Đại Hiệp Xin Tha Mạng!


Bách Lý Tiểu Ngư chưa từng nghĩ rằng Bách Lý Vân Hạc cũng có thể chết.

Nàng đã từng nói, chết, bị thương, bệnh tật, thua trận, tất cả đều chả dính líu gì đến Bách Lý Vân Hạc, nhất là cái đầu tiên.

Nhưng người đã chết rồi.
Núi Biệt Sơn tháng sáu luôn có những cơn mưa bất chợt, mưa tầm tã không ngớt nhưng chạy tới chạy lui mấy vòng, cả người vẫn cứ khô ráo như thường.
Tế vũ phi phi bất thấp y, sơn tiền sơn hậu loạn oanh phi.
(Mưa dầm rả rích không ướt áo, trước núi sau núi chim oanh bay loạn.)
Đây là câu thơ mà Bách Lý Vân Hạc ngày trước rất thích chép lại, cũng chẳng phải có gì đặc biệt, chỉ là cảm thấy phù hợp với hoàn cảnh hiện tại trước mắt.
Nhưng Bách Lý Tiểu Ngư, hiển nhiên lúc này quần áo đều đã ướt rượt, chiếc áo khoác vốn dĩ từ màu lam nay đã chuyển sang màu ghi đậm, nàng đứng trước mộ của Bách Lý Vân Hạc cũng đã khá lâu, lại quên mất bật ô nên cả người đều dính nước mưa.
Nàng nhớ lại lúc Bách Lý Vân Hạc nhặt được nàng, người từng hỏi: “Con đã là đồ đệ của ta thì tất nhiên sẽ theo họ ta, con muốn lấy tên gì?”
Bách Lý Tiểu Ngư lúc đó còn rất nhỏ, nàng nghĩ ngợi một lúc rồi chớp mắt nói: “Bách Lý Thiêu Nhất!”
Bách Lý Vân Hạc: “…”
Bách Lý Vân Hạc cười cười vuốt mũi nàng, nói: “Ta sẽ gọi con là Bách Lý Tiểu Ngư.”
Sau này, khi đã trưởng thành, Bách Lý Tiểu Ngư từng hỏi sư phụ tại sao lại chọn cái tên ấy cho nàng, vị cao nhân truyền kỳ chốn giang hồ Bách Lý Vân Hạc lúc bấy giờ chỉ cười một tiếng, gió thổi bạch y phiêu phiêu, tóc trắng bay bay, đẹp tựa thần tiên: “Tùy tiện đặt thôi.”
Bách Lý Tiểu Ngư: “…”
Lúc đó trong đầu nàng liền lóe lên một ý nghĩ phạm thượng, là xông đến đánh chết sư phụ cho xong.
Nhưng Bách Lý Vân Hạc là ai chứ, chỉ cần nhìn một cái là biết ngay Bách Lý Tiểu Ngư nghĩ những gì, hắn khẽ nhếch môi, nở một nụ cười điên đảo chúng sinh: “Tiểu Ngư, có phải con muốn đọ sức với vi sư một phen?”
Bách Lý Tiểu Ngư cung kính đáp: “Sư phụ, con sai rồi.”
Trong suy nghĩ của Bách Lý Tiểu Ngư, cái tên Bách Lý Vân Hạc có giá trị tương đương với hai chữ “Biến Thái”.

Từ trước đến giờ người như thần đứng trên cao cũng như đỉnh Biệt Sơn quanh năm tuyết phủ, rõ ràng là đã biết tốt đẹp đến thế nhưng lại không thể chạm vào, ngay cả chạm cũng không thể, huống gì đòi giữ làm của riêng? Đối với Bách Lý Vân Hạc, bất cứ một khái niệm tiêu cực nào cũng đều không dính líu đến người – bao gồm cả chết, bị thương, bệnh tật, thua trận.
Bách Lý Vân Hạc có võ công rất cao cường, cho đến tận bây giờ Bách Lý Tiểu Ngư vẫn không biết tuổi thật của người, chỉ biết dung mạo người xưa nay chưa từng thay đổi, hệt như đỉnh tuyết Biệt Sơn này.
Về phần hai chữ “biến thái”, sau khi gắn lên người Bách Lý Vân Hạc, Bách Lý Tiểu Ngư luôn cho rằng đó là một lời khen ngợi.
Từ sau khi nàng được Bách Lý Vân Hạc nhặt về, ngay ngày sau, hôm nào cũng có một đám người tụ tập bu đông bu đỏ dưới chân núi Biệt Sơn.

Bách Lý Tiểu Ngư đứng ở sườn núi, cầm chiếc ống trúc do Bách Lý Vân Hạc phát minh ra, nhòm xuống dưới chân núi lâu thật lâu, lo lắng nói: “Sư phụ, lỡ bọn họ mà chạy lên đây thì phải làm thế nào? Người đánh thắng được họ không?”
Bách Lý Vân Hạc biếng nhác ngồi trên một chiếc ghế thái sư làm từ trúc, tóc trắng xõa ra như tuyết đổ, giọng điệu đầy dửng dưng, trên khuôn mặt không lộ ra chút vẻ nào gọi là sợ hãi: “Không sao đâu.”
Sau đó, Bách Lý Tiểu Ngư nhìn thấy nhóm người kia vừa đặt chân bước lên núi thì lập tức bị chướng khí trong không trung đánh cho bay tan tác, mới hiểu ra câu “Không sao đâu” ấy có bao nhiêu phần khẳng định.
Ngày qua ngày, người lại người xông lên, vất vả lắm mới vượt qua được chướng khí, ấy vậy mà lại còn bị mấy tảng đá khổng lồ rơi xuống người, khó khăn tránh được đá,còn dính thêm đám ong độc của Bách Lý Vân Hạc, cao thủ lắm mới lết được lên trên, cuối cùng phải tiếp chiêu kỳ môn độn giáp Bách Lý Vân Hạc bày nên.

Một khi đã vào, tuyệt không có đường ra.
Bách Lý Tiểu Ngư đã dần lớn lên như vậy – mỗi ngày đều yên giấc nồng trong tiếng gào thét thảm thiết gần xa, mỗi ngày đều vui vẻ xem đám nhân sĩ không chán chường bỏ đi thì cũng đau khổ bỏ mạng, cái nàng học được nhiều nhất chính là cách thức giết người.
Nhưng mà Bách Lý Vân Hạc chưa từng dạy võ công cho nàng, người nói: “Thiên tư vốn kém, cốt cách không đủ, học cũng tốn công, dạy tốn thời gian.”
Người càng chưa từng dạy nàng tu hành chỉ pháp, mỗi ngày chỉ chuyển một ít chỉ pháp sang cho nàng, nói là giúp nàng thư giãn thoải mái tinh thần.
Bách Lý Vân Hạc chỉ dạy nàng một vài thủ đoạn, thêm mỗi thuật khinh công, người bảo: “Nữ nhân đâu cần phải biết đánh nhau, chỉ cần bỏ chạy, tự nhiên sẽ có người đến đánh giúp con.”
Bách Lý Vân Hạc có rất nhiều lý lẽ, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, lúc còn đang trong tuổi lớn, Bách Lý Tiểu Ngư rất hay tò mò.

Vấn đề quỷ quái vớ vẩn gì cũng đều có thể lôi ra hỏi, nhưng chỉ cần nàng hỏi, Bách Lý Vân Hạc đều trả lời hết, dường như không có gì là người không biết.
Nhưng có một việc, Bách Lý Vân Hạc chưa bao giờ trả lời nàng, đó là vì sao mỗi ngày lại có nhiều người như vậy xông lên núi, bọn họ muốn làm gì?
… Ờ, được rồi, thực ra đây là hai câu.
Nhưng Bách Lý Tiểu Ngư thấy, người có trả lời hay không cũng không sao, bởi vì nàng nghĩ, đằng nào thì mình và sư phụ cũng ở mãi cả đời trên núi Biệt Sơn, sống dựa vào nhau ngày qua ngày, có đáp án hay không thì cũng thế.
Có điều Bách Lý Tiểu Ngư chưa từng nghĩ rằng, Bách Lý Vân Hạc cũng có thể chết.
Nàng đã từng nói, chết, bị thương, bệnh tật, thua trận, tất cả đều không có chút dính líu gì với Bách Lý Vân Hạc, nhất là cái đầu tiên.
Nhưng người đã chết rồi.
Đó là ngày hai tháng sáu, cũng chẳng phải là ngày đặc biệt gì, Bách Lý Tiểu Ngư như thường lệ tạm biệt Bách Lý Vân Hạc để đi hái dược liệu.

Bách Lý Vân Hạc trên trời dưới biển cái gì cũng biết nên thường xuyên tự mình chế tạo ra mấy loại thuốc linh tinh.

Bách Lý Tiểu Ngư được giao cho nhiệm vụ đi “tìm hiểu dược liệu”, vì tìm thấy một cây xa tiền thảo quý hiếm nên nàng đi hơi lâu, đến lúc quay trở về đã thấy Bách Lý Vân Hạc nhàn tản nằm tựa trên ghế thái sư.

Dường như vẫn chẳng có gì bất ổn, chỉ trừ một con dao nhỏ đang cắm trên ngực và mái tóc vốn dĩ luôn trắng tinh như tuyết nay đã nhuộm đỏ máu tươi.
Hai mắt Bách Lý Vân Hạc nhắm nghiền, hàng mi dài mà Bách Lý Tiểu Ngư trước giờ luôn ghen tị ngưỡng mộ nay đã không còn lay động, đôi ngươi lấp lánh ẩn hiện ý cười đã bị vùi sâu dưới hai mắt khép chặt.
Máu theo dáng nằm nghiêng nghiêng của chàng chảy xuống, uốn lượn như dòng sông đỏ tử thần.
Đám cỏ quý hiếm trong tay Bách Lý Tiểu Ngư lặng lẽ rơi xống.
Đơn độc, đơn độc.
Bách Lý Vân Hạc dạy Bách Lý Tiểu Ngư rất nhiều thứ nhưng lại quên mất dạy cho nàng phải làm thế nào để sống một mình…
Bách Lý Tiểu Ngư lấy hết toàn bộ kiến thức từ xưa đến giờ ra nhưng làm đủ mọi cách vẫn không thể khiến Bách Lý Vân Hạc thở lại được.

Mạch tượng của chàng đã ngừng từ lâu, cả người lạnh lẽo như băng, sắc mặt trở nên trắng bệch, cho dù vẫn đẹp đẽ lạ thường nhưng người nằm trước mặt nàng đây đã không còn là sư phụ khắc sâu trong tâm khảm nàng nữa rồi.
Nàng đến bên căn nhà trúc, vừa khóc vừa dùng tay đào một nấm mộ, thật cẩn thận đem đặt Bách Lý Vân Hạc vào trong, cuối cùng đặt môi hôn lên vầng trán của vị sư phụ đứng trên cao luôn không thể chạm tới ấy, cho dù làn da đã lạnh lẽo đến tột cùng.
Bách Lý Tiểu Ngư làm một cái bia mộ.
Phiên vân phúc vũ trích tiên thủ – Bách Lý Vân Hạc chi mộ.
Bách Lý Tiểu Ngư biết đến danh xưng này là nhờ vào một cuốn sách giang hồ có đề cập đến Bách Lý Vân Hạc.

Phiên vân phúc vũ trích tiên thủ, đại ý là, sư phụ như người, những chuyện hô mưa gọi gió, hái sao trên trời đều dễ dàng như trở bàn tay, tuy người không phải thần thánh, nhưng đó lại chính là năng lực của người.
Nàng còn ở phía dưới bia mộ khắc thêm một dòng chữ nhỏ: Sư phụ của Bách Lý Tiểu Ngư.
Thế gian từ nay mất đi một phiên vân phúc vũ trích tiên thủ.
Chẳng qua chỉ mất đi một đại truyền kỳ.
Nhưng Bách Lý Tiểu Ngư mất đi sư phụ.
Người ấy là cả thế giới của nàng.
***
Bách Lý Tiểu Ngư cứ khóc mãi, mưa cũng không chịu ngừng, dường như chẳng biết mệt mỏi là gì.

Bỗng nhiên nàng cảm thấy cả người lạnh buốt, ngơ ngác đứng đó một lúc lâu rồi mới quay người trở lại căn nhà trúc, trong tay vẫn nắm chặt con dao đã đâm chết Bách Lý Vân Hạc – con dao đó chỉ dài bốn, năm tấc nhưng càng ngắn lại càng hiểm, đủ thấy công lực của kẻ giết sư phụ quá mức thâm sâu.

Đuôi dao khảm ngọc, khắc hoa văn hình rồng, chủ nhân của nó nhất định là một kẻ giàu có, còn phải có thế lực địa vị nhất định nào đó.
(CN: Một tấc bằng 10 cm, bốn, năm tấc tương đương 40, 50 cm)
Song Bách Lý Tiểu Ngư trước giờ chưa từng xuống núi, với cả những chuyện bên ngoài nàng biết rất ít, chỉ thỉnh thoảng được nghe Bách Lý Vân Hạc kể lại hoặc đọc từ trong sách mà ra.

Những chuyện nàng biết đều đã xảy ra từ rất lâu nên bây giờ hoàn toàn chẳng thể suy đoán được con dao này rốt cuộc của ai.
Bên trong nhà trúc, mọi thứ vẫn như bình thường, chỉ là có chút lộn xộn, dường như đã bị ai lục lọi tìm kiếm cái gì, trên đất còn vương lại một vũng máu, như tố cáo rằng đã có người ra đi.
Bách Lý Tiểu Ngư mờ mịt nhìn quanh, chợt thấy trong khóc khuất có một hộp gấm viền vàng làm từ gỗ đàn, nàng nhanh chóng bước lại, chỉ thấy bên trên hộp gấm viết duy nhất một chữ: Ăn.
Đó là chữ viết của Bách Lý Vân Hạc, thể hiện đúng phong thái nhan cân liễu cốt của Người, chỉ có điều chữ ấy lại là màu đỏ, rõ ràng Bách Lý Vân Hạc đã dùng máu của mình để viết ra, nhìn kỹ mới thấy hơi ngoáy, dường như lúc đó rất cấp bách…
(Nhan cân liễu cốt: Nhan là nhan sắc; liễu là cây liễu, chỉ chữ viết sắc sảo; cân là gân, chỉ chữ viết có nét; cốt là xương, nói về chữ viết có cốt cách đặc biệt.)
Bách Lý Tiểu Ngư nhìn những vết máu đọng lại xung quanh, lặng người mở hộp gấm ra, hộp gấm lớn thế mà bên trong chỉ có một viên thuốc màu đen, nàng cầm lên đưa đến trước mũi ngửi ngửi, lại không phát hiện ra bất cứ mùi gì.
Bách Lý Vân Hạc bảo nàng ăn?
Ăn cái này để làm gì chứ…
Nàng nghĩ ngợi một lúc, lại ghé sát viên thuốc săm soi thật kỹ, cảm thấy viên thuốc này đúng là rất cứng, phía trên hình như còn khắc chữ, là ba chữ “Bích Linh châu”.
Bích Linh châu?
Sao nàng cứ thấy nghe quen quen…
Bách Lý Tiểu Ngư theo bản năng hỏi: “Sư phụ, Bích Linh châu…”
Mới nói được năm chữ, nàng chợt khựng lại, nuốt ba tiếng “là cái gì” vào bụng, trước giờ việc có gì không hiểu là đều hỏi sư phụ đã trở thành một thói quen của nàng, cũng quen chuyện Bách Lý Vân Hạc luôn thản nhiên trả lời nàng, vậy mà giờ đây đáp lại nàng chỉ có khoảng không im lặng.
Kệ đi.
Bách Lý Tiểu Ngư nhìn viên Bích Linh châu, cuối cùng nhắm mắt lại, kiên quyết nuốt luôn viên châu kia vào bụng.
Nuốt xong, nàng vội ngồi xuống khoanh chân lại nhưng mãi mà chẳng phát hiện thấy cơ thể mình có điều gì khác thường, đành thử dồn khí xuống đan điền, cuối cùng đau khổ nhận ra nội lực của mình vẫn chỉ ít đến thảm thương.
… Thôi, chuyện Bách Lý Vân Hạc đã làm, sao có thể sai được chứ?
Bách Lý Tiểu Ngư chán nản đứng dậy, trong lòng chỉ cảm thấy trống rỗng, một tay nàng nắm chặt con dao, tay kia giữ trọn hộp gấm, do dự một lúc, cuối cùng mở hộp gấm ra, đem con dao bỏ vào.
Đột nhiên bên ngoài lại vang lên những tiếng kêu gào thảm thiết, Bách Lý Tiểu Ngư nhíu nhíu mày vẻ mất kiên nhẫn, tiện tay vơ lấy ống trúc, ra phía sườn núi ngó xuống, lại thấy đám người hôm nay tới đây có vẻ rất đặc biệt, toàn bộ đều mặc áo vàng, cực kì chói lóa, sương trên núi bao phủ dày đặc mà vẫn thấy được rõ vẻ óng ánh chướng mắt kia.
Hơn nữa đám người hôm nay cũng đông bất thường, hết đám này ngã xuống đã thấy đám khác xông lên.

Bách Lý Tiểu Ngư nghĩ, Bách Lý Vân Hạc chết rồi, bọn người này có lên được tới đây cũng chỉ tổ phí công, thôi thì đành làm phúc một chút vậy.
Nàng dùng hết sức lực, hét thật to: “Mấy người đừng lên đây nữa! Sư phụ ta Bách Lý Vân Hạc đã chết rồi! Mấy người có lên cũng chẳng được ích lợi gì đâu!”
Tất cả nhất loạt sửng sốt, có vẻ như không thể ngờ được rằng trên núi Biệt Sơn của Bách Lý Vân Hạc lại có tiếng người vọng xuống, mà lại là giọng của một cô gái, không bao lâu liền có người đáp: “Bách Lý Vân Hạc đã chết?”
Nội lực của người kia rõ là hùng hậu hơn Bách Lý Tiểu Ngư nhiều, khiến nàng váng vất cả đầu, chán nản đáp trả: “Đúng! Mấy người mau cút đi!”
Người nọ cũng chẳng tỏ ra chút giận dữ, chỉ hỏi: “Vậy Bích Linh châu đâu?”
Bách Lý Tiểu Ngư ngơ ngác đáp: “Ta ăn rồi! Sao hả?”
“…” Dưới chân núi chỉ còn lại sự yên tĩnh, đột nhiên cả đám người nhất loạt rống lên giận dữ.

Bách Lý Tiểu Ngư hoảng sợ giật nảy người, Bách Lý Vân Hạc đã không còn, nàng làm sao chỉ huy được đám dã thú kia chứ, vậy là thiếu mất một tầng phòng hộ.

Hơn nữa, thuật kỳ môn độn giáp của nàng cũng thua xa sư phụ, nếu lát nữa thuật của người mà bị phá, nàng làm sao khôi phục được chứ, thế này chẳng phải muốn lấy mạng nàng hay sao?
Bách Lý Tiểu Ngư suy nghĩ một lúc rồi quyết định quay trở vào nhà thu dọn ít đồ bỏ chạy, nhưng vừa quay người lại đã bị dọa cho giật nảy cả lên: một gã đàn ông khoác chiếc áo bào màu vàng óng lấp la lấp lánh chẳng biết từ khi nào đã đứng ngay sau lưng nàng.

Người đó đi một đôi giày màu vàng, bên hông đeo cửu tiết tiên vàng, mái tóc đen dùng một sợi dây cũng vàng rực buộc gọn, toàn thân óng ánh như một thỏi vàng tinh vừa biến hình người.
(Cửu tiết tiên: là một loại binh khí mềm (roi), được truyền vào Thiếu lâm tự khoảng đời Tống)
Hơn nữa, người này nhìn qua cũng chỉ tầm hai mươi tuổi, mặt mày sáng sủa, làn da trắng tinh, khóe miệng còn vấn vít nụ cười, hệt như một vị công tử nhàn nhã không màng thế sự.

Nhưng Bách Lý Tiểu Ngư hiểu rõ, có thể lên được đến đây trong thời gian ngắn như vậy thì tuyệt đối không phải người bình thường, nhất là khi chính nàng còn chẳng mảy may phát hiện ra sự tồn tại của gã.
Bách Lý Tiểu Ngư nuốt nước bọt, lo lắng nhìn vị khách không mời mà đến trước mắt, suy nghĩ xem người đó sẽ ra chiêu gì đầu tiên.
Thế nhưng thỏi vàng kia lại chỉ chắp tay, lịch sự hành lễ, khẽ nói: “Tại hạ Kim Khinh Phù, xin hỏi phương danh cô nương?”
Bách Lý Tiểu Ngư: “…”
Lòng đầy cảnh giác, nàng khó hiểu nhìn Kim… Kim Khinh Phù.
Đối phương thấy nàng không đáp, cũng không truy hỏi, mà nở một nụ cười vô hại: “Vậy… Xin hỏi cô nương, có đồng ý bán thân hay không? Giá cả có thể thương lượng!”
Bách Lý Tiểu Ngư: “…”
Sư phụ à, đám người dưới núi sao lại kỳ quái thế này…
Hết chương 1.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui