Đại Ca

Hôm sau Ngụy Khiêm ra ngoài thấy thằng nhóc hãy còn ở đó, đầu to tay chân nhỏ, cuộn thành một cục tròn vo.

Ngụy Khiêm suýt nữa vấp ngã vì cái cục quần áo tả tơi này.

Sau một đêm, lửa giận trong lòng đã tiêu đi quá nửa, Ngụy Khiêm bất lực cúi đầu nhìn tên nhãi cuộn thành một cục, không biết rốt cuộc thằng ranh này nghĩ sao nữa.

Ngụy Khiêm tự thấy khắp người mình là sự hận thù xã hội, không có Phật quang chiếu rọi lẫn vô lượng thiên tôn, để ý thì hình như bản thân cũng chưa từng trưng ra bản mặt dễ nhìn.

Ngụy Khiêm không hiểu, tên nhãi làm như lúc nào cũng chuẩn bị chiến đấu này thích gì ở mình mà dễ dàng dỡ bỏ phòng bị, lại còn bám dính lấy mình.

May mà là mùa hè, chứ nếu là mùa đông, ngủ ngoài trời một đêm ở miền bắc có thể khiến nó chết cóng luôn.

Một đứa nhóc bé teo như vậy, đứng dậy trông cũng chỉ xấp xỉ Tiểu Bảo, không thể về nhà xách dao ra chém, Ngụy Khiêm thò chân khều cái cục bên dưới: “Này, này này, dậy coi, đừng có ngủ ở đây, có nghe thấy không hả? Nhà tao còn chưa mở cửa đâu, ngủ ở đây làm gì?”

Cái cục đen nhẻm ngái ngủ ngẩng đầu lên, vừa thấy Ngụy Khiêm thì lập tức tràn đầy sức sống, nhìn gã đầy chờ mong, như một con mèo nhỏ chân nam đá chân chiêu, đuôi run rẩy vì lạnh mà vẫn cố gắng cọ chân người ta, cố gắng biểu hiện sự ngoan ngoãn và vô hại của bản thân để cầu xin nhận nuôi.

Bất cứ ai nhìn thấy đều không đành lòng, tiếc rằng nó lại gặp trúng kẻ lòng dạ sắt đá như Ngụy Khiêm.

Ngụy Khiêm không hề biết cảm thông, đánh chó đập mèo chẳng từ việc nào, kiên định ngó lơ đôi mắt đầy tội nghiệp, hơn nữa chẳng buồn mở miệng, với tay khóa trái cửa, khom lưng túm cánh tay gầy gò xách thằng bé đi xuống lầu, sau đó ném lên bãi cỏ ít được chăm sóc, dứt khoát: “Đừng có được voi đòi tiên, cút!”

Thằng bé lăn lóc giữa bụi cỏ, trơ mắt nhìn đối phương cứ thế bỏ đi một nước hệt như ác ôn.

Phải mất một lúc lâu nó mới bò dậy, ngửa đầu nhìn chung cư cũ nát với nó mà nói là hết sức cao lớn đồ sộ, giây lát sau cúi đầu xuống, mấy ngón chân trần xoắn vào nhau, nó cảm thấy cực kỳ thất vọng.

Tên nhóc này quả thật là một đứa trẻ từng bị người ta lừa bán – Ngụy Khiêm tinh mắt, không nhìn lầm.

Lúc bị bắt cóc nó còn quá nhỏ, không nhớ nổi ngọn nguồn, bọn buôn người nuôi nó mấy tháng, sau đó bán lại cho một nhà nông dân xa tít mù tắp.

Việc này thì cũng chẳng sao hết, làm con ai đều là con, nó còn được hưởng thụ cuộc sống của con một suốt hai năm.

Ai ngờ năm thứ ba, bà mẹ nuôi bị thầy lang kết luận là không có khả năng sinh đẻ lại mang bầu như phép lạ, tới năm sau thì đẻ một thằng nhóc béo tròn khỏe mạnh.

Từ đó về sau, ở trong nhà cha mẹ nuôi nó có vẻ dư thừa, cuộc sống cũng ngày càng tệ hơn.

Bữa đó nó rửa chén trong nước giếng lạnh ngắt, bởi vì ngón tay cóng đến mất cảm giác mà bất cẩn làm vỡ một cái chén, chọc giận ông cha dượng say khướt quay về.

Ổng lột sạch quần áo của nó, phạt nó đứng trong cái sân mà nước đóng thành băng ngay giữa mùa đông.

Suýt nữa thì chết cóng, thế rồi, nó có một quyết định không ngờ ở tuổi của nó – bỏ chạy.

Thằng bé trộm ít quần áo của người lớn khoác đại lên, sau đó dùng thang trèo tường ra ngoài ngay trong đêm, nó lén trốn vào xe rau cải đang chở đến thành phố để dự trữ cho mùa đông, cứ thế bị kéo vào một thành thị.

Từ đó, nó trở thành một đứa lang thang.

Một bé trai không ai quan tâm như vậy rất dễ bị để ý, trong thời gian này, nó năm lần bảy lượt suýt nữa lại bị người ta lừa bắt, một số tính bán nó, một số khác định bắt nó đi ăn trộm, còn có hai kẻ thương lượng muốn bán nội tạng của nó – thằng bé nửa đêm đi tè nghe trộm được, lập tức chạy ngay trong đêm.

Nó có thể lớn lên như thế này, mỗi lần đều chạy trốn thành công, may mắn như kỳ tích, bỏ chạy hoài thành bán chuyên gia luôn.

Nó lén đi ké xe chùa, liên tục đổi qua mấy thành phố, gặp đủ mọi hạng người, thỉnh thoảng có người muốn nói chuyện, nó đều làm bộ câm điếc, đồng thời nhanh chóng nghĩ cách bỏ trốn, trong số này có lẽ thật sự có người tốt bụng, tiếc là nó không dám thôi cảnh giác – bị bán sỉ nguyên bộ thì thôi, nó còn sợ những người đó còn toan mổ bụng nó ra để bán lẻ từng phần.

Nhưng ăn gió nằm sương, bữa đói bữa no, nó vẫn ngưỡng mộ những người có nhà cửa gia đình theo bản năng.

Thằng bé đã rất lâu rồi không biết gia đình là cảm giác gì, nhưng mà nó không thể có gia đình, bởi vì nó sợ tiếp xúc với bất cứ ai.

Trong mắt nó, trên thế giới dường như chỉ có hai loại người, một loại chê nó bẩn, đi vòng thật xa, còn dùng đá ném nó đánh nó, một loại vẻ mặt ôn hòa nhưng trong bụng thực tế vẫn muốn bán nó.

Cho đến khi nó gặp người đặc biệt như vậy.

Nó từng nghe người khác dùng giọng địa phương đặc sắc gọi “Nhóc Khiêm”, người này giúp nó đánh đuổi con chó hoang to đùng, cho nó ăn, nhưng đều ném xong đi ngay, chưa từng nói với nó một câu.

Đương nhiên, phần lớn thời gian người này đều làm như không thấy nó.

Việc Ngụy Khiêm làm như không thấy và không thèm bắt chuyện luôn khiến thằng bé có cảm giác an toàn, đồng thời, hành vi thỉnh thoảng bố thí lại cho nó cảm thấy một chút ấm áp hiếm gặp.

Thực ra thì thằng bé vẫn luôn đổi chỗ ở liên tục, nhưng để nhìn trộm người này mỗi ngày, nó bất giác ở lại con hẻm này mấy tháng liền.

Mấy tháng qua, sau khi quan sát cẩn thận và luận chứng thận trọng, thằng bé dùng cái đầu thiếu chất do đói khát cho ra một kết luận – anh này là người tốt.

Trong kiếp sống lưu lạc của nó, đây là lần đầu tiên nó không cầm lòng được mà sinh ra khát vọng tiếp xúc với người khác… Nhưng điều khiến nó thất vọng chính là, khi nó thò xúc giác thử chạm đến, tên khốn nạn trông như “người tốt” kia dường như không hề muốn nhận nuôi nó.

Thằng bé vừa thất vọng vừa khổ sở, quanh quẩn tại chỗ một lúc, cân nhắc liệu có nên bỏ cuộc hay không.

Nó còn chưa nghĩ thông thì trời đã đổ mưa, thằng bé bất đắc dĩ đành phải trốn về hành lang.

Cơn mưa tầm tã đến chiều vẫn chưa tạnh, mẹ Tam Béo buổi trưa xuống lầu một chuyến, giúp Tiểu Bảo hâm cơm, thấy thằng bé cuộn mình giữa hành lang, lập tức giật mình khom lưng đánh giá: “Ôi trời, con cái nhà ai đây?”

Thằng bé lập tức hệt như một con nhím xù lông, hung ác ngẩng đầu lên, toàn thân kéo căng, giống như định xông đến cắn bất cứ lúc nào, ánh mắt dữ tợn làm mẹ Tam Béo giật mình lui lại nửa bước: “Ối chà, ra là một thằng nhãi ăn mày điên khùng!”

Mẹ Tam Béo sợ rước lấy phiền toái, cảnh giác nhìn nó một cái, nhanh chóng dùng chìa khóa Ngụy Khiêm để lại mở cửa lao vọt vào nhà.

Buổi tối Ngụy Khiêm tan trường làm việc trở về, vừa cúi đầu liền thấy cái cục be bé trong xó, sắc mặt tức khắc không dễ coi lắm.

Gã sải bước đến, muốn đạp văng thằng ranh không biết tốt xấu này một lần nữa, cái cục tròn vừa thấy gã đến, cho rằng sắp bị đánh, vội vàng hoảng sợ rụt vào góc tường, trưng ra tư thế phòng ngự.

Trong lòng Ngụy Khiêm sinh ra cảm giác thỏa mãn lạ lùng khi thấy thằng quỷ này cũng biết sợ hãi, gã thiếu niên cấp hai lạnh lùng hừ một tiếng, ngẩng đầu nhìn lướt qua cơn mưa ngoài cửa sổ, sau đó lại quay người vào nhà bỏ qua cho tên nhãi kia.

Mùa hè oi bức, bình thường Ngụy Khiêm chỉ đóng cửa chống trộm có một lớp lưới chứ không hề đóng cửa chính, để gió lùa vào nhà.

Tiểu Bảo nhìn thấy bên ngoài có một cậu bạn nhỏ, liền nói bằng giọng non nớt: “Anh ơi, người bên ngoài là ai vậy, không mặc quần, xấu hổ quá à.”

Ngụy Khiêm nói: “Cứ chơi đi, kệ xác nó.”

Một lát sau, Tiểu Bảo lại nói: “Anh, nó cứ nhìn anh em mình kìa.”

Ngụy Khiêm bước đến, đứng ngay cửa hung tợn quát ầm lên: “Mày xéo ngay cho tao!”

Thằng nhóc giật thót, chần chừ lui lại vài bước.

Nhưng đến khi gã bưng thức ăn từ trong bếp đi ra, đã thấy Tiểu Bảo ngồi chồm hổm ngay cửa, ngó bên ngoài nói: “Anh, nó còn đang nhìn mình kìa, anh cho nó vào đi.”

Lần này Ngụy Khiêm đến cả hù dọa cũng lười, dứt khoát chẳng thèm để ý tới con bé, đặt thức ăn lên bàn, sau đó đi tới đóng sầm cửa, ngăn cách hoàn toàn đôi mắt rình mò ước ao kia ở bên ngoài.

Để nó vào? Ngụy Khiêm nghĩ thầm, nếu mình là một phú ông giàu nứt đố đổ vách, ranh con như vậy gã sẵn lòng nuôi hàng chục đứa, mỗi sáng để chúng đứng xếp hàng điểm danh chơi.

Nhưng gã là ai?

Gã chỉ là một tên côn đồ khố rách áo ôm, ngay cả bốn trăm đồng tiền học phí khai giảng phải nộp cũng chưa biết xoay bằng cách nào!

Đáng tiếc con gái hướng ngoại, cô bé Tống Tiểu Bảo này quả thực chẳng ra gì, vừa mới tháo tã được vài hôm mà đã biết thò tay ra ngoài.

Chưa đến hai hôm, Ngụy Khiêm vừa vào cửa đã phát hiện Tiểu Bảo cho thằng ranh kia vào nhà.

Ngụy Khiêm sợ trẻ lang thang có bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng, sẽ lây cho Tiểu Bảo, vì thế lập tức mắng cho một trận, làm con bé sợ quá khóc ầm lên. Gã xách cái áo ba lỗ trên người thằng nhãi, một lần nữa lẳng ra ngoài như ném miếng giẻ lau.

Thằng bé giãy giụa trong tay gã nhưng không lại, liền dùng đôi mắt đen láy kia nhìn gã chằm chằm, đôi mắt ấy hệt như tảng đá màu đen trên núi vừa được mưa gột, trên khuôn mặt bé teo lem luốc không thấy rõ ngũ quan có vẻ hết sức chói mắt và hoang dại như vậy, lại tràn ngập phẫn hận, mất mát cùng thấp thoáng cầu xin.

“Thằng chó!” Ngụy Khiêm mắng nó.

Tiểu Bảo thật ra là một đứa trẻ chỉ nhớ ăn chứ không nhớ đòn – chủ yếu là bởi vì Ngụy Khiêm chưa thực sự đánh nó bao giờ, mặc dù không thể hiện rõ nhưng trên thực tế gã cưng chiều nó tới mức ngay cả một sợi tóc cũng chưa chạm vào, thế cho nên con nhỏ thoắt cái đã quên béng chuyện bị mắng.

Chưa đến ba ngày, con nhỏ lại tha thằng nhãi kia về.

Quả thật là âm hồn bất tán, lần này, ông anh vừa lạnh lùng vừa xấu tính rốt cuộc nổi giận, Ngụy Khiêm thò tay ra bắt nó, thằng nhóc nhận thấy nguy hiểm, vội nhảy vọt lên tránh đi, để bàn tay Ngụy Khiêm giơ cao bị vồ hụt.

Ngụy Khiêm nổi giận đùng đùng, giơ chân đạp nó một phát, thằng nhỏ bị giẫm đau nhưng không kêu la, chỉ rên một tiếng, thuận thế quỳ xuống đất ôm chân Ngụy Khiêm.

Con bé Tiểu Bảo này dù sao cũng đã có kiến thức, nó chưa từng nghĩ tới ông anh sớm chiều sống chung lại bạo lực như vậy, sợ quá khóc òa lên, gào: “Anh!”

Thằng nhóc chẳng biết bị làm sao, nghe câu ấy giống như tâm thần bị tác động, nó giả câm đã hơn một năm, lúc này lại không đầu óc mở miệng với Ngụy Khiêm, mặc dù giọng khàn không giống trẻ con, phát âm cũng rất lạ lùng, nhưng Ngụy Khiêm vẫn nghe rõ, nó gọi theo Tiểu Bảo: “Anh!”

Ngụy Khiêm đã giơ chân lên chuẩn bị giẫm xuống đột nhiên khựng lại đó.

Mình đang làm gì thế này? Ngụy Khiêm ngỡ ngàng nghĩ, đánh một tên nhãi ranh như vậy? Thế thì có khác gì bà mẹ đê tiện của gã?

Cuối cùng Ngụy Khiêm thở dài, từ từ rụt chân, không nói một lời đi vào bếp, qua quýt làm một bát mì lõng bõng nước, bưng đến trước mặt nó: “Ăn đi!”

Thằng bé không muốn tỏ ra quá yếu thế, đáng tiếc bát mì này giống như nắng hạn gặp mưa, vừa nghe mùi thì hai chữ “yếu thế” liền vui vẻ kết bạn bỏ trốn ném nó lại.

Nó vùi mặt vào bát mà húp sì sụp, hệt như gió thu cuốn hết lá vàng, xơi ba bát liền căng tròn bụng.

Ngụy Khiêm kiên nhẫn ngồi bên cạnh, chờ nó ăn xong liền dọn dẹp bát đũa, sau đó bảo: “Hiểu được tiếng người chứ? Được rồi, tao biết mày hiểu.”

Ngụy Khiêm vẩy nước rửa bát trên tay đi, ngồi xổm xuống, để tầm mắt ngang với nó.

“Tao không nuôi nổi mày đâu,” Gã hầu như đã dùng sự kiên nhẫn lớn nhất trong đời mà nói, “Mày tìm nhầm chỗ rồi.”

Mép thằng nhóc còn dính nước mì chưa lau khô, đôi mắt sáng rực như sao nhìn chằm chằm vào thiếu niên trước mặt.

Ngụy Khiêm đẩy nhẹ vai nó bảo: “Được rồi, ăn no rồi thì đi đi.”

Sau một phút, thằng bé lần đầu tiên tự mình ra khỏi nhà chứ không phải bị gã dùng bạo lực ném ra.

Hai ba ngày liền Ngụy Khiêm không hề thấy thằng nhóc cứ bám dính lấy mình, mãi đến xế chiều ngày thứ tư, gã lê thân thể mệt mỏi về nhà, tính xem mình còn thiếu bao nhiêu tiền học phí, lại nhìn thấy nó ở ngay cửa nhà.

Lần này Tiểu Bảo không dám mở cửa, hai đứa trẻ một trong một ngoài, nghe thấy tiếng bước chân thì đồng thời ngẩng đầu nhìn gã đầy chờ mong.

Thằng bé đứng ngoài cửa lôi một cái bao, bên trong vang “leng keng loảng xoảng”, Ngụy Khiêm cúi xuống nhìn thử, phát hiện là một bao nào chai nào lon.

“Cái này bán được đấy.” Thấy gã mãi không nói gì, thằng bé mới nhỏ giọng giải thích, giống như sợ Ngụy Khiêm không tin, thò bàn tay bé tẹo nhớp nháp ròng ròng mồ hôi, cầm hai đồng năm hào tiền giấy, “Thật đó, em từng bán rồi.”

Ngụy Khiêm vẫn chỉ im lặng.

Tiểu Bảo đúng lúc gọi khẽ một tiếng: “Anh.”

Ngụy Khiêm nhắm mắt thầm nghĩ: “Mẹ kiếp chuyện gì thế này!”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui