Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm


Sau nhiều lần cải tiến, cuối cùng thì Hà Điền và Dịch Huyền cũng đã làm xong tất cả các viên gạch băng và phủ chúng lên khung gỗ của vườn ươm.
Giờ đây, vườn ươm chính thức được nâng cấp thành nhà kính.
Dịch Huyền rất tự hào, nhìn lên mái ngói băng mờ đục kia: "Em nhìn xem, có giống như một Thủy Tinh Cung không?"
Nói là Thủy Tinh Cung thì hơi bị lố, nhưng ngoại trừ cánh cửa làm bằng tre và rơm ra thì mái nhà và bốn bức tường của căn nhà nhỏ này đều là gạch băng trong suốt, thật sự rất đẹp.
Thời điểm nhà kính được phủ kín hoàn toàn thì tuyết cũng ngừng rơi.

Ánh mặt trời đã lâu không xuất hiện xuyên qua tầng mây, xuyên qua mái nhà gạch băng, chiếu xuống những thực vật bên trong nhà kính.
Mặt trời xuất hiện, nhưng nhiệt độ ngoài trời vẫn không có tăng lên.
Băng trong nước sông càng ngày càng nhiều, nhìn xuống, trong lòng sông đầy băng vụn, theo nước sông chảy mà chậm trôi, ánh nắng mặt trời chiếu vào cạnh băng, lóe lên ánh sáng vàng, mặt sông trắng xóa tựa như tiên cảnh.
Đây là thời điểm khó lấy nước nhất trong năm.
Trên bờ sông cũng kết băng, nhưng băng không đủ dày để mọi người có thể đi lại trên đó.
Hàng năm đều có người lúc đang lấy nước thì giẫm phải băng nứt trên sông và bị rơi xuống lớp băng, nước chảy trong lớp băng sẽ cuốn trôi người đó, cản trở người đó bơi trở lại lỗ băng nơi bị rơi, có khi, nạn nhân biến mất không tăm tích, không để lại dấu vết gì, có khi, người nhà của người đó sẽ nhìn thấy người đó bên dưới lớp băng ở hạ lưu, nhưng lại không thể xuyên qua các lớp băng để lấy thi thể ra.
Cũng như Dịch Huyền đã lo lắng trước đó, bởi vì cây tre dùng để lấy nước nổi trên mặt sông, nước bên trong ống tre cuối cùng cũng bị đóng băng.

Lớp băng phồng lên làm các ống tre nứt ra thành những vết nứt nhỏ, và tất nhiên là chúng không thể chuyển nước được nữa.
Hà Điền đã có chuẩn bị từ trước.

Cô và Dịch Huyền lại mang thuyền ra khỏi kho, lấy thêm hai bộ gậy gỗ đi trong tuyết, đến bờ sông.
Đưa thuyền lên băng, hai người ngồi vào, chống gậy gỗ, trượt trên mặt băng.
Khi thuyền trượt đến mép nước, lúc này mới chính là lúc đối mặt với nguy hiểm.
Lớp băng trôi trên sông khá dày, nếu thuyền va vào mép băng, băng to sẽ đập vào thân thuyền, một khi thuyền chìm xuống nước thì tính mạng của những người trên thuyền sẽ rất đáng lo ngại.
Vì vậy, họ phải cẩn thận.

Một người dùng gậy gỗ để đẩy băng có thể gây nguy hiểm cho thuyền ra xa, một người khác thì nhanh chóng nhúng xô xuống nước, nhấc lên, sau đó nhanh chóng quay trở lại vào bờ, rồi lại dùng gậy trượt chống đỡ leo lên bờ.
Nước thu được bằng phương pháp này mang về được đến bờ thì một xô nước đầy có thể sẽ bị tràn mất hết một nửa.

Hà Điền đã sớm có kinh nghiệm nên đã dùng một cái nắp làm bằng tre đậy xô lại.

Trước khi đi lấy nước thì vùi nắp tre vào trong tuyết để tuyết xen kẽ vào các khe hở của dải tre, khi lấy nước lên thì phải đậy nắp lại ngay.

Khi lắc lư theo thân thuyền, tuyết trong kẻ hở trong nắp tre dính nước sẽ ngay lập tức kết thành một lớp băng hơi mỏng và bịt kín xô nước lại.
Tất nhiên là nước lấy theo cách này phải được sử dụng một cách trân quý.
Mùa đông thật sự đến rồi, ngày nào cũng có tuyết rơi, ngay cả khi có nắng, bông tuyết cũng sẽ thỉnh thoảng rơi xuống mà không hề báo trước.

Mỗi sáng thức dậy, công việc đầu tiên của họ là quét sạch tuyết trên mái nhà và đường đi.
Hà Điền nhìn thời tiết, nghĩ rằng đã đến lúc đi bắt chồn.
Không thể đi đến nhà nghỉ săn bắn ở bên kia sông ngay bây giờ được, vì sông chưa đóng băng hết, nhưng có thể thử ở căn gần nhà.
Sau khi trời đổ tuyết, đường núi đi lại khó khăn, dù có đi săn gần nhà thì cũng phải đến chiều hôm sau mới có thể về được.
Nếu đi săn bên kia sông thì phải cần thời gian lâu hơn, mấy con vịt đang trong thời kỳ đẻ trứng ở nhà không thể để bị đói được.
Sau hai lần xuất hành lúc mùa thu, họ đã cải tiến máy cho ăn tự động.

Đồng hồ nhỏ nước nguyên bản rõ ràng là không thích hợp để sử dụng vào mùa đông.

Vì vậy, sau một vài lần thử nghiệm, cả hai đã chế tạo ra máy cho ăn dùng dây cót.
Nguyên lý hoạt động của máy cho ăn dây cót đơn giản hơn nhiều, khi dây cót xoay đủ số vòng, nó sẽ đẩy một quả bóng nhỏ, quả bóng này rơi xuống đẩy một đoạn tre, một phần cỏ trên tấm gỗ nghiêng dưới tác động của đòn bẩy sẽ trượt xuống máng.
Tương tự, họ cũng đã làm một máy che phủ phân chuồng tự động có nắp đậy, cho phép một lượng tro thực vật nhất định rơi xuống máng phân dưới chuồng vịt và thỏ.

Tuy không thể phủ đều phân nhưng ít nhất nước tiểu cũng thấm bớt để mùi hôi không quá khó chịu.
Dịch Huyền đang có kế hoạch đi đến núi lửa để lấy tro.

Đây là một chuyến đi đường dài, đi tới đi lui nhanh nhất cũng phải mất từ sáu đến bảy ngày.

Vì vậy, việc thử nghiệm các loại máy cho ăn tự động này là cần thiết.
Máy đã được lắp đặt đâu vào đấy, sau khi cất kỹ cỏ khô, họ nhét đầy củi vào hai cái bếp lò, dùng gạch tuyết chất đống ở cửa, rồi lên đường.
Trên đường đi, Dịch Huyền và Hà Điền luân phiên nhau dẫn đường, Gạo và Lúa Mì đi ở giữa, một người mở đường phía trước và một người ở cuối hàng, lấy cành và lá khô từ trong giỏ treo trên lưng Gạo ra rải xuống đất.
Bằng cách này, hành trình trở về sẽ dễ dàng hơn một chút.

Hơn nữa, nếu ai đó bị lạc trong rừng, men theo con đường này sẽ có thể tìm được một nơi an toàn.
Sau khi bôn ba trong rừng tuyết gần ba tiếng, cuối cùng họ cũng đến được nhà nghỉ săn bắn.
Tuyết trên nóc nhà đã cao quá ba mươi centimet, ngay khi Hà Điền và Dịch Huyền đến, họ đốt lửa bắc nồi lên trước, sau đó lấy tuyết nấu cho nó tan từ từ, rồi lấy dụng cụ đi cào và xúc tuyết.
Lúa Mì không thể giúp được gì, nên chỉ đành đi tới đi lui với Gạo.
Sau khi dọn dẹp xong, Dịch Huyền nấu bữa trưa, còn Hà Điền thì đi đặt mồi vào bẫy.
Hà Điền kiểm tra vài cái bẫy mà cô đã đặt, đặt mồi rồi quay trở lại nhà nghỉ, vừa đẩy cửa vào thì thấy Dịch Huyền đang vội vàng nhét một thứ gì đó vào lồng ngực của mình.
Cô có hơi ngạc nhiên, thuận miệng hỏi: "Anh giấu dao kỹ vậy à?"
Dịch Huyền cười khẽ: "Phải kỹ chứ!"
"Thiệt là, anh keo kiệt vừa thôi.

Nhìn một cái thì mất một miếng thịt chắc?"
"Không có.

Hahaha, nhưng anh sẽ không cho em xem đâu."
Dịch Huyền luôn theo đuổi chế độ dinh dưỡng cân bằng và có thói quen dồn hết mọi thứ vào nấu chung.

Vì vậy, bữa trưa hôm nay là cơm hấp với đậu Hà Lan và thịt xông khói, thêm món ăn kèm là cải thảo muối.
Hà Điền có mang theo hai quả hồng lớn, cô lấy nó ra, đem chôn vào trong tuyết ở ngoài hiên cửa sổ.
Lúa Mì tò mò chạy đến ngửi ngửi, Hà Điền cười: "Cái này cưng không ăn được đâu." Cô lại úp một cái rổ lên đó.
Ăn cơm trưa xong, Hà Điền lấy quả hồng bị tuyết vùi ngoài cửa lên, quả hồng đã đông cứng lại, bày ra dĩa đặt lên bàn, khoảng nửa tiếng sau, cô và Dịch Huyền mỗi người cầm một cái muỗng sắt nhỏ, cạy bỏ vỏ quả hồng rồi thưởng thức món hồng đông lạnh.

Vỏ quả hồng lúc này có thêm nhiều vết nứt, trên đó đọng lại một lớp bọt nước, Hà Điền dùng muỗng nhỏ tách vỏ ra, phần thịt bên trong giống như dung nham đỏ cam mềm mại, từ từ chảy ra.

Dịch Huyền ăn một miếng, cảm nhận được độ xốp và ngọt.
Hà Điền cười nói: "Nếu cho một ít mứt việt quất vào thì càng ngon hơn nữa."
Đây là lần đầu tiên Dịch Huyền ăn quả hồng đông lạnh, sau khi cẩn thận thưởng thức, anh nói: "Hơi giống kem."
Buổi chiều không có gì để làm cả, Hà Điền và Dịch Huyền đem bàn đặt ở trước bếp lửa, bắt đầu công việc thủ công.
Dịch Huyền đang học làm giỏ tre.

Mấy hôm trước, sau khi thành công làm được một cái giỏ trông cũng ổn lắm, anh bắt đầu say mê với thứ này, nói với Hà Điền: "Chờ mùa hè năm sau anh sẽ làm cho em một cái lồng châu chấu rồi bắt một con châu chấu bỏ vào."
Những chiếc lồng châu chấu mà anh từng thấy trước đây được đan từ rơm lúa mạch hoặc làm bằng gỗ long não chẻ thành sợi nhỏ, tương tự như lồng chim, nhưng nhỏ và tỉ mỉ hơn.
Lúc nhỏ Hà Điền cũng nuôi châu chấu, ve sầu, dế, nhưng cô nhốt chúng bằng lồng làm từ cỏ hoặc tre.

Thức ăn của mấy con bọ nhỏ này cũng chỉ là lá rau.
Nhưng nói về việc nuôi châu chấu thì Dịch Huyền có thể nói không ngừng nghỉ.
"Thứ khoái khẩu mà châu chấu thích ăn là bông bí đỏ, nhưng muốn nó kêu to thì phải tìm ớt cho nó ăn.

Càng cay càng tốt."
"Phung phí..."
"Sao lại phung phí? Em nuôi tằm còn anh nuôi châu chấu, chẳng phải giống nhau sao? Em còn cho tằm vào trong hộp rồi chia ô ra để chúng ở nữa kìa."
Hai người nói chuyện phiếm, nhưng Hà Điền cũng không nhàn rỗi.

Cô vừa làm rèm vừa dạy Dịch Huyền cách đan giỏ tre.

Bởi vì năm nay bắt được rất nhiều vịt hoang nên thu được không ít lông vịt, ở phiên chợ mùa xuân Dịch Huyền cũng mua rất nhiều vải bông, Hà Điền đã làm một số chăn lông mới và đặt chúng vào nhà nghỉ săn bắn.
Mấy tấm chăn đệm bằng vải bông mà cô cất đi trước đây đã nhàu nát và hơi cứng, sau khi suy nghĩ, Hà Điền quyết định làm thành rèm cửa.

Sau khi vỏ chăn sờn cũ được tháo rời và giặt sạch, cắt bỏ phần vải sờn mỏng, ghép các mảnh vải cũ khác lại với nhau để tạo hình, sau khi ghép xong thì khâu chặt rồi treo ở ngoài cửa.

Có thêm một lớp rèm bông, khi đi ra đi vào nhiệt độ trong phòng không bị thoát ra ngoài quá nhiều.
Ngoài rèm cửa, Hà Điền còn làm thêm một miếng đệm bông để bọc vào ống khói trong chuồng vịt và thỏ, giữ ấm.
Sáng sớm hôm sau, Hà Điền và Dịch Huyền đến bẫy để xem xét, qua một đêm, có hai con chồn chết trong bẫy vòm thông, thân thể đã cứng đờ.
Hà Điền nhấc khung gỗ thông lên, lấy chồn ra rồi đặt lại mồi.
Kẹp vòng sắt trong hốc cây cũng có thu hoạch, bắt được một con thỏ rừng lông đen trắng, cơ thể vẫn còn ấm.
Lấy con mồi, cất thức ăn mang theo, dập lửa rồi chất một ít củi đã chẻ đặt bên cạnh bếp, Hà Điền cũng đem rèm cửa bông vải vào nhà, đóng cửa, sau đó cả nhà cùng nhau quay trở về.
Cũng may bọn họ bắt đầu rời đi trước buổi trưa.
Không bao lâu sau khi bọn họ khởi hành, bầu trời xanh thăm thẳm với nhiều mây bay lơ lửng ban đầu nhanh chóng chuyển sang âm u, ngay sau đó lại có tuyết rơi.
Tuyết rơi càng lúc càng nhiều, rừng thông cũng càng tối đi.

Cũng may, trên đường đi đều có cành khô, lá mục, nếu không đi đường sẽ rất khó phân biệt.
Dịch Huyền thấy tuyết càng lúc càng nhiều, lại nghe thấy tiếng thở hổn hển của Hà Điền đi phía sau, không khỏi dừng lại: "Hay là mình quay trở lại nhà nghỉ đi em?"
Hà Điền kiên định lắc đầu: "Mau về nhà thôi.

Ai biết được đợt tuyết này sẽ kéo dài bao lâu? Không thể để mặc mấy con vịt trong nhà được."
Bước ngắn bước dài đi được một lúc, gió tuyết càng trở nên mạnh hơn.
Trên lông mi và cổ của Gạo phủ một lớp tuyết, nó liên tục chớp mắt, theo sát sau lưng Dịch Huyền.
Hà Điền không để Lúa Mì đi nữa, cô ôm nó bỏ vào trong giỏ trên lưng Gạo, nó thò đầu ra khỏi lớp lông phủ trên giỏ nhìn ra, chỉ chốc lát sau lại chui vào.
Những bông tuyết to cỡ bàn tay, xoắn vào nhau, rơi nhanh và tới tắp.
Khi đến một khúc rừng, gió và tuyết quá lớn, không thể phân biệt được phương hướng nữa.
Hà Điền quyết định tạm thời dừng chân để tránh gió tuyết.
Cô tìm một nơi cản gió, cùng Dịch Huyền chặt một nhánh cây dài, đặt nhánh cây vào giữa hai cành cây rồi cột tấm vải dầu đã mang theo vào đó.
Tấm vải dầu này vốn là áo choàng mà họ đã mặc khi đi săn chim lúc mùa xuân, hai chiếc áo choàng được cột vào nhau, rộng ba mét bốn mét, một bên cột vào cành cây, một bên đè xuống đất tạo thành một khe hở nhỏ hình tam giác, là một chiếc lều vải hở cả hai mặt, nhưng với một nơi trú ẩn an toàn tạm thời thì như vậy cũng đủ rồi.

Lúc Hà Điền cột tấm vải dầu, Dịch Huyền chặt mấy cành thông trải trên mặt đất, trên cành thông lót mảnh da lông, mọi người ngồi ở trên đó, Dịch Huyền ôm Hà Điền, Hà Điền ôm Lúa Mì, Gạo thì cuộn tròn nằm phía sau Dịch Huyền.
Cuộn mình trong nơi trú ẩn tạm bợ nhỏ này trong nửa tiếng, gió và tuyết cũng dần dần giảm bớt.
Họ vội vàng thu dọn đồ đạc tiếp tục xuống núi.
Đi bộ trong tuyết gần hai tiếng đồng hồ, cuối cùng họ cũng nhìn thấy khói trắng từ ống khói nhà mình, Dịch Huyền và Hà Điền nhìn nhau, trong mắt đều là sự khích lệ và vui mừng.

Lúc này không chỉ có mặt của Gạo là phủ đầy tuyết, mà trên lông mày và lông mi của Hà Điền và Dịch Huyền cũng bị dính một ít, vành nón và khăn che mặt thì càng khỏi phải nói.
Về đến nhà, Dịch Huyền dắt Gạo trở về chuồng, cho nó ăn cỏ khô và đậu nành, Hà Điền thì dỡ gạch tuyết chất thành đống trước nhà, mở cửa bếp lò rồi nhanh chóng nhét hai khúc củi vào bếp để đốt lửa lên.

Cô lại mở vại nước ra xem, nước trong vại không bị đóng băng.

Vậy là đã có thể yên tâm rồi.
Hà Điền nấu một nồi nước, chất đầy một giỏ củi rồi đi đến chuồng vịt và thỏ.
Dịch Huyền đã ở bên trong, đang dọn tro bếp.
Anh quét tro vào thùng đựng tro rồi đổ vào máng phân dưới chuồng thỏ: "Ở đây có vẻ ấm hơn trước lúc chúng ta đi."
"Hơn nữa cũng không nặng mùi như chúng ta đã nghĩ." Hà Điền cũng thấy vậy.
Nếu nghĩ kỹ lại thì cả hai sẽ hiểu.
Hai ngày một đêm, tro, phân, nước tiểu của một chục con vịt và sáu con thỏ đã được nhiệt độ của chuồng ấm ủ lên men, tỏa ra nhiệt lượng.
Nhưng mà, có nên tiếp tục giữ lại phân và nước tiểu để ủ giữ nhiệt nữa hay không?
Ấm thì có ấm thật, nhưng mà mùi thì cũng rất là khó ngửi.
Sau khi dọn chuồng xong, tuyết lại rơi nhiều hơn.
Hà Điền và Dịch Huyền nắm tay nhau đi về nhà.
"Thật may là chúng ta về sớm."
"Đúng vậy.

Nếu không thì cũng không biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra nữa."
"Năm ngoái mà gặp phải trận tuyết lớn như thế này, chắc em không cứu anh sống nổi đâu."
"Ừ......"
Về đến nhà, Hà Điền lật sổ ghi chép ra xem, mới nhận ra rằng, mới đây mà Dịch Huyền đã ở nơi này được một năm rồi..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui