Cuộc Sống Ở Bắc Tống

Đến giờ cơm chiều Phương thị và đoàn người mới trở về, ai ai cũng lộ
vẻ mỏi mệt, nhìn như mất hết sức. Thì ra Phương thị nghe nói đầu thôn
Đông có hộ gia đình đầy đủ gia vị, liền dẫn theo Trương Bát nương đi,
tính dạy cô phân biệt, bất đắc dĩ Trương Bát nương thiên phú nấu ăn
không có, ép buộc nửa ngày không thể nhận biết toàn bộ, bà ta đành xin
mỗi thứ một ít về, dự định ngày ngày gia tăng giảng dạy, thề muốn cho
Vương thị lần sau đến vạch lá tìm không ra sâu.

Trương Bát nương nhìn một bàn gia vị thở ngắn thở dài. “Nhìn thì phân biệt không ra, lại chẳng chịu để mình ngửi, đúng là không phải việc cho người làm mà”.

Lâm Y tháo vải bó chân, an ủi cô vài câu, lại bảo thím Dương múc nước đến rửa mặt rửa chân, hai người đi nghỉ.

Sáng sớm ngày thứ hai, Lâm Y rửa mặt chải
đầu xong đi ăn điểm tâm sáng, từ nhà chính đến bàn ăn, đoạn đường ngắn
ngủn, nàng ước chừng té ngã ba lần, té đến nỗi Trương Bát nương nước mắt rưng rưng. Trương Trọng Vi đứng dậy định đỡ, bị Phương thị trợn mắt
ngăn lại, Trương lão thái gia phát hiện có gì đó không thích hợp, hỏi ra mới biết thì ra Phương thị bắt Lâm Y bó chân, ông lão ném đũa, giận dữ
hỏi nguyên do. Phương thị vội vội vàng vàng giải thích “Con là muốn tốt cho cháu” vân vân, nhưng Trương lão thái gia sao chịu tin, ném vỡ cả chén bát
trước mặt, giận điên lên, chỉ kém không kéo Phương thị đến quỳ trước bài vị Trương lão phu nhân.

Phương thị bị giáo huấn, vội vã thúc giục thím Dương tháo vải bó chân cho Lâm Y. Thím Dương đỡ Lâm Y về phòng, bội phục nói. “Cũng là cháu có cách”.

Lâm Y không mừng nổi, đừng nhìn nàng hôm qua tự tin tràn đầy trước
mặt Trương Trọng Vi, thật ra nàng có biện pháp gì tốt đâu, chỉ còn mỗi
hạ sách này, ai ngờ Phương thị bị mắng ác như vậy, chẳng biết có giận
chó đánh mèo nàng không nữa. Kệ đi, dù là giận chó đánh mèo nàng cũng
không hối hận, bị đánh chửi đỡ hơn bị bó chân vạn lần, ngón chân bị bó
gập kiểu đó lâu ngày, đôi chân nàng sợ rằng sẽ tàn phế mất.

Ngay lúc Lâm Y lo lắng đề phòng Phương thị trả thù, Vương thị trước
hết quấn lấy bà ta, luôn luôn sai người đến hỏi tiến độ học tập của
Trương Bát nương, làm hại Phương thị suốt ngày ở phòng bếp dạy dỗ, không lòng dạ nào trả thù.

Hôm đó, Vương thị dẫn theo một bà lại đến nữa, xưng là bà này giỏi
nhất nấu nướng, ép giữ bà ấy lại dạy Trương Bát nương mấy ngày. Rõ ràng
là coi thường người ta, chọc Phương thị điên lên, chu miệng thề độc
trong ba ngày nhất định dạy Trương Bát nương nấu ra một bàn tiệc mỹ vị,
mời Vương thị đến nhấm nháp. Thím Dương phụ trách phòng bếp cũng rất coi trọng việc này, bàn bạc với Phương thị nửa ngày, quyết định làm vài món đơn giản.

Trương Bát nương bị hai người ép buộc cả ngày, buổi chiều về phòng,
vẻ mặt tiều tụy, Lâm Y nắm tay cô, nhìn qua thực đơn, âm thầm lắc đầu,
mấy món này chủ yếu là món chưng hấp, không dễ điều chỉnh nhiệt độ. Nàng thân với Trương Bát nương nên hảo tâm nhắc nhở cô vài câu, nhưng Trương Bát nương nói, thím Dương sẽ phụ canh lửa vừa đúng, nàng chỉ cần giả bộ làm. Thì ra có biện pháp qua mặt, Lâm Y che miệng cười, yên lòng.

Ba ngày này, Trương Bát nương hết sức chăm chỉ học tập các loại gia
vị, người chịu áp lực thật cũng tiến bộ thần tốc, mặc dù chưa đạt đến
trình độ cao lương mỹ vị, nhưng tốt xấu gì mùi vị cũng xấp xỉ.

Đến lúc Vương thị lại đến nhà, người nhà họ Trương ai cũng tin tưởng
tràn đầy vào khả năng nấu nướng của Trương Bát nương, Phương thị còn cố ý mang bộ chén sứ tráng men in hoa của hồi môn ra đựng, cho món ăn con
gái làm càng thêm đẹp mắt chút. Vương thị cầm chén đĩa lên, nhìn nhìn,
nói với mọi người. “Bộ chén đĩa này là khi Nhị phu nhân các người lấy chồng, tôi đã tự tay chọn cho cô ấy”.

Mọi người nghe bà ta nói vậy, túm tụm đến xem, vành đĩa miệng chén vẽ hoa sen, viền điểm xuyết thêm một vòng hoa mai, trong lòng in chữ “Hỷ”
màu đỏ, quả thật đẹp vô cùng.

Đang lúc mọi người vây quanh xem chén đĩa và khen ngợi, cô hầu Vương
thị dẫn theo đã lặng lẽ xuống bếp, câu được câu không tán chuyện với
thím Dương. Có người đứng canh, thím Dương làm sao dám phụ Trương Bát
nương, gấp đến độ trán ứa mồ hôi, tay chân hoảng như kiến bò trên chảo
nóng.

Đáng thương cho Trương Bát nương, chỉ học được mỗi gia vị, chưa biết
canh lửa sao cho đúng, tay chân vụng về nửa ngày, đầu tiên là món chưng
khê, tiếp theo là món gà xào cay cháy đen một nửa. Đợi cho bàn đồ ăn
được bưng lên, sắc mặt Phương thị đổi màu giống hệt món gà xào cay đó –
đen thui.

Vương thị không thèm cầm đũa, cười nhạo Phương thị. “Đây là bàn tiệc mỹ vị cô nói đó hả? Quả thật mỹ vị lắm”.

Phương thị mất mặt, cúi gầm đầu ngại không lên tiếng, cô hầu đỡ Vương thị đứng dậy nói. “Thôi, đều là thân thích, cô đã dạy không được, cứ gả sớm qua đó cho tôi tự mình dạy”.

Phương thị cứ ngỡ Vương thị tức quá mới nói thế, không ngờ ngày hôm
sau bà mối quả thật tới cửa, đem lễ vật đến bàn bạc ngày thành thân. Y
theo quy định bất thành văn, thành thân sớm hay muộn toàn do lễ vật đưa
nhiều hay ít, Vương thị hẳn là hiểu nên trâm hoa bốn mùa, dải lụa bảy
màu, trà lài trái cây, bánh đoàn viên, rượu, gạo đủ màu, thậm chí hạt
giống rau,… gần như chất đầy sân.

Phương thị đoán không ra Vương thị nghĩ gì, không biết vì sao bà ta
chấp nhận đưa sang nhiều lễ vật để sớm cưới Trương Bát nương vào nhà,
nhưng sự tình đã đến nước này, Phương thị không thể nghĩ nhiều, đành
nhận lấy lễ vật, một bên sai người đi gửi thư báo cho Trương Lương cha
sấp nhỏ đang chu du phía Đông, một bên mở hòm lấy tiền chuẩn bị đồ cưới.

Nhà họ Trương trong thôn cũng là tiểu phú hộ, có mấy trăm mẫu ruộng,
nhưng xa không bằng nhà họ Phương cự phú, năm đó Phương thị gả đến nhà
họ Trương, đồ cưới chừng mười xe, cộng thêm trăm mẫu ruộng nước, mà đồ
cưới của Trương Bát nương chuẩn bị xong chỉ có tám xe. Phương thị muốn
bù hai xe đồ cưới, ngày đêm phát sầu, định lấy mấy rương trong của hồi
môn của chính bà ta ra bù vào, lại sợ Vương thị khôn khéo nhìn ra, bị
chê cười. Bà ta suy nghĩ mãi, quyết định bán của hồi môn thành tiền mặt, mua cho Trương Bát nương thêm chút đồ mới. Chồng bà ta là Trương Lương
đang trên đường trở về, Trương lão thái gia mặc kệ mọi việc, hai đứa con trai phải đi học, bà ta không biết bàn bạc với ai, đành phải kêu thím
Nhâm, thím Dương và Lâm Y giúp đỡ kiểm kê của hồi môn chuẩn bị bán.

Lâm Y đi vào phòng Phương thị, trên mặt đất đặt ba rương, hai lớn một nhỏ, thím Nhâm nắm chìa khóa mở ra rương thứ nhất, cả rương là quần áo
bốn mùa. Phương thị lấy một bộ váy thêu mười hai đóa mẫu đơn, nói. “Thêu thật tốt, đáng tiếc hơi cũ, không biết bán có được giá hay không”.

Thím Nhâm vốn là người hầu từ nhà mẹ đẻ Phương thị, thấy vậy không đành lòng, khuyên nhủ. “Nhị phu nhân chỉ có vài bộ quần áo và trang sức, cứ giữ lại đi, chúng ta bán thứ khác”.

Phương thị im lặng, ý bảo thím Nhâm tiếp tục mở rương kia. Rương thứ
hai được ngăn ra bằng vách gỗ, bên trong là chút dụng cụ bài trí, có đồ
sứ, cũng có đồ ngọc, Phương thị mừng rỡ nói. “Rương này còn giá trị chút tiền”.

Thím Nhâm mở tiếp rương nhỏ, bên trong phân ra ba tầng, là trang sức
Phương thị xưa nay ít khi sử dụng. Thím Dương trong lòng lo cho Lâm Y,
khuyên Phương thị. “Chưa đến bước đường cùng, nào có ai bán trang sức đâu, chỉ cần thùng vật dụng bài trí kia là đủ”.

Phương thị có ý muốn bán trang sức, ngại thím Dương phiền, đuổi bà ấy ra ngoài, chọn vài trang sức gói lại, bỏ qua rương chứa vật dụng bài
trí, sai thím Nhâm và Lâm Y ngày hôm sau kéo vào thành bán.

Lâm Y dạ, đứng dậy cáo lui, mới đi tới cửa liền nghe thím Nhâm nói với Phương thị. “Không bó chân vẫn có lợi hơn, dễ sai tới sai lui như nha hoàn”.

Nàng cố ý bước chậm lại, chờ đến khi nghe thấy tiếng Phương thị cười
mới bước nhanh về phòng, thầm nghĩ đưa cho thím Nhâm hai mươi đồng tiền
đúng là phát huy tác dụng, chỉ có bà ta mới dỗ được Phương thị vui vẻ,
Phương thị mà vui vẻ, Lâm Y nàng mới sống qua ngày được.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui