Suốt hai ngày liền Ngụy Chi Viễn kiên quyết không nói một câu với kẻ địch là Tống Tiểu Bảo, chỉ cần Ngụy Khiêm ở nhà thì thằng bé mỗi ngày đều ra vào theo gót gã.
Mỗi lần Ngụy Khiêm quay người lại, nó đều vấp phải chân, Ngụy Khiêm bị theo đuôi phát bực, nhưng gã cũng biết vì sao Ngụy Chi Viễn kỳ cục như vậy, cho nên không muốn nổi giận với nó.
Vì thế Ngụy Khiêm hiếm khi giảng hòa ba phải: “Chơi với nhau đàng hoàng, đừng đánh lộn.”
Thánh chỉ đã ban, Ngụy Chi Viễn không làm gì được, đành phải tạ chủ long ân, chất chứa oán hận một lần nữa qua lại với Tống Tiểu Bảo.
Ngụy Chi Viễn tranh giành tình cảm, quả thực Tống Tiểu Bảo thúc ngựa cũng chẳng theo kịp – về mặt này thì nó thật sự rất thiếu đầu óc nên đành chịu thôi.
Thí dụ như Ngụy Khiêm đẩy cửa tiến vào, có thể thấy thằng bé đang một mình cắm cúi quét nhà lau bàn, Tiểu Bảo có mắt không tròng ngồi trên sofa xem ti vi, làm như mọc mắt trên mặt chỉ dùng để thở thôi vậy. Con nhỏ vừa trở về, Ngụy Khiêm cũng không muốn hục hặc với nó, chỉ nói hai câu không cảm xúc, nhưng đối lập rõ ràng là gã thưởng cho Ngụy Chi Viễn thêm mười đồng làm tiền tiêu vặt.
Tống Tiểu Bảo ghen tị, hôm sau mới sáng sớm đã dậy hì hục tổng vệ sinh nhà cửa, trước buổi trưa đã nhanh nhẹn làm xong, Ngụy Chi Viễn nhìn vào thật tình chỉ muốn cười khẩy. Quả nhiên – đến tối Ngụy Khiêm quay về, căn bản chẳng chú ý nhà cửa đã sạch sẽ hẳn.
Lại thí dụ như ban đêm Ngụy Khiêm tắm xong, đi khắp nơi tìm tất bẩn mình cởi ra, định thuận tay đem giặt, kết quả là thấy Ngụy Chi Viễn đang vắt đôi tất đã giặt sạch lên sào phơi quần áo. Hôm ấy, Ngụy Chi Viễn vẫy đuôi hưởng thụ anh hai xấu hổ sờ đầu khen ngợi mình.
Tống Tiểu Bảo vừa ngưỡng mộ vừa ghen ghét, liền bắt chước làm theo, bữa sau nó thò tay đến cái quần lót anh hai thay ra, bị Ngụy Khiêm đỏ mặt tới mang tai giật lấy, đồng thời… nhận được một tiếng quát như bị giẫm trúng đuôi: “Mày sờ vào làm gì hả?”
Đủ thấy cuộc đời này thật là bất công biết mấy – Ngụy Chi Viễn và Tống Tiểu Bảo lại thuộc về cùng một loài mới đau chứ.
Bà Tống vừa phát hiện Tiểu Bảo mất tích liền biết ngay nó lại về chỗ “thằng ranh lưu manh” rồi.
Cách khu ổ chuột bọn Ngụy Khiêm ở không xa, có một ký túc xá tập thể của tư nhân, chia ra nam nữ, chuyên dành cho những người vào thành phố làm công nhân viên ở trọ, mỗi người một đồng một ngày – nếu Tiểu Bảo và bà nội ngủ cùng nhau thì hai bà cháu chỉ cần trả tiền cho một người thôi.
Bà Tống vốn định tích góp ít tiền rồi đưa Tiểu Bảo đi tìm nhà cấp 4 thuê một phòng, nếu không được thì dẫn Tiểu Bảo về quê.
Nào ngờ vừa đưa ra ý kiến “về quê” này thì Tiểu Bảo chạy mất, con bé rốt cuộc không nỡ xa ngôi nhà mình ở gần mười năm.
Từ khi nó về, mỗi ngày bà Tống đều lén lút đến lảng vảng một vòng gần đó, muốn nhân lúc Ngụy Khiêm ra ngoài lén ngó Tiểu Bảo một cái.
Đã đến cuối năm, mùa đông lạnh lẽo, trong phòng ngủ dành cho nữ công nhân có một cô gái trẻ không may bị bệnh lao dễ truyền nhiễm, ngay lập tức mọi người đành phải chuyển nhà tập thể, một mặt sợ bóng sợ gió cảm nhận xem mình có triệu chứng như ho khan và sốt nhẹ hay không.
Bà Tống cũng vác hành lý dọn đi.
Bà lão đi trong thành phố quá hỗn tạp này, bắt gặp một người đàn ông lang thang sắp chết cóng ở dưới một vòm cầu, bà lão dừng chân một lúc, thấy người kia sắp đông cứng lại rồi mà mãi chẳng có ai thèm để ý tới, tận đến buổi chiều mới có một đôi vợ chồng trung niên đúng lúc đi ngang qua xuống xe xem thử, sau đó báo cảnh sát.
Xe cảnh sát nhanh chóng đến chở người này đi, bà Tống nghe người qua đường bàn tán, biết nếu ông ta có thể sống sót, thì có khả năng sẽ bị đưa đến Sở thu nhận dân lang thang, hoặc sẽ bị trục xuất về quê cũ.
Quê cũ…
Bà Tống ngẩng đầu nhìn bầu trời bao la mà u ám trong thành phố phương Bắc này, thầm nghĩ: sắp đến Tết rồi, sao mình không về quê đi?
Nhưng một bà lão cô đơn một mình đón Tết, có tính là Tết không?
Bà Tống cúi đầu, quẹt nước mũi muốn đông lại, quyết tâm khỏi cần mặt mũi gì nữa.
Mà Tống Tiểu Bảo rốt cuộc cũng thò tay ra ngoài đúng như sự mong đợi của mọi người.
Hôm ấy là ngày hai mươi ba tháng Chạp, Tết ông Táo, Ngụy Khiêm xách số kẹo mạch nha hình quả dưa(1) và nhân sủi cảo về nhà, liền nhìn thấy cửa nhà hỗn loạn hết cả, bên trong là một cuộc chiến tranh không tiếng động.
Tống Tiểu Bảo tham lam, không buông được ông anh hai nuôi nấng mình từ nhỏ, cũng không bỏ nổi bà nội máu mủ ruột rà, cho nên khi bà nội quệt nước mắt đến tìm, nó vẫn để bà vào… Dù mọi chuyện xảy ra trước đó đã đủ để nó hiểu cuộc chiến căng thẳng giữa bà và anh.
Anh hai còn chưa về, Ngụy Chi Viễn vẫn như người vô hình không nói tiếng nào đã nổi điên lên trước.
Kể từ khi Tiểu Bảo nhận anh ba và không khiêu khích nữa, Ngụy Chi Viễn vẫn đối đãi không tệ, hầu như chưa từng trở mặt, giống như một cách xưng hô có thể làm cho con nít biết khiêm nhường và chú ý – không tính đến cuộc chiến tranh lạnh mấy hôm trước, Tống Tiểu Bảo tự nhận là mình đuối lý.
Cho nên Tiểu Bảo không ngờ Ngụy Chi Viễn phản ứng mạnh như vậy, nó hệt như chó dữ bị xâm phạm lãnh địa, hùng hổ nhìn bà Tống và Tiểu Bảo ở ngoài cửa.
Hễ hai bà cháu có tí tẹo phản ứng tính vượt ranh giới là nó liền chuẩn bị lao tới sống mái một trận.
Bà Tống vẫn ngứa mắt với Ngụy Khiêm, nhưng không có ý kiến gì với Ngụy Chi Viễn – Ngụy Chi Viễn chỉ là một đứa trẻ, ngoại hình xinh xắn, tính cách cũng không đáng ghét, thoạt nhìn còn dễ thương hơn Tiểu Bảo chuyên môn ồn ào.
Mới đầu bà Tống đứng ở cửa muốn nói lý lẽ, tiếc rằng Ngụy Chi Viễn chẳng thèm nghe một câu, ánh mắt hung ác thậm chí thù hằn bắn ra từ một bé trai mới lớn bằng này, có vẻ đặc biệt đáng sợ.
Bà Tống không định giải quyết vấn đề trong hòa bình nữa, cất một bước vào cửa, bỏ hành lý xuống.
Ngụy Chi Viễn giật túi đồ ném ngay ra ngoài không thèm nể nang. Nó còn thấy chưa đủ, lập tức bắt đầu ném cặp sách lẫn đồ đạc Tống Tiểu Bảo để trên bàn, vứt tất cả vung vãi ra ngoài, nó lại chạy vào phòng ngủ, ném hết chăn gối của Tiểu Bảo trên giường.
Nếu Tống Tiểu Bảo không tồn tại thì tốt rồi, nếu hai bà cháu nhà này đều không tồn tại thì tốt rồi – Ngụy Chi Viễn bị sự phẫn nộ làm mất trí, trong lòng chỉ còn đúng một câu này.
Tống Tiểu Bảo muốn đẩy nó, lại bị Ngụy Chi Viễn dễ dàng đẩy ngã phịch mông xuống đất.
“Đồ phản bội!” Nó chỉ mũi Tống Tiểu Bảo, không nhắc đến sự cầu khẩn của mình, định ra một tội danh đàng hoàng cho con bé trước, hòng che giấu lòng mình theo bản năng: “Mày là đồ phản bội!”
Tống Tiểu Bảo ban đầu còn muốn biện bạch: “Em không có phản bội, đó là bà nội em mà.”
Ngụy Chi Viễn: “Tao nhổ toẹt! Rõ ràng là một mụ phù thủy không biết xấu hổ!”
Tống Tiểu Bảo nghe thế, lập tức cũng giậm chân nói: “Mày mắng bà nội tao? Một thằng khốn nạn như mày có tư cách gì mà mắng bà nội tao? Đây là nhà tao! Anh tao! Bà nội tao! Mày không phải người nhà tao! Mày cút đi!”
Ngụy Chi Viễn sửng sốt, thoáng chốc không thốt được gì.
Nó nguội lại từ trong sự phẫn nộ mạnh, ý thức được rằng Tống Tiểu Bảo nói chẳng sai chút nào.
Ngụy Chi Viễn hầu như đã quên mất, đây quả thật không phải nhà nó, Ngụy Khiêm quả thật không phải anh ruột của nó, và nó quả thật cũng chẳng có tư cách quyết định vấn đề cho ai vào với không cho ai vào.
Sự hùng hổ lập tức tan thành mây khói, thằng bé im lặng đứng đó, khuôn mặt thoắt chốc đỏ bừng, không rõ là phẫn nộ hay nhục nhã.
Trong chớp mắt, lòng tự tôn của thằng bé đã bị đập tan tành.
Tống Tiểu Bảo buột miệng nói một câu, rồi ngay lập tức hối hận, song sự ngu ngốc trời sinh trong cách đối nhân xử thế một lần nữa chiếm thượng phong, tuy hối hận nhưng không biết làm sao cho được, đành phải giữ vẻ mặt bốc đồng quật cường mà đứng nguyên tại chỗ.
Hai đứa trẻ đồng thời lặng im một phút, sau đó Ngụy Chi Viễn chẳng nói chẳng rằng lướt qua nó bỏ ra ngoài.
Tống Tiểu Bảo rốt cuộc cảm thấy sự bất thường, nhỏ giọng gọi một tiếng: “Anh ba.”
Ngụy Chi Viễn thậm chí không thèm dừng bước.
Nó tay không cắm đầu đi ra ngoài, với quyết tâm thê lương gần như đập nồi dìm thuyền.
Ngụy Chi Viễn cắn răng nghĩ: đi thì đi, chả sao hết, cùng lắm là tiếp tục vào bãi rác đánh nhau với chó hoang để giành giật thức ăn, dẫu thế nào thì chắc chắn vẫn tốt hơn trước kia, nó đã thêm ba tuổi, tự cảm thấy đã là một người đàn ông rồi, đừng nói chó hoang, dù đụng trúng người lớn xấu xa, nó cũng có thể dùng ống tuýp đánh bại…
Sau đó gió hắt hiu sông Dịch lạnh tê(2) mà lao đầu vào lòng một người.
Người nọ ôm nó từ sau lưng, mùi thuốc lá rẻ tiền quen thuộc truyền đến, khiến tâm trạng Ngụy Chi Viễn thoáng cái đã xảy ra biến hóa mà chính bản thân cũng khó lòng hiểu nổi – trong chớp mắt nó đã từ một người đàn ông dũng cảm tiến lên biến thành một đứa trẻ tủi thân.
Ngụy Chi Viễn vùi mặt vào lòng Ngụy Khiêm, bám chặt lấy gã, đứng tại chỗ không hề nhúc nhích, không cho anh hai vào, cũng chẳng chịu ngẩng đầu, nó cố gắng kiềm chế không khóc, hai tay nắm áo khoác của Ngụy Khiêm nhăn nhúm lại.
Ngụy Khiêm vừa ngẩng đầu liền nhìn thấy hành lý và đệm chăn lộn xộn trong hành lang, sắc mặt bà Tống từ xấu hổ chuyển thành đề phòng… và cả Tiểu Bảo đang sợ hãi nhìn mình.
Ngụy Khiêm hít sâu một hơi, muốn đập chết bà già này, nhưng Tiểu Bảo… em gái cưng của gã khó khăn lắm mới quay về.
Gã sợ ném chuột vỡ đồ.
Ngụy Khiêm hiểu, nếu mình muốn giữ Tiểu Bảo lại thì nhất định phải nhượng bộ bà già thối tha ốm tong ốm teo, không có của cải gì… Dù cho khúc mắc trong lòng gã to bằng nắm tay, chỉ hận không thể chọc thủng ngực để lao ra.
Gã khoác lác rằng cả đời dù có thấp kém như bùn, cũng tuyệt đối không cúi đầu trước ai… Cho đến khi em gái gã dùng đôi mắt đẫm lệ, ép gã thỏa hiệp lần đầu tiên từ lúc sinh ra.
Giằng co một lúc lâu, Ngụy Khiêm rốt cuộc đẩy nhẹ vai Ngụy Chi Viễn một cái, thằng bé không chịu động đậy, vì thế Ngụy Khiêm hơi mạnh tay hơn, bẻ cằm nâng đầu Ngụy Chi Viễn lên.
Gã thiếu niên thở dài, lấy một viên kẹo to nhất trong cái gói giấy, đút vào miệng Ngụy Chi Viễn.
Ngụy Chi Viễn lờ mờ liếm thử, phát hiện là ngọt, nó thích ăn ngọt, nhưng không thích loại ngọt gắt như món kẹo này, vậy nên dùng đầu lưỡi đẩy sang bên làm má phồng lên, nó dùng răng tách rời kẹo với lưỡi, chờ từ từ tan ra.
Rồi Ngụy Khiêm nhét bọc ni lông và gói giấy trong tay vào lòng nó, thò hai tay xuống dưới nách xách nó lên như một chú mèo con mà bế vào nhà.
“Giúp tao rửa đồ, tối nay chúng ta ăn sủi cảo.” Ngụy Khiêm nói, cố ý lờ đi sự thật rằng trong nhà còn hai người khác, thái độ gần như dịu dàng hỏi Ngụy Chi Viễn, “Kẹo ngon không?”
Ngụy Chi Viễn hơi do dự rồi gật đầu, lát sau thằng bé lén đưa viên kẹo nằm ngoài hàm răng về miệng, liếm thử thấy cũng được, không khó nuốt lắm.
Ngụy Khiêm không để ý đến bà Tống, cũng không ngăn cản Tiểu Bảo cho bà lão vào, càng không giúp Tiểu Bảo nhặt đồ đạc.
… Có điều khi bà Tống gượng gạo đi vào bếp, quan sát phản ứng của gã giây lát rồi thử bắt tay vào băm nhân bánh, gã cũng chẳng nói gì.
Ngụy Chi Viễn khó bình tâm, Tống Tiểu Bảo vẫn còn lo sợ, mà một người lớn với một thiếu niên hầu như có thể coi là người lớn còn lại đã đạt được hứa hẹn ngầm kỳ lạ – cả hai không hẹn mà cùng giữ nguyên vẻ hòa bình bên ngoài, không ai thua cũng chẳng ai thắng.
Bà Tống rốt cuộc vẫn không thể cướp cô cháu cưng khỏi tên lưu manh thối tha, mà Ngụy Khiêm cũng chỉ đành bấm bụng khoan nhượng cho một mụ khọm già đáng ghét vào ở trong căn nhà vốn không rộng của mình.
Hai người dù thường xuyên chạm mặt nhưng đều coi đối phương như không khí một cách hoàn hảo, chẳng ai thèm đếm xỉa tới ai.
Tối đó Tống Tiểu Bảo lúng túng xin lỗi Ngụy Chi Viễn, Ngụy Chi Viễn liếc thử nét mặt Ngụy Khiêm, cố gắng ra vẻ không so đo.
Việc này coi như qua, Tiểu Bảo vẫn là em út, Tiểu Viễn vẫn là anh ba, sau đó thỉnh thoảng chúng cũng chụm lại so đáp án bài tập trong kỳ nghỉ đông.
Trước kia chúng luôn cùng làm bài tập trong phòng Tống Tiểu Bảo, ở đó có bàn học và một cái giá sách nhỏ giản đơn, nhưng từ sau hôm ấy, Ngụy Chi Viễn không còn vào phòng nữa.
Nó dọn hết sách giáo khoa lẫn vở bài tập ra ngoài, dùng hai miếng giấy cứng đệm vào một cái bàn nhỏ chân hơi cọc cạch bình thường không hay dùng ở trong phòng khách, từ nay đóng đô luôn ở đó.
Ngụy Khiêm hiểu rõ hết, liền mặc kệ nó.
Sau đó Tiểu Bảo hơi lớn hơn, không còn vô tâm vô tư như vậy nữa, bắt đầu biết tính toán một chút, từng năm lần bảy lượt viện các lý do muốn để Tiểu Viễn vào, tiếc rằng Ngụy Chi Viễn hoàn toàn không mắc mưu, mãi đến khi họ chuyển khỏi khu ổ chuột có lịch sử lâu đời này, Ngụy Chi Viễn cũng không còn đặt chân vào căn phòng đó một bước nào nữa.
—Kẹo mạch nha hình quả dưa dùng cúng ông Táo, để khi lên trời bẩm báo ổng nói ngọt chút, ngoài ra cũng có ý dán miệng ổng lại cho khỏi lắm lời. Câu này là của Kinh Kha trước khi đi ám sát Tần Thủy Hoàng. Nguyên văn: Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn. Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản.