Cửu Thiên Tuế

Nạn dịch hạch còn nghiêm trọng hơn so với những gì bọn họ dự đoán, có lẽ mấy năm nữa cũng khó mà khắc phục được hậu quả. Vì dịch bệnh bùng phát, vô số thôn xóm, thị trấn và thành bị bỏ hoang. Dân đinh mỗi nhà giảm mạnh, số trẻ em gần như không còn bao nhiêu. Vấn nạn trộm cướp ngày càng nghiêm trọng, thậm chí có rất nhiều tên cầm đầu thổ phỉ đi thu nạp lưu dân, phát động khởi nghĩa vũ trang. Khắp nơi chiến tranh loạn lạc không dứt, từng mảnh ruộng đồng mênh mông không người trồng trọt.

Không đủ dân số, ruộng đồng lại không ai canh tác cho nên địa phương không thể nào thu đủ được thuế khóa, dẫn đến việc quốc khố ngày càng rỗng đáy. Lúc khó khăn nhất, thậm chí ngay cả bộ Hộ cũng không có lương thực để mà cấp đủ quân lương cho quân đội. Vốn không ít quân sĩ quân đội đã chết vì bệnh dịch, thế mà bây giờ còn không có lương thực quần áo. Cho nên mỗi lần đi bình loạn, sĩ khí lòng quân càng ngày càng giảm xuống, hành động càng thêm chậm chạp lề mề. Chỉ có mỗi một trận bạo loạn nhỏ mà mất mấy tháng cũng không dẹp nổi. Thậm chí sau này còn có mấy vị tướng dẫn theo binh lính dưới trướng đến gia nhập vào quân khởi nghĩa.

Sau này khi Ân Thừa Ngọc về cung, mặc dù trong kinh thành vẫn là vẻ thái bình ca hát nhảy múa nhưng thật ra số địa phương mà triều đình nắm trong tay không còn nhiều bằng lúc trước. Toàn bộ Đại Yến rơi vào cảnh biến động, không còn yên ổn.

Để đổ đầy quốc khố, y đành phải moi tiền từ trong túi của đám tham quan ra. Thế nhưng, những thiệt hại do nạn dịch hạch mấy năm nay cũng không thể nào khắc phục được trong một sớm một chiều.

Cho đến tận khi Ân Thừa Ngọc sắp chết, Đại Yến vẫn chưa hoàn toàn được hồi sinh sau đại dịch, không thể nào so được với sự giàu sang phồn thịnh khi trước.

Đời trước, lúc nạn dịch hạch bùng phát thì y vẫn còn đang bị nhốt trong hoàng lăng. Mặc dù y may mắn tránh khỏi được dịch bệnh song lại bỏ lỡ mất thời điểm tốt nhất để khống chế nó. Quan viên triều đình làm việc tắc trách, Long Phong đế lại mặc kệ cho nên dẫn đến việc dịch bệnh lây lan khắp toàn bộ phương bắc, thậm chí còn sắp sửa lan đến phía nam. Từ đó về sau, triều đình và nhân dân đều rơi vào cảnh lầm than.

Cho dù sau này triều đình ý thức được sự đáng sợ của nạn dịch hạch thì cũng không còn kịp nữa rồi.

Bây giờ Tiết Thứ lại vô tình sớm phát hiện được dịch bệnh, y nhất định phải nghĩ cách ngăn chặn kịp thời, tuyệt đối không thể để nó lây lan khắp nơi như đời trước được.

Ân Thừa Ngọc chậm rãi đi qua đi lại, đoạn nhìn Tiết Thứ, trầm giọng:

- Phải mau chóng tìm được Tử Viên chân nhân. Tăng thêm người, bắt buộc phải tìm được. Nếu vẫn không tìm thấy...

Hắn dừng một chút rồi lạnh lùng nói tiếp:

- Đưa một người khác lên thay thế.

Y biết quá rõ con người của Long Phong đế. Cho dù y có đưa lên một danh sách tác hại của nạn dịch hạch, ông ta cũng sẽ mặc kệ. Tóm lại, chỉ cần không đe dọa được đến ngôi vị hoàng đế thì ông ta chẳng thèm quan tâm nhân dân sống hay chết.

Mặc dù y biết trước được tương lai, nhưng nếu ký thác cho Long Phong đế, e rằng sẽ đi vào vết xe đổ của đời trước.

Y phải đưa Long Phong đế đi, nhanh chóng nắm được quyền giám quốc.

- Đám người Vệ Tây Hà đã đến Giang Chiết. Ngươi đưa tin cho hắn, bảo hắn điều tra mấy người bán thuốc, lương thực và thủy vận để đề phòng trước.

Nếu lỡ như nạn dịch hạch ở Sơn Tây không thể khống chế được, lây lan sang khắp phương bắc thì cũng có thể chuyển thuốc và lương thực từ phương nam đến hỗ trợ.

Ân Thừa Ngọc từ tốn nhớ lại biện pháp đối phó với dịch bệnh được dùng ở đời trước, sai Trịnh Đa Bảo ghi lại, đoạn nói với Tiết Thứ:

- Ngươi cẩn thận thuật lại tình hình ở Sơn Tây cho Cô, không được để sót bất cứ chi tiết nào.

Tiết Thứ lặp lại tường tận những gì đã thấy trên đường cho y.

Ân Thừa Ngọc cầm bút lên ghi lại những thứ quan trọng. Rồi y lại trầm mặc.

Vào thời gian này ở đời trước, Sơn Tây chưa xuất hiện nạn dịch hạch.

Dựa theo sổ sách ghi chép, dịch bệnh được phát hiện sớm nhất ở những vùng nhỏ thuộc phủ Thuận Đức, phủ Hà Gian và phủ Đại Danh. Nhưng người ghi chép cũng không biết được đó không phải là dịch bệnh bình thường mà là nạn dịch hạch.

Hẳn phải là chuyện của một năm sau mới đúng.

Khoảng vào tháng hai năm Long Phong thứ mười chín, các châu phủ trực thuộc kinh thành đều có người nhiễm bệnh, đến tháng tư tháng năm lại gặp thêm hạn hán và nạn châu chấu. Bấy giờ tình hình ở phủ Đại Danh đã rất nghiêm trọng, vô số người chết vì đói. Sau đó dịch bệnh bùng phát khắp phủ Đại Danh rồi lại lan sang các vùng lân cận, cuối cùng lây truyền vào đến kinh thành.

Đời trước, khi y hồi cung thì dịch bệnh đã bùng phát được bốn năm năm, không ít người ngã xuống vì bệnh. Bấy giờ dịch bệnh đã dần ổn định lại. Sau này y cố ý lật lại sổ sách ghi chép lại tình hình bệnh dịch để tìm ra nguồn gốc. Nhưng trong tất cả các ghi chép, không có cái nào nhắc đến chuyện dịch bệnh được phát hiện sớm nhất ở Sơn Tây.

Không ai rảnh rỗi mà đi sửa lại ghi chép về dịch bệnh. Chuyện nó được phát hiện ở Sơn Tây ở đời này, nhất định cũng đã xảy ra ở đời trước.

Song không có địa phương nào đề cập đến chuyện có nạn dịch hạch ở Sơn Tây vào năm Long Phong thứ mười tám, như thế chỉ có duy nhất một khả năng: Sơn Tây không báo cáo về việc bệnh dịch, có thể đã tạm thời khống chế được dịch bệnh trong năm này.

Chuyện Sơn Tây giấu giếm tình hình cũng dễ hiểu.

Tuần phủ Sơn Tây là Chu Vi Thiện đã đến tuổi về hưu, ông ta đã đề đơn xin nghỉ hưu cho Long Phong đế, chỉ cần đợi đến hết nhiệm kỳ năm nay là được vẻ vang về hưu dưỡng già. Nhưng nếu như ông ta báo cáo về việc Sơn Tây bùng phát dịch bệnh ngay lúc này, không nói đến chuyện không được vẻ vang về dưỡng già mà ông ta có thể còn bị xử phạt vì tội làm việc tắc trách nữa.

Về chuyện khống chế dịch bệnh lây lan, Ân Thừa Ngọc gõ nhẹ lên bàn, y chưa nghĩ ra được biện pháp mà Chu Vi Thiện dùng là gì.

Có thể là trong lúc cố gắng giấu giếm nạn dịch hạch, ông ta vô tình ngăn chặn được nó.

Ân Thừa Ngọc lại cầm bút lên, viết xuống mấy chữ "đốt xác" và "lập tức giết hết người nhiễm bệnh".

Trong quyển "Chư bệnh nguyên hậu luận" có viết: Người trúng phải khí lạ mà sinh bệnh, bệnh sẽ theo không khí lây nhiễm tuần hoàn, thậm chí còn gây chết cả nhà và lây lan cho người khác*. Biện pháp phòng dịch trước giờ thường dùng là cách ly người bệnh ở lệ sở (bệnh viện dã chiến thời cổ) rồi mới điều trị. Trong "Trị dịch toàn thư" cũng có đề cập: Không được tiếp xúc với giường người bệnh, không được để những thứ dơ bẩn dính vô người; không được chạm vào quan tài người chết, không được ngửi mùi hôi thối; chớ ăn thức ăn của người bệnh, chớ dùng đồ của người bệnh để tránh khí bệnh.[1]

Tình hình hiện tại ở Sơn Tây cho thấy bọn họ dùng phương pháp này để đối phó với dịch bệnh.

Nếu có thể tạm thời khống chế được dịch bệnh ở Sơn Tây đến tận năm sau mới bùng phát ở phủ Đại Danh thì có thể biết được, phương pháp xa xưa kia vẫn còn hữu dụng.

Chỉ cần ngăn chặn được dịch bệnh rồi lại triệu tập danh y để tìm ra cách chữa trị, chắc chắn có thể tránh được việc lây lan diện rộng như đời trước.

- Phải mau chóng báo cáo về tình hình bệnh dịch ở Sơn Tây thì mới khiến mọi người suy nghĩ được.

Ân Thừa Ngọc đặt bút xuống, nói với Tiết Thứ:

- Ngươi đi sắp xếp, nói quan địa phương trình báo sổ sách hay để lưu dân quậy phá,...gì cũng được. Chỉ cần làm ầm ĩ lên là được

Bây giờ, Ân Thừa Ngọc nhất định phải tìm mọi cách để chặn đứt được bệnh dịch từ ban đầu.

Tiết Thứ chắp tay, nhận lệnh. Lúc nhìn y, ánh mắt hắt cháy hừng hực như lửa.

Hắn biết, điện hạ sẽ không bao giờ bỏ mặc bách tính.

Lúc Ân Thừa Ngọc trầm ngâm suy tư, hắn dường như lại thấy được vị thần tiên năm đó hạ phàm. Y đứng ở trên cao, dáng vẻ lạnh lùng thanh cao, trong mắt lại ngập tràn từ bi hơn các thần linh khác.

Thần linh không thể cứu thế nhân, nhưng y có thể.

Chỉ có người như y mới xứng đáng là vua, xứng đáng để hắn thần phục.

Trái tim của Tiết Thứ đập mãnh liệt, dục vọng mơ hồ xuôi theo dòng máu. Tựa như dung nham nóng cháy cuồn cuộn bên dưới địa tầng.

Vừa muốn bái lạy, lại vừa muốn kéo y vào hồng trần, chiếm làm của riêng.

Song cuối cùng hắn chỉ chăm chú nhìn y, cung kính đáp:

- Thần nhất định không làm nhục mệnh.

Ân Thừa Ngọc phân phó xong chuyện chính, đoạn nhớ tới lời hắn nói khi nãy, tò mò hỏi lại:

- Ngươi từng gặp đại dịch rồi? Tại sao chưa nghe thấy ngươi nhắc đến bao giờ?

Không ngờ y lại hỏi đến chuyện này, Tiết Thứ rủ mắt, trầm mặc.

Chuyện xưa cũ cất kỹ trong góc đầy mùi hôi tanh, hắn không muốn nói cho Ân Thừa Ngọc.

Như thế hắn dường như có thể rửa sạch bùn đất khắp người, tiến gần hơn với vầng trăng trên trời.

Thấy hắn không nói gì, Ân Thừa Ngọc híp mắt nhìn hắn. Trực giác nói cho y biết, Tiết Thứ có chuyện gì đó giấu y.

Y mất hứng, Tiết Thứ có nhiều bí mật quá.

Đời trước cũng thế.

Y không biết gì về lai lịch của Tiết Thứ, chẳng biết vì sao hắn vào cung, cũng không biết tại sao hắn có thể leo lên được vị trí dưới một người trên vạn người ấy. Lại càng không biết lý do mà hết lần này tới lần khác hắn chọn y - người trắng tay bị giam cầm trong hoàng lăng.

Nếu nói về nhan sắc, Ân Thừa Chương và Ân Thừa Cảnh không xấu lắm, thân phận cũng không thấp hơn y là bao. Còn nếu nói về việc dễ thao túng thì tứ hoàng tử Ân Thừa Tự nhỏ tuổi, mất mẹ càng dễ dàng điều khiển hơn.

Nhưng hắn vẫn cứ chọn y, vươn tay kéo y từ vũng bùn vào vực sâu không đáy.

Vô số lần nâng đỡ sau lưng, cũng vô số lần đồng sinh cộng tử. Y sợ mình lún sâu vào, mắc kẹt trong đó nên chỉ đành không ngừng nhắc nhở bản thân chớ xem đó là thật.

Bọn họ không phải là người chung một đường.

Y là con người chứ không phải vật chết, trong tâm vẫn luôn thiên vị. Mấy năm bên cạnh nhau, bọn họ sớm đã không thể tách ra được, y không thể không động lòng.

Hứng thú trong mắt Ân Thừa Ngọc tắt hẳn. Lâu sau, y mới lạnh nhạt nói:

- Nếu ngươi không muốn nói thì cút đi.

Tiết Thứ mím môi, bình tĩnh nghe hắn trách mắng. Cuối cùng, hắn không đáp lời nào, cúi người xin cáo lui.

Sắc trời bên ngoài tối đen, mới vừa qua canh tư.

Nhưng Ân Thừa Ngọc lại không ngủ được, y bèn ghi hết những điểm quan trọng ra giấy, rồi dựa theo kinh nghiệm đời trước mà dần dần hoàn thiện.

Cho đến lúc trời tờ mờ sáng, y đã viết được hơn phân nửa quyển sổ. Đoạn y đóng sổ lại, rút ra một tờ giấy Tuyên Thành, nâng bút hồi lâu mới đặt xuống vẽ từng nét.

Người trên bức tranh dần hiện ra, hắn mặc một bộ mãng bào sang trọng, khuôn mặt đầy vẻ hung ác.

Đó là Tiết Thứ của đời trước.

Ân Thừa Ngọc ngắm người trong bức tranh thật lâu, rồi lại nhớ đến vết sẹo trước ngực hắn, lai lịch không người biết của hắn và đôi mắt đen láy nhìn y, trong đó chứa đầy những tâm sự khó nói thành lời.

- Rốt cuộc là ngươi đã giấu Cô bao nhiêu chuyện?

Ân Thừa Ngọc vẽ một hình gạch chéo lên bức tranh, tức giận:

- Sẽ có một ngày Cô ép được ngươi tự nói ra.

Y ném bút đi, vò bức tranh ném vào thùng rác. Đoạn y đi vào phòng trong nghỉ ngơi.

*

Mười ngày sau, ngày hai mươi mốt tháng tư.

Chỉ huy sứ đồn vệ An Đông, phủ Thái Nguyên thuộc Sơn Tây - Tôn Diệu bát bách lý* cấp báo, buộc tội Tuần phủ Sơn Tây Chu Vi Thiện giấu giếm dịch bệnh, giết người, tham ô lương thực cứu nạn khiến cho khắp Sơn Tây bùng phát đại dịch. Người sống một là đói phải ăn thịt chuột, hai là nhiễm bệnh bị thiêu sống tại chỗ. Chỉ trong vòng nửa tháng, số người chết lên đến mấy vạn, đốt xác không kịp. Mấy thị trấn không còn người sống, giống hệt như thành quỷ.

Chu Vi Thiện lại ép buộc binh sĩ vệ sở đi xử lý thi thể, đến nỗi bọn họ nhiễm phải bệnh dịch. Vệ sở vốn có tám ngàn binh sĩ, bây giờ chỉ còn lại chưa đến bốn ngàn.

Trên tấu chương, Tôn Diệu miêu tả rõ về thảm trạng hiện giờ của Sơn Tây, trong câu chữ chứa đầy đau xót tột cùng. Cả triều nghe xong đều ồ lên.

Nhóm người đại học sĩ Lô Tĩnh mang lòng thương dân, thỉnh cầu Long Phong đế lập tức đưa ngân lượng, phái người đến Sơn Tây cứu tế.

Nhưng Long Phong đế lại do dự:

- Cứ phái người đi xem tình hình trước đã. Mỗi năm đều có dịch bệnh, Tôn Diệu buộc tội bề trên đã là trái luật, e rằng cố tình nói quá lên.

Đương lúc trên triều còn đang tranh luận om tỏi về việc nên phái người đến Sơn Tây xem tình hình trước hay là phái người đến cứu nạn thì phủ doãn phủ Thuận Thiên lại tấu lên, nói có dị trạng đàn chuột ngâm đuôi qua sông*, sợ là đại hung.

*Chỉ điềm xấu

- -------------------

Cún: Mỗi ngày ta đều yêu điện hạ thêm một chút.

Cún: Điện hạ, ôm ôm!

[1] "Chư bệnh nguyên hậu luận" là sách của thái y Sào Nguyên Phương (550-630) trong triều Tùy Đại Nghiệp (Năm 605-616)

"Trị dịch toàn thư" là sách thời nhà Thanh (Tác giả tham khảo triều Minh nhưng lại trích sách triều Thanh nên tui cũng không biết đây có phải là cuốn mà tác giả nhắc tới không).

- -------------------

Thì ra điện hạ đã iu từ kiếp trước =)))))


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui