«☸ PHẨM 19: GIÀ SUY☸ PHẨM 20: ÁI THÂN☸ PHẨM 21: THẾ TỤC☸ PHẨM 22: ĐỨC PHẬT☸ PHẨM 23: AN LẠC☸ PHẨM 24: YÊU THƯƠNG☸ PHẨM 25: SÂN HẬN☸ PHẨM 26: TRẦN CẤU☸ PHẨM 27: PHỤNG TRÌ☸ PHẨM 28: ĐẠO HẠNH☸ PHẨM 29: QUẢNG THUYẾT☸ PHẨM 30: ĐỊA NGỤC☸ PHẨM 31: VOI DỤ☸ PHẨM 32: ÁI DỤC (PHẦN 1)Kinh Pháp Cú Thí Dụ ♦ Quyển 3☸ PHẨM 19: GIÀ SUYThuở xưa Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.
Sau khi thọ trai, Ngài thuyết Pháp cam lộ cho hàng trời người, vua chúa, quan thần, nhân dân, và bốn chúng đệ tử.Bấy giờ có bảy vị trưởng lão thuộc dòng dõi Phạm Chí từ phương xa đến chỗ của Phật.Họ cúi đầu đỉnh lễ sát đất, chắp tay và thưa với Phật rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Chúng con là những người từ phương xa.
Khi nghe được uy đức hóa độ chúng sinh của Phật, chúng con đã từ lâu muốn đến quy y.
Nhưng do nhiều chướng duyên nên mãi tới hôm nay mới đến được và tận mắt chiêm ngưỡng tôn nhan.
Chúng con muốn làm đệ tử của Ngài và tu hành để diệt trừ mọi khổ ách."Đức Phật liền thu nhận họ để làm Đạo Nhân, và bảo bảy người họ cùng trú trong một căn phòng.
Thế nhưng bảy người đó, tuy chí nguyện muốn đắc Đạo và dẫu đã thấy Thế Tôn, nhưng chẳng tư duy vô thường, mà chỉ cùng ngồi trong phòng để bàn bạc chuyện thế tục và cười đùa lớn tiếng.
Họ chẳng biết mạng sống mỗi ngày giảm dần và cái chết chẳng hẹn một ai.
Họ chỉ cùng nhau đùa giỡn và tâm ý mê muội trong ba cõi.
Với trí tuệ của Ba Minh, Đức Phật biết thọ mạng của họ sắp hết.Bởi thế mà Phật khởi lòng thương xót, rồi đi đến căn phòng của họ và bảo rằng:"Các thầy vì Đạo nên muốn cầu vượt khỏi thế gian.
Thế nhưng sao lại cười nói inh ỏi? Tất cả chúng sinh lấy năm việc này để cậy nương.Những gì là năm?1.
cậy nương tuổi trẻ2.
cậy nương đoan chính3.
cậy nương sức mạnh4.
cậy nương giàu sang5.
cậy nương quý tínhBảy người các ông đây cười đùa lớn tiếng, thì lấy gì để cậy nương?Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Có gì mà vui sướng?Thế gian luôn bốc cháyXấu ác chốn tối tămChẳng bằng cầu định tuệHãy quán thân thể nàyChớ cậy cho là anVọng tưởng tất sinh bệnhPhải biết thân chẳng thậtLúc già nhan sắc tànBệnh tật không tươi sángDa nhăn cơ bắp teoCái chết sắp cận kềKhi chết thức ra điNhư người lìa bỏ xeThịt rã xương rải rácThân này làm sao hộ?"Khi bảy vị Bhikṣu [bíc su] nghe Phật nói kệ thì vọng niệm đình chỉ, tâm ý khai mở, và liền đắc Đạo Ứng Chân ở trước Phật.❖Thuở xưa Đức Phật thuyết Pháp cho hàng trời người và các quốc vương ở Tinh xá Kỳ Viên gần thành Phong Đức.Đương thời có một thôn làng với khoảng hơn 500 gia đình thuộc dòng dõi Phạm Chí.
Trong đó có 500 Phạm Chí trẻ tuổi và họ tu theo pháp Phạm Chí.
Với bổn tính kiêu mạn, bất kính người lớn tuổi, cao ngạo tự đại, và họ cho đó là lẽ thường.Có một hôm, 500 Phạm Chí bỗng nhiên bàn luận với nhau rằng:"Đạo sư Năng Nhân tự xưng là Phật, có trí tuệ vô ngại của Ba Minh, và chẳng ai dám luận nghị.
Chúng ta hãy thỉnh Ngài đến luận nghị, và vặn hỏi muôn việc để biết hư thực thế nào?"Và thế là, họ liền chuẩn bị những phẩm vật cúng dường và nghênh thỉnh Đức Phật đến.
Bấy giờ Phật cùng các đệ tử đi vào trong thôn của các Phạm Chí.
Tiếp đến Đức Phật ngồi xuống và lấy nước rửa tay.
Khi đã ăn xong, Ngài rửa tay sạch sẽ.Đương lúc ấy có đôi vợ chồng Phạm Chí lớn tuổi và họ cùng đi xin ăn ở trong thôn này.
Phật biết họ vốn là những người giàu sang vô cùng và ông lão đã từng làm quan lớn.Nhân đó Phật liền hỏi các Phạm Chí trẻ tuổi rằng:"Các người có biết ông lão thuộc dòng dõi Phạm Chí đó chăng?"Mọi người đều đáp rằng:"Dạ biết!"Đức Phật lại hỏi rằng:"Có biết ông ta từng là người như thế nào không?"Đáp rằng:"Dạ thưa, ông ta vốn từng là một vị đại thần và có tài bảo vô số."[Đức Phật lại hỏi rằng:]"Nhưng nay sao lại đi xin ăn thế kia?"Mọi người đều đáp rằng:"Dạ thưa, do ăn xài phung phí nên mới chịu bần cùng như thế."Phật bảo các Phạm Chí:"Trên đời có bốn việc mà mọi người chẳng dễ làm.
Nếu ai có thể thực hành, thì họ sẽ được phúc và không bị nghèo khổ.Những gì là bốn?1.
tuổi trẻ tráng kiện mà biết khiêm nhường và không kiêu mạn2.
tuổi già mà biết tinh tấn và không dâm dật3.
có tiền tài trân bảo mà luôn nhớ bố thí4.
tìm thầy học hỏi, lắng nghe và thọ trì Chính PhápĐây cũng giống như ông lão kia.
Do chẳng thực hành bốn việc đó, cho rằng mọi thứ thường hằng, không biết việc thành bại và một mai đều ly tan, nên ông ta giống như con cò trắng già canh giữ cái ao khô--vĩnh viễn chẳng được gì.Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Ngày đêm lười kiêu mạnĐã già còn dâm dậtCó tiền không bố thíChẳng vâng lời Phật dạyBị bốn việc đó cheTự mình hại chính mìnhThoáng chốc cái già đếnHình sắc suy biến tànThiếu thời tâm như ýTuổi già nạn bủa vâyĐã chẳng tu tịnh hạnhLại còn không tích củaLúc già như cò trắngÔm giữ cái ao khôĐã chẳng giữ giới luậtLại còn không tích củaGià suy khí lực kiệtThử hỏi có ích gì?Già như lá mùa thuThân tàn làm sao quản?Bệnh tật bỗng kéo đếnSau nuối tiếc ích gì?"Phật bảo các Phạm Chí:"Trên đời có bốn thời điểm mà nếu biết tu hành thì sẽ được phúc, thoát khỏi sinh tử và thoát miễn khổ ách.Những gì là bốn?1.
lúc tuổi trẻ có sức khỏe dồi dào2.
lúc phú quý có nhiều tài bảo3.
lúc gặp Tam Bảo và siêng gieo trồng phúc điền4.
lúc bình thường suy tư vạn vật đều vô thường và hoại diệtNhững ai tu hành bốn việc này, mọi sở nguyện tất đều thành tựu và nhất định sẽ thấy dấu Đạo."Lúc bấy giờ Thế Tôn lại nói kệ rằng:"Mạng sống ngày đêm giảmHãy nhanh gắng nỗ lựcThế gian là vô thườngChớ mê, đọa tối tămHãy thắp ngọn đèn tâmTu học cầu trí tuệLìa cấu chớ nhiễm ôCầm đuốc soi đường đi"Khi nói lời ấy xong, Đức Phật phóng đại quang minh và chiếu sáng rực rỡ đất trời.
Bấy giờ khắp lông trên thân của 500 Phạm Chí trẻ tuổi đều dựng đứng và nhân đó tâm ý được khai mở.Họ đồng thời đứng dậy và đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi thưa với Phật rằng:"Chúng con xin Quy Y Phật và xin làm đệ tử của Thế Tôn."Đức Phật bảo:"Thiện lai, Bhikṣu!"Lập tức, họ liền trở thành Đạo Nhân và đắc Đạo Ứng Chân.
Bấy giờ, tất cả người lớn kẻ nhỏ ở trong thôn đều thấy dấu Đạo và không ai là chẳng hoan hỷ.☸ PHẨM 20: ÁI THÂNThuở xưa có một quốc gia tên là Tāmra [tam ra].
Cách kinh đô khoảng bảy dặm, nơi đây có một tinh xá và hiện có 500 Đạo Nhân thường cư trú nơi ấy để giảng Kinh tu Đạo.Đương thời ở trong tinh xá ấy có một vị Bhikṣu lớn tuổi với tâm tính ám độn, tên là Vô Tri.
Tuy 500 vị Đạo Nhân đã thay phiên dạy bảo ròng rã suốt vài năm mà ông ta vẫn không học thuộc một bài kệ.
Ông bị mọi người khinh chê và xa lánh, phải luôn ở lại tinh xá để canh giữ và sai quét dọn tự viện.
Về sau có một ngày, vị vua của nước này thỉnh chư Tăng vào cung để cúng dường.Bấy giờ Bhikṣu Vô Tri tự nghĩ rằng:"Ta sinh ra trên đời mà sao lại ngu dốt như thế! Ngay cả một bài kệ cũng không biết, luôn bị mọi người chê bai.
Vậy ta sống để làm gì?"Ngài liền cầm sợi dây, rồi đi đến dưới một gốc cây to ở hậu viên và định muốn treo cổ tự tử.
Với Đạo nhãn, Đức Phật thấy mọi việc từ xa.
Ngài liền hóa làm một vị thần cây và chỉ hiện ra nửa thân người.Hóa thần quở trách rằng:"Ôi không, Bhikṣu! Tại sao phải làm vậy?"Ngài Vô Tri liền kể rõ những việc cay đắng trong lòng.Hóa thần quở trách rằng:"Chớ làm như thế! Hãy nghe ta nói.
Vào thời giáo hóa của Đức Phật Ẩm Quang thuở xưa, thầy làm một vị Đạo Nhân, tinh thông ba tạng Kinh điển và có 500 đệ tử.
Do tự cho mình tài giỏi nên thầy khinh thường mọi người, keo tiếc Kinh nghĩa và không hề giảng dạy.
Bởi vậy mà đời đời ở mọi nơi sinh ra, các căn luôn ám độn.
Thầy chỉ nên tự trách mình! Sao phải nghĩ đến việc tự sát chứ?"Bấy giờ Thế Tôn hiện tướng uy thần sáng chói và liền nói kệ rằng:"Nếu ai quý thân mìnhThận trọng mà bảo hộNhư muốn trừ ái dụcHọc Pháp chớ ngủ sayThân là trân quý nhấtTự mình luôn gắng họcThông đạt rồi dạy ngườiKiên định trí tuệ sinhTrước hãy tự chân chínhRồi sau dạy người khácNếu ai tự chân chínhMới gọi là thượng nhânNếu mình chưa an vuiLàm sao lợi kẻ khác?Thân tâm đã điều phụcNguyện gì mà chẳng thành?Việc này xưa ta tạoVề sau ta tự thọLàm ác tự chuốc lấyNhư kim cang xuyên báu"Khi thấy uy thần sáng chói của Phật, ngài Vô Tri vừa mừng vừa run sợ, rồi cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật.
Sau đó ngài tư duy nghĩa lý của bài kệ, tâm liền nhập định, và đắc Đạo Ứng Chân ngay ở trước Phật.
Ngài tự biết vô số việc ở đời trước, và tâm liền thông suốt ba tạng Kinh điển.Phật bảo ngài Vô Tri:"Ông hãy đắp y và cầm bát vào cung vua thọ thực.
Sau đó trên Pháp tòa ở nơi của 500 vị Bhikṣu mà thuyết Pháp để khiến họ thấy dấu Đạo.
Các vị Bhikṣu đó vốn là 500 đệ tử của ông ở đời trước.
Nhân đó cũng làm cho quốc vương tin hiểu tội phúc."Tôn giả Vô Tri liền vâng lời Phật dạy, thẳng bước vào cung vua, và ngồi trên Pháp tòa.
Bấy giờ đại chúng nổi sân và hết sức kinh ngạc.
Vì giữ thể diện cho nhà vua nên họ không dám trách mắng.
Họ niệm tình ông ta là kẻ ngu muội, không hiểu phương thức cúng thí, và trong lòng buồn bã.Bấy giờ nhà vua tự tay lấy thức ăn cho chư Tăng.
Sau đó Tôn giả Vô Tri liền thuyết Pháp, âm thanh như sấm rền, lời nói thanh nhã như mưa rơi xuống.
Các vị Bhikṣu kinh hãi, tự cảm thấy hối hận, và đều đắc Đạo Ứng Chân.
Lời thuyết Pháp của Tôn giả Vô Tri khiến cho nhà vua thâm nhập nghĩa lý.
Quần thần và bách quan đều đắc Quả Nhập Lưu.❖Vào thời Đức Phật giáo hóa chúng sinh ở thành Phong Đức, bấy giờ có 500 Phạm Chí luôn tìm cơ hội để phỉ báng Phật.
Với trí tuệ của Ba Minh, Đức Phật thấy biết khắp tâm tưởng của chúng sinh, và luôn thương xót muốn độ họ.
Nhưng do quả chưa chín mùi và nhân duyên chưa đến, nên Phật vẫn chưa có thể hóa độ.
Tất cả tội phúc một khi đến thời điểm, hễ ai tạo nhân duyên gì thì sẽ thọ tội hoặc hưởng phúc từ quả báo đó.
Bởi ở đời trước các Phạm Chí này đã gieo một chút duyên lành nên họ sẽ được hóa độ.
Do năng lực của phúc đức dẫn dắt nên tự nhiên sẽ có sự an bài.Có một hôm, 500 Phạm chí mưu tính với nhau rằng:"Chúng ta hãy bảo một kẻ làm nghề mổ giết đến thỉnh Phật cùng chư Tăng để cúng dường.
Phật tất sẽ nhận lời và ngợi khen công đức của kẻ kia.
Thừa cơ hội ấy, chúng ta sẽ cùng nhau phỉ báng ở trước mặt Phật."Sau đó có một người làm nghề mổ giết thỉnh Phật đến nhà để cúng dường.Phật liền nhận lời và bảo rằng:"Khi quả chín thì sẽ tự rụng.
Khi phúc báo thành thục thì sẽ tự độ."Kẻ làm nghề mổ giết trở về nhà và chuẩn bị thức ăn chay để cúng dường.
Bấy giờ Phật dẫn các đệ tử đến trong thôn của kẻ làm nghề mổ giết.Khi Phật đến nhà của gia chủ, các Phạm Chí lớn nhỏ thảy đều mừng rỡ và nói với nhau rằng:"Mãi đến hôm nay chúng ta mới có cơ hội để hủy báng Phật! Nếu Phật ngợi khen phúc đức của gia chủ, chúng ta sẽ nói nghiệp tội trước và sau của kẻ làm nghề mổ giết để hủy báng Phật.
Nếu Phật nói nghiệp tội của kẻ làm nghề mổ giết, chúng ta sẽ nói hôm nay hắn sẽ có phúc hay họa.
Với hai cách này mà tùy cơ ứng biến.
Mãi đến hôm nay chúng ta mới có cơ hội để hủy báng Phật!"Bấy giờ Đức Phật đến nhà của gia chủ, rồi ngồi xuống, lấy nước rửa tay và thọ trai.
Tiếp đến Thế Tôn quán sát trong lòng của đại chúng và biết có người đáng được hóa độ.
Khi ấy Đức Phật liền hiện ra tướng lưỡi, phủ cả mặt và tai, rồi phóng đại quang minh chiếu sáng khắp toàn thành.Đức Phật liền dùng tiếng Phạm âm và nói bài kệ chú nguyện rằng:"Theo lời dạy thánh nhânDùng Đạo làm lẽ sốngKẻ ngu sinh ganh ghétKhi thấy sinh lòng ácGây ác chịu ác báoVí như gieo nhân khổLàm ác tự thọ tộiLàm lành tự thọ phúcKhi nghiệp đã chín mùiNó sẽ chẳng đổi thayTu thiện sẽ được thiệnCũng như trồng quả ngọt"Khi Phật nói kệ xong, tâm ý của 500 Phạm Chí tự nhiên mở thông.Họ liền đỉnh lễ sát đất ở trước Phật, rồi chắp tay và thưa với Phật rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Chúng con quả thật ngu si ngoan cố, bấy lâu nay không hiểu rõ lời dạy của Phật.
Xin Thế Tôn thương xót và cho phép chúng con làm Đạo Nhân."Phật liền thu nhận và họ đều trở thành Đạo Nhân.
Khi thấy sự biến hóa của Phật, tất cả kẻ lớn người nhỏ ở trong thôn, không ai là chẳng hoan hỷ.
Họ đều thấy dấu Đạo, được xưng là thánh hiền và không còn gọi là những kẻ làm nghề mổ giết nữa.
Khi thọ trai xong, Phật liền trở về tinh xá.☸ PHẨM 21: THẾ TỤCThuở xưa có một Phạm Chí quốc vương, tên là Đa-vị-tả.
Ông vua này phụng sự 96 nhóm đạo thuật khác nhau.
Một ngày nọ, ngài bỗng nhiên phát khởi tâm lành và muốn làm bố thí rộng lớn.
Như pháp của Phạm Chí, ngài lấy bảy báu chất thành một đống cao như núi để bố thí.
Hễ ai đến xin, ngài bảo hãy lấy một nhúm đầy rồi mang đi.
Trải qua nhiều ngày như thế mà đống châu báu vẫn không giảm sút.Đức Phật biết phúc đức của vị vua này ở đời trước và đáng được hóa độ, nên Thế Tôn hóa làm một Phạm Chí rồi đi đến nước đó.
Khi ấy nhà vua bước ra và trông thấy Phạm Chí.Họ cùng thăm hỏi lẫn nhau, rồi nhà vua hỏi rằng:"Ngài đến đây muốn cầu chi? Hãy cứ nói ra, xin đừng ngần ngại!"Phạm Chí đáp rằng:"Tôi từ xa đến đây muốn xin trân bảo để mang về xây một căn nhà."Nhà vua nói rằng:"Tốt lắm! Vậy hãy tự lấy một nhúm đầy mang đi."Phạm Chí lấy một nhúm châu báu, rồi đi bảy bước và trở về đặt chúng ở chỗ cũ.Nhà vua hỏi rằng:"Sao không lấy?"Phạm Chí đáp rằng:"Tài vật này chỉ đủ xây một túp lều tranh.
Tôi lại phải lấy vợ nên quyết sẽ không đủ.
Bởi vậy tôi chẳng lấy."Nhà vua nói rằng:"Vậy hãy lấy ba nhúm!"Phạm Chí liền lấy ba nhúm châu báu, rồi đi bảy bước và trở về đặt chúng ở chỗ cũ.Nhà vua hỏi Phạm Chí:"Sao lại không lấy?"Đáp rằng:"Tài vật này chỉ đủ lấy vợ.
Tôi lại không có ruộng vườn, nô tỳ và trâu ngựa, nên với tài vật này thì không đủ.
Bởi vậy tôi chẳng lấy."Nhà vua nói rằng:"Vậy hãy lấy bảy nhúm!"Phạm Chí liền lấy bảy nhúm châu báu, rồi đi bảy bước và trở về đặt chúng ở chỗ cũ.Nhà vua nói rằng:"Như vậy nghĩa là sao?"Phạm Chí đáp rằng:"Nếu có con cái thì lại phải dựng vợ gả chồng.
Huống nữa sẽ còn gặp việc cát hung.
Tôi tính sẽ không đủ.
Bởi vậy tôi chẳng lấy."Nhà vua nói rằng:"Nếu thế thì hãy lấy toàn bộ số châu báu này đi!"Phạm Chí tiếp nhận nhưng rồi trả lại và bỏ đi.
Nhà vua hết sức ngạc nhiên và lại hỏi nguyên nhân.Phạm Chí đáp rằng:"Tôi xưa nay đi xin ăn để sinh sống, suy gẫm thọ mạng con người sống trên đời chẳng bao lâu, vạn vật vô thường và sớm tối khó bảo hộ.
Nhân duyên càng nhiều thì sầu khổ ngày càng tăng.
Dẫu tích trữ châu báu cao như núi thì cũng chẳng có lợi ích gì cho bản thân.
Mưu toan về tham dục thì chỉ tự nhọc nhằn chuốt khổ.
Đâu bằng như ý dừng nghỉ và cầu Đạo vô vi.
Bởi vậy tôi chẳng lấy."Lúc ấy nhà vua được tâm khai ý giải và xin phụng trì chính giáo.Bấy giờ Phạm Chí hiện ra uy tướng quang minh của Phật, bay lên và đứng giữa hư không rồi nói kệ rằng:"Dẫu trữ nhiều trân bảoCao tột đến cõi trờiNhư thế khắp thế gianĐâu bằng thấy dấu ĐạoÁc xem như điều thiệnÁi xem như chẳng áiLấy khổ cho là vuiCuồng phu bị chôn vùi"Khi thấy uy tướng quang minh của Phật chiếu khắp đất trời và lại nghe được những bài kệ này, nhà vua vui mừng hớn hở.
Nhà vua cùng quần thần liền xin thọ Năm Giới và đều đắc Quả Nhập Lưu.☸ PHẨM 22: ĐỨC PHẬTThuở xưa lúc Phật ngồi dưới cội Đạo thụ ở Đạo Tràng trong nước Thiện Thắng, rồi dùng Đạo lực để hàng phục chúng ma.Ngồi ở trên Pháp tòa, Ngài tư duy như vầy:"Nay Pháp cổ cam lộ đã vang khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.
Xưa kia phụ vương đã sai năm người đến trông lo cơm nước.
Năm người họ hầu cận có công lao và đáng được báo đáp.
Hiện giờ năm người họ đang ở thành Lộc Dã."Bấy giờ Như Lai đứng dậy từ dưới gốc cây, tướng hảo uy nghiêm chiếu sáng khắp đất trời.
Uy thần chấn động khiến ai thấy cũng hân hoan.
Trên đường đi đến thành Lộc Dã, ở giữa đường Ngài gặp một Phạm Chí tên là Lai Sự.
Người này đã từ giã người thân để đi xuất gia và cầu sư học Đạo.Khi nhìn thấy diệu tướng của Thế Tôn, ông vừa mừng vừa sợ, rồi dừng lại ở bên đường và cao thanh tán thán rằng:"Uy thần và dáng vẻ trang nghiêm của ngài thật siêu việt khác thường.
Xin hỏi ngài theo học vị thầy nào mà được uy dung như thế?"Phật vì Phạm Chí mà nói kệ rằng:"Tự chứng Tám Chính ĐạoLìa dục chẳng còn nhiễmÁi tận phá lưới dụcTự nhiên không thầy dạyTự ngộ không thầy dạyMột mình không bạn lữNhất tâm tu Chính PhápPhật Đạo tự nhiên thông"Khi nghe kệ xong, Phạm Chí chẳng hiểu diệu lý và rất thất vọng.Phạm Chí liền hỏi Thế Tôn rằng:"Nay Đạo sư Năng Nhân muốn đi đâu?"Phật bảo Phạm Chí rằng:"Ta muốn đến thành Lộc Dã để đánh trống Pháp cam lộ và chuyển Pháp luân vô thượng mà chư thánh khắp ba cõi chưa từng chuyển được.
Sự lăn chuyển bánh xe Chính Pháp này sẽ khiến cho hàng trời người vào tịch diệt như Ta hôm nay vậy."Phạm Chí rất vui mừng mà nói rằng:"Tốt thay, tốt thay! Nếu đúng như lời Phật nói, tôi nguyện mai này sẽ nghe được Pháp cam lộ thuyết giảng của ngài."Phạm Chí vái chào rồi liền bỏ đi.
Trong lúc còn chưa đến chỗ của thầy mình, ở giữa đường Phạm Chí nghỉ qua đêm.
Đến nửa đêm ấy, Phạm Chí hốt nhiên mạng chung.
Với Đạo nhãn, Đức Phật thấy Phạm Chí đã lìa đời.Ngài xót thương mà than rằng:"Người ở thế gian thật si mê mà cho thọ mạng là thường hằng.
Dẫu thấy Phật nhưng lại bỏ đi và một mình chịu khổ ra đi.
Trống Pháp vang rền mà riêng ông ta chẳng nghe được.
Vị cam lộ diệt khổ mà riêng ông ta chẳng nếm được.
Thế nên cứ triển chuyển mãi trong năm đường sinh tử đến nhiều số kiếp.
Thử hỏi đến khi nào mới được độ?"Bấy giờ Đức Phật với lòng từ mẫn mà nói kệ rằng:"Thấy Pháp tịnh vô uếĐã lìa năm đường ácPhật xuất chiếu thế gianDiệt trừ khổ chúng sinhKhó được sinh làm ngườiKhó được sống trường thọKhó gặp Phật xuất thếKhó nghe Pháp của Phật"Giữa lúc Phật nói kệ đó thì cũng có 500 vị trời đang ở trong hư không, khi nghe kệ của Phật, họ vui mừng và đều đắc Quả Nhập Lưu.☸ PHẨM 23: AN LẠCThuở xưa có một ngọn núi, cách thành Vương Xá khoảng 300 dặm về hướng đông nam.
Ở trên ngọn núi này có một thôn làng có hơn 500 hộ gia đình.
Tính tình của họ cang cường và khó giáo hóa.Lúc bấy giờ Thế Tôn biết phúc đức của họ ở đời trước và đáng được hóa độ, nên Đức Phật hóa làm một vị Đạo Nhân và đi vào trong thôn khất thực.
Khi đã khất thực xong, Ngài ra khỏi thôn, rồi ngồi ở dưới một gốc cây và nhập Tịch Diệt Chính Định cho đến bảy ngày, không một hơi thở ra vào và hoàn toàn bất động.Khi thấy vậy, dân làng cho là đã chết nên cùng bảo với nhau rằng:"Đạo Nhân đã chết rồi! Chúng ta hãy mang ông ấy đi hỏa táng thôi!"Và thế là mỗi người họ mang đến những bó củi để chuẩn bị đốt.
Lúc củi đã cháy hết, Đức Phật từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi hiện sức thần thông biến hóa và quang minh chiếu sáng khắp mười phương.
Sau khi đã hiện thần biến, Ngài trở về ngồi ở dưới gốc cây, thân thể an nhiên và hòa vui như xưa.
Bấy giờ tất cả dân làng, không ai là chẳng kinh sợ.Họ cúi đầu tạ lỗi rằng:"Chúng con là những kẻ sơn dã ương ngạnh và chẳng biết thần thánh, nên mới lấy củi đi hỏa thiêu ngài.
Tuy nhiên, ngài thì vẫn giống như trước khi bị đốt.
Chúng con tự suy nghĩ lại về nghiệp tội đã tạo và nó nặng như thái sơn.
Cầu xin ngài hãy rủ lòng từ bi tha thứ và đừng ghi nhớ lỗi lầm của chúng con mà sinh oán.
Chẳng hay đức thần có bị lửa làm tổn thương chăng? Ngài không có ưu sầu khổ não, không có đói khát, hoặc bị phiền não gì chứ?"Lúc bấy giờ Thế Tôn với nét mặt hiền hòa, Ngài mỉm cười và nói kệ rằng:"Ta sống trong bình anChẳng ôm lòng oán hậnGiữa chúng người thù hậnTa sống không hận thùTa sống trong bình anChẳng mắc bệnh phiền nãoGiữa chúng người phiền nãoTa sống không não phiềnTa sống trong bình anChẳng lo lắng ưu sầuGiữa chúng người lo âuTa sống không âu loTa sống trong bình anThanh tịnh và vô viLấy vui làm thức ănNhư ở trời Quang ÂmTa sống trong bình anĐạm bạc không phiền toáiDẫu mang củi cả nướcCũng chẳng thể đốt ta"Khi nghe kệ xong, có 500 người trong thôn xin làm Đạo Nhân và đều đắc Đạo Ứng Chân.
Tất cả kẻ lớn người nhỏ ở trong thôn đều kính tin Tam Bảo.
Sau đó Đức Phật cùng với 500 vị Đạo Nhân bay lên hư không và trở về Tinh xá Trúc Lâm.Khi trông thấy Đức Phật dẫn những vị đắc Đạo về tinh xá, Hiền giả Khánh Hỷ đến ở trước Phật và bạch rằng:"[Bạch Thế Tôn!] Những vị Bhikṣu này có phúc đức đặc biệt gì mà khiến Thế Tôn đích thân đến hóa độ vậy?"Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Trước khi ta hạ sinh để thành Phật, bấy giờ ở thế gian có một vị Độc Giác thường ở trong núi đó.
Ở dưới một gốc cây cách thôn không xa, bởi ngài muốn vào tịch diệt nên đã thị hiện thần thông Đạo lực, rồi sau đó diệt độ.
Lúc đó dân chúng trong thôn mang củi đến để hỏa thiêu, rồi nhặt lấy xá-lợi bỏ vào trong bình và chôn ở trên đỉnh núi.Khi ấy mỗi người họ phát nguyện rằng:'Nguyện cho mai sau con cũng sẽ đắc Đạo tịch diệt an vui như vị Đạo Nhân này.'Bởi nhân duyên của phúc ấy mà khiến sẽ đắc Đạo.
Thế nên Như Lai mới đến hóa độ cho họ vậy."Khi Phật nói lời ấy xong, vô số hàng trời người đều thấy dấu Đạo.❖Thuở xưa khi Phật ở Tinh xá Kỳ Viên gần thành Phong Đức, bấy giờ có bốn vị Bhikṣu đang ngồi dưới một gốc cây và bàn luận với nhau rằng:"Nỗi khổ lớn nhất ở trên đời là gì?"Một vị nói rằng:"Nỗi khổ lớn nhất ở trên đời, không gì hơn dâm dục."Một vị khác nói rằng:"Nỗi khổ lớn nhất ở trên đời, không gì hơn sân hận."Một vị khác nói rằng:"Nỗi khổ lớn nhất ở trên đời, không gì hơn đói khát."Một vị khác nói rằng:"Nỗi khổ lớn nhất ở trên đời, không gì hơn sợ hãi."Và thế là họ cùng nhau tranh luận về ý nghĩa của khổ liên tục chẳng ngừng.Bởi biết được điều họ đang tranh luận, Đức Phật đi đến chỗ của các vị Bhikṣu và hỏi rằng:"Các thầy đang luận nghị việc gì?"Họ liền đứng dậy, đỉnh lễ và kể lại toàn bộ sự việc đang bàn luận.Đức Phật bảo:"Này các Bhikṣu! Điều mà các thầy đang bàn luận đều chẳng phải là ý nghĩa cứu cánh của khổ.
Nỗi khổ lớn nhất ở trên đời, không gì hơn có thân.
Đói khát, nóng lạnh, sân hận, sợ hãi, sắc dục, oán thù, và tai họa đều do bởi có thân này.
Thân là nguồn gốc của mọi sự khổ não và tai vạ, là đầu mối khiến cho tâm khổ nhọc và ưu lo sợ hãi muôn vàn.
Do nó mà khiến chúng sinh trong ba cõi làm hại lẫn nhau.
Họ bị trói buộc bởi cái thấy của chính mình và người khác mà sinh tử chẳng dừng.
Tất cả đều do thân.
Nếu ai muốn lìa nỗi khổ của thế gian thì nên cầu tịch diệt.
Hãy thu nhiếp tâm ý, giữ chính niệm tịch nhiên, và không khởi vọng tưởng thì sẽ có thể đạt đến tịch diệt.
Đây là niềm an vui tối thượng."Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Lửa nào bằng dâm dụcĐộc nào bằng phẫn nộKhổ nào bằng phiền nãoVui nào bằng tịch diệtChớ thích niềm vui nhỏTrí nhỏ biện luận nhỏHãy cầu đại trí tuệMới được an vui lớnTa là Đức Thế TônGiải thoát vĩnh không sầuSiêu việt khỏi ba cõiMột mình hàng chúng ma"Khi nói kệ xong, Đức Phật bảo các vị Bhikṣu rằng:"Vào thuở xa xưa vô số đời về trước, bấy giờ có một vị Bhikṣu đã chứng năm loại thần thông, tên là Tinh Tấn Lực.
Ngài sống ẩn dật yên tĩnh dưới một gốc cây ở trong núi để cầu Đạo.Lúc ấy có bốn loài cầm thú cư trú xung quanh của ngài để nương tựa và nhờ đó mà chúng luôn được an ổn.
Chúng là bồ câu, quạ, rắn độc, và nai.
Ban ngày bốn loài cầm thú này đi tìm thức ăn và đến tối thì trở về.Một đêm nọ, chúng bàn luận với nhau rằng:'Nỗi khổ lớn nhất ở trên đời là gì?'Chim quạ nói rằng:'Đói khát là nỗi khổ lớn nhất.
Lúc đói khát thì thân thể gầy yếu, mắt lờ đờ, và tinh thần chẳng an, khiến phải sa vào lưới mà không nhìn mũi nhọn.
Chúng tôi mất mạng đều là do nó.
Thông qua lời nói này, đói khát là nỗi khổ lớn nhất vậy.'Bồ câu nói rằng:'Dâm dục là nỗi khổ lớn nhất.
Khi sắc dục khởi lên hẫy hừng thì không còn nhớ gì hết.
Thân tàn mạng mất đều là do nó.'Rắn độc nói rằng:'Sân hận là nỗi khổ lớn nhất.
Khi tâm độc phát khởi thì chẳng kể thân sơ cũng đều có thể giết, và cũng có thể giết cả chính mình.'Nai nói rằng:'Sợ hãi là nỗi khổ lớn nhất.
Tôi đi trong rừng hoang mà trong lòng luôn phập phồng lo sợ thợ săn và bầy sói.
Giả như có tiếng động, chúng tôi cắm đầu chạy bạt mạng, khiến phải rơi xuống hố, mẹ con thất lạc lẫn nhau, và gan mật muốn rớt ra ngoài.
Thông qua lời nói này, sợ hãi là nỗi khổ lớn nhất vậy.'Khi nghe chúng nói chuyện, vị Bhikṣu bảo rằng:'Việc bàn luận của các con chỉ là ngọn ngành của nó mà thôi, không phải là căn gốc của khổ.
Nỗi khổ lớn nhất ở trên đời, không gì hơn có thân.
Thân là vật chứa của khổ.
Nó phát sinh vô lượng lo âu và sợ hãi.
Bởi vậy ta mới lìa bỏ thế tục để học Đạo: diệt trừ vọng tưởng, không tham luyến nơi bốn đại, luôn mong đoạn trừ gốc của khổ, và chí hướng đến tịch diệt.
Đạo tịch diệt là yên tĩnh và không hình sắc.
Khi ưu sầu và hoạn nạn đã vĩnh viễn trừ bỏ thì mới được an vui lớn.'Khi bốn loài cầm thú nghe rồi, tâm chúng liền tỏ ngộ."Phật bảo các vị Bhikṣu rằng:"Vị Bhikṣu chứng năm loại thần thông thuở ấy chính là tiền thân của Ta.
Bốn loài cầm thú thuở đó, nay chính là bốn thầy đây vậy.
Ở đời trước các thầy đã nghe được ý nghĩa về gốc của khổ, sao hôm nay lại còn tranh luận nữa?"Khi nghe Phật nói, các vị Bhikṣu hổ thẹn tự trách, và liền đắc Đạo Ứng Chân ở trước Phật.☸ PHẨM 24: YÊU THƯƠNGThuở xưa khi Phật ở Tinh xá Kỳ Viên gần thành Phong Đức, bấy giờ có bốn vị Bhikṣu vừa mới xuất gia.
Họ cùng tọa thiền tu Đạo ở dưới một gốc cây nại.
Vào một ngày nọ, cây nại nở hoa rực rỡ, có màu sắc đẹp và còn tỏa ngát thơm.Nhân đó họ bàn luận với nhau rằng:"Vạn vật trên thế gian, điều gì là yêu quý nhất mà khiến lòng người say đắm?"Một vị nói rằng:"Vào giữa mùa xuân, đương lúc cây cối tươi tốt nở hoa mà được du ngoạn ngắm cảnh trên cánh đồng hoang dã thì đó là điều vui nhất."Một vị khác nói rằng:"Thân quyến sum vầy, rót rượu chung vui, và âm nhạc ca vũ thì đó là điều vui nhất."Một vị khác nói rằng:"Tích trữ nhiều tài bảo để muốn gì được nấy.
Ngựa xe, y phục, và trang sức hiếm lạ hơn mọi người.
Lúc ra ngoài hay vào nhà sẽ lộng lẫy xa hoa, khiến những kẻ đi đường cứ nhìn chăm chú mãi.
Đây là điều vui nhất."Một vị khác nói rằng:"Thê thiếp xinh đẹp, áo lụa sáng láng, mùi thơm tỏa ngát, và buông ý theo sở thích.
Đây là điều vui nhất."Bấy giờ Đức Phật biết bốn người họ có nhân duyên đáng được hóa độ.Nhân lúc tâm ý của họ đang rong rủi theo năm dục mà chẳng tư duy vô thường, nên Ngài liền gọi bốn người họ và hỏi rằng:"Các thầy ngồi ở dưới gốc cây đang luận nghị việc gì?"Bốn người họ liền thuật lại tường tận sự việc.Phật bảo bốn vị Bhikṣu rằng:"Điều các thầy đang bàn luận đều là con đường hiểm nguy dẫn đến ưu sầu sợ hãi, không phải là Pháp an lạc cứu cánh.
Vạn vật tươi tốt khi xuân đến và rơi rụng khi thu tàn.
Thân thuộc vui vẻ sum vầy rồi cũng biệt ly.
Tài bảo ngựa xe, họ hàng quyến thuộc, và vợ đẹp thiếp xinh là những đầu mối của sự thương ghét.
Do chúng mà phàm phu sống ở đời phát khởi oán thù và tai họa, khiến thân tộc bị nguy hiểm và diệt vong.
Chúng mang đến vô lượng ưu lo sợ hãi, khiến chúng sinh rơi vào tám nạn hoặc ở trong ba đường ác để chịu thống khổ muôn vàn--tất cả đều do chúng mà ra.
Cho nên các vị Bhikṣu phải lìa bỏ thế tục để cầu Đạo, chí hướng đến vô vi, không tham danh lợi, và đạt đến tịch diệt thì mới là điều an vui nhất vậy."Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Yêu thương sinh âu loYêu thương sinh sợ hãiYêu thương nếu chẳng cóLo sợ làm sao sinh?Mong cầu sinh âu loMong cầu sinh sợ hãiMong cầu nếu chẳng cóLo sợ làm sao sinh?Tham dục sinh âu loTham dục sinh sợ hãiTham dục nếu chẳng cóLo sợ làm sao sinh?Trì Pháp, giới thành tựuChí thành biết xấu hổTu hành gần với ĐạoMọi người đều mến thươngChẳng phóng túng tham dụcSuy nghĩ kỹ mới nóiTâm không tham ái dụcTất chặt đứt luân hồi"Phật bảo bốn vị Bhikṣu rằng:"Thuở xưa có một vị quốc vương cùng kết bạn với bốn ông vua ở nước lân cận, tên là Phổ An.
Một hôm ngài mời bốn vua bạn đến dự yến tiệc suốt một tháng.
Họ ăn uống vui chơi và sự vui sướng đó không gì sánh bằng.Vào ngày sắp từ biệt, vua Phổ An hỏi bốn vua bạn rằng:'Con người sống trên thế gian, điều gì là vui nhất?'Một vị vua nói rằng:'Du ngoạn ngắm cảnh là điều vui nhất.'Một vị vua khác nói rằng:'Thân quyến sum vầy và âm nhạc ca vũ là điều vui nhất.'Một vị vua khác nói rằng:'Tích trữ nhiều tài bảo để muốn gì được nấy là điều vui nhất.'Một vị vua khác nói rằng:'Đắm say trong ái dục là điều vui nhất.'Vua Phổ An nói rằng:'Điều mà các ngài nói đều là gốc của khổ não, căn nguyên của ưu sầu sợ hãi.
Tuy trước có vui nhưng sau sẽ chịu muôn vàn khổ đau.
Tất cả đều do chúng mà khởi sinh.
Chẳng bằng như tịch tĩnh, vô cầu vô dục, và sống đạm bạc với chính niệm thì sẽ đắc Đạo an vui.'Khi nghe xong, bốn vị vua hoan hỷ tín giải."Phật bảo bốn vị Bhikṣu rằng:"Vua Phổ An thuở xưa chính là tiền thân của Ta.
Còn bốn vua bạn chính là bốn thầy đây vậy.
Ở đời trước các thầy đã nghe giảng về ý nghĩa này nhưng nay còn chưa hiểu.
Sinh tử triền miên như thế đến bao giờ mới thôi nghỉ?"Khi nghe được về ý nghĩa này thêm một lần nữa, bốn vị Bhikṣu cảm thấy hổ thẹn, rồi sám hối lỗi lầm và tâm ý khai ngộ.
Sau đó họ diệt trừ dục niệm và đắc Đạo Ứng Chân.☸ PHẨM 25: SÂN HẬNThuở xưa Đức Phật ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá.
Bấy giờ Bhikṣu Thiên Nhiệt và vua Vị Sinh Oán cùng âm mưu hủy diệt Đức Phật và các đệ tử.
Nhà vua ra lệnh toàn quốc không được phụng sự Đức Phật và không được cúng dường cho chư Tăng đi khất thực.Lúc ấy Tôn giả Thu Lộ Tử, Tôn giả Đại Thải Thục Thị, Tôn giả Đại Ẩm Quang, Tôn giả Thiện Hiện, cùng với Bhikṣuṇī [bíc su ni] Đại Thắng Sinh Chủ và những vị khác, mỗi vị dẫn các đệ tử của mình đi sang nước khác.
Chỉ có Đức Phật và 500 vị Ứng Chân ở trên núi Thứu Phong.Khi ấy Bhikṣu Thiên Nhiệt đi đến chỗ của vua Vị Sinh Oán và cùng vua mưu tính rằng:"Nay các đệ tử của Phật đã sơ tán khắp nơi và chỉ có 500 đệ tử ở xung quanh của Phật.
Xin đại vương ngày mai hãy thỉnh Phật vào thành.
Tôi sẽ cho 500 con voi lớn uống rượu say.
Khi Phật vào thành, tôi sẽ ra lệnh cho lùa bầy voi say này để đạp chết Phật, diệt trừ tận gốc, và tôi sẽ làm Phật để giáo hóa thế gian."Nghe vậy, vua Vị Sinh Oán rất vui mừng, liền đến chỗ của Phật, cúi đầu đỉnh lễ và thưa với Phật rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Ngày mai con sẽ dọn chút thức ăn thanh đạm để cúng dường.
Kính mong Thế Tôn và các đệ tử vào cung thọ trai."Tuy Phật biết âm mưu của họ nhưng vẫn đáp rằng:"Lành thay! Sáng mai Ta sẽ đến."Nhà vua lui về và nói lại với Bhikṣu Thiên Nhiệt rằng:"Phật đã nhận lời.
Ông hãy theo kế sách trước đây, cho voi uống say rồi chờ đợi Phật đến."Vào lúc thọ trai của ngày hôm sau, Đức Phật và 500 vị Ứng Chân cùng đi vào cổng thành.
Bấy giờ 500 con voi say kêu rống dữ dội và tiến đến ầm ầm.
Chúng làm tường vách sập đổ, cây cối gãy nát, và khiến toàn dân trong thành kinh hoàng run sợ.
500 vị Ứng Chân liền bay lên không trung và chỉ có một mình Tôn giả Khánh Hỷ đứng bên cạnh của Phật.
Lúc ấy voi say quay đầu về hướng của Phật.
Đức Phật đưa tay lên và lập tức từ năm ngón tay vọt hóa ra 500 sư tử chúa.
Các sư tử chúa cùng một lúc gầm rống nên khiến trời đất chấn động.
Khi ấy những con voi say quỳ mọp gối xuống đất và không dám ngước đầu lên.
Một hồi sau chúng tỉnh rượu và rơi lệ sám hối.
Thấy vậy, nhà vua cùng quần thần và nhân dân, không ai là chẳng kinh sợ và cung kính.
Sau đó Thế Tôn và các vị Ứng Chân khoan thai tiến lên cung điện của vua.Khi Đức Phật đã thọ trai và chú nguyện xong, nhà vua thưa với Phật rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Bổn tính của con mê muội nên con trót tin lời sàm tấu mà đã âm mưu tạo ra tội ác ngỗ nghịch thế này.
Xin Ngài rủ lòng đại từ và tha thứ cho sự ngu mê của con."Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo vua Vị Sinh Oán cùng các đại chúng rằng:"Trên đời có tám việc mà sẽ dấy khởi phỉ báng.
Tất cả đều là do tham tiếng tăm và lợi dưỡng, nên khiến chúng sinh tạo tội thâm trọng đến nhiều kiếp mà chẳng dừng.Những gì là tám? Đó là lợi ích, suy hao, hủy hoại, danh dự, xưng tán, chê trách, khổ đau, và vui sướng.Từ xưa đến nay, ít mấy ai mà không bị chúng mê hoặc."Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Người đời chê bai nhauTừ xưa cho đến nayĐã chê ai nói nhiềuLại chê ai nói ítCũng chê ai nói vừaChẳng ai không bị chêDục niệm không phải thánhChẳng thể tự kiềm chếLúc khen lúc hủy bángChỉ vì lợi với danhĐiều khen của thánh nhânChỉ khen ai hiền đứcNgười trí giữ giới luậtKhông chỗ để phỉ bángTịnh như bậc Ứng ChânChớ có hủy báng họHàng người đều tán thánChư thiên cũng tán dương"Khi nói kệ xong, Đức Phật lại bảo nhà vua rằng:"Thuở xưa có một ông vua rất ưa ăn thịt chim nhạn.
Nhà vua luôn sai thợ săn giăng lưới bắt chim nhạn.
Mỗi ngày họ phải dâng lên một con chim nhạn để làm bữa ăn cho vua.Bấy giờ có một con nhạn chúa dẫn theo 500 chim nhạn bay xuống tìm thức ăn.
Chẳng may nhạn chúa sa lưới và bị thợ săn tóm được.
Tất cả chim nhạn khác đều bay vòng quanh kinh hãi mà chẳng chịu đi.
Lúc ấy chỉ có một con chim nhạn bay theo sát mà chẳng lánh xa cung tên.
Suốt ngày đêm không ngừng, nó kêu thảm thiết và đến nỗi thổ huyết.
Khi thấy thế, thợ săn cảm động trước tình thâm của nó nên liền thả cho nhạn chúa bay đi.
Khi nhạn chúa được thả, bầy nhạn vui mừng và bay vòng rồi đi.
Sau đó thợ săn trình tâu hết việc ấy cho vua.
Nhà vua cảm động trước tình thâm của nó và từ đó không còn ra lệnh bắt chim nhạn nữa."Đức Phật bảo vua Vị Sinh Oán rằng:"Nhạn chúa thuở ấy chính là tiền thân của Ta.
Con chim nhạn với tình thâm là Thị giả Khánh Hỷ.
500 chim nhạn, nay chính là 500 vị Ứng Chân đây vậy.
Ông vua thích ăn thịt chim nhạn, nay chính là đại vương.
Còn kẻ thợ săn thuở ấy, nay chính là Bhikṣu Thiên Nhiệt.
Từ đời trước cho đến nay, Thiên Nhiệt luôn muốn hại Ta.
Với năng lực đại từ của Ta, ông ấy nhờ đó mà được cứu độ.
Ta không nhớ oán thù và tự chứng thành Phật."Khi Phật nói lời ấy xong, nhà vua cùng quần thần, không ai là chẳng tỏ ngộ.☸ PHẨM 26: TRẦN CẤUThuở xưa có một thanh niên là con trai một và chẳng có anh em.
Lúc còn nhỏ cha mẹ hết mực thương yêu và xem như tính mạng của họ.
Vì muốn mai này đứa bé thành tựu hơn người nên họ đưa tới thầy dạy cho học vấn.
Thế nhưng đứa bé này lếu láo và luôn mãi không chịu dụng tâm; sáng học tối quên và đọc rồi cũng chẳng ôn tập.
Trải qua nhiều năm như thế mà nó không hiểu biết gì.
Sau đó cha mẹ gọi về để quản lý gia nghiệp.
Thế nhưng anh ta phóng túng kiêu ngạo và chẳng hề siêng năng làm lụng, nên khiến cho cảnh nhà bắt đầu sa sút và mọi việc tan hoang.
Lâu dần anh ta chẳng chút kiêng nể và tùy ý bán đồ vật trong nhà.
Anh ta lại buông thả tâm ý, đầu tóc rối ren, đi chân đất, quần áo dơ bẩn, tham lam keo kiệt, và ngu muội cố chấp mà chẳng biết xấu hổ.
Ai trông thấy đều khinh bỉ oán ghét và bị mọi người mắng chửi là một kẻ hung ác.
Lúc đi ra ngoài hoặc lúc về, không một ai trò chuyện với hắn.
Lại chẳng biết mình xấu ác mà ngược lại y còn oán trách mọi người và kể cả cha mẹ.
Kế đến anh ta oán trách thầy bạn."Thần linh của tổ tiên đã không chịu bảo hộ nên mới khiến cho mình chẳng chỗ nương tựa và gặp trắc trở như thế.
Nếu đã vậy, chi bằng hãy phụng sự Đức Phật thì may ra sẽ được phúc."Và thế là anh ta liền đến chỗ của Phật, rồi đỉnh lễ và ở trước Phật thưa rằng:"Phật Đạo hoằng thâm, không gì chẳng dung thọ.
Con muốn làm đệ tử của Phật.
Cầu xin Ngài cho phép."Đức Phật bảo kẻ ấy rằng:"Phàm ai muốn cầu Đạo thì hành vi phải thanh tịnh.
Anh mang cấu uế của trần tục vào trong Đạo của Ta thì chỉ uổng phí sự tu hành, thử hỏi có ích lợi gì? Chẳng bằng như trở về nhà hiếu thảo cha mẹ, ôn tụng lời thầy dạy và suốt đời chẳng quên.
Hãy chăm chỉ làm ăn, sống vui vẻ không sầu lo, biết phép tắc và chẳng vi phạm lễ nghi.
Hãy tắm rửa, mặc y phục tinh sạch, thận trọng lời nói, giữ tâm chuyên nhất, việc làm đến nơi đến chốn, và cần mẫn tu tập thì sẽ được người quý mến.
Nếu làm được như thế thì mới có thể học Đạo."Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Chẳng tụng lời sẽ bẩnChẳng siêng nhà sẽ dơChẳng nghiêm sắc sẽ cấuBuông lung việc sẽ uếKeo khiến huệ thí dơÁc khiến hành vi bẩnHiện đời cùng vị laiPháp ác luôn cấu uếDơ bẩn trong dơ bẩnChẳng gì bằng si mêTu học nên trừ ácBhikṣu không cấu uế"Khi nghe kệ, người ấy tự biết sự kiêu mạn và si mê của mình, liền vâng lời Phật dạy và vui mừng trở về.
Sau đó anh ta tư duy về ý nghĩa của bài kệ, rồi sửa đổi tâm tính, hiếu thảo cha mẹ, tôn kính sư trưởng, chăm chỉ làm ăn, học tập Kinh Pháp, nhiếp tâm giữ giới, và không làm điều sai quấy.
Một thời gian sau anh ta được thân quyến và dân làng khen ngợi là đứa con hiếu thuận.
Từ đó tiếng thơm hiền đức của anh ta lan xa đến khắp cả nước.Ba năm sau, người ấy trở lại chỗ của Phật, đầu đỉnh lễ sát đất, và thành khẩn bày tỏ rằng:"Thưa Như Lai tôn kính! Con nay đã hoàn toàn sửa đổi, bỏ ác hướng thiện và khiến thân tộc nhờ ơn lành.
Xin Thế Tôn rủ lòng đại từ mà cho phép con học Đạo."Đức Phật bảo:"Lành thay!"Lúc đó râu tóc của người ấy tự rụng và liền trở thành Đạo Nhân.
Khi đã tư duy và tu học Chỉ Quán, Bốn Thánh Đế, và Tám Chính Đạo, ngài đắc Đạo Ứng Chân.☸ PHẨM 27: PHỤNG TRÌThuở xưa có một trưởng lão Phạm Chí tên là Ly Hệ, được xem là người thông minh đa trí đệ nhất trong nước.
Ông có 500 đệ tử, tính tình cao ngạo tự đại, và khinh thường mọi người trong thiên hạ.
Ông lại dùng những miếng lá bằng đồng và sắt mà quấn vào bụng.
Khi thấy thế nên mọi người mới hỏi.Ông đáp rằng:"Tôi sợ trí tuệ sẽ tràn ra ngoài."Khi biết Phật đã xuất hiện ở thế gian và tuyên dương Đạo Pháp nhiệm mầu, ông sinh lòng đố kỵ và ngủ thức chẳng an.Ông bảo các đệ tử rằng:"Ta nghe Đạo sư Năng Nhân tự xưng là Phật.
Ta bây giờ muốn đến vặn hỏi những việc vi diệu sâu xa để khiến lòng ông ấy bối rối và chẳng biết phải trả lời ra sao."Và thế là ông liền dẫn đệ tử cùng đi đến Tinh xá Kỳ Viên và đứng ngay thẳng ở trước cổng.
Khi từ nơi xa trông thấy quang minh sáng chói của Thế Tôn như mặt trời mọc, trong lòng hân hoan và ông vừa mừng vừa sợ.
Ông liền tiến về phía trước và đỉnh lễ Phật.
Sau đó Đức Phật bảo ông hãy ngồi.Khi đã ngồi xuống, Phạm chí Ly Hệ hỏi Phật rằng:"- Sao gọi là Đạo?- Sao gọi là trí tuệ?- Sao gọi là trưởng lão?- Sao gọi là đoan chính?- Sao gọi là Đạo Nhân?- Sao gọi là Bhikṣu?- Sao gọi là hiền minh?- Sao gọi là đắc Đạo?- Sao gọi là trì Pháp?Nếu Ngài có thể giải đáp, tôi xin làm đệ tử."Lúc bấy giờ Thế Tôn quán sát nhân duyên mà dùng kệ đáp rằng:"Tu học luôn quý mếnChính tâm dùng tu hànhÔm ấp trí tuệ báuĐó là người vì ĐạoGọi là bậc trí tuệKhông phải lời khôn khéoChẳng sợ chẳng kinh hoàngTu thiện là bậc tríGọi là bậc trưởng lãoKhông phải tuổi tác caoGià nua tóc bạc trắngNgu si chẳng biết tộiChính Pháp luôn ôm ấpNhu hòa lòng từ biHiểu rộng tâm thanh tịnhĐó là bậc trưởng lãoGọi là người đoan chínhKhông phải đẹp như hoaKeo kiệt lòng ganh ghétLời nói có lỗi lầmAi khéo lìa việc ácCăn nguyên đã đoạn trừThông tuệ chẳng sân hậnĐó là người đoan chínhGọi là bậc Đạo NhânKhông phải cạo râu tócNói dối nhiều tham áiTham dục như phàm phuAi khéo ngưng việc ácĐạo Pháp rộng tuyên dươngTâm an vọng tưởng diệtĐó là bậc Đạo NhânGọi là bậc BhikṣuKhông phải đi khất thựcLàm ác kỳ vọng ngườiCầu lợi cầu tiếng tămAi khéo biết tội phúcLuôn tu hạnh thanh tịnhDùng tuệ diệt trừ ácĐó gọi là BhikṣuGọi là bậc hiền minhKhông phải giữ lặng thinhNội tâm chẳng thanh tịnhNgoại thân nhiễm bụi trầnBất nhiễm tâm vô viThanh tịnh như hư khôngNgười ấy được tịch diệtĐó là bậc hiền minhGọi là bậc đắc ĐạoKhông phải chỉ cứu mộtRộng độ khắp chúng sinhVô hại là hành ĐạoGọi là bậc trì PhápKhông phải đọc tụng nhiềuDẫu chỉ nghe ít thôiY Pháp thân hành trìGiữ Đạo chẳng lãng quênĐó là người trì Pháp"Khi nghe những bài kệ của Phật, Phạm chí Ly Hệ và 500 đệ tử vui mừng tỏ ngộ.
Họ trừ bỏ ngã mạn và xin làm Đạo Nhân.
Duy chỉ một mình Phạm chí Ly Hệ phát khởi Đạo tâm của Bồ-tát, còn 500 đệ tử đều đắc Đạo Ứng Chân.☸ PHẨM 28: ĐẠO HẠNHThuở xưa có một Phạm Chí xuất gia học Đạo từ nhỏ và mãi đến 60 tuổi mà vẫn không đắc Đạo.
Theo pháp của Phạm Chí, nếu đến 60 tuổi mà vẫn không đắc Đạo thì trở về nhà lấy vợ lập gia đình.
Sau đó, vợ ông sinh được một đứa con trai rất tuấn tú đáng yêu.
Lên đến bảy tuổi, đứa bé tinh thông học vấn, biện tài xuất chúng, và tài giỏi hơn mọi người.
Một hôm đứa bé lâm trọng bệnh và hốt nhiên mạng chung.
Phạm Chí thương nhớ khôn nguôi và chẳng thể nào tự kiềm chế cõi lòng.
Ông nằm ôm thi thể của con, bi thương đến tắt thở đến một hồi lâu mới tỉnh lại.
Lúc ấy thân tộc can gián và buộc phải mang xác con ông đi mai táng ở ngoài thành.Bấy giờ Phạm Chí tự nghĩ:"Giờ ta có khóc lóc mãi thì cũng vô ích.
Chi bằng hãy đến chỗ của Diêm Vương để xin lại mạng sống của con mình."Và thế là Phạm Chí tắm rửa thân thể, ăn chay trì giới, rồi mang theo hương hoa và đi ra khỏi nhà.Gặp ai ông cũng hỏi rằng:"Xin hỏi có biết nơi xứ của Diêm Vương ở đâu không?"Lần lần đi về phía trước khoảng vài nghìn dặm, ông tiến vào rừng sâu và thấy các Phạm Chí đắc Đạo, rồi cũng lại hỏi như trên.Các Phạm Chí bảo rằng:"Ông hỏi nơi xứ của Diêm Vương để làm gì?"Đáp rằng:"Tôi có một đứa con thông minh hơn người và nó vừa mới chết gần đây.
Tôi đau khổ tột cùng mà chẳng thể nào ngăn được.
Tôi muốn đến chỗ của Diêm Vương để xin lại tính mạng của đứa bé, rồi dẫn nó về nhà nuôi dưỡng để nhờ cậy lúc tuổi già."Các Phạm Chí thương cảm cho sự ngu si của ông nên liền bảo rằng:"Chỗ ở của Diêm Vương không phải là nơi mà người sống có thể đến.
Tuy nhiên chúng tôi sẽ chỉ cho ông phương xứ.
Từ đây đi về hướng tây hơn 400 dặm thì sẽ gặp một dòng nước và trong ấy có một thành quách.
Đây là chốn dừng chân qua đêm của chư thiên thần đi tuần tra ở thế gian.
Diêm Vương thường vào mùng tám của mỗi tháng sẽ đi tuần tra và chắc chắn ghé qua thành này.
Ông hãy ăn chay trì giới và đến đó thì tất sẽ được gặp."Phạm Chí vui mừng và vâng lời ra đi.
Ông đến trong dòng nước và thấy một thành quách nguy nga; cung điện, phòng ốc và mái hiên như ở trời Tam Thập Tam.
Phạm Chí đến cổng thành, quỳ gối thắp hương, và cầu nguyện xin gặp Diêm Vương.
Lúc ấy Diêm Vương sai kẻ gác cổng ra hỏi.Phạm Chí thưa rằng:"Đến tuổi xế chiều tôi mới sinh được một đứa con trai và muốn nuôi dưỡng để cậy trông lúc tuổi già.
Ngờ đâu nuôi con khôn lớn được bảy tuổi thì gần đây nó đã qua đời.
Cầu mong đại vương hãy rủ lòng thương xót mà bố thí lại tính mạng của con tôi."Diêm Vương nói rằng:"Tốt lắm! Con ông hiện giờ đang chơi trong khu vườn phía đông.
Ông hãy tự đến đó dẫn nó về."Phạm Chí lập tức đến đó và thấy con mình đang nô đùa cùng với những đứa trẻ khác.Ông liền đến trước bồng con lên và nhìn nó mà khóc than rằng:"Cha ngày đêm nhớ con, ăn ngủ chẳng ngon.
Con có biết nỗi khổ nhọc của cha mẹ chăng?"Đứa trẻ sợ hãi la lên và trách mắng rằng:"Cái ông già ngu ngốc chẳng biết lý lẽ! Tôi chỉ tạm thoáng sinh làm con trai của ông thôi.
Ông đừng có nhiều lời và hãy sớm rời khỏi.
Giờ ở đây tôi tự có cha mẹ.
Nay không hẹn mà gặp và ông có bồng bế tôi thì cũng vô ích."Phạm Chí buồn bã và ngậm ngùi bỏ đi.Sau đó ông tự nghĩ thầm:"Ta từng nghe rằng Đạo sư Năng Nhân có thể biết được thần hồn biến hóa của người khác.
Ta hãy đến hỏi Ngài xem."Lúc ấy Phạm Chí liền trở về và tìm đến chỗ của Phật.
Bấy giờ Đức Phật thuyết Pháp cho đại chúng ở Tinh xá Kỳ Viên gần thành Phong Đức.Khi trông thấy Phật, Phạm Chí cúi đầu đỉnh lễ và hướng về Đức Phật mà kể rõ gốc ngọn của sự tình:"[Bạch Thế Tôn!] Nó đích thật là con trai của con.
Ấy mà nó chẳng chịu nhận.
Nó còn bảo ngược con là ông lão ngu si và chỉ tạm thoáng sinh làm con trai của con thôi.
Nó hoàn toàn chẳng có chút ân tình của phụ tử.
Sao lại như thế?"Phật bảo Phạm Chí:"Ông quả thật ngu muội.
Người chết thì thần thức lìa khỏi và lại thọ sinh.
Cha mẹ vợ con chỉ là nhân duyên hội tụ.
Đây ví như khách ở tạm rồi bỏ đi.
Kẻ ngu mê chấp trước mà cho là của mình nên phải chuốc lấy ưu sầu khổ não.
Phàm phu chẳng biết căn nguyên, cứ chìm đắm trong sinh tử mà không hề thôi nghỉ.
Duy chỉ có người trí chẳng vướng ái ân, giác ngộ thống khổ, xả bỏ tập khí, siêng tụng Kinh trì giới, và diệt trừ vọng tưởng thì mới chấm dứt sinh tử."Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Người đời nuôi vợ conChẳng quán lẽ vô thườngCái chết bỗng chợt đếnVí như nước chảy xiếtCha con chẳng thể cứuHọ hàng hy vọng gì?Mạng hết cậy quyến thuộcNhư mù cầm đèn sángBậc trí hiểu ý trênKinh giới hãy tu trìSiêng hành vượt thế gianDiệt trừ tất cả khổLìa xa các vực thẳmNhư gió thổi tan mâyĐã diệt tư tưởng tàĐó là chính tri kiếnTuệ là báu thế gianAn lạc chứng vô viAi biết thọ chính giáoVĩnh đoạn sinh già chết"Khi nghe kệ xong, Phạm Chí hoát nhiên tỏ ngộ, biết thọ mạng vô thường và vợ con như khách trọ.
Ông liền cúi đầu cung kính và xin làm Đạo Nhân.Đức Phật bảo:"Lành thay!"Lúc đó râu tóc của Phạm Chí tự rụng và liền trở thành Bhikṣu.
Sau đó ngài tư duy về ý nghĩa của những bài kệ, đoạn diệt niệm tưởng ái ân và liền đắc Đạo Ứng Chân ngay tại chỗ ngồi.☸ PHẨM 29: QUẢNG THUYẾTThuở xưa Đức Phật thuyết Pháp giáo hóa chúng sinh ở thành Phong Đức.
Trời rồng quỷ thần, quốc vương và nhân dân ở ba thời mỗi ngày đều đến nghe Pháp.Bấy giờ có một ông vua tên là Thắng Quân, là người kiêu mạn, say đắm ái dục, mắt nhiễm trước sắc, tai loạn nơi tiếng, mũi đắm hương thơm, miệng ưa năm vị, và thân khoái trơn mịn.
Nhà vua ăn uống cao lương mỹ vị mà chẳng hề biết nhàm đủ, càng ngày ăn càng nhiều và luôn cảm thấy rất đói.
Thế nên quan ngự trù phải làm việc liên tục để dâng lên thức ăn.
Dần dần thân thể của nhà vua trở nên béo phì, chẳng thể lên xe cưỡi ngựa, thở ra hít vào trong lúc nằm hay lúc thức dậy rất mệt nhọc và có lúc hơi thở bị đứt quãng đến một hồi mới tỉnh dậy.
Lúc nằm hay ngồi đều bị đau nhức, thân thể ì ạch và chẳng thể cử động.
Khi ấy nhà vua mới ngộ ra rằng thân này là tai họa, nên liền ra lệnh chuẩn bị xe ngựa để đến chỗ của Phật.
Lúc đến nơi, kẻ hầu phải phụ giúp nhà vua đứng lên để thăm hỏi Thế Tôn.Sau đó nhà vua lui xuống ngồi qua một bên, chắp tay và thưa với Phật rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Lâu rồi con không đến thân cận Ngài và thưa hỏi về giáo Pháp.
Nay con chẳng biết đã tạo nghiệp tội gì mà thân thể ngày càng béo phì.
Con chẳng biết nguyên nhân gì mà khiến con khổ sở như thế.
Bởi vậy nên cũng đã lâu rồi con không đến đỉnh lễ và thân cận Thế Tôn."Phật bảo đại vương:"Có năm việc sẽ khiến con người tăng béo phì.1.
luôn ăn uống2.
thích ngủ nghỉ3.
ưa phóng túng4.
chẳng sầu lo5.
quá nhàn rỗiĐây là năm việc mà sẽ khiến con người dễ béo phì.
Nếu chẳng muốn béo phì, hãy ăn uống thanh đạm thì thân thể sẽ thon nhỏ."Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Là người hãy nhớ nghĩKhi ăn tự biết đủTức sẽ bớt tham muốnTiết chế tất sống lâu"Khi nghe bài kệ này, nhà vua rất vui mừng, liền gọi quan ngự trù và truyền lệnh rằng:"Khanh hãy ghi nhớ bài kệ này và đọc lên khi trẫm sắp ăn."Sau đó nhà vua từ biệt Đức Phật và trở về cung.
Mỗi khi dọn thức ăn lên, quan ngự trù liền đọc bài kệ.
Nhà vua rất vui khi nghe bài kệ và mỗi ngày giảm một thìa thức ăn.
Do lượng thức ăn ngày càng giảm nên dần dần khiến thân thể nhà vua nhẹ nhàng và thon gọn như trước.
Khi tự thấy như thế, nhà vua vui mừng và nhớ đến Phật.
Ngài liền đứng dậy và đi bộ đến chỗ của Phật, rồi đỉnh lễ Đức Phật.Đức Phật bảo hãy ngồi xuống và hỏi nhà vua rằng:"Ngựa xe và đoàn tùy tùng của đại vương luôn có sẵn, cớ sao phải đi bộ đến đây?"Nhà vua vui mừng thưa với Phật rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Lúc trước được Phật điểm hóa, con phụng hành làm theo và nay thân thể trở nên nhẹ nhàng.
Đây đều là do uy lực giáo hóa của Thế Tôn.
Do đó con mới đi bộ đến đây để xem thử thế nào."Phật bảo đại vương rằng:"Người đời là như thế.
Họ chẳng biết vô thường, nuôi dưỡng thân thể, tăng trưởng ái dục, và chẳng siêng tu phúc.
Lúc chết, thần thức lìa khỏi và chỉ còn thân xác ở gò mả.
Bậc trí tu tập trí tuệ, còn kẻ ngu nuôi dưỡng thân thể.
Nếu ai hiểu ý nghĩa này thì hãy gắng phụng hành Thánh giáo."Lúc bấy giờ Thế Tôn lại nói kệ rằng:"Làm người không học hỏiLúc già như bò đựcNó chỉ tăng béo phìChẳng có chút phúc tuệSinh tử vô số lầnĐến đi đầy gian khóÝ cậy tham luyến thânSinh tử khổ muôn vànNgười trí thấy ách khổCho nên lìa bỏ thânDiệt ý đoạn các hànhÁi tận chứng vô sinh"Khi lại nghe được bài kệ, nhà vua rất vui mừng và tâm ý khai mở.
Ngài liền phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.
Bấy giờ có vô số người đến nghe Pháp cũng đều được Pháp nhãn thanh tịnh.☸ PHẨM 30: ĐỊA NGỤCThuở xưa ở thành Phong Đức có một Phạm Chí sư tên là Mãn Ẩm Quang.
Ông có 500 đệ tử theo học tập.
Trước đây quốc vương và nhân dân đều cùng phụng sự ông ta.
Bấy giờ Đức Phật vừa mới thành Đạo.
Ngài cùng với các đệ tử từ thành Vương Xá đến thành Phong Đức.
Thân tướng của Phật chói sáng và Đạo Pháp lan truyền khắp nơi.
Từ vua chúa cho đến nhân dân, không ai là chẳng cung kính phụng hành.Do đó Phạm chí Mãn Ẩm Quang khởi lòng ganh ghét và muốn hủy báng Thế Tôn để một mình được mọi người kính ngưỡng.Ông liền dẫn các đệ tử đến gặp vua Thắng Quân và bày tỏ rằng:"[Tâu đại vương!] Chúng tôi là các bậc trưởng lão tiền bối, là bậc thầy từ xưa ở trong quốc gia này.
Đạo sư Năng Nhân là kẻ hậu bối cầu Đạo, thật chẳng phải là thần thánh mà tự xưng là Phật, và còn khiến đại vương bỏ tôi mà hết lòng phụng sự ông ta.
Tôi muốn nay cùng với Phật so tài Đạo lực để biết ai cao thấp.
Người thắng cuộc thì đại vương phải suốt đời phụng sự."Nhà vua nói rằng:"Rất tốt!"Nhà vua liền chuẩn bị xe ngựa và đến chỗ của Phật, rồi đỉnh lễ và bạch rằng:"[Bạch Thế Tôn!] Phạm chí Mãn Ẩm Quang muốn cùng với Thế Tôn so tài Đạo lực và hiện thần thông biến hóa.
Không biết Thế Tôn có thể nhận lời chăng?"Đức Phật bảo:"Rất tốt!"Kỳ hẹn cho cuộc so tài biến hóa này sẽ diễn ra sau bảy ngày.
Nhà vua ra lệnh cho dựng hai tòa cao ở chỗ đất rộng, bằng phẳng, và sạch sẽ ở phía đông của thành.
Mỗi tòa cao 40 trượng, trang nghiêm bằng bảy báu, có treo tràng phan, và được lót chiếu ngay ngắn.
Khoảng cách giữa hai tòa là hai dặm và các đệ tử của hai bên ngồi ở dưới đó.
Lúc ấy quốc vương, quần thần và đại chúng tụ hội để muốn xem hai vị thầy tỉ thí thần thông biến hóa.Bấy giờ Phạm chí Mãn Ẩm Quang cùng với các đệ tử đến trước chỗ tòa cao, rồi ông leo lên bậc thang.
Lúc ấy có quỷ thần vương tên là Mật Thần.
Khi thấy tâm giả dối đố kỵ của Phạm chí Mãn Ẩm Quang và các đệ tử, quỷ thần vương liền thổi tòa cao của ông ta, khiến chỗ ngồi nghiêng ngả và tràng phan bay tứ tung.
Quỷ thần vương lại mưa xuống cát đá vụn nên khiến hai mắt của Phạm chí Mãn Ẩm Quang chẳng dám mở ra nhìn.
Giữa lúc đó thì Pháp tòa của Thế Tôn vẫn yên lặng bất động.
Phật cùng đại chúng uy nghiêm đi đến.
Khi vừa đến tòa cao, Thế Tôn hốt nhiên đã ngồi trên Pháp tòa.
Tất cả chư Tăng đều ngồi im lặng theo thứ tự.Thấy vậy, nhà vua cùng quần thần càng thêm kính ngưỡng, cúi đầu và thưa với Phật rằng:"Xin Thế Tôn rủ lòng thương xót mà thị hiện thần thông biến hóa để chế phục tà kiến và cũng khiến nhân dân trong nước tin sâu chính giáo."Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ở trên Pháp tòa, liền hoát nhiên biến mất, bay lên hư không và phóng đại quang minh.
Ngài hiện ra ở phương tây và ẩn mất ở phương đông; bốn phương cũng đều như vậy.
Phần trên của thân vọt ra nước, còn phần dưới của thân phun ra lửa, hoặc ngược lại.
Ngài nằm hay ngồi trong hư không và hiện ra thêm 12 sự biến hóa nữa, rồi bỗng nhiên biến mất và ngồi lại trên Pháp tòa.
Lúc ấy trời rồng quỷ thần rải hương hoa cúng dường và âm thanh tán dương chấn động khắp đất trời.Phạm chí Mãn Ẩm Quang tự biết chẳng có Đạo hạnh nên cúi đầu xấu hổ và chẳng dám ngước mắt nhìn.Bấy giờ vị Kim Cang Lực Sĩ nhấc chày kim cang lên, ở đầu chày có lửa phun ra, và hỏi Phạm chí Mãn Ẩm Quang rằng:"Sao ông chẳng hiện thần thông biến hóa?"Phạm chí Mãn Ẩm Quang kinh hoàng và bỏ chỗ ngồi mà chạy.
500 đệ tử cũng bỏ chạy loạn xạ.
Bấy giờ uy nhan của Thế Tôn chẳng chút lo âu, rồi Ngài trở về vườn Cấp Cô Độc trong Rừng cây Chiến Thắng.
Quốc vương cùng quần thần vui vẻ ra về.Khi ấy Phạm chí Mãn Ẩm Quang cùng các đệ tử chịu nhục bỏ đi.
Họ đang đi trên đường thì gặp một Thanh Tín Nữ già tên là Bảo Châu mắng chửi rằng:"Các người là một đám ngu si, chẳng biết lượng sức mình mà dám cùng Phật so tài Đạo lực.
Thật là điên rồ dối trá và chẳng biết liêm sỉ.
Các người còn sỉ diện nào mà vác mặt đi trên thế gian nữa."Phạm chí Mãn Ẩm Quang cảm thấy xấu hổ ở trước các đệ tử, nên ông đến gần bờ sông mà nói dối gạt họ rằng:"Ta nay nhảy xuống nước và nhất định sẽ sinh lên cõi Phạm Thiên.
Nếu ta chẳng quay lại thì biết rằng ta đang ở đó thọ hưởng vui sướng."Chúng đệ tử chờ hồi lâu mà chẳng thấy quay lại nên cùng bàn luận với nhau rằng:"Thầy mình nhất định đã sinh lên trời.
Chúng ta còn ở đây làm gì?"Và thế là ai nấy cùng nhau nhảy xuống nước và mong muốn theo gót của thầy mình.
Họ chẳng biết bị nghiệp tội lôi đi và đều đọa địa ngục.Khi nghe được chuyện như thế vào ngày hôm sau, vua Thắng Quân vô cùng kinh ngạc, rồi đến chỗ của Phật và bạch Phật rằng:"[Bạch Thế Tôn!] Phạm chí Mãn Ẩm Quang và đệ tử của ông ta thật ngu si mê muội.
Nhân duyên gì mà phải chịu như thế?"Phật bảo nhà vua rằng:"Phạm chí Mãn Ẩm Quang và đệ tử của ông ta đã phạm hai trọng tội.1.
ba độc bốc cháy phừng phừng và tự mạo xưng đắc Đạo2.
hủy báng Như Lai và mong người cung kínhBởi phạm hai tội đó nên họ phải đọa địa ngục.
Do tai ương dẫn dắt nên khiến họ quăng mình xuống sông.
Khi chết thần thức rời khỏi thân xác và họ phải chịu vô lượng thống khổ.
Cho nên bậc trí luôn thu nhiếp tâm họ, bên trong chẳng khởi ác nên ở ngoài tội chẳng thể đến.
Đây ví như cạnh bên thành có giặc cướp liên miên.
Nếu ai phòng thủ kiên cố thì sẽ chẳng sợ hãi bất cứ điều gì.
Người ở trong thành an ổn thì giặc cướp ở ngoài chẳng thể vào.
Bậc trí tự hộ thì cũng lại như thế."Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Nói dối tham hối lộViệc làm không chân chínhVu khống người lương thiệnPhạt oan bậc thiện sĩTội siết những kẻ đóTự lọt hố hiểm sâuVí như phòng vệ thànhTrong ngoài đều kiên cốAi tự giữ tâm họPhi pháp chẳng thể sinhLầm lỗi nảy ưu sầuKhiến đọa chốn địa ngục"Khi nói kệ xong, Đức Phật lại bảo nhà vua rằng:"Vào thuở xưa có hai con khỉ chúa.
Mỗi khỉ chúa thống lĩnh 500 con khỉ.
Có một hôm, trong lòng của con khỉ chúa nọ khởi sinh đố kỵ và mưu tính muốn giết con khỉ chúa kia để một mình thống trị.
Nó liền dẫn đàn khỉ đến chiến đấu mà luôn luôn bị thua.
Nó cảm thấy xấu hổ rồi bỏ đi đến bờ biển lớn.
Bấy giờ trong vùng vịnh có bọt nước tụ bị gió thổi nên chúng chất cao lên đến vài trăm trượng.Con khỉ chúa ngu si đó cho là núi Tuyết, rồi bảo đàn khỉ rằng:'Xưa ta nghe trong biển có núi Tuyết.
Trong ấy rất vui sướng và có trái cây ngon ngọt tha hồ mà ăn.
Hôm nay mới tận mắt thấy, ta sẽ đến đó trước xem sao.
Nếu đích thật vui sướng thì ta sẽ không trở về.
Còn như chẳng vui sướng, ta sẽ về nói cho các người hay.'Và thế là từ trên cây, nó dùng hết sức nhảy vào trong bọt nước và bị chết chìm dưới đáy biển.
Chờ một hồi lâu mà chẳng thấy ra khỏi, những con khỉ khác cảm thấy quái lạ, nên chúng cho rằng dưới đó nhất định là rất vui sướng.
Sau đó từng con từng con một lao xuống và kết quả là cả đàn bị chết chìm."Phật bảo nhà vua rằng:"Con khỉ chúa sinh lòng ganh ghét thuở đó, nay chính là Phạm chí Mãn Ẩm Quang.
Còn đàn khỉ của nó, nay chính là 500 đệ tử của Phạm chí Mãn Ẩm Quang vậy.
Con khỉ chúa của một đàn khỉ khác chính là tiền thân của Ta.
Ở đời trước, Phạm chí Mãn Ẩm Quang vì ôm lòng đố kỵ nên bị tội dẫn dắt, tự mình lao xuống bọt nước và cũng khiến cả đàn bị chết.
Bây giờ ông ta lại phỉ báng và cũng khiến đồ chúng quăng mình xuống sông.
Họ bị nghiệp tội sai khiến như thế cho đến nhiều kiếp cũng khó mà thoát ra."Khi nghe xong, nhà vua tỏ ngộ, rồi đỉnh lễ và cáo lui.❖Thuở xưa có bảy vị Bhikṣu vào rừng học Đạo và trải qua 12 năm mà chẳng thể đắc Đạo.Một hôm họ cùng bàn luận với nhau rằng:"Học Đạo thật quá khó.
Thân thể hao mòn, đói rét khốn khổ, suốt đời phải đi khất thực, và luôn chịu nhục khó nhẫn mà chẳng thể đắc Đạo.
Nghiệp tội thật khó diệt trừ, chỉ nhọc nhằn uổng công, và có thể sẽ phải mất mạng ở trên núi nữa.
Chi bằng hãy trở về nhà để gầy dựng gia đình, lấy vợ nuôi con, và nỗ lực phát triển gia nghiệp thì tâm ý sẽ được thỏa thích.
Chúng ta hà tất phải lo lắng cho mai sau để làm gì?"Thế là bảy người họ liền đứng dậy và xuống núi.
Đức Phật từ xa biết họ đáng được hóa độ.
Chỉ có một chút khổ mà không nhẫn chịu được thì họ vĩnh viễn sẽ đọa địa ngục.
Bởi rất thương xót cho họ nên Đức Phật liền hóa làm một vị Đạo Nhân và đi đến cửa hang động.Khi gặp bảy vị Bhikṣu ở giữa đường, hóa nhân hỏi rằng:"Các vị học Đạo đã lâu, sao giờ lại rời bỏ?"Bảy người họ đáp rằng:"Học Đạo quá gian khổ mà căn gốc của nghiệp tội chẳng thể nhổ trừ, phải đi khất thực và chịu nhục thật khó nhẫn.
Hơn nữa ở trong núi chẳng có ai cúng dường và phải ăn uống kham khổ đến nhiều năm.
Chỉ tự nhọc nhằn uổng công mà chẳng thể đắc Đạo.
Chi bằng hoàn tục và dốc sức mưu cầu sự nghiệp để làm ra nhiều của cải, rồi đến lúc già thì mới cầu Đạo."Hóa Đạo Nhân bảo rằng:"Xin hãy dừng lại! Hãy nghe tôi nói.
Đời người vô thường, sáng tối chẳng thể bảo hộ.
Học Đạo tuy gian nan nhưng trước khổ sau vui.
Còn sống tại gia thì sự gian khổ đến ức kiếp mà chẳng thôi nghỉ.
Những ai mong cầu vợ chồng con cái sum vầy, nguyện cùng hưởng lợi ích an bình, vĩnh viễn được an vui, và không gặp hoạn nạn thì cũng giống như muốn trị bệnh mà lại đi uống thuốc độc.
Việc đó chỉ tăng mà chẳng giảm.
Chúng sinh trong ba cõi đều có ưu phiền khổ não.
Duy chỉ có tín tâm giữ giới, chẳng buông lung tâm ý, và tinh tấn đắc Đạo thì mọi khổ ách mới vĩnh viễn chẳng còn."Lúc bấy giờ hóa Đạo Nhân hiện ra thân tướng quang minh uy nghiêm của Phật, và liền nói kệ rằng:"Tu khó bỏ ác khóTại gia sống cũng khóHợp hội đồng lợi khóKhó nhất vượt ba cõiBhikṣu khất thực khóSao không tự gắng sức?Tinh tấn được tự tạiSau khỏi nhờ mong aiCó tín giới sẽ thànhTừ giới nhiều tài bảoDo giới hợp với ĐạoNơi nơi người cúng dườngBất luận đi nằm ngồiMột mình không buông lungHãy tự hàng phục tâmLòng vui chốn núi rừng"Khi thấy thân tướng của Phật và còn nghe được những bài kệ này, bảy vị Bhikṣu cảm thấy hổ thẹn và run sợ.
Họ cúi đầu đỉnh lễ sát đất với trán chạm sát chân của Phật, thu nhiếp tâm ý, sám hối lỗi lầm, rồi đỉnh lễ và cáo lui.
Sau khi trở về núi, họ hết lòng tinh tấn, tư duy về ý nghĩa của những bài kệ, chính tâm nhất ý, sống an nhàn nơi yên tĩnh, và cuối cùng đắc Đạo Ứng Chân.☸ PHẨM 31: VOI DỤThuở xưa khi Tôn giả Phú Chướng vẫn chưa đắc Đạo, tâm tính của ngài thô bạo và lời nói không thành tín.Một hôm Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng rằng:"Ở nước Hiền Đề có một tinh xá, con hãy đến nơi ấy để thu nhiếp tâm ý, gìn giữ lời nói, và siêng tụng Kinh trì giới."Cần sách nam Phú Chướng vâng lời dạy, đỉnh lễ rồi cáo lui.
Suốt 90 ngày ở đó, ngài cảm thấy hổ thẹn và hối lỗi đến cả ngày lẫn đêm chẳng ngừng.
Do đó Đức Phật được đến thăm.
Ngài rất vui mừng và đến ở trước Phật đỉnh lễ, rồi đi móc cái võng và nhiếp tâm khỏi run sợ.Đức Phật ngồi ở trên võng và bảo Cần sách nam Phú Chướng rằng:"Con hãy mang chậu nước tới đây để Ta rửa chân."Cần sách nam Phú Chướng vâng lời mang đến và rửa chân cho Phật.Khi đã rửa chân xong, Đức Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng rằng:"Con có thấy nước rửa chân ở trong chậu chăng?"Cần sách nam Phú Chướng thưa với Phật rằng:"Dạ, con thấy!"Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng:"Nước này có thể dùng để nấu ăn hay súc miệng chăng?"Cần sách nam Phú Chướng thưa rằng:"Dạ, không thể dùng được nữa!Vì sao thế? Bởi nước này vốn rất trong sạch, nhưng bây giờ đã dùng để rửa chân nên rất dơ bẩn.
Cho nên nó không thể dùng được nữa."Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng:"Con cũng như thế.
Tuy là con trai của Ta, là cháu nội của vua, đã lìa bỏ thế tục vinh hoa để làm Đạo Nhân nhưng chẳng tinh tấn thu nhiếp thân ngữ ý, mà chỉ ôm giữ đầy rẫy cấu uế của ba độc, thì cũng như nước này vậy--không thể dùng được nữa."Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng:"Hãy mang nước trong chậu đổ đi."Cần sách nam Phú Chướng liền mang đổ.Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng:"Tuy giờ cái chậu trống rỗng, nhưng nó có thể dùng để đựng ẩm thực chăng?"Ngài thưa với Phật rằng:"Dạ, không thể dùng!Vì sao thế? Bởi cái chậu này từng đã chứa đồ bất tịnh."Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng:"Con cũng như thế.
Tuy là một Đạo Nhân nhưng lời nói không thành tín, tâm tính cang cường, chẳng tinh tấn và từng bị mang tiếng xấu, thì cũng như cái chậu này--không thể dùng đựng thức ăn được nữa."Tiếp đó Đức Phật đưa ngón chân hất cái chậu.
Cái chậu lập tức xoay vòng vòng đến nhiều lần mới dừng lại.Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng:"Con có đau tiếc gì nếu bị Ta làm vỡ cái chậu này chăng?"Cần sách nam Phú Chướng thưa với Phật rằng:"Cái chậu đã dùng để rửa chân, là đồ vật rẻ mạt.
Trong lòng sẽ tiếc một chút nhưng chẳng lưu luyến gì."Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng:"Con cũng như thế.
Tuy là một Đạo Nhân nhưng không thu nhiếp thân tâm, lời nói thô ác khiến tổn thương kẻ khác, mọi người chẳng thương mến và bậc trí chẳng kính trọng.
Khi chết thần thức sẽ rời khỏi thân và luân chuyển trong ba đường ác, tự sinh tự diệt và chịu vô lượng khổ não.
Chư Phật và hiền thánh sẽ chẳng thương mến hạng người này, cũng giống như con nói rằng chẳng luyến tiếc cái chậu vậy."Khi nghe thế, Cần sách nam Phú Chướng cảm thấy hổ thẹn và run sợ.Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng:"Hãy nghe Ta kể một thí dụ.Thuở xưa có một quốc vương sở hữu một con voi to lớn.
Nó rất dũng mãnh và có thể chiến đấu.
Sức mạnh của nó vượt hơn 500 con voi nhỏ.Bấy giờ ông vua này khởi binh và muốn thảo phạt nước đối nghịch.
Con voi được trang bị áo giáp sắt, có tượng sĩ chỉ huy ở trên, và hai cây giáo được buộc ở hai ngà voi.
Lại dùng hai thanh kiếm buộc ở hai tai, dùng dao bén cong buộc ở bốn chân, và còn dùng mác sắt buộc ở đuôi voi.
Toàn thân của voi lớn được buộc vào chín binh khí sắc bén vô cùng.
Khi giao đấu, duy chỉ có cái vòi là voi che giấu và bảo hộ mà không sử dụng.
Tượng sĩ vui mừng và biết voi đang bảo hộ thân mạng của nó.Vì sao thế? Bởi cái vòi của voi rất mềm và mỏng.
Nếu trúng tên thì nó sẽ chết ngay.
Do đó nó không đưa vòi ra khi giao đấu vậy.Lúc bấy giờ voi đang chiến đấu quyết liệt đã lâu, nó bỗng nhiên đưa vòi ra để tìm thanh gươm.
Thấy thế tượng sĩ không cho phép, và nghĩ rằng con voi dũng mãnh này chẳng luyến tiếc thân mạng mà đưa vòi ra để tìm thanh gươm và muốn quấn ở trước đầu vòi của nó.
Nhà vua cùng quần thần đều thương tiếc và sợ con đại tượng này sẽ trúng thương nên chẳng còn bắt đi tác chiến nữa."Phật bảo Cần sách nam Phú Chướng:"Con người dẫu phạm chín loại nghiệp ác, nhưng nếu khéo gìn giữ lời nói thì vẫn có thể sống còn.
Đây ví như con đại tượng kia bảo hộ cái vòi của nó mà không đưa ra khi giao đấu vậy.Vì sao thế? Bởi nó sợ cái vòi bị trúng tên thì sẽ chết ngay.Con người cũng như thế.
Cho nên phải gìn giữ lời nói, kinh sợ ba đường ác và những sự thống khổ ở địa ngục.
Nếu mười nghiệp ác đều vi phạm và chẳng gìn giữ lời nói, thì cũng giống như con đại tượng kia tiêu tan cả thân mạng, chẳng màng bị trúng tên và đưa cái vòi ra khi giao đấu vậy.Con người cũng như thế.
Nếu ai tạo mười nghiệp ác và chẳng tư duy ba đường ác thì sẽ chịu thống khổ độc ác khôn lường.
Còn nếu ai tu hành Mười Nghiệp Lành, thu nhiếp thân ngữ ý, và chẳng phạm các điều ác thì sẽ có thể đắc Đạo và vĩnh viễn lìa xa sinh tử ở ba đường ác.Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Như voi lúc giao đấuChẳng sợ bị trúng tênLuôn dùng lòng thành tínĐộ kẻ không giới đứcVí như voi điều phụcMới để cho vua cưỡiKhéo điều làm hiền nhânMới được lời thành tín"Khi nghe lời Phật dạy, Cần sách nam Phú Chướng thành khẩn sám hối và cảm động đến nước mắt bất chợt rơi xuống.
Ngài khắc cốt ghi tâm, tinh tấn nhu hòa, lòng nhẫn như đại địa, tâm ý tịch tĩnh, và sau đó đắc Đạo Ứng Chân.❖Thuở xưa Đức Phật diễn nói đại Pháp cho bốn chúng đệ tử, trời rồng quỷ thần, vua chúa, quân thần, và dân chúng ở vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.Bấy giờ có một trưởng giả cư sĩ tên là Thậm Pháp.
Ông ta đến chỗ của Phật, đỉnh lễ Phật, ngồi qua một bên, rồi hai gối quỳ, chắp tay, và thưa với Thế Tôn rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Từ lâu đệ tử đã phụng hành giáo Pháp thâm sâu của Như Lai, nhưng vì chuyện nhà bề bộn nên mãi đến hôm nay mới được chiêm ngưỡng tôn nhan.
Kính mong Ngài lượng tình tha thứ."Thế Tôn bảo trưởng giả ngồi xuống và liền hỏi ông ta từ đâu đến đây và danh tính là gì.Trưởng giả quỳ hai gối và thưa rằng:"Dạ, con vốn thuộc dòng dõi cư sĩ, tên là Thậm Pháp.
Xưa kia con từng làm người điều phục voi cho vị vua trước đây."Phật hỏi cư sĩ rằng:"Phương pháp điều phục voi có bao nhiêu việc?"Thưa rằng:"Dạ, luôn dùng ba việc để điều phục voi.
Những gì là ba?1.
dùng mõm sắt bọc miệng của nó lại2.
luôn giảm bớt thức ăn để khiến nó đói gầy3.
dùng gậy đánh đập để khiến nó đau đớnDùng ba việc như thế mới có thể thuần phục voi."Đức Phật lại hỏi rằng:"Mục đích thi hành ba việc đó sẽ chế trị điều gì?"Thưa rằng:"Dạ, dùng mõm sắt bọc miệng để khống chế miệng voi.
Không cho ăn uống để chế phục thân hung ác.
Dùng gậy đánh đập để chế phục ý của nó.
Với ba cách này thì voi sẽ lập tức thuần phục."Đức Phật hỏi rằng:"Điều phục voi như thế để làm gì?"Thưa rằng:"Sau khi voi đã thuần phục thì nó mới có thể để cho vua cưỡi.
Lại cũng có thể đưa nó ra trận, tiến lui tùy ý và không bị trở ngại."Đức Phật lại hỏi cư sĩ:"Ngoài phương pháp này còn có cách nào khác chăng?"Thưa rằng:"Dạ, phương pháp điều phục voi chỉ có thế thôi!"Phật bảo cư sĩ rằng:"Ông chỉ có thể điều phục voi mà chẳng thể điều phục chính mình."Thưa rằng:"Dạ, chẳng hay điều phục chính mình nghĩa là sao? Kính mong Thế Tôn hãy nói rõ cho con nghe."Phật bảo cư sĩ rằng:"Ta cũng có ba việc để điều phục tất cả chúng sinh, và cũng dùng nó để điều phục chính mình đạt tới vô vi.1.
dùng chí thành chế ngự ngữ nghiệp2.
dùng từ bi chế phục thân cang cường3.
dùng trí tuệ diệt ý niệm si mêTa dùng ba việc này mà độ thoát tất cả chúng sinh, khiến họ lìa ba đường ác, tự đạt đến vô vi, và chẳng còn thọ sinh tử để chịu ưu sầu khổ não."Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Như voi tên Hộ TàiHung mãnh khó điều phụcTrói chân không cho ănDo bởi voi hung bạoBổn tâm đã thuần thụcVà luôn được an lànhTất sẽ cởi bỏ tróiNhư móc sắt phục voiTu Đạo chớ buông lungKhéo luôn hộ tâm mìnhTất sẽ lìa ách khổNhư voi ra khỏi bẫyDẫu ai giỏi huấn luyệnNhư khéo huấn luyện ngựaLại khéo huấn luyện voiĐâu bằng điều phục mìnhKẻ kia chẳng thể chởLại cũng chẳng thể đếnChỉ ai tự điều phụcMới đến nơi an lành"Khi nghe kệ xong, trưởng giả vui mừng khôn xiết, tâm ý khai mở, và liền được Pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ có vô số người đến nghe Pháp cũng đều thấy dấu Đạo.☸ PHẨM 32: ÁI DỤC (PHẦN 1)Thuở xưa Đức Phật chuyển đại Pháp luân cho hàng trời người, rồng và quỷ thần ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá.Bấy giờ có một người lìa bỏ vợ con đi đến chỗ của Phật, rồi đỉnh lễ Phật và xin làm Đạo Nhân.
Đức Phật liền thu nhận để trở thành Đạo Nhân.
Sau đó Thế Tôn bảo ông ấy đến ngồi ở dưới gốc cây để tư duy về Đạo.
Vị Bhikṣu vâng lời Phật dạy, liền vào núi sâu, cách tinh xá hơn 100 dặm, và một mình ngồi ở dưới gốc cây.
Suốt ba năm tư duy về Đạo mà tâm ngài chẳng thể kiên cố và ý muốn thoái lùi.Một hôm ngài nghĩ thầm:"Mình đã lìa bỏ gia đình để cầu Đạo và phải chịu bao gian khổ, chi bằng hãy sớm trở về nhà để gặp lại vợ con."Khi đã khởi niệm này rồi, ngài liền hạ sơn.
Với trí tuệ của Ba Minh, Đức Phật thấy vị Bhikṣu này đáng được hóa độ và sắp đắc Đạo, chỉ vì ngu muội nhất thời nên mới muốn trở về nhà.
Đức Phật dùng thần túc biến hóa làm một vị Đạo Nhân và đi ngược hướng.Ở giữa đường gặp nhau, hóa nhân liền hỏi từ đâu đến."Chỗ đất này bằng phẳng, chúng ta có thể ngồi xuống và hãy cùng nhau chuyện trò!"Và thế là hai người họ liền ngồi xuống nghỉ ngơi cùng trò chuyện.Vị Bhikṣu tâm sự với hóa nhân rằng:"Xưa tôi lìa bỏ vợ con để trở thành Đạo Nhân, và tu hành trong núi sâu đã lâu mà chẳng thể đắc Đạo.
Tôi biệt ly vợ con và chịu biết bao gian khổ, chỉ uổng công phí sức mà bổn nguyện không thành.
Nay tôi muốn hoàn tục để trở về gặp vợ con và sum họp quây quần, rồi sau này tính tiếp."Trong chốc lát thì có một con khỉ già xuất hiện.
Từ lâu nó rời xa khu rừng và đến sinh sống ở nơi không một bóng cây.Hóa Đạo Nhân hỏi vị Bhikṣu rằng:"Vì sao con khỉ đó ở một mình nơi đất trống? Nó thích thú điều gì ở nơi chẳng có cây cối như thế?"Vị Bhikṣu trả lời hóa Đạo Nhân rằng:"Từ lâu tôi đã thấy con khỉ này rồi.
Có hai nguyên nhân mà nó đến sống ở đây.Những gì là hai?1.
Vợ con quyến thuộc của đàn khỉ quá nhiều nên không được ăn uống thỏa thích.2.
Suốt ngày lẫn đêm phải leo lên và tuột xuống cây nên gót chân bị tổn thương, và không lúc nào được thảnh thơi.Bởi hai nguyên nhân này mà nó từ bỏ rừng cây và đến sống ở đây."Hóa Đạo Nhân và vị Bhikṣu đang trò chuyện một lát thì lại thấy con khỉ chạy trở về và leo trên cây.Hóa Đạo Nhân nói với vị Bhikṣu rằng:"Thầy có thấy con khỉ quay trở về với rừng cây chăng?"Đáp rằng:"Thấy chứ! Con khỉ này thật ngu si! Nó đã rời bỏ chỗ ồn ào của đàn khỉ trong rừng cây, nhưng giờ nó lại chẳng nhàm chán phiền não mà còn quay trở về."Hóa nhân lại nói rằng:"Thầy cũng vậy thôi! Tình huống giữa thầy và con khỉ có khác gì đâu.
Xưa thầy cũng vì hai việc nên mới vào sống trong núi này.Những gì là hai?1.
Thầy xem vợ con nhà cửa tựa như lao ngục.2.
Thầy xem con cái quyến thuộc giống như gông cùm.Sở dĩ thầy xuất gia tu Đạo là hy vọng có thể đoạn trừ nỗi khổ của sinh tử.
Nhưng bây giờ thầy muốn về nhà, quay lại chỗ xiềng xích và vào trong lao ngục.
Thầy quyến luyến ái ân và đang lao vào địa ngục đó."Hóa Đạo Nhân liền hiện thân tướng sắc vàng cao một trượng sáu và quang minh chiếu khắp núi rừng.
Khi ấy các loài chim thú đều theo ánh sáng mà đến.
Bấy giờ chúng đều tự biết những việc của đời trước và trong lòng sám hối lỗi lầm.Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Như rễ cây sâu chắcDẫu chặt vẫn mọc lênTâm ái không trừ sạchLiền sẽ lại thọ khổNhư khỉ rời khỏi câyRồi lại đến cây khácPhàm phu cũng như thếThoát ngục lại vào ngụcÝ tham luôn chảy mãiÁc tập với kiêu mạnTư tưởng bám tham dụcTự che chẳng thể thấyTất cả dòng ý chảyÁi siết như dây sắnDuy tuệ phân biệt thấyKhéo đoạn gốc của ýNgười bị ái thấm ướtTư tưởng càng lan xaÁi dục sâu không đáyGià chết chỉ tăng thêm"Khi thấy quang minh tướng hảo rực rỡ của Phật và lại nghe được kệ, vị Bhikṣu run rẩy sợ hãi, rồi cúi đầu đỉnh lễ sát đất, cầu xin sám hối, trong lòng tự trách và sửa đổi.
Lúc đó vọng niệm của ngài dừng nghỉ, rồi tu trì Chỉ Quán và liền đắc Đạo Ứng Chân ở trước Phật.
Bấy giờ chư thiên đến nghe Pháp thảy đều hoan hỷ.
Họ rải hoa cúng dường và ngợi khen vô lượng.❖Thuở xưa có một quốc gia cách thành Vương Xá khoảng 4.000 dặm về hướng nam.
Nhân dân ở trong nước này phụng sự khoảng vài nghìn Phạm Chí.
Bấy giờ trong nước có trận hạn hán khắc nghiệt kéo dài đến ba năm mà không một giọt mưa.
Nhà vua đến khắp miếu đền để cầu cúng các vị thần linh nhưng đều chẳng linh nghiệm.
Khi ấy nhà vua hỏi các Phạm Chí về nguyên nhân của việc đó.Các Phạm Chí tâu rằng:"[Tâu đại vương!] Sau khi chúng tôi trì trai giới xong thì cũng sẽ sai người đến hỏi Phạm Thiên về sự thiên tai khác thường này."Nhà vua nói rằng:"Rất tốt! Khi các vị cử hành thọ trì trai giới, nếu có cần gì xin hãy nói cho trẫm biết."Các Phạm Chí tâu rằng:"[Tâu đại vương!] Chúng tôi cần 20 xe củi, mật ong dầu bơ, hương hoa phan lọng, và những đồ vật cúng tế bằng vàng bạc; tất cả đều chẳng thể thiếu."Nhà vua liền cung cấp đầy đủ vật dụng và đưa chúng ra ngoài thành ở một chỗ đất bằng phẳng, cách thành khoảng bảy dặm, rồi chất những đống củi cao như núi.
Sau đó các Phạm Chí cùng nhau cổ vũ, rằng nếu ai chẳng tiếc thân mạng thì sẽ vĩnh viễn sinh lên cõi Phạm Thiên.
Kết quả họ tuyển được bảy người tự nguyện hỏa thiêu để sai đi gặp Phạm Thiên.
Sau khi bảy người ấy đã được chú nguyện, họ được đặt ở trên giàn củi, rồi các Phạm Chí sai người đốt lửa ở dưới để thiêu sống cúng tế.
Khi khói lửa bốc cháy và hơi nóng áp thẳng vào mặt, bảy người họ kinh hoàng và xin tha mạng nhưng chẳng một ai giúp cả.Họ đồng thanh cầu cứu rằng:"Trong ba cõi, ai có lòng đại từ mà thương xót cứu tôi ra khỏi ách nạn này thì tôi xin quy y."Đức Phật từ xa nghe tiếng cầu cứu của họ nên liền đến.
Ngài đứng giữa hư không và hiện ra tướng hảo uy nghiêm.Khi thấy Phật, bảy người họ mừng rỡ khôn xiết và van xin rằng:"Con xin nguyện quy y! Cầu mong Ngài hãy cứu con thoát khỏi bị lửa thiêu đốt!"Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:"Nhiều người đi nương tựaThần cây thần sông núiXây miếu vẽ hình tượngCúng tế cầu xin phúcNương tựa nơi như thếChẳng an chẳng tối thượngBởi thần không thể đếnDiệt trừ khổ của taNếu ai Quy Y PhậtQuy Y Pháp cùng TăngTu tập Bốn Thánh ĐếTất thấy chân trí tuệSinh tử chốn nhọc nhằnĐộ thoát nhờ Bốn ĐếĐộ đời Tám Chính ĐạoDiệt trừ mọi khổ đauQuy y nơi Tam BảoTối thượng cát tường nhấtDuy chỉ Phật Pháp TăngMới trừ mọi khổ đau"Sau khi Phật nói bài kệ thanh lương, lửa dần dần tắt.
Bảy người họ được an ổn và lòng hoan hỷ vô lượng.
Phạm Chí và dân chúng trong nước, không ai là chẳng kinh sợ, và ai nấy đều chiêm ngưỡng quang minh tướng hảo hiển hách của Thế Tôn.
Lúc ấy Đức Phật từ một thân phân ra thành nhiều thân.
Ngài ẩn mất ở phương đông rồi hiện ra ở phương tây, đi đứng nằm ngồi tự tại.
Phần trên của thân vọt ra nước, còn phần dưới của thân phun ra lửa, hoặc ngược lại.
Ngài lại phóng ra ánh sáng rực rỡ năm màu.
Khi mọi người nhìn thấy, họ cúi đầu đỉnh lễ sát đất và xin quy y.Bấy giờ bảy người kia từ giàn củi bước xuống, họ vừa mừng vừa sợ, rồi liền nói kệ rằng:"Vui thay thấy thánh nhânVui thay được nương tựaLìa xa kẻ ngu mêTu thiện tự an vuiVui thay trì Chính ĐạoVui thay thuyết giảng PhápVới đời không đua tranhGiữ giới luôn an vuiSống cùng với thánh hiềnVui như gặp người thânGần gũi bậc trí tuệĐa văn đức cao thâm"Lúc bảy người kia nói những bài kệ này xong, họ cùng với các Phạm Chí xin làm đệ tử.
Đức Phật liền thu nhận để trở thành Đạo Nhân, rồi họ đều đắc Đạo Ứng Chân.
Khi ấy quốc vương, quần thần, và dân chúng thảy đều kính tin tu Đạo.
Bấy giờ trời đổ cơn mưa lớn, quốc thái dân an, Đạo Pháp hưng thịnh và không ai là chẳng thích nghe.Kinh Pháp Cú Thí Dụ ♦ Hết quyển 3Dịch sang cổ văn: Pháp sư Pháp Cự và Pháp sư Pháp Lập ở Thế Kỷ 4Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên ThuậnDịch nghĩa: 27/9/2015 ◊ Cập nhật: 30/8/2021☸ Cách đọc âm tiếng PhạnBhikṣu: bíc suTāmra: tam raBhikṣuṇī: bíc su ni.