Đại Đường Song Long Truyện

Trong tiền sảnh vọng lại tiếng Trì Sanh Xuân nói chuyện với cao thủ Ma môn họ Hứa, không thấy giọng của Văn Thái Đình hay Bạch Thanh Nhi.

Đến giờ Từ Tử Lăng vẫn chưa hiểu quan hệ thật sự giữa Trì Sanh Xuân và người được gọi là Hứa sư thúc, chỉ biết y công khai hỗ trợ Trì Sanh Xuân quản lý Lục Phúc Đổ Quán.

Gã lẳng lặng vượt qua một giếng trời lớn giữa trung sảnh và tiền sảnh, đứng lại trong bóng tối gần cửa nơi ánh đèn không rọi tới, vận công lên song nhĩ nghe không sót một lời nói chuyện nào.

Trì Sanh Xuân thở dài:

- Không biết ai đã tiết lộ tin tức để giờ truyền đến tận tai Lý Uyên, khiến cho ta tiến thoái lưỡng nan.

Hứa sư thúc hừ lạnh hỏi:

- Có lẽ nào người của Độc Cô phiệt cố ý hãm hại Sanh Xuân?

Từ Tử Lăng trong lòng rúng động, Độc Cô phiệt với Trì Sanh Xuân có qua lại như thế nào? Việc này đúng là nằm ngoài dự liệu. May là nghe ngữ khí của lão Hứa sư thúc có thể thấy hai bên chẳng tín nhiệm gì nhau để có thể chân thành hợp tác. Thật ra chỉ riêng một mình Vu Sở Hồng bọn gã cũng khó đối phó rồi.

Theo như lời Khấu Trọng, với công lực của Vu Sở Hồng, sau khi được hắn hiệp trợ châm cứu trị liệu, có khả năng rất lớn là bà ta đã hết bệnh hen suyễn, võ công nhân đó tạo nên đột phá. Một Vu lão bà tử không có bệnh suyễn, đúng là chuyện chẳng thể nói chơi được.

Trì Sanh Xuân cười khổ đáp:

- Ta nghĩ là không phải. Theo đạo lý mà nói thì Độc Cô phiệt đã bán đồ cho Sanh Xuân, Sanh Xuân tốt xấu gì cũng là khách hàng của họ, có thể tạm thời chu cấp cho họ trong cảnh tiền bạc túng thiếu tại Trường An. Ta là ân nhân chứ chẳng phải cừu nhân của Độc Cô phiệt. Hại Sanh Xuân như vậy có gì tốt đâu. Bọn họ chi tiêu rất nhiều, còn phải chấn hưng thanh thế ngày xưa, không sợ về sau ta không tiếp tục giao dịch nữa sao?

Từ Tử Lăng đã hiểu ra, tức thì cảm thấy lo lắng.

Độc Cô phiệt vội vã chạy đến Trường An nên chỉ có thể mang theo một ít đồ tế nhuyễn trân quý nhất. Toàn bộ tài sản bỏ lại ở Lạc Dương đã bị Vương Thế Sung tịch thu. Nếu muốn duy trì lối sinh hoạt phong quang ở Trường An, họ không thể không bán những món bảo vật trong tay để có tiền sinh sống hoặc buôn bán làm ăn.

Hiện tại Từ Tử Lăng cũng có thể được gọi là người khá giả, không phải lo đến miếng cơm manh áo. Nghe những lời này của Trì Sanh Xuân, gã chợt nhớ lại khi xưa tại Dương Châu cùng Khấu Trọng làm hai tên tiểu lưu manh ăn không đủ no mặc không đủ ấm, thật là một tư vị khó nói nên lời.

Quá khứ và hiện tại, thật ra lúc nào bọn gã thấy vui hơn? Chỉ sợ cả gã và Khấu Trọng đều không thể trả lời.

Hứa sư thúc hỏi:

- Ai biết trong tay Sanh Xuân có bức Hàn Lâm Thanh Viễn Đồ của Triển Tử Kiền[1]?

Từ Tử Lăng lập tức tinh thần đại chấn, thầm nghĩ mình may mắn. Thì ra thứ Độc Cô phiệt đem bán chính là bảo vật này. Nghĩ lại gã cũng thấy chuyện đó khá hợp lý. Chỉ có một thế gia đại phiệt nắm phần lớn quyền lực của Tuỳ triều mới có khả năng tư hữu loại bảo vật như vậy. Nói không chừng bọn họ thuận tay đoạt nó từ phế đế Dương Đồng lúc bỏ chạy tới Trường An.

Trì Sanh Xuân trầm tư một lúc rồi trả lời:

- Việc này ta chẳng thể nói càn được. Biết chuyện đó ngoại trừ Độc Cô phiệt còn có Đại Tiên Hồ Phật. Chính ta yêu cầu lão nhân gia người đến giám định thật giả. Bức họa trị giá cả vạn lạng hoàng kim, Sanh Xuân đương nhiên không dám khinh xuất. Bất quá ta tin rằng Đại Tiên tuyệt không tiết lộ chuyện này, bởi ta đã nói nếu hôn sự được cử hành, tuyệt tác này chính là sính lễ.

Từ Tử Lăng làm sao ngờ nổi bức Hàn Lâm Thanh Viễn Đồ lại có quan hệ lằng nhằng với Hồ Tiểu Tiên như vậy. Đại Tiên Hồ Phật là chuyên gia giám định cổ họa, bản thân cũng giống Hầu Hy Bạch ở chỗ yêu tranh như mạng. Từ đó có thể thấy Trì Sanh Xuân đối với Hồ Tiểu Tiên vô cùng trọng thị, vừa ra oai vừa dùng vật chất để cám dỗ, chẳng có cách gì không sử dụng. Gã cảm thấy việc này được chúng tiến hành rất khẩn trương. Giang hồ có quy luật của giang hồ, một khi đã mở miệng đáp ứng hôn sự, sau này Hồ Phật không thể nuốt lời được.

Hứa sư thúc nói với vẻ đồng tình:

- Hồ Phật không phải loại người hồ ngôn loạn ngữ. Y chỉ có một đứa con gái chứ không có kẻ nối dòng, được Sanh Xuân làm phu tế đúng là đã tu mấy kiếp. Tiết lộ bảo họa đối với y chỉ có hại mà không có lợi.

Trì Sanh Xuân cười dâm dục rồi nói:

- Một khi Hồ Tiểu Tiên hưởng qua tư vị của Sanh Xuân này, bảo đảm nàng sẽ biết tu mấy kiếp là như thế nào.

Từ Tử Lăng lần đầu tiên nghĩ đến sự nghiêm trọng cũng như hậu quả khôn lường của chuyện này.

Ma môn đích thị có bí pháp để chinh phục nữ nhân tại chốn phòng the. Hồ Tiểu Tiên tuy không là loại đàn bà dâm đãng nhưng cũng chẳng phải là khuê nữ chính chuyên gì. Nếu Trì Sanh Xuân sử dụng thủ đoạn trên giường, cả hai sẽ đều vui vẻ, từ hận chuyển thành yêu, khả năng rất lớn là thị sẽ tiết lộ bí mật của Từ Tử Lăng, vậy thì đúng là mất cả chì lẫn chài, lật thuyền trong cống rãnh.

Hứa sư thúc mặc nhiên cười đồng lõa:

- Hồ Tiểu Tiên có bản lãnh gì mà có thể rời khỏi lòng bàn tay của Sanh Xuân. Huống hồ Tổ Văn và Lý Nguyên Cát đều là người mà hai cha con họ không dám đắc tội. Còn về bức Hàn Lâm Thanh Viễn Đồ thì Sanh Xuân không cần lo về Lý Uyên. Y chỉ ham nữ sắc chứ không mê thư họa. Sanh Xuân cứ xem như chẳng biết gì, qua vài ngày thì mang sính lễ sang cho Hồ Phật, kính chuyển cho y chuyện đau đầu này, có gì phải lo nữa đâu? Hà!

Chỉ nghe mấy lời vừa rồi cũng đủ biết tâm địa lão độc ác khôn cùng, vui trước nỗi đau của người khác, đồng thời lộ rõ bản tính tự tư tự lợi của đám người trong Ma môn.

Trì Sanh Xuân thở dài:

- Vấn đề là sáng nay Lý Uyên sai Lưu Văn Tĩnh tới tìm ta nói chuyện. Hắn bóng gió rằng trong bộ sưu tập về Tứ đại gia tiền triều của Trương Tiệp Dư chỉ thiếu bút pháp chân tích của Triển Tử Kiền, khác gì nói là Sanh Xuân nên tự biết điều mà hai tay dâng bảo. Ài! Nói trắng ra, nếu không có kế hoạch lấy bức tranh làm sính lễ cho Hồ Phật, ta nhất định không do dự đem đến cho Lý Uyên để lão có cơ hội làm vui lòng mỹ nhân. Bây giờ quả là tiến thoái lưỡng nan, sợ rằng trong lúc nóng giận Hồ Phật sẽ cự tuyệt hôn ước. Sư thúc dạy ta phải làm gì đây, đến cơm ta cũng không nuốt xuống được.

Từ Tử Lăng đã hiểu rõ ràng chuyện liên quan đến Hàn Lâm Thanh Viễn Đồ, chẳng trách Lý Uyên nhắc đến bức họa này trước mặt Hầu Hy Bạch, có lẽ muốn mượn lời hắn bức bách Trì Sanh Xuân hiến bức bảo họa ra. Nào biết Hầu Hy Bạch thấy tác phẩm mình yêu là lập tức sinh ra tham vọng tư hữu. Lý Uyên chờ đợi mấy ngày mà Trì Sanh Xuân chả có động tĩnh gì, lão hết kiên nhẫn sai Lưu Văn Tĩnh nói thẳng ra yêu cầu đó, làm cho Trì Sanh Xuân cơm canh chẳng thiết, rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở.

Hứa sư thúc hoảng hốt nói:

- Nguyên lai sự tình biến thành như vậy, hèn chi ngươi lại ngồi đây thở ngắn than dài. Lưu Văn Tĩnh đã mở miệng nói ra, Sanh Xuân nếu không lập tức hiến bức họa thì đồng thời mang tội với cả hắn và Lý Uyên. Chuyện này đối với đại kế của chúng ta đúng là cực kỳ bất lợi.

Trì Sanh Xuân nói:

- Sanh Xuân đương nhiên không dám từ chối Lưu Văn Tĩnh, nên đã đem tất cả tâm sự bộc bạch với y. Hy vọng họ Lưu trước mặt Lý Uyên nói được vài lời tốt đẹp. Chờ cho hôn sự thành công ta sẽ tìm biện pháp lấy lại từ tay Hồ Phật, sau đó hiến cho Lý Uyên.

Hứa sư thúc bất chợt kêu lên:

- Không được!

Trì Sanh Xuân hoảng hốt hỏi:

- Có vấn đề gì không ổn?

Hứa sư thúc thở dài nói:

- Đương nhiên là chuyện lớn. Đại Tiên Hồ Phật cho dù tại Trường An hay trong giang hồ đều được xem như người có đức cao vọng trọng, Lý Uyên thủy chung cũng có một nửa thân phận là người võ lâm, cho nên không thể lờ đi quy củ giang hồ. Chỉ vì muốn phi tần vui lòng mà phải ép Hồ Phật hiến lên vật sính lễ dành cho Hồ Tiểu Tiên là một việc hoàn toàn trái với đạo lý. Lý Uyên rất coi trọng thể diện, lão dại gì mà làm chuyện khiến người người khinh thường chứ?

Trì Sanh Xuân chẳng nói lại được lời nào.

Từ Tử Lăng nhẹ nhàng lẻn vào thư trai. Giờ đây cho dù Hầu Hy Bạch không thỉnh cầu gã cũng sẽ ăn cắp bảo họa này, làm cho vấn đề của Trì Sanh Xuân trở thành tuyệt chứng hòng đả loạn trận cước của hắn. Khi đó không những có thể phá hoại mối quan hệ của y với Lý Uyên, mà còn làm cho Hồ Phật bất mãn.

o0o

Khấu Trọng cắm đầu cắm cổ chạy một mạch trên bình nguyên hoang dã rộng lớn hướng về phía Tây, dưới bầu trời tinh tú quây quần. Càng rời xa chiến trường lòng gã lại càng trở nên mờ mịt.

Chẳng lẽ đành bất lực để Vương Thế Sung mất Lạc Dương, gã mất đi hôn ước với Tống Ngọc Trí, không còn sự kỳ vọng và hỗ trợ của Tống Khuyết, mất luôn Ba Thục và thậm chí thua cả trận chiến tranh bá thiên hạ thế này sao?

Khấu Trọng cùng với Vương Thế Sung mâu thuẫn gay gắt, việc này đối với lòng quân của Đại Trịnh có thể nói như nhà dột gặp mưa. Những tướng lĩnh vốn chưa có dị tâm, hiện tại sẽ vì bản thân mà suy tính đường lui cho mình.

Gã chắc chắn Lý Thế Dân có thể thành công cô lập Lạc Dương, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Thời điểm thành Lạc Dương thất thủ có quan hệ rất lớn đối với sự tồn vong của Thiếu Soái quân. Với thực lực hiện tại của mình, Khấu Trọng tuyệt không có khả năng đối đầu trực tiếp để đoạt Giang Đô từ tay Lý Tử Thông, thay vào đó chỉ có thể sử dụng mưu kế. Nếu có thêm chút thời gian, gã sẽ thông qua Trúc Hoa Bang làm nội ứng để phá vỡ tuyến phòng ngự đã như mặt trời xuống núi của hắn.

Từ khi quyết tâm tranh bá thiên hạ, Khấu Trọng chưa bao giờ cảm thấy thế cùng lực kiệt như hiện tại.

Lý Thế Dân đích thực là đại kình địch lớn nhất. Giờ phút này gã mới thật sự lĩnh hội được vì sao y lại có thể tạo ra chướng ngại và uy hiếp lớn đến thế.

Lúc này Khấu Trọng chỉ muốn nhanh chóng tìm được Từ Tử Lăng, kể với hắn mọi sự lo lắng và bực bội trong lòng.

Tuy nhiên không có khó khăn nào làm gã nhụt chí. Dù cho thân xác gã có rã rời, nhưng đâu đó từ sâu thẳm tận đáy lòng, ngọn lửa của khát vọng đấu tranh kiên cường vẫn cháy bỏng không nguôi.

Gã sẽ cùng Lý Thế Dân tranh đấu cho đến khi một người trong bọn họ binh bại thân vong.

o0o

Từ Tử Lăng giấu mình trong tủ gần cả canh giờ mới nghe tiếng bước chân của Trì Sanh Xuân trở về phòng ngủ.

Kế đó là tiếng kêu thất thanh của họ Trì. Từ Tử Lăng không cần nhìn cũng biết là hắn đã thấy bức thư đặt trên gối mà gã đã giả mạo "Đoản Mạng" Tào Tam để lại.

Trên thư viết “Trì quán chủ túc hạ: Tạm mượn Hàn Lâm Thanh Viễn Đồ, muốn có từ lâu. Tào Tam kính bái!” chỉ vỏn vẹn có vài chữ.

Tiếng y phục lao nhanh trong gió.

Từ Tử Lăng trong lòng kêu tuyệt, có điều gã không lập tức mở cửa đi ra. Trì Sanh Xuân là tên giang hồ lão luyện, chắc chắn chả ngu xuẩn đến mức lập tức chạy đi coi bảo họa có thật bị trộm hay không. Chỉ khi hắn khẳng định Tào Tam không có mặt tại hiện trường mới chịu tin rằng kẻ trộm đã cao chạy xa bay.

Gã tụ công lực lên hai tai tập trung nghe ngóng, quả nhiên phát giác Trì Sanh Xuân vẫn còn lảng vảng trong khuôn viên ngôi nhà. Họ Trì lộ ra chân công phu, thân pháp đạt tới tốc độ cực nhanh. Thanh âm đã đi xa nhưng Từ Tử Lăng vẫn kiên nhẫn ngồi chờ.

Không đến nửa khắc sau Trì Sanh Xuân đã quay lại phòng ngủ, lần này có tên Hứa sư thúc đi cùng.

Lão già đó hạ giọng:

- Tào Tam không phải đã chết mất xác rồi sao? Nhiều năm qua không nghe tin tức gì của hắn, sao bây giờ tự nhiên lại xuất hiện?

Trì Sanh Xuân buồn bực đáp:

- Tên này đúng là muốn chết nên mới đến đây gây chuyện, ta chửi cả tám mươi đời tổ tiên nhà nó. Nếu Tào Tam dám lấy đi bức họa đó, dù hắn có trốn ở nơi cùng trời cuối đất ta cũng sẽ tìm đến tận nơi, để hắn nếm mùi cực hình cho đến chết.

Hứa sư thúc xẵng giọng:

- Bớt nói lời thừa đi, kiểm tra Hàn Lâm Thanh Viễn Đồ mới là chuyện chính.

Tiếng cửa tủ mở ra, tiếp đó là âm thanh mở cửa địa đạo. Ở chiếc tủ bên kia, Từ Tử Lăng trong lòng rung động, gã thầm nhủ không lẽ bức tranh quý đúng là được dấu tại một chỗ bí mật nào đó trong địa thất, chỉ vì mình sơ sót nên không tìm thấy.

Nghĩ kỹ lại thì không phải vậy, nếu có ngăn chứa ngầm, trừ phi là do Lỗ Diệu Tử đích thân thiết kế, bằng không chẳng thể nào qua mặt gã.

Có âm thanh truyền lên từ địa thất, tiếng Trì Sanh Xuân cười nói:

- Nguyên lai chỉ là thổi da trâu! Hàn Lâm Thanh Viễn Đồ còn sờ sờ ra đó. Con mẹ nó, chút xíu là cái gã Đoản Mạng tiểu tử đó gạt ta rồi.

Kế đó Trì Sanh Xuân quay trở ra, tiếng đóng cửa vang lên.

Từ Tử Lăng mất hết lòng tin, thiếu chút nữa là phi tới cưỡng đoạt bảo họa, nhưng rốt cục đã kìm lại được vì phát giác sự việc có chút vấn đề.

Gã không nghe thấy tiếng mở cơ quan ngầm, càng không nghe tiếng bọn chúng giở bức tranh ra xem xét, những chi tiết rất không hợp lý.

Chỉ có cách giải thích duy nhất là hai tên gian nhân kia đang dùng thủ đoạn, định tương kế tựu kế dụ cho gã xuất đầu lộ diện.

Tiếng bước chân bọn họ xa dần.

Đến lúc này, mưu kế của hai bên tự nhiên trở thành cuộc thi xem bên nào nhẫn nại hơn. Từ Tử lăng còn đang hoài nghi sự phán đoán của bản thân thì đã nghe tiếng bước chân quay trở lại.

Có tiếng Trì Sanh Xuân than thở bên ngoài cửa:

- Ta có cảm giác bất an ghê gớm!

Hứa sư thúc nói:

- Chúng ta đoán sai rồi! Tào Tam chưa hề tới đây, nếu không thì trên mặt đất rắc phấn đã có dấu chân của hắn, còn chúng ta thì có thể dựa vào mùi hương của Định Hình phấn mà tìm ra hắn.

Từ Tử Lăng thầm kêu nguy hiểm, nếu như vừa rồi gã không nhịn được mà chui ra khỏi tủ, khẳng định là mắc bẫy mà vẫn chẳng hiểu tại sao.

Trì Sanh Xuân run giọng thốt:

- Ta muốn chạy đi xem thử.

Hứa sư thúc trấn an:

- Để sư thúc ở bên áp trận. Ta vẫn không tin rằng Tào Tam thần thông quảng đại đến mức có khả năng biết được bức họa giấu ở đâu.

Trì Sanh Xuân nói:

- Như vậy thì làm phiền sư thúc.

Đột nhiên hắn cười nhạt nói tiếp:

- Bức hoạ quá quan trọng đối với chúng ta nên mới phải lo được lo mất thế này. Tào Tam là cái thá gì, hắn có cầm được nó trong tay cũng chẳng thể sống mà đem đi được.

Hứa sư thúc nói:

- Cẩn thận một chút vẫn tốt hơn.

Tiếng bước chân rời đi.

Từ Tử Lăng mở cửa tủ nghiêng mình phi ra. Chân không chạm đất, gã xuyên qua cửa sổ phóng ra ngoài ngọa thất.

Từ ăn cắp biến thành cưỡng đoạt tuy không phải hay lắm nhưng gã chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

---------------------------------------

[1]Lời ghi chú của Huỳnh tiên sinh: Ở quyển trước tôi để Hàn Lâm Thanh Viễn Đồ có tác giả là Vi Quan Đồng, thật ra là tôi đã nhầm, vì Quan Đồng là nhân vật về sau của nhà Đường, quyển này để tác giả là Triền Tử Kiền. Mong quý vị độc giả bỏ qua cho.

(


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui