Đại Phụng Đả Canh Nhân

Dịch: lumos

"Ninh Yến ư?" Hứa Bình Chí sửng sốt.

Gương mặt đang vui mừng của Lý Như chợt đơ ra, nước mắt còn đọng trên gò má.

“Hai ngày trước, Hứa Thất An la hét ở trong nhà lao, đòi gặp phủ doãn, nói là có manh mối quan trọng cần bẩm báo. Sau đó, phủ doãn đại nhân phá án thành công. Căn cứ theo luật pháp Đại Phụng được tính là lập công chuộc tội, nên đương nhiên là các ngài bình an vô sự rồi.” Thư lại nói.

“Thật… Thật vậy chăng…” Hứa Bình Chí lắp bắp. Lúc Hứa Thất An còn bé như con mèo con, ông ta đã ôm về nuôi rồi. Cháu ông ta là người như thế nào, ông ta không biết hay sao?

Hứa Bình Chí nghi ngờ thư lại đang nói láo, nhưng ông ta lại không có bằng chứng.

Là thằng nhãi đó… Lý Như biến sắc.

Không phải do Niên nhi vận dụng quan hệ, mới cứu được cả nhà mình hay sao? Sao lại là thằng cháu xui xẻo đó, chẳng phải nó đang ở trong nhà lao ư?

Hứa Bình Chí mang theo nghi vấn chồng chất, dẫn vợ con đi ra từ cửa sau của nha môn, thì thấy Hứa Thất An đang đứng vuốt vuốt cái mớ tóc như ổ quạ, lo lắng chờ đợi ở ngoài cửa.

Khoảnh khắc ông ta nhìn thấy cháu mình, mọi nghi vấn ở trong lòng không còn quan trọng nữa. Trong lòng của vị hán tử xuất thân từ người luyện võ này, tuôn ra một dòng nước ấm áp, khóe mắt ửng hồng, bước vội tới. Ông ta định ôm cháu mình một cái thật chặt nhưng lại thấy kỳ kỳ, không muốn mất mặt, đành vỗ vai hắn thật mạnh: “Ninh Yến, cháu thật giỏi.”

Cú vỗ này, thiếu chút nữa là đã tiễn Hứa Thất An ‘lên đường’.

“Nhị thúc, thúc là Luyện Khí đỉnh phong, giữa chúng ta cách nhau tận một cái cấp bậc lận đó.” Hứa Thất An nói ra những lời này một cách tự nhiên, không hề cảm thấy gượng gạo.

Hắn cảm thấy ngạc nhiên về sự hài hòa này. Cùng lúc đó, hắn nhìn qua vai Nhị thúc, quan sát ba người phụ nữ phía sau.

À há, thẩm thẩm, không ngờ cũng có lúc bà lại chật vật như ngày hôm nay… Ý nghĩ này bỗng hiện lên trong đầu hắn.

Hắn vừa mới vui vẻ hả hê chưa được bao lâu, thì đã bị hấp dẫn bởi nhan sắc của muội muội.

Thiếu nữ mặc áo tù rộng thùng thình, lọn tóc mai hai bên thái dương rủ xuống khuôn mặt trái xoan tinh tế cổ điển, sống mũi cao, nhìn thoáng qua có chút vẻ đẹp của con lai.

Lại thêm nàng đang ở cái độ tuổi rực rỡ nhất, trong sáng nhất. Tất cả hòa quyện lại với nhau, tạo nên một sắc đẹp cuốn hút, khiến người khác không thể dời mắt.

“Móaaa! Mình còn có một cô muội muội thanh lệ thoát tục(1) như vậy ư?” Hứa Thất An hết hồn.

Trong ký ức của chủ cũ, hình ảnh liên quan đến vị muội muội này rất mơ hồ, có lẽ không được chú ý cho lắm. Hơn nữa, vì chuyện của thẩm thẩm, rất có thể chủ cũ ghét lây sang cả cô em gái này rồi.

Chủ cũ đối xử với mấy đường đệ đường muội của mình, chẳng thân thiện cho lắm.

Hứa Linh Nguyệt nhận thấy ánh mắt nóng bỏng từ huynh trưởng của mình, rụt rè gọi một tiếng “Đại ca”, rồi cúi đầu xuống một cách thẹn thùng.

“Đại ca!” Thình lình nghe thấy một tiếng ‘Oa’.

Hứa Linh m là một tiểu nha đầu mới có 5 tuổi, vui vẻ chạy tới, thắng gấp trước mặt Hứa Thất An, ngẩng đầu lên, nhìn hắn bằng cặp mắt long lanh đầy vẻ mong đợi.

Hứa Thất An lắc lắc tay: “Không có kẹo cho muội đâu, huynh cũng mới từ trong nhà lao ra.”

Phải nhắc một điều, chủ cũ không thích đường đệ đường muội, nhưng đối xử với đứa em út này cũng không tệ lắm. Chắc có lẽ là vì dáng vẻ của đứa em út này, không phải là được di truyền từ mẹ.

“Nhà lao là gì hở?”

“Là chỗ mà mấy bữa nay muội ngủ đó.”

“Còn ca ca kia đâu? Huynh ấy có mang kẹo hông?”

“Đệ ấy không đến.”

“Oh.” Vẻ mặt của tiểu nha đầu tràn đầy thất vọng. ‘Ca ca kia’ trong miệng nó là Hứa Tân Niên, ca ca cùng một mẹ sinh ra. Nhưng nó vẫn còn chưa phân biệt được, sự khác nhau giữa anh họ và anh ruột.

Đứa em út này không được thông minh cho lắm, chỉ là một đứa nhỏ ngốc nghếch, chắc chắn là được di truyền từ mẹ rồi… Chủ cũ cho là như vậy đó.

Cuối cùng, hắn nhìn qua Lý Như, vị thẩm thẩm này vẫn luôn diễu võ dương oai trước mặt Hứa Thất An. Chắc là bà ta không thể nào ngờ rằng có một ngày, bà ta phải nói lời cảm ơn với thằng cháu xui xẻo bằng giọng điệu khép nép.

Người đàn bà xinh đẹp quay đầu qua một cách cứng ngắc, miễn cưỡng nói: “Đa… Đa tạ Ninh Yến…”

Ngay lúc đó, trong đầu Hứa Thất An hiện lên một đoạn ký ức mơ hồ.

Hồi đó, lúc bị thẩm thẩm đuổi qua tiểu viện sát vách Hứa trạch, Hứa Thất An tức ứa gan, chỉ tay lên trời thề: Tương lai, Hứa Thất An ta nhất định sẽ trở nên nổi bật, lúc đó bà đừng có mà hối hận!

Bây giờ nghĩ lại, cảm thấy thật lúng túng quá. Đây có phải là ‘đừng khinh thiếu niên nghèo’ phiên bản thẩm thẩm đâu!(2)

Hiện tại, Hứa Thất An đánh giá quan hệ giữa chủ cũ và thẩm thẩm, dưới góc độ khách quan của người thứ ba. Theo hắn, người đàn bà xinh đẹp này cũng không hoàn toàn quái gở.

Hứa Thất An luyện võ, mỗi năm lại ăn hết hơn 100 lượng bạc. Con số này tương đương với tích góp hai ba chục năm của một gia đình bình thường. Mà còn phải là gia đình cần cù, chịu khó.

Thẩm thẩm bực dọc cũng là điều bình thường. Cho nên, Hứa Thất An nói với thái độ hết sức chân thành: “Thẩm thẩm, đừng vội nói lời đa tạ như vậy, chờ lúc về nhà ăn cơm, nói lại lần nữa nghe chơi.”

Lập tức, Lý Như trợn trừng đôi mắt to như mắt cá của bà ta lên hết cỡ, nhìn hằm hằm vào thằng cháu xui xẻo.

Hứa Bình Chí thấy lạnh cả sống lưng, vội gằn giọng: “Về nhà!”

… …

Hứa Tân Niên cầm bầu rượu, bước chân lảo đảo trở về Hứa phủ. Ngôi nhà này, y đã sinh sống 19 năm qua. Mà nay, cổng chính bị người ta dán niêm phong, người đi nhà trống, thật là thê lương.

Hứa Tân Niên tung chân đá văng cổng chính, bước qua ngưỡng cửa. Sau đó, y lung la lung lay đi vào trong được vài bước, lại quay ngược trở ra để đóng cổng lại.

Treo cổ tự tử đâu phải là chuyện vẻ vang gì, cũng không phải là chuyện mà người đọc sách như y nên làm. Cho nên, y không được để cho quan phủ chú ý.

Phải có thể diện.

Y đi từ ngoại viện đến nội viện, giống như đi hết một cuộc đời dài lê thê.

Y ba tuổi biết chữ, năm tuổi thuộc thơ, mười tuổi đã đọc thuộc lòng hết các tác phẩm kinh điển của Thánh Nhân. Năm mười bốn tuổi vào học ở thư viện Vân Lộc. Mười tám tuổi đỗ cử nhân.

Y cảm thấy, dùng hai chữ “thiên tài” để diễn tả mình, cũng chẳng có gì là quá đáng.

Sự thông minh của y, kiến thức uyên bác của y, tất cả tạo nên tính cách kiêu ngạo nơi y.

Y vẫn luôn kiêu ngạo trước mặt người nhà, cảm thấy rất có tiền đồ, rất nở mày nở mặt, thấy mình sẽ là trụ cột của Hứa gia trong tương lai.

Y là một người đàn ông chân chính. Y thà chết một cách vinh quang, chứ tuyệt đối không sống mà nhục nhã.

Nghĩ đến đây, Hứa Tân Niên uống cạn bầu rượu trong tay, rồi dục mạnh xuống đất.

Y mượn hơi rượu này, xông thẳng vào phòng, mài mực, nhấc bút, viết ra bài thơ vĩnh biệt đỉnh cao nhất trong đời.

Hứa Tân Niên cười to ba tiếng rồi cầm theo bài thơ, chạy ra khỏi phòng, lấy ra cọng dây thừng mà y đã chuẩn bị từ trước, treo lên cây ngân hạnh ở trong nội viện.

Y kinh ngạc, phát hiện ra lúc mình sắp đối diện cái chết, lại không sợ hãi chút nào, chỉ cảm thấy sự sung sướng chưa từng có.

Đột nhiên, y có thể hiểu được tại sao những tên cuồng nho không bị trói buộc kia, lại có thể xem thường thiên hạ. Chỉ cần có tấm lòng không biết sợ hãi, thì việc gì cũng làm được.

Chết cũng không sợ, trên đời này còn gì đáng sợ hơn nữa.

… …

Kinh thành phồn hoa, được xưng là tòa thành đáng sống nhất.

Hứa Thất An bước đi một cách thong thả, ngắm nhìn tòa thành cổ náo nhiệt này. Xe như nước chảy, ngựa như rồng(3), cửa hàng hai bên đường dài liên miên, cờ phướn bằng vải bay phấp phới theo gió.

Trong đầu hắn chợt hiện lên câu thơ: Liễu khói cầu sơn, màn xanh rèm gió, lô nhô mười vạn nóc nhà.(4)

Trên thực tế, kinh thành còn phồn hoa hơn trong thơ Tiền Đường rất nhiều. ‘Đại Phụng: Địa lý chí’ có ghi: “Nguyên cảnh năm thứ nhất, kinh thành có hơn 196 vạn dân cư.”

Hiện tại là Nguyên Cảnh năm thứ 36.

Dân cư trong kinh thành có lẽ đã vượt qua 200 vạn.

Từ một căn tứ hợp viện ba sân(5) to lớn, nuôi bảy tám nha hoàn và đầy tớ. Mà nay, đầy tớ và nha hoàn đã thả đi hết từ lâu, cổng chính khóa chặt, trống vắng quạnh hiu.

Thẩm thẩm ngắm nhìn tấm biển trên cổng chính, trong lòng sinh ra nhiều cảm xúc đan xen: “Chẳng biết Niên nhi bây giờ ra sao, chắc là nó đang rất lo cho chúng ta. Đứa nhỏ này, lúc chúng ta vào tù đã từng nói, nhất định sẽ cứu chúng ta ra.”

Bà ta vừa nói, vừa bước vào trong.

Giá nhà ở kinh thành rất đắt, căn nhà lớn ba sân như thế này, ít nhất cũng phải 5000 lượng bạc. Đặt cọc 3 phần là 1500 lượng bạc… Ơ, mình đã đến thế giới khác rồi, sao vẫn quan tâm đến giá nhà nhỉ?”

Hứa Thất An cười tự giễu.

Hứa Bình Chí trấn an: “Niên nhi đọc nhiều sách Thánh hiền, chín chắn đáng tin. Lúc này, chắc là nó vẫn đang chạy vạy lo lót cho chúng ta đó. Đợi nó trở về, chúng ta sẽ cho nó niềm vui bất ngờ.”

Hỏng bét… Hứa Thất An biến sắc, hắn nhớ là Hứa Tân Niên có ý định tự sát đó nha.

Trong mắt của Nhị thúc và thẩm thẩm, Hứa nhị lang có ý chí kiên định, nói năng thận trọng, chín chắn đáng tin, là một người đọc sách bền gan vững chí.

“Ha ha ha ha, Hứa Tân Niên ta, sinh là người tiêu dao, chết là quỷ lì lợm.”

“Hứa Tân Niên, tài hoa hơn người, thế nhưng lẽ trời bất công.”

“Trời không sinh Hứa Tân Niên ta, Đại Phụng muôn đời như đêm đen.”(6)

Dưới gốc ngân hạnh, thư sinh đang đứng trên ghế, bỗng nhiên giật mũ của mình xuống, lắc lắc đầu thật mạnh, làm cho đầu tóc bù xù.

Y mặc sức buông thả, y phóng túng không bị trói buộc, y đưa đầu vào thòng lọng, thế là thấy được gương mặt cứng đờ, ánh mắt ngây dại của cả nhà.

Hứa Tân Niên ta phóng túng, không bị trói buộc, thích tự do… Hứa Tân Niên tài hoa hơn người, thế nhưng lẽ trời bất công… Trời không sinh Hứa Tân Niên ta, Đại Phụng muôn đời như đêm đen… Hứa Tân Niên trông thấy người nhà bất ngờ trở về, cảm thấy hình như mình đã chết chậm một bước.

… …

( 1) thanh lệ thoát tục: vẻ đẹp trong sáng, vượt khỏi phàm trần.

( 2) Đây là một câu nổi tiếng trong “Đấu phá thương khung - Chương 7”.

( 3) Nguồn gốc câu này là bài thơ “Vọng Giang Nam - Lý Dục”

( 4) Câu này ở trong bài thơ “Vọng Hải Triều - Liễu Vĩnh”

( 5) Mình sẽ để hình về kiểu nhà này trong phần thảo luận

( 6) Đây là câu thơ nói về Khổng Tử (Trọng Ni): Thiên bất sinh Trọng Ni, vạn cổ như trường dạ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui