Đại Ca

Đến cả mẹ ruột mà Ngụy Khiêm còn dám gọi là “mụ điếm” ngay trước mặt nữa là bà già này, gã lập tức cười khẩy, giọng điệu hết sức cay nghiệt: “Bà cho bà là ai? Muốn cút thì tự cút, bớt dòm ngó con em tôi đi, đừng cho rằng bà sắp xuống lỗ thì tôi không dám tiễn bà sớm hơn.”

Gã cực kỳ vô học – đương nhiên, xét từ những việc gã đã trải qua, nếu trong tình huống như vậy mà còn có thể có học, thì người này là xuyên việt tới chắc luôn.

Bà lão sống sáu bảy mươi năm chưa từng gặp loại khốn nạn không biết tôn ti lớn nhỏ như vậy, may mà lao động nhiều năm nên cơ thể khỏe mạnh, nếu không chắc phải tức phát ngất.

Lúc đối mặt với loại khốn nạn, con người ta luôn không nhịn được trở nên khốn nạn hơn, bà lão bèn dùng tới tuyệt chiêu của phụ nữ nông thôn thế hệ trước, nằm vật xuống đất ăn vạ, không hề tỏ ra yếu thế: “Được thôi, không thành vấn đề, có giỏi thì mày cứ đánh chết tao đi, cho dù mày đánh chết tao, tao biến thành quỷ cũng phải đưa cháu tao đi, tao dẫn nó đi ở chuồng gà chuồng chó, cũng không thể để nó nằm trong tay hạng lưu manh như mày!”

Ngụy Khiêm hằm hằm nhìn bà già, sự độc ác trong ánh mắt y hệt thực chất, gã thiếu niên gần như đã có thân thể và khí phách của đàn ông trưởng thành, vai rộng eo nhỏ, lại thêm vết thương do đánh nhau, tăng thêm vài phần tàn ác không nói nên lời, bà lão thoáng co rúm lại theo bản năng.

Sau đó bà già định thần lại, trừng mắt nhìn ngược lại bằng thái độ càng cương quyết hơn, dáng vẻ như muốn rạch mặt ăn vạ, dùng chiêu mạnh hơn: “Có giỏi thì mày cứ giết tao đi! Giết chết tao rồi thì mày cũng là một thằng lưu manh thối tha không biết xấu hổ! Không phải mày chỉ có một chút bản lĩnh thôi hả? Mày còn có thể làm được gì? Bà già này dù sao cũng sắp xuống lỗ rồi, sợ mày chắc! Tao nhổ toẹt vào!”

Bà già còn chưa kịp nhổ ra thì đã bị Ngụy Khiêm dùng sức mạnh đẩy lên bàn, Ngụy Khiêm rốt cuộc bất chấp thể diện một lần, ném cả bà Tống lẫn cái bàn gỗ, giấm ngâm tỏi văng tung tóe làm chua lè cả phòng.

Bà Tống kêu “ối” một tiếng ngã chổng vó dưới đất, đầu đội hai ánh tỏi trông hết sức buồn cười, sau đó bà hít sâu một hơi, dùng giọng nói oang oác cả làng đều nghe thấy, ngồi bệt dưới đất gào ầm lên: “Giết người rồi! Giết người rồi! Thằng lưu manh thối tha giết…”

Bà Tống bỗng im bặt, bởi vì Ngụy Khiêm đã túm áo bà, bàn tay đầy gân xanh bóp cái cổ chằng chịt những nếp nhăn.

Cổ bà Tống gầy đét như cổ gà, bị gã nắm chỉ bằng một tay, da lỏng lẻo thật tội nghiệp, Ngụy Khiêm bóp cổ xách bà lên khỏi mặt đất.

Trong mắt gã thiếu niên tuấn tú này toàn là bóng mờ, dáng vẻ lạnh lùng, lòng bàn tay lại rất nóng, gã rất mạnh tay, giống như quyết tâm muốn bóp chết bà lão vậy.

Bà Tống căn bản không thoát nổi, tứ chi vùng vẫy như con cá bị ném lên bờ, dùng những móng tay cắt lồi lên bấu vào tay Ngụy Khiêm một cách phí công, mặt nhanh chóng biến thành màu tím bầm.

Ngụy Khiêm cảm thấy mình gần như đã bóp vào cột sống bà lão – từ khi bỏ học, gã sống những ngày coi trời bằng vung, huyết khí trong lòng dâng trào, dễ dàng vượt qua rào cản tư tưởng để giết người phóng hỏa, khoảnh khắc ấy Ngụy Khiêm thật sự muốn bóp bà già này chết tươi.

Bà Tống lè lưỡi, mắt bắt đầu trợn trắng, đúng lúc này, từ cửa phòng ngủ sau lưng Ngụy Khiêm đột nhiên truyền ra tiếng bé gái thét lên: “Anh!”

Cửa phòng không biết mở ra từ khi nào, Tống Tiểu Bảo và Ngụy Chi Viễn đứng ở đó, sắc mặt Ngụy Chi Viễn nặng nề, giọng trẻ em the thé của Tống Tiểu Bảo như một thanh gươm đâm thẳng vào tim, kích thích dây thần kinh trong đầu Ngụy Khiêm.

Gã rốt cuộc kịp phản ứng, mình lại suýt nữa giết người, còn là ngay trong nhà mình, lập tức ngơ ngác buông tay, bà Tống đứng không vững, gã vừa buông ra thì lập tức xuôi theo tường trượt ngồi xuống đất, không thở nổi.

Ngụy Khiêm dùng một tay ngăn Tiểu Bảo lao đến, ngồi xổm xuống đập mạnh vào ngực bà lão vài cái, bắt chước trong ti vi ra sức ấn nhân trung.

Một lúc lâu bà lão mới hít thở được, thoạt đầu ho dữ dội, rồi sau đó mắt lật lại, giọng còn khàn khàn nhưng tinh thần chiến đấu vẫn hừng hực.

Bà già bất chấp việc mình mới đến Quỷ Môn quan một chuyến, vừa tỉnh táo lại đã chỉ mũi Ngụy Khiêm mắng ngay: “Thằng súc sinh đáng chém ngàn nhát, mày là thằng ranh do đĩ điếm đẻ!”

Ngụy Khiêm còn chưa kịp tím mặt nổi giận vì câu này, Tiểu Bảo đã lao đầu vào lòng bà lão: “Bà nội!”

Bà Tống nghĩ đến cảnh chiều thê lương, quả phụ thất nghiệp, lặn lội đường xa lên thành phố cậy nhờ con trai, được cho hay tóc bạc tiễn đầu xanh, sau đó lại bị một thằng súc sinh ức hiếp… Lập tức đau đớn vô cùng, hai bà cháu ôm nhau khóc lóc.

Nét mặt Ngụy Khiêm thẫn thờ, trong lòng cũng thẫn thờ, gã luống cuống đứng bên cạnh một lúc lâu, rốt cuộc thở dài, thử đưa tay sờ đầu Tiểu Bảo, lại bị bà Tống đập cái chát.

Bà già này giỏi dữ, gào khóc thảm thiết như vậy mà vẫn không để lỡ việc chửi rủa.

“Đừng đụng vào cháu tao, thằng lưu manh thối tha, quân giết người! Sớm muộn cũng có một ngày người ta bắn chết mày! Mày không được chết tử tế đâu!”

Trong chớp mắt, Ngụy Khiêm lại cho rằng bà lão nói đúng.

Gã định thần lại từ trong sự đả kích, đau khổ và phẫn nộ cực độ, đột nhiên cảm thấy chán nản.

Bà Tống thu dọn qua loa hành lý, dẫn Tiểu Bảo đi ngay trước mặt gã, Ngụy Khiêm dựa tường trơ mắt nhìn, không hề ngăn cản, thậm chí không lên tiếng.

Tiểu Bảo bị động để bà nội nắm tay dắt đi, vẫn không ngừng ngoái lại nhìn anh hai.

Trong mắt anh hai đầy tơ máu, trông có vẻ cực kỳ mệt mỏi, dõi theo bóng nó rời đi.

Tiểu Bảo cho rằng anh hai sẽ nói gì đó, nhưng anh chẳng nói gì cả, ánh mắt ấy lại khắc ghi vào nội tâm trẻ nhỏ ngây thơ đến suốt đời, vĩnh viễn không phai mờ.

Cửa đóng “sầm” lại ngay trước mặt Ngụy Khiêm, một lúc lâu gã mới ngồi phịch xuống đất như kiệt sức, châm một điếu thuốc ngậm vào miệng, lòng mù tịt dựa lên tường, khóc không nổi mà cười cũng chẳng xong, chỉ muốn cắm đầu đánh một giấc, nhưng gã biết mình chắc hẳn không ngủ nổi đâu.

Mặt Rỗ không còn, Tiểu Bảo đi mất… còn ngủ cái đếch gì.

Ngụy Chi Viễn lặng lẽ lại gần, bỏ gạt tàn vào tay Ngụy Khiêm, dè dặt nhích đến bên cạnh gã.

Ngụy Khiêm ngẩng đầu nhìn nó, Ngụy Chi Viễn vội vàng dừng lại, thận trọng quan sát xem có phải anh hai phiền rồi hay không, phát hiện không phải, nó liền thử lại gần cẩn thận hơn, cuối cùng, Ngụy Chi Viễn ôm một tay Ngụy Khiêm.

Thấy anh hai không phản đối, nó lại thử len mình vào lòng Ngụy Khiêm, dựa đầu lên người gã, ngửi mùi thuốc lá hơi nồng.

“… Mặt Rỗ chết rồi.” Ngụy Khiêm bỗng mở miệng.

Ngụy Chi Viễn ngẩng đầu, thấy ánh mắt Ngụy Khiêm nhìn xuống sàn nhà mà không có tiêu cự, trực giác bảo rằng không phải đang nói với mình – bất kể bản thân xưng hô thế nào, Ngụy Khiêm toàn dùng “anh Mặt Rỗ của mày” chứ chưa từng gọi thẳng “Mặt Rỗ” khi nói với nó và Tiểu Bảo.

Thế nên Ngụy Chi Viễn biết điều không lên tiếng, chỉ lẳng lặng lắng nghe.

Ngụy Khiêm ghì chặt lấy nó, độ ấm của thằng bé mang đến niềm an ủi khó mà hình dung.

Sau câu này, Ngụy Khiêm không còn lên tiếng nữa, bởi gã không thể dốc bầu tâm sự.

Cuộc sống khó khăn khiến thần kinh của gã trơ lì, gã đã sớm mất đi khả năng bày tỏ nỗi lòng rồi.

Mãi khi hút hết sạch thuốc, Ngụy Khiêm mới nhớ tới Ngụy Chi Viễn, thằng bé đã ôm chặt tay gã như một con gấu túi, rúc vào lòng gã ngủ thiếp đi.

Ngụy Chi Viễn bắt đầu hơi cao lên, chân dài gần bằng người lớn rồi, nhưng khung xương hãy còn non nớt, đứng dậy không lùn song co lại thì vẫn chỉ là một cục be bé thôi.

Chậm lớn thật – Ngụy Khiêm cúi xuống nhìn nó mà thở than.

Rồi sau đó gã dụi thuốc đi, khom lưng cẩn thận bế thằng bé đặt lên giường, tắt đèn lên nằm chung như thường ngày.

Bóng tối thình lình bao phủ có sức lực cực mạnh, chớp mắt đã đập sụp sự kiên cường và chết lặng vẫn tưởng.

Ngụy Khiêm mở đôi mắt khô khốc mà nghĩ thầm, gã là một thằng lưu manh con của gái điếm, ngay đến em ruột một tay nuôi nấng cũng không muốn ở cùng, người như gã sống khó như vậy, căn bản chẳng có lấy một chút giá trị nào.

Sống có gì vui đâu?

Chi bằng chết luôn cho rồi.

Ngụy Khiêm đẻ vào mùa đông, cuối tháng Chạp, giờ vẫn chưa tới sinh nhật, nói cách khác là gã còn chưa đầy mười bảy tuổi.

Sống còn chưa kịp lớn mà gã đã nghĩ đến cái chết trước.

Đương nhiên, dẫu nghĩ như vậy thì Ngụy Khiêm vẫn không chết.

Chết nào phải việc dễ dàng như một ý nghĩ thoáng qua, nói đi là đi ngay được, cho dù không muốn sống thì gã cũng tuyệt đối không dám chết.

Gã lo lắng cho cuộc sống sau này của mẹ Mặt Rỗ.

Còn phải đi nhận xác Mặt Rỗ nữa, gã không xóa được tội lỗi và gian khổ khỏi người Mặt Rỗ, điều duy nhất có thể làm là xử lý sạch sẽ những tâm nguyện níu giữ Mặt Rỗ ở lại cõi trần, rồi đem an táng đàng hoàng.

Gánh vác quá nhiều, gã không chết nổi.

Ngụy Khiêm vẫn sống trong u ám chết lặng, mỗi ngày đến hộp đêm làm đả thủ, cầm tiền của Nhạc ca, giấu kín oán hận ngày một tăng lên trong lòng, chỉ có đêm khuya tĩnh mịch, một mình mở mắt nhìn trần nhà, gã vẫn nhắc nhở mình hết lần này đến lần khác, rằng sớm muộn cũng có một ngày gã phải lấy mạng Nhạc Hiểu Đông.

Sau đó xốc lại tinh thần đi bàn với Tam Béo xem phải lo liệu tang ma cho Mặt Rỗ như thế nào, có cần cho mẹ Mặt Rỗ biết hay không, khi nào thì đón bà xuất viện.

Mỗi mình Ngụy Chi Viễn nghỉ đông ở nhà im lặng bầu bạn, tốt xấu gì cũng là một vật sống biết thở.

Chỉ Ngụy Chi Viễn mới có thể cho Ngụy Khiêm cảm nhận được một chút sức sống – nó bé tí như vậy, vẫn chưa biết gì cả, còn có tương lai phía trước, và vẫn phải một lòng một dạ ỷ lại mình.

Ngụy Khiêm nuôi Ngụy Chi Viễn, cũng lấy được chút hi vọng ít ỏi từ thằng bé, gã khắc cốt ghi tâm hiểu ý nghĩa của câu “sống dựa vào nhau”.

Tam Béo qua chơi, mới đầu còn sửng sốt hỏi sao không thấy Tiểu Bảo với bà Tống đâu, sau khi bị Ngụy Khiêm nổi điên nạt cho một trận thì lập tức hiểu rõ, không nhắc lại việc này nữa.

Khoảng thời gian ấy, không ai dám nhắc đến Tống Tiểu Bảo trước mặt Ngụy Khiêm.

Bầu không khí trong nhà nặng nề rất nhiều ngày rồi, ngay cả cơm nước Ngụy Khiêm cũng bắt đầu ăn cho có, Tam Béo sợ gã để mình chết đói, liền đến nhà gã mỗi ngày y như thích bị ngược đãi vậy, làm một người giúp việc nhẫn nhục chịu khó dỗ trẻ nấu cơm, bảo đảm ti vi mở các tiết mục giải trí hài hước suốt hai mươi bốn tiếng.

Tiếc rằng hiệu quả không tốt chút nào, ti vi càng lắm trò vui thì hiện thực có vẻ càng lạnh lùng hơn.

Thầy Mã Tam Lập trong ti vi đang nói “Đùa thôi”, Tam Béo ngồi một mình trên ghế cười ngặt nghẽo khiến đám thịt mỡ nung núc phải rung lên, Ngụy Chi Viễn vừa hơi nhếch môi thì chợt nhớ lúc quay đầu lại thấy nét mặt anh hai thẫn thờ, vì thế cũng nhịn cười theo, trưng ra biểu cảm hờ hững tương tự.

Hai anh em nhà này một lớn một nhỏ, đều đang dùng nét mặt khi đi thăm mộ để nghe tấu nói, gây mất hứng y như nhau.

Tam Béo càng cười càng lạc lõng, cuối cùng nụ cười hóa thành gượng gạo, bất đắc dĩ đành phải ngậm miệng, dù vui hơn thì cũng hoàn toàn vô vị.

Ngụy Khiêm im lặng một lúc, rồi châm thuốc quay ra đứng cạnh cửa sổ, người gã nồng nặc mùi thuốc, Tam Béo nói gã sắp biến thành một cái ống khói vừa cao vừa gầy mất rồi.

Mà Tống Tiểu Bảo trở về chính vào lúc này.

Ngụy Khiêm cho rằng đời này không còn được gặp lại Tiểu Bảo nữa, thế nên lúc mở cửa nhìn thấy nó, phải mất đến nửa phút chưa kịp phản ứng.

Biểu hiện khi gã chưa kịp phản ứng chính là mặt không cảm xúc, khiến Tống Tiểu Bảo càng hoảng sợ, con nhỏ y như phạm tội tày trời đáng tru cửu tộc, rụt rè gọi một tiếng “anh”, nó đeo cặp sau lưng, dùng tư thế sám hối cằm đụng đến ngực đứng lẻ loi ngay cửa.

Lý trí của Ngụy Khiêm lúc này mới bí mật quay lại từ từ, gã lập tức nhìn lướt ra bên ngoài, không thấy bà già ngu ngốc chết toi kia đi theo, xem ra Tống Tiểu Bảo lén chạy về một mình.

Trong lòng gã cuối cùng đã bắn pháo hoa bùm bùm không thèm kiêng dè.

Ngụy Khiêm chậm rãi ngồi xổm xuống, ngang tầm mắt với Tiểu Bảo, đỡ hai bả vai gầy gò bé teo của nó mà hỏi: “Sao mày… khụ, về đây?”

Ngụy Khiêm cố hết sức không muốn phản ứng mạnh như thế, nhưng vẫn không thể nói hết nguyên câu, giữa chừng đã đổi điệu, gã đành phải hắng giọng, kéo dài ngữ âm, khiến giọng điệu nghe gần như là dịu dàng vậy.

Tống Tiểu Bảo: “Em nhớ anh hai…”

Ngụy Khiêm làm bộ trầm tư cúi đầu, hơi nhắm mắt lại không để con bé nhìn thấy, chỉ trong thoáng chốc câu nói của nó đã lôi gã khỏi vũng lầy, gã phát hiện ý nghĩ chán sống cứ lảng vảng mãi bên cạnh mình bỗng chốc tan thành mây khói như kỳ tích.

Gã không biết phải làm sao để bày tỏ tâm trạng thất thường. Bế Tiểu Bảo quay một vòng? Hay ôm nhau khóc lóc một hồi? Ngụy Khiêm cảm thấy cách nào mình cũng không làm được, nên gã chỉ im lặng đứng dậy, bâng quơ nói: “À.”

Trừ chữ này thì dường như gã không nghĩ được gì khác, gã mở rộng cửa để Tiểu Bảo vào nhà, thấy nó không dám động đậy mới nhớ bổ sung thêm một câu: “Thế thì vào đi.”

Tiểu Bảo biết mình là một tên phản bội, không ngờ anh hai còn chịu chấp nhận, lập tức được thương mà sợ.

Nó nơm nớp bước vào nhà, trước tiên thở phào như được đại xá, đồng thời, thấy thái độ của anh hai dường như là sao cũng được, trong lòng Tiểu Bảo lại mừng rỡ khôn tả, với logic ngây thơ mà chưa phát triển, nó vui mừng vì mình trở về kịp thời, chưa biết chừng muộn vài hôm là anh hai quyết định khỏi cần mình luôn.

Tiểu Bảo đến gần Ngụy Khiêm, tức khắc ngửi thấy mùi thuốc lá nồng nặc gay mũi, nó xưa nay cực ghét mùi thuốc, không nhịn được dụi mũi, có điều chẳng dám nói ra vì sợ anh hai đổi ý không cho mình vào nhà nữa.

Ngụy Khiêm lại nhạy bén nhìn thấy.

Gã khom lưng lấy một bộ quần áo mới trong tủ, bảo Tam Béo: “Trong nồi còn cơm chiên không? Ông lấy cho nó một chén đi.”

Tam Béo ở bên quan sát cả hai, thở dài vẫy tay gọi Tống Tiểu Bảo đến trước mặt, hiền lành sờ đầu nó, nhìn Ngụy Khiêm một cái rồi thuận miệng hỏi: “Mày đi đâu vậy?”

Ngụy Khiêm: “Tôi đi tắm.”

Tam Béo: “Chưa đến giờ ngủ mà mày tắm làm gì? Với cả nấu nước chưa?”

Ngụy Khiêm: “Chưa, tôi dùng nước lạnh.”

Tam Béo: “Mùa đông mà đi tắm nước lạnh, mày khùng hả?”

Ngụy Khiêm cầm quần áo đẩy hắn ra, thoát khỏi trạng thái xác không hồn lúc trước bằng tốc độ ánh sáng, khôi phục sự ngang ngược và khốn nạn nhất quán: “Tôi thích đó, ông kêu quang quác như gà mái mẹ làm gì? Muốn đẻ trứng hả?”

Tam Béo: “… Đúng đó, thì sao?”

Ngụy Khiêm liếc hắn: “Nhịn đi, mai hẵng đẻ.”

Tam Béo: “…”

Tam Béo phát hiện với nội tâm đơn giản và bộ não phẳng lì như quả trứng gà của mình, thật sự chả theo kịp cảnh giới tư tưởng của cậu ấm Ngụy.

Thật ra thì cách nghĩ của Ngụy Khiêm không phức tạp lắm, gã chỉ sợ mùi thuốc trên người làm em gái bị ngộp.

Và… gã chỉ nhất thời không dám tin, hơi bại não mà thôi.

Tiểu Bảo là em ruột của gã, trên thế giới này chỉ còn lại một chút máu mủ trên người con nhỏ là dính dáng với gã, gã nuôi nó từ khi chưa dài bằng cánh tay mình, nuôi mãi đến chừng này.

Tình cảm sâu đậm nhường nào thì ngay chính gã cũng không nói rõ được, đôi lúc nó giống em gái gã, nhưng càng giống con gái gã hơn.

Ngụy Khiêm gửi gắm cả thời thơ ấu và thiếu niên vào Tiểu Bảo, gã thà bỏ mạng cũng không nỡ bỏ nó.

… Cho dù Tống Tiểu Bảo là một con ranh thối tha ăn cây táo rào cây sung.

Ngụy Khiêm giật mình vì nước lạnh, thầm nghĩ: mình hèn tới mức nào?

Tiểu Bảo lắp bắp gọi Ngụy Chi Viễn một tiếng: “Anh ba.”

Ngụy Chi Viễn thấy con nhỏ là bực, không muốn đếm xỉa, một mặt thương anh hai, một mặt…

Nó đứng ngoài quan sát cuộc trao đổi của anh hai và Tiểu Bảo, anh hai không tỏ rõ, thế nên Tiểu Bảo hiểu sai ý, Tam Béo không biết, chỉ có một mình nó chẳng hiểu vì sao mà lại sáng tỏ, để rồi càng thêm mất vui.

Đột nhiên, Ngụy Chi Viễn tự dưng phát hiện, tranh giành tình cảm mới là đường lối đúng đắn của cuộc đời.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui