Đại Tạng Kinh - Kinh Điển Phật Giáo


Kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Thọ KýTÔI NGHE NHƯ VẦY:Một thuở nọ, Đức Phật ở tại Tiên Nhân Lộc Uyển gần thành Lộc Dã, cùng với 20.000 vị đại Bhikṣu [bíc su].Ngoài ra còn có 12.000 vị Bồ-tát.

Tên các ngài là: Sư Tử Bồ-tát, Sư Tử Ý Bồ-tát, An Ý Bồ-tát, Vô Dụ Ý Bồ-tát, Trì Địa Bồ-tát, Nhân Thọ Bồ-tát, Thần Thiên Bồ-tát, Thật Sự Bồ-tát, Ẩn Mật Bồ-tát, Hiền Lực Bồ-tát, Minh Thiên Bồ-tát, Ái Hỷ Bồ-tát, Diệu Cát Tường Bồ-tát, Trí Hành Bồ-tát, Chuyên Hành Bồ-tát, Hiện Vô Ngại Bồ-tát, Từ Thị Bồ-tát, và chư đại Bồ-tát khác như vậy; là những bậc thượng thủ của 12.000 vị Bồ-tát đến dự.Lại có 20.000 thiên tử.

Trong số ấy có Thiện Giới Thiên Tử, Thiện Trụ Thiên Tử, cùng những vị khác làm thượng thủ và họ đều trụ ở Đại Thừa.Lúc bấy giờ có vô lượng trăm nghìn quyến thuộc vây quanh Thế Tôn và Ngài thuyết Pháp cho họ.❖Khi ấy trong Pháp hội có một vị Bồ-tát tên là Hoa Đức Tạng, từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, và nói lời như vầy:"Thưa Thế Tôn! Con có việc muốn thưa hỏi, kính mong Như Lai cho phép."Phật bảo Hoa Đức Tạng Bồ-tát:"Ông có điều nghi vấn thì hãy cứ hỏi.

Ta đã biết điều ông muốn hỏi.

Như Lai sẽ thuyết giảng để khiến ông hoan hỷ."Lúc bấy giờ ngài Hoa Đức Tạng bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát làm sao sẽ không thoái chuyển nơi Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, hoặc không mất năm loại thần thông? Làm thế nào để đắc Như Huyễn Chính Định? Bởi khi đã đắc chính định đó, họ với thiện xảo phương tiện của chính định ấy mà có thể biến hóa tùy theo hình loại của mỗi chúng sinh, rồi thuyết Pháp tùy theo căn lành của họ, và khiến chúng sinh đạt đến Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác."Phật bảo Hoa Đức Tạng Đại Bồ-tát:"Lành thay, lành thay! Ông có thể ở trước Như Lai, Chính Đẳng Chính Giác mà khéo hỏi nghĩa lý như vậy.Này Hoa Đức Tạng! Ông đã gieo trồng các căn lành ở nơi chư Phật quá khứ, cúng dường vô số tỷ ức chư Phật Thế Tôn, và khởi lòng đại bi đối với các chúng sinh.Lành thay, Hoa Đức Tạng! Lắng nghe, lắng nghe, và khéo tư duy! Ta sẽ thuyết giảng cho ông."Ngài Hoa Đức Tạng thưa rằng:"Dạ vâng! Con vui thích muốn nghe."❖Phật bảo Hoa Đức Tạng Đại Bồ-tát:"Nếu ai thành tựu một pháp này thì họ sẽ đắc Như Huyễn Chính Định.

Khi đã đắc chính định đó, họ với thiện xảo phương tiện của chính định ấy mà có thể biến hóa tùy theo hình loại của mỗi chúng sinh, rồi thuyết Pháp tùy theo căn lành của họ, và khiến chúng sinh đạt đến Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.Một pháp này là gì? Đó là không nương dựa.

Không nương vào ba cõi, cũng không nương ở trong, lại cũng không nương ở ngoài.

Khi không có chỗ để nương thì lúc đó mới có chính quán.

Khi đã có chính quán thì sẽ dẫn đến chính tận với giác tri không hề bị tổn giảm.

Rồi từ cái tâm không tăng không giảm sẽ khởi sinh trí tuệ chân chính.Khi đến giai đoạn này thì sẽ thấu hiểu tất cả pháp từ duyên mà sinh và đều do hư giả mà có.

Hết thảy các pháp từ nhân duyên mà sinh, nếu chẳng có nhân duyên thì pháp sẽ không sinh.

Tuy hết thảy pháp từ nhân duyên sinh, nhưng thật chẳng có chỗ nào sinh.Phàm ai thông đạt pháp vô sinh như vậy, họ sẽ được vào Đạo chân thật của Bồ-tát, hay còn gọi là được vào tâm đại từ bi.

Thế nên họ sẽ thương xót và muốn độ thoát tất cả chúng sinh.

Khi đã khéo có thể liễu giải nghĩa lý thâm sâu như vậy, thì liền biết hết thảy mọi pháp đều như huyễn.Do bởi sự nhớ tưởng và ngôn từ nên mới tạo ra các pháp.

Thế nhưng các pháp hình thành từ sự nhớ tưởng và ngôn từ đó cứu cánh đều không.

Khi đã khéo có thể thông đạt các pháp không thì mới gọi là đắc Như Huyễn Chính Định.Khi đã đắc chính định đó, họ với thiện xảo phương tiện của chính định ấy mà có thể biến hóa tùy theo hình loại của mỗi chúng sinh, rồi thuyết Pháp tùy theo căn lành của họ, và khiến chúng sinh đạt đến Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác."❖Lúc bấy giờ Hoa Đức Tạng Đại Bồ-tát bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Ở trong chúng hội đây có vị Bồ-tát nào đắc chính định đó không?"Đức Phật bảo:"Có! Nay trong chúng hội đây có những vị trang nghiêm với đại thệ nguyện chẳng thể nghĩ bàn, như là Từ Thị Bồ-tát, Diệu Cát Tường Bồ-tát, và 60 vị Chính Sĩ--họ đã đắc chính định đó."Lại bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Chỉ riêng ở thế giới này mới có các vị Bồ-tát đắc chính định đó, hay còn có các vị Bồ-tát ở thế giới phương khác cũng thành tựu Như Huyễn Chính Định như vậy?"Phật bảo ngài Hoa Đức Tạng:"Từ đây về hướng tây, vượt qua 100.000 ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc.

Trong cõi nước ấy có Đức Phật, hiệu là Vô Lượng Thọ, Ứng Cúng, Chính Biến Tri và Ngài hiện đang thuyết Pháp ở đó.

Đức Phật ấy có hai vị Bồ-tát làm thị giả.

Vị thứ nhất tên là Quán Thế Âm.

Vị thứ nhì tên là Đắc Đại Thế.

Cả hai ngài đã đắc chính định đó.Lại nữa, Hoa Đức Tạng! Nếu có Bồ-tát nào nghe và thọ trì Pháp này trong bảy ngày bảy đêm từ hai vị Chính Sĩ kia, ngay sau đó, họ sẽ đắc Như Huyễn Chính Định."Hoa Đức Tạng Bồ-tát thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Cõi nước kia chắc hẳn phải có vô lượng Bồ-tát đắc chính định đó.Vì sao thế? Bởi các vị Bồ-tát nào đã sinh về cõi nước kia đều sẽ đi đến chỗ của hai vị Chính Sĩ ấy mà lắng nghe và thọ trì Pháp này."Đức Phật bảo:"Như thị, như thị! Đúng như lời ông nói.

Ở quốc độ ấy có vô lượng vô số chư đại Bồ-tát đã đắc chính định đó từ hai vị Chính Sĩ kia."Hoa Đức Tạng Bồ-tát thưa với Phật rằng:"Lành thay, thưa Thế Tôn! Kính mong Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, hãy dùng thần lực để làm cho hai vị Chính Sĩ kia đến thế giới này và cũng làm cho đại chúng của hai bên đồng thấy lẫn nhau.Vì sao thế? Bởi nếu hai vị Chính Sĩ kia đến thế giới này, thì các thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào với căn lành thành thục mà khi nghe các ngài thuyết Pháp, họ sẽ đắc chính định đó.

Con cũng mong thấy được Thế giới Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Do nhân ấy mà cũng sẽ khiến cho các thiện nam tử và thiện nữ nhân nơi đây phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác và nguyện sinh về cõi nước kia.

Khi đã sinh về cõi nước kia, họ quyết sẽ không còn thoái chuyển nơi Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác."❖Khi ấy Thế Tôn chấp thuận lời thỉnh cầu trên, rồi Ngài liền phóng quang minh từ tướng bạch hào ở giữa đôi chân mày.

Ánh sáng đó chiếu khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.

Tất cả cỏ cây và đất đá ở thế giới này, cũng như Vua núi Diệu Cao, Thạch Sơn, Đại Thạch Sơn, núi Luân Vi, núi Đại Luân Vi, và cho đến những nơi u tối trong thế giới này thảy đều thành sắc vàng và không nơi nào là chẳng sáng chói.

Ánh sáng của mặt trời mặt trăng và hào quang của những vị có uy lực lớn thảy đều chẳng hiện.

Ánh sáng đó còn chiếu đến khắp trăm nghìn ức cõi nước ở phương tây và cho đến Thế giới Cực Lạc cũng đều thành sắc vàng.

Tiếp đến, vầng đại hào quang đó nhiễu bên phải của Đức Phật ấy bảy vòng, rồi hốt nhiên biến mất ở trước Như Lai kia.Lúc bấy giờ chư Bồ-tát, Thanh Văn, và các chúng sinh ở cõi nước kia đều thấy thế giới này với các đại chúng vây quanh Đức Phật Năng Tịch để lắng nghe Pháp.

Họ thấy rõ như nhìn quả xoài trong lòng bàn tay.Rồi với lòng yêu mến và hoan hỷ, họ xướng lên lời như vầy:"♪ Quy mạng Năng Nhân Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri!"Khi ấy ở trong chúng hội nơi đây, các vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī [bíc su ni], Thanh Tín Nam, Thanh Tín Nữ, trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân, Năng Thiên Đế, Phạm Vương, Bốn Vị Thiên Vương, Bồ-tát, và Thanh Văn đều thấy Thế giới Cực Lạc, cùng chư Bồ-tát và Thanh Văn quyến thuộc đang vây quanh Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Quang minh của Đức Phật kia rực rỡ như hòn núi báu, sáng chói thù đặc, uy quang hiển hách, và chiếu khắp các cõi nước.

Đây ví như có một người với cặp mắt sáng và nhìn thấy rõ rệt từng nét trên diện mạo của người khác trong phạm vi tầm mắt của họ.

[Đại chúng nơi đây nhìn thấy Đức Phật kia thì cũng lại như vậy.]Khi đã thấy xong, họ vui mừng hớn hở và xướng lên lời như vầy:"♪ Quy mạng Vô Lượng Thọ Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri!"Khi ấy ở trong chúng hội này có 84.000 chúng sinh đều phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, cùng gieo trồng căn lành, và nguyện sinh về cõi nước kia.Khi chư Bồ-tát và Thanh Văn ở Thế giới Cực Lạc đã thấy quốc độ này, họ vui mừng cùng ngạc nhiên chưa từng có, rồi chắp tay, đỉnh lễ Năng Tịch Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, và nói lời như vầy:"♪ Quy mạng Năng Tịch Phật! Ngài đã có thể thuyết Pháp như thế cho chư Bồ-tát và Thanh Văn."Lúc bấy giờ ở Thế giới Cực Lạc chấn động sáu cách, gồm có: khắp nơi chuyển động, khắp nơi đồng thời chuyển động, khắp nơi dao động, khắp nơi đồng thời dao động, khắp nơi chấn động, và khắp nơi đồng thời chấn động.❖Khi ấy Quán Thế Âm Bồ-tát cùng Đắc Đại Thế Đại Bồ-tát thưa với Đức Phật kia rằng:"Thật là kỳ diệu thay, Thế Tôn! Đức Năng Nhân Như Lai đã có thể hiện việc hy hữu như vậy.Vì sao thế? Bởi Năng Tịch Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri kia, chỉ mới vừa thị hiện danh hiệu của Ngài mà đã khiến cho đại địa vô tri vô tưởng chấn động sáu cách."Lúc bấy giờ Đức Phật Vô Lượng Thọ bảo hai vị Bồ-tát kia rằng:"Đức Phật Năng Tịch chẳng phải chỉ thị hiện danh hiệu của Ngài ở quốc độ này, mà trong vô lượng thế giới của chư Phật khác, Ngài cũng đều thị hiện danh hiệu.

Ánh sáng lớn chiếu khắp và đại địa chấn động sáu cách cũng lại như vậy.Khi vô lượng vô số chúng sinh ở nơi của các thế giới kia nghe được danh hiệu Ngài, rồi xưng tụng và tán thán danh hiệu ấy, họ sẽ thành tựu các thiện căn và đều được không thoái chuyển nơi Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác."Lúc ấy có 40 ức Bồ-tát ở giữa đại chúng kia, khi vừa nghe danh hiệu của Năng Tịch Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác, họ đồng thanh phát nguyện và hồi hướng thiện căn của mình đến Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Đức Phật kia liền thọ ký cho họ sẽ đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.❖Lúc bấy giờ Quán Thế Âm Bồ-tát cùng Đắc Đại Thế Đại Bồ-tát đi đến chỗ của Đức Phật Vô Lượng Thọ, họ cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, cung kính chắp tay, rồi đứng qua một bên, và bạch Đức Phật kia rằng:"Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Đức Phật Năng Tịch phóng ra ánh sáng này?"Khi ấy Đức Phật kia bảo ngài Quán Thế Âm Bồ-tát:"Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác, sẽ không phóng ra ánh sáng mà chẳng có nguyên nhân.Vì sao thế? Bởi hôm nay, Năng Tịch Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, đang sắp muốn diễn nói Kinh Bồ-tát Trân Bảo Xứ Chính Định.

Cho nên trước tiên Ngài hiện điềm tướng này."Lúc bấy giờ Quán Thế Âm Bồ-tát cùng Đắc Đại Thế Đại Bồ-tát thưa với Đức Phật kia rằng:"Thưa Thế Tôn! Chúng con muốn đến Thế giới Kham Nhẫn để lễ bái và cúng dường Đức Phật Năng Tịch, rồi lắng nghe Ngài thuyết Pháp."Đức Phật kia bảo:"Thiện nam tử! Nên biết bây giờ chính là lúc."Khi ấy hai vị Bồ-tát đó liền nói với nhau rằng:"Hôm nay chúng ta nhất định sẽ nghe được Đức Phật kia thuyết giảng diệu Pháp."Khi hai vị Bồ-tát đó đã được Đức Phật kia giáo huấn, mỗi vị liền bảo 40 ức chư Bồ-tát quyến thuộc của mình rằng:"Thiện nam tử! Chúng ta hãy cùng đi đến Thế giới Kham Nhẫn để lễ bái và cúng dường Đức Phật Năng Tịch, rồi lắng nghe và thọ trì Chính Pháp ở đó.Vì sao thế? Bởi Năng Tịch Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác, đã có thể rời cõi nước thanh tịnh vi diệu để làm những việc khó làm.

Bằng vào sức bổn nguyện, Ngài khởi lòng đại bi để thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác ở trong đời ác trược với tham sân si hẫy hừng, chúng sinh đức bạc phúc mỏng, rồi Ngài thuyết Pháp cho họ."Khi nói lời ấy xong, chư Bồ-tát và Thanh Văn đều đồng thanh tán thán rằng:"Khi chúng sinh ở cõi nước kia nghe đến danh hiệu của Năng Tịch Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, mà liền được lợi ích lành.

Hà huống là còn thấy Ngài, rồi sinh tâm hoan hỷ.Thưa Thế Tôn! Chúng con muốn cùng đi đến thế giới kia để lễ bái và cúng dường Đức Phật Năng Tịch."Đức Phật kia bảo:"Thiện nam tử! Nên biết bây giờ chính là lúc."❖Lúc bấy giờ ở thế giới kia, Quán Thế Âm Bồ-tát cùng Đắc Đại Thế Đại Bồ-tát, mỗi vị với 40 ức Bồ-tát vây quanh.

Khi ấy mỗi vị Bồ-tát dùng sức thần thông hóa làm 40 ức đài báu trang nghiêm cho hàng quyến thuộc của mình.

Những đài báu vi diệu đoan nghiêm này có chu vi là 12 yojana [dô cha na].Ở trên bảo đài:- có nơi làm bằng hoàng kim;- có nơi làm bằng bạc trắng;- có nơi làm bằng lưu ly;- có nơi làm bằng pha lê;- có nơi làm bằng xích châu;- có nơi làm bằng xa cừ;- có nơi làm bằng mã não;- có nơi làm bằng hai báu: hoàng kim và bạc trắng;- có nơi làm bằng ba báu: vàng, bạc, và lưu ly;- có nơi làm bằng bốn báu: hoàng kim, bạc trắng, lưu ly, và pha lê;- có nơi làm bằng năm báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, và xích châu;- có nơi làm bằng sáu báu: hoàng kim, bạc trắng, lưu ly, pha lê, xa cừ, và xích châu;- có nơi làm bằng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, và mã não;Lại có chỗ trên đài báu lấy xích châu, hương đàn, hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, và hoa sen trắng dùng để trang nghiêm.Trên không trung lại mưa xuống hoa lài, hoa ngọc lan, hoa trùng sinh, hoa giải thoát, hoa raṇi [ra ni], hoa bạch, hoa vi diệu âm, hoa vi diệu âm lớn, hoa hốt, hoa hốt lớn, hoa nhu nhuyễn, hoa nhu nhuyễn lớn, hoa nhãn, hoa nhãn lớn, hoa cāka [cha ca], hoa cāka lớn, hoa tịnh luận, hoa hương đàn, hoa hương đàn lớn, hoa hảo nhạo, hoa tinh nguyệt, hoa tāla [ta la], và hoa tāla lớn.Ở trên mỗi đài báu này có muôn loại màu sắc rực rỡ, sáng chói thanh tịnh, và chiếu sáng như vậy.Ở trên những đài báu còn có 84.000 hóa ngọc nữ.Hoặc có ngọc nữ cầm đàn hạc, đàn cầm, đàn sắt, đàn tranh, sáo, tỳ bà, trống, hay loa ốc.

Với vô lượng nhạc khí được làm bằng trân bảo như vậy, họ đứng uy nghiêm nơi đó và khảy tấu âm nhạc vi diệu.Hoặc có ngọc nữ cầm hương đàn màu đỏ, hương đàn trầm thủy, hay cầm hương đàn trầm thủy màu đen mà đứng uy nghiêm nơi đó.Hoặc có ngọc nữ cầm hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, hay hoa sen trắng mà đứng uy nghiêm nơi đó.Hoặc có ngọc nữ cầm hoa vi diệu âm, hoa vi diệu âm lớn, hoa hốt, hoa hốt lớn, hoa nhãn, hoa nhãn lớn, hoa hương đàn, hoa hương đàn lớn, hoa hảo nhạo, hoa cāka, hoa cāka lớn, hoa tịnh luận, hoa tāla, hoa tāla lớn, hay hoa suloci-tāla [su lô chi ta la] mà đứng uy nghiêm nơi đó.Hoặc có ngọc nữ cầm muôn loại hoa quả mà đứng uy nghiêm nơi đó.Ở trên những đài báu còn có những tòa sư tử được trang nghiêm bằng trân bảo.

Trên mỗi tòa đều có một hóa Phật với 32 tướng hảo và 80 vẻ đẹp mà dùng tự trang nghiêm nơi thân.Treo ở phía trên mỗi đài báu là 84.000 trân châu hỗn hợp với màu xanh, vàng, đỏ, trắng.Trên mỗi đài báu còn có 84.000 bình báu vi diệu đựng đầy hương bột và chúng được sắp thành hàng ở trên ấy.Trên mỗi đài báu còn có 84.000 lọng báu vi diệu và chúng phủ trùm ở trên ấy.Trên mỗi đài báu còn có 84.000 cây báu vi diệu và chúng nảy nở ở trên ấy.Trên mỗi đài báu còn có những lưới giăng và chúng được gắn vào 84.000 chuông báu ở trên ấy.Ở giữa của những cây báu có ao bảy báu với nước tám công đức tràn đầy trong ấy.

Trong ao có nhiều hoa sen báu lẫn lộn với màu xanh, vàng, đỏ, trắng; sắc màu của chúng rực rỡ và tươi sáng.

Khi gió thổi nhẹ làm lay động các hàng cây báu, chúng phát ra âm thanh vi diệu.

Tiếng ấy hòa nhã và còn hay hơn cả âm nhạc cõi trời.Trên mỗi đài báu còn có 84.000 sợi dây báu vi diệu và chúng được cột nối liền với các cây báu.Mỗi đài báu phóng quang minh và chiếu sáng đến 84.000 yojana--không nơi nào mà chẳng tỏa sáng.❖Lúc bấy giờ Quán Thế Âm Bồ-tát cùng Đắc Đại Thế Đại Bồ-tát và 80 ức chư Bồ-tát quyến thuộc của các ngài, họ thảy đều vào những đài báu trang nghiêm giống nhau.

Rồi vụt thoáng như vị tráng sĩ co duỗi cánh tay, họ biến mất ở cõi nước kia và xuất hiện đến thế giới này.Lúc đến nơi với 80 ức chư Bồ-tát quyến thuộc vây quanh, hai vị Bồ-tát dùng sức thần thông để khiến cho đất đai ở thế giới này bằng phẳng như mặt nước.

Với đại công đức trang nghiêm thành tựu, ánh sáng của họ chiếu khắp Thế giới Kham Nhẫn và sự đoan nghiêm thù đặc thật không thể nào tả xiết.Sau đó chư Bồ-tát này đến chỗ của Đức Phật Năng Tịch, họ cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, đi nhiễu bên phải bảy vòng, rồi đứng qua một bên, và thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Đức Phật Vô Lượng Thọ thăm hỏi Thế Tôn không có bệnh và không có phiền não chứ? Đi đứng có nhẹ nhàng chăng? Hạnh làm có an lạc chăng?"Khi chư Bồ-tát cùng hàng Thanh Văn ở thế giới này thấy những sự trang nghiêm vi diệu ở cõi nước kia, và cũng như thấy các đài báu vi diệu trang nghiêm, họ tán thán là việc chưa từng có.Rồi ai nấy đều nghĩ như vầy:"Các đài báu vi diệu trang nghiêm đó đã từ cõi nước Cực Lạc đến thế giới này, là do Phật lực hay là do sức thần thông của hai vị Bồ-tát kia?"Lúc bấy giờ Hoa Đức Tạng Bồ-tát nương uy thần của Phật và bạch Phật rằng:"Thật là kỳ diệu thay, Thế Tôn! Đây quả là điều chưa từng có bao giờ.

Nay các đài báu vi diệu trang nghiêm như thế đang hiện ra ở Thế giới Kham Nhẫn này đây, là do uy lực của ai?"Đức Phật bảo:"Đây là do sức thần thông của Quán Thế Âm Bồ-tát và Đắc Đại Thế Bồ-tát, nên ở thế giới này mới hiện ra những sự trang nghiêm quảng đại như vậy.""Thật là kỳ diệu thay, Thế Tôn! Đây quả là việc chẳng thể nghĩ bàn.

Do hạnh nguyện thanh tịnh của hai vị thiện nam tử kia nên mới có thể dùng thần lực để trang nghiêm đài báu và làm cho chúng hiện ra ở thế giới này."Đức Phật bảo:"Như thị, như thị! Đúng như lời ông nói.

Hai vị thiện nam tử kia đã thanh tịnh các thiện căn của mình trong vô số ức nayuta [na du ta] trăm nghìn kiếp và đã đắc Như Huyễn Chính Định.

Bởi trụ ở chính định đó nên họ mới có thể dùng sức thần thông biến hóa mà hiện ra những việc như vậy.Lại nữa, Hoa Đức Tạng! Bây giờ ông hãy quán các thế giới ở phương đông.

Ông thấy những gì?"Khi ấy ngài Hoa Đức Tạng liền dùng đủ mọi thiên nhãn của Bồ-tát để quán Hằng Hà sa thế giới của chư Phật ở phương đông.

Ngài thấy ở trước mỗi chư Phật kia đều có Quán Thế Âm Bồ-tát cùng Đắc Đại Thế Bồ-tát với những sự trang nghiêm như ở trên.Họ đều cung kính cúng dường chư Phật kia và thưa rằng:"Đức Phật Vô Lượng Thọ thăm hỏi Thế Tôn không có bệnh và không có phiền não chứ? Đi đứng có nhẹ nhàng chăng? Hạnh làm có an lạc chăng?"Tây nam bắc phương, bốn hướng phụ, cùng phương trên và phương dưới cũng lại như vậy.Khi Hoa Đức Tạng Bồ-tát đã thấy những việc như thế xong, ngài vui mừng hớn hở và được điều chưa từng có, rồi bạch Phật rằng:"Thật là kỳ diệu thay, Thế Tôn! Hai vị Đại Sĩ đó đã tu hành như thế nào mà có thể thành tựu chính định như vậy?Vì sao thế? Bởi hôm nay hai vị Chính Sĩ đó đã có thể hiện ra những sự trang nghiêm như dường ấy ở các quốc độ của chư Phật kia."Lúc bấy giờ Thế Tôn liền dùng thần lực để khiến cho chúng hội này thấy được những việc mà như Hoa Đức Tạng Bồ-tát đã thấy.

Khi thấy xong, có 32.000 người phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.❖Khi ấy Hoa Đức Tạng Bồ-tát bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Từ lâu hai vị Chính Sĩ này chắc hẳn đã phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Nếu là vậy thì các ngài đã phát tâm ở chỗ của Đức Phật nào? Kính mong Thế Tôn hãy thuyết giảng, như thế sẽ khiến cho chư Bồ-tát cũng sẽ tu các hạnh nguyện đó mà sớm được thành tựu viên mãn."Đức Phật bảo:"Hãy lắng nghe và khéo tư duy! Ta sẽ thuyết giảng cho ông.""Lành thay, thưa Thế Tôn.

Con vui thích muốn nghe."❖Đức Phật bảo:"Vào thuở quá khứ xa xưa vô lượng vô số kiếp chẳng thể nghĩ bàn, lúc bấy giờ ta đã từng làm vua 100.000 lần.

Lần đầu tiên là ở gần cuối của kiếp Đại Vương.

Thuở đó có thế giới tên là Vô Lượng Đức Tụ An Lạc Thị Hiện.

Ở quốc độ ấy có Đức Phật, hiệu là Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.Bây giờ Ta sẽ nói cho ông biết về những sự trang nghiêm và thanh tịnh ở cõi nước của Đức Phật kia.

Ý ông nghĩ sao? Những sự trang nghiêm và thanh tịnh ở Thế giới Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Thọ có nhiều chăng?"Ngài Hoa Đức Tạng thưa rằng:"Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Thật chẳng thể nghĩ bàn và không thể nào kể xiết."Phật bảo ngài Hoa Đức Tạng:"Giả sử có người cắt sợi lông ra làm trăm phần, rồi dùng một phần đó chấm vào nước ở biển cả.Ý ông nghĩ sao? Giọt nước ở trên đầu sợi lông đó mà so với dung lượng của nước trong biển lớn kia thì bên nào nhiều hơn?"Ngài Hoa Đức Tạng thưa rằng:"Thưa Thế Tôn! Nước trong biển nhiều hơn đến nỗi chẳng thể nào ví dụ được.""Cũng như vậy, Hoa Đức Tạng! Ông nên biết điều này.

Những sự trang nghiêm ở quốc độ của Đức Phật Vô Lượng Thọ thì như giọt nước ở trên đầu sợi lông, còn quốc độ của Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai thì như dung lượng của nước trong biển lớn.

Số lượng của chư Bồ-tát và Thanh Văn giữa hai quốc độ ấy cũng không giống nhau.Đức Phật Kim Quang Sư Tử Du Hí kia cũng thuyết giảng Pháp của ba thừa cho chúng sinh.

Dẫu cho Ta nói về công đức trang nghiêm, những sự an lạc, và chư Bồ-tát Thanh Văn ở cõi nước của Đức Phật đó trong Hằng Hà sa kiếp, thì cũng không thể hết.Lúc bấy giờ trong thời giáo hóa của Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai có một vị vua, tên là Uy Đức.

Ngài dùng Chính Pháp trị vì 1.000 thế giới.

Cho nên ngài được gọi là Pháp Vương.

Vị vua Uy Đức này có rất nhiều con trai.

Hết thảy các vương tử của ngài có đầy đủ 28 tướng của bậc đại nhân và đều trụ nơi Đạo vô thượng.

Nhà vua có 76.000 viên lâm và các vương tử của ngài hay vui chơi trong đó."Ngài Hoa Đức Tạng bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Ở cõi nước của Đức Phật kia có người nữ không?"Đức Phật bảo:"Thiện nam tử! Tên người nữ ở cõi nước của Đức Phật kia còn không có, hà huống là có thật.

Chúng sinh ở quốc độ ấy đều tu tịnh hạnh, thuần nhất hóa sinh, và họ lấy niềm vui của thiền định làm thức ăn.

Suốt 84.000 năm, vua Uy Đức đó luôn phụng sự Như Lai kia và không tu tập Pháp nào khác.

Biết được tâm chí thành của nhà vua nên Đức Phật kia liền diễn nói Vô Lượng Pháp Ấn cho ngài.Sao gọi là Vô Lượng Pháp Ấn? Này Hoa Đức Tạng Bồ-tát! Phàm người tu hành thì phải nên phát vô lượng thệ nguyện.Vì sao thế? Bởi là một vị đại Bồ-tát thì luôn tu hành bố thí vô lượng, trì giới vô lượng, nhẫn nhục vô lượng, tinh tấn vô lượng, thiền định vô lượng, và diệu tuệ vô lượng.

Họ luôn tu hành Sáu Độ trong vô lượng kiếp sinh tử, từ mẫn vô lượng đối với chúng sinh, trang nghiêm tịnh độ vô lượng, diễn nói vô lượng âm thanh, và tu tập vô lượng biện tài.Này Hoa Đức Tạng! Cho đến chỉ một niệm hồi hướng của họ cũng là vô lượng.Thế nào là hồi hướng vô lượng? Đó là sự hồi hướng công đức đến tất cả chúng sinh để khiến hết thảy chúng sinh chứng đắc vô sinh, và với tịch diệt của chư Phật mà vào tịch diệt.

Đây gọi là Hồi Hướng Vô Lượng.Lại có không vô lượng, vô tướng vô lượng, và vô nguyện vô lượng.

Cũng như vô lượng của vô tác, chân thật của vô dục, vô sinh của pháp tính, không chấp trước nơi giải thoát và tịch diệt.Thiện nam tử! Ta nay chỉ nói sơ về các pháp vô lượng như vậy.Vì sao thế? Bởi hết thảy pháp đều không có hạn lượng.❖Lại nữa, Hoa Đức Tạng! Có một lúc nọ, vị vua Uy Đức kia đang nhập chính định trong khu vườn của mình, thì ở hai bên trái phải của nhà vua có hai đóa hoa sen từ dưới đất vọt ra.

Chúng có màu sắc hỗn tạp trang nghiêm, hương thơm ngào ngạt như hương đàn cõi trời.

Ở trong mỗi hoa sen có một vị đồng tử hóa sinh và đang ngồi xếp bằng với tư thế hoa sen.

Vị thứ nhất tên là Bảo Ý.

Vị thứ nhì tên là Bảo Thượng.Khi vua Uy Đức từ thiền định dậy, thì thấy hai đồng tử ngồi trong hoa sen, nên ngài dùng kệ hỏi rằng:'Các vị là trời rồngTiệp tật, quỷ úng hìnhLà người hay phi nhânXin nói rõ tên danh'Khi ấy vị đồng tử bên phải của nhà vua dùng kệ đáp rằng:'Hết thảy pháp đều khôngSao ngài hỏi tên danhPháp quá khứ đã diệtPháp vị lai chưa sinhPháp hiện tại chẳng trụNhân Giả hỏi tên ai?Không pháp cũng phi nhânChẳng rồng, quỷ bạo ácDẫu người hay phi nhânĐều chẳng thể nắm bắt'Vị đồng tử bên trái nói kệ rằng:'Tên danh thảy đều khôngTên danh chẳng thể đượcTất cả pháp vô danhLại muốn hỏi danh tựMuốn cầu chân thật danhChưa từng nghe nói đếnPháp mới sinh liền diệtVậy hỏi tên làm chi?Nói danh tự ngữ ngônĐều là giả mà thôiTên tôi là Bảo ÝBạn ấy là Bảo Thượng'❖Này Hoa Đức Tạng! Khi đã nói bài kệ đó xong, hai vị đồng tử cùng với vua Uy Đức đi đến Đạo Tràng của Đức Phật kia.

Khi đến nơi, họ cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, đi nhiễu bên phải bảy vòng, chắp tay cung kính, rồi đứng qua một bên.Lúc ấy hai vị đồng tử liền đồng thanh dùng kệ hỏi Phật rằng:'Phải cúng dường thế nào?Vô thượng Lưỡng Túc TônXin Ngài giảng nghĩa thúNgười nghe sẽ phụng hànhHương hoa nhạc y phụcẨm thực nệm thuốc thangCác cúng dường như thếLoại nào là tối thắng?'Lúc bấy giờ Đức Phật kia vì hai vị đồng tử mà nói kệ rằng:'Ai phát khởi Đạo tâmRộng cứu các chúng sinhLà cúng dường chính giácVới ba hai tướng hảoDẫu lấy Hằng Hà saTrân diệu vật trang nghiêmPhụng hiến chư Như LaiCùng hoan hỷ tín thọChẳng bằng với từ tâmHồi hướng về Phật ĐạoPhúc này là tối thắngVô lượng vô biên tếKhông cúng dường nào hơnSiêu việt chẳng tính kểĐạo tâm như thế ấyTất thành Đẳng Chính Giác'Khi ấy hai vị đồng tử lại nói kệ rằng:'Chư thiên long quỷ thầnHãy nghe sư tử hốngNay ở trước Như LaiNguyện phát khởi Đạo tâmSinh tử vô lượng kiếpVô thỉ chẳng thể biếtVì chỉ một chúng sinhMà bao kiếp hành ĐạoHuống trong những kiếp nàyĐộ thoát vô lượng chúngTu hành Đạo Bồ-tátLại sinh tâm mệt mỏiCon từ nay về sauNếu khởi lòng tham dụcThì tức là phỉnh gạtTất cả mười phương PhậtSân hận cùng si mêVà ganh ghét cũng vậyNay con nói lời thậtXa lìa điều dối tráCon từ nay về sauNếu khởi tâm Thanh VănChẳng thích tu Phật ĐạoTức là lừa Thế TônCũng không cầu Duyên GiácChỉ tự cứu bản thânSẽ trong vạn ức kiếpĐại bi độ chúng sinhNhư Phật độ ngày nayThanh tịnh diệu trang nghiêmKhi con đắc Đạo QuảSiêu vượt trăm nghìn muônCõi nước không Thanh VănCũng không Duyên Giác ThừaThuần chỉ chư Bồ-tátSố ấy vô hạn lượngChúng sinh tịnh vô cấuĐầy đủ thượng diệu lạcSinh ra ở chính giácTổng trì mọi Pháp tạngNguyện này nếu thành thậtChấn động khắp Đại Thiên'Khi nói bài kệ như vậy xong, lập tức khắp nơi đều chấn động.

Trăm nghìn loại âm nhạc trỗi vang tiếng hòa nhã.

Y phục sáng chói tuyệt đẹp xoay lượn rơi xuống.

Còn ở trên không trung, chư thiên tuôn mưa hương bột; hương thơm ấy xông khắp nơi và làm tâm chúng sinh vui sướng."❖Phật bảo ngài Hoa Đức Tạng:"Ý ông nghĩ sao? Vua Uy Đức thuở xưa nào có ai khác, là tiền thân của Ta đó.

Còn hai vị đồng tử, nay chính là Quán Thế Âm Bồ-tát và Đắc Đại Thế Đại Bồ-tát.Thiện nam tử! Ở nơi của Đức Phật kia, hai vị Bồ-tát ấy đã sơ phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác."Lúc bấy giờ ngài Hoa Đức Tạng thưa với Phật rằng:"Thật là kỳ diệu thay, Thế Tôn! Mặc dầu hai vị thiện nam tử này chưa từng phát khởi Đạo tâm, nhưng họ đã thành tựu trí tuệ thâm sâu như thế và liễu đạt danh tự đều chẳng thể nắm giữ.Thưa Thế Tôn! Hai vị Chính Sĩ này chắc hẳn đã từng cúng dường và làm các công đức ở nơi của chư Phật quá khứ.""Thiện nam tử! Số lượng cát của sông Hằng kia còn có thể tính đếm.

Tuy nhiên, số lượng chư Phật quá khứ mà hai vị Đại Sĩ ấy đã cúng dường và gieo trồng các thiện căn, thì chẳng thể nào tính xuể.

Mặc dầu chưa phát khởi Đạo tâm, nhưng họ đã có thể làm những việc chẳng thể nghĩ bàn để tự trang nghiêm.

Ở trong các chúng sinh, các ngài là những bậc dũng mãnh nhất."❖Lúc bấy giờ Hoa Đức Tạng Bồ-tát bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Cõi nước Vô Lượng Đức Tụ An Lạc Thị Hiện của ngày trước, bây giờ là ở nơi nào?"Đức Phật bảo:"Thiện nam tử! Thế giới Cực Lạc ở phương tây bây giờ, vào thuở xưa gọi là Vô Lượng Đức Tụ An Lạc Thị Hiện."Hoa Đức Tạng Bồ-tát bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Kính mong Ngài hãy thuyết giảng để khiến cho vô lượng chúng sinh được những lợi ích to lớn.

Ngài Quán Thế Âm này đây sẽ ở trong cõi nước nào mà thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác? Thế giới trang nghiêm ra sao? Danh hiệu quang minh của Ngài sẽ là gì? Còn thọ mạng của hàng Thanh Văn cùng chư Bồ-tát nơi đó, cho đến những việc của họ đến lúc thành Phật, việc ấy thế nào?Nếu Thế Tôn nói ra các hạnh nguyện đã làm của vị Bồ-tát này, thì khi chư Bồ-tát khác nghe các hạnh nguyện đó rồi, họ nhất định sẽ tu hành để được viên mãn."Đức Phật bảo:"Lành thay! Hãy lắng nghe! Ta sẽ thuyết giảng cho ông."Ngài Hoa Đức Tạng thưa rằng:"Dạ vâng! Con vui thích muốn nghe."❖Đức Phật bảo:"Thiện nam tử! Thọ mạng vô lượng của Đức Phật Vô Lượng Thọ dài đến trăm nghìn ức kiếp, rồi cuối cùng sẽ chấm dứt.Thiện nam tử! Trong tương lai không thể tính xuể số kiếp lâu xa về sau, Đức Phật Vô Lượng Thọ sẽ vào Cứu Cánh Tịch Diệt.Sau khi Ngài vào Cứu Cánh Tịch Diệt, thời gian Chính Pháp trụ thế sẽ bằng như thọ mạng của Đức Phật ấy.

Số lượng chúng sinh được độ thoát cũng bằng như lúc Ngài còn tại thế.Sau khi Đức Phật ấy vào tịch diệt, sẽ có những chúng sinh không thấy Phật.

Tuy nhiên, sẽ có các bậc Bồ-tát đắc Niệm Phật Chính Định và họ luôn thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ.Lại nữa, thiện nam tử! Sau khi Đức Phật kia diệt độ, hết thảy mọi vật báu, ao tắm, hoa sen, cùng những hàng cây báu sẽ thường diễn xướng Pháp âm và y như lúc Đức Phật ấy còn tại thế không khác.Thiện nam tử! Ở vào đêm mà Chính Pháp của Đức Phật Vô Lượng Thọ diệt hết, ngay sau nửa đêm đó, khi ngôi sao minh tướng xuất hiện, Quán Thế Âm Bồ-tát ngồi xếp bằng với tư thế hoa sen ở dưới cội Đạo thụ bảy báu và sẽ thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.Quốc độ của Đức Phật ấy sẽ tự nhiên có bảy báu vi diệu hợp thành.

Dẫu chư Phật Thế Tôn trong Hằng Hà sa kiếp nói về những sự trang nghiêm nơi đó thì cũng chẳng thể hết.Thiện nam tử! Ta bây giờ sẽ nói một thí dụ cho ông hiểu.

Như những sự trang nghiêm ở cõi nước của Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai kia, cõi nước của Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai còn gấp ức lần, tỷ lần, ức tỷ lần, và cho đến toán số thí dụ cũng chẳng thể biết.Quốc độ của Đức Phật đó không có tên Thanh Văn và Duyên Giác; thuần nhất chỉ có chư Bồ-tát đầy khắp cõi nước ấy."❖Hoa Đức Tạng Bồ-tát bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Quốc độ của Đức Phật kia sẽ còn gọi là Cực Lạc chăng?"Đức Phật bảo:"Thiện nam tử! Cõi nước của Đức Phật ấy sẽ gọi là Chúng Bảo Phổ Tập Trang Nghiêm.Thiện nam tử! Suốt thời gian Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai trụ thế, Đắc Đại Thế Bồ-tát sẽ thân cận và cúng dường cho đến khi Ngài vào tịch diệt.Sau khi Đức Phật kia vào Cứu Cánh Tịch Diệt, Đắc Đại Thế Bồ-tát sẽ phụng trì Chính Pháp cho đến khi diệt hết.Sau khi Chính Pháp đã diệt tận, Đắc Đại Thế Bồ-tát sẽ ở trong cõi nước đó mà thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.Quốc độ, quang minh, thọ mạng, chư Bồ-tát, và cho đến thời gian Chính Pháp trụ thế của Đức Phật ấy thì cũng giống như của Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai--không chút sai khác.Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào nghe được danh hiệu của Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai, họ đều sẽ được không thoái chuyển nơi Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có người nữ nào nghe được danh hiệu của quá khứ Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai và vị lai Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai, họ sẽ diệt trừ 40 ức kiếp sinh tử nghiệp tội và không bao giờ còn thọ thân nữ.

Họ đều sẽ không thoái chuyển nơi Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, luôn được thấy Phật, nghe cùng thọ trì Chính Pháp, và cúng dường chư Tăng.

Sau khi xả thân ấy rồi, vào đời sau họ sẽ có thể xuất gia, thành tựu biện tài vô ngại, và nhanh chứng đắc các môn tổng trì."❖Lúc bấy giờ trong Pháp hội có 60 ức người trong đại chúng đồng thanh tán thán rằng:"♪ Quy mạng Thập Phương Cứu Cánh Tịch Diệt Chư Phật!"Rồi họ đồng một lòng quyết định phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Khi ấy Đức Phật liền thọ ký cho họ sẽ thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.Lại có 84.000 nayuta chúng sinh xa rời trần cấu, ở trong các pháp, họ đắc Pháp nhãn thanh tịnh.

7.000 vị Bhikṣu được lậu tận ý giải.Lúc bấy giờ Quán Thế Âm Bồ-tát cùng Đắc Đại Thế Bồ-tát liền dùng thần lực để khiến cho chúng hội nơi đây thấy được vô số chư Phật Thế Tôn khắp mười phương đều thọ ký Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác cho các ngài.Khi thấy xong, họ đều tán dương rằng:"Thật là kỳ diệu thay, Thế Tôn! Chư Như Lai kia đều thọ ký như vậy cho hai vị Đại Sĩ đó."❖Lúc bấy giờ Hoa Đức Tạng Bồ-tát bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào đối với Kinh điển thâm sâu này của Như Lai mà thọ trì đọc tụng, thuyết giảng, biên chép, và truyền bá rộng rãi, họ sẽ được bao nhiêu phúc? Kính mong Như Lai hãy phân biệt và giảng giải.Vì sao thế? Bởi ở đời ác vị lai, những chúng sinh đức bạc sẽ không tin và thọ trì Kinh điển thâm sâu này của Như Lai.

Do nhân duyên ấy, họ sẽ phải thọ khổ trong suốt đêm dài và rất khó được giải thoát.Bạch Thế Tôn! Kính mong Ngài hãy thương xót mà thuyết giảng để làm lợi ích cho các chúng sinh.Lại nữa, Thế Tôn! Trong chúng hội hôm nay có rất nhiều thiện nam tử và thiện nữ nhân với căn tính lanh lợi, và họ sẽ làm vòm ánh sáng rộng lớn ở vào đời vị lai."Đức Phật bảo:"Lành thay, Hoa Đức Tạng! Hãy lắng nghe! Ta sẽ thuyết giảng cho ông."Ngài Hoa Đức Tạng thưa rằng:"Xin Thế Tôn giảng dạy! Con vui thích muốn nghe."❖Đức Phật bảo:"Giả như có thiện nam tử nào đặt tất cả chúng sinh trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới lên hai vai của mình đến trọn đời, rồi tùy theo ước muốn của họ mà cúng dường, như là y phục, ẩm thực, giường nệm, và thuốc thang, vậy công đức của người ấy có nhiều chăng?""Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Nếu với lòng từ mẫn mà cúng dường tùy theo ước muốn cho một chúng sinh thôi, thì công đức ấy cũng đã vô lượng rồi, hà huống là tất cả."Đức Phật bảo:"Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào đối với Kinh điển này mà thọ trì đọc tụng, thuyết giảng, biên chép, truyền bá rộng rãi, và làm muôn sự cúng dường, rồi phát khởi Đạo tâm, thì công đức có được của họ sẽ gấp một tỷ lần so với ở trên.

Thật không thể nào thí dụ cho xuể."Hoa Đức Tạng Bồ-tát thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Kể từ hôm nay, con sẽ đối với Kinh điển đã thuyết giảng này của Như Lai, cùng ba danh hiệu chư Phật ở trên--một danh hiệu của Đức Phật quá khứ và hai danh hiệu của chư Phật vị lai--mà luôn thọ trì đọc tụng, thuyết giảng, biên chép, và truyền bá rộng rãi.

Con sẽ xa lìa tham sân si và phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Lời nguyện này quyết không bao giờ hư dối!Thưa Thế Tôn! Nguyện con khi thành Phật, nếu có người nữ nào nghe được Pháp như vầy, thì ở đời sau, họ sẽ không bao giờ còn thọ thân nữ.

Sau khi đã chuyển thân nữ, con sẽ thọ ký Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác cho họ với danh hiệu là Ly Cấu Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác."❖Lúc Phật thuyết Kinh này xong, Hoa Đức Tạng Đại Bồ-tát cùng các vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Bồ-tát, Thanh Văn, trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân, khi nghe lời Phật dạy, họ đều sinh tâm đại hoan hỷ.Kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Thọ KýDịch sang cổ văn: Pháp sư Pháp Dũng ở Thế Kỷ 4-5Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên ThuậnDịch nghĩa: 13/9/2012 ◊ Cập nhật: 19/8/2021☸ Cách đọc âm tiếng PhạnBhikṣu: bíc suBhikṣuṇī: bíc su niyojana: dô cha naraṇi: ra nicāka: cha catāla: ta lasuloci-tāla: su lô chi ta lanayuta: na du ta.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui