
Phổ em còn chưa tỉnh hồn, thở hổn hển: "Tôi còn không dám lại gần.

Con gấu đó to thật đấy! Nó to lắm!" Anh ta chạy đi không lâu thì thấy hối hận rồi, nhưng giờ mà chạy về thì nhục lắm.

Anh ta đang tiến thoái lưỡng nan thì nhìn thấy một con gấu to đang đứng dưới suối, từ đầu đến chân cao khoảng 3m, nó lật ngang lưới chắn và đang nhai cá hồi ở đó.
Đại khái là do con gấu đang tập trung ăn nên không có phát hiện ra Phổ em, anh ta may mắn chạy như bay trở về, bình an vô sự.
Ba người bọn họ từ sáng sớm thức dậy đã đi bắt cá, vừa chạy vừa căng thẳng sợ hãi, chưa nói đến cơm trưa còn không ngừng ăn lương khô, lúc này mới thật sự là kiệt sức, quyết định nghỉ ngơi lâu hơn bên suối, ăn uống rồi làm cá.
Hà Điền cạo sạch vảy mịn của một đầu cá hồi, cho vào nồi, thêm hai cây nấm hương với một chút muối, nấu một nồi canh đầu cá, mỗi người một chén, ăn với mì.
Sau khi làm cá, trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều.

Hà Điền không màng đến việc tạo ra thứ nước bí mật cho món cá ướp nữa, rắc từng lớp một với muối thô rồi gói kỹ lại, nhân lúc trời còn chưa tối sẽ đi ngay
Phổ em vốn tưởng đêm nay sẽ ở lại đây, nhưng Hà Điền nói với anh ta rằng họ vẫn còn chưa ra khỏi địa bàn của gấu và sẽ gặp lại gấu bất cứ lúc nào.

Tốt nhất là đến được con sông kia rồi qua sông mới được coi là an toàn.
Ba người một chó một tuần lộc tiếp tục chạy, cuối cùng lao ra sông, vượt sông trước khi trời tối.
Phổ em ngồi trên mặt đất, đấm bóp hai cái chân đau nhức của mình, trong lòng thở dài, cá hồi tuy là ngon thật, nhưng mà mạo hiểm và vất vả quá!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui