Đại Mạc Thương Lang

Nếu nói nỗi nhớ trước đây của tôi giống như một cây nến trắng tĩnh lặng, cố gắng dồn nén
không bùng cháy để hy vọng sẽ có một ngày được tỏa ánh sáng lung linh,
nhưng giờ khắc này, cây nến đó đã được châm mồi trong đám lá khô, nó bốc cháy mãnh liệt và không thể dập tắt được.

Tôi đã ý thức được
mình không thể cứ thế mà quay trở về lều và tỏ vẻ như chưa từng xảy ra
chuyện gì. Khoảnh khắc này đây để được gặp cô ấy, chuyện gì tôi cũng dám làm.

Vào thời ấy, suy nghĩ này quả thực rất điên cuồng, ban đầu tôi thậm chí còn cảm thấy sợ vì mình lại có ý nghĩ dữ dội đến thế.

Tôi muốn kìm nén khát khao cháy bỏng ấy nhưng chẳng ích gì, đầu óc tôi
không thể suy nghĩ đến khả năng đó, tuy trong thoáng chốc hàng loạt hậu
quả bi thảm có khả năng sẽ xảy ra đã lướt qua não tôi nhưng tất cả những cấm kị thường có trong giây phút này đều trở nên vô nghĩa.

Không phải tôi không sợ những thứ tội mà thời đó sẽ gá lên vai mình, nhưng
giờ phút này, bản năng khiến tôi cự tuyệt mọi suy nghĩ, tôi biết đó
không phải sự bồng bột nhất thời, bởi tôi không hề hấp tấp vội vàng, tôi chỉ rất muốn gặp cô ấy và không thể đợi chờ thêm giây phút nào nữa.

Tôi do thám tình hình vệ binh canh trước lều, thực ra, lẻn vào đó không hề
khó khăn gì, tôi có thể bơi qua dòng nước phía dưới thông đạo làm bằng
lưới thép, nhưng lộ trình thâm nhập bằng đường thủy này cần phải tính
toán kĩ lưỡng.

Tôi trở về lều của mình, bọc cẩn thận chiếc đồng
hồ mà Viên Hỷ Lạc tặng, rồi giấu dưới gối, sau đó lặng lẽ lẻn đến trạm
cứu thương, tôi đi một mạch đến đó rồi tìm lối vào phù hợp nhất.

Các công trình kiến trúc phía trong đập đều được xây dọc theo hai bờ sông
ngầm, một bên là khu cứu thương, nhà bếp và còn có cả nơi ở của chúng
tôi, còn bên kia là nơi ở của lính công binh, bộ tư lệnh và nhà bếp của
bọn họ. Bởi hệ thống khác nhau nên chế độ ăn cũng khác nhau, thành viên
của hai hệ thống chúng tôi bị cố tình phân thành hai nhóm sinh hoạt
riêng biệt.

Khu cứu thương nằm độc lập, có hơn hai mươi lều trại lớn nhỏ và khoảng trên trăm y tá sống ở đó.

Nơi ở của tôi và Viên Hỷ Lạc cách nhau một bếp ăn, tất cả lều trại đều được căng trên những khung sắt, một số là khung cũ của bọn Nhật trước kia đã lắp sẵn, một số là do chúng tôi tự hàn nối thành khung, bởi vậy cả khu
vực đều nổi trên mặt nước, tôi có thể lội nước từ khu vực bếp ăn đến khu cứu thương, nhưng làm như vậy sẽ xuất hiện một vấn đề nhỏ: đó là làm
thế nào để leo từ dưới nước lên trên, bởi lưới thép đã được hàn chết.

Ngẫm nghĩ mãi cũng chưa tìm được cách gì, nhưng tôi không thể chờ đợi thêm
được nữa, nên quyết định cứ nhảy xuống trước rồi tính sau.

Tôi
uống mấy ngụm rượu cho ấm người rồi khởi động, sau đó len lén đi về phía rìa doanh trại và lội xuống nước, lần mò xuống dưới lưới thép.

Người ta xây dựng doanh trại theo mấy bước, đầu tiên là sử dụng máy hàn điện
để gia cố các tấm lưới thép, sau đó xếp ván gỗ đệm lên trên, rồi căng
bạt chống thấm làm lều, bởi vậy hiệu quả cách âm rất kém. Lúc lội nước
ngang qua, tôi có thể nghe thấy mọi âm thanh đi lại, nói chuyện, cười
đùa ở trong các lều phía trên.

Nước sông ngầm lạnh thấu xương,
tôi rét run cầm cập, nhưng trong lòng lại nóng như lửa đốt. Lúc này vì
không dám dùng đèn pin, nên tôi đành phải dựa vào ánh đèn lọt qua những
khe hở của ván gỗ để tiến về phía trước.

Bơi tầm mười mấy mét thì ra khỏi khu bếp ăn, trên đường đến khu cứu thương có một đoạn lộ thiên
không có gì che chắn phía trên, tôi đành lặn xuống nước, lúc thò đầu lên thì phát hiện chỗ này hoàn toàn yên ắng.

Suýt chút nữa tôi đã
bật hắt hơi, ôm hai cánh tay đang run lẩy bẩy, tôi ngoi đầu lên quan sát xem có nơi nào trèo lên được hay không, chẳng bao lâu thì phát hiện có
một nơi ánh sáng lọt xuống sáng hơn hẳn những chỗ khác.

Tôi lại
ngụp xuống và bơi đến đó, lưới thép ở nơi phát ra ánh sáng đó bị cắt
thành một lỗ tròn, cảm giác vừa đủ cho một người chui qua, sau khi trèo
lên, tôi mới phát hiện thì ra nó là một miệng giếng lấy nước, bên cạnh
đặt rất nhiều gầu múc nước.

Gió lạnh ùa tới khiến tôi nổi hết da
gà, tôi vội vàng cởi quần áo vắt khô, chẳng ngờ làm vậy lại khiến cơ thể ấm hơn chút ít. Tôi chỉ mặc quần đùi, rồi lần mò đi về phía lều của
Viên Hỷ Lạc, cảnh vệ vẫn ngồi canh ở cửa, xem ra hôm nay cậu ta phải hộ
tống cô ấy đi kiểm tra sức khỏe.

Lều dã chiến của chúng tôi đều
dùng đinh bê tông cắm sâu xuống đất để ghim bạt, bốn góc được chặn lại
bằng vật nặng nhằm tránh gió thổi bốc lên, ở đây không có đá tảng, nên
họ lấy đinh nhỏ đóng lên ván ép để thay thế, tôi không dám liều lĩnh
xông vào bằng lối cổng chính.

Không rõ trong lều có người hay
không, tôi nghĩ một lát rồi dán sát người vào sau lều nghe ngóng, không
nghe thấy tiếng nói chuyện, tôi mới hít một hơi thật sâu, rồi dùng dao
rạch một đường nhỏ ở dưới chân lều và chui vào trong.

Trong lều
ấm áp hơn ngoài trời rất nhiều, cơ hồ chỉ một giây sau, cảm giác kích
thích khiến tôi thấy khắp thân thể mình như đang nhói đau, trong lều
thắp một ngọn đèn lờ nhờ sáng, tôi không dám lên tiếng, chợt trông thấy
Viên Hỷ Lạc đã ngồi dậy từ lúc nào, cô ấy nhìn về phía tôi.

Tóc
cô ấy đã dài hơn trước, gương mặt cũng thanh tú hơn, vẻ lạnh lùng, can
trường của “ma nữ Liên Xô” đã biến mất, thay thế vào đó là cảm giác
khiến tôi không thể diễn tả bằng lời.

Tôi chỉ mặc độc chiếc quần
đùi, lạnh đến mức da dẻ toàn thân tím ngắt, lẩy bẩy đứng nhìn cô ấy, cả
hai người cứ thế đăm đắm nhìn nhau, chẳng ai biết nên phản ứng gì vào
lúc này.

Đột nhiên tôi thấy mình xuất hiện thật thảm hại, chẳng
biết có phá vỡ hình tượng trong tim cô ấy không? Nhưng khi tôi còn chưa
kịp phản ứng lại, thì cô ấy đã nhào tới, lao vào vòng tay tôi.

Trong phút chốc, cơ thể lạnh giá của tôi đón nhận luồng hơi nóng hôi hổi ập đến, tôi siết chặt lấy cô ấy.

Suốt mấy tiếng sau đó, chẳng hề có chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi, bởi hai
đứa chúng tôi không thể nói chuyện, Hỷ Lạc sợ có người đột ngột đi vào,
nên cô tắt điện, chúng tôi tựa sát vào nhau, cảm nhận hơi ấm của đối
phương.

Trong đầu tôi lại bồng bềnh hiện lên những cảnh tượng xảy ra trong bóng tối lúc ở “trạm lánh nạn”, khoảnh khắc đó vừa giống với
bây giờ lại vừa khang khác.

Tôi không biết cảm giác đang tan chảy trong lòng là cảm giác hạnh phúc hay thỏa mãn, mà mặc kệ là cảm giác
gì, tôi chỉ biết giờ phút này tôi không muốn rời xa cô ấy chút nào.

Trong bóng tối, chúng tôi dùng ngón tay viết lên lòng bàn tay của đối phương
để giao tiếp, tuy vô cùng mơ hồ và khả năng truyền đạt chỉ có hạn, nhưng tôi vẫn rất vui. Tôi hỏi cô ấy rất nhiều chuyện, nhưng phần lớn cô ấy
chỉ lắc đầu, có lẽ cô ấy không hiểu tôi muốn nói gì.

Mức độ nhiễm độc của Hỷ Lạc nặng hơn tôi, tôi ý thức rằng cô ấy vẫn chưa hoàn toàn
bình phục, nên lòng càng thấy xót xa hơn, nhưng tôi không thể ở lại đây
quá lâu, bởi nửa đêm y tá sẽ đến kiểm tra, đương nhiên Viên Hỷ Lạc cũng
biết điều này nên cô ấy không giữ tôi lại, tôi lưu luyến không nỡ xa
rời, quyết tâm mãi, cuối cùng tôi mới đứng lên men theo đường cũ trở về
lều của mình.

Có lẽ con đường này là một điểm mù, nên tôi dễ dàng trở lại khu vực của mình, tuy lạnh muốn chết nhưng trong lòng tôi lại
thấy vô cùng rạo rực.

Về đến lều, tôi bảo với các anh em là mình
vừa đi tắm nước lạnh, sau đó sờ chiếc đồng hồ giấu dưới gối, lấy nó ra
mân mê trong tay. Đó là chiếc đồng hồ rất tinh xảo hiệu Kirov của Liên
Xô, đương nhiên không thể so với đồng hồ thời bây giờ, nhưng trông nó
nhỏ và mỏng hơn đồng hồ nam rất nhiều. Lật đằng sau, tôi phát hiện mặt
sau của đồng hồ khắc mấy chữ: “Dẫu ngày sau ra sao, mong anh hãy thương
em”.

Mấy chữ này trông không đẹp lắm, có lẽ dùng vật nhọn nào đó
khắc lên, không hiểu đây là một câu danh ngôn mà Hỷ Lạc thích hay là lời thoại trong một vở ca kịch nào đó.

Đồ của Liên Xô nổi tiếng là
bền, chiếc đồng hồ này chắc phải rất đắt, hơn nữa đó lại là quà tặng
giao lưu giữa thành viên hai nước, nên dẫu có tiền cũng chưa chắc đã mua được.

Tôi thấy hơi kích động, thầm nghĩ có khi nguồn gốc chiếc
đồng hồ này mang một ý nghĩa sâu xa nào đó, thế là tôi đặt nó lên tay và hôn khẽ, trong lòng như thể có điều gì đã được xác lập, tôi cảm giác cô ấy đang ở ngay bên cạnh và tôi có thể ngửi thấy mùi hương trên tóc cô
ấy bay thoang thoảng đâu đây.

Tôi biết từ giây phút đó mình đã sa chân vào bể ái tình vạn kiếp không thể thoát ra. Hồi học cấp ba, tôi
từng thầm yêu một nữ sinh, cô ấy là một cô gái rất trong sáng, ngày
thường tôi chẳng bao giờ có cơ hội tiếp cận chuyện trò, về sau biết cô
ấy là con gái của trung đoàn trưởng, từ nhỏ đã được định hướng đi theo
con đường binh nghiệp, nên cuối cùng tôi chẳng dám tỏ tình. Tôi còn nhớ
như in ánh mắt người con gái ấy trao cho mình và cảm giác trái tim mình
đập thổn thức trong lồng ngực ra sao. Có lẽ đó cũng là tình yêu, nhưng
mức độ thì hoàn toàn khác với lần này.

Khi ấy tôi còn rất minh
mẫn để suy nghĩ nhiều vấn đề được mất, nhưng giờ đây, đầu óc tôi chỉ có
một ý niệm duy nhất, đó là muốn ôm cô ấy vào trong lòng, tôi chẳng thể
suy nghĩ gì hơn được nữa, tôi hiểu mình đã không còn đường lui.

Nhưng quay người đi lại thấy lo lắng, thời ấy, yêu một người con gái phải trả giá rất đắt, mà bây giờ còn chưa biết cô ấy có thể khôi phục lại tâm
thần hay không. Tôi không chắc chắn mình có thể làm gì trong hoàn cảnh
này, mà tôi cũng chẳng ôm hy vọng, điều duy nhất tôi nghĩ đến lúc này là được gặp cô ấy nhiều hơn.

Vừa khi ấy, Vương Tứ Xuyên kéo một đám bạn đến đánh bài, cậu ấy gọi tôi dậy, tôi chẳng còn tâm trí nào để đánh đấm nên thua hết ván này đến ván khác, mặt dán chi chít giấy, sau đó
mọi người thấy trò này vô vị nên kéo nhau ra ngoài hút thuốc buôn
chuyện.

Tôi nằm trên giường nghĩ về mọi chuyện vừa diễn ra, lòng
đan xen bao tâm sự chồng chéo, nghĩ đến lúc ở bên cô ấy, tôi lại đỏ mặt
tía tai, vừa thấy mình vô dụng vừa tự cười ngố, cứ suy nghĩ miên man một lúc rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Ngày hôm sau, lúc
Vương Tứ Xuyên đá mạnh vào người, tôi vẫn đang nằm mơ, tôi mơ thấy con
gái ông trung đoàn trưởng năm đó lại trở về tìm tôi, rồi thoáng một cái
khuôn mặt của cô gái ấy biến thành khuôn mặt của Viên Hỷ Lạc, giây sau
thì trở lại như cũ. Tôi lo sốt vó, cáu kỉnh định hỏi, bắt chước kinh
kịch hay sao mà thay liên tục thế? Vừa định mở miệng, thì thấy xung
quanh có bao nhiêu người đang nhìn mình chằm chằm, tôi sờ mặt thì phát
hiện khắp mặt dán đầy giấy, trên giấy viết hai chữ rõ to “Tìm vợ”. Tôi
sợ thất sắc, vội vàng xé đi, nhưng phát hiện tờ giấy được dán rất chắc,
tôi lột cả da mặt mà vẫn không thể lột nổi tờ giấy đó đi. Tôi khiếp đảm
giật mình choàng tỉnh.

Mắt mở to ngơ ngác nhìn quanh, tôi phát
hiện hôm qua lơ mơ thế nào mà chẳng xé mấy tờ giấy dán trên mặt vì thua
bài, cứ thế đi ngủ. Vương Tứ Xuyên đang véo má đánh thức tôi dậy, trông
bộ dạng cậu ta rất hưng phấn.

Cùng lúc ấy, tôi nghe thấy tiếng ồn ào vọng lại từ ngoài lều, vén rèm cửa ra, tôi thấy rất nhiều người đang chạy về một hướng.

Tôi lắc đầu cho tỉnh táo hơn, hỏi Vương Tứ Xuyên xem chuyện gì đang xảy ra, cậu ấy bảo: “Dậy mau! Có kịch hay lắm!”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui