Cửu Thiên Tuế

Tiết Thứ được mời đến cung Càn Thanh.

Trong điện đốt Long Tiên Hương, mùi hương tỏa ra ngào ngạt. Long Phong nằm dựa trên giường la hán, hai cung nữ trẻ tuổi quỳ hai bên xoa bóp chân cho ông ta.

Thấy Tiết Thứ bước vào, Long Phong đế ngẩng đầu nhìn hắn:

- Lần này theo thái tử đi Thiên Tân Vệ tra án ngươi có thu được gì không?

Câu hỏi khá khéo léo, trong lòng hai người đều biết rõ Tiết Thứ là tai mắt mà hoàng đế phái đi theo để giám sát thái tử.

Tiết Thứ kể tóm gọn lại về chuyến đi Thiên Tân Vệ, lại lấy một bản sao sao kê tài sản tịch thu từ trong tay áo ra, trình lên:

- Đây là sao kê tài sản tịch thu, mời bệ hạ xem. Chuyện tịch biên là Thần tự đảm nhiệm, đã thẩm vấn tội nhân và người nhà, chắc chắn không còn của giấu riêng.

Long Phong đế lật sổ sách một lượt. Ông ta nhìn con số trên giấy, thỏa mãn gật đầu:

- Tốt.

Mục đích ông ta phái Tiết Thứ đi Thiên Tân Vệ, một là để đề phòng thái tử, hai là để thử hắn.

Một tên hoạn quan trẻ tuổi vừa có năng lực vừa có thủ đoạn lại không có căn cơ trong cung, đúng là người mà ông ta cần. Đám Cao Hiền, Cao Viễn ở cạnh Long Phong đế đã lâu, dã tâm lớn lắm. Ông ta chưa già đâu mà đã dám cấu kết với hoàng tử, tưởng ông ta không biết sao.

Bây giờ đề bạt Tiết Thứ lên, coi như là cho bọn chúng một cảnh cáo.

Long Phong đế ném sổ sang bên cạnh, híp mắt nhìn Tiết Thứ:

- Ngươi tới đúng lúc lắm, trẫm có một tâm sự không biết nên làm thế nào, bởi thế muốn tìm một người để hỏi.

- Thần nhất định biết gì nói ấy.

Tiết Thứ cúi đầu.

Long Phong đế nói lại vấn đề vừa thảo luận trong thư phòng cho hắn, đoạn hỏi:

- Ngươi đã từng đi Thiên Tân Vệ, vậy ngươi nghĩ thế nào về chính sách lấy bạc chuộc tội này?

Tiết Thứ trầm ngâm một lúc, đoạn đáp:

- Nếu có thể đưa bạc ra nộp phạt, trong nhà ắt có của dư.

Hắn không nói ai đúng ai sai, nhưng lời hắn nói lại đi vào lòng Long Phong đế.

Mức phạt gấp mấy lần không ít, nhưng đối với gia tộc phú thương quyền thế mấy đời ở phía nam mà nói, đây chỉ như muối bỏ bể thôi. Xưa nay nghe nói thế gia vọng tộc phía nam xa hoa thành tính, chỉ cần của cải của một con chuột lớn cũng gần như có thể đổ đầy quốc khố.

Trong lòng Long Phong đế đã có đáp án. Nhưng ông ta chưa để lộ ra, tiếp tục hỏi:

- Nếu thật sự đi tra xét, có thể loại bỏ được đám vô tích sự trong triều. Vả lại nếu làm lớn chuyện, có lẽ phải chém rất nhiều người...

Ông ta thở dài:

- Sợ rằng thế nhân sẽ nói trẫm tàn bạo.

- Theo những gì Thần thấy được trong chuyến đi, Ngự sử Phương là người cương trực thẳng thắn, vô cùng hiểu rõ diêm chính, ngay cả thái tử cũng thường nhờ cậy.

Tiết Thứ không tị hiềm, ngược lại đánh thẳng vào ý đồ dò xét của Long Phong đế:

- Chẳng qua ngài Phương chỉ là trí thức tay trói gà không chặt, bệ hạ có thể phái Cẩm y vệ Đông Xưởng đi theo ông để lấy uy. Như thế, đến phương nam ai còn dám làm loạn? Thần tử làm bậy thì dùng hình phạt nặng, bệ hạ tẩy sạch chỗ dơ bẩn, dọn dẹp diêm chính, sáng suốt lại anh minh. Đây chính là việc minh quân phải làm, sao có thể nói là tàn bạo? Nếu như có lời đồn đãi nào, e là do tiểu nhân âm hiểm làm hại.

Lời nói của hắn lại đi vào lòng Long Phong đế lần nữa.

Long Phong đế thỏa mãn, cuối cùng cũng bỏ đi lòng hoài nghi:

- Quan điểm của ngươi có vẻ khá giống thái tử. Sống chung với thái tử gần một tháng ở Thiên Tân Vệ, ngươi nghĩ nó là người thế nào?

- Thần không dám đánh giá thái tử điện hạ.

Tiết Thứ chắp tay rũ mắt, nương theo bóng tối giấu đi sự tàn độc trong mắt:

- Nhưng thần có một chuyện cần thưa với bệ hạ, liên quan đến thái tử điện hạ.

- Ấy? Nói ta nghe thử.

Long Phong đế ngồi thẳng dậy, trên mặt đầy hứng thú.

Tiết Thứ tường thuật lại chuyện nghênh chiến cướp biển ở Đại Cô Khẩu cho ông ta nghe.

- Trận đánh ở Đại Cô Khẩu hôm ấy, thái tử không báo lên bộ Binh mà gửi thư cho chỉ huy sứ Quảng Ninh Vệ là Tiêu Đồng Quang, gấp rút điều hơn ngàn người tiếp viện Thiên Tân Vệ. Sau khi tóm gọn bọn cướp biển rồi kiểm tra số của cải, thái tử cũng không cho Thần nhúng tay. Tổng cộng hai chiếc thuyền chiến Ngũ Bách Liệu, ba chiếc thuyền hàng và hàng hóa trên đó bị thái tư và chỉ huy sứ Tiêu chia nhau.

Dựa theo luật pháp Đại Yến, những thứ của cải trộm cướp phải kiểm kê ghi lại danh sách, đưa vào quốc khố.

Chẳng qua vệ sở thiệt hại lớn vì chống cướp biển, thường thu của cải bổ sung lại, điều này đã thành lệ thường. Trên dưới triều đình nhắm mắt cho qua lần này, dân không báo quan không tra.

Bây giờ Tiết Thứ lại báo cáo việc này lên, Long Phong đế chỉ cho rằng tuy hắn không hiểu nhưng vẫn báo lại việc nhỏ này cho ông ta, rõ ràng hắn và thái tử không hợp nhau mấy.

Có thể nói rằng hắn chưa bị thái tử lôi kéo.

Long Phong đế yên lòng, nói:

- Hành động này Thái tử tuy không hợp quy củ, nhưng có thể bỏ qua.

Thấy ông ta không thèm để tâm, Tiết Thứ cúi đầu, không nhiều lời nữa.

Long Phong đế vô cùng thích thái độ biết tiến biết lùi của hắn, hào phóng nói:

- Ngươi đi Thiên Tân Vệ một tháng, trẫm thấy quy củ Tây Xưởng lỏng lẻo, thuộc hạ lại lười biếng. Đề đốc Tây Xưởng Triệu Hữu Văn tuổi đã cao, có lòng lại không có sức. Ban sai của Tây Xưởng sau này còn phải nhờ ngươi.

Tây Xưởng đã bị bỏ quên từ lâu, lời này của Long Phong đế không khác nào muốn phục dùng Tây Xưởng.

Tiết Thứ không hề để lộ vẻ vui mừng ra mặt, hắn bình thản cảm tạ.

Đoạn hắn nói tiếp:

- Còn có một chuyện Thần muốn bẩm báo cho bệ hạ.

- Nói.

- Lúc Thần sai người kiểm kê số lượng tài sản được tổng cộng hơn hai ngàn vạn lượng bao gồm các loại trang sức vàng bạc. Nhưng khi ngự sử Phương đi xử lý thì phần thiếu hụt lại lên tới hai ngàn sáu trăm vạn lượng. Để tra rõ xem phần thiếu ấy ở đâu, thần đã thẩm vấn đám người Vạn Hữu Lương. Qua đó Thần biết được rằng, trong hai năm qua mỗi quý Vạn Hữu Lương đều lấy danh "mua than mua đá" tặng cho thị lang bộ Hộ Trần Hà, tổng cộng lại được hai trăm vạn lượng. Ngoài ra, còn một ít bị lão giữ lại, thần đều viết hết trong danh sách, mời bệ hạ xem.

Hắn lấy một tờ danh sách cùng với mấy lá thư từ trong tay áo ra, trình lên.

Tất cả thư đều do đạo sĩ già kia làm giả. Không thể không nói, tay nghề giả mạo này của ông ta vô cùng xuất sắc, không khác chút nào so với số hồ sơ có nét chữ và con dấu của Trần Hà.

Long Phong đế xem xong, ném mạnh thư lên bàn, cả giận:

- Ngươi đi bắt hết bọn chúng lại. Tra rõ cho trẫm! Một thị lang bộ Hộ mà dám nhận hối lộ hai trăm vạn lượng trong hai năm, quá to gan!

Nhận được lệnh của ông ta, Tiết Thứ cúi người, âm thầm cong môi:

- Tuân lệnh. Chỉ là Tây Xưởng không đủ người, Thần có thể điều tạm người ở Cẩm Y Vệ không?

Mấy chuyện nhỏ xíu này Long Phong đế không thèm để ý, ông ta phất tay:

- Tùy ngươi.

Tiết Thứ cúi đầu nhận lệnh rồi lui ra.

Lúc đi tới cửa điện, hắn chạm mặt Chưởng ấn thái giám Cao Hiền. Ông ta nhìn hắn, cười lạnh:

- Giám quan Tiết còn trẻ, tham nhiều sẽ không nuốt nổi, coi chừng mắc nghẹn đấy.

Tiết Thứ lạnh nhạt nhìn ông ta. Hắn không tiếp lời, nhanh chóng rời đi.

Thấy dáng vẻ kiêu ngạo của hắn, Cao Hiền giận tím mặt nhìn theo.

*

Cùng lúc đó trong cung Khôn Ninh, Ân Thừa Ngọc đang nói chuyện với Hoàng hậu Ngu thị.

Hoàng hậu vẫn chưa hết tháng cữ, đang ở trong phòng ấm nghỉ ngơi, còn bé Ân Thừa Nguyệt vừa ra đời thì được đặt trong giường nhỏ bên cạnh.

Ân Thừa Ngọc vừa nói chuyện với Hoàng hậu vừa chơi với Ân Thừa Nguyệt.

Đã được mấy hôm, em bé nhỏ xíu mới sinh đã lớn hơn một chút. Toàn thân mũm mĩm, làn da mềm mại, đôi mắt to tròn như hai viên ngọc đen. Ân Thừa Ngọc lấy ngón tay đùa bé, bé vươn tay ra muốn bắt lấy.

Cơn tức lúc trước của Ân Thừa Ngọc cuối cùng cũng tan hết, y cong miệng cười.

Đời trước, lúc Ân Thừa Nguyệt hồi cung đã sáu tuổi rồi.

Bé mới sinh đã được má Triệu ôm chạy ra khỏi cung, giấu tên giấu họ sống ở một vùng thôn quê hẻo lánh. Lúc ấy má Triệu vội vàng chạy đi, không kịp mang theo nhiều tiền bạc. Tất cả đều dựa vào việc chạy khắp nơi thêu đồ, giặt quần áo cho người ta mà nuôi bé lớn lên.

Ân Thừa Nguyệt ở thôn quê đến tận sáu tuổi, không biết được mấy chữ. Bởi vì cô nhi quả phụ ở đấy thường bị bắt nạt, tính cách bé trở nên quá khích.

Khi ấy sức khỏe y không tốt, vì để Ân Thừa Nguyệt sớm trở thành thái tử đủ tư cách, y đành phải nhẫn tâm phạt bé, sửa lại tính tình.

Chẳng qua là cuối cùng y cũng không thể thấy được dáng vẻ trưởng thành của bé.

May mắn được sống lại, có y và mẫu hậu bảo vệ, Ân Thừa Nguyệt sẽ không phải chịu nỗi khổ sống đầu đường xó chợ nữa.

Ân Thừa Ngọc rút ngón tay ra khỏi miệng em bé, lấy khăn lau khô. Rồi y bắt đầu hỏi đến chuyện tiệc đầy tháng.

Hoàng hậu nói:

- Tiệc đầy tháng tổ chức vào ngày năm tháng tư, chỉ làm đơn giản thôi. Nghe nói xuân năm nay ít mưa, lại có nơi gặp nạn châu chấu. Tất cả tiền bạc tiết kiệm được, ta đã sai người đưa đến nơi cứu tế, coi như tích đức cho em trai con.

- Như thế cũng tốt.

Ân Thừa Ngọc nhớ tới tình huống thiên tai mà thuộc hạ báo cáo, cau mày. Y ngồi một hồi ở chỗ hoàng hậu rồi mới quay về cung Từ Khánh.

*

Sau khi ra khỏi cung Càn Thanh, Tiết Thứ đi một chuyến đến Ngự mã giám lấy người.

Có Tiết Thứ móc nối, Vệ Tây Hà đã thông qua tra xét, thuận lợi cầm thẻ thân phận vào cung. Nhưng vì hắn ta có thương tật, không thể hầu hạ hoàng đế nên Tiết Thứ mang hắn ta về thẳng Tây Xưởng, sắp xếp cho hắn ta quản lý đại lao.

Lúc xếp người xong, trời đã tối, Tiết Thứ ngủ lại Tây Xưởng.

Hắn theo thói quen định đốt Tuyết Lĩnh Mai cho dễ ngủ nhưng lại sợ rằng mùi hương dễ chú ý nên gác lại, chỉ để khăn tay dưới gối. Hắn trằn trọc hồi lâu mới ngủ được.

Ân Thừa Ngọc lại xuất hiện trong mộng, song cảnh tượng lần này lại khác với lần trước.

Ân Thừa Ngọc mặc một bộ áo tang vải thô không hợp với y, yên lặng ngồi dưới mái hiên, không rõ cảm xúc. Khuôn mặt y tái đi vì bệnh, đôi môi tái nhợt. Y ho khan hai tiếng rồi quay đầu nói với Trịnh Đa Bảo bên cạnh:

- Giậu đổ bìm leo, tan đàn xẻ nghé, bây giờ ta đã không còn chỗ dựa, bọn họ như thế cũng là lẽ thường tình.

Trịnh Đa Bảo tức giận:

- Nhưng mà lúc đầu...

- Bây giờ còn nói lúc đầu gì nữa.

Ân Thừa Ngọc cắt lời ông ta, lại ho khan. Y thản nhiên nói tiếp:

- Bên cạnh không có ai đáng tin, chớ nghĩ nhiều nữa. Miễn là ta không chết, một ngày nào đó sẽ có cơ hội trở mình.

Trịnh Đa Bảo vẫn muốn nói tiếp song đành nhịn lại. Ông ta lén quay đi lau nước mắt, nghẹn ngào:

- Để nô tài pha thuốc cho điện hạ.

Ân Thừa Ngọc đáp một tiếng, vẫn ngồi im dưới mái hiên.

Gió thu hiu quạnh thổi lá rụng bay xào xạc. Mái tóc dài không được buộc lại bay trong gió. Trong đôi mắt vốn dịu dàng ấy chỉ còn sót lại nỗi thê lương, đơn độc.

Tiết Thứ muốn bước đến bên y, nhưng khi hắn vừa động đậy đã chợt tỉnh lại.

Thế nhưng đôi mắt thê lương ấy vẫn im sâu trong lòng hắn, khiến trái tim đau đớn khôn nguôi.

Mặc dù biết rõ đó chỉ là mộng cảnh, song khi nhớ lại, Tiết Thứ vẫn cảm thấy tức giận.

Một người vốn cao quý đến thế không thể nào tiêu điều ngồi dưới mái hiên như vậy.

Y phải ngồi trên cao đường tôn quý, để vạn người cúi đầu.

Dưới đáy lòng có thứ gì đó cuộn trào lên, bỗng dưng hắn rất muốn gặp Ân Thừa Ngọc.

Thế nhưng ở hoàng cung không giống Thiên Tân Vệ, nơi đây có rất nhiều tai mắt. Với thân phận hiện tại của hắn càng không thể ra vào Đông Cung.

Hắn ngồi dậy xem lậu khắc (đồng hồ thời cổ) mới biết bây giờ vẫn chưa đến canh ba. Nhìn ánh trăng ngoài cửa sổ hồ lâu, Tiết Thứ mới đứng lên, im lặng ra khỏi Tây Xưởng đi tới cung Từ Khánh.

Hắn ẩn thân tránh né cấm quân đang đi tuần, tìm tới tẩm điện (phòng ngủ) của Ân Thừa Ngọc.

Điều làm hắn ngạc nhiên là ấy thế mà nơi đây còn chưa tắt đèn, cửa sổ mở hé, ánh nến lay động.

Tiết Thứ đổi chỗ sang nấp trên một gốc cây to đối diện cửa sổ, bây giờ mới thấy rõ hình bóng đang ngồi sau bàn.

Ân Thừa Ngọc mặc trường bào giao lĩnh màu đen, mái tóc dài để nửa xõa phía sau lưng. Y đang xem sổ sách và thư từ, lâu lâu lại viết thêm một hai chữ.

Y thỉnh thoảng ngửa mặt lên, hệt như gió mát trăng thanh, không nhiễm chút sương gió của năm tháng.

Cơn tức giận dưới đáy lòng Tiết Thứ biến mất không thấy tăm hơi, hắn đứng trên thân cây, lẳng lặng nhìn Ân Thừa Ngọc làm việc.

Y ngồi đó bao lâu thì hắn nhìn bấy lâu.

Đến tận canh tư mà Ân Thừa Ngọc vẫn chưa ngơi tay, chồng sổ sách trên bàn đã vơi đi phân nửa.

Dường như y hơi mệt mỏi, đưa tay lên day trán, lại vô tình ngủ quên mất. Mái tóc dài rơi xuống trước ngực, giấu đi khuôn mặt đẹp đẽ.

Tiết Thứ đứng nhìn một hồi, thấy không có ai đi vào thì biết rõ y đã dặn không được quấy rầy rồi.

Dục vọng trong lòng bỗng trồi lên.

Hắn kiềm chế hồi lâu, thấy Ân Thừa Ngọc không tỉnh dậy, cuối cùng không nhịn được nữa. Tiết Thứ nương theo ánh trăng, lặng lẽ đi vào tẩm điện.

Ân Thừa Ngọc ngủ say, không biết gì cả.

Tiết Thứ bước ra sau lưng y, cúi người nhìn như thể muốn khắc sâu vào trong lòng. Một lúc lâu sau, hắn mới cẩn thận bế ngang y lên.

Động tác của hắn rất nhẹ nhàng, không để người trong lòng tỉnh lại.

Thế nhưng trái tim hắn lại đập nhanh vô cùng, máu trong cơ thể sôi ùng ục, cả người hắn nóng lên.

Song Tiết Thứ không làm gì cả, vững vàng bế người trong lòng đi tới giường trong phòng.

Lúc đặt Ân Thừa Ngọc lên giường, Tiết Thứ không nỡ buông tay, trái tim lại như bị khoét một lỗ.

Hắn cắn chặt răng, dưới sự điều khiển của lý trí, thu tay lại. Song bởi vì dã thú dưới đáy lòng gào thét, hắn lưu luyến nắm lấy cổ tay y.

Lý trí và dục vọng đang đánh nhau trong cơ thể hắn.

Ngay lúc hắn đang do dự, bàn tay mà hắn đang nắm chặt kia bỗng động đậy.

Ân Thừa Ngọc trở tay nắm ngược lại cổ tay Tiết Thứ, ngồi dậy, híp mắt nhìn hắn, không rõ đang nghĩ gì:

- Tên trộm to gan, đêm khuya mà dám cả gan lẻn vào Đông Cung. Ngươi muốn thế nào đây?

- -------------------

Cún: Mơ thấy ác mộng rồi, phải chim chuột với điện hạ thoi.

Điện hạ: -_-


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui