Đại Đường Song Long Truyện

Khấu Trọng đứng ở phía đuôi chèo thuyền, mục quang hướng về bóng lưng hùng vĩ như núi của Tống Khuyết đang ngồi xếp bằng đả tọa phía trước. Bông tuyết rơi xuống cách đầu ông khoảng nửa xích lập tức tựa như bị một lực lượng thần bí nào đó đẩy ra, tự nhiên tránh ông bay sang một bên, không một bông nào rơi vào người ông cả.

Đại tuyết vẫn ùn ùn rơi xuống, trên bè đã đọng tuyết dày mấy thốn, làm tăng thêm trọng lượng của bè khiến Khấu Trọng nhiều lần phải quét đi. Trong gió tuyết trắng xóa, hai bên bờ Y thủy biến thành những hình dáng mơ hồ không rõ nét. Bất luận chiếc bè gỗ lắc lư tròng trành thế nào, Tống Khuyết vẫn ngồi vững như Thái Sơn, không hề nghiêng ngả chút nào.

Thiên Đao danh chấn thiên hạ để ngang trên đùi, hai tay Tống Khuyết nắm nhẹ vào đó. Cảm thụ được cảnh giới “Xá đao chi ngoại, tái vô tha vật” của ông khiến Khấu Trọng càng cảm thấy trận chiến này của Tống Khuyết thật là may rủi khó lường.

Khấu Trọng từng giao thủ với hai người, song hoàn toàn không thể phân biệt được ai thấp ai cao. Bọn họ đều như biển sâu thăm thẳm không thể đo lường, không cách gì đoán biết được.

Giả như Ninh Đạo Kỳ bị bại, đương nhiên mọi việc cứ tiến hành như cũ, trận quyết chiến này chỉ là một khúc quanh trên chặng đường thống nhất thiên hạ. Nếu như Tống Khuyết thất bại thân vong, vậy Khấu Trọng sẽ không còn đường lui nào nữa, chỉ có thể kế thừa di chí của Tống Khuyết, hoàn thành mộng tưởng của ông, trước việc nghĩa không chùng bước.

Thông qua những lời của Tống Khuyết, càng hiểu rõ sự khác biệt về tư tưởng giữa ông ta và Phạm Thanh Huệ, gã càng không cách gì hiểu rõ được vấn đề ai đúng ai sai. Hai người đều tự có lập trường và kiến giải riêng, không những là tranh đấu về tư tưởng mà còn là tranh đấu về khu vực.

Không phải là chuyện ngẫu nhiên mà Tần hoàng Doanh Chính kết thúc sự phân liệt trường kỳ của Xuân Thu chiến quốc, quốc thế hưng thịnh một thời gian, nhưng chỉ truyền được một đời là vong quốc; Tùy Văn Đế Dương Kiên khiến cho loạn cục Ngụy Tấn nam bắc triều quy về một mối, cũng là qua đời thứ hai thì sụp đổ tan tành. Sự trùng hợp này phải chăng là số mệnh của lịch sử? Hay là hậu quả của việc cưỡng cầu đồng hóa khi mà tư tưởng và văn hóa còn có nhiều sai biệt?

Sau nhà Tần, Hán triều trị vì được lâu dài an thịnh, sau nhà Tùy phải chăng Trung Thổ lại có được may mắn đó?

Khấu Trọng sau khi được Tống Khuyết dẫn dắt đã có thể vượt qua thời đại của bản thân, với góc độ bao quát nhìn tổng thể tất cả sự hưng suy trị loạn từ xưa tới nay, cùng với những nguyên nhân đằng sau, khiến gã càng thâm nhập sâu hơn, tự suy ngẫm về hoàn cảnh của mình.

Chiếc bè gỗ do gã chèo lái lướt về phía bắc, đưa Tống Khuyết đến chỗ quyết chiến.

Đây không chỉ là trận quyết chiến sinh tử chấn động nhất Trung thổ, mà còn là trận chiến quan trọng quyết định vận mệnh thiên hạ.

Khấu Trọng thể hội một cách sâu sắc rằng vô luận trận chiến này kết quả thế nào, sau khi quyết chiến, tình thế Trung Nguyên sẽ vĩnh viễn không thể hồi phục lại như trước kia.

o0o

Trong dịch quán ấm áp như mùa xuân, mùi thơm tỏa khắp nơi. Bảy hán tử ăn mặc như thường dân, vây quanh một hỏa lò mới đắp, đang nướng một đôi chân sói. Khói từ hai bên cửa sổ bay ra, trong dịch quán không khí không ngột ngạt chút nào. Thấy Từ Tử Lăng và Âm Hiển Hạc - hai vị khách không mời mà đến - đột nhiên mở cửa bước vào, mục quang của mọi người đều hướng về phía bọn họ.

Không ai chào hỏi hay nói năng gì, lập tức bọn họ cảm thấy không khí khẩn trương, sát khí đằng đằng vô cùng cẳng thẳng.

Từ, Âm hai người đã đi khắp giang hồ, thấy bọn chúng mỗi người đều mang theo một vật dài, lại để ở chỗ trong tầm tay với, đều hiểu rõ bên trong là binh khí. Bảy tên đại hán đó không những là người trong giang hồ mà nói không chừng còn là đạo tặc chuyên giết người cướp của.

Từ Tử Lăng đóng cửa lại để gió tuyết không bay vào bên trong, mục quang hướng vào một đại hán ngồi đối diện với đại môn, ước khoảng hai bảy, hai tám tuổi. Người đó thần thái thâm trầm bình tĩnh, tuy gương mặt đầy vẻ phong trần nhưng không át nổi khí chất anh hùng, rõ ràng không phải là loại tiểu tặc chặn đường cướp của mà là cao thủ có võ công cực cao.

Hắn không hề nhường nhịn đón lấy mục quang của Từ Tử Lăng, cũng lộ ra thần sắc kinh ngạc, chứng tỏ nhãn lực rất cao minh.

Những người khác đều theo hắn mà làm, đưa mắt nhìn hắn, chờ hắn ra lệnh.

Từ Tử Lăng cảm giác được bọn họ không phải hạng đạo tặc, liền lộ ra vẻ tươi cười, ôm quyền chào hỏi:

- Xin thứ cho bọn tại ha tội quấy nhiễu, chỉ vì ngửi thấy mùi thịt thơm nhịn không được mà tiến vào, tuyệt không có ý gì khác.

Hán tử cường tráng có khí chất anh hùng đó cũng vươn người đứng dậy ôm quyền hồi lễ:

- Thần thái tướng mạo của huynh đài khiến tại hạ liên tưởng đến một người, dám hỏi cao tính đại danh.

Giọng nói của hắn mang đậm khẩu âm miền bắc, Từ Tử Lăng giật mình song vẫn thản nhiên đáp:

- Tại hạ Từ Tử Lăng.

Người người đều lộ ra thần sắc chấn động, bao gồm cả hán tử đầy vẻ anh hùng đó. Bọn họ đều vội vã đứng lên, hướng đến gã thi lễ, thái độ đầy thiện ý.

Hán tử cường tráng đó lộ ra thần sắc anh hùng khí đoản (1) cười khổ:

- Thì ra quả thật là Từ huynh, tiểu đệ Tống Kim Cương.

Từ Tử Lăng ngẩn ra:

- Tống huynh sao lại đến đây?

Tống Kim Cương nói với vẻ chán nản:


- Bại quân chi tướng, không đáng nói nhiều. Chuyện này kể ra dài dòng, sao chúng ta không ngồi xuống rồi nói tiếp.

Chúng nhân ngồi xuống vây quanh lò lửa, Từ Tử Lăng và Âm Hiển Hạc chia ra ngồi hai bên Tống Kim Cương. Sau khi giới thiệu Âm Hiển Hạc, bọn họ thay nhau dùng dao bén cắt thịt, vừa ăn vừa nói.

Tống Kim Cương nói:

- Có thể ở đây cùng Từ huynh, Âm huynh cùng thưởng thức thịt sói là ân đức đặc biệt của lão thiên gia với ta. Sau khi đại bại ở Bách Bích, ta và Định Dương Khả hãn bị Lý Thế Dân đuổi cùng giết tận, không thủ được Thái Nguyên, chỉ còn cách lui về phía Bắc đầu quân Hiệt Lợi, nào ngờ trúng phải gian mưu của Triệu Đức Ngôn.

Định Dương Khả Hãn chính là Lưu Vũ Chu, chủ của Tống Kim Cương.

Từ Tử Lăng chau mày hỏi:

- Triệu Đức Ngôn có ân oán gì với các người, vì sao lại muốn hãm hại?

Tống Kim Cương đáp:

- Vấn đề ở chỗ Hiệt Lợi xem trọng Tống Kim Cương ta khiến Triệu Đức Ngôn sanh lòng nghi kỵ, liền nói với Định Dương Khả Hãn, giả truyền lời của Hiệt Lợi, hi vọng rằng chúng ta quay lại Thượng Cốc, Mã Ấp, chiêu tập thuộc hạ cũ, bố trí phản kích Đường quân. Nào ngờ khi chúng ta theo lời soái lĩnh thuộc hạ trở về Trung nguyên thì Triệu Đức Ngôn lại nói với Hiệt Lợi rằng chúng ta mưu phản. Vì vậy chúng ta bị Kim Lang quân truy kích, Định Dương Khả Hãn bị giết ngay đương trường, gần ngàn huynh đệ không ai thoát khỏi, chỉ còn bảy người chúng ta thành công chạy thoát.

Một người khác nói:

- Toàn nhờ Tống soái nghĩ ra kế ve sầu thoát xác, dùng xác một huynh đệ cho mặc y phục của người, lại làm cho khuôn mặt hắn không ai nhận ra được, Triệu Đức Ngôn mới chịu thu binh trở về.

Từ Tử Lăng nói thầm trong lòng, sớm biết là vậy, hà tất lúc đầu còn làm. Triệu Đức Ngôn nói không chừng là do Hiệt Lợi đứng sau sai sử, bởi vì Lưu Vũ Chu và Tống Kim Cương đã mất đi giá trị lợi dụng, không nên để lại trên đời nữa. Nếu công khai xử tử hai người sẽ khiến cho những người Hán quy thuận hắn rời bỏ, thế nên mới dùng thủ đoạn này.

Tống Kim Cương lại thở dài một hơi:

- Chúng ta có phải ngu lắm không?

Từ Tử Lăng trong lòng đối với việc hắn bảo hổ lột da (3), làm chó săn cho người Đột Quyết tất nhiên là không đồng tình, bất quá Tống Kim Cương đã tới mức sơn cùng thủy tận như thế này, gã cũng không muốn ném đá xuống giếng, chỉ đành nói:

- Thành vương bại khấu, có gì thông minh hay ngu xuẩn chứ? Tống huynh có dự định gì trong tương lai?

Tống Kim Cương nói:

- Thật không dám giấu, phương bắc không còn chỗ cho Tống Kim Cương ta dung thân, thế nên mới định đến Giang Nam theo kẻ có quan hệ mật thiết với các người là Tiêu Tiễn. Nào hay khi về tới Trung Nguyên mới biết tình thế đại biến, Tống Khuyết xuất binh Lĩnh Nam giúp Thiếu Soái tranh thiên hạ, có thể khẳng định Trường Giang sớm muộn gì cũng rơi vào tay Thiếu Soái quân, thế nên ta đã bỏ đi ý định đầu quân Tiêu Tiễn. Ta thấy Ba Thục cách xa trung tâm tranh bá của Trung Nguyên, hi vọng có thể tìm được một nơi phong cảnh tươi đẹp ở ẩn tới già, không màng đến thế sự nữa.

Âm Hiển Hạc ngạc nhiên:

- Sao Tống huynh không nghĩ đầu quân cho Thiếu Soái, Tống huynh thông thuộc quân Đột Quyết, đối với Thiếu Soái rất hữu dụng.

Tống Kim Cương lộ vẻ cay đắng nói:

- Năm xưa ta đối với Thiếu Soái có lòng bất lương, cùng với Tiêu Tiễn, Hương Ngọc Sơn hãm hại người, sao còn mặt mũi xin người thu nhận chứ. Bỏ đi! Kim Cương hiện tại lòng như tro tàn, không còn hùng tâm tráng chí gì nữa.

Từ Tử Lăng gật đầu:

- Tống huynh rút lui khỏi phân tranh, quả là hành động sáng suốt.

Tống Kim Cương nghiêm nghị nói:

- Từ huynh không niệm lỗi xưa, đối với Kim Cương không có nửa lời cay độc, Kim Cương cảm kích vô cùng. Hiện nay tình thế ở tái ngoại vô cùng khẩn trương. Các dân tộc ở Tái ngoại do Hiệt Lợi và Đột Lợi dẫn đầu đã kết thành liên minh, dùng khẩu hiệu đẹp đẽ là hỗ trợ Khấu Trọng diệt Lý Uyên đang bí mật tập kết quân lực, chuẩn bị nam xâm. Mặt khác, do Triệu Đức Ngôn thông qua thế lực của Ma Môn ở Trường An tận lực vỗ về Lý Uyên và Lý Kiến Thành. Nghe nói Lý Uyên đối với việc Tái ngoại liên quân vẫn như người trong mộng, tình thế vô cùng bất diệu.

Từ Tử Lăng nghe xong tâm tình càng trầm trọng, Tống Kim Cương từ Đột Quyết chạy ra, nắm được tình hình của Hiệt Lợi và Đột Lợi, tuyệt không phải nói đùa. Việc Lương Sư Đô sai con trai đi mua hỏa khí Giang Nam lại càng cho thấy Ma Môn và người Đột Quyết đang bố trí đại âm mưu để đối phó Lý Thế Dân. Một khi Lý Thế Dân bị giết, đại quân tái ngoại sẽ lập tức xâm nhập, đây quả là chiến lược vô cùng cao minh. Những lời của Tống Kim Cương càng củng cố quyết tâm gặp Lý Thế Dân của gã, không thể chậm trễ.

Tống Kim Cương lại thành khẩn nói:

- Trong chư hùng phương Nam, Phụ Công Hữu, Lý Tử Thông và Thẩm Pháp Hưng không đủ để gây họa, chỉ là đối tượng cho Thiếu Soái luyện đao thôi. Kẻ duy nhất đáng lưu tâm là Tiêu Tiễn và Lâm Sĩ Hoành, trong đó Lâm Sĩ Hoành khó đối phó hơn. Nếu bọn chúng không kềm chế lẫn nhau thì đã sớm qua sông tiến về phía bắc, khuếch trương thế lực rồi.

Lúc này Từ Tử Lăng chỉ quan tâm đến sự uy hiếp của liên quân Tái ngoại, đối với Tiêu Tiễn và Lâm Sĩ Hoành gã làm sao để vào trong lòng. Song Tống Kim Cương một lòng hảo tâm, gã đành hỏi cho phải phép:

- Tống huynh có cách nhìn thế nào với hai người đó?


Tống Kim Cương đáp:

- Khuyết điểm của Tiêu Tiễn là ngoài rộng trong hẹp, nghi kỵ nhân tài, đối với người có công thì trấn áp giết hại, thế nên nội bộ không ổn. Ai! Nếu không phải ta đã cùng đường, tuyệt không nghĩ đến việc theo hắn.

Từ Tử Lăng mỉm cười:

- Nói như vậy, Khấu Trọng ngược lại đã giúp Tống huynh được một việc, khiến Tống huynh đưa ra quyết định chính xác.

Tống Kim Cương lúng túng cười, cảm thấy xấu hổ vì lòng ham muốn danh lợi của mình, y nói tiếp:

- Lâm Sĩ Hoành vừa được Phùng Áng đem thuộc hạ quy thuận, thế lực tăng mạnh, thực lực đã vượt qua Tiêu Tiễn, không thể khinh thường hắn.

Từ Tử Lăng đang định cảm tạ, trong lòng chợt cảnh giác hô nhỏ:

- Có người!

o0o

Khấu Trọng nghĩ đến rất nhiều việc và cả nhiều khả năng có thể xảy ra. Cuối cùng nghĩ ra một kết luận mà chính gã cũng phải giật mình, đó là gã cần phải tuyệt đối bình tĩnh ứng phó với những nguy cơ xuất hiện một khi Tống Khuyết thất bại, cần phải đưa ra những an bài chính xác và hữu hiệu, tuyệt không thể dùng cảm tình để xử sự, khiến cho tình cảm lấn át lý trí.

Gã nhất định phải đặt thắng lợi cuối cùng ở vị trí quan trọng nhất, bởi vì gã không còn là tên tiểu lưu manh cùng với Từ Tử Lăng chạy đông chạy tây nữa, mà là người lãnh đạo tối cao của Thiếu Soái quân sau khi dung hợp Tống gia quân. Sai lầm mà gã phạm phải sẽ dẫn đến hậu quả đáng sợ cho những người đi theo gã và cho cả những bách tính sống trong phạm vi quản trị của Thiếu Soái quân.

Ai đủ độc người đó mới có thể sống tiếp.

Cần phải lợi dụng tốt ba tháng đóng băng mùa đông này, dùng thủ đoạn quân sự mãnh liệt nhất để khống chế mọi vùng của phương Nam. Gã muốn dùng hành động chứng minh cho những người phản đối gã thấy, không ai có thể cản trở Thiếu Soái Khấu Trọng gã.

Nghĩ đến đó đầu óc gã linh hoạt trở lại, không ngừng nghĩ tới trong những tình huống khác nhau, làm sao an bài tiến lui sao cho có lợi nhất cho đại nghiệp thống nhất thiên hạ của gã.

Cũng vào lúc đó, gã rốt cuộc đã thành công trong việc đưa đao pháp dung hòa với binh pháp.

Xá đao chi ngoại, tái vô tha vật.

o0o

“Uỳnh!”

Cánh cửa gỗ vỡ thành nhiều mảnh vụn bắn tới những người đang ngồi bên lò lửa như mưa, nếu bị bắn trúng mắt không mù mới là lạ. Gió tuyết theo đó ùa vào, thổi đến nổi những vụn than trong lò bay tung tóe lên, thanh thế kinh người.

Với tu vi của Từ Tử Lăng cũng phải ngạc nhiên trong lòng.

Từ lúc gã cảm ứng được có người tiếp cận, cất tiếng cảnh báo cho đến lúc kẻ đến phá cửa giết người, thời gian chỉ trong thoáng chốc, cho thấy người đến công lực rất cao, tuyệt không dưới Từ Tử Lăng gã. Hành động của hắn đã hiển thị tốc độ cực nhanh, thủ pháp bạo liệt lăng lệ, đây chính là phong cách của sát thủ hàng đầu, ngang cấp với cao thủ như Dương Hư Ngạn

Đao quang chớp lên, lập tức cả dịch quán đao khí dày đặc, đao phong dưới ánh lửa phản chiếu tựa như lưu tinh đánh phủ đầu về phía Tống Kim Cương, hung hãn đến cực điểm.

Tống Kim Cương chưa kịp rút bội đao để trong bao phục đang để mở, đao phong đã cách yết hầu hắn chưa đầy ba xích.

Tống Kim Cương không hổ là cao thủ, tuy đã rơi vào thế hạ phong tuyệt đối nhưng vẫn lâm nguy bất loạn, lăn tròn về phía sau.

Sáu tên thủ hạ của hắn lập tức chồm lên, rút binh khí ra, nhưng cũng đã chậm mấy bước. Nếu như đối phương thừa thế truy kích, khẳng định khi Tống Kim Cương bị giết chết, bọn họ ngay cả áo của đối phương cũng không chạm được.

Trường kiếm của Âm Hiển Hạc rời lưng, chém vào lưỡi đao đối phương, Từ Tử Lăng từ dưới đất phóng người lên, giơ quyền đánh vào một bên đao.

“Bùm!”

Khì kình giao kích phát ra âm thanh như tiếng nổ lớn.

Người đó thu đao lùi về phía cửa, tới lui như tiễn, lùi ra đến cửa thì đứng lại tựa như chiếc đinh cắm xuống, hơi lắc lư một chút.

Bọn thủ hạ của Tống Kim Cương đang muốn xông lên liều mạng thì Từ Tử Lăng hô lớn:


- Mọi người dừng tay!

Gió tuyết thổi ào ào, từ bên ngoài cuồn cuộn bay vào. Lò lửa đã dần hồi phục nguyên trạng, tuy vẫn còn lập lòe lúc tối lúc sáng, nhưng cũng đã cải thiện được ánh sáng trong dịch quán.

Người kia chống đao lạnh lùng nói:

- Tử Lăng không nên can thiệp, đây là việc của người Đột Quyết chúng ta và Tống Kim Cương. Tử Lăng nếu xem ta là bằng hữu thì hãy lập tức rời khỏi.

Tống Kim Cương từ dưới đất cầm đao đứng lên, sắc mặt trắng bệt, hít một hơi khí lạnh nói:

- Khả Đạt Chí!

Khả Đạt Chí song mục sát cơ đại thịnh, đao khí vây chặt lấy mọi người trong dịch quán, ngửa mặt lên trời cười dài:

- Chính là bổn nhân. Đạt Chí phụng mệnh Đại Hãn tuyệt không để cho ngươi sống trên đời. Ngươi nghĩ chỉ cần tìm một người mặc y phục của ngươi vào thì có thể che giấu được sao? Phải chăng khinh Đột Quyết ta không người.

Tống Kim Cương hừ lạnh:

- Ta ở đây, có bản lĩnh thì cứ đến lấy mạng ta!

Mục quang Khả Đạt Chí hướng về Từ Tử Lăng, lạnh lùng nói:

- Là địch là bạn, Tử Lăng nói một lời là được.

Từ Tử Lăng nhạt giọng:

- Chỉ cần Đạt Chí nói được Tống huynh đây làm gì hại đến quý Đại hãn, ta và Hiển Hạc sẽ lập tức rời khỏi, không can thiệp vào sứ mệnh của Đạt Chí.

Khả Đạt Chí mặt lạnh như băng nói lớn:

- Phản bội Đại Hãn, lén trở về Trung Nguyên, mưu đồ không tầm thường, vậy còn không đủ sao?

Từ Tử Lăng lắc đầu than:

- Đây chỉ là do Triệu Đức Ngôn giở trò ở bên trong, giả truyền ý chỉ của Đại Hãn bảo bọn họ trở về Trung Nguyên triệu tập bộ hạ cũ. Đại Hãn của các người bị hắn gạt rồi!

Khả Đạt Chí hơi ngạc nhiên, mục quang hướng về Tống Kim Cương nói:

- Ngươi và Lưu Vũ Chu đâu phải con nít lên ba, sao lại tùy tiện nghe lời một phía mà không hỏi lại Đại Hãn, lại lén bỏ đi lúc đêm khuya chứ?

Tống Kim Cương hồi phục bình tĩnh, trầm giọng nói:

- Đừng nghĩ là ta sợ ngươi, ta nể mặt Từ huynh mới trả lời ngươi việc này. Đại hãn lúc đó không ở trong nha trướng, chúng ta từng hỏi lại Đôn Dục Cốc, được hắn chứng thực mới không nghi ngờ Triệu Đức Ngôn.

Đoạn hắn chuyển sang Từ Tử Lăng nói:

- Trong tình huống này nói gì cũng là thừa, Từ huynh xuất thủ khiến ta vô cùng cảm kích, nhưng đây quả thật là ân oán của Tống Kim Cương ta và người Đột Quyết. Nguyên nhân chủ yếu là do ta đã mất đi giá trị lợi dụng, ta thực hối hận về những việc đã làm. Nếu ông trời đã định ta phải chôn thân ở đây, ta cũng không hề oán hận chút nào. Từ huynh, Âm huynh xin hãy tiếp tục lên đường.

Âm Hiển Hạc gật đầu:

- Hảo hán tử!

Từ Tử Lăng hướng về phía Khả Đạt Chí nói:

- Chuyện của Tống huynh lúc trước khi nhàn đàm Phục huynh đã từng nhắc qua, đúng là sự thật, về mặt đó huynh ấy gạt ta làm gì chứ? Theo ta thấy quý Đại Hãn vì trách Tống huynh khiến ông ta tổn binh chiết tướng nên mới cố ý giết người.

Khả Đạt Chí sát ý chỉ tăng chứ không giảm, lạnh giọng nói:

- Tử Lăng không nên nói lời thừa nữa, chuyện này ngươi thật muốn nhúng tay vào sao?

Từ Tử Lăng cười khổ:

- Ngươi không phải ngày đầu quen ta, nên biết ta sẽ không bàng quan trước những chuyện bất công như vậy.

“Keng!”

Nằm người dự liệu của mọi người, Khả Đạt Chí đút đao vào vỏ, đi về hướng Từ Tử Lăng hai tay giang ra, cười ha hả nói:

- Từ Tử Lăng nhất định muốn can thiệp, lại có Âm huynh trợ trận, Khả Đạt Chí ta còn làm được gì?


Mọi người còn đang trợn mắt há miệng thì Từ Tử Lăng đã tiến lên cùng Khả Đạt Chí ôm nhau chào hỏi, gã cười nói:

- Vậy huynh làm sao ăn nói với Đại Hãn?

Khả Đạt Chí buông gã ra, mỉm cười đáp:

- Theo không kịp một người thì có gì lạ? Huống hồ không phải là Đại Hãn chính miệng hạ lệnh cho ta, chỉ là Khang Sao Lợi truyền tin cho ta, nói phát hiện Tống huynh chạy về phía Hán Trung, ý đồ vào Ba Thục. Tiểu đệ nghe nói Tống huynh công phu cao cường nên mới ngứa tay, nhịn không được đuổi theo mà thôi.

Âm Hiển Hạc không hiểu hỏi:

- Ngươi làm sao biết được trong dịch quán là Tống huynh mà không phải người khác?

Khả Đạt Chí vui vẻ nói:

- Là người khác thì sao chứ? Cùng lắm là xin lỗi. Ai! Sự thật là ta phát hiện xác sói, cách cắt thịt lại là thủ pháp theo tập quán của người Tái ngoại, lại ngửi được mùi thịt sói nướng, thế nên mới đoán được là Tống huynh ở trong dịch quán nướng thịt.

Từ Tử Lăng hoài nghi hỏi:

- Huynh thật không tìm Tống huynh và huynh đệ của y tính sổ nữa?

Khả Đạt Chí không vui nói:

- Ngươi không phải ngày đầu quen biết ta, Khả Đạt Chí đã bao giờ nói mà không giữ lời chưa?

Đoạn chuyển sang Tống Kim Cương:

- Tống huynh tốt nhất là nên rời khỏi, chạy được bao xa thì cứ chạy. Thế lực của Ma Môn rất lớn, ta không biết Triệu Đức Ngôn còn có hành động gì đối phó với ngươi không.

Từ Tử Lăng gật đầu:

- Đây không phải là lúc làm anh hùng, Tống huynh giữ được tính mạng thì có thể tính là đã đánh trả Triệu Đức Ngôn một đòn đích đáng. Lời của Đạt Chí rất là có đạo lý.

Tống Kim Cương ôm quyền thi lễ nói:

- Được! Ân tình của hai vị, Tống Kim Cương ta vĩnh viễn không quên. Cáo từ!

Dứt lời cầm bao phục lên, cùng với thủ hạ biến mất trong gió tuyết. Một đời hào hùng lại có kết cuộc như vậy thật khiến người ta cảm thán.

Khả Đạt Chí cười nói:

- Còn có thịt sói, có thể bỏ vào bụng ta.

Từ Tử Lăng ngạc nhiên:

- Các người không phải thờ sói sao?

Khả Đạt Chí đáp:

- Bọn ta thờ là thần sói, khi đói thì người cũng có thể ăn, nói gì đến súc sinh? Ngồi xuống rồi nói. Ta thật nhớ những ngày cùng các người kề vai tác chiến ở Long Tuyền!

Từ Tử Lăng trong lòng cảm thấy ấm áp, thế nhưng nghĩ đến ngày nào đó phải cùng Khả Đạt Chí quyết chiến sa trường thì không khỏi cảm khái. Tạo hóa trêu người, cũng chỉ đến vậy mà thôi.

--------

Chú thích

(1) Anh hùng khí đoản: anh hùng nhụt chí

(2) "Dữ hổ/hồ mưu bì": Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Thái bình ngự lãm".

Thời Tây Chu, có một người muốn làm một chiếc áo lông đáng giá ngàn vàng. Có người mách bảo anh ta làm bằng lông cáo là có giá trị nhất. Anh ta nghe vậy nghĩ bụng: "Trên núi có rất nhiều cáo, chi bằng ta đến đó bàn với chúng xem sao".

Nghĩ đoạn, anh ta liền vui vẻ đi lên núi. Khi nhìn thấy một bầy cáo, anh bèn nghiên túc bàn với chúng rằng: "Hỡi bầy cáo thân mến, tôi đây muốn làm một chiếc áo lông trị giá ngàn vàng, nên mới đến gặp và mong các vị hãy lột da trên mình cho tôi có được không?" Bầy cáo nghe nói liền hoảng hốt đua nhau chạy như biến. Anh ta chẳng còn cách nào khác, đành cụt hứng trở về.

Ít lâu sau, anh ta làm lễ giỗ tổ, nhưng lại thiếu thịt dê. Anh ta liền nghĩ ngay đến đàn dê vẫn thường hay ăn cỏ dưới chân núi, bèn vui vẻ đến nói với đàn dê rằng: "Hỡi đàn dê thân mến, tôi đang làn lễ giỗ tổ nhưng lại thiếu mất thịt dê, vậy mong các vị biếu tôi một ít thịt có được không?" Đàn dê nghe vậy kêu me me không dứt, rồi chạy trốn vào rừng sâu, trong chốc lát chẳng thấy tăm hơi đâu cả.

Vậy nên, câu thành ngữ này có nghĩa là bàn định với con cáo hoặc con hổ để lột da chúng. Nay thường dùng để ví về việc tìm sai đối tượng để thương nghị, thì nhất định không thành công.

Nguồn:

(


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận