Đại Đường Song Long Truyện

Pháp sự ở Đông Đại tự vẫn tiếp tục tiến hành ngày đêm không nghỉ, do Tứ đại thánh tăng không ngủ không nghỉ đích thân tự chủ trì lại càng khiến người ngoài có cảm giác có chuyện không tầm thường. Từng cơn gió lạnh nổi lên, mưa xuân lất phất từ trên trời rơi xuống, bao phủ am đường tĩnh mịch trong một vũ trụ như có như không. Từ Tử Lăng không hề bị sự thay đổi của khí trời làm khơi dậy nỗi buồn, trong lòng chỉ chứa đầy cảm giác vui mừng được gặp lại sau một khoảng thời gian xa cách.

Thạch Thanh Tuyền đứng ngoài cửa, toàn thân y phục màu trắng, trên đầu cài một đóa hoa cũng màu trắng, tựa như một bóng u linh trong đêm mưa. Gã nhớ tới đêm hôm đó, lại nghĩ đến thân thế thê lương của nàng, một cảm giác mạnh mẽ hơn bất kỳ lúc nào khác chợt trỗi dậy trong lòng gã, chiếm trọn tâm hồn, khiến gã không ngần ngại nguyện dùng hết sức mình để bảo hộ che chở cho nàng. Thế nhưng gã phát hiện hai chân mình tựa như đóng đinh xuống bậc thềm, khó khăn lắm mới thốt lên được một tiếng:

- Thanh Tuyền!

Gương mặt Thạch Thanh Tuyền nhợt nhạt, ngưng thần nhìn gã một lúc lâu, sau đó mới như chợt nhận ra gã là Từ Tử Lăng, nhỏ giọng hô:

- Từ Tử Lăng, huynh rốt cuộc đã đến rồi!

Tiếp đó nàng từ từ xoay người đi vào trong nhà.

Đèn được khêu cho sáng lên, ánh lửa soi rõ thân hình ưu mỹ của Thạch Thanh Tuyền. Trong căn nhà nhỏ có bày linh vị của Bích Tú Tâm tự nhiên tỏa ra một bầu không khí trang nghiêm thần thánh. Ngọn đèn tựa như là điểm nói tiếp giữa chốn u minh và trần gian.

Thạch Thanh Tuyền không chịu nhìn thẳng gã, đôi mắt sáng mà mỗi khi đêm khuya vắng vẻ gã đều nhớ tới, đôi mắt có lúc u sầu khắc khoải, cũng có lúc trở nên rất hoạt bát giờ đây lộ ra vẻ trách móc, vầng trán đẹp khẽ chau lại, hiện ra những đường nhăn nho nhỏ đáng yêu, nàng nhẹ nhàng nói:

- Chàng ngốc! Đứng đó làm gì? Còn không mau vào đây khấu đầu thỉnh an với mẹ?

Cảm giác xa lạ lạnh lùng khiến Từ Tử Lăng không dám vọng động đột nhiên biến mất tựa như băng tuyết gặp phải lửa hồng. Gã vội bước lên bậc thềm vào nhà bước đến bên cạnh Thạch Thanh Tuyền, cùng nàng quỳ xuống.

Từ Tử Lăng cung kính dập đầu lạy ba cái thật kêu, bên tai vang lên thanh âm ngọt ngào của Thạch Thanh Tuyền:

- Mẹ! Từ Tử Lăng đến gặp mẹ đây!

Ánh mắt Từ Tử Lăng chuyển từ ngọc tiêu đang được đ ặt trước linh vị đến Thạch Thanh Tuyền đang sánh vai quỳ bên cạnh gã, gương mặt nhìn nghiêng của nàng lộ rõ vẻ bi thương không nói nên lời. Nàng tưởng chừng không biết Từ Tử Lăng đang nhìn mình, chỉ hướng đến linh vị và Bích Tú Tâm nói:

- Mẹ đã từng nói, khi tình yêu phá cửa mà vào thì không có cách gì tránh được. Nữ nhi rốt cuộc đã hiểu được ý mẹ, bởi vì cánh cửa đó chính là ở trong tim. Thế nên nữ nhi quyết định gả cho Từ Tử Lăng, đêm nay nguyện trước linh vị của mẹ kết thành phu phụ, cho dù sau này có bị chàng vô tình phụ bạc cũng không hối hận.

Từ Tử Lăng giật bắn người nói:

- Thanh Tuyền!

Thạch Thanh Tuyền vẫn không nhìn gã, nhẹ nhàng nói:

- Có lời gì thì nói thẳng với mẹ đi, mẹ đang nghe chàng đó!

Từ Tử Lăng hít vào một hơi, đè nén tâm tình đang nỗi sóng kịch liệt trong lòng, thành tâm thành ý nói:

- Mẹ! Từ Tử Lăng con trong những năm tháng còn sống trên đời sẽ toàn tâm toàn ý yêu thương Thanh Tuyền, con và Thanh Tuyền sẽ là một đôi phu phụ hạnh phúc nhất trên đời. Được Thanh Tuyền nhận lời làm vợ là ân sủng lớn nhất mà ông trời đã ban cho Từ Tử Lăng con.

Thạch Thanh Tuyền nói:

- Mẹ đã nghe rồi đó, sau này xin mẹ hãy an nghỉ!

Một trận gió từ cửa thổi vào, đem theo một tràng mưa xuân rắc lên người họ.

Thạch Thanh Tuyền vui vẻ nhìn gã nói:

- Mẹ đã đồng ý rồi!

o0o

Trong đêm mưa rơi không dứt, Khấu Trọng phi ngựa rời thành, chặn xa đội của Thượng Tú Phương lại, phóng lên xe của nàng. Vô Danh tự do bay lượn trên bầu trời đêm.

Thượng Tú Phương ngồi thẳng người lên, nhìn không chớp mắt, Khấu Trọng đóng cửa xe lại ngồi vào cạnh nàng.

Xe ngựa tiếp tục hành trình

Khấu Trọng không cách nào rời mắt khỏi ngực nàng đang phập phồng. Thượng Tú Phương đột nhiên cảm giác được chuyện gì đó, cố tình đánh trống lảng:

- Ngoài thành quân doanh dày đặc, hai bên bờ chiến thuyền đậu đầy, đây có phải là quân đội chuẩn bị ra tiền tuyến không, nhiều người quá!

Bốn mắt nhìn nhau, Khấu Trọng đăm đắm ngắm nhìn đôi mắt biết nói của nàng, gã mỉm cười:

- Lần này bảo đảm không có cảnh máu chảy thành sông đáng sợ đó đâu, chỉ là hù dọa lẫn nhau, hư trương thanh thế mà thôi, xem ai chịu không nổi trước, nhưng chắn chắn không phải là Khấu Trọng ta đâu.

Đôi mắt đẹp của Thượng Tú Phương lộ ra thần sắc vui mừng nhưng lại có vẻ hoảng loạn và nghi hoặc, có chút xấu hổ muốn tránh ánh mắt hau háu của Khấu Trọng nhưng không cách gì làm được. Khấu Trọng lại nghe được tim nàng đang đập loạn lên, trong lòng gã chợt nóng lên, dang tay ôm chặt lấy nàng. Vị mỹ nữ khiến người rung động này thở nhẹ một tiếng, đưa tay ôm lấy cổ gã, vuốt ve mái tóc đen nhánh và một bên má gã, thở dài nói:

- Khấu Trọng à! Đừng quên chúng ta đang ở giữa đường giữa xá, ý!

Đôi môi Khấu Trọng đã hôn như mưa trên mặt, mũi và môi nàng, trong lòng không còn hối hận chút nào, sự háo hức nóng bỏng kịch liệt kích động tâm hồn gã, gã hài lòng nói:

- Chúng ta có thể ở bên nhau vĩnh viễn rồi, Trí Trí đã chấp nhận chuyện của chúng ta.

Thượng Tú Phương ngạc nhiên chau màu hỏi:

- Thiếu Soái có chút hiểu lầm rồi, ai muốn gả cho người chứ?

Khấu Trọng như bị tạt một gáo nước lạnh, sững người ra nhìn nàng:

- Nàng không muốn gả cho ta sao?

Thượng Tú Phương ngoan ngoãn tựa người vào lòng gã, đưa tay sờ má gã nhẹ nhàng nói:

- Chàng quên cạo râu rồi.

Khấu Trọng nôn nóng nâng mặt nàng lên, bắt nàng nhìn thẳng vào mắt gã, lặp lại:

- Nói đi! Nàng có chịu gả cho ta không?

Thượng Tú Phương nắm lấy hai tay gã sau đó từ từ buông ra, thở dài:

- Người ta không phải đã sớm nói rõ rồi sao, muốn gả cho chàng là chuyện đã qua rồi.

Tim Khấu Trọng như chùng xuống, ủ rũ thả tay xuống:

- Hiểu lầm này thật là lớn quá, thì ra Thượng Tú Phương không còn yêu Khấu Trọng ta nữa.

Thượng Tú Phương từ từ lắc đầu:

- Nếu người ta không yêu chàng thì đâu để cho chàng phóng tứ vậy chứ. Chỉ là Tú Phương có cách nghĩ khác, cái Tú Phương cần chỉ là một đêm ân tình của Thiếu Soái.

Khấu Trọng tức giận lắc đầu:

- Không! Nàng căn bản không yêu ta.

Thượng Tú Phương nhẹ giọng dỗ dành:

- Còn nhớ Tú Phương từng nói trên đời này không có ái tình vĩnh viễn không thay đổi, sự vĩnh hằng chỉ có thể tìm thấy trong âm nhạc mà thôi, đó mới là nơi Tú Phương gửi gắm cả đời. Tú Phương từ nhỏ đã không có hứng thú với việc thờ chồng dạy con…

Khấu Trọng nghiêm mặt ngắt lời nàng:

- Ta chưa từng nghe qua!

Thượng Tú Phương không hiểu chăm chăm nhìn gã, đột nhiên phát hiện khóe miệng gã dần dần hiện ra nét cười, hai tay nàng không ngừng đấm vào bộ ngực to rộng của gã, giận dỗi:

- Chàng nói dối!

Khấu Trọng không thèm để ý đến tay quyền của nàng đột nhiên vén rèm thò đầu ra ngoài lớn tiếng hỏi:

- Ai nói cho ta biết trong thành Vũ Công chỗ nghỉ chân nào có cảnh quan đẹp nhất? Đêm nay ta muốn trọ lại đó một đêm.

Thượng Tú Phương “ái chà” một tiếng, đôi gò má đỏ lên như ráng chiều tới tận mang tai, dùng hết toàn lực nhéo mạnh cánh tay gã.

Chúng thị vệ bị gã hỏi bất ngờ như vậy, cứng họng không biết trả lời sao.

Thanh âm Lý Thế Dân từ hướng thành môn truyền tới:

- Chỗ đẹp nhất khẳng định là biệt quán nơi trẫm sinh ra, ở bên bờ Vị Thủy cách thành Vũ Công mười tám dặm về phía Nam, trong khu rừng phía đông bến đò. Thiếu Soái có thể ở lại đó một đêm càng làm cho chỗ đó thêm vinh hạnh.

Khấu Trọng cười lớn:

- Tạ chủ long ân! Anh em, mau đổi hướng cho ta.

Gã quay người vào trong nói với Thượng Tú Phương lúc này đang xấu hổ tới mức không biết trốn đi đâu:

- Xuân tiêu một khắc đáng ngàn vàng, hấp thu long khí chỗ sinh ra thiên tử chắc là không tệ!

Gã lại thở ra một hơi, lẩm bẩm:

- Cũng may là gặp thiên tử xuất tuần, hỏi đường hỏi đúng người.

o0o

Mưa bụi bay đầy trời tầng tầng lớp lớp rắc xuống mặt đất, Ngọc Hạc Am như hòa tan trong cảnh đất trời huyền ảo đó. Hơi nước che mờ cả đền thờ và rừng cây, làm cho sự phân cách giữa vật với vật trở nên mơ hồ, lại càng thể hiện rõ vẻ đẹp thê lương của ngọn đèn leo lét cạnh linh vị.

Thạch Thanh Tuyền nắm chặt tay Từ Tử Lăng, tay kia cầm lấy ngọc tiêu, dựa vào người Từ Tử Lăng bước ra ngoài cửa.

- Boong, boong, boong!

Vào đúng thời khắc này tiếng chuông từ phía Đông Đại tự vang lên khiến Từ Tử Lăng cảm thấy được thiền cơ bảo ý ẩn hàm trong tiếng chuông du dương.

Đột nhiên trong am chợt vang lên tiếng người ngâm:

- Đại phong quyển hề,

Lâm mộc vi tồi,

Ý khổ nhược tử,

Chiêu khế bất lai.

Bách tuế như lưu,

Phú quý lãnh hôi,

Đại đạo nhật vãng,

Khổ vi hùng tài.

Tráng sĩ phất kiếm,

Hạo nhiên di ai,

Tiêu tiêu lạc diệp,

Lậu vũ thương đài(1).

Tiếng ca nghèn nghẹt mệt mỏi bộc lộ một nỗi bi ai sâu thẳm, tựa như một kẻ cô độc suốt đời bán tiếng đàn lời ca ở đầu đường, lại như một lãng tử đã đi khắp chân trời góc bể không tìm được chốn dung thân, sau khi đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm đến khi gối mỏi chân run mới tìm được chốn quay về, cất lên lời bi ca sám hối những chuyện đã qua. Thế nhưng thời gian đã cuốn đi hết mọi vẻ huy hoàng của hắn.

Thạch Thanh Tuyền lại càng nắm tay gã chặt hơn nhưng lại không nói tiếng nào, đôi mắt đẹp không hề chớp nhìn về phía cửa viện ẩn hiện trong mưa mù, mặt hoa thất sắc.

Thạch Chi Hiên rốt cuộc đã tới.

- Không đàm lịch xuân,

Cổ kính chiếu thần,

Thể tố trữ khiết,

Thừa nguyệt phản chân.

Tái chiêm tinh thần,

Tái ca u nhân,

Lưu thủy kim nhật,

Minh nguyệt tiền thân(2).

Tiếng ca từ từ đến gần. Từ Tử Lăng thầm khen trong lòng, bất kể tài hoa hay võ công Thạch Chi Hiên khẳng định là kẻ đứng đầu trong Ma Môn, không ai có thể vượt hơn được. Nếu không phải vì yêu thương Bích Tú Tâm lão quả là có cơ hội chấn hưng Ma Môn, làm chủ Trung Thổ.

Tiếng ca chợt chuyển điệu, biến thành hoang lương bi tráng, tựa như lữ khách lạc trong sa mạc hoang vu không một cọng cỏ, sau khi mất hết mọi hi vọng, như tằm nhả tơ dâng hiến khúc ca cuối của đời mình:

- Tam thập niên lai tầm đao kiếm,

Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi.

Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu,

Trực chí như kim canh bất nghi(3).

Từ Tử Lăng giật mình, khúc ca này đã khắc họa chân thật con người của Thạch Chi Hiên. Thì ra ông ta rốt cuộc vẫn không vượt qua được điểm yếu duy nhất của mình là Thạch Thanh Tuyền, đã cúi đầu chịu phục trước Bích Tú Tâm, biểu bạch chân tình.

Thạch Thanh Tuyền nhẹ nhàng rút tay lại, đưa tiêu lên miệng thổi, tiếng tiêu khiến lòng Từ Tử Lăng rung động vang lên, tựa như ánh sáng lưu chuyển giữa các ngón tay nàng nâng lên hạ xuống, hòa vào trong màn mưa đêm mờ mịt. Mọi thứ tựa như một giấc mộng chân thực khiến người không thể tỉnh được. Dường như ông trời cũng vì tiếng tiêu mà khóc.

Tiếng tiêu của Thạch Thanh Tuyền cùng với trời đêm và mưa xuân hòa thành một giai điệu tuy đẹp đẽ nhưng bi thương và hư vô, ẩn chứa tình cảm sôi sục, khiến cho Từ Tử Lăng cảm thấy được dòng chảy của sinh mệnh đang di chuyển biến ruộng dâu thành biển xanh, có lúc mạnh mẽ như núi cao, có lúc mềm mại như gối bông, tựa như lời độc thoại của Thạch Thanh Tuyền bị số phận bao vây quấn chặt, lại ẩn chứa vẻ đẹp khiến người rung động.

Lão rốt cuộc đã hiện thân, lúc đầu chỉ là một cái bóng mờ trước cửa, sau đó rõ dần, đến gần mới thấy rõ nước mắt đầy mặt, một Tà Vương Thạch Chi Hiên từng tung hoành thiên hạ không ai địch nổi.

Tiếng tiêu dứt, đất trời hồi phục vẻ yên tĩnh ban đầu.

Từ Tử Lăng nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay lạnh ngắt đang run rẩy của Thạch Thanh Tuyền.

Thạch Chi Hiên đứng cách hơn một trượng nhìn chằm chằm Thạch Thanh Tuyền, hai mắt ánh lên vẻ bi thương tan lòng nát dạ, không nói được lời nào, những hạt mưa như khẽ run.

- Boong, boong, boong!

Tiếng chuông lại truyền từ Đông Đại tự tới.

Thân hình Thạch Chi Hiên chợt run lên, đột nhiên cất bước đi về phía bọn họ.

Từ Tử Lăng cảm giác được lão muốn đến trước linh vị của Bích Tú Tâm để bái tế, liền kéo Thạch Thanh Tuyền qua một bên, không ngờ Thạch Thanh Tuyền lại nhẹ nhàng bước theo.

Thạch Chi Hiên dừng bước cạnh hai người, không dám nhìn thẳng Thạch Thanh Tuyền, ánh mắt hướng về phía linh bài được thờ trong nhà, than:

- Thải biện lưu thủy,

Bồng bồng viễn xuân,

Yểu điệu lai cốc,

Thì kiến mỹ nhân(4).

Khúc “Tiêm Nùng” này của Thanh Tuyền quả là có được vẻ đẹp như ngọc bích trên Hoa sơn như trăng mọc từ đằng đông(5) của Tú Tâm, hơn nữa lại còn thanh xuất vu lam(6). Thạch Chi Hiên ta còn lời gì để nói, còn gì ân hận nữa chứ?

Nói xong chắp tay sau lưng bước lên bậc thềm, bước chân vô cùng nhẹ nhàng.

Từ Tử Lăng ngửa đầu nhìn bầu trời đêm, mưa rơi lất phất trên mặt lành lạnh, trong lòng trăm ngàn xúc cảm dâng trào. Gã có thể tưởng tượng được cảnh năm xưa Bích Tú Tâm và Thạch Chi Hiên giai nhân tài tử gặp nhau, chỉ tiếc là lại kết thúc bằng bi kịch! Tuy nhiên chuyện tình cảm dây dưa nhiều năm cuối cùng cũng đến hồi kết, bởi vì Thạch Thanh Tuyền đã chịu thổi cho Thạch Chi Hiên nghe di khúc của Bích Tú Tâm. Gã lại cảm giác được Thạch Chi Hiên đã quyết chí tự tận trước linh vị của Bích Tú Tâm nhưng lại không có cách gì ngăn cản, cũng không tìm được lý do gì ngăn cản lối giải thoát duy nhất này của Thạch Chi Hiên.

Bàn tay Thạch Thanh Tuyền lại run rẩy dữ dội hơn nhưng thần sắc vẫn bình tĩnh đến nỗi khiến người ta thấy mà đau lòng.

Thạch Chi Hiên dừng bước trước linh vị, chợt ngâm:

- Băng tuyết giai nhân mạo tối kỳ,

Thường tương ngọc địch hướng nhân xuy.

Khúc trung vô hạn hoa tâm động,

Độc hứa thúc quân đệ nhất chi.

Tố Tâm à! Còn nhớ lúc ta hỏi nàng: “Nàng nói thiên hạ không có vật gì nằm ngoài tâm cả, thế nhưng cây cỏ hoa lá trên núi tự sinh tự diệt thì có liên quan gì đến tâm của ta?” Nàng đáp: “Khi chàng chưa ngắm hoa này thì hoa và tâm của chàng đều cô quạnh, khi chàng đến ngắm hoa thì vẻ đẹp của hoa lập tức rõ ràng, chứng tỏ hoa này không nằm ngoài tâm của chàng.” Nàng luôn hiểu rõ nhưng ta thì vẫn cứ không hiểu. Hiện tại nàng đã nằm dưới lòng đất không lo không nghĩ, Thạch Chi Hiên ta vẫn phải ngụp lặn trong bể khổ thế nhân, phải chăng ta phải trả giá cho sự ngu ngốc của mình?

Từ Tử Lăng không nhịn được kêu:

- Tiền bối!

Thạch Chi Hiên nghe thấy thân hình chấn động, vẫn quay lưng về phía họ nói:

- Ta thật hi vọng Tử Lăng gọi ta là nhạc phụ đại nhân.

Thạch Thanh Tuyền cố nắm chặt tay Từ Tử Lăng, không ngừng lắc đầu, đôi mắt đẹp ánh lên vẻ ngỡ ngàng, mặc dù ra dấu cho Từ Tử Lăng đừng làm theo nhưng tự mình lại lục thần vô chủ.

Thạch Chi Hiên từ từ xoay người, trên mặt nước mắt dàn dụa, giọng đầy vẻ đau khổ:

- Tiểu Thanh Tuyền của cha, cha sắp đi gặp mẹ con rồi! Tiểu Thanh Tuyền không muốn tiễn cha một đoạn sao?

Thạch Thanh Tuyền yếu ớt dựa vào Từ Tử Lăng. Nhờ vào tay gã mà đứng được, nàng cuối đầu cắn môi, hồi lâu mới nói nhỏ:

- Mẹ đến lúc chết cũng không hề trách ông một câu, mẹ…

Tiếp đó lệ rơi như mưa, nói không nên lời.

Thạch Chi Hiên toàn thân run lên, kẻ vốn là bá chủ ma đạo, tung hoành một đời, lúc này lại không tự mình đứng vững được, người ngả ngả nghiêng nghiêng, hai mắt ánh lên vẻ hối hận sâu sắc.

Từ Tử Lăng biết là không hay, đúng vào lúc đó có tiếng niệm phật vang lên, tiếng tụng kinh từ Đông Đại tự truyền đến:

- Viên giác diệu tâm cú không hoa,

Không hoa diệt dĩ kim cương tính,

Y huyễn thuyết giác diệc danh huyễn,

Huyễn giác vô giác vị ly huyễn,

Tri huyễn tức ly ly phương liền,

Ly huyễn tức giác vị tiệm thứ;

Nhất thiết chúng sanh bổn lai phật,

Vô tu vô chứng hiện kim cương,

Luân hồi không hoa bổn vô sanh,

Không hoa diệt thì vô sở diệt(7).

Chính là kinh do Tứ Đại Thánh Tăng niệm ra, vào đúng lúc quan trọng này truyền đến một cách rõ ràng, tràn đầy ý cảnh phật pháp vô biên, phổ độ chúng sanh.

Thạch Chi Hiên như người trầm mê trong bể khổ chợt lộ ra thần sắc hoảng loạn, tựa như mới tỉnh cơn mê.

- Phi tính tính hữu viên giác tính,

Tuần chư tính khởi vô thủ chứng,

Thật tương vô vô vô vô,

Huyễn hóa hiện diệt vô chứng giả;

Như lai tịch diệt tùy thuận đắc,

Thật vô tịch diệt tịch diệt giả;

Nhất thiết chướng ngại cứu cánh giác,

Đắc niệm thất niệm giai giải thoát.

Tiếng kinh dứt, Thạch Chi Hiên hồi phục lại thần thái vốn có nhưng lại khác hơn lúc thường. Lão sải bước đi ra khỏi cửa, xoay đầu nhìn về phía tiếng kinh truyền đến mờ mịt trong làn mưa, ánh mắt không ngừng lóe sáng.

Từ Tử Lăng có cảm giác đã từng thấy thần thái này của lão, trong lòng chợt động, nhớ ra lúc lão hóa thân thành Đại Đức thánh tăng chủ trì pháp sự ở Vô Lượng tự, bảo tướng vô cùng trang nghiêm.

Thạch Chi Hiên đột nhiên đứng thẳng người, hai tay chắp lại, mục quang hướng về phía Thạch Thanh Tuyền, đột nhiên cười lên ha hả, buông thõng hai tay bước xuống bậc thang đi thẳng ra khỏi viện.

- Cha!

Thạch Chi Hiên an nhiên dừng lại, trong cơn mưa lất phất đầu tóc dần dần rụng xuống thuận theo gió bay khắp nơi, trong thoáng chốc đã trở thành trọc đầu. Lão chắp tay nói:

- Thành pháp phá pháp danh niết kềnh,

Trí tuệ ngu si thông bàn nhược,

Bồ tát ngoại đạo đồng bồ đề,

Vô minh chân như vô soa dị.

Ngày sau Thạch Chi Hiên được thành chính quả là nhờ vào câu gọi cha này của tiểu Thanh Tuyền.

Ngửa mặt lên trời cười dài, Thạch Chi Hiên ung dung bước đi, biến mất vào khoảng không mịt mù bên ngoài cửa viện.

Tay ngọc của Thạch Thanh Tuyền không còn run nữa, thần sắc dần dần hồi phục bình tĩnh.

Từ Tử Lăng thầm thở dài một hơi, đối với Thạch Thanh Tuyền, đối với Thạch Chi Hiên, đối với gã mà nói, đây là kết cục tốt nhất.

Thạch Thanh Tuyền nhẹ giọng nói:

- Tử Lăng à! Chúng ta tìm chỗ nào chôn ngọc tiêu của mẹ được không? Thanh Tuyền sẽ thủ hiếu cho mẹ bảy ngày, sau đó sẽ không còn vướng bận gì nữa, có thể chuyên tâm làm vợ tốt của Tử Lăng.

Mưa xuân vẫn rơi không ngừng, thế nhưng lại không còn vẻ trời sầu đất thảm như trước nữa.

Bên tai tựa như lại vang lên lời ca bi tráng của Thạch Chi Hiên:

- Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu

Trực chí như kim canh bất nghi.

- - -

Chú thích

(1) Đây là bài “Bi Khái” trong “Nhị thập tứ thi phẩm” của Tư Không Đồ (Đường)

Dịch văn:

Gió lớn thổi, sóng dâng trào làm cho cây cối cũng bị hủy diệt. Trong giờ phút khổ sở tưởng như chết đó người cần đến giúp ta lại không đến.

Trăm năm trôi qua như nước chảy, mọi phú quý vinh hoa đều như tro tàng. Thế đạo suy đồi khiến cho người có hùng tài đại lược cũng phải bó tay.

Tráng sỹ rút kiếm, ngẩng đầu nhìn trời thở dài, sao nói hết bi ai. Nỗi thê lương này như gió thu thổi làm lá rụng, như mưa rơi từng giọt làm rêu phủ xanh tường.

Nguồn:

(2) Trích trong bài “Tẩy Luyện” trong “Nhị thập tứ thi phẩm” của Tư Không Đồ (Đường), tả phẩm chất của con người. Ở đây tả Bích Tú Tâm

Dịch văn: Tựa như hồ nước trong vắt phản chiếu ánh xuân, tựa như chiếc kính cổ xưa phản chiếu được thần thái chân thật. Thuần phác như thế tổ (chỉ Trang tử) theo ánh trăng phản hồi tự nhiên. Ngẩng đầu ngắm sao, lại ung dung ca hát. Ngày nay thanh tịnh như nước là vì tiền thân chính là ánh trăng thuần tịnh, trong sáng.

Nguồn:

(3) Câu này do Huỳnh Dị tiên sinh chuyển từ câu kệ của Linh Vân thiền sư.

Nguồn:

Thiền sư Linh Vân, vị Tăng đời Đường, người Trường Khê, tỉnh Phước Kiến, tức là Thiền sư Chí Cần ở núi Linh Vân, thuộc Phước Châu. Không thấy ghi năm sinh và mất, Ngài là người nối pháp ở Trường Khánh, Đại An. Lúc đầu, tu ở núi Đại Qui; thời gian lâu, bỗng một hôm thấy hoa đào nở mà bừng ngộ toàn triệt. Từ đó trong thiền lâm gọi Ngài là Linh Vân kiến đào minh tâm, hay Linh Vân kiến đào hoa ngộ đạo. Sau khi bừng ngộ, Ngài làm bài kệ sau đây dâng lên ngài Qui Sơn Linh Hựu và được Linh Hựu trắc nghiệm sở ngộ. Linh Hựu bèn ấn chứng sự chứng ngộ ấy, có lời khuyến tấn rằng: "Từ duyên ngộ đạt, hằng không thối thức, khéo tự hộ trì".

Bài kệ của ngài Linh Vân như sau:

Tam thập niên lai tầm kiếm khách

Kỉ hồi lạc diệp kỉ sưu chi

Tự tùng nhứt kiến đào hoa hậu

Trực chí như kim bất cánh nghi

Dịch:

Kiếm khách bao năm mãi đợi chờ

Từng mùa lá đổ vẫn trăng mơ

Một phen chợt thấy hoa đào nở

Nghi sạch tiêu tan, sáng không ngờ.

Bài kệ ở câu đầu dùng hình tượng kiếm khách để chỉ bản tâm. Trong văn học phương Đông từ lâu đời, người kiếm khách là bực anh hùng lẫm liệt, sống như sức phóng đãng của trùng dương, có hoài bão cứu khổ phò nguy cho con người, đạp bằng mọi bất công, trực tiếp can thiệp vào việc nghĩa không hề nao núng run sợ, biết khinh thường danh lợi, biết quý trọng hiền nhân lễ nghĩa cao khiết. Kiếm khách tiêu biểu cho ý chí cao tuyệt, vượt lên trên mọi tù hãm tầm thường đầy u tối của nhỏ nhen tranh chấp. Người kiếm khách như cột thu lôi trên nóc đền sự sống. Thiền sư Linh Vân thấy hình tượng kiếm khách để ký thác bản tâm giác ngộ rất hấp dẫn và nổi bật, dễ gây cảm xúc hùng mạnh. Bản tâm giác ngộ cũng oai hùng cao cả, còn vĩ đại vạn lần bởi nó là sức mạnh nội tại thuần khiết do thiền định kiên cố mà phát sáng lên. Sức mạnh của nội tâm sâu lắng trong thiền định kiên cố này phá tan phút chốc mọi vướng chấp tù hãm bấy lâu quấn siết tâm thức. Ngộ đạo tức chợt đón ánh sáng kì diệu chưa từng có tràn dâng trên tâm thức, xóa sạch biên giới ngăn cách bỉ thử ngột ngạt hư ảo, như con chim sẻ bỗng chốc thành chim thần vĩ đại bay vọt lên khỏi hang tối u minh, thấy trời xanh vạn dặm bình yên. Người ngộ đạo bỗng thấy cả sông kia núi này là từng mảnh xương thịt của mình trong hòa điệu nhứt như không còn phân biệt. Mọi đồn ải ngã chấp phân biệt kiên cố bấy lâu phút chốc tan hoang sụp đổ hết, gọi là đi tới quê nhà, là phong quang kiến địa, phá tan thành vàng núi bạc mà nó giam nhốt mình từ vô lượng kiếp trong tử sinh luân hồi. Thiền sư Linh Vân đã đưa hết chí bình sinh của mình vào định tâm kiên cố suốt ba mươi năm với công phu tu tập. Nhưng còn tư niệm vi tế nào đó nên bao lần thấy hoa đào nở mỗi độ Xuân về mà vẫn không "nhìn thấy đạo", và sau thời kì chín mùi với thức tâm vô niệm tuyệt cùng, bỗng lần này Ngài chợt nhìn hoa đào với cái nhìn vô phân biệt trí, cái nhìn trực kiến chớp nhoáng lao thẳng tới với nhứt như, chủ thể đối tượng nổ tung, nên bừng ngộ. Ngài Linh Vân thấy hoa đào mà bừng ngộ là một trường hợp hơi hiếm có. Có người bị một kích động vào cơ thể đau điếng mà bừng ngộ. Phật Tổ xưa do nhìn thấy sao Mai trong xanh chiếu vào mắt mà bừng ngộ, hay các bậc Duyên Giác sống tu thiền định kiên cố trong rừng, thấy lá rụng hoa rơi mà bừng ngộ. Ngộ cũng có nhiều bực: sơ ngộ, triệt ngộ. Từ đời Tống, các tổ sư chế ra tham công án, để người học cài hết tâm mình vào đó, phát động nhiệt tình tuyệt diệu của truy tìm giải đáp gọi là khối nghi. Giải đáp không phải bằng trí chia cắt đối tượng mà là cắm khắn hết sức Vipassana, tức mài giũa cực bén QUÁN vào đối tượng.

Tóm lại, bài kệ của Linh Vân tươi mát, hấp dẫn là vì hình ảnh hoa đào đập vào nhãn tuyến, đi thẳng tới thực tại chớp nhoáng mà bừng ngộ. Cái ấy vẫn là kết quả của nhiều năm kiên cố an định bất động mới có kết quả như thế.

(4) Trích trong bài “Tiêm Nùng” trong “Nhị thập tứ thi phẩm”

(5) Dẫn hai câu trong bài “Cao Cổ” trong “Nhị thập tứ thi phẩm”

(6) Màu xanh xuất từ màu lam mà còn xanh hơn màu lam. Ý nói trò giỏi hơn thầy, con hơn cha...

(7) (8) Trích từ “Viên Giác Kinh”

(


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui