Đầu năm mới, vừa qua rằm tháng giêng, ai nấy đều tưởng rằng cái lạnh lẽo của mùa đông đã đi qua, nắng ấm áp sẽ dần trở lại, thế mà một cơn mưa xuân bất chợt lại khiến cho ngày hôm nay lạnh thêm vài phần.
Bên trong căn nhà tranh cũ kỹ ở vùng nông thôn, cửa sổ dán giấy không lọt chút ánh sáng nào, bức tường đen kịt vẫn còn rơi rớt bụi bặm.
Chiếc đèn dầu hỏa được đặt tạm bợ trên chiếc bàn thấp bằng đất hắt lên thứ ánh sáng yếu ớt soi tỏ mọi vật trong nhà.
Ngồi trên chiếc giường đất được đắp bằng rơm rạ, Khương Vãn nhìn chằm chằm vào ánh đèn dầu hỏa, ánh mắt đã trở nên mờ mịt.
Mấy hôm trước vừa đổ một trận mưa tuyết, tuyết còn chưa tan hết, hơi lạnh mang theo hơi ẩm như con rắn luồn vào trong lớp áo.
Ngôi nhà lạnh lẽo gió lùa tứ phía, dưới sự tàn phá của gió rét không có chút tác dụng che chắn nào.
Khương Vãn cứ thế ngồi đờ đẫn, đôi tay lạnh cóng đến mức mất đi cảm giác, đôi bàn chân cũng sắp biến thành đá.
Bỗng nhiên, một cơn gió lạnh thổi thẳng vào mặt.
Cái bóng dưới đất lay động, có người đẩy cửa bước vào từ bên ngoài.
Người tới là một đứa bé chừng năm sáu tuổi, tóc tai rối bời, gầy gò ốm yếu, toàn thân uể oải, chỉ có đôi mắt đen láy là sáng ngời khác thường.
Nó nhích lại gần Khương Vãn, do dự một lúc, kéo kéo tay áo nàng, há miệng, chỉ chỉ vào miệng mình, lại chỉ vào bụng.
Ý nói là nó đói.
Con ngươi Khương Vãn như bị điều khiển chậm rãi nhìn xuống người nó.
Đứa bé run vai như bị điện giật, trong mắt lóe lên tia sợ hãi.
Sau đó, nó nuốt nước bọt, rón rén nhìn Khương Vãn, gắng sức “A a” hai tiếng, có vẻ như không nói được.
Khương Vãn như bị dội một gáo nước lạnh, lúc này mới hoàn hồn.
Nàng đảo mắt nhìn, nhìn thấy trên người đứa bé là bộ quần áo bằng vải thô xám xịt, trong mấy miếng vá ló ra vài cánh hoa lau, bộ quần áo có vẻ hơi chật, không che hết được cổ tay gầy gò chỉ to bằng cây mía.
Bàn tay nhỏ đang nắm lấy tay áo nàng đỏ ửng và sưng tấy vì nứt nẻ, dưới móng tay còn có thể nhìn thấy rõ ràng vết bùn đất.
Trên khuôn mặt nhỏ nhắn lấm lem đầy vẻ phức tạp kia, chỉ có đôi môi không ngừng mấp máy, nhưng lại không thể nói ra một câu hoàn chỉnh.
Kìm nén cơn sóng trong lòng, Khương Vãn thở nhẹ một hơi, ngay sau đó nghe thấy tiếng người gọi bên ngoài: "Vãn Nương, Vãn Nương, con có nhà không? Nương vào đây."
Vừa dứt lời, một phụ nhân thấp gầy đã bước thẳng vào nhà.
So với đứa bé kia, phụ nhân mặc ấm áp hơn, chiếc áo ngắn cài khuy bên phải được giặt trắng tinh, khuôn mặt tròn trịa vừa nhìn thấy Khương Vãn đã nở nụ cười, bà ta vẫy tay về phía đứa bé, "Ra ngoài chơi đi, ta có chuyện muốn nói với chị dâu con." Sau đó quen thuộc ngồi xuống bên cạnh Khương Vãn, chờ người rời đi nhường không gian cho hai mẫu tử nói chuyện.
Đứa bé nhìn Khương Vãn, không muốn ra ngoài lắm, nhưng lại e ngại uy nghiêm của người lớn, buồn bã cúi đầu đi ra ngoài.
Khương Vãn vừa mới hoàn hồn, người phụ nhân đã gần sát tai nàng, vẻ vui mừng không giấu nổi trên lông mày, nhỏ giọng nói: "Vãn Nương, chuyện của con và tiểu nhị nhà họ Vương nương đã nói với nó rồi, chờ nó chuẩn bị xong xuôi, con cùng nó đến phủ Tây An nương nhờ em trai của nó, không cần ở lại nhà họ Tạ chịu khổ nữa!"
Vừa mới định thần, Khương Vãn lại bị lời nói của người phụ nhân khiến cho hoang mang tốt độ.
Nàng cố gắng bình tĩnh lại, lý giải tình huống hiện tại.
Cách đây không lâu, chuỗi nhà hàng của gia đình khai trương, nàng vào phòng nghỉ ngơi một lát, mở mắt ra, không ngờ lại xuyên không đến một vùng nông thôn thời cổ đại.
Chủ nhân của cơ thể này cũng tên là Khương Vãn, là con gái lớn trong một gia đình thợ thủ công ở biên giới phía Bắc triều Đại Sở.
Khương phụ dưới gối có ba cô con gái, đứa nào cũng xinh đẹp, đặc biệt là cô con gái lớn Khương Vãn, là mỹ nhân nổi tiếng xung quanh mười dặm tám thôn.
Nhưng nhà không có con trai, ba cô con gái không có anh trai làm chỗ dựa, trong thôn luôn bị người ta ức hiếp.
Là chị cả, Khương Vãn từ nhỏ đã che chở cho các em, chỉ có thể tự mình mạnh mẽ, so với dung mạo của nàng, trong miệng người dân trong thôn lại lưu truyền nhiều hơn về tính cách đanh đá của nàng.
Bởi vì Khương Vãn nổi tiếng đanh đá, đến tuổi cập kê, không ai đến nhà dạm hỏi.
Lúc Khương phụ và Khương mẫu đang lo lắng vì chuyện này, trong thôn xuất hiện một người đến từ nơi khác.
Người này tên là Tạ Dực, là con trai trưởng của Trấn quốc công Tạ gia ở kinh thành.
Vì phạm tội ở kinh thành nên bị đày đến biên giới này.
Mọi người đều sợ dính líu đến người này, chưa nói đến chuyện kết giao, chỉ hận không thể tránh xa, sợ rằng sau này hắn gây ra chuyện gì lại liên lụy đến bản thân.
Khương phụ lại làm ngược lại, ông cho rằng nếu Tạ Dực thực sự phạm tội lớn, gia đình hắn còn đích thân đưa đến đây sao? Hơn nữa, vị công tử Tạ gia này là con trai trưởng, chắc là đến đây tránh gió đầu sóng, đợi qua khoảng thời gian này, nhà họ Tạ nhất định sẽ đón con trai trở về, nào có đạo lý nào mà không cần con trai chứ?
Vì vậy, Khương phụ bàn bạc với vợ, định gả con gái lớn cho Tạ Dực.