Chương này được viết theo ngôi kể của Huy Anh.
Từ nhỏ, tôi đã có suy nghĩ khác biệt so với mọi người, không phải nằm ở khả năng siêu việt về trí tuệ, cũng không phải tôi có nhận thức cao hơn các bạn đồng trang lứa.
Đối với một người như tôi, cuộc sống này có gì đó rất nhàm chán, lại quá rắc rối.
Tôi sinh ra trong một gia đình khá giả, nói thẳng là lớn lên từ vàng bạc, nhung lụa.
Thế nên người ta luôn nhìn vào cái tên Huy Anh và cảm thán rằng: "Đứa trẻ này thật may mắn." Song, điều khát khao sâu thẳm trong trái tim héo úa của một kẻ chẳng có gì trong tay là được yêu, được thương.
Nhưng vấn đề là chính tôi cũng không biết cách thể hiện niềm khát khao ấy, những gì người ta nhìn thấy ở tôi là một thằng nhóc lạnh lùng, ngang bướng và mặc kệ sự đời.
Tôi từng tự hỏi sống để làm gì nhỉ? Sống mà chẳng biết mình đang làm gì và sẽ làm gì quá đỗi mệt mỏi.
Những suy nghĩ ấy phần nhiều đến từ việc bản thân mất phương hướng trong cuộc sống, hoặc nói đúng hơn vì định kiến sinh ra để bị vứt bỏ đã ăn sâu trong tâm trí của một kẻ lầm đường lạc lối như tôi.
Những chuyện xưa cũ về người đã sinh tôi ra, tôi không thể nhớ nổi.
Liệu rằng có phải là một người phụ nữ có mái tóc đen bồng bềnh, đôi mắt bồ câu hay sở hữu nụ cười hiền hậu như trong các bài văn tả mẹ được viết vào những năm tiểu học? Tôi không thể nhớ, cũng không muốn nhớ.
Vậy một người như tôi có muốn được sống với mẹ không? Tất nhiên là có, ai mà chẳng mong mình được mẹ dìu dắt từng ngày trên con đường đi học, ai mà chẳng mong có mẹ vỗ về khi mình thấy tủi thân.
Tôi đã cố chấp nghĩ rằng mình thật sung sướng, mấy bạn toàn bị mẹ đánh, mẹ la, nào được chơi game thỏa thích, nào được ăn uống sung sướng như tôi, bọn họ có mẹ mới khổ.
Đó là cho đến một buổi chiều mưa tầm tã, tôi nhìn thấy những người bạn được mẹ che ô dắt về, hay chỉ đơn giản là cùng nhau mặc một chiếc áo mưa, ướt trước ướt sau.
Thật ra một đứa trẻ phải đi dầm mưa chẳng có gì đáng sợ, nếu đứa trẻ đó có mẹ bên cạnh sẵn lòng dùng tấm thân che chắn bão tố cuộc đời cho nó.
Ở đâu đó nơi sâu thẳm nhất trong lòng, tôi bỗng mong ước mình có mẹ, tôi muốn được che ô, được về nhà cùng mẹ.
Tôi còn muốn ăn cơm mẹ nấu, được nghe mẹ mắng chửi đừng vứt quần áo lung tung, hoặc chỉ đơn giản là một bữa cơm nghi ngút khói, chỉ cần rau luộc và trứng chiên, chỉ cần có cha và mẹ là đủ...Song, những thứ đó lại xa xỉ đến nỗi khối tài sản kếch xù của bố không thể nào hoàn thành nguyện vọng trong những năm tháng thơ dại của tôi.
Tôi biết bố cũng muốn quan tâm, chăm sóc cho tôi, nhưng bố vẫn là bố, không phải mẹ, làm cách nào cũng không thể hóa thân thành mẹ.
Thứ duy nhất bố làm được là đưa bảo mẫu đến chăm sóc tôi.
Người đó là dì Hạnh.
Dì thật sự rất hiền, hiền như cục đất.
Mỗi khi tôi nổi nóng, không chịu ăn uống, không chịu yên giấc, dì lại ôm tôi vào lòng và hát ru bằng câu ca dao gì đó mà tôi không thể nào nhớ nổi tên.
Điều duy nhất lưu giữ trong kí ức ngày bé là mùi hương của dì, mùi hương giống một người mẹ tôi hằng tưởng tượng.
Đến giờ, tôi vẫn biết ơn, biết ơn vì Chúa đã lấy đi người mẹ mang nặng đẻ đau tôi chín tháng mười ngày, nhưng cuối cùng lại gửi dì Hạnh đến bên tôi và cho tôi thấu hiểu cảm giác có mẹ là như thế nào.
Dù nói thế nào, tôi cũng không phải là một đứa trẻ quá bất hạnh, tôi vẫn được yêu thương dẫu chưa xác định được mục đích sống của mình là gì.
Khi được gặp Gạo, tôi biết mình và em là hai kẻ cô đơn trong cuộc sống vội vã này.
Tôi thắc mắc làm sao em lại có thể sống một cách ưu tú như vậy, sống mà chẳng lạc lối như tôi.
Đến khi được làm bạn và làm người yêu của em, tôi mới vỡ lẽ em cũng muốn được giải thoát.
Thì ra trên cuộc đời này, ai cũng ôm nỗi khổ riêng, chỉ là có người sẽ chọn để nỗi khổ ấy đi vào quá khứ và dũng cảm sống tiếp cho tương lai hoặc tiêu cực hơn, chết dần chết mòn cùng nỗi khổ đó.
Gặp được em, nỗ lực cùng em, hạnh phúc cùng em là may mắn tôi có được.
Thế nhưng không phải tình yêu nào cũng đều suôn sẻ, không phải lúc nào chúng tôi cũng tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn.
Khi Gạo đạt giải Nhất thi học sinh giỏi, tôi tự hào về em lắm! Em lên nhận giải thưởng cùng Đoàn Minh, tôi đứng dưới bục ngắm nhìn vẻ đẹp tri thức rực rỡ của em.
Ngày hôm ấy, tôi còn chẳng hiểu tại sao Thiên Di bỗng lân la bắt chuyện với tôi, cậu ta cong môi cười, dõi mắt quan sát em và Đoàn Minh:
- Có được một bạn người yêu vừa xinh đẹp, thông minh lại hiểu chuyện như Mộc Miên, Huy Anh may mắn thật.
Tôi im lặng, không trả lời Thiên Di, cậu ta vẫn tiếp lời:
- Nhưng mà có một bạn người yêu như vậy, chẳng phải áp lực lắm sao? Một người nên xứng đôi vừa lứa với người còn lại ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như về học tập, về tính cách, về tư duy.
Tôi nhíu mày, quay sang nhìn gương mặt của Thiên Di.
Ý của cậu ta chẳng khác nào nói rằng tôi và em không hợp nhau.
- Đôi khi tớ thấy Mộc Miên với Đoàn Minh cũng đẹp đôi, chỉ tiếc Huy Anh đã là bạn trai của Mộc Miên rồi.
- Vậy thì sao? Gạo thích tôi, chứ không phải Đoàn Minh.
Tôi lạnh giọng trả lời, người con gái trước mặt cũng không nói gì nữa, chỉ mỉm cười qua loa.
Khi ấy, tôi không hiểu lý do tại sao Thiên Di lại nói những câu chẳng thể hiểu nổi với tôi, đến khi buổi chào cờ giữa tháng ba được tiến hành cùng bài thuyết trình về bệnh trầm cảm, tôi mới hiều ra.
Câu chuyện về mẹ, tôi không được nghe từ gia đình, mà nghe qua lời kể của đám bạn năm cấp 1.
Thật nực cười!
Mẹ các bạn ấy nói với tôi những câu an ủi, đại loại như cố gắng sống thật tốt hay đứa trẻ này đáng thương quá.
Tôi cũng từng nghĩ họ là người tốt, thực lòng muốn quan tâm tôi, đó là cho đến khi được chứng kiến cách con họ đối xử với tôi thế nào.
- Từ nay, mày bớt chơi với Huy Anh lại đi nhé.
Tao nghe mẹ tao nói những đứa trẻ không có mẹ mai mốt sẽ trở thành người xấu đấy.
- Nhà Huy Anh giàu lắm, mình giả vờ chơi với Huy Anh cũng được mà.
Tao thấy nó cũng tội nghiệp nữa.
Với một đứa trẻ mang tính khí sớm nắng chiều mưa, cư xử hung hãn, khó gần như tôi, tuyệt đối sẽ chẳng bao giờ cho phép người ta thương hại mình.
Trên đời này, tôi ghét nhất hai từ "thương hại".
Thà rằng họ coi thường, khinh rẻ tôi ngay từ đầu, còn đỡ hơn dùng lời nói giả tạo động viên và khóc mướn trên sự tổn thương của tôi.
Tôi chuyển trường từ miền Bắc vào Nam, một phần vì gia đình, phần nhiều vì tôi không muốn sống trong môi trường mà ai cũng trưng bộ mặt giả tạo.
Năm cấp hai, chuyện về gia đình tôi rất ít người biết, người duy nhất tôi tâm sự cùng là Gạo.
Đến năm cuối cùng của cấp ba, bài báo về vụ việc đau thương cùng gia cảnh của tôi bị nói ra nói vào.
Và người ta vẫn thế, chỉ thương hại chứ không cảm thông.
Nếu người ta thực sự nghĩ cho cảm xúc của tôi thì sẽ không kéo dài sự thương hại bằng ánh mắt và ngôn từ, rồi lầm tưởng đó là giúp đỡ.
Những người ngoài cuộc cứ kể lể mãi về việc mẹ bỏ rơi tôi thế nào và lại quay ra phán xét rằng nhà tôi giàu, chuyện đó cũng không đáng là gì, đó mà gọi là quan tâm sao? Rõ ràng muốn diễn vai người có phẩm chất, đạo đức vượt trội để thỏa cái tôi của mình.
Tôi không muốn chịu thương hại từ người xa lạ, từ những người bạn và đặc biệt là từ em.
Tôi từng nghĩ nếu em nguyện ý yêu tôi thì tôi chẳng đòi hỏi gì nữa, dù tình yêu của em không lớn bằng tôi, dù em đồng ý lời tỏ tình vì không nỡ chứng kiến tình đơn phương hơn bốn năm của tôi chịu dày vò.
Tuy nhiên, đến khi bước vào mối quan hệ chính thức với em, tôi lại tham lam mong em cũng yêu tôi như cách tôi yêu em.
Và rồi, tôi đã dằn vặt mình vì cảm giác tự ti trước em.
Nếu so sánh với Đoàn Minh, tôi chẳng là thá gì hết.
Quá khứ yêu đương lung tung luôn là một điểm trừ lớn, tôi hối hận vì hành động bồng bột thuở ấy, vì cách tiến vào mối quan hệ không rõ ràng và vì tôi chẳng phải là một người xứng được yêu như Đoàn Minh.
Khi em muốn nói chuyện với tôi, tôi không tiến về phía em mà chọn cách trốn chạy, tôi sợ khi nhìn thấy em rồi, suy nghĩ "mình không đủ tốt" lại khiến tôi khổ tâm một cách dai dẳng.
Đến hôm đi biển, cơn khóc không kiểm soát của em đã làm tôi đau không thở được.
Trong tiếng thổn thức, giọng nói nghèn nghẹn, em trách tôi:
- Huy Anh à, khi gặp chuyện, anh phải để em đồng hành cùng anh chứ.
Em là người có kinh nghiệm nghe miệng đời mắng chửi từ năm mười tuổi rồi.
Vậy sao anh không để em lắng nghe sự đau khổ của anh? Tại sao phải lảng tránh qua những hành động quan tâm âm thầm ấy?
Tôi cẩn thận lau đôi bàn chân vừa được rửa sạch cát cho em, khăn bông mềm mại vuốt nhẹ nước, em ngồi trên giường, tôi khuỵu một chân dưới đất.
Tôi biết mình sẽ mềm lòng trước em, trước đôi mắt hổ phách dịu dàng mà kiêu sa ấy, rồi tôi sẽ gục ngã dưới bàn tay nhỏ nhắn, chất chứa yêu thương cả đời tôi cũng không quên được.
Ngay từ đầu khi nảy sinh lòng tương tư và cảm mến em, em đã thắng đậm chỉ bằng một cái chạm mắt, còn tôi mãi là kẻ thua cuộc.
- Anh xin lỗi, anh không nên để Gạo phải suy nghĩ nhiều về anh như thế.
Nhưng mà Gạo à, hình như anh cảm thấy mình không xứng với em...
Em cúi người, nhẹ nhàng hôn lấy đôi môi của tôi, có lẽ vì cơn say, em không rõ mình đang chủ động hôn.
Nước mắt của em vấn vương nơi tôi, tay em vuốt ve tóc tôi, em trầm giọng nói, giống như thể đang dẫn dắt con người lang thang nơi địa ngục, từng bước thoát khỏi bóng ma tâm lí:
- Huy Anh chữa lành trái tim mục nát này của em, Huy Anh giữ lấy sự sống mỏng manh nơi em, Huy Anh cho em biết tình yêu đẹp ra sao, em mong mình cũng cứu rỗi sự tồn tại hời hợt của Huy Anh.
Vậy nên không có chuyện xứng hay không, Huy Anh chỉ cần biết em yêu anh, tình yêu chúng mình to lớn như nhau.
Không phải mình tôi mới chữa lành em, chính em cũng chữa lành cho tôi từng phút, từng giây trong cuộc đời hữu hạn này.
Khoảnh khắc tôi bộc bạch nội tâm của mình trước em sao? Tôi không nhớ lắm, tôi chỉ nhớ cái ngày mà em giúp tôi hóa giải khúc mắc với mẹ.
Hình như đó là một buổi chiều mùa hạ, vài tia sáng yếu ớt cứ thế chìm dần trong đám mây đen vần vũ, từng cơn gió cuốn bay đống lá khô đang nằm cô quạnh bên gốc cây, đám bụi cũng theo đó bị thổi bay đi, chẳng biết về phương trời nào.
Phần vỏ chanh bào nhuyễn trên ly đá chanh tuyết từ từ rơi xuống đáy ly, đá lạnh tan dần ra, em dừng bút, quay sang nhìn tôi một cách cẩn thận.
Đó là ngày cuối cùng trước hôm thi vào chuyên, mẹ đã muốn gặp tôi, nhưng tôi từ chối.
Tôi không thích gặp mẹ và trả lời các câu hỏi vô bổ tựa hai người xa lạ.
Ấy thế mà khi tôi học bài cùng em, mẹ lại xuất hiện ở quán cà phê ấy, âm thầm dõi mắt quan sát thằng con trai này.
- Huy Anh à, mẹ tao nói muốn vào trường chuyên thì phải học thật giỏi, còn phải siêng năng nữa.
Mẹ mày có nói thế không?
Tôi bật cười, em thông minh thật đấy! Chưa gì đã nhận ra đó là mẹ tôi rồi.
Bỗng nhiên, em dùng hai tay vuốt nhẹ mặt tôi, đôi mắt tam bạch chớp vài cái, dường như dùng hết thảy hơi ấm để làm dịu bớt đi cơn mưa ngâu kia, cũng như từng hạt mưa rơi trong lòng tôi:
- Hồi xưa, mày từng kể tao nghe về mẹ ấy, mày còn nhớ không?
- Ừ, nhớ.
– Tôi đáp, em lại tiếp tục:
- Mày từng nói với tao rằng con người sinh ra trên đời này đều có một mục đích và một số mệnh.
Mày còn từng nói có lẽ mục đích mày xuất hiện trên thế giới là bị bỏ rơi, nhưng tao không nghĩ thế đâu, Huy Anh ạ.
Mẹ không bỏ rơi mày, chỉ là mẹ có chút đãng trí để tìm đường về nhà ấy, vậy nên mới lạc mày lâu đến vậy...
Lạc đường sao? Mẹ mà có lúc quên đường về nhà à? Mẹ mà cũng có lúc phạm sai lầm ư?
Đó là khoảnh khắc tôi không còn mang lòng hận thù khi nói chuyện với mẹ nữa vì tôi biết mẹ đã từng lạc đường, tuyệt đối không phải vứt bỏ tôi vào hố sâu của sự cô đơn.
Nhớ lại chuyện xưa cũ, rồi lại nhìn khuôn mặt ướt đẫm nước mắt của em lúc bấy giờ, tôi bật khóc.
Lần đầu tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình khóc được, dựa má vào đôi tay nhỏ bé của em, nước mắt chảy từ khóe mắt rồi thấm đẫm qua từng cái nhìn người con gái phía trước.
Liệu rằng nắm lấy tay em rồi, tôi có thể đối mặt với vấn đề tâm lí quằn quại kia? Liệu rằng có em bên cạnh, chúng tôi sẽ bắt lấy thứ hạnh phúc đơn sơ cả hai mong ước sẽ có được?
Tôi không biết nữa, không biết bản thân có thể vượt qua không, nhưng tôi biết bây giờ tôi có em.
Mà có em rồi, tôi lại chẳng sợ nữa.
Không mong gì cao xa, chỉ mong tôi có thể cùng em đi qua những năm tháng khổ đau, cùng nhau chạm đến hạnh phúc nhỏ nhoi mà đáng trân trọng.
Chỉ mong thế thôi!.