Đại Ngụy Cung Đình

Sau một phen hỗn loạn, thiên tử Đại Ngụy Triệu Nguyên Tư xụ mặt đứng trong Văn Chiêu các.

Trên bàn đặt món đồ gây ra trò hề lúc nãy - một con diều khổng lồ.

Và trên một khoảng đất trống trong Văn Chiêu các, hoàng bát tử Hoằng Nhuận và mười tông vệ của cậu quỳ ngay ngắn dưới đất, cúi gầm mặt, không ai dám lên tiếng.

Nhất là thân vệ có tên Mục Thanh, trên đầu còn quấn mảnh vải trắng có thấm vết máu, chắc hẳn lúc rơi từ trên không xuống đã bị thương, những tông vệ còn lại tuy trên mặt đều có vết trầy xước nhưng so ra, vẫn đỡ hơn Mục Thanh rất nhiều.

“Bốp!”

Thiên tử Đại Ngụy vỗ mạnh xuống bàn, giận dữ quát mắng: “Hoằng Nhuận, con thật quá láo xược! Một cung đình đang yên đang lành bị con làm cho loạn hết lên! Tông vệ đó của con suýt nữa đã ngã chết!”

“Thì cũng tại phụ vương thôi, nếu phụ vương không ho một tiếng, sao lại xảy ra chuyện như vậy...” Hoàng bát tử Hoằng Nhuận lẩm bẩm.

“Con nói gì?” Triệu Nguyên Tư hoàn toàn không ngờ đứa con trước mặt lại dám cãi bướng, ông nâng cao thêm ngữ điệu quát mắng: “Ý của con là tất cả đều tại trẫm sao?”

“Hoàng nhi không có nói như vậy...”

Thấy nhi tử nhượng bộ, Triệu Nguyên Tư hạ giận, hắng giọng định nói gì đó thì lại nghe tiếng lẩm bẩm của nhi tử: “Là phụ hoàng tự nói...”

“Con!” Triệu Nguyên Tư giận đến nỗi không nói nên lời.

Nhưng dù sao ông cũng là một thiên tử thông minh sáng suốt, nghĩ kỹ lại, nếu không phải ông đứng sau lưng đám người này ho một tiếng, tên tông vệ đó cũng sẽ không bị rơi từ trên không xuống, nói cách khác, quả thật ông có lỗi.

Tất nhiên, thân là thiên tử Đại Ngụy, Triệu Nguyên Tư không thể dễ dàng nhận lỗi, dù sao cũng liên quan đến sự uy nghiêm của hoàng đế, không phải vấn đề ông muốn hay không.

“Đây là cái gì?” Triệu Nguyên Tư chuyển đề tài, chỉ vào con diều không lồ trên bàn hỏi.

“Diều, nhưng con diều của hoàng nhi không phải làm bằng giấy, mà là làm bằng một loại vải nhẹ và không thông gió, còn giá diều cũng làm từ loại tre chắc chắn, rất chắc chắn...”

Vừa nhắc đến con diều này, Hoằng Nhuận bỗng chốc trở nên vô cùng cao hứng, thao thao bất tuyệt giới thiệu tác phẩm của cậu với thiên tử Đại Ngụy và ba vị đại thần trung thư tỉnh.

Nhưng tiếc là thiên tử Đại Ngụy lại không đồng tình: “Chỉ là một món đồ chơi!”

Hoằng Nhuận nghe xong có chút không vui, bĩu môi nói: “Đồ chơi? Dùng nó có thể dễ dàng bay qua bức tường hoàng cung cao chót vót, phụ hoàng còn cho rằng đây chỉ là đồ chơi?”


Ba vị đại thần trung thư tỉnh nghe vậy sắc mặt khẽ thay đổi, lúc nãy họ chỉ ngạc nhiên vì con diều này lại có thể giúp con người bay lên không trung, nay nghe vị hoàng bát tử này nói như vậy, phút chốc trở nên cảnh giác, thầm nghĩ thứ này nếu lan truyền ra ngoài hậu quả thật khó lường, nếu để những kẻ tâm thuật bất chính có được nó, bức tường hoàng cung không phải sẽ trở nên vô dụng sao?

“Bệ hạ...” Trung thư tả thừa Lận Ngọc Dương lập tức muốn nhắc nhở thiên tử Đại Ngụy.

Triệu Nguyên Tư giơ tay ngăn cản, vì bản thân ông cũng đã nghĩ đến: “Đổng Hiến, chốc nữa ngươi hãy mang thứ này đi tiêu hủy, ngoài ra, ban lệnh cho tất cả cấm vệ canh giữ hôm nay không được lan truyền chuyện này ra ngoài.”

“Vâng.” Đổng Hiến cúi người đáp.

“Chờ đã!”

Triệu Nguyên Tư chau mày nhìn Hoằng Nhuận, người vừa lên tiếng, không vui nói: “Con muốn nói gì?”

Triệu Hoằng Nhuận giơ tay phải ra: “Bốn mươi lượng.”

“Cái gì?” Thiên tử Đại Ngụy không hiểu.

“Con diều này đã tốn của hoàng nhi bốn mươi lượng.”

Triệu Nguyên Tư ngẩn người, lúc này mới hiểu ra, trợn mắt ngạc nhiên chất vấn: “Con còn dám đòi tiền trẫm?”

“Con diều nảy đã tốn của hoàng nhi bốn mươi lượng, phụ vương nếu muốn lấy đi, tất nhiên phải hoàn trả tiền vốn cho hoàng nhi, không lẽ phụ hoàng thân là thiên tử Đại Ngụy mà cũng muốn cậy quyền cướp đoạt sao?”

“Con!” Triệu Nguyên Tư tức đến nỗi run rẩy liên hồi, đùng đùng nổi giận nói: “Đổng Hiến, chốc nữa ngươi hãy lấy bốn mươi lượng từ nội khố của trẫm, hoàn trả cho bát hoàng tử!”

“Vâng.” Đổng Hiến cong lưng đáp.

Ba vị đại thần trung thư tỉnh đứng một bên chết lặng, thầm nghĩ vị bát hoàng tử này lại dám đòi đương kim thiên tử trả lại tiền vốn làm con diều, hèn gì dám đề ra câu “dân phú quốc cường”, quả thật gan to bằng trời.

Ba người họ chỉ có thể thở dài cho qua, nhưng trong lòng thiên tử Đại Ngụy lại không dễ chịu chút nào, bị nhi tử của mình dùng lời lẽ ép buộc đến nỗi không thể không bỏ ra bốn mươi lượng, điều này khiến Triệu Nguyên Tư cảm thấy có chút ấm ức khó chịu.

Lại nghĩ đến nhi tử Triệu Hoằng Nhuận này xưa nay đều bướng bỉnh ngoan cố, hơn nữa sáng hôm nay lại vô phép vô tắc trên Văn Đức điện, hoàng thí đến trễ đã đành, lại còn bỏ về sớm, Triệu Nguyên Tư cảm thấy nếu không nhân cơ hội dạy dỗ một phen, mầm non hoàng gia này chắc chắn sẽ trưởng thành lệch lạc.

Nghĩ đến đây, Triệu Nguyên Tư bày ra dáng vẻ của một người phụ thân hỏi: “Hoằng Nhuận, lúc này đáng lý ra con phải đang ở cung học (1) nghe giảng mới đúng, tại sao lại chơi bời ngoài cung?”


“À, bẩm phụ hoàng, hoàng nhi cảm thấy cung học quá nhàm chán nên trốn học.” Triệu Hoằng Nhuận nghiêm túc nói, lẽ thẳng khí hùng, dường như điều này là lẽ dĩ nhiên.

Triệu Nguyên Tư phẫn nộ, phải biết rằng xưa nay hoàng tử đều phải đến cung học học hành, đây chính là tổ chế của Đại Ngụy, những hoàng tử khác dù muốn lười biếng cũng phải lấy cớ sức khỏe không tốt, còn nhi tử này thì quả thật quá hay, nói thẳng cung học nhàm chán nên trốn học.

“Quá nhàm chán? Ý con là, những kiến thức cung học dạy con không cần học nữa?” Triệu Nguyên Tư nói câu này ý muốn cho nhi tử biết, chuyện học hành của con còn chưa đến đâu, không có tư cách nói quá nhàm chán.

Không ngờ Triệu Hoằng Nhuận lại bĩu môi, nói như đây là lẽ đương nhiên: “Chí hướng của hoàng nhi lại không phải là làm hoàng đế, học những thứ này làm gì?”

Vừa dứt lời, không những thiên tử Đại Ngụy Triệu Nguyên Tư sững sờ, ngay cả ba vị đại thần trung thư tỉnh xuất thân đại học sĩ cũng ngẩn tò te. Những gì dạy trong cung học là kinh điển của các bậc thánh hiền văn học nhiều thế hệ, nhưng trong mắt vị hoàng tử này lại trở thành “những thứ này”.

Trung thư tả thừa Lận Ngọc Dương không kìm được bèn lên tiếng: “Kẻ được dạy là Nghiêu Thuấn (2), kẻ không được dạy là Kiệt Trụ (3), đọc sách thánh hiền, làm chuyện nhân nghĩa. Đây chính là nền móng của giáo dục, là nền móng của di thư thánh hiền. Điều bát điện hạ vừa nói, thứ tội cho thần không thể đồng tình!”

Thiên tử Đại Ngụy ngẩn người, vốn dĩ ông cũng muốn đích thân dạy dỗ đứa con không biết nghe lời này một phen, nhưng không ngờ trung thư tả thừa Lận Ngọc Dương cũng không nhịn được trước sự khinh bỉ của Triệu Hoằng Nhuận đối với di thư thánh hiền, chủ động xen vào.

Đây là chuyện tốt!

Ba vị trung thư đại thần chính là những học sĩ uyên bác, có Lận Ngọc Dương giúp đỡ, thiên tử Đại Ngụy nghĩ rằng ắt sẽ thành công.

Nhưng không ai ngờ rằng, vị bát hoàng tử Hoằng Nhuận này nghiêng đầu nhìn Lận Ngọc Dương cả nửa ngày, đột nhiên cười nói: “Lời nói của vị đại nhân này, thứ tội cho bổn hoàng tử không thể đồng tình.”

“Ồ?” Lận Ngọc Dương khẽ cười, hỏi: “Điện hạ muốn tranh luận với vi thần điều gì? Vi thần xin rửa tai lắng nghe.”

Thấy bát tử Hoằng Nhuận trực tiếp “khiêu chiến” trung thư tả thừa, thiên tử Đại Ngụy cũng cảm thấy có chút thú vị, vẫy tay bảo bát tử đứng dậy. Ông muốn nghe xem vị hoàng tử được đồn là ngoan cố bướng bỉnh này rốt cuộc sẽ nói ra những gì.

“Tranh luận thì không dám, bổn hoàng tử chỉ muốn hỏi vị đại nhân này vài câu hỏi thôi.” Triệu Hoằng Nhuận đứng dậy, phủi bụi dưới chân, ung dung hỏi: “Nghiêu Thuấn có thầy không? Kiệt Trụ có thầy không?”

Lận Ngọc Dương chưa mở miệng, trung thư hữu thừa Ngu Tử Khởi đã chau mày trước, thầm nghĩ, Lận Ngọc Dương e rằng sẽ bị lật thuyền trong cống ngầm (4).

Quả nhiên như vậy, Lận Ngọc Dương dường như cũng nghĩ đến điều gì đó, chau mày nói: “Kiệt, Trụ thân là nhân vương đế chủ (5), tất nhiên có thầy dạy dỗ, còn Nghiêu, Thuấn là thượng cổ thánh hiền, không nghe nói có ai dạy bảo.”

“Nếu đã như vậy, tại sao người được thầy dạy dỗ lại thành hôn quân, người không được dạy lại thành thánh vương? Có thể nào hiểu theo nghĩa, dạy, không bằng không dạy?”


Lận Ngọc Dương sắc mặt khẽ thay đổi, thầm nghĩ nếu lời vừa rồi được thừa nhận, vậy chuyện trốn học sau này của vị hoàng tử này không phải sẽ trở thành lẽ đương nhiên sao?

Nghĩ vậy ông lập tức đáp lại: “Nghiêu Thuấn tuy là thánh chủ, nhưng vi thần cho rằng, ắt hẳn cũng có thánh hiền dạy bảo. Còn về loại hôn quân như Kiệt Trụ, dù có thánh hiền dạy bảo, e rằng cũng là không có tâm trí học hành.”

“Vị đại nhân này đổi giọng nhanh nhỉ.” Triệu Hoằng Nhuận vô tâm cười nói.

Lận Ngọc Dương nghe vậy có chút xấu hổ nhưng sự việc đã đến nước này, ông cũng không còn cách nào khác.

Dù con đường này đã bị Lận Ngọc Dương chặn lại, nhưng sắc mặt Triệu Hoằng Nhuận lại không hề thay đổi, tiếp tục hỏi: “Bổn hoàng tử xin hỏi tiếp vị đại nhân này, đọc sách thánh hiền, làm chuyện nhân nghĩa, sách thánh hiền đó là do ai viết?”

“Tất nhiên là thánh hiền các triều đại.” Lận Ngọc Dương cảm thấy kỳ lạ vì vị hoàng tử này lại đi hỏi một câu hỏi không có trình độ như vậy.

“Vậy thánh hiền các triều đại học những kiến thức này từ đâu?”

“Tất nhiên là...” Nói đến đây, Lận Ngọc Dương chợt thấy hồi hộp, cuối cùng ông đã ý thức được cái bẫy của câu hỏi này ở đâu.

“Xem ra vị đại nhân này đã đoán được, đúng vậy, bổn hoàng tử chính là muốn hỏi, khi Thương Hiệt (6) tạo ra chữ viết, thánh nhân để lại thư tịch, vị thánh nhân để lại quyển sách thánh hiền đầu tiên, ông ta rốt cuộc đã học từ ai? Nếu có thầy, vậy thầy của ông ta lại học từ ai?”

Lận Ngọc Dương không còn gì để nói, vì nếu truy về lúc sớm nhất, chắc chắn có một vị thánh hiền không có thầy, nhưng điều này ông lại không thể nói ra, nếu nói ra xem như đã trúng kế của bát hoàng tử, thừa nhận đạo lý ngược ngạo “dạy” và “không dạy” thật ra cũng không khác biệt.

“Thứ tội cho vi thần tài thô học thiển...” Trung thư tả thừa Lận Ngọc Dương đỏ mặt tía tai chấp nhận thất bại.

Thiên tử Đại Ngụy thầm kêu khổ trong lòng, ông vốn muốn mượn mồm Lận Ngọc Dương giáo huấn nhi tử ngỗ nghịch này, không ngờ những đạo lý ngược ngạo của cậu lại có thể làm khó một học sĩ uyên bác như Lận Ngọc Dương.

Nhưng suy nghĩ lại thiên tử Đại Ngụy lại cảm thấy có chút vui mừng, dù sao nhi tử bị đồn bướng bỉnh ngoan cố này không ngờ lại có thể làm khó Lận Ngọc Dương, như vậy chẳng phải chứng minh nhi tử này cũng có tài năng thực sự sao?

Thiên tử Đại Ngụy quay đầu sang nhìn trung thư hữu thừa Ngu Tử Khởi.

Ngu Tử Khởi thấy Lận Ngọc Dương đỏ mặt tía tai rút lui, ngoài việc cảm thấy tức cười, cũng nảy sinh đôi chút hứng thú với vị bát hoàng tử Hoằng Nhuận mới mười bốn tuổi này, lúc này được thiên tử Đại Ngụy dùng ánh mắt ra hiệu, ông lập tức đứng ra, chắp tay cười nói: “Vi thần Ngu Tử Khởi, bái kiến bát điện hạ.”

“Ông cũng muốn kiếm chuyện đúng không? Nói đi.” Giọng điệu bất lực của Hoằng Nhuận khiến tất cả mọi người trong điện nghe thấy đều cảm thấy có chút tức cười.

Cố nhịn cười, Ngu Tử Khởi suy nghĩ một lúc, dịu giọng nói: “Thánh nhân dạy rằng, đọc sách thánh hiền, làm chuyện nhân nghĩa chính là bổn phận của con người, không học làm sao biết thế nào là trung hiếu lễ nghĩa, không học làm sao biết thế nào là nhân nghĩa liêm sỉ, mấu chốt không phải ở chỗ dạy hay không dạy, mà là ở chỗ học hay không học, điện hạ đồng ý chăng?”

“Không tìm được kẽ hở, ông có trình độ hơn vị đại nhân này đó.” Triệu Hoằng Nhuận kinh ngạc nhìn Ngu Tử Khởi.

“Không dám! Không dám!” Khẽ liếc nhìn Lận Ngọc Dương đang khó xử, Ngu Tử Khởi cười híp mắt nhìn bát hoàng tử trước mặt.


Triệu Hoằng Nhuận suy nghĩ một lúc, đột nhiên hí hửng cười nói: “Xin phép hỏi vị đại nhân này một câu hỏi.”

“Mời bát hoàng tử nói.”

“Nghe nói vài trăm năm trước, trước khi Đại Ngụy ta lập quốc, ở các quốc gia thời đó, trộm cắp là tội chết?”

“Thiết câu giả tru (7)... Đúng vậy, theo ghi chép quả thật là tội chết.” Ngu Tử Khởi gật đầu, không rõ lý do.

“Vậy hiện tại ở Đại Ngụy chúng ta thì sao?” Triệu Hoằng Nhuận cười tít mắt hỏi.

Ngu Tử Khởi nghe mà không hiểu gì, chau mày nói: “Theo luật là bắt giam, xem xét mức độ nghiêm trọng rồi tăng thêm trừng phạt. Điện hạ hỏi vấn đề này để làm gì?”

“Vẫn còn non quá.” Trung thư lệnh Hà Tương Tự vừa lẩm bẩm vừa lắc đầu, ông biết Ngu đại nhân cũng đã bị trúng kế của bát hoàng tử.

Quả thật, Triệu Hoằng Nhuận cười tít mắt hỏi: “Luật hình của Đại Ngụy ta và pháp luật thời cổ khác nhau, như vậy có phải có thể hiểu là, tình hình của Đại Ngụy không thích hợp áp dụng luật hình nghiêm khắc? Từ đó suy ra... những quyển sách mà các vị thánh hiền viết vào hàng trăm hàng ngàn năm trước, tại sao vị đại nhân này lại cho rằng chắc chắn sẽ phù hợp với Đại Ngụy? Thời thế thay đổi, thế sự xoay vần, nói không chừng những đạo lý đó sớm đã lỗi thời rồi.”

“Đạo lý làm gì có chuyện lỗi thời?” Ngu Tử Khởi chau mày hỏi ngược lại.

“Tại sao lại không có? Chuyện hành quân thời xưa, gặp đại sự không quên đại lễ, quân tử bất trùng thương (không gây thêm sát thương cho kẻ địch đã bị thương), bất cầm nhị mao (không bắt lính già quân địch đầu có tóc bạc), bất dĩ trở ải (không dồn địch vào cửa ải hiểm yếu để giành chiến thắng), bất cổ bất thành liệt (không chủ động tấn công kẻ địch chưa bày xong trận). Thời nay, việc quân cơ không nề dối trá, âm mưu quỷ kế đều dùng tất. Vị đại nhân này, ông nói có phải thế đạo đã thay đổi nên đạo lý này cũng đã thay đổi rồi không? Nếu đã như vậy, tại sao vị đại nhân này cảm thấy, di thư thánh nhân hàng trăm năm trước thì nhất định thích hợp dạy trong thời nay?”

“Chuyện này...” Ngu Tử Khởi bị bắt bẻ đến nỗi không nói nên lời. Ông biết rõ những gì hoàng tử điện hạ này nói đều là đạo lý ngược ngạo, nhưng lại không nghĩ ra lời nào để phản bác lại.

Nhìn cảnh tượng này, thiên tử Đại Ngụy Triệu Nguyên Tư chỉ có thể thở dài.

***

(1) Cung học: Trường học của hoàng tử.

(2) Nghiêu Thuấn: Vua Nghiêu và vua Thuấn, hai vị minh quân trong truyền thuyết cổ Trung Quốc.

(3) Kiệt Trụ: Vua Kiệt và vua Trụ, hai bạo chúa thời Thương và thời Hạ của Trung Quốc.

(4) Lật thuyền trong cống ngầm: Ví như xảy ra sự cố trong việc đã nắm chắc.

(5) Nhân vương đế chủ: Vua là người thật, không phải thánh trong truyền thuyết.

(6) Thương Hiệt: Theo truyền thuyết xưa là người tạo ra chữ Hán.

(7) Thiết câu giả tru: Kẻ trộm vặt phải bị xử tử.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận