Để đề phòng chuyện ở thành Ngột Lạt Hải tái diễn, những binh sĩ canh gác thành tăng cường tuần tra vào ban đêm, đồng thời tiến hành kiểm tra rà soát những người ra vào Hưng Khánh. Tuy nhiên mệnh lệnh cuối cùng lại không được thực hiện, vì hiện tại Hưng Khánh vốn đang phải xây dựng lại, toàn bộ phủ Hưng Khánh chẳng khác gì một công trường lớn, vô số người ra ra vào vào, làm thế nào để kiểm tra đây?
Đến ngày hai mươi tám tháng mười vẫn chưa nghe được tin tức gì về đội quân của Thạch Kiên, Nguyên Hạo và Trương Nguyên đều cảm thấy có gì đó không bình thường. Bọn chúng liếc nhìn nhau, lẽ nào Thạch Kiên không chạy trốn mà lại tập kích Hưng Khánh một lần nữa? Hơn nữa với tên “điên” này thì điều này là rất có khả năng, thế là Nguyên Hạo lại điều động đội quân ở núi Thiên Đô trở về, điều thêm một bộ phận quân Trác La, Nam quân ti, Cam Châu Cam Túc quân ti để tiếp viện núi Thiên Đô, đề phòng quân Tống ở thành Hoài Viễn thừa cơ tấn công Tây Hạ.
Kỳ thật lúc này Nguyên Hạo đã cảm thấy binh lực trong tay y eo hẹp rồi. Cho dù Tống triều không tấn công mà không mất vài năm thì y cũng không thể nào khôi phục nguyên khí như ban đầu, chứ đừng nói tới việc phát động cuộc tấn công Tống triều. Nhưng hiện giờ y và Thạch Kiên đã ở trong tình thế “không đội trời chung”, nếu lúc này Thạch Kiên đang ở trong đất của y mà y không bắt được hắn thì y sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ.
Tuy nhiên Nguyên Hạo vẫn không sốt ruột, vì thành Ngột Lạt Hải cách nơi này quá xa, Thạch Kiên nhất thời sẽ không thể tới đây được, hơn nữa bọn họ còn mang theo quân nhu.
Ngày hai mươi tám tháng mười, trời quang mây tạnh.
Tiêu Tiểu Nhất cầm một ly trà ngồi phơi nắng trước cửa hàng bán sách.
Từ sau trận bảo vệ Hưng Khánh, gã được mệnh danh là một tên nhát gan, người Khiết Đan cũng gọi gã là “nỗi nhục” của Tiêu gia.
Nhưng gã là một tên người Hán chính cống, không có chút quan hệ gì tới cái họ “Tiêu” kia của người Khiết Đan.
Thì ra Thạch Kiên kêu gọi mọi người ghi tên bảo vệ Hưng Khánh, gã đã không đi, còn nói bộ dạng của mình như thế có tới tường thành thì cũng chẳng làm được gì. Quả thật gã thích đọc sách, nhâm nhi chút trà, có lúc còn uống chút rượu, lúc hưng phấn thì nói một đoạn Bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ) ọi người cùng nghe.
Nhưng thân hình gã gầy yếu, nếu viết vài chữ thì còn được, lên tường thành đáng giặc thì đúng là khó khăn. Nhưng cuối cùng mọi người xung quang ghi tên đăng ký tham gia, trước ánh mắt kỳ thị của mọi người thì gã cũng đành phải tham gia. Thế nhưng ngay ngày đầu tiên tới tường thành, trông thấy nhiều binh sĩ chết dưới tường thành như thế thì gã sợ tới không dám mở mắt ra, rồi ngã ra rồi hôn mê bất tỉnh.
Cho nên gã mới có biệt hiệu đó, tuy nhiên điều này cũng khiến gã may mắn thoát khỏi sự trừng phạt của Nguyên Hạo.
Nhưng điều này khiến vợ gã coi thường, người phụ nữ này gã mới cưới năm trước, đó là một người Hồi Hột. So với người Hán thì lúc này người Hồi Hột kém nho nhã lịch sự hơn, nhưng cũng tàn bạo rất nhiều và càng ủng hộ vũ lực. Thế là cả ngày cô ả mắng gã vô dụng, cuối cùng khiến gã không thể chịu được nữa thì đem người phụ nữ này treo lên đánh cho ả một trận rồi nói:
- Mẹ kiếp, ông mày vô dụng? Nếu ông mày có dụng như cái kiểu mà mày nói thì sớm đã bị giết, không thì giờ này cũng đang phải chịu tội ngoài công trường của Hoàng cung rồi. Tới lúc đó thì ai nuôi mày hả?
Từ khi Tiêu Tiểu Nhất tới Hưng Khánh thì đây là lần đầu tiên gã đánh người, cũng là lần đầu tiên chửi người trong suốt mấy năm qua. Trận đánh chửi này khiến người vợ dân tộc Hồi Hột của gã phải sững người.
Tuy nhiên chuyện này cũng được truyền ra làm trò cười cho thiên hạ, đến Nguyên Hạo cũng nghe được câu chuyện này, y nói:
- Ai nói gã thành thật? Thế này mới gọi là thông minh.
Tiêu Tiểu Nhất viết chữ rất đẹp, gã thường xuyên giúp người ta viết thư, đặc biệt là hai năm nay chiến tranh lan tràn thì thư nhà càng trở nên quý báu. Cộng thêm việc gã mở tiệm bán sách này nên thu nhập cũng khá ổn định.
Nhưng chính tên Tiêu Tiểu Nhất nhát gan này về sau lại được gọi là một trong sáu con thiêu thân của Tây Hạ. Cũng là những tấm gương gián điệp được tôn sùng ở đời sau mà trong sử sách vẫn ghi lại.
Gã chính là con thiêu thân cuối cùng ở phủ Hưng Khánh của Thạch Kiên. Vương Quyền và Triệu Quan không thể không rời đi, sau khi Sơn Ngộ Duy Vĩnh làm phản thì sẽ rất dễ tra tới bọn họ. Ngô Nhiên càng cần phải rời đi, Hưng Bình công chúa đã bị bắt giữ, Ngô Nhiên sao có thể ở lại chờ chết được.
Hơn nữa nếu có thể tìm ra hồ sơ thật sự của Tiêu Tiểu Nhất thì tất cả mọi người sẽ phải kinh ngạc. Tiêu Tiểu Nhất, người Khai Phong, nguyên danh là Tiêu Vệ, đỗ tú tài năm mười bảy tuổi, nhưng trong những kỳ thi cử nhân tiếp theo thì “danh lạc Tôn Sơn” (1). Đây không phải vì gã viết văn không hay, mà là vì gã viết một bài sách khua môi múa mép. Trong bài đó viết triều đình trọng văn khinh võ, khiến thiên hạ an cư lạc nghiệp, cuộc sống giàu sang. Nhưng nếu tình hình này kéo dài thì sẽ khiến tướng sĩ nhút nhát. Bách tính giàu có, nội loạn cũng ít đi nhưng một khi có giặc ngoại xâm thì sẽ khiến triều đình đứng trước nguy cơ bị diệt vong. Gã còn nói vì triều đình có chính sách ngoại giao không cương quyết nên đã khiến bọn dị tộc có không gian lớn mạnh lên, cuối cùng quốc lực của bọn chúng vượt qua cả triều đình sẽ khiến bọn chúng dùng thể lực như vũ bão của chúng để đánh cho vương triều Đại Tống tan tác.
(1) Thời Tống ở đất Ngô có một anh học trò tên là Tôn Sơn, rất thông minh và hài hước, vừa đẹp lại vừa có tài, vì thế mọi người gọi anh ta là “hoạt kê tài tử”. Năm nọ, anh ấy đến vùng khác dự thi, có con trai của một ông lão cùng làng cũng đi thi nên hai người cùng lên đường. Khi công bố kết quả thi, người con trai của ông lão đã cố sức thi nhưng không đậu, Tôn Sơn thì được xếp cuối bảng. Vì thế nên về quê trước, ông lão đến hỏi thăm tin tức con mình, Tôn Sơn nói: “tên cuối cùng trên bảng là Tôn Sơn, con trai ông còn xếp sau tôi nữa”. Sau này người ta dùng thành ngữ “Danh lạc Tôn Sơn” để ví với việc thi trượt.
Lúc đó Chân Tông còn đang mê mẩn thành công của mình, cũng vì sự giao hảo với Liêu quốc, miễn cưỡng thì cũng có thể nói là một thời quốc thái dân an. Trông thấy bài thi này, giám khảo liền báo cáo lại ngay.
Đừng nói tới gã, ngay cả Thạch Kiên đối với vấn đề này luôn quanh co lòng vòng, cẩn thận từng li từng tí mà cũng không dám nói trực tiếp như thế khi Nguyên Hạo chưa tiến hành xâm lược Tống triều.
Chuyện này truy cứu ra, kết quả là danh hiệu tú tài của gã bị tước mất và gã còn vĩnh viễn không được vào trường thi. Đây là chính sách của Tống triều còn văn minh, nếu không gã còn có thể bị đưa ra chém đầu thị chúng. Sau đó Thạch Kiên vào kinh, Triệu Dung và Thạch Kiên nói chuyện, nghe thấy Thạch Kiên cũng có một số quan điểm giống với tên Tiêu Vệ này nên nàng đã tiến cử gã cho Thạch Kiên.
Sau đó Thạch Kiên mời gã tới phủ của mình và cùng trò chuyện với gã, hai người nói chuyện rất vui vẻ. Sau này Thạch Kiên lập tổ chức Thiêu Thân, nhưng vẫn còn thiếu người nên có chút sầu não. Tiêu Vệ nghe được chuyện này thì chủ động xin tham gia, thế nên gã mới tới thâm nhập vào Tây Hạ.
Hơn nữa lần này gã ngất xỉu cũng là giả vờ. Cho dù Thạch Kiên không nhắc nhở thì gã cũng biết Thạch Kiên không thể ở lại Hưng Khánh lâu như thế. Một khi Thạch Kiên rời khỏi Hưng Khánh thì nhất định Nguyên Hạo sẽ tiến hành một cuộc “tắm máu” với tất cả những người tham gia.
Thực tế thì hiện giờ gã nhâm nhi ly trà, phơi nắng dưới ánh mặt trời trông có vẻ như rất ung dung tự tại nhưng thực sự thì trong lòng đang lo lắng cho Thạch Kiên. Gã và Thạch Kiên chỉ liên hệ riêng với nhau, một khi Thạch Kiên xảy ra chuyện thì ai sẽ thừa nhận gã là Thiêu Thân? Tuy lần trước triều đình đã tước bỏ công danh của gã khiến chuyện danh lợi với gã cũng trở nên nhạt nhẽo. Nhưng gã vẫn không muốn mang thân phận của một kẻ bán nước.
Một lát sau có người tới mua sách, Tiêu Tiểu Nhất vào cửa hàng, hiện giờ Hưng Khánh đang khó khăn, tổn thất của gã cũng không nhỏ. Đặc biệt là những người Hán thích đọc sách, lần này biểu hiện rất anh dũng trong trận chiến phòng thủ thành, vì thế nên cũng bị chết khá nhiều trong trận “tắm máu’ của Nguyên Hạo. Kết quả là việc kinh doanh của gã cũng đi xuống.
Người tới mua sách chính là Hà Tiềm — hộ vệ bên cạnh Thạch Kiên. Từ ngày hôm sau khi hạ được thành Ngột Lạt Hải thì y đã phụng mệnh Thạch Kiên tới phủ Hưng Khánh.
Y cầm quyển 《 Tả thị xuân thu 》lên nói:
- Ông chủ, cuốn sách này bao nhiêu tiền?
Tiêu Tiểu Nhất nói:
- Năm trăm đồng xu. Nếu khách quan có thành ý thì có thể giảm giá mười phần trăm.
Sau khi mở cửa hàng, mỗi ngày đều có người vào mua nên Tiêu Tiểu Nhất cũng chẳng để ý, chỉ tiện mồm đáp thế. Hiện giờ in tô-pi của Thạch Kiên đã được lưu truyền nên giá sách cũng giảm đi khá nhiều. Thế nhưng ở Tây Hạ vẫn chưa có được loại in tô-pi này nên giá sách vẫn rất đắt. Có rất nhiều thương nhân thấy giá sách của Tống triều rẻ thì đã buôn lậu sách từ Tống triều tới đây.
Hạ Tiềm sờ soạng túi tiền rồi nói:
- Không may rồi, ta vẫn còn thiếu chín mươi chín đồng xu.
Nghe tới đây, Tiêu Tiểu Nhất lộ ra vẻ mặt kích động, nhưng vẫn có thể là hiểu lầm nên gã vẫn nói:
- Thế không được, cửa hàng của ta nhỏ, lời lãi chẳng đáng bao nhiêu. Chỉ có thể bớt cho ngài thêm ba mươi ba đồng nữa thôi, thế này là nhiều lắm rồi.
Ba mươi ba đồng là điềm xấu, chi bằng sáu mươi sáu đồng đi?
- Ngài thật không thành thực. Lúc thì nói trên người còn thiếu chín mươi chín đồng, bây giờ lại nói bớt sáu mươi sáu đồng.
- Ông chủ, làm người thành thật là chuyện tốt, nhưng không thể thành thật quá.
Nghe được lời này, Tiêu Tiểu Nhất mới thực sự mỉm cười. Gã đang nghĩ tới việc năm xưa ngồi nói chuyện với thiếu niên kia, thiếu niên đó nói dụng ý của gã là tốt nhưng phương pháp thì trực tiếp quá, đặc biệt là những lời mà triều đình kiêng kỵ thì không thể nói ra trực tiếp như gã được. Thế là trong lúc thương lượng ám hiệu cũng đã nói tới vài câu này.